Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

BẾN MÊ


( Truyện ngắn)

 

  Con gái gọi điện, ríu ran:

- Mẹ, mẹ xem hộ con lấy chồng hợp người tuổi  gì nào? Nếu hợp để con quyết luôn!

 Nghe thế, bà Loan mừng húm. Trời ơi, thế là con bé đã chịu nói đến chuyện lấy chồng rồi đấy. Điều mà bà đã chờ đợi hơn chục năm nay. Ông Bình trước lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn trân trối nhìn nó. Nó hiểu cái nhìn đó, thầm thì: " Bố yên tâm, con sẽ lấy chồng và chắc chắn sẽ hạnh phúc!".  Nhưng "sẽ" có nghĩa là việc đó đang ở phía trước. Phía trước là lúc nào? Bao nhiêu năm? Bà rối ruột rối gan khi nó gần ba mươi,rồi ngoài ba mươi, ngoài ba lăm... Bạn bè của nó đã có con học cấp hai, thậm chí cấp ba, còn nó thì vẫn trơ trọi một bóng đi về. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, nhiều nơi mời nó làm việc, nhưng nó chọn một công ti liên doanh nước ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh, lương tháng hai mươi triệu, rồi ba mươi triệu, năm mươi triệu... Nó mua chung cư cao cấp, mua xe tiền tỉ. Mỗi lần về, nó sắm sửa cho bà bao nhiêu là tiện nghi đắt tiền! Nhưng tất cả tiện nghi ấy chúng lạnh lùng lắm, câm lặng lắm,  lầm lỳ lắm. Mỗi khi đi dự đám cưới, các U50, U60 mấn váy xập xòe, phấn son dày cộp nhưng câu chuyện chỉ xoay quanh việc trông cháu, thăm cháu, rồi kêu ca cái sự bướng bỉnh, nghịch ngợm, cá tính của chúng. Ánh mắt các bà ngời lên niềm hạnh phúc vô bờ! Thôi thì các bà cứ tíu tít, cứ rộn ràng, cứ râm ran, cứ sung sướng đi, nhưng đừng liếc xéo sang bà mà hỏi, con Sóc đã có ai chưa, lâu cho chúng tôi ăn cỗ thế? Ôi! Lời nói không phải là dao mà cắt đứt từng khúc ruột của bà thế này!  Ừ thì con gái tuổi Dần thường cao số, nhưng cao đến đâu? Ba lăm qua rồi. Bốn mươi? Bốn lăm? Bà chán nản. Bà bi quan. Bà tự dằn vặt mình. Người ta bảo "phúc đức tại mẫu", phải chăng chính bà đã làm khổ con? Bà cầu xin trước vong linh chồng. Bà đi lễ chùa  cầu xin Thần  Phật phù hộ độ trì. Rằng bà có tội, bà lầm lỗi, bà lỡ sa chân vào bến mê, mong bề trên hãy trừng phạt bà thế nào cũng được, xin đừng bắt tội con của bà! Vâng, bến mê! Thời trẻ, bà đã ngụp lặn trong đó, đã chìm đắm trong đó... Men dọc thời gian ngược về quá khứ, tâm trí bà neo lại tuổi ba mươi hai.

***

   Hôm ấy...

    Loan khoác chiếc túi xách nhỏ nhắn màu mận chín lên vai, quay đi quay lại trước gương ngắm nghía. Nó thật hợp với chiếc váy đỏ ngắn đến nửa đùi, để lộ cặp giò trắng mịn, nõn nà. Cô liếc đồng hồ. Anh ấy hẹn chín giờ, bây giờ mới chín giờ kém mười lăm. Còn sớm chán! Vả lại cho dù không sớm nữa thì đã sao! Anh bảo mỗi phút được chờ đợi Loan là một phút hạnh phúc của anh mà. Vậy thì, thưa hoàng tử của lòng em, em cho phép anh được hưởng nhiều phút hạnh phúc nhé, đừng có mà sốt ruột đấy. Loan đang vừa xoay người uốn éo trước gương, vừa mỉm cười nghĩ thầm như vậy thì  nghe tiếng xe máy lao vào sân.  Mận  chạy ào vào nhà, nằm vật ra giường.

         - Ơ, cái con này! Có chuyện gì mà đang yên đang lành đến nằm vật ra như kẻ ăn vạ thế hả? Sao không cất xe bên nhà lại phóng thẳng sang đây?

  Mận vẫn im lặng, mắt nhìn trân trân lên trần nhà, vô hồn.

- Có chuyện gì?

        Loan cố hét thật to như để lấn át một nỗi lo sợ mơ hồ vừa ập đến làm tim cô đứng lại trong chốc lát. Mận úp mặt xuống gối, khóc nức lên. Loan lại nói và thở dồn dập cùng nhịp tim  đang phập phồng trong lồng ngực:

      -  Có chuyện gì? Nói tao nghe xem nào! Nói đi!

 Mận bỗng bật dậy, mắt long lên:

 - Mày giúp tao tìm bằng được kẻ đó, nghe chưa?

Nghe thế, Loan thở phào như đẩy được cái bọc không khí đang dồn ứ  làm cô suýt nghẹt thở rồi cười phá lên:

- Trời ! Tìm ai? Mày làm tao tò mò quá đi mất!

- Tao nói thật đấy. Tuân có bồ mày ạ - Mận hạ giọng nói nhỏ như sợ ai nghe thấy.

 Loan sững người lại một giây nhưng kịp trấn tĩnh:

 - Sao mày biết?

 Mận ngước mắt lên, vừa đau khổ vừa ngạc nhiên:

- Thế ra mày cũng biết rồi à? Trời ơi! Chỉ có tao là ngu nhất trần đời thôi!-  Mận lấy hai tay vò lên mái tóc vốn đã không thể rối thêm được nữa.

- Chết, tao có biết đâu, giờ mới nghe mày nói đấy chứ - Loan vội vàng chống chế, mặc dù cô thấy  như có  một luồng điện chạy dọc sống lưng.- Thôi, ra nhà tròn hồ Thung Mây uống cà phê rồi nói chuyện.

 Mận thẫn thờ đứng dậy. Loan đưa cho bạn cây lược:

 - Chải tóc lại rồi rửa mặt đi. Tao chỉ ngồi với mày khoảng vài chục phút thôi đấy, tao còn có hẹn...

 Xúng xính trong chiếc váy đỏ rộng cổ với những đường ren cầu kì, lấp ló hai quả đào tiên tròn căng, trắng mịn, Loan vui vẻ:

-  Mày thấy thế nào?

   Mận gắt:

       -  Đẹp rồi đó, đi nào, hẹn với bồ bịch hay sao mà ăn mặc khêu gợi thế?

       Loan cười trừ rồi lên xe, rồ máy.

  Đêm Thung Mây thật huyền ảo. Mặt hồ được dát bằng muôn vàn ánh bạc lung linh. Ánh sáng từ những ngôi nhà cao tầng, ánh sáng từ những cột đèn đường, từ những bộ bóng nháy giăng mắc công phu trên cây cao hắt xuống cùng những dãy nhà in bóng nước  làm cho ta có cảm tưởng như đang được chiêm ngưỡng một cung điện nguy nga ẩn hiện dưới đáy hồ. Gió thổi lồng lộng, cành liễu lả lơi trong tiếng nhạc dìu dặt của quán cà phê. Thị trấn Quỳ Hợp như một cô gái quê có dịp  lột xác trong dòng chảy đô thị hoá nói chung. Tuy nhiên, trong cái ồn ào, sôi động của một miền quê đang chuyển mình theo xu hướng công nghiệp hoá,"cô gái" ấy vẫn giữ được chút hiền thục dịu dàng là nhờ có hồ Thung Mây  thơ mộng.

   Hai người bạn gái lặng lẽ ngồi bên nhau. Giọt cà phê dùng dằng như níu thời gian chậm lại.

  Loan và Mận là đôi bạn thân từ nhỏ. Nhà hai đứa ở gần nhau. Bố cùng làm ở lâm trường. Bố Mận là là giám đốc.  Ngày ngày bố cắp cặp da đi họp, ăn mặc sạch sẽ, chải chuốt. Bố ra các chỉ thị, công văn, quyết định... liên quan đến miếng cơm manh áo của hàng trăm người đang lầm lũi trong mưa nắng, trong rừng rậm rú sâu để khai thác rừng, bảo vệ rừng. Người ta bảo bố Mận có nhiều bồ nhí, mẹ cô buồn lắm nhưng chẳng nói gì. Mận hỏi bố, bố cười: " Tại các cô ấy theo bố đấy chứ!" Mà đúng thế thật. Các cô ở văn phòng không chỉ theo mà còn đánh ghen lẫn nhau, cùng cố gắng chứng tỏ chủ quyền của mình với ông giám đốc tuy không đẹp trai nhưng là chúa của miền rừng này. Mẹ Mận là giáo viên tiểu học, hiền lành, nín nhịn và chịu đựng nên các cô kia chẳng sợ tẹo nào. Bố Mận vắng nhà thường xuyên vì bận họp.

     Bố Loan là công nhân. Bộ đồ bảo hộ màu xanh bố mặc cứ bạc dần  theo năm tháng. Mới hơn bốn mươi tuổi mà tóc bố đã trắng hơn nửa, râu ria mọc tùm lum tà la quanh mồm như cỏ dại, người thì cứ gầy quắt gầy queo.  Các loại gai góc đánh dấu vào cuộc đời bố qua những vết sẹo chi chít ngang dọc nơi bắp chân, nơi cánh tay, cả nơi lưng, nơi bụng bố. Ngày nắng bố đi, ngày mưa bố đi. Mùa hè nóng như thiêu như đốt bố vào rừng, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt bố cũng vào rừng. Bố Loan cũng thường xuyên vắng nhà.

   Những năm học phổ thông, Mận được tiếng là học giỏi lại chăm. Thành  tích học tập của cô cứ kín dần bức tường qua những tấm giấy khen, bằng khen. Còn Loan chỉ nhì nhằng đủ để mỗi năm một lớp kẻo mẹ lại rên rẩm: “ Thêm một năm là thêm một tốn đấy, con ơi!”. Tuy vậy, khi Mận học bài xong và Loan đã giúp mẹ trồng được mấy luống mùng hay nhổ cỏ cho đám rau muống trồng ở mép hồ Thung Mây là hai đứa lại mê mải chơi trò ô ăn quan, chơi thẻ, chơi trò “ mẹ con”. Cuộc chơi bao giờ cũng kết thúc khi Loan  vội vã chạy về nấu cơm và Mận đủng đỉnh về nhà tắm rửa chuẩn bị ăn tối.

  Tuổi thơ cứ thể trôi đi không ai để ý, giống như cây bàng trước ngõ lá cứ xanh rồi lá đỏ, thân cây ngày một lớn dần và tán lá ngày thêm xoè rộng. Những trò chơi trẻ con của hai đứa cứ thưa dần rồi mất đi. Loan còn bận bịu bao công việc gia đình. Bố mẹ nghỉ chế độ mất sức lao động, đàn lợn trong chuồng ngày càng đông, Loan phải tranh thủ cả buổi trưa mới xong việc. Mận vẫn miệt mài bên bàn học mà chẳng cần động tay, động chân vào việc gì khác. Bố bảo: “ Cứ học cho giỏi ắt sẽ sướng!”  Hai đứa vẫn luôn bên nhau khi đi học và lúc ở trường về. Nhiều bí mật của tuổi dậy thì chỉ “bật mí” với nhau.         

   Mười bảy tuổi, Mận như bông hồng nhung kiêu kì, quí phái. Nhiều chàng trai ngẩn ngơ mà chỉ dám “ kính nhi viễn chi” vì bố mẹ cô bảo vệ con gái như người có của cất dấu thỏi vàng mười.  Loan bước vào tuổi mười bảy  như bông sim giữa đồi, thoả thuê tắm nắng, tắm gió và ngời sắc tím. Trái tim cô cũng đã từng đập rộn ràng trước một cậu bạn học cùng lớp, nhưng cuối cùng, cũng như bao mối tình học trò khác, nó chỉ còn trong kỷ niệm.

   Kết thúc phổ thông trung học, Mận thi đậu vào khoa Văn trường Đại học sư phạm Vinh.  Loan viết đơn đi học lâm sinh để rồi lại khoác màu áo xanh đã từng gắn bó với bố mẹ cô gần hết cuộc đời.

  Hai mươi hai tuổi, Loan lên xe hoa. Một đám cưới nhỏ gọn với khách mời chủ yếu là công nhân trong lâm trường.  Bình lộ rõ niềm hạnh phúc rạng ngời khi dắt tay cô vợ nước da bánh mật không son phấn bước vào hôn trường trong tiếng vỗ tay rào rạt. Cưới xong,vợ chồng Loan, theo chế độ công nhân, được phân một gian tập thể. Lương công nhân hai vợ chồng tằn tiện chi tiêu. Thiếu thì phải thốn, túng thì phải tính. Quen rồi! Cũng trong năm đó, Mận lộng lẫy trong bộ áo cưới bên Tuân - chàng kĩ sư lâm nghiệp đẹp trai mà hai bên bố mẹ đã "dấm" từ trước. Hai gia đình thân nhau bởi bố Mận là giám đốc còn bố Tuân là kế toán trường của lâm trường. Vợ chồng Mận ở riêng trong một ngôi nhà mới khang trang. Nghe bảo bên ngoại cho đất còn bên nội đảm nhận xây nhà. Nội thất cũng như xe máy  đều được mua từ tiền mừng cưới. Người ta thì thầm, tiền mừng cưới của họ mua được vài chiếc ô tô, sắm sửa chừng đó nhằm nhò gì.

 Hai mươi ba tuổi, Loan sinh bé Sóc và Mận có cu Bi. Hạnh phúc mỉm cười với cả người giàu và kẻ khó!

***

        -  Mày bảo bây giờ phải làm sao, hả?

         Mải dõi theo những thước phim của quá khứ, Loan không nghe Mận kể về những nỗi nghi hoặc, những lời đồn đại, những biểu hiện rõ ràng có tình cảm ngoài luồng của Tuân. Giọng Mận gắt gỏng, bực dọc kéo Loan về thực tại.

       -   Hả? – Loan giật mình, ngơ ngác.

       -  Này, mày không bảo tao ra đây để ngồi ngắm cảnh và mơ mộng đấy chứ?

 Loan xoay lại tư thế ngồi, đối diện với Mận, nhìn sâu vào mắt bạn:

        -  Tao hỏi thật, mày có yêu Tuân không?

 Mận tròn mắt:

 - Sao không yêu? Nhưng mày biết đấy, việc trường, việc nhà, dạy chính khoá, dạy thêm, rồi con cái… tao cảm thấy thực sự mỏi mệt. Tự nhiên khi nghe người ta xầm xì to nhỏ, tao mới ngớ ra là...

        - Mày ngớ ra là gì?

       - Thì... chuyện vợ chồng... - Mận nói lấp lửng rồi dừng lại.

       - Sao? - Loan hồi hộp.

   Mận cúi mặt xuống:

        - Với mày, tao chẳng giấu làm gì, có lẽ đến cả năm sáu tháng nay, lão Tuân không  thiết tha gì chuyện chăn gối mày ạ. Đêm nào cũng ngáy pho pho. Lén sờ vào của lão, thấy mềm oặt như bánh mướt! Tao cũng mệt mỏi nên thấy thế càng mừng. Ai ngờ...

   Loan suýt phì cười nhưng cố nín. Cô chưa kịp nói gì thì chuông báo tin nhắn:

“ Em yêu bận sao?Anh chờ em lâu lắm rồi này.” Loan bấm trả lời: “ Em đang ngồi cùng Mận ở nhà tròn”. Điện thoại Mận vang lên.

-  Cái gì? - Mận gắt.

 -  Cô về ngay!- Tuân ra lệnh

 -  Mặc tôi, anh không có quyền.

  Điện thoại tắt phụp.

      -  Thôi, hay mày về đi?

 Mận sừng sộ:

        - Về? Còn lâu nhé! Lão là cái thá gì mà ra lệnh cho tao? Hừ, đẹp trai này, hiền lành này, thông minh này, nhìn ngoài vào thì lão là người chồng lý tưởng, đúng không? Nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận! Kiếm tiền thì kém, việc nhà thì lười, thông minh mà làm gì? Thông minh chỉ để ra ngoài chim gái! Tao mà biết được đứa nào léng phéng với lão, tao cho cả hai ra bã luôn!

        Loan khẽ rùng mình, hình như gió hôm nay se lạnh. Cô hờ hững nhìn mặt hồ đang lấp lánh trong đêm.

     Mận nhìn Loan, ánh mắt vẫn giận dữ:

    - Lão cáo lắm! Tối nào cũng vậy, khi trò đến đủ và tao vào dạy là lão đi. Lão biết tao không thể giải tán lớp học để đi theo mà.  Mày chịu khó theo dõi xem, nếu phát hiện lão chui vào ổ con đĩ nào thì nháy máy cho tao. Mẹ kiếp!

    Loan ngập ngừng:

     - Ừ... để tao xem... thôi, về đi.

***

  Cuộc đời này, nếu mới đi được một quãng, đừng vội kết luận ai sướng ai khổ, ai giàu ai nghèo. Thì đấy, cuộc sống của Mận đang trên thiên đường ( ít ra là đối với Loan),  đùng một cái rơi vào địa ngục. Bố Mận và bố Tuân đều bị truy tố vì tội tham ô, ăn hối lộ và tiếp tay cho bọn lâm tặc tàn phá hàng trăm diện tích rừng. Cả núi tài sản lần lượt đội nón ra đi nhưng cuối cùng cả hai đều phải vào tù. Mẹ Mận suy sụp nhanh chóng rồi qua đời do ung thư dạ dày. Mất chỗ dựa, vợ chồng Mận lao đao một thời gian mới đứng dậy được.   

    Còn Loan, sau khi quyết định nghỉ vì lương công nhân chỉ đủ nộp bảo hiểm, vợ chồng cô bươn chải ngược xuôi, làm đủ nghề, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng. Cuối cùng, Bình vay tiền đi xuất khẩu lao động sang Nhật. Ba năm nơi xứ người, anh gửi tiền về đủ để trả nợ và  làm được ngôi nhà rộng rãi, khang trang cho vợ con. Nhưng hết ba năm, anh gia hạn ba năm tiếp. Lúc nghèo khổ thiếu thốn, cô chỉ khát khao làm sao kiếm được nhiều tiền, vợ chồng xa nhau cũng được. Giờ có tiền, có rất nhiều tiền, cô lại chỉ khát khao có chồng bên cạnh. Một cô Loan đen đúa, cứng queo, thô ráp của những ngày tất bật ngược xuôi bươn bả kiếm sống biến mất. Càng ngày Loan càng trắng trẻo, càng mềm mại, càng mướt mát, càng nữ tính. Thế mới biết, cuộc sống tạo ra tướng mạo chứ không phải tướng mạo quyết định cuộc sống! Cô gọi cho chồng,  Bình ơi, em nhớ anh, nhớ lắm. Bình động viên, cố gắng em nhé, vì tương lai của chúng mình, của con, chúng ta phải cùng  cố gắng! Anh yêu em! Anh yêu con! Nhưng càng yêu càng phải chấp nhận xa nhau để sau này cuộc sống con mình khác bố mẹ nó, phải không em? Nào, cho anh hôn em nhé. Tâm trạng cô đê mê, đê mê... Loan dụi đầu vào ngực chồng: " Em yêu anh." Bình ôm ngang người vợ: " Anh cũng yêu em, rất yêu". Họ quấn lấy nhau, say sưa trong cuồng điên của khát khao ân ái. Tấm thân vừa rắn chắc vừa mềm mại của cô oằn lên, cuộn trào trong khoái cảm tột độ.

- Mẹ! Mẹ đau bụng à?

  Bé Sóc nghe tiếng rên ư ử vội đập tay vào vai mẹ  làm Loan choàng tỉnh! Hóa ra là giấc mơ! Giấc mơ đến nhẹ nhàng sau cuộc gọi cho Bình lúc nửa đêm! Loan quay sang ôm con:

-  Ngủ đi con, mẹ không sao.

 Những giấc mơ dày vò Loan. Ai bảo giàu là sướng? Ai bảo có nhiều tiền là hạnh phúc? Loan chơi vơi. Loan chống chếnh. Loan khát khao. Cô mới ngoài ba mươi thôi mà, gần sáu năm xa chồng, sao anh không hiểu mà nỡ đọa đày em với những giấc mơ hả Bình?

  Nhưng nếu như...Ồ, cuộc đời này cái gì đáng xẩy ra thì hầu như theo lẽ tự nhiên  thôi, không thể "nếu như" được, đúng không? Thì việc Tuân mỗi tối sang nhà cô xem phim, cái đó là hợp lẽ tự nhiên mà, đúng không? Nó hợp lẽ tự nhiên, bởi cô và anh đều nghiện loại phim tâm lý tình cảm. Nó hợp lẽ tự nhiên vì nhà cô có cái Sam sung màn hình phẳng cực nét. Nó hợp lẽ tự nhiên vì tối thì Mận bận dạy thêm, bận chấm bài, cần không gian yên tĩnh. Nó hợp lẽ tự nhiên vì xem phim nếu chỉ một mình chẳng biết bình luận các chi tiết cùng ai sẽ kém hay. Nó còn hợp lẽ tự nhiên vì nhà Loan và nhà Mận chỉ cách nhau một bờ tường. Và với tất cả những sự "hợp lẽ tự nhiên " ấy, Tuân sang xem phim cùng Loan mỗi tối là quá ư bình thường! Và cũng rất bình thường, Loan thích nghe những lời nhận xét thông minh mà dí dỏm của Tuân về những chi tiết của kịch bản phim. Nhiều hôm phim đã hết, bốn bề không gian chìm vào yên ắng,Tuân vẫn ngồi nán lại trò chuyện. Ừ thì thân nhau rồi, chuyện trò với nhau cũng là bình thường  mà. Tuân  nói chuyện rất có duyên, rất tế nhị, vừa hài hước lại thông minh.  Kỹ sư có khác! Loan nghĩ. Thỉnh thoảng, Loan chập chờn gặp anh trong giấc ngủ. Lạ thế!

   Bẵng đi suốt bảy tối, Tuân không sang xem phim. Loan thấp thỏm chờ. Loan mong ngóng. Loan lo lo. Loan  buồn vô cớ. Nhưng chẳng lẽ chạy sang hỏi, sao anh không sang xem phim?  Ngại chết! Ờ mà sao lại phải ngại khi vốn họ là bạn bè trong sáng, là hàng xóm vô tư? Buồn cười thật! Vớ vẩn thật! Rồi tự nhiên Loan cảm thấy giận anh hàng xóm. Bực mình ghê!

 Tối thứ tám, anh đến. Hai ánh mắt va vào nhau, xoẹt một luồng điện giật nhẹ trong tim. Hình như không bình thường? Không, họ lại vui vẻ xem phim như bình thường.

  - Về đi anh-  Giọng Loan nhẹ nhàng giục nhưng ánh mắt hình như  khác thế. Phòng trong, bé Sóc ú ớ nói gì trong giấc mơ.

 Tuân nhìn Loan. Thật khó tả ánh mắt anh lúc này. Nó vừa buồn rười rượi, vừa ẩn chứa một nỗi khát khao, một niềm yêu mãnh liệt. Loan thấy tự nhiên  nhũn ra trước ánh mắt ấy. Thế rồi, cũng là lẽ tự nhiên, gió thổi thì cây lay, mưa rơi ắt cỏ ướt, hai người đã ở trong vòng tay nhau tự bao giờ. Tuân thì thầm, hơi thở nóng hổi, giọng đứt quãng mà gấp gáp:

  - Anh yêu em... rất yêu em... Anh biết... như thế là tội lỗi. Anh đã cố tránh gặp em, nhưng càng không gặp... càng...yêu!

   Môi tìm môi, vòng tay ôm siết. Họ như mê đi trong cõi thiên thai. Những đợt sóng tình dâng lên, dâng lên, càng lúc càng ào ạt, càng dữ dội. Nó phá tan tất cả những rào cản cuối cùng. Cả hai đều tự cảm thấy rằng, họ sinh ra là để cho nhau, để được chìm trong nhau, để ngụp lặn vào nhau cho thỏa khát khao, mong nhớ. Khái niệm về thời gian, về không gian không tồn tại. Chỉ có chiếc ti vi là vẫn vô tư quảng cáo: “ Một người khoẻ, hai người vui”.

   Loan trở nên mâu thuẫn với  chính mình. Cô vừa rất muốn gặp Tuân, mong bước chân anh vào mỗi tối, lại vừa sợ hãi, muốn  tránh xa anh. “Mình làm sao thế này? Mình là bạn thân của Mận đấy!  Và Bình nữa! Chồng Loan đang vất vả bươn chải ở xứ người để Loan và con có cuộc sống đủ đầy. Không! Không thể như thế được!” Loan quyết định khóa cổng sớm, tắt ti vi, ôm con nằm ngủ. Nhưng Loan nào ngủ được. Tiếng bước chân anh rất nhẹ, Loan không phải nghe bằng tai mà cảm bằng trái tim mình. Và Loan nhớ, nhớ da diết nụ hôn cháy bỏng! Nhớ vòng tay ôm riết nồng nàn. Nhớ hơi thở thơm thơm... Trong điện thoại, nhiều cuộc gọi của Bình hiện lên màu đỏ. Loan không dám nghe giọng nói của chồng. Loan không dám đem sự phụ bạc của mình đối diện với sự ân cần quan tâm của chồng! Loan yêu Tuân rồi ư? Sao lại thế được? Không! Dứt khoát không! Đó chỉ là niềm khoái cảm xác thịt, là sự giải thoát đến sung sướng rồ dại sau thời gian dài bị kìm nén, bị bó chặt, bị ức chế!

 Loan tìm mọi lời lẽ để tự lên án mình, tự căm ghét mình, tự xỉ vả mình, tự xúc phạm mình. Và cô khóc! Mong những giọt nước mắt rửa sạch tội lỗi! Loan đang lập phiên tòa để tự xét xử bản thân.

  Loan nhận tin nhắn của Tuân: “ Anh hiểu sự khó xử của em. Anh là con người tồi tệ, anh biết thế. Nhưng lí trí của anh không đủ sức ru trái tim ngủ yên. Nỗi nhớ em làm anh mụ mẫm...”

Đọc tin nhắn của Tuân mà cô có cảm giác hơi thở của anh nóng hổi bên tai: "Anh thích cái dân dã, mộc mạc  của em. Nói chuyện với em, anh không bị bắt bẻ từng chữ, không bị chỉnh sửa từng câu như khi nói với cô ấy. Nghe tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái của em, anh thấy thật thoải mái. Về nhà, anh bị cầm tù trong cuộc sống mô phạm  của cô ấy, đến với em là anh đến với khoảng trời tự do. Đó là sự thật, anh không ngụy biện đâu!". "Phiên tòa" của Loan tạm nghỉ. 

Tuân không sang nhà cô xem phim nữa vì sợ... Nhưng họ lại  hẹn nhau trên đồi sim và chưa lỡ hẹn lần nào. Phiên tòa của Loan giải tán!

 Trên đời này, có hai trạng thái tâm lý cực kỳ khó dấu, đó là khi giết người và khi yêu đương! Ừ mà yêu đương chân chính, yêu để kiếm tìm hạnh phúc thì giấu làm gì. Nhưng cái tình yêu xé toạc đạo đức, xé toạc đạo lý, xé toạc tình nghĩa, xé toạc nhân cách thì càng giấu càng lộ! Đó không phải là tình yêu! Đó là bến mê! Nó làm cho con người ta lú lẫn đi, u mê đi. Nó vùi chôn con người ta trong lầm lạc, không biết đến đúng sai phải trái! Mọi chuyện vỡ lở từ những dòng tin nhắn của Tuân trong điện thoại. Loan không thể chịu đựng được ánh mắt của Mận nhìn mình. Tức giận? Căm thù? Khinh bỉ? Kinh tởm? Có lẽ là tất cả các trạng thái tâm lý ấy cộng lại, hòa trộn, biểu hiện trên ánh mắt. Chẳng thà Mận cứ chửi đi, cứ đánh Loan đi. Nhưng cô không nói gì cả. Tuyệt đối không! Loan bán nhà và đưa con về quê nội ở Thanh Hóa. Bình rất vui vì điều đó, không biết rằng vợ anh đang tháo chạy để thoát khỏi bến mê!

 Hơn một phần tư thế kỷ qua rồi.  Cô bạn cùng đội công nhân khi xưa nhắn tin cho Loan, bảo cậu có về dự kỷ niệm sau mươi năm thành lập huyện không. Thấy Loan lưỡng lự, nó  thuyết phục: " Loan có  biết Quỳ Hợp bây giờ đã đổi thay nhiều lắm rồi không? Rừng núi, thung lũng, sườn đồi, ruộng nương không còn một tấc đất nào để trống. Bạt ngàn xanh keo, mênh mông xanh mía, thăm thẳm xanh ngô, rập rờn xanh lúa... Rồi các trang trại chăn nuôi lợn, gà, dê, bò...; trang trại cây ăn trái  cam, ổi, bưởi,táo... cứ đua nhau sinh sôi nảy nở y  như có phép màu của cây đũa thần vậy."

Loan vẫn im lặng không trả lời, nó gửi ba dấu hỏi to tướng. Loan nhìn ba dấu hỏi đó mà nước mắt rưng rưng. Nó đâu biết rằng, Loan đã  thề, cho đến chết, cô cũng không quay lại mảnh đất từng gắn bó một thời tuổi trẻ. " Loan ơi, câu lạc bộ "Vũ điệu Thung Mây" của tụi mình toàn các bà về hưu, có người đã tám mươi rồi đó, nhưng nhảy múa cứ là xung hết biết. Hội hè, đám cưới đám hỏi hay có buổi lễ gì là tụi mình  lên sân khấu hóa thân thành các cô nương xinh đẹp, uyển chuyển, nhẹ nhàng trong từng vũ điệu mê đắm lắm luôn!" Nước mắt Loan chảy dài xuống hai gò má. Nó đâu biết rằng, ánh mắt của Mận ngày ấy vẫn ám ảnh Loan, không thể  dứt ra được. Về làm sao được mà về bạn ơi!   

***

 - Sao mẹ im lặng thế? Hay đang vào hỏi ông gu gồ? - Con gái lại cười vang trong điện thoại.

- Cha bố cô, ba mươi sáu tuổi đầu rồi, cô cứ quyết lấy chồng là được, tuổi nào  quan trọng gì.

- Là con hỏi để báo cho mẹ mừng thế thôi! Ông trời bắt chúng con chờ nhau ba mươi sáu năm rồi mà!

- Ô, thế nó cũng tuổi Dần à?

- Sao nữa! Mẹ còn lạ gì anh ấy!

- Ai?

- Anh Quân, hồi nhỏ gọi là Bi, con trai đầu của chú Tuân với lại dì Mận đó!- Giọng Sóc trong vắt.

  Chiếc điện thoại rơi độp trên nền gạch. Bà Loan hoa mắt, đầu quay cuồng và ngã sóng soài giữa nhà.

***

  Đám cưới xong, đôi vợ chồng trẻ  bàn nhau sẽ đưa mẹ về  sống cùng nơi căn hộ  chung cư cao cấp ở Hà Nội để tiện chăm sóc. Sau cơn tai biến, bà Loan giờ chỉ nằm nhìn mọi người và cười toe toét như một đứa trẻ mới hai tháng tuổi. Mà đứa trẻ ấy thì làm gì đã có quá khứ!

 

                                                                          Mùa đông 2022

                                                                           NHẬT THÀNH.

(Truyện đã đăng Tạp chí SÔNG LAM số 29 - tháng 11+ 12/2022)

 

 

 

 

1 nhận xét: