Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

NHÀ HÀNG XÓM PHÍA SAU LƯNG


(Truyện ngắn)

  Con bé Na nhô cái đầu lên khỏi bờ tường, chỉ nhìn thấy hai bím tóc cột cao vắt vẻo và đôi mắt đen lay láy. Nó gọi thật  nhỏ:

- Bà ơi!

Bà Tâm đang têm giở miếng trầu, ngoảnh ra, cười  bằng mắt:

- Ừ, đợi bà chút - bà cũng nói nhỏ như sợ ai nghe thấy.

 Bắc chiếc ghế vào sát bờ tường, bà lại thầm thì dặn như bao lần trước:

- Cẩn thận nghe chưa.

- Cháu biết rồi !

 Con bé cũng thầm thì , nhưng vừa dứt tiếng "rồi" thì nó đã tót  xuống  đất. Nó dứ dứ bọc giấy trước mặt bà, giọng ra vẻ người lớn:

- Khoai nướng đây. Nhưng để cháu cầm vào nhà cho, hãy còn nóng lắm, bà mà cầm lỡ bỏng thì khốn!

 Bà Tâm cốc yêu vào trán nó:

- Cha tổ con, da con non mới bỏng, da bà già rồi, cầm than còn được nói gì cầm củ khoai!

 "Đôi bạn " cùng tuổi Quý Tị nhưng cách nhau "lục thập hoa giáp" thân thiết với nhau lắm. Chẳng thế mà bạn  tám tuổi đã bày mưu cho bạn sáu mươi tám tuổi cách vào nhà bằng việc leo tường:

-  Phía ngoài cháu bắc cái ghế, phía trong bà cũng đặt cái ghế, thế là ô kê!

 Sở dĩ phải bày mưu là vì lần đầu tiên thấy nó chơi thơ thẩn một mình ngoài ngõ,  bà mở cổng bảo con bé vào chơi cho vui, tối đó con trai gọi điện về:

- Tuyệt đối không cho ai vào nhà mẹ nhé. Con bé ấy lại càng không cho. Mẹ có biết nó là ai không? Nó là con gái của nhà hàng xóm sau lưng đó.

 À thì ra kẻ mách lẻo là cái camera kia . Ai vào ra cổng nhà, dù ban ngày hay ban đêm, con mắt nó đều soi thấy hết. Đã thế, con trai ở cách xa hơn trăm cây số mà chỉ nhìn vào điện thoại là thấy nhà như ngay trước mặt! Tài đến thế là cùng!

 Biết không thể giấu con, bà thở dài:

- Được rồi, mẹ rút kinh nghiệm.

  Khi quyết định chuyển công tác , vợ chồng thằng Thiêm về quê rước bà lên trông nhà.Trước khi đi, chúng  dặn đi dặn lại:

 - Hàng ngày mẹ cứ chốt cổng và khóa  cẩn thận, cần gì chúng con gọi họ ship, mẹ chẳng cần đi ra mất công, nhé.

 Bà vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa đáp thong thả:

 - Mẹ mới sáu tám tuổi thôi, chân tay còn khỏe, đầu óc còn minh mẫn, đâu cần "phục vụ tận giường"  như thế?

Con dâu bảo:

- Đang thời kỳ dịch dã, không đi ra ngoài càng tốt mà mẹ. Hơn nữa, hàng xóm ở đây chẳng ra gì đâu. Dân góp mà. Mẹ đừng mở cổng kẻo họ lại vào nhà chơi, rách việc! Nhất là phải cảnh giác với nhà hàng xóm phía sau lưng.

- Thôi, mẹ biết rồi! Mẹ giờ làm tù nhân trong ngôi nhà của vợ chồng con, đúng không?

  Thiêm  xách chiếc va ly ra xe, quay lại cười:

- Sao mẹ cứ nghĩ nặng nề thế? Nếu buồn thì mẹ cứ mở ti vi ra mà xem. Khi nào buồn ngủ thì ngủ, không cần tắt, để nó nói cho vui cửa vui nhà.

- Thôi, hai đứa yên tâm mà đi, đừng lo - bà Tâm  vừa nói vừa vứt cái bã trầu vào bô, lấy ngón trỏ và ngón cái vuốt hai bên mép, vệt trầu đỏ sẫm ngón tay - muốn mẹ vui thì sinh con đi, thằng Thiêm gần bốn mươi rồi đấy.

  Thiêm hất hàm về phía vợ đang  khom người chui vào xe, chiếc váy ngắn bó sát thân hình tròn lẳn, để lộ đôi chân dài trắng muốt nuột nà:

 - Cô ấy không chịu thì con tự sinh được chắc?

 Con dâu vừa thắt dây an toàn vừa cười:

- Mấy năm nữa trả hết nợ mua nhà, góp được tiền tỉ chúng con sinh cho mẹ một đoàn cháu luôn! Anh Thiêm gần bốn mươi nhưng con mới hai sáu tuổi, lo gì! Hi hi...

 Xe chuyển bánh, bà Tâm thở dài bước vào nhà. Ngôi nhà im ắng, lạnh lùng.

   Bọn trẻ bây giờ lạ thế, đứa nào cũng lo chuyện làm ăn, kiếm tiền. Việc lập gia đình, sinh con đẻ cái, chúng chẳng bận tâm.  Đấy, con Thảo thì lao vào bán hàng online . Nó thuê hẳn một gian hàng, rồi suốt ngày "lai chim" trên điện thoại. Vốn kiến thức học được trong bốn năm đại học sư phạm môn  Ngữ văn  giờ chỉ dùng để quảng cáo, chào mời, thu hút khách hàng . Thoắt cái, mới bán online  mấy tháng, nó thuê cả một đội ngũ đi ship. Gần thì đưa trực tiếp, xa thì gửi bưu điện. Quần áo cứ nhập về, bán đi như nước ào ạt chảy không ngưng không nghỉ. Khi bà nhắc đến chuyện đi xin việc, nó cười giòn tan:

- Chạy vào biên chế giáo viên phải nộp cho họ  ba trăm triệu, lương mỗi tháng chưa đầy bốn triệu bạc, lại còn trừ ngược trừ xuôi, ba trăm triệu kia lại còn tiền lãi,  mẹ tính xem con phải còng lưng làm  nuôi họ bao nhiêu năm? Trong lúc đó, với ba trăm triệu làm vốn , con nhập hàng  bán quần áo online, trừ tất tần tật, một tuần thu nhập bằng cả tháng lương giáo viên mới ra trường ấy chứ!

 Bà Tâm giảng giải cho con:

- Biết là bây giờ con kiếm được tiền, nhưng sau này, về lâu về dài, có được mãi thế không? Còn vào biên chế nhà nước, lương ba cọc ba đồng đấy, nhưng được cái ổn định con ạ. Nếu không, người đời đâu có dại mà quẳng ra một đống tiền để xin vào biên chế hả con?

 Thảo ôm lấy cổ mẹ:

- Mẹ đừng lo. Thế hệ của chúng con, ai năng động, tháo vát thường thích ra ngoài bươn chải. Bọn con không muốn ngậm cái "vú" biên chế nhà nước để chấp nhận theo kiểu "ăn đói nằm co hơn ăn no vác nặng" như thời của bố mẹ nữa đâu!

 Rồi Thảo nói tiếp:

-   Mà mẹ không thấy chị Thơm, chị Tình, chị Như  con nhà bác Hoài đó sao? Đi dạy hàng chục năm rồi, muốn mua cái xe vài chục triệu cũng cắm lương ngân hàng, muốn sửa cái bếp cũng cắm lương  ngân hàng, thậm chí mua cái bình nước lọc dăm triệu cũng vay chỗ nọ mượn chỗ kia! Vậy mẹ bảo ổn định là ổn định ngày ba bữa cơm, đúng không?

 Bà Tâm thở dài:

- Thì đành là vậy, nhưng sau này có lương hưu, chẳng phải lo nghĩ gì .

 Thảo đứng dậy, lại cầm túi xách:

- Mẹ cứ lo! Giờ con kiếm tiền, gửi vào ngân hàng vài tỉ. Sau già lấy lãi ăn dần chắc cao gấp đôi lương hưu mẹ bây giờ! Thôi, con phải ra quán đây.

  Đấy, nhà còn hai mẹ con,  lúc nào cũng mỗi người một quan điểm. Nó bảo, mẹ lạc hậu , mẹ lỗi thời, mẹ là công dân thời bao cấp... Con với chả cái! Nghĩ, rồi bà lại chặc lưỡi: "Thôi kệ. Bố nó thiệt phận sớm, may mắn hai đứa con cứ thế ăn học và không phá phách gì là tốt rồi. Đời cua cua máy,đời cáy cáy đào. Mình đâu  lo cho chúng được mãi!" Giờ lên đây trông nhà cho anh nó, bà lại vẩn vơ  nghĩ và lo. Gần tết rồi, chẳng biết dịch dã thế này ở quê nó có bán chác gì được không. Nghe bảo dây rợ chăng ngang chăng dọc khắp xóm. Trên này, điệp khúc trên loa phát thanh công cộng cứ ra rả: " Đại dịch Covid -19 đang diễn biến vô cùng phức tạp..." Cứ đà phức tạp mãi thế này thì thiên hạ cũng phải đơn giản hóa đi mà làm ăn sinh sống chứ, chẳng lẽ ...

- Bà! Bà nghĩ gì mà thần mặt ra thế?

  Bé Na ngước đôi mắt tròn xoe nhìn lên mặt bà. Bà Tâm cười:

- À, bà nghĩ chẳng biết bây giờ củ khoai to thế thì bà có ăn hết không đây?

- Hết quá đi chứ! Cháu còn ăn hết một lúc những ba củ cơ!

- Ba củ to bằng ngón tay chứ gì?- Bà Tâm cười trêu .

 Na thật thà:

-  Mẹ cháu dạy, đã cho ai là phải cho miếng ngon, còn miếng không ngon thì mình ăn. Thế nên cháu chỉ ăn củ nhỏ thôi, còn củ to thì cho bà.

- Vậy bây giờ hai bà cháu mình ăn chung nhé?

- Không, cháu ăn no rồi. Hôm qua cháu về mách mẹ, bà bị táo bón. Mẹ bảo  con nướng khoai  đem sang cho bà. Sẵn bếp mẹ vừa nấu rượu, cháu xin mẹ nướng  luôn mấy củ. Hì hì... - Na cười hồn nhiên.

- Cha bố cô! - bà Tâm dí ngón tay vào giữa cái trán trắng xanh của nó - cái gì cũng về mách mẹ sao?

 Câu chửi yêu của bà vô tình nhắc tiếng "bố"  làm mắt con bé chùng xuống:

- Cũng sắp tết rồi, chẳng biết bố cháu trong đó có được ăn tết không bà nhỉ?

 - Có chứ! Các trại giam bây giờ cũng đàng hoàng lắm. Những tù nhân đã bước sang giai đoạn lao động cải tạo thì vẫn sống vui vẻ, có ti vi, có sân bóng, có phòng đọc báo... Ngày tết cũng gói bánh chưng, cũng làm các món cổ truyền như ở ngoài thôi, rồi tổ chức đón giao thừa nữa.

 Bà Tâm nói những điều mà bà chỉ nghe chứ chưa có dịp tận mắt chứng kiến. Nhưng nghe cách khẳng định chắc chắn ấy của bà, bé Na vui vẻ trở lại:

- Thôi, giờ để cháu lau bàn và đánh cốc chén cho bà nhé, uống thuốc bắc nhanh bẩn cốc lắm.

  Nhìn con bé hoạt bát, nhanh nhẹn và đáng yêu như thế, bà Tâm thấy vừa vui, vừa buồn. Vui vì mẹ con nó bây giờ đã bình tĩnh sống, dù vẫn chịu sự kỳ thị của những người xung quanh; buồn vì tuổi thơ của nó đã phải nếm chịu vị đắng của cuộc đời quá sớm. Bố đi tù, đâu phải chỉ một mình bố nó là tội phạm, mà cả ba mẹ con nhà nó cũng phải "đi cúi đầu về cúi cổ" chẳng khác gì mình phạm tội. Chuyện bố nó đi tù thì bà đã nghe thằng Thiêm kể rồi. Đại khái, anh ta trước đây vốn cũng hiền lành, thật thà. Chẳng biết mấy năm theo hội đi đào vàng  trên Quỳ Châu có được phân nào, chỉ nào mang về cho vợ con  không, nhưng anh ta dính vào hai cái nghiện chết người: đánh bạc và ma túy. Bao nhiêu lần bị công an thị trấn bắt, phạt, tạm giam, rồi lại thả ra. Thả ra lại phạm tội , lại bắt. Vợ khóc hết nước mắt rồi. Nhưng như người ta bảo, nghiện hai thứ đó chỉ có thay máu và tẩy não đi may ra cai được! Mà chưa có điều kiện thay máu tẩy não nên hàng xóm phải chịu trận. Từ mất con gà, con vịt đến cái máy bơm nước, cái quạt điện. Sau vụ anh ta cắt khóa cổng, ăn cắp xe máy dựng trong sân của nhà hàng xóm thì đi tù hẳn, nghe đâu sáu năm thì phải.  Ừ thì, việc vào tù đối với anh ta chẳng có gì là ghê gớm, nhưng tội là tội ba mẹ con ở nhà . Người lớn bảo," gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", chơi với con nhà đó chẳng biết đen hay không nhưng mang tiếng lắm, biết chưa? Thế là hai đứa trẻ, một học lớp tám, một học lớp hai, bị bạn bè xa lánh. Mà chúng cũng biết thân biết phận nên chẳng dám  đến chơi cùng lũ bạn. Thằng anh thì gần như ngồi lỳ trong nhà, còn con em nhiều hôm  thấy bọn trẻ chơi trò "thả đỉa ba ba" cứ đứng nhìn với ánh mắt thèm thuồng không giấu diếm. Từ hôm  được bà Tâm gọi vào nhà chơi, con bé vui lắm. Và bà cũng vui nữa, vì có bạn để nói chuyện. Mà con bé cũng thật dễ thương.

 - Bà ơi, ấm đựng nước thuốc này cũng cáu bẩn lắm rồi bà ạ. Để cháu làm sạch luôn nhé.

 Bé Na nghiêng miệng ấm cho bà Tâm xem, đáy ấm vàng sậm một lớp do nước thuốc lâu ngày đóng lại.

- Cháu làm sao để sạch được?

- Bà yên tâm đi, cháu giỏi lắm đấy. Hì hì...

 Vừa cười, Na vừa lấy chiếc khẩu trang bỏ vào ấm. Với một ít nước, nó đun sôi. Lạ thay, chiếc khẩu trang y tế vàng xuộm còn đáy ấm đã sáng lên.

- Cháu giỏi thật! Mẹ dạy cách làm à?

- Không, cháu xem trên mạng đấy bà. Từ hôm có chiếc điện thoại thông minh của ông già Noel tặng hai anh em để học trực tuyến, thỉnh thoảng cháu xin anh vào xem mấy mẹo vặt, hay lắm.

 - Nhưng hôm nào cũng sang chơi và giúp bà thế này, mẹ có mắng không?

   Na chạy đến ôm bà, thủ thỉ:

- Bà ơi, mẹ cháu bảo, con người ta kiếp này  chịu nhiều đau khổ vì kiếp trước phạm lắm lỗi lầm, nhưng nếu làm được nhiều việc tốt, giúp được nhiều người thì kiếp sau sẽ sung sướng. Cháu cũng muốn làm nhiều việc tốt, nên bà cứ để cháu giúp bà nhé?

- Khổ, cháu mới tám tuổi thôi, sao cứ như bà cụ tám mươi vậy hả?

 Na như không để ý đến câu nói của bà Tâm, úp đầu vào ngực bà:

- Cháu không quan tâm kiếp sau của cháu thế nào, nhưng cháu muốn giúp được nhiều việc cho người khác, mong sao trừ bớt tội lỗi cho bố cháu...

 Bà Tâm vỗ vỗ vào lưng đứa cháu bé bỏng, nói như với một người lớn:

- Mọi lỗi lầm rồi sẽ được xóa sạch nếu con người ta biết quay đầu về phía ánh sáng, cháu ạ.

  Bỗng điện thoại nổi nhạc cắt ngang câu chuyện của hai bà cháu. Bà Tâm bật zalo:

- Mẹ!- Thảo gọi giọng nũng nịu.

- Hôm nay không "lai chim" sao mà gọi cho mẹ giờ này?

- Ôi, bà cũng biết "lai chim" à? Xịn thế?- Bé Na nói xen vào.

- Ơ, có bé con nhà nào đến chơi với mẹ vậy?

- À, bé Na, con nhà hàng xóm phía sau lưng nhà anh con.

 Thảo chững lại một giây rồi nghiêm giọng lại:

- Con nhà hàng xóm phía sau lưng? Sao mẹ cho nó vào nhà?

 Bé Na tái mặt, lí nhí chào bà rồi phóng ra bờ tường, nhảy phóc lên ghế, lên tường và ra ngoài nhanh như một con sóc. Bà Tâm bực mình, tắt phụp điện thoại. Mấy hồi chuông nữa. Mặc kệ nó. Bà uống cốc nước thuốc rồi đi nằm.

 Thảo có mặt chỉ sau hơn ba tiếng đồng hồ. Vừa dựng xe, tắt máy, nhìn thấy mẹ, cô vừa cởi khẩu trang vừa la lên inh ỏi:

- Mẹ làm sao vậy? Con mới hỏi thế mà đã tắt điện thoại là sao? Con nói thế không đúng à? Anh chị con đã dặn mẹ rồi còn gì? Sao mẹ chỉ vì một con bé hàng xóm mà giận con? Mẹ thật quá đáng!

 Bà Tâm  điên tiết, định mắng cho con gái một trận. Nhưng nhìn thấy nó nước mắt lưng tròng, tóc tai rối tinh rối mù , mặt mũi phờ phạc vì chạy xe máy đường dài, bà hạ giọng:

- Thôi, vào nhà đi, có gì mà con làm như cháy nhà vậy?

- Lại không hơn cháy nhà ấy. Vừa gọi chưa kịp nói gì là mẹ tắt điện thoại, gọi lại cũng không trả lời. Đáng lẽ mẹ phải hỏi xem con gọi có việc gì đã chứ?

 Bà Tâm cười dàn hòa:

- Được rồi, vậy có việc gì mà phóng xe cả hàng trăm cây số lên đây vậy con dở hơi?

Thảo cũng cười giả lả:

- Dạ, thì lâu ngày con gái lên ngủ với mẹ để sờ ti mẹ chứ sao? Mà có gì ăn tối chưa mẹ, để con đi mua?

- Ôi trời, con dâu nó gọi họ ship thức ăn cho mẹ đầy trong tủ ấy. Thích ăn gì thì nấu cái ấy. Để mẹ cắm cơm.

 Thảo lấy lược chải lại mớ tóc uốn búp đã bị gió xoa tơi tả như đống rơm vàng ươm trên đầu. Bà Tâm vừa cắm cơm, vừa hỏi:

- Dạo này hàng hóa có chạy không? Dịch dã dưới quê bùng phát như vậy có ảnh hưởng gì không?

- Dạ, bọn con phải đóng cửa mất mười bốn ngày vì có F1 vào mua hàng. Giờ bán lại rồi nhưng ế lắm mẹ. Số hàng tồn đọng nhiều vì không ship được. Mà giờ lại phải bán quần áo tết, quần áo mùa đông đành dồn vào kho. Vốn đọng lại nhiều quá mẹ ạ. Con đang định lên mượn tạm của mẹ mấy chục, ra tết con trả.

 Bà Tâm thở dài:

- Đấy, làm ăn ngoài nó phập phù thế đấy, không như công chức nhà nước...

  Thảo vừa xịt dầu dưỡng  vừa bóp bóp mấy lọn tóc để nó vào nếp, xẵng giọng:

- Mẹ lại thế rồi. Tóm lại là mẹ cho con mượn năm chục mọi hôm, nhé?

- Mẹ còn cả thảy bốn mươi hai triệu thôi.

- Ơ, vậy tám triệu mẹ  tiêu gì rồi? Mà chắc mẹ cho ai vay chứ lên đây anh chị bao cấp hết, mẹ có đi chợ đâu mà tiêu tiền, nhỉ?

- Mẹ tiêu... à, ừ, mẹ cho họ vay tạm.

- Lên đây mẹ quen ai mà cho họ vay?

- Cái con này! Mày hỏi cung mẹ đấy à?- Bà Tâm bỗng nổi khùng.

 Thảo ngớ người, nhìn mẹ trân trân rồi giọng cô trở nên hốt hoảng:

- Mẹ! Mẹ nói thật đi, mẹ bị mất tiền, đúng không?

- Mất đâu mà mất! Vớ vẩn!

- Thế tám triệu kia mẹ cho ai vay?

 Bà Tâm  xẵng:

-  Tiền mẹ, cho ai vay là quyền của mẹ, sao con cứ tra hỏi thế?

 Nói rồi bà lảng chuyện bằng cách vào bếp, mở tủ lạnh lấy mấy thứ thức ăn trong ngăn đá ra. Thấy thái độ của mẹ, Thảo đâm ra nghi ngờ. Mẹ cô từ trước tới nay chẳng giấu cô điều gì, sao hôm nay lại thế? Cô đi đi lại lại trong phòng khách, nghĩ ngợi. "Đúng rồi, chắc chắn là mẹ mất tiền! Còn ai vào đây nữa. Được, nếu mẹ ngại thì mình sẽ nói, nói cho ra nhẽ." Cô trở giọng bình thường, bảo bà Tâm:

- Mẹ ở nhà, con đi ra đây chút.

 Thảo ra khỏi cổng, khóa lại cẩn thận và bước thật nhanh.

 Thấy Thảo xuất hiện trước cửa, bé Na ngạc nhiên rồi hốt hoảng, sợ hãi. Bé tái mặt, ấp úng:

- Cháu...cháu ...chào cô.

- Ừ, mẹ mày đâu?- Thảo lấy giọng đe nẹt.

 Bé Na bỗng òa lên khóc:

- Cô ơi... mong cô tha cho cháu! Cháu sai rồi! Cháu xin lỗi cô!

 "A, không ngờ con bé này nhận tội nhanh thế."- Thảo nghĩ. Cô lớn tiếng:

- Biết sai là tốt! Vậy mày để tiền ở đâu? Đưa ra đây!

 Mẹ bé Na từ sau nhà đi vào, tay còn cầm cả que quấy cám lợn đang dính bột ngô vàng khươm.

- Gì vậy con? Ơ, cô là ai? Có việc gì mà sai đúng với con bé vậy?

- Việc gì à? Chị hỏi con bé nhà chị ấy.

 Mẹ bé Na nhìn con đang co rúm lại trong góc tường, quát:

- Con làm gì cô ấy? Nói!

 Na khóc òa lên rồi nức nở:

- Con...con... trèo tường ...vào nhà bà Tâm...vào nhà bà Tâm...

 Thằng anh nãy giờ vẫn ngồi im trong phòng theo dõi câu chuyện. Nó thủng thẳng đưa chiếc điện thoại OPPO còn mới ra:

- Có phải em lấy tiền của người ta mua điện thoại cho anh học online rồi vờ bảo của ông già Noel tặng, đúng không?

 Bé Na tròn mắt:

- Không  phải! Ông già Noel tặng thật mà! Em làm gì lấy tiền của ai?

 Người mẹ chợt hiểu ra: "A, mày hư! Hư thật rồi! Tao đánh cho mày mất cái thói ăn cắp ăn trộm!" Chiếc que quấy cám được dịp in lằn lên lưng bé. Na khóc thét lên. Người mẹ đánh xong cũng ôm mặt khóc gào như có người chết. "Trời ơi là trời! Tôi gây tội gây tình gì mà trời hành tôi khổ thế này trời ơi! hết chồng rồi đến con! Tôi sống làm gì nữa trời ơi! Thằng trời đánh kia, sao thấy em làm dại mà không nói với mẹ? Sao lừa mẹ là mượn điện thoại của bạn, hả? Trời ơi là trời!"

 Hàng xóm nghe tiếng gào khóc thì rầm rập chạy đến. Bà Tâm chạy ra chạy vào, không tìm thấy chìa khóa cổng. Tiếng lao nhao bên hàng xóm làm bà nóng ruột  chẳng hiểu có chuyện gì. Hoảng quá, bà đánh liều bưng ghế ra bờ tường làm theo bé Na để trèo ra. Ì ạch mãi bà cũng đặt chân được xuống đường.    

 "Rõ là cha nào con nấy! Cha ăn trộm thì con ăn cắp!". " Con nhà công không giống lông cũng giống cánh mà" " Công công cái con khỉ, con nhà chim Cắt thì có.". Hàng xóm mỗi người một câu, bà Tâm nghe chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì. Vào nhà bé Na thấy con gái mình đang sừng sộ ở đó.

- Có chuyện gì mà con sang đây hả Thảo?

 Thảo chộp cái điện thoại trong tay thằng anh, giơ lên:

- Đây, tám triệu của mẹ đây.

- Thì sao? Con định sang đòi lại chắc?

- Hóa ra mẹ biết nó ăn cắp mà vẫn im lặng?- Thảo tròn mắt ngạc nhiên.

- Ai ăn cắp?-  Đến lượt bà Tâm tròn mắt.

- Con bé này ăn cắp tiền của mẹ rồi mua điện thoại cho anh nó học online, lừa là của ông già Noel tặng đấy.

 Bà Tâm chợt hiểu ra. Bà lấy điện thoại bấm gọi. " Cháu đến đây bà nhờ chút". Hai phút, anh thanh niên ship hàng quen thuộc của bà Tâm đến.

- Con nói cho bà về chiếc điện thoại này với.

 Anh thanh niên ship hàng cười thật tươi, chỉ vào bà Tâm:

- Đây là "ông già Noel đại gia"mà cháu biết. "Ông" đã nhờ cháu mua chiếc điện thoại này tặng cho hai anh em để học trực tuyến trong mùa dịch này đấy.

  Mọi người "ồ" lên một lượt. Thảo chống chế:

- Sao lúc nãy con bé nhận là đã trèo tường vào nhà?

  Bà Tâm giải thích cái việc trèo tường của bé Na cho con gái hiểu rồi quay ra nói với mọi người bằng cái giọng như ngày nào bà còn đứng trên bục giảng :

- Các ông các bà, các cô các chú ạ, dịch dã lan tràn, diễn biến phức tạp, nhiều khu dân cư bị cách ly, bị phong tỏa. Nhưng điều đó vẫn không đáng sợ bằng việc trong lòng mỗi người chúng ta có sợi dây vô hình cách ly nhau. Sự cách ly ấy làm hao tổn tinh thần con người ta ghê gớm lắm, nhất là bọn trẻ con, chúng rất nhạy cảm nên dễ tổn thương.

 Mọi người im lặng. Bỗng ông Ba cất giọng oang oang:

 - Đúng vậy bà con ạ. Thôi, Cô vi cô vít gì mặc kệ nó ngoại kia, giao thừa này ngõ ta đang an toàn nên vẫn đốt lửa hát hò nhảy múa và phá cỗ giao thừa ngay đường này nhé. Mẹ con nhà Phấn cũng không được vắng mặt đâu đấy.

  Mẹ bé Na đang xoa dầu vào vết lằn đỏ tấy trên lưng con,  khe khẽ đáp:

- Vâng ạ.

  Điện đường đã bật sáng trưng đến từng con ngõ hẻm. Trời vẫn lạnh, nhưng hình như trong gió đã có những sợi xuân mỏng manh, mại mềm,  ấm áp.

Cuối năm 2021

Nhật Thànhf
(Truyện đã đăng Tạp chí SÔNG LAM)

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

1 nhận xét: