(Truyện ngắn)
Lên giường lâu rồi nhưng Chẩm vẫn chưa ngủ được. Mọi việc chuẩn bị cho
phiên chợ ngày mai đã lo hết: gà đã bỏ
vào lồng để sẵn trước sân, cân và dây buộc đã sẵn sàng trong giỏ xe.
Hai ngày trước, Chẩm chặt một cây tre non ở sau vườn. Kéo được tre xuống, gai cây tre già níu ống quần, cào rách một đường nơi đùi, rớm
máu. Chẩm vác tre đến nhờ ông Phát đan cho hai cái lồng. Ông Phát nhìn thấy vết
xước, chẳng những không lo lắng mà còn cười khà khà:
-
Hồi mới học nghề, nhiều lần ông bị cật tre cứa sâu vào trong thịt mà còn
chẳng hề gì, mày chỉ bị rách cái da đất thôi.
Chẩm vừa giúp ông dọn đống bùi nhùi vừa chặc
lưỡi:
- Vâng, thì cháu cũng có kêu gì đâu, chỉ
là khi rửa hơi rát tí.
Bàn tay ông Phát đúng là nhăm nhít các vết thương. Sẹo này chồng lên sẹo
kia làm da tay ông vốn đã đen lại thêm sần sùi, nó lộm cộm như những vai cày
trên đồng đất cứng. Nhưng đôi bàn tay ấy đã cho ra nhưng chiếc rổ, rá, giần,
sàng, nong, nia tuyệt đẹp. Cả bản này, cả xã này chỉ còn ông là người duy nhất
ngồi đan các thứ bằng tre. Con dâu ông bảo, rổ rá bằng nhựa rẻ thối ngoài chợ,
bố đan làm gì cho khổ? Ông cười, vui chứ sao khổ? Ông vui thật, vì đồ nhựa nhiều
và rẻ nhưng rổ rá giần sàng nong nia của ông rất đẹp và bền, làm ra đến đâu bán hết đến đó, lại được giá nữa! Nhìn ông thoăn thoắt bắt nan, Chẩm thầm nghĩ:
" Cái mặt ông đúng là của lão bảy
mươi nhưng cái tay thì mới hai mươi thôi, vì nó còn khỏe khoắn lắm, nhanh nhẹn
lắm, khéo léo lắm." Ông không ngẩng
lên, bảo:
- Mày để đó, mai đến lấy.
- Dạ, hết bao nhiêu tiền công để cháu
xin chị Hồng trả cho ông ạ?
- Hà...hà...tiền công phải không? Một
cái hai trăm ngàn nhé. Nhưng mày không được xin tiền chị Hồng, phải tự kiếm mà
trả .
-
Nếu vậy, cháu bán gà chắc cũng chỉ đủ trả tiền đan lồng thôi ông ơi!
Ông Phát dừng tay, nghiêm mặt:
- Ai bảo mày lấy tiền bán gà để trả?
- Thì... - Chẩm bối rối.
Thả cái mê đang đan dở, ôm lấy nó, xoa
lên cái đầu húi cua, ông âu yếm:
- Cháu là một đứa thông minh, cái đầu
này chữ dễ vào lắm. Gắng học đi cháu, học để có kiến thức, sau này không chỉ
thoát nghèo cho mình mà còn biết làm
giàu cho bản ta nữa. Bố mẹ cháu ở mường Then chắc cũng mát cái bụng. Giờ ông
cho cháu nợ, mai này cháu trả cho dân bản ta cả gốc cả lãi nghe chưa?
Chẩm
dụi đầu vào ngực ông, cảm nhận sự ấm áp đến lạ! Chị em Chẩm đã mắc nợ ân tình của rất nhiều người
trong bản nhỏ thân thương này. Và chắc chắn, Chẩm sẽ cố gắng học hành, tu dưỡng
để sau này có thể trả được phần nào những tấm chân tình ấy.
Giờ thì bốn chú gà trống đã chen nhau trong hai cái lồng chắc chắn.
Chúng thò cổ ra ngoài khoe cái mồng đỏ chót và bộ lông cổ mướt rượt. Chị Hồng
mượn mự Xuân cái cân nhỏ bỏ sẵn vào giỏ xe đạp cho Chẩm cùng mấy sợi dây xác rắn
để buộc chân gà. Chuẩn bị chu đáo thế rồi mà Chẩm vẫn không ngủ được. Đây đâu phải lần đầu Chẩm đi chợ? Mấy lần trước,
chị Hồng ốm, Chẩm cũng đã ra chợ bán khi thì mấy cân gạo, khi thì đôi chó con để
mua thuốc, mua thức ăn về cho chị mà. Nhưng lần này lại khác. Ngày mai Chẩm đi
bán gà. Mà đây là "Đàn gà khăn
quàng đỏ", quà của liên đội dành cho bạn nghèo vượt khó Chẩm được nhận vào cuối năm học . Đến bây giờ, cảm giác run
lên vì hạnh phúc khi nhận quà vẫn còn nguyên vẹn trong lòng Chẩm. Hạnh phúc
không đơn giản là được nhận một lồng gà mười con đang thò đầu ra, nghiêng đôi mắt
ngây thơ nhìn chủ mới, mà hơn thế, đó còn là niềm hạnh phúc khi được nhận tấm lòng, tình cảm của thầy cô, của bạn
bè dành cho mình.
Còn nhớ, khi cô tổng phụ trách Đội bảo các lớp
bình xét xem ai đủ tiêu chuẩn nhận quà của liên đội, mới biết quanh Chẩm còn
nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm. Thì cũng đúng thôi, xã của Chẩm thuộc vùng 135, tức
là vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đầu năm học, danh sách học sinh thuộc
hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí gần bằng danh sách học sinh trong lớp.
Mỗi lần bình bầu như thế này, các thầy cô phải cân nhắc mãi. Trao cho em này
thì tội em kia. Sàng đi lọc lại để tìm ra bạn nào xứng đáng nhất. Lần này, cô tổng
phụ trách đội, các huynh trưởng và cả ban chỉ huy liên đội nữa, bàn bạc mãi về
năm trường hợp.
Trường
hợp thứ nhất là Vi Văn Quang, chi đội
6A. Bố mẹ bỏ nhau, Quang ở với bà ngoại.
Bà cũng đã hơn tám mươi tuổi rồi. Nhiều hôm trái gió trở trời, bà nằm liệt giường,
Quang phải nghỉ học chăm bà. Nhưng xét thành tích học tập thì không được vì bạn
bị loại yếu học lực. Cô bảo, trường hợp
này để cô liên lạc với mẹ bạn ấy. Bỏ chồng nhưng không thể bỏ con, không thể vô trách
nhiệm như thế.
Trường
hợp thứ hai là Hủn Vi Páo, chi đội 6C. Nhà bạn ấy cũng nghèo lắm. Bố nát rượu,
mẹ Páo chịu hết nổi những trận hành hạ thừa sống thiếu chết của bố nên trốn đi
làm công ty ở Bắc Ninh. Rồi mỗi khi con
ma men chui vào trong người bố, xui bố
làm việc xấu, bố ném cái này, bố phá cái kia. Bố gầm gừ: "Mày trốn đi đâu
hở cái con đĩ trời đánh kia? Tại sao là vợ mà mày không ở nhà hầu chồng? Tao
thì tao giết, tao giết..." Và cái
dao quắm cứ chém lia lịa vào chồng sách vở của Páo, chém vào mớ quần áo của hai cha con đựng trong cái gùi mây
nơi góc nhà. Cô tổng phụ trách khẳng định, nếu có tặng gà cho bạn Páo thì cũng
bị bố bạn ấy mang đi đổi rượu thôi. Bởi mỗi lần có trợ cấp cho học sinh hộ
nghèo, bố bạn ấy đến nhận xong là đi thẳng đến quán. Uống đến khi cái chân
không thể đứng được nữa vẫn chưa thôi. Uống xong lại về phá phách, Pháo lại phải
cõng đứa em ba tuổi sang nhà hàng xóm để
lánh nạn.
Trường
hợp thứ ba là Lô Thị Trang ở lớp 7B cũng
thuộc gia đình hộ nghèo. Cả bố và mẹ bị con ma đề đóm dẫn dụ vào đường u tối, bỏ
mặc con cái chơi bời, đàn đúm với bạn xấu ở ngoài. Mới mười ba tuổi , Trang đã tập tọng yêu đương. Có lần Trang rủ một số
bạn khác đi đánh ghen, chẳng biết có " cho con đĩ cướp người yêu tao một
bài học" như lời tuyên bố hùng hồn của bạn ấy lúc ra đi không, nhưng khi về, mặt mày, tóc tai, quần áo tơ tướp như bụi chuối
sau bão! Má và cổ rỉ máu bởi những đường móng tay sắc nhọn! Giận thì giận thật
nhưng cũng thương, giá như bố mẹ Trang biết quan tâm con thì đâu đến nỗi! Thế mới
thấy, lỗi lầm của con cái phần nhiều do cách nuôi dạy của bố mẹ.
Trường hợp thứ tư là Vi Thị Linh ở lớp 8C. Hoàn cảnh của bạn cũng đáng thương. Bố chết khi mới ba tuổi, lên năm thì mẹ đi bước nữa. Bố dượng
cũng đã có hai em, một lên bốn, một lên hai. Thế là gia đình có tới năm miệng
ăn. Thôi thì rổ rá cạp lại, lần hồi nuôi con. Nhưng bố dượng và mẹ lại còn quá
trẻ. Khi Linh lên lớp 6, bạn ấy đã là chị của cả thảy năm đứa em! Cái đói, cái
nghèo nó quấn lấy chân, không làm người ta tiến bộ lên được. Gia đình Linh với
tám miệng ăn cứ quẩn quanh với thiếu đói nợ nần. Linh học bữa đực bữa cái. Bận
trông em. Bận làm cỏ. Bận đi lấy rau cho lợn... Rồi thì nghỉ học cả tuần. Cô giáo đến nhà gặp
phụ huynh, chạm ngay ông bố dượng đang khề khà chén chú chén anh với mấy tay bợm
nhậu. Thấy cô giáo đến, gã vứt toẹt chiếc chân gà gặm dở ra sân:
- Đến bảo
con Linh đi học à? Con gái học gì nhiều, ít năm đủ tuổi cho đi làm công ty,
công ty trong Sài Gòn ấy, trong Bình Dương ấy, đầy! Làm ít năm về lấy chồng. Học
thì được cái gì? Mấy cái chữ trong sách không làm ra tiền ra gạo đâu!
- Đúng đúng...- một gã mặt đỏ phừng phừng,
giọng khê nồng xác nhận - nếu không thì cho nó đi làm ca ve. Làm ca ve chẳng cần hồ sơ hay bằng cấp gì hết, cũng chẳng
phải phỏng vấn phỏng veo gì. Tuyển thẳng! Hớ hớ hớ... Làm ca ve mấy năm
có tiền thì về lấy chồng! Hớ hớ hớ...
Việc
vận động Linh tiếp tục đi học cuối cùng phải nhờ xóm trưởng kết hợp với công an
xã mới xong.
Trường
hợp thứ năm là Chẩm. Khi Chẩm mới được năm tháng trong bụng mẹ thì bố bị tai nạn. Một vụ tai nạn kinh hoàng.
Mười một công nhân khai thác đá bị chết vì lở núi. Hơn một năm sau, một viên gạch
rơi từ trên giàn giáo xuống đã cướp luôn người mẹ khốn khổ của hai chị em khi đang đi phụ hồ. Lúc đó, Chẩm
còn chưa biết gọi tiếng "mẹ", chị Hồng mới năm tuổi, nỗi đau mất mẹ
cũng chỉ mù mờ như sương buổi sáng . Cũng may còn có bà ngoại nuôi nấng, hai chị em cứ lớn dần như củ sắn
trên nương, như bông ngô dưới ruộng! Năm ngoái bà ngoại theo ông về mường Then, chị Hồng
thành chủ gia đình khi vừa chớm sang mười bốn! Còn một năm nữa mới xong lớp
chín, chị định bỏ học để lo cho Chẩm, nhưng các thầy cô đã đến động viên, hai
chị em không phải nộp bất kỳ khoản tiền nào, cũng không phải mua sách vì đã có
nhà trường cho mượn. Chẩm thì chưa bao giờ có ý định nghỉ học, dù chỉ một bữa!
Cân nhắc năm trường hợp, cuối cùng mọi người
nhất trí chọn Chẩm là người xứng đáng được
nhận "Đàn gà khăn quàng đỏ". Bởi
Chẩm là một học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất chăm ngoan. Năm đầu tiên
Chẩm bước vào trung học cơ sở là một năm học có quá nhiều khó khăn do đại dịch
Covid. Cả mùa xuân mát mẻ thì toàn trường nghỉ học để thực hiện giãn cách xã hội.
Tận tháng tư mới bắt đầu học hỳ hai. Mà có được đến trường đâu! Tất cả chuyển
sang học online. Quả thật đây là một thử thách không hề đơn giản đối với một
trường vùng sâu như trường của Chẩm. Chỉ khoảng một phần ba bạn học được. Số
còn lại phần thì không có máy, phần thì không có mạng, chịu thôi! Rồi nhà trường
chỉ đạo các thầy cô phát đề cương cho đọc! Trời ơi! Ngày thường học trên lớp,
cô thầy giảng đi giảng lại còn chưa hiểu, đọc mấy cái đề cương ấy khác nào nhìn
mây trên trời! Nhìn thấy chốc lát đó rồi
mây bay đi, chẳng đọng lại chút gì trong tâm trí! Chẩm lo lắm. Năm học đầu cấp mà hổng kiến thức
thì khác nào xây nhà mà không làm móng? Bản của Chẩm ở xa, mạng không có, điện
thoại cũng không. Mỗi lần có lịch học,
Chẩm lại đạp xe tận bốn cây số, qua năm cái dốc, qua hai con suối mới đến nhà Y
Tâm, nó có cái OPPO của bố đã cài đặt mạng
4G . Y Tâm thích học chung với Chẩm vì học
online cô giảng nhanh lắm, có khi đang học
thì cái màn hình đơ ra, mạng yếu đấy! Bài
giảng của cô cứ lướt qua như phim, lại chỗ được chỗ mất . Y Tâm được Chẩm giảng
lại cho những kiến thức chưa hiểu.
- Sao Chẩm hiểu tài thế?- Y Tâm nhìn Chẩm
bằng đôi mắt đen lóng lánh.
- Ồ, Y Tâm ơi, đơn giản thôi , trước khi
học bài bạn mở sách giáo khoa đọc kỹ đi, thử làm bài tập đi, khi nghe cô giảng,
mình hiểu bài liền mà.
- Biết thế, nhưng Y Tâm đọc chẳng hiểu
gì hết, chịu thôi! Đầu của Chẩm có ngọn đèn điện thắp trong đó nên thấy cái gì
cũng sáng, cũng rõ, đầu Y Tâm tối đen à, tối đến đặc quánh lại ấy.- Y Tâm cười
thật hiền, lấy mấy quả dâu chín tím rịm đưa cho Chẩm - Ngọt lắm đấy, ăn đi.
Rồi
năm học cũng đã kết thúc vào cuối tháng sáu. Cầm tờ giấy khen học sinh tiên tiến, Chẩm cẩn thận
dán lên bức vách. Mười hai tờ giấy khen là vật trang trí duy nhất trong ngôi nhà nhỏ của
hai chị em. " Em phải giành được mười hai tờ nữa". Chẩm vừa ngắm
nghía hai hàng giấy khen vừa nói với chị.
"Đàn gà khăn quàng đỏ" của Chẩm
ngoan lắm. Sáng ra khỏi chuồng, chúng đập
cánh, chúng chạy, nô giỡn nhau. Mấy anh trống mới nhú đuôi tôm chọi trêu nhau
trông thật đáng yêu. Cả ngày tản ra bươi đất, nhặt giun nhặt dế, nhưng chỉ
nghe tiếng "bập" "bập"
từ miệng chủ, tức thì chúng xô nhau chạy
về trước chuồng. Chúng biết, kiểu gì "ông chủ nhỏ" cũng tặng cho mấy
con tép, mấy con cá nhỏ vừa xúc được ngoài khe. Rồi tranh nhau, rượt
theo nhau giành một con cá mương hơi to mà bạn nó chưa thể nuốt ngay được.
Thoáng cái, bây giờ con nào con nấy đều phổng
phao cả rồi. Lông chúng mướt rượt, sờ vào mát cả tay. Chị Hồng bảo, chúng vào
tuổi dậy thì rồi đấy, khoảng một tháng nữa là gà mái đẻ thôi. Năm chú gà trống
ra dáng thanh niên lắm, sáng sáng cứ thi nhau "Tò tí te...tét" thật
vui tai. Tiếng gáy chưa to, chưa dài nhưng cũng đủ nhắc Chẩm rằng, dậy đi thôi,
ra ruộng xem mấy ống trúm đặt tối qua có con lươn nào không.
Chuẩn bị vào năm học mới, Chẩm bàn với chị bán
đi bốn con trống thôi. Bốn con, cân lên đã nặng sáu cân rưỡi rồi đấy.
- Sáu cân rưỡi, bán sẽ được sáu trăm năm mươi
ngàn đồng. Em mua một cái quần khoảng trăm rưỡi, cho chị một trăm rưỡi nữa để
chị mua bộ đồ thêu váy nhé.- Chẩm nói với chị.
- Thế còn ba trăm rưỡi em mua gì? Định gửi
ngân hàng lấy lãi chắc? - Chị Hồng trêu.
Chẩm nói rành mạch như giải một bài
toán:
- Em cho bạn Quang, bạn Páo, chị Trang,
chị Linh mỗi người tám mươi ngàn. Số tiền này đủ mua một cái ba lô đựng sách vở.
Em muốn mỗi lần soạn sách vở vào ba lô, chiếc ba lô sẽ nhắc các bạn, các chị ấy
rằng, những phận nghèo bên nhau sẽ làm ta không thấy mặc cảm nữa, những mảnh đời cơ cực bên nhau sẽ làm ta
thấy bớt tự ti hơn. Chị có thấy như vậy không? Còn ba mươi ngàn nữa em mua cho
ông Phát cái mũ chị ạ. Cái mũ lưỡi trai của ông rách hết cả đường viền rồi.
Chị Hồng ôm đứa em trai mười hai tuổi, thảng
thốt:
- Ôi em tôi! Em lớn từ lúc nào vậy hả?
Chẩm đỏ mặt, xô chị ra:
- Chị cứ làm như em còn bé lắm! Mà đọc
sách nhiều thì hiểu sự đời nhiều mà chị.
***
Trằn trọc mãi, khuya lắm rồi Chẩm mới chợp
mắt được. Khi mấy chú gà trống thi nhau "Tò tí te...tét" thì Chẩm đã
ăn xong tô mì tôm. Chị Hồng chằng buộc chắc chắn hai lồng gà vào gác ba ga, nhắc:
- Nhớ mang khẩu trang cẩn thận em nhé. Đến
cổng chợ, nhớ xịt nước khử khuẩn nữa đấy.
- Em nhớ rồi.
Gió ngàn thổi mát rượi. Mặt trời còn nấp đâu đó dưới núi nhưng đã gửi
ánh sáng lên bầu trời để vẽ thành một cái quạt khổng lồ màu hồng phơn phớt.
Chân đạp xe, miệng huýt gió theo điệu nhạc bài: "Tia nắng hạt mưa",
Chẩm thấy cuộc đời này sao mến yêu quá đỗi!
Thế mà chỉ ba mươi phút sau, chị Hồng đang lúi
húi cho lợn ăn thì đã nghe tiếng xe dựng
đánh "cách" ngoài sân. Ngoảnh ra thấy Chẩm đang loay hoay mở hai cái
lồng gà xuống.
- Ơ, sao thế em?
- Cấm rồi chị ơi! Cấm họp chợ rồi! Con
cô vít từ thành phố theo chân người huyện mình về rồi!
Bốn
chú gà trống lại được thả ra, nhanh chóng chạy đến với các bạn của nó. Chúng khoan khoái vỗ cánh, vô tư vươn cổ "tò tí
te...tét!"
Tháng 8/2021
chuyện rất hấp dẫn
Trả lờiXóa