Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

THẰNG BÉ BÁN XOÀI


                   (Truyện ngắn của Nhật Thành)
Nó khệ nệ bưng thúng xoài xuống khỏi xe. Chiếc xe đạp cà tàng không chân chống ngã kềnh bên đường. Nó lấy ống tay áo đầy những vết mủ cây loang từng đám to nhỏ khoang khoang vện vện quệt mồ hôi trên trán rồi dụi dụi hai hốc mắt. Trên khuôn mặt đen nhẻm, gầy hóp má chỉ có đôi mắt là rất sáng.
   Mới độ hai giờ chiều. Nó đạp xe năm cây số từ nhà đến đây. Mặt đường nhựa bóng nhẫy, phả hầm hập hơi nóng làm rát  cả mặt. Các chị, các cô áo nắng trùm kín, chỉ hở có đôi mắt, chẳng phân biệt nổi ai với ai.
 Chưa ai mua hàng. Chỉ có những chiếc xe máy lướt qua vội vã. Khi nó bưng thúng xoài cột lên cái đèo hàng, bà bảo: “Từ từ thôi con, giờ này chưa ai mua đâu mà vội.” Nhưng bà không biết đấy thôi, bán hàng quan trọng ở  vị trí. Cái chợ cóc họp bên lề đường  này thường khoảng ba bốn giờ chiều mới có người mua, nhưng người bán thì lo lắng đi giành chỗ từ hai giờ cơ.
 Nắng vẫn đổ từng mảng lửa xuống đường. Cơn gió Lào thổi qua,cuộn  lên, tạo thành từng quầng làm hoa cả mắt. Nó thấy khát. Rồi cơn khát ngày một tăng. Nó nhìn sang hàng nước mía bên kia đường. Nước miếng tứa ra, cơn khát dịu đi một thoáng rồi lại dữ dội tra tấn nó. Túi nó không một đồng tiền lẻ. Nó nhìn thúng xoài. Những quả xoài vàng ươm, mùi thơm ngọt thật hấp dẫn. Nó định bụng tìm một quả xâu xấu, nho nhỏ ăn cho đỡ khát. Nhưng cầm lên lại đặt xuống. Những quả xoài tròn căng, bóng bánh, quả nhỏ nhất cũng đến ba lượng. Vị chi là sáu ngàn. Thôi nhịn đi, lát bán xong về tu một gáo nước mưa nơi cái chum sau nhà, nước mát rượi, xuống đến đâu biết đến đó.
  Đứng mỏi chân, nó kê dép ngồi xuống. Nó lại nhìn sang bên kia đường. Chị bán nước mía đang đập phạch phạch vào túi đá. Chà, không cần nước mía, chỉ cần cốc nước lọc, bỏ vài viên đá vào cũng đủ để làm dịu đi cơn bỏng rát đang cựa mình từ miệng xuống cổ họng, xuống lá phổi của nó. Hay sang xin chị ấy một cốc? Lỡ chị không cho thì sao? Có mà ê mặt với đám khách đang nhẩn nha nhấm nháp những cốc nước ngọt lừ và mát lạnh kia.
 Bỗng một chiếc xe máy dừng lại gần hàng của nó. Cô gái không mở khăn trùm, gọi:
-         Này, xoài mấy?
-         Hai mươi ngàn một cân chị ạ - Nó nhanh nhảu đáp và chờ đợi…
-         Cân cho chị hai cân rồi xách lại đây.
Nó nhặt xoài vào túi bóng, cân đủ hai cân rồi xách cả cân và xoài lại cho khách xem. Cô gái cầm túi xoài, đưa cho nó tờ năm mươi ngàn đồng.
-         Dạ, chị chờ em đi đổi tiền lẻ.
Nó băng qua đường để sang quán nước mía. Mới chạy hai bước, chiếc xe máy lao tới. Nó chỉ kịp kêu”Ối” một tiếng. Tờ bạc năm mươi ngàn bay là là giữa mặt đường nhựa nóng bỏng. Chiếc xe không biển số, tiếp tục lao vút đi, trốn chạy âm thanh  hô hoán của mọi người phía sau.
Mọi người chạy xúm lại, vây quanh nó.
- Thôi, cứu người trước đã. Đỡ nó dậy xem sao rồi đưa vào viện mau. Khéo mà chảy máu trong.
Cô gái mở khăn trùm, mặt tái xanh, lắp bắp:
-         Có ai…ngồi đỡ sau ... và đi với em.
   Một dòng máu rỉ ra từ tai nó, chảy xuống cổ.
  Lơ mơ tỉnh lại, nó nghe tiếng bác sĩ: “ Vẫn chưa có người nhà đến à?” “ Dạ chưa.” Cô y tá xót xa nhìn nó. Cha mẹ đâu mà giờ này vẫn chưa đến. Rõ khổ. Chưa có người nhà làm thủ tục thì sao được? Hôm nay là thứ bảy, đâu phải sẵn người? Lúc đưa nó vào đây, cô gái kia bảo sẽ hỏi xem người nhà nó ở đâu, giờ vẫn chưa quay lại.
 Nó mệt quá, thiếp đi. Cô y tá đâu biết rằng, nhà nó cách đây hơn năm cây số, giờ chỉ còn người bà sáu mươi ba tuổi, yếu lắm. Nó đang cố bòn nốt những quả xoài cuối cùng bán gom tiền cho bà đi  viện. Bà bị bệnh tiểu đường, mấy hôm nay men gan cao, bác sĩ bảo phải nằm viện điều trị. Nhưng hai bà cháu chỉ còn bốn trăm hai lăm ngàn. Hôm nào bà cũng đếm nhưng nó có thêm được đồng nào đâu. Thúng xoài hôm nay nếu bán hết, trừ hao hụt cũng được ít nhất hai trăm ngàn, đủ tiền xe cho bà đi bệnh viện nội tiết ở Vinh. Còn bốn trăm hai lăm ngàn để bà chi tiền thuốc, tiền ăn. Đã tính đến thế rồi mà…
  Giọng nói dịu dàng, âu yếm của người mẹ nào đó vọng đến bên tai, mơ hồ, thoang thoảng: “Cố gắng đi con. Chịu đau một chút nhé. Giỏi quá!”. Một giọt nước mắt rịn ra, lăn từ từ xuống tai nó, nhập vào vết máu đã khô. Sao mẹ không về với con? Bảy năm rồi, trước đây mỗi năm mẹ còn về một vài lần, thế mà ba năm nay con chưa được nhìn thấy mẹ. Bà bảo mẹ đã lấy chồng và  bận con nhỏ. Mẹ cũng không dư dả gì. Tiền tàu xe từ Ninh Thuận về đây không ít đâu. Thôi thì thêm vào gửi cho bà cháu đồng tiền ăn.
  Trong mơ màng, nó tưởng như mẹ đang đứng trước mặt. Dáng mẹ cao, thanh thoát. Mái tóc dài mượt buông xuống quá mông. Người ta bảo phụ nữ “cổ cao ba ngấn, tóc quấn ba vòng” là số sướng. Thế mà cổ mẹ cũng cao, trắng ngần như men sứ; tóc mẹ cũng dài, cũng mượt; mắt mẹ  đen, lúng liếng. Vậy mà đời mẹ khổ.
  Tâm trí nó lang thang đến những ngày còn có mẹ ở bên. Khi  bố bỏ đi vì xét nghiệm ADN và nhận ra nó không phải là con mình, mẹ nó đành dọn về ở với bà ngoại. Mẹ chán đời, mẹ bất cần đời! Mẹ cuộn tròn trong lòng người đàn ông này rồi lại lao vào vòng tay của người đàn ông khác. Những người đàn bà đến xỉa xói vào mặt mẹ: “Mày chỉ là cái mái hiên trú tạm khi người ta lỡ độ đường gặp cơn mưa. Mày tưởng mày là gì chứ?” Mẹ vênh mặt: “ Tôi là cái phòng khách sạn sang trọng, đẹp đẽ và thơm ngát. Chồng chị có chán căn phòng ngủ chật chội, bừa bộn của chị mới tìm đến khách sạn chứ.” “ Cứ cho là thế, nhưng khách sạn cũng chỉ để ngủ tạm vài đêm thôi, không thể thay thế được căn phòng chật chội nhưng luôn ấm áp vì có vợ  và những đứa con. Mày nên nhớ điều đó”. Bà khóc hết nước mắt vì mẹ. Rồi đùng đùng, mẹ bảo mẹ phải đi xa, đi vào trong Nam để thay đổi không khí. Sống ở đất này ngột ngạt lắm.
  Một cơn đau nữa lại kéo đến. Đầu nó như tê cứng đi. Rồi nó lại lơ mơ tỉnh.Nó  nghĩ về bà. Bà ăn ở hiền lành, sao trời bắt tội? Bà bảo có lẽ bà đang trả nợ cho kiếp trước của mình? Ông mất sớm, bà sống lầm lũi nuôi hai con, thế mà ở tuổi này vẫn chưa yên ổn với chúng. Con gái thì như thế. Con trai lại thất tình ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Khi đang chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới thì cô người yêu tuyên bố chia tay. Hỏi vì sao. Vì em quá nặng tình với anh ấy. Anh ấy ở đâu? Trên  “phây”!Anh ấy luôn ngọt ngào, luôn dịu dàng và chia sẻ với em mọi chuyện, chứ không phải động tí là cáu gắt như anh. Anh ấy bảo nếu em cưới chồng thì anh ấy chết mất. Em có địa chỉ rồi, chúng em sẽ gặp nhau, sẽ tiếp tục yêu nhau! Rồi cô ấy đi thật. Mãi giờ vẫn chưa trở về. Cậu của nó lang thang đâu đó, thỉnh thoảng tạt về vài bữa lại đi. Nó thương bà, nó làm mọi việc để đỡ đần cho bà, động viên bà. Nhưng nó cũng chỉ là một đứa trẻ mười tuổi, gầy đét như que củi khô.
  Đầu nó lại u u như có tiếng còi tàu. Bệnh viện vẫn chờ người nhà. Nó lịm đi sau một cơn đau dữ dội. Hồn nó biến thành một sợi tơ mỏng manh bay lên, bay cao mãi. Sợi tơ quấn vào con chim đang vút qua bầu trời  tím dần trong buổi hoàng hôn.
  Ở nhà, bà nó hết ra lại vào. Ruột nóng như lửa đốt. Mấy hôm trước nó bán xong về đến nhà khi trời đang nắng. Thế mà hôm nay trời tắt nắng đã lâu. Nó bảo xoài nhà mình dễ bán lắm mà. Hay xe bị hỏng dọc đường?
  Bỗng một con chim rất lạ bay thẳng vào khung cửa sổ. Nó đứng đó, nhìn bà bình thản. “Chim sa cá nhảy”! Bà run rẩy nghĩ đến điềm dữ. Cầu trời cho thằng bé bình yên! Giờ bà chỉ còn mỗi mình nó thôi, lạy trời lạy Phật! Chân bà đứng không  vững nữa. Nó mà có mệnh hệ gì thì bà sống sao đây? Con nam mô a di đà Phật! Con nam mô a di đà Phật! Bà lẩm nhẩm liên tục.
  Tại bệnh viện, cô y tá trực hốt hoảng thông báo:
-         Thằng bé chết rồi!

Người nhà của nó vẫn chưa đến.

50 nhận xét:

  1. Ôi, sao cái kết buồn quá chị ơi.
    Những kiếp người bất hạnh. Sự máy móc, thiếu lương tâm và trách nhiệm của những "từ mẫu" - vẫn là vậy. Cứ phải chờ người nhà đến, có tiền mới cứu người. Bất bình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ những lần đi thăm, đi chăm bênh nhân, chị thống kê được rằng, số lần bác sĩ hỏi người nhà gấp ba số lần hỏi bệnh nhân đó em.
      Câu chuyện ở bệnh viện Ba Lan ( Nghệ An) cách đây mấy năm: Một chàng trai được bạn bè đưa vào viện trong tình trạng máu me bê bết. Hỏi thì biết do đua xe nên xấy ra tai nạn. Bác sĩ trưởng khoa nhìn mấy đứa choai choai, biết không phải người nhà nên chưa cấp cứu với lí do: Đang bận ca mổ khác. Lúc sau người mẹ chạy đến gào khóc và xô đến phòng trưởng khoa. Trưởng khoa nhận ra vợ mình.Dù cấp cứu khẩn trương nhưng chàng thanh niên kia, con vị bác sĩ trưởng khoa, đã không qua khỏi vì mất máu quá nhiều!
      Còn bệnh viện tuyến huyện nơi chị ở, việc chưa có người nhà thì chưa cấp cứu, đó là lẽ đương nhiên.

      Xóa
    2. Ôi, thật là trớ trêu.
      Nếu bàn thêm một tẹo, thì em thích một nhan đề khác chị ạ. Hì. Tuy vậy em vẫn chưa nghĩ ra.

      Xóa
    3. Khi nào nghĩ ra thì nói để chị sửa, nếu thấy hợp lí, nha em.

      Xóa
  2. Truyện em viết thật dung dị, chân thực làm người dọc rất xúc động. Thương cậu bé bán xoài bao nhiêu, ta càng trách các y bác sỹ vô cảm và thiếu trách nhiệm, tình người bấy nhiêu!...

    Trả lờiXóa

  3. Vẫn cách thể hiện văn phong truyền cảm và đầy cảm xúc quen thuộc , tác giả đã lấy nước mắt của người đọc qua trang viết khá sinh động vì nó là đời thật của những ...Victo Huygô ( Những người khốn khổ ). Phía sau câu chuyện , vẫn là nhửng mảng màu đen âm u của cuộc sống mà khi đọc xong vẫn thấy ray rứt, chua chát không thôi trong lòng ...
    * Xin sửa lại lỗi chính tả AND > ADN cho người đọc vừa lòng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão không chê làm em thấy...buồn buồn.
      Em cũng muốn viết một cài gì đó vui vui, hướng vào mảng màu sang sáng, ca ngợi Đảng và chính phủ...nhưng cảm xúc cứ bị mặc định như vậy rồi.

      Xóa
  4. chuyện của chị thật lôi cuốn và xúc động...nhưng:
    Chị ơi! phần đầu cho dến chỗ "bao nhiêu tiền một cân" là hình ảnh của em một thời la lết đó....đoạn sau không phải ..em may mắn hơn...vì em không "mồ côi" và chưa bị Tn
    Em ghét cái kết của chị sao tàn ác thế...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "- Này, xoài mấy?". Đó là cách hỏi đặc...xứ Nghệ đó em. Chị đã đọc bài "Những mùa hoa phượng đi qua đời tôi" của ông xã em. Đó cũng là một tuổi thơ lem lấm bụi đường, vừa thương vừa phục, em nhỉ?
      Chị không thể kết khác, dù biết thế nó quá tàn ác em ơi!

      Xóa
  5. Truyện viết tự nhiên , giản dị mà truyền cảm. Cái kết rất nghiệt ngã, nhưng có lẽ đó mới là bản chất của hiện thực trong cuộc đời này. Và chính vì thế, tầng ý nghĩa của truyện cũng sâu sắc hơn và có giá trị thức tỉnh hơn.
    Nhật Thành quả là một cây bút viết truyện ngắn vững vàng.
    Chúc em nhiều thành công hơn nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn chị đã động viên. Em cũng chỉ tập toạng cho...khuây thôi chị.

      Xóa
  6. Truyện viết theo .... VH Hiện thực phê phán....
    QUA THĂM T-H CHÚC KỲ NGHỈ LỄ VIẾT DC NHIỀU TRUYỆN HAY NHÉ & LUÔN BÌN AN. VUI VẺ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vớ vẩn! Ngày lễ thì phải kiếm một mảnh...nào đó mà đi chơi chứ mưa. Ngồi cắm vào bàn phím chi cho khổ! He he...

      Xóa
    2. ở đây có 1 mảnh rách te tua nè.... hí hí..... ko kiếm dc kêu Mưa mưa cho mượn tạm ít ngày ...hiiiiiiiiiiiii..........

      Xóa
    3. Người Nghệ có câu: "Méo mó có hơn không", thôi thì rách te tua mà che được đôi giọt mưa cũng tốt chán! He he...Nhưng không mượn, xin xin hẳn, cho cho hẳn!

      Xóa
    4. hiiiiiiii..... muốn cho lắm nhưng người ta cứ giữ khư khư trong tay không chịu rời ra ...... hí hí.....

      Xóa
    5. Thôi thì xé đôi ra vậy. Hi hi...

      Xóa
  7. Dạo này mình lên FB đọc nhiều, càng đọc càng bắt gặp mình đau nhiều hơn. Hôm nay sang nhà bạn, lại thêm một lần thấy lòng không thanh thản.
    Bạn viết mạch lạc, dễ đọc, dễ cảm, câu chuyện lắng đọng. Nhưng mình ghét cái kết quá! Nếu bạn đã tìm được hình tượng con chim xuất hiện như một điềm báo, đồng thời như một biểu tượng về sự tự do, thoát khỏi kiếp người cơ cực..., thì sao lại không vạch ra một lối thoát - dù chỉ là hé mở chút xíu thôi - cho kết thúc câu chuyện là một điểm sáng?
    Tuy nhiên, đấy chỉ là ý kiến cá nhân mình. Mình không phải là bạn. Kết thúc Tp Tắt đèn, trước mắt chị Dậu cũng là một khoảng trời tối đen đấy thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, còn cái này nữa. Bạn cho cái nhân vật cô gái mua xoài xuất hiện, xong rồi đưa thằng bé đi bệnh viện, chứng tỏ cô ấy cũng là người tốt. Xong rồi bạn bỏ lửng, để cô ấy đi đâu mất tiêu, có phải là phí... của giời không?

      Xóa
    2. Rất quí Om vì những lời trao đổi chân tình như thế.
      Cái chết của thằng bé là không tránh khỏi, vừa là hiện thực, vừa là thể hiện thái độ bất bình sâu sắc trước cái luật "bất thành văn" trong các bệnh viện của chúng ta hiện nay.
      Con chim mang linh hồn của thằng bé về gặp bà. Trước lúc xa cói trần, nó không nghĩ nhiều về mình, chỉ thương cho người thân (bà, mẹ, cậu).
      Cô gái mua xoài không xấu, và việc cô làm cũng là việc mà nhiều người khác trong hoàn cảnh đó sẽ làm. Nhưng cô ấy chỉ nói là đi tìm người nhà thằng bé. Nhưng thật khó vì nhà nó cách đó 5 cây số và chắc chắn chẳng ai biết nó ở đâu, chỉ biết đó là thằng bé bán xoài. NT cũng không muốn cà kê chi tiết này nhiều vì sợ loãng chủ đề Om ạ.

      Xóa
  8. Theo ý em thì cả chi tiết cô gái bỏ đi lẫn kết thúc truyện đều rất hiện thực vì cuộc đời này có phải bao giờ cũng là một giấc mơ đâu. Cô gái chỉ giúp cậu bé đến mức ấy mà thôi vì biết đâu cô ta cũng không có tiền hoặc còn có những công việc khác quan trọng hơn. Nhưng em thích chi tiết sợi tơ và com chim vì nó đã mang linh hồn của cậu bé trở về bên người bà. Trong cuộc sống, đôi khi phải chấp nhận những sự thật tàn nhẫn như vậy đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải chấp nhận chứ em, vì đó là hiện thực! Viêc một người nào đó đưa hộ nạn nhân vào viện và sau đó quay lại là khó. Thậm chí nhiều người sợ liên lụy còn tìm cách tránh. Ca-mê-ra giấu kín đã phản ánh rất rõ điều đó.
      Chi tiết sợi tơ và con chim lạ đậu bên cửa sổ còn để một phần nói về cái hiện tượng kì lạ "chim sa cá nhảy" là điềm báo tin dữ mà ta vẫn gặp trong cuộc sống em à.

      Xóa
    2. Thủy này, cái mặt "dễ ghét" như thế thì đang rắc rối to đó nha

      Xóa
  9. Chị đã lồng thêm một tuyến nhân vật phụ,là mẹ thằng bé '' cái phòng khách sạn;, tình yêu trên Phây như một sợi chỉ mỏng manh xâu một chuỗi hành vi, cách ứng xử, lối sống của hiện tại.
    Sự bất ổn, truyện ngắn này chị viết từ những va đập hàng ngày với thực tế, mà mình thì chỉ có thể chuyển tải nó lên trang viết, như một sự chia sẻ, một sự giãi bày..
    Đồng cảm với chi, và xót lòng với cái kết đau đớn ..
    Giá như..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hehe..Gía như ...giá như có lão bên cạnh em hè , phãi không Ếch ?

      Xóa
    2. Ếch nói rất trúng ý đồ của chị. Nhiều người vẫn bảo chị hay tham lam khi dồn các mảng hiện thực vào trong một truyện ngắn. Nhưng chị vốn hay tham như thế.

      Xóa
    3. Chị cho em mượn tí đất chị nhé!

      @ lão Tan.
      thú thực là tiểu nữ (tặc) cũng ước.. giá như... giá như..có lão ở cạnh( mỗi khi phải tự mình.. rửa bát ) he he

      Xóa
    4. Em thì thấy chị cứ '' tham'' thế, nếu đó là điều chị muốn!

      Xóa
    5. Nhà Ếch có cô con gái ...hơi giống con gái chị. Lười vào bếp. Chị bảo nó thì nó cãi: "Sau này việc nhà con thuê người làm, không tội gì vất vả như mẹ." Thế đấy.
      Nhưng chị không nịnh nó, không hứa hẹn với nó như em, chị phải "kỉ luật sắt" với nó. Giờ thì nấu được vài món gọi là một bữa cơm gia đình.Hì hì...

      Xóa
    6. Hì hì, tiểu thư nhà em vốn biết làm nhưng không thích thôi chị ạ!
      Em thì hay đưa ra nhiều '' dự án'' với tiểu thư, he he.
      Sẽ show ảnh cho bác xem thành quả của tiểu thư nhà em !

      Xóa
    7. Trong bài của em cũng có thành quả của tiểu thư vào bếp đấy thôi? Trông rất ...chuyên nghiệp về nghề bánh!

      Xóa
  10. Truyện của Nhật Thành làm người ta cay cay đôi mắt, bởi cuộc sống là những mảnh ghép...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn chị Tâm, lâu ngày em chưa ghé chị vì bao giờ cũng...bận!

      Xóa
  11. Trả lời
    1. Chúc em gặp được nhiều bạn bè cũ nhé. Cũ bao giờ cũng tốt hơn mới em à.

      Xóa
  12. đúng là nhà văn, muốn cho ai sống là sống . muốn cho ai chết là chết .... he he...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy, có thể nói nhà văn có quyền sinh quyền sát trong tay, to ghê đó nha.

      Xóa
  13. Anh chúc em có những ngày nghỉ lễ thật vui vẻ và thoải mái nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xới luống rau thơm, trồng luống rau dền,
      Ươm mấy dây lang cạnh hàng rau ngót...
      Rửa tay xong, vào blog spot...
      He he... thế có ra thơ không nhà thơ?

      Xóa
  14. Em khác với mọi người: Kết thúc câu chuyện không có hậu! Tuy là câu chuyện thực, nhưng nếu như thằng bé bán xoài xấu số đó được gặp người thân trước khi chết thì người đọc chắc cũng được an ủi phần nào...Nhưng số phận oan nghiệt khiến thằng bé chết tức tưởi (chết không nhắm được mắt) bởi vì còn nhất nhiều việc, nhiều dự định vẫn chưa làm được (nhất là dự định kiếm đủ tiền để cho bà ngoại đi chữa bệnh).
    Cách đây hơn 40 năm, tác phẩm "Nhãn đầu mùa" của nhà văn Xuân Tùng và Trần Thanh cũng bị độc giả phê phán là hai nhà văn cho nhân vật chính kết thúc không có hậu: Cô du kích Tý của đội du kích Hoàng Ngân bị kẻ thù bắn chết tức tưởi trong trận chống càn đúng vào ngày tổ chức đám cưới của mình...)
    Chúc em luôn vui khỏe, hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ...Nhưng kết chuyện của " Nhãn đầu mùa" như lão lơ nói chỉ là một chiều . Thời bấy giờ vừa xong "Nhân Văn Giai phẩm" , các tác phẩm muốn đưa ra công chúng đều lồng ghép với mục tiêu chính trị , làm sôi sục thêm ý chí của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vì thế " Nhãn đầu mùa " nghe phong phanh bị cắt bớt phần lãng mạn trai gái và yêu cầu của tuyên huấn là có cái kết như trên để đẩy cao lòng căm thù trong cuộc kháng chiến toàn dân...
      Xin tham gia góp vài nhời trong phạm vy hiểu biết của lão.

      Xóa
    2. Lão Lơ nói chưa đúng. Truyện của em hầu hết đều kết có hậu đấy chứ.Nhưng ở truyện này...chính tác giả cũng xót xa lắm. Thằng bé chết khi chưa kịp về uống gáo nước mưa ở cái chum sau nhà cho cơn khát dịu đi. Ở thời điểm đó, nó cũng đói nữa.
      Lão Tan à, em cũng muốn cái chết của thằng bé thức tỉnh được lương tâm con người thôi. Nếu ai đọc truyện mà thương cho nó, mong nó không chết, thì đó cũng là họ đã đồng cảm với em vậy."Nhãn đầu mùa" em chưa đọc, chỉ nghe loáng thoáng từ hồi trước.Hình như ông tác giả người Diễn Châu.

      Xóa
  15. Em ơi! sao em đành để thằng bé chết? Em phải để cho nó sống mới đúng chứ! Nó sống để còn đi bán xoài, dù có thèm nước mía hay chỉ là ly nước đá, thì bán xong nó có bớt vài ngàn để mua...
    Thật xót xa cho số phận của kiếp nghèo, đơn côi....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em có để nó chết đâu chị. Đó là số phận của nó. Biết bao cái chết đột ngột để lại nỗi xa xót cho mọi người chị ơi!

      Xóa
  16. Em đọc tất cả các lời bình, thấy vui thật. Đúng là "chín người mười ý", nhưng cuộc sống thì vẫn nghiệt ngã như những gì vốn có. Nhân 30-4, em định viết về 4 người chú của mình nhưng dưới dạng một câu chuyện. Nhưng giờ thì em không viết nữa, vì thế nào chả có người nói sao lại để cho 4 người con trai trong một gia đình hi sinh hết, để lại bà mẹ già mòn mỏi đau đớn với tháng năm như vậy? Biết làm sao khi đó là hiện thực của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc. Nhưng thôi, nếu viết, em sẽ viết theo dạng kể lại chuyện hiện thực của gia đình, với tên họ cụ thể (vì giống họ của em), sẽ khỏi ai cho là em hư cấu hay kết thúc không có hậu. Nhưng như vậy mới thấy ai cũng mong muốn hướng cuộc sống đến những điều tốt đẹp. Chị vui với câu chuyện được nhiều phản hồi như thế phải không chị? Em thấy chị viết hay quá, em có muốn cũng không làm được chị à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người chú của em, một thời hào hùng nhưng đầy đau thương mất mát, những hi sinh được biết đến và những hi sinh thầm lặng...Muôn đời sau kể mãi vẫn không hết. Em kể lại chân thực nhất những gì mình nghe được, biết được và cảm nhận đươc như một sự tri ân em à.
      Chị rất trân trọng mọi ý kiến nhận xét của mọi người, rất vui vì bạn bè đọc và chịu khó gõ mấy dòng nhận xét. Chị sẽ suy nghĩ và chỉnh sửa lại để mọi người thấy cuộc sống này không chỉ một màu xám. Nhưng giờ thì để tạm thế đã em ạ.

      Xóa
  17. Lâu lắm cháu mới lại có thời gian vào đọc blog của dì :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, lo cho công việc ổn thỏa đi nhé. Vạn sự khởi đầu nan đó cháu.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa