Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

NỢ


Truyện ngắn
Người đàn ông đấm thùm thụp vào chiếc quan tài, gào lên thảm thiết:
- Trời ơi là trời! Bà đi để lại cho tui cục nợ, dừ mần răng đây trời!
Mặc! Cho dù tiếng gào có làm mọi người đến viếng  thắt ruột thắt gan thì trời vẫn bình thản xanh trên cao kia, vẫn dội từng chảo lửa xuống thiêu đốt vườn mía, nương ngô đã xơ xác, vẫn nung mềm những tàu lá chuối vốn đã oặt oẹo vì thiếu nước.
 Tiếng kèn ò í e nghe thõng thượt như tiếng thở dài.
Cái "cục nợ" mà người đàn ông gào thét ở đây không phải dùng để điều trị căn bệnh ung thư quái ác kéo dài hơn một năm nay của người vợ, vì bà dứt khoát không chịu đi viện. " Đằng nào cũng không qua khỏi, đi viện thêm nợ nần rồi sau này ông ở lại một mình, lương bổng không có, lấy chi trả?" . Cũng không phải để xây nhà xây cửa, vì hai ông bà đến hết đời vẫn đang chui rúc trong hai gian nhà chật chội vốn là hai phòng tập thể sửa lại. "Cục nợ" này là để xin việc cho đứa con gái vào biên chế giáo viên tiểu học. Từ khi cầm sổ hưu đến nay, năm năm rồi, bà có biết tiêu đồng lương hưu tròn méo thế nào đâu? Ba trăm triệu! Người đã về thế giới bên kia,  nợ thế giới bên này biết khi nào trả hết? 
 Xoan đầu tóc xõa xượi, không còn hơi sức để khóc mẹ. Cô nhìn trân trối vào bức ảnh sau làn khói hương nghi ngút, rồi thảng thốt nghĩ: " Giá như mình được xinh đẹp như cô Mỵ trong "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, để rồi có thằng A Sử bắt về trừ nợ! Là chỉ ước thế thôi, món nợ khổng lồ này giờ trở thành gánh nặng cả cuộc đời cô. Chẳng biết mười năm, hai mươi năm hay hết cuộc đời Xoan vẫn chưa trả hết?
  Nhà có hai anh em. Anh trai nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp hai, loay xoay hết làm phụ hồ rồi đi đóng gạch, chán đóng gạch lại sang làm thuê ở xưởng đá tư nhân. Người anh đen xạm, gầy quắt. Hỏi sao không học lên cùng bạn bè, đi làm chi sớm để mất cả tuổi dậy thì? Ừ thì hoàn cảnh nào theo điều kiện ấy. Bố công nhân thiếc, nghỉ một cục, cầm hơn ba triệu tiền thôi việc mua gà chăn nuôi. Lời lãi đâu chẳng thấy, chỉ thấy lương  của mẹ chia cho cả gà và bốn miệng ăn cứ nợ trước trả sau. Anh bảo, anh xấu hổ nhất là mỗi khi cô giáo nhắc tiền nộp các khoản trong năm học, chỉ còn mình anh đứng dậy, nước mắt vòng quanh, cô bảo, đã đi học thì phải nộp tiền, tiền trong qui định của nhà nước, qui định của nhà trường, qui định của Hội cha mẹ học sinh, đâu phải nộp cho cô giáo mà để cô phải đòi như đòi nợ? Anh học cũng thế thôi, con nhà nghèo như nhà mình có đậu đại học  cũng không có tiền xin việc, con cu li thì tiếp tục làm cu li thôi. Nhưng khi bàn chuyện học của Xoan, anh lại cứ khăng khăng, bố mẹ dù khó khăn đến đâu cũng phải cho em nó học. Em học khá thế, không thi đại học nó phí đi. Con sẽ vào nam, trong đó dễ xin việc ở các công ti, mỗi tháng con gửi về vài triệu phụ giúp thêm.
   Sự đời mà nó cứ đi theo những tính toán của mình thì chắc chẳng có ai phiền não! Hôm đó, lúc hơn hai giờ chiều ngày rằm tháng tư, anh gọi điện cho mẹ, nói như reo trong điện thoại,  con xin được đi làm trong công ti xây dựng mẹ ạ, hai trăm ngàn mỗi ngày, họ bao ăn bao ở luôn. Hôm nay con đi làm buổi đầu tiên, đang đứng trên giàn giáo gọi cho mẹ đây.   Ừ, thế là tốt rồi con ạ. Mẹ cười động viên anh, nhưng tắt máy, mẹ thở dài, nghĩ đến đứa con trai phải vào đời quá sớm. "Con người ta ở tuổi ấy đang mặc đồng phục tới trường... " Mẹ lẩm bẩm. Một con chim lợn bay từ đâu tới, đậu ngay cây vải trước cổng, hét lên mấy tiếng rùng rợn. Mẹ nổi cả gai ốc.  Mười lăm phút sau, chuông điện thoại lại kêu. Giật cả mình.  "Bác là mẹ của Quang phải không ạ? Bác à... " Chẳng biết đầu dây bên kia nói gì, chỉ thấy mẹ đánh rơi điện thoại, ngã lăn ra bất tỉnh. Bố hét lạc cả giọng:
- Xoan! Gọi...gọi bác Chúc, nhanh lên! Mẹ nó ơi! Ôi trời đất ơi! Chuyện chi ri trời!
Xoan lập cập mở khóa xe máy, chân ríu vào nhau.
Hàng xóm  tất tả chạy sang. Người xoa dầu, người pha nước gừng. Bác Chúc cũng đã đến. Bác rẽ mọi người ra:
- Tất cả bình tĩnh nào!
Bác đo huyết áp, đo nhịp tim, tiêm trợ sức...Vừa mở mắt ra, mẹ đã quơ hai tay lên như níu giữ cái gì đó vô hình đang bay lơ lửng trên không. " Không được! Không mà! Con ơi! Con cố gắng về với mẹ! Dù tàn tật mẹ cũng sẽ nuôi con, nuôi con..." Nước mắt mẹ trào ra. Mẹ vật vã, lăn lộn không ai giữ được. Tóc tai sổ cả ra, xù lên. Quần áo xộc xệch. Tay hết giơ lên lại cào cấu xuống chiếu. Móng tay bật máu tươi. Mẹ đấm ngực thùm thụp." Đau, đau lắm! Trời ơi! Quang ơi! Con ơi! Con chưa đầy mười bảy tuổi mà!"  Mọi người xúm lại giữ chặt cả chân và tay mẹ, bác Chúc tiêm một liều thuốc an thần. Cơn điên loạn ở mẹ dần dịu đi. mẹ ngủ.
Anh trở về trên chiếc xe tang.  Người ta bảo, anh ngã trên giàn giáo xuống, từ tầng tám của khu chung cư đang xây dở. Mẹ ngồi nhìn ngơ ngác, mắt vô hồn. Bố rũ ra như tàu lá chuối bị hơ trên bếp. Đầu óc Xoan mông lung, người như trôi bồng bềnh không trọng lượng.
  Mười năm rồi...
 Người ta lại bảo, anh chết đúng ngày rằm, thiêng lắm. Thiêng, sao anh không phù hộ cho bố khỏe mạnh? Bố cũng muốn làm trụ cột trong gia đình như bao người đàn ông khác, nhưng bố làm được gì khi phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường lại thêm thoát vị đĩa đệm? Thiêng, sao anh không phù hộ cho mẹ vượt qua căn bệnh hiểm nghèo? Mẹ đã gắng gượng hết sức để sống, không phải sống  hưởng phúc hưởng lộc gì cho mình, mà là để mỗi tháng gia đình ta còn có  mấy triệu tiền lương hưu của mẹ  trả nợ ngân hàng. Thiêng, sao anh không vặt cổ chết cái đứa  cuỗm  ba trăm triệu mà mẹ phải cắn răng chịu mất?
 Số là, Xoan học xong, đang hong hóng chờ thi công chức thì người đàn bà ấy đến, nghe bảo trước đây cùng làm trong công ti với mẹ, nhưng nghỉ lâu rồi. Lại nghe bảo, nhà thông gia của chị gái bà ta có họ hàng với ông trưởng phòng nội vụ. Ừ thì dây mơ rễ má loanh quanh cũng là chỗ người nhà. Mà bây giờ có người nhà làm trưởng phòng nội vụ thì cũng nên cơm nên cháo lắm. Bà ta vuốt vuốt lọn tóc nhuộm vàng hoe như cái đuôi bò, nguýt một cái đầy uy lực khi nghe mẹ bảo con gái tốt nghiệp bằng loại Giỏi:
- Thời đại này  bằng chỉ là thủ tục, bằng Giỏi cũng chỉ là bằng, em nên nhớ điểu đó. Thương hoàn cảnh của em, chị mới giúp. Còn nếu em cảm thấy không đủ sức thì thôi.-  Bà ta lại làm điệu bộ khinh khỉnh ra vẻ kẻ bề trên chỉ cần phán mà không cần phải nghe thông tin ngược lại.
- Em giờ còn mỗi mình nó,  giá nào cũng phải lo cho nó có cuộc sống ổn định. Anh trai nó thiệt phận cũng vì đi làm ngoài. Nó là con gái, phải vào bằng được biên chế nhà nước thì em mới yên tâm.-  Mẹ nói, rơm rớm nước mắt.
 Thị  nhìn mẹ như con mèo nhìn chú chuột đã sa bẫy:
- Nếu không phải chỗ thân tình, người ta còn lấy đến ba trăm rưỡi đấy, không tin em hỏi bà Trân xem, có phải năm ngoái bà ấy mất đến gần bốn trăm cả quà cáp thì con gái mới vào được không?
 Mẹ thở dài. Bà ta thủng thẳng:
-  Thời buổi này, nói xin lỗi em, ghế thì ít đít thì nhiều... Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn...
- Thôi thì trăm sự nhờ chị. Những việc như thế này em như ếch ngồi đáy giếng, chẳng biết mô tê chi.
 Mẹ bàn với bố, bố bảo, việc đó tùy em, em thu xếp xem có ổn không, coi mà tiền mất tật mang lại thêm khổ.
Là mẹ cũng nói ra như một sự thông báo  vậy thôi, lâu nay, từ việc nhỏ cần vài triệu bạc hay việc lớn cần vài chục triệu thì cũng chỉ mình mẹ tính toán lo liệu. Bố gần như đứng ngoài mọi sự. Mẹ thở dài, cầm cả sổ lương và bìa đất cắm ngân hàng vay đúng ba trăm triệu. Tiền trao đi, cả nhà thấp thỏm chờ đợi. Trước ngày thi công chức, " người nhà" của ông trưởng phòng nội vụ  lại đến:
- Tiền thì chị đã đưa cho họ rồi, nhưng nghe chừng năm nay giá hơi cao, em cố gắng lo thêm năm chục nữa cho chắc ăn.
- Chị ơi, sổ lương em cắm rồi, bìa đất cắm rồi, giờ chị bảo vay thì vay ở đâu? Đối với gia đình em bây giờ, năm triệu cũng khó, nói chi năm chục...
- Cái đó thì tùy em, là chị báo trước thế, nếu người khác nặng tay hơn thì mình khó... Suất biên chế công chức giờ cũng như bán đấu giá vậy thôi, ai trả cao hơn thì kẻ ấy được.
  Mẹ không thể lo thêm được đồng nào. Kết quả thi công chức của Xoan bị hỏng!  Mẹ đến đòi lại tiền, nhận được câu trả lời tỉnh bơ:
- Tiền chị đã đưa cho họ, em đến đó mà đòi!
 -  "Đến đó" là đến đâu?  Em đưa cho chị thì em đòi chị, chứ tự dưng đòi một người mình chưa gặp bao giờ?
Bà ta xả một tràng:
-  Em tưởng tiền đi đút lót mà đòi lại được sao? Chứng cớ đâu? Có phải như mua hàng siêu thị đâu mà có hóa đơn? Có phải hợp đồng kinh tế đâu mà có biên bản? Chị đã bảo xoay thêm dăm chục, lại cứ trình bày hoàn cảnh. Trong một cuộc bán đấu giá, có ai trình bày rằng thì là "tôi hơi eo hẹp vốn liếng nên ưu tiên cho tôi" không? Hay bây giờ em kiện chị? Em có đủ cơ sở để kiện không? Hả?
    Nói xong, bà ta  dắt xe ra, nổ máy ình ình.
- Thôi, về đi, chị đang có công chuyện phải đi bây giờ.
 Mẹ là người đang ở thế yếu. Yếu về kinh tế. Yếu về lí lẽ. Yếu về thế lực. Mẹ chỉ có nước mắt. Nhưng nước mắt càng nhiều thì càng yếu.
   Hàng xóm động viên, thôi, tiền mất thì đã mất rồi, thịt người có ai ăn được? Thì  đấy, vỡ hụi, kẻ vay tiền tỉ trơ trơ ra đó mà ai làm được gì? Ném nhà ném cửa chán, kéo nhau lên công an rồi cuối cùng hòa cả làng. Vay mượn có chứng cớ không? Mình đưa tiền cho người ta có hóa đơn giấy tờ biên nhận chắc? Vậy thì "bắc thang lên hỏi ông  trời" nhé. Con người ta có cái số. Số mất của thì phải chịu chứ biết làm sao? Rồi lại động viên, của tản tài ngài bình yên. Thì cứ bình yên mà sống, mà làm, mà trả nợ, ai được cứ được, ai mất cứ mất. Dân  như cỏ dại  bám đất mà sống, nhọc nhằn mà xanh. Mỗi tháng mẹ bấm bụng  trả ba triệu tiền lãi ngân hàng, chưa kể số tiền gốc ba trăm triệu kia như một núi đá mà sức mẹ thì chỉ như chiếc búa con gỡ mỗi năm được một mẩu nhỏ. Và giờ mẹ ra đi, núi nợ kia vẫn còn sừng sững!

  Sau lễ bốn chín ngày của mẹ, Xoan đang hí húi dọn dẹp nhà cửa thì thầy hiệu trưởng hồi cấp ba đến cùng với một bác  mặc quân phục. Hai người thắp hương cho mẹ xong, quay lại ngồi xuống chiếu.
- Thầy xin cho em được một suất dạy hợp đồng tại trường tiểu học Thanh Mai, mỗi tháng ba triệu, nếu đồng ý thì tuần sau em đến nhận việc, nhé?
- Ôi thầy! - Xoan ngỡ ngàng như không tin vào tai mình.
Thầy quay sang  người khách:
- Còn đây là bác Thăng,  bộ đội về hưu, hiện đang là chủ tịch Hội cựu chiến binh của huyện.
- Dạ, con cảm ơn bác đã đến thắp hương cho mẹ cháu.
 Bác Thăng nhìn Xoan với ánh mắt ấm áp rồi đem ra một gói vuông bọc giấy báo:
- Đây là ba trăm triệu mà bác và các đồng đội cũ đã lấy lại được cho gia đình cháu.
Xoan trố to mắt, ngỡ  mình đang nằm mơ! Bác là cựu chiến binh hay là ông Bụt từ trong chuyện cổ tích bước ra? Chuyện đã năm năm rồi còn gì? Thật thế sao bác? Có thật không hả bác?
 Bác Thăng kể, bác cũng mới biết chuyện về gia đình Hoan cách đây chưa lâu, chuyện anh trai Xoan bị mất vì tai nạn, chuyện mẹ Xoan bị lừa tiền chạy việc cho con, chuyện mẹ bị ung thư vòm họng... Bác đã quyết tâm tìm cách để giúp. Nói là quyết tâm, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Cũng thật may, bác gặp bác Tấn, một cựu chiến binh và lại là một thương binh trước đây cùng trung đoàn 567, chiến đấu ở biên giới Việt - Trung  năm một chín bảy chín. Những người cựu chiến binh gặp nhau, không cần nói nhiều, đã  thân thiết như người nhà. Có lẽ cái chất lính trong mỗi người vẫn còn nguyên vẹn, cho dù nay các bác đã cởi bộ quân phục để trở thành những người dân bình thường, lăn lộn đủ mọi nghề trong đời  để kiếm sống. Nghe chuyện, bác Tấn vỗ đánh "đét" vào đùi:
- Ông có biết chồng con mẹ ấy là ai không? Là thằng Tiến "sứt"! Nó bây giờ làm trang trại cam ở  Quỳ Hợp đấy. Khá lắm!
 Tiến "sứt" cũng là lính cùng trung đoàn 567. Hắn bị thương khi chiến đấu ở đèo Khau Chỉa. Ngoài vết thương ở đùi, hắn còn bị sứt mất một chút da nơi  "của quí". Biệt danh Tiến "sứt" là anh em trong đơn vị gọi đùa, sau  "chết" luôn cái tên đó.
Bác và bác Tấn gặp Tiến "sứt". Nghe chuyện, Tiến "sứt" điên lắm, bảo: " Được, hai bác cứ để em. Em sẽ dạy con mụ già nhà em một bài học."
Bác đùa:
- Liệu có dạy được không? Hay như thằng Tàu năm bảy chín tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học" rồi cuối cùng thất bại thảm hại?
Tiến "sứt" quả quyết:
- Hai bác tin em đi! Thằng Tàu vừa thâm vừa ác mà ta còn thắng nói chi!
Anh chàng Tiến "sứt" thế mà khá. Hai ngày sau, hắn đã đến "báo cáo chiến công" và kèm theo bọc tiền ba trăm triệu là "chiến lợi phẩm" thu được. Hóa ra, vợ Tiến là một mắt xích trong đường dây chạy việc. Tiến còn tuyên bố, nếu không chấm dứt cái đường dây tội ác ấy, hãy đợi ngày hầu tòa. Mụ vợ rối rít xin, rối rít hứa. Thằng cha khá thật. Không hổ danh là lính trung đoàn 567.
 Bác Thăng dừng lời đã khá lâu. Xoan vẫn ngồi im. Trong lòng dâng lên một niềm biết ơn vô hạn trước tấm lòng của những bậc cha chú, những cựu chiến binh trong thời bình vẫn luôn sẵn lòng  hi sinh để che chở, bảo vệ cho những phận nghèo. Thầy giáo hiệu trưởng cũ cất lời:
- Bước đầu là thế, em cố gắng trau dồi chuyên môn, tạo được uy tín với học trò và phụ huynh. Sang năm có chỉ tiêu biên chế, thầy sẽ tìm cách giúp em, em đừng lo.
  Thầy dừng lại, âu yếm nhìn người học trò cũ rồi tiếp:
- Tuy nhiên, nếu em được biên chế, em phải dành cả cuộc đời mình để trả nợ, đó là món nợ ân tình của  bác Thăng  và nhiều người khác đã giúp đỡ em. Nợ không trả bằng tiền, mà trả bằng tấm lòng của em đối với các thế hệ học trò.Nhớ chưa?
 Xoan nhìn thầy, cảm thấy mình bé nhỏ :
- Em...em...cảm ơn thầy nhiều lắm!  Nhưng thầy ơi , thời buổi này mà không có tiền thì không vào được biên chế đâu . Đó là luật bất thành văn  mà.
  Bác Thăng nói chậm rãi và nhỏ nhẹ:
 - Chính vì ai cũng suy nghĩ như cháu nên những cái xấu xa  ngang  nhiên  tồn tại! Tại sao những kẻ có chức, có quyền trắng trợn cướp bóc của dân mà không bị lên án? Tại sao tệ nạn tham nhũng không thể chấm dứt? Nó chẳng khác nào căn bệnh ung thư quái ác, cắt bỏ chỗ này thì nó lại di căn ra nhiều nơi khác. Nhưng chẳng lẽ chúng ta bó tay? Không! Chúng ta phải ngăn ngừa! Muốn ngăn ngừa được thì phải hiểu biết cặn kẽ về nó, không để cho nó có cơ hội xuất hiện!
Phải triệt nó ngay từ khi mới manh nha, đừng để đến khi nó đã tấn công rồi thì mới chống!
Quỳ Hợp 30/3/2019





    



2 nhận xét: