Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

TỪ CHUYỆN CHẲNG CÓ GÌ

NHỊN! ( Nhan đề đặt lại theo ý của Lộc Vừng)
               Truyện ngắn của NT
Nó về đến nhà, quẳng chiếc cặp to tổ bố ra ghế rồi vào thay đồ. Nhìn bộ đồng phục tã tượi của con gái, mẹ nó hốt hoảng:
-         Lại gây sự với đứa nào rồi hả con? Trời ơi là trời! Đến bao giờ thì mày hết làm khổ mẹ vậy hả trời?
Nó im lặng, lấy chiếc lược cào soạt soạt lên mái tóc, dường như nó muốn trút giận bằng việc dứt đứt mớ tóc rối bù của nó. Cái đuôi tóc xác xơ, vàng khè như đuôi bò đã được cột lên sau mấy phút bị tra tấn không thương tiếc.
-         Mày lại  đánh nhau với đứa nào?
-         Đánh nhau với đứa mất dạy.
-         Đứa nào?
-         Thằng Nam “trọc”.
-         Vì sao?
-         Nó chửi con là đồ bê đê.
-         Trời ơi là trời, mẹ đã bảo mày rồi, là con gái phải biết nhịn, phải biết nhịn, nhớ chưa?
-         Tại sao con gái lại phải nhịn? Nhịn như mẹ nhịn bố chứ gì?
-         Mày ăn nói với mẹ như thế hả?
 Mẹ nó hét lên. Mẹ nổi khùng. Mẹ vơ cây chổi nơi góc nhà quật túi bụi vào chân, vào tay, vào vai, vào mông nó. Mẹ như điên lên, vừa quật nó liên hồi vừa hét lạc cả giọng,  đồ mất dạy, đồ láo lếu, tao đánh cho mày hết láo lếu! Chân tay nó bầm tím, nhiều chỗ rớm máu. Nhưng nó không tránh đòn của mẹ. Nó cũng không khóc. Nó trơ ra, lì ra như một khúc gỗ, như một tảng đá. Mẹ quẳng cây chổi đã gãy toe toét rồi ngồi ôm mặt khóc tấm tức, đôi vai gầy rung rung… Nó nhìn thân thể gầy còm, xác xơ của mẹ, lòng nhói lên vì thương và cả vì giận, nó thương cuộc đời cơ cực của mẹ, nó giận sự cúi đầu nhẫn nhục của mẹ. Và nó cứ ngồi chết trân trên ghế với những suy nghĩ rối bời…

  Hai chị em nó cùng bố cùng mẹ đấy, sao mà khác nhau như mưa với nắng, như trắng với đen, như nước với lửa. Chị nó trắng trẻo,  xinh xắn, ngoan ngoãn lại học giỏi. Còn nó, cứ y như một cục đất nung. Ngay từ khi mới lọt lòng, mọi người đã gọi nó là Bao Chửng, chỉ thiếu mỗi cái sẹo hình mặt trăng đầu tháng trên trán. Lên ba tuổi, ai hỏi nó, nó cũng tự xưng là con trai, bảo chim của cháu sắp mọc rồi, chỉ ít lâu nữa là cháu thành con trai thôi, không cần làm con gái. Nó vạch quần, ưỡn bụng vào bức tường và tiểu vào đó như bố nó vẫn làm. Nước đái chảy ướt đầm đìa cả quần, mẹ mắng nó, nó bảo hãy đợi đấy, ít lâu nữa sẽ có vòi dài ra, không ướt quần nữa. Chẳng bao giờ nó chịu để tóc dài như lũ con gái lắm chuyện kia, cứ  ba phân, chẳng nhọc công gội đầu chải tóc. Hàng xóm bảo bà mụ vắt nhầm cái ấy của nó. Mẹ phân bua, chắc là khi mang thai, tôi cứ ước con trai nên bây giờ tính khí nó như thế.
 Vào lớp Một, nó nghịch ngợm, ngổ ngáo nhất lớp, và cũng học dốt nhất lớp. Vở viết tờ sau thì xé tờ trước gấp máy bay. Nó học xong lớp năm, cô giáo tiểu học lắc đầu, chị về nhà bảo ban cháu thêm đi, ở lại lớp thì nhà trường không cho phép, ảnh hưởng đến phổ cập chị ạ, phải cho lên lớp sáu thôi, nhưng cháu đọc chưa thông, viết chưa thạo. Mẹ hết mắng lại dỗ dành, mẹ đưa chị ra làm gương, nó cãi, chị khác, con khác, chị học trước con, lớn hơn con thì giỏi hơn chứ sao. Mẹ phân bì với những đứa bạn trong lớp nó, nó lí lẽ, đi học thì có người giỏi người dốt, chẳng lẽ ai cũng giỏi cả. Tại sao bố các bạn giỏi làm ăn, giỏi kiếm tiền mà bố mình thì chẳng làm được việc gì nên hồn, sao mẹ không khuyên bố đi, sao mẹ phải nín nhịn bố mãi thế. Thế là nó lại ăn đòn, đau thì đau nhưng nó không sợ, nó bảo nó nói đúng. Đánh nó xong, mẹ lại khóc.
   Nó học không vào. Cái đầu nó chữ vào thì khó mà ra lại dễ. Đi học về, mẹ hỏi hôm nay con học bài gì, có làm được bài tập không? Nó thủng thẳng đi vào nhà, quẳng chiếc cặp tơi tả ra bàn rồi lại thủng thẳng trả lời, học bài gì thì ai mà nhớ nổi, mỗi buổi học bốn, năm môn  chứ có phải một môn đâu. Nhớ chi cho tổ mệt óc! Nó không muốn nhớ ba cái chữ, cái số lằng nhằng rối rắm ấy, nhưng những chuyện trong gia đình thì nó nhớ kĩ lắm, nhớ dai lắm.
 Bà ngoại bảo mẹ chịu nhịn bố từ khi mới về ở với nhau kia. Hễ khi có chuyện vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt là bố nó lại chì chiết: “ Mày cậy ở gần ngoại, cậy cái nhà rách bên ngoại cho nên coi khinh chồng chứ gì? Mày khinh tao là “chó chui gầm chạn” chứ gì? Thì đấy, tao sẽ đi cho khuất mắt.” Dọa thế thôi, bố mà đi được đâu. Nghề ngỗng không có, lại chê việc nhà nông chân lấm tay bùn, nắng cháy mặt mưa xối đầu, thu nhập chẳng được cái quái gì ngoài ba hạt lúa rẻ như bèo. Bố ham vui bạn vui bè, bảo vay tiền để đi làm ăn, cuối cùng mẹ lại nai lưng ra trả nợ, vay mượn từ chiếng, vay mượn quanh năm để trả nợ. Mẹ có kêu ca rên rỉ thì bố lại bảo, thế mày giỏi thì tự làm mà nuôi chồng, tao không đi nữa. Và bố nằm ườn ra thật, mặc mẹ luật quật hết việc nọ đến việc kia.
Nó nhớ  khi nó lên bốn, hai chị em suýt mất mạng vì một tảng đá to đùng sau núi lăn xuống,đè nát tấm phên, xộc thẳng vào gian giữa, làm gãy tan tành cái bàn kê giữa nhà. May mà mẹ kịp lao đến, hai tay kéo xềnh xệch hai đứa đang ngơ ngác chưa biết chuyện gì xẩy ra. Người ta nói trời phạt bố nó đấy. Ai đời tấm gỗ đặt làm nơi thắp hương mà dỡ xuống. Dỡ làm gì? Để bán lấy mấy chục bạc, rủ cái ả mới dựng quán cắt tóc đầu làng kia đi xem phim. Thế mà mẹ vẫn nhịn được, mẹ không dám nói gì. Có nói thì cuối cùng cái sai vẫn thuộc về mẹ. Mẹ không đẻ được con trai, bố chán đời, bố chán cái gia đình này, bố phải tìm niềm vui để khuây khỏa.
 Mẹ bảo bố, chịu khó làm ăn mà nuôi con chứ. Bố gắt mẹ, con gái là con người ta, con người ta thì nuôi vừa thôi, học hành vừa thôi, uổng công. Bố lấy cớ mẹ không biết đẻ để tự do đi hết chỗ nọ đến chỗ kia , hết cặp với ả  góa chồng này lại tán tỉnh ả quá lứa nọ. Bố bảo bố có số đào hoa, toàn được đàn bà bao. Bao ăn, bao ngủ. Bố hứa hẹn đủ thứ trên trời dưới đất để nhử họ. Cũng như hồi trước bố nhử mẹ bằng những lời có cánh, anh sẽ không bao giờ để em phải khổ. Để rồi sau đó, khi chị đã nằm trong lòng mẹ được ba tháng thì bố lặn mất tiêu. Ông bà ngoại tìm đến nhà, bên nội bảo, nó là cái thằng trời đánh, nó gây bao nhiêu cơ cực cho cha mẹ , nó lông bông lang bang hết vào Nam rồi ra Bắc. Giờ chúng tôi cũng bất lực với nó rồi. Hai tháng sau, bố nó lù lù trở về rồi ở riệt nhà ông bà ngoại của nó. Thương con gái, ông bà đành gánh cái nhà ngang ra mảnh đất bên chân núi này, đó là nơi mà chị và nó đã ra đời.
 Nhưng bố thì vẫn chứng nào tật ấy.  Đi chán, bố lại về. Mẹ bảo, thôi thì để con còn có bố mà gọi.
   Nó cũng đã phải nhịn nhiều rồi chứ, mẹ đâu có biết. Cô giáo nhắc nó, mắng nó cái tội cuối năm rồi vẫn chưa nộp tiền các khoản qui định, nó im thít, cúi đầu nhận lỗi. Nó học dốt, nhưng cũng còn những đứa khác dốt như nó, vậy mà chúng vẫn được học sinh tiên tiến.Nó vẫn biết thế là không công bằng, nhưng vẫn im lặng nhịn đấy thôi. Bố mẹ chúng biết cách quan tâm cô, biết đều đặn thăm hỏi cô những ngày lễ tết. Mẹ nó đã bao giờ hỏi thăm cô một câu đâu. Học giỏi như chị nó thì chẳng nói làm gì, nhưng con học dốt thì bố mẹ phải giỏi …thay cho con chứ.
   Nó chúa ghét cái gọi là đi học thêm. Học trên lớp có đứa  ngủ gà ngủ gật vì thức khuya lượn trên “Phây”, có đứa  nói chuyện miệng cứ như tép nhảy, cô nhắc chán không được cũng thôi, nếu có nóng nảy mà cho chúng một cái tát là chuyện to đấy, có những đứa im lặng, mắt nhìn lên bảng nhưng hai tay đặt dưới ngăn bàn cứ nhoay nhoáy nhoay nhoáy, tin nhắn điện thoại  không đứt đoạn bao giờ. Thế mà lại đua nhau đăng kí học thêm. Thật vớ vẩn! Thật vô tích sự!  Nó ở nhà đi làm với mẹ. Có nó, mẹ đỡ vất vả hơn nhiều. Những việc nặng nó cứ làm hùi hụi như con trai.  Mà cũng cần quái gì học thêm, đằng nào mà nó chẳng lên lớp, học dốt mấy cũng phải lên lớp, ai cho ở lại. Thế nên bây giờ, nó nghiễm nhiên là học sinh lớp 11 rồi đấy. Sang năm hết 12, nó sẽ đi kiếm việc làm. Cùng ra thì đi vào Nam làm ở công ti giày da xuất khẩu, nghe bảo trừ tiền ăn tiền ở rồi, hàng tháng cũng để ra được một đôi triệu gửi về cho mẹ. Thế cũng tốt chán. Chị nó đấy, học giỏi, lại nhè cái ngành sư phạm mà thi làm chi cho khổ. Chị muốn thi vào Ngân hàng, nhưng mẹ bảo học sư phạm cho đỡ tốn tiền học phí. Chị ngoan ngoãn nghe lời mẹ, đâu có chuyện cứ động tí là cãi lem lẻm như nó. Ngày chị đỗ, mẹ ra sau nhà ngồi khóc. Mẹ thương chị, mẹ lo không đủ tiền trang trải việc học của chị. Bố nhân cơ hội chị đỗ đại học thì mời thêm mấy người bạn , bảo mẹ đi chợ làm vài mâm ăn mừng. Bạn của bố toàn mấy tay nát rượu, khề khà chén chú chén anh, ba hoa phét lác mãi đến gần tối, mất tong của mẹ gần triệu bạc. Có ai mừng cho chị đồng nào đâu.
 Chị học đại học, mẹ càng gầy ngẳng như que củi khô. Có tiền vay vốn sinh viên rồi mà vẫn thiếu trước hụt sau, vẫn nợ chồng lên nợ. Nó cũng biết nhịn đấy chứ, Nó đâu dám đòi mẹ mua sắm áo mua quần, mặc thừa mấy bộ của chị cũng xong. Lên cấp ba, nó cũng nuôi tóc, cái đuôi tóc loe toe ra được nửa lưng. Dây cột tóc có vài nghìn nó cũng nhịn nốt. Nó xin chị thợ may mảnh vải thun rồi về may thành dây cột tóc. Cần quái gì đẹp. Đã bao giờ nó có ý nghĩ làm đẹp. Chị nó vẫn bảo, con gái phải chú ý hình thức một chút, xấu quá không ai nhìn. Không ai nhìn thì thôi, quan trọng gì! Chị nó xinh lắm, vừa đi học vừa làm thêm, vất vả thế nhưng vẫn nõn nà, vẫn tươi rói chứ đâu phải một cục đất nung như nó. Xinh  nên lắm người nhìn, lắm người theo đuổi. Vậy mà kết luôn một anh trung cấp cơ khí mới dở! Ra trường, chưa xin được việc làm, bên nhà trai đã đòi cưới, anh rể bảo cưới thôi, để lâu rách việc. Chẳng biết cưới thì lành việc chỗ nào, không rách chỗ nào, nhưng chị chưa xin được việc làm. Trước đó mẹ đồng ý cho cưới vì nghĩ bên nội sẽ lo xin việc cho chị, mẹ kiếm đâu ra hàng trăm triệu để kiếm một chỗ cho chị  đứng trên bục giảng? Giờ thì chị đang tạm gác ước mơ làm cô giáo để ngày ngày dạng háng ngồi tráng bánh đa nem, nghề gia truyền  bên nhà chồng. Có thể chị sẽ còn ngồi như thế một năm, hai năm, hay cả cuộc đời? Bố chì chiết mẹ, bố chửi, cho nó đi học làm gì, tốn bao nhiêu tiền rồi cũng chỉ lấy chồng, đẻ con. Không cần học cũng lấy chồng đẻ con được. Giờ nợ sinh viên ai trả, trả đến bao giờ cho xong? Làm như là bố có trách nhiệm với gia đình lắm ấy. Vay bao nhiêu bố đâu có biết, lúc nào đến hạn bố đâu có hay. Bố chỉ nói cho có cái để chửi mẹ thôi. Cứ rượu vào là bố chửi, bố phá đồ đạc. Những gì vỡ được đã vỡ, những gì gãy được đã gãy tan tành.  Bố lè rè cả ngày, hàng xóm bảo mẹ là người có thần kinh thép mới chịu được bố. Thế mà mẹ cứ nhịn, cứ nhịn. Cứ như thể kiếp trước mẹ nợ nần gì bố. Người ta “gánh cực mà đổ lên non”, mẹ gánh đi đâu mà đổ hả trời?
    Nó nhìn mẹ, nó muốn nói với mẹ rằng, mẹ à, nếu con có thể gánh được cơ cực cho đời mẹ, mẹ cứ trút sang con đi. Chao ôi, giá như con được là Bao Thanh Thiên, mẹ nhỉ?
Nhưng nó vẫn ngồi trơ ra như thế.
                                                                                                                            30/6/2014

 (Đã sửa lại phần đầu theo góp ý của lão Tan và nhà thơ Quang Thứ)


51 nhận xét:

  1. May quá, chị ST sang nhận tem vàng nè NT ơi. Lại phải đi ăn cơm rồi, lát nhận xét sau nha. Xí chỗ mở hàng đã
    Hì...Hì...

    Trả lờiXóa
  2. Nó hiểu mẹ -hiểu bố hiểu cuộc sống gia đình nhưng ...lực bất tòng tâm ...........
    Tối vui vui bạn nhé -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ là hiện lại "lực bất tòng tâm" thôi, TML ạ. Nó sẽ là đứa đủ bản lĩnh để sống tốt giữa cuộc đời này.
      Hãy tin như thế.

      Xóa
  3. ĐƯỢC ĐẤY!.... HÃY VIẾT TIẾP...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết tiếp chuyện này đó. chuyện này kết thúc như vậy sao... còn kết thúc như vậy coi như 1 câu chuyện bỏ lửng đấy.......chuyện này viết tốt hơn những chuyện trước đấy...

      Xóa
  4. Em thắc mắc về cái tên truyện.
    Chị có duyên viết về những cảnh đời bất hạnh, những cùng cực tưởng như không còn tồn tại trong chế độ này.
    Đọc và thương những "phận người" khốn khổ. Uất vì những kẻ vô dụng, đường đường là "nam nhi" mà làm khổ vợ khổ con. Ôi cuộc đời!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu em có dịp đi đến những vùng miền núi như quê chị, em sẽ có dịp chứng kiến bao cảnh đời, bao con người (đặc biệt là phụ nữ) nơi đây khổ như thế nào. Họ cứ lầm lũi như con sâu, cái kiến, họ sống cả đời bên ông chồng vô tích sự nhưng chẳng than vãn gì. Lạ thế.
      Chị cũng chưa thích cái nhan đề này (tức là từ cái chuyện cỏn con đầu truyện để dẫn tới những dòng suy nghĩ của nhân vật "nó") nhưng hiện tại chị chưa nghĩ ra nhan đề khác cho phù hợp.
      Chị đang thử nghiệm xây dựng cốt truyên tâm lí và thử viết theo kiểu lời thoại không đặt trong ngoặc kép hoặc gạch đầu dòng ( như hiện nay các nhà văn hay viết). Nó có vẻ phù hợp với kiểu tiết tấu nhanh.Chị muốn tham khảo ý kiến của Lộc Vừng.

      Xóa
    2. Hì. Tức là cái chuyện "nhịn" ở đầu câu chuyện này ấy hả chị? Vậy thì lấy luôn làm chủ đề cho câu chuyện đi chị.

      Câu chuyện này chị viết đúng là có tiết tấu nhanh, vì tất cả các lời thoại của nhân vật đã được chuyển thành gián tiếp, chủ yếu trong tâm lí của nhân vật NÓ. Nhưng theo thiển ý của em thì tiết tấu nhanh vẫn cần những cái "phanh" để làm chậm lại ở một vài điểm nhấn nào đó có tính chất quyết định trong tâm lý của NÓ, thì chủ đề của câu chuyện mới không bị mờ nhạt.
      Trong câu chuyện có 4 nhân vật, mỗi người một đặc điểm, một tính cách, họ ở bên nhau vì họ là một gia đình. Nhưng không gian truyện thì không bó hẹp trong phạm vi gia đình, để từ đó em nhìn thấy những mâu thuẫn xã hội. Tóm lại, đây là một chất liệu rất hay.
      Còn ý kiến của em thì thế này: Nhân vật NÓ là nhân vật chị tập trung xây dựng theo kiểu cốt truyện tâm lý. Từ suy nghĩ của NÓ, hiện lên những cảnh đời, những suy nghĩ, những quan niệm sống và cả những góc khuất của sức mạnh tiền bạc đè bẹp nhiều giá trị khác. NÓ vừa xót xa, vừa bất lực vì sự nhẫn nhịn của mẹ, NÓ bực bội khi chứng kiến thái độ của bố, NÓ mỉa mai khi chị gái nó cuối cùng vẫn phải lăn lóc bươn chải không theo nghề nghiệp đã được học.Và hơn cả, NÓ cay đắng khi nghĩ đến chính sự nhẫn nhịn của bản thân mình - một tâm lý nhiều mâu thuẫn, còn nhỏ tuổi nhưng sớm già trước tuổi, điều đó cũng phù hợp vì NÓ lớn lên trong hoàn cảnh như thế mà. Đó là cảm nhận của em về nhân vật NÓ.
      Nhưng, tâm lý ấy để làm gì? Thì câu trả lời hình như vẫn chưa có chị ạ. Bởi em nghĩ dù một câu chuyện được xây dựng theo cách nào đi chăng nữa, thì nó phải hướng tới một giá trị nhân văn nhất định. NÓ có thể phản kháng lại bố và mẹ không? NÓ sẽ làm gì để mẹ bớt khổ? NÓ sẽ thay đổi tâm lý thế nào khi nghĩ đến tương lai của chính NÓ? (vì đã có một sự đối chiếu, là nhân vật người chị gái rồi)
      Em thích một lối thoát cụ thể, dù chỉ là trong ý nghĩ chị ạ.

      Xóa
    3. Oái, vừa nãy em com xong không thấy hiện lên, chán quá đi về. Giờ qua định viết lại thì lại thấy. Mà choáng, vì em lắm điều quá. Hihi. Thông cảm chị nhé, vì hình như hôm nay em vẫn đang bị ẩm IC.

      Xóa
    4. Chị chẳng biết nói gì thêm vì quá phục sự cảm nhận sâu sắc và chính xác của em.
      Về nhan đề, đặt là NHỊN, có vẻ hay đấy. Để chị nghĩ thêm nhé.
      NÓ đã phản kháng lại bố, đã không đồng tình với mẹ, nhưng là phận làm con, nó chỉ ngấm ngầm thế thôi, cao lắm là cãi lại những chuyện vặt vãnh.
      Hưởng đi của nó là sau khi học xong sẽ ra đời sơm, sẽ kiếm việc làm. Do trình độ, nó chỉ có thể làm công nhân, có thể đi xa, nhưng một đôi triệu gửi về cho mẹ cũng là đáng kể trong hoàn cảnh của gia đình nó.
      Mong muốn của em cũng như của nhiều người đọc là muốn có một giải thoát.Nhưng chị lại để vậy, nó thể hiện cái BẾ TĂC của một số người thuộc lớp trẻ hiện nay. Và NÓ cũng chỉ dừng lại để ước mình là Bao Thanh Thiên, đem lại công bằng cho xã hội mà thôi.
      Em com mà không hiện là do mạng ẩm IC chứ. Hi hi...

      Xóa
    5. Ôi, chị đã nói ra được "hướng đi của nó" rồi đấy thôi?
      Ý em không phải là dùng chính cái từ "Nhịn" để đặt nhan đề mà Ý em là nếu sự việc ấy là đầu mối cho những suy nghĩ của NÓ về cái sự "nhịn" theo nghĩa bóng thì có thể chọn một cái tựa nói lên điều đó . Hihi.

      Xóa
    6. Nhưng chị lại thấy dùng nhan đề đó có vẻ...hay hay. Thực ra lúc đầu chị dùng từ NÍN trong lời của người mẹ, vì nín nói trúng hơn. Nhưng về sau lại nói cái sự nhịn của mẹ, cái sự nhịn của nó, nên chị sửa lại cho thống nhất tự ngữ chủ đề: NHỊN.

      Xóa
  5. Trả lời
    1. Thế đó em. Chị đã từng viết trong truyện ngắn MỘT CUỘC KIẾM TÌM: " Không có chồng cũng khổ nhưng có chồng chắc gì đã sướng"

      Xóa
  6. vẫn còn đó những mãnh đời !!!! cám ơn bạn kéo ra ánh sáng những điều tệ hại còn lại trong xã hội. chúc bạn luôn an vui nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh. Trang văn cũng chính là cuộc đời mà, đúng không anh?
      Chúc anh luôn vui và hạnh phúc.

      Xóa
  7. Truyện không chỉ ghi lại một cách thật cảm động về kiếp người nhiều khổ đau thua thiệt mà vẫn nhẫn nhịn để rồi càng nhẫn nhịn càng khổ đau hơn mà còn gảy ra những bức bối trong xã hội hiện nay về vấn đề công ăn việc làm cho sinh viên, về những bất cập trong chốn học đương... .
    Nhân vật nào cũng có hành động và tính cách khá nhất quán. NT quả là có khả năng viết truyện ngắn thực.
    Tuy nhiên hình như chị ST vẫn có cảm giác hơi bị hâng hẫng khi đọc truyện này mà chưa phát hiện ra vì sao em ạ. Có thể là ở cái kết chăng? Chưa chắc chắn là thế. Thôi để dần dần chị đọc lại rồi bổ sung sau nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị đã cảm nhận rất đầy đủ những thông điệp của câu chuyện. Chốn học đường bây giờ có quá nhiều bức xúc chị ạ. Muốn cho học sinh ở lại cũng không được, lớp 6 có những em chưa biết đọc, biết viết, cuối năm vẫn đẩy lên lớp 7. Thậm chí phụ huynh xin cho con ở lại cũng không cho. Rồi vấn đề đạo đức, luật nghiêm cấm đánh HS là đúng thôi, nhưng có những đứa nó quá cá biệt, gv đành bó tay nếu chỉ dừng lại sự nhắc nhở. Rồi mạng mẽo, rồi điện thoại...xâm nhập vào học đường một cách ồ ạt. Em chỉ đưa thoáng qua thôi. Rồi cảnh sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp đầy rẫy nơi quê em. Loanh quanh vài năm rồi lấy chồng, nợ sinh viên để cho bố mẹ...
      Em muốn để cái kết lơ lửng như vậy thôi chị.
      Đọc lại và góp ý cho em thêm chị nhé. Cảm ơn chị nhiều.

      Xóa
    2. Mấy hôm bận việc, hôm nay chị mới sang em và đọc lại Truyện này rồi NT ơi.
      Chị thấy cái kết ấy rất ổn vì nó không khép lại mà mở ra cho người đọc liên tưởng về thân phận con người của một lớp người như gia đình Nó nói chung và bản thân Nó nói riêng. Chẳng biết người khác đọc thì liên tưởng thế nào chứ riêng chị thì chị nghĩ là cuộc đời của Nó cũng chẳng hơn gì cuộc đời của mẹ Nó và chị Nó đâu. Bởi Nó không chịu nhịn nhục như mẹ Nó nhưng Nó cũng chưa đủ bản lĩnh và tâm thế để bứt phá để chọn ra một hướng đi cho riêng mình. Nó lại không có nhan sắc và không có học vấn như chị Nó. Vậy thì ...
      Dẫu ai nói gì thì nói, chị vẫn cho rằng đây là một truyện ngắn có cách viết khá hiện đại. Gọn và giàu ý nghĩa.
      Tuy nhiên theo chị, em nên chú ý đến một vài tiểu tiết. Ví như đoạn nói về Nó với những lời cãi lại mẹ mà em chỉ gắn vào đoạn học lớp một... thì có vẻ chưa hợp lý lắm vì người đọc sẽ nghĩ Nó mới học lớp một không xong mà sao lý luận giỏi thế? Theo chị đoạn này em nên thêm vào một vài câu văn nữa để người đọc hiểu ra rằng khi Nó cãi những lời ấy Nó không còn là hs lớp một nữa
      Vài lời vậy thôi nha em

      Xóa
    3. Lại nói thêm nữa nè. Theo chị thì cái nhan đề lúc đầu em đặt hợp hơn NT ạ. Vì đúng là từ chuyện chẳng có gì mà Nó suy nghĩ miên man thì mới đúng với cách viết một truyện ngắn theo hướng khám phá qua suy nghĩ của nhân vật chứ. Nếu đặt là Nhịn mà gắn vào cả từ việc nhịn ở đầu truyện của Nó thì e rằng hơi thô và khiên cưỡng chăng?

      Xóa
    4. Cảm ơn chị ST với những góp ý rất có trách nhiệm mà lại luôn động viên em.
      Con bé nó cá biệt từ nhỏ đấy chị. Ba tuổi đã tỏ ra bản lĩnh tự khẳng định mình (tất nhiên là ngây thơ mới nghĩ sau mình sẽ mọc chim). Khi cô giáo nói với mẹ nó thì nó sang 7 tuổi (cuối lớp 1), bằng quan sát xung quanh (bố, mẹ, chị, bạn bè) nó có thể phát biểu theo những gì nó thấy. Nhiều đứa trẻ bây giờ "cụ non" như thế mà chị, em đã "nhặt" từng mảnh có thật trong cuộc sống để đưa vào truyện khi quan sát bọn trẻ chơi, nói chuyện, cãi nhau...Nhiều đứa lí sự như người lớn làm ta phải ngạc nhiên, nghĩ như ai bày cho chúng nói vậy.
      Còn tương lai của Nó, em nghĩ có thể hạnh phúc đến với nó muộn màng, nhưng Nó sẽ không chịu nhịn đâu. Nó khỏe như con trai, nó ngang bướng, dù học dốt nhưng lại nhạy cảm trong cuộc sống.Điều đó để ta tin Nó sẽ bước vào đời vững vàng. Theo một nghiên cứu xã hội, nếu để sống tốt giữa cuộc đời, kiến thức sách vở chỉ cần 15%, còn 85% là kĩ năng sống.
      Về nhan đề thì em cũng đang để cả hai như vậy, mỗi nhan đề có một cái hay riêng.

      Xóa
    5. Lại nói thêm với chị này, vì sao em thấy nhan đề NHỊN nó hay hay ấy mà. Như chị biết đấy, nhân vật chính của truyện là NÓ, vậy nên chủ để tư tưởng của truyện chứa đựng trong nhân vật NÓ vậy. Tan hay nhà thơ QT không thích cái tình huống mở đầu câu chuyện, vì cái sự "ót" có vẻ thô thiển, nhưng như Tan nói đấy, nó là chuyện sinh hoạt bình thường của con người. Tuy nhiên, con người ta, nhiều khi vì phép lịch sự tối thiểu, phải nín nó lại nơi đông người, có lỡ ra thì...xấu hổ đến chết mất.(chuyện kể ngày xưa anh chàng đi tán gái lỡ không nín được, bị "ót" ra nên đành trốn biệt, đau đớn chia tay người mình yêu đấy thôi). Nhưng điều vô lí ở đây là, nhà chỉ có 2 mẹ con thôi, chỉ vì tiếng ót ấy mà mẹ nổi khùng, đánh con như thế, qui tội con như thế là sự bất bình thường(tất nhiên là mâu thuẫn phút chốc được đẩy lên cao do cơn tức giận vì những việc khác bị dồn nén lâu nay không nói ra được, giờ nó mời tuôn ra luôn). Toàn bộ phần sau đều là suy nghĩ của nó, em không muốn đề cao sự hi sinh, chịu nhẫn nhục vô lí của người phụ nữ mà phê phán họ. NHỊN là cần thiết, nhưng nhịn lúc nào? Nhịn để giữ một người chồng vô trách nhiệm với gia đình ư? Nhịn để cho con có một người mà gọi bố ư? Gọi bố đó nhưng nó coi như không đủ tư cách làm bố.Nhịn để người chồng khinh nhờn, thỏa sức sống buông thả mà không cần suy nghĩ ư? Sự nhịn ấy làm cho người chồng càng ngày càng hư hỏng và đẩy cuộc sống người vợ vào hố sâu của tủi cực.
      Còn NÓ, nó vẫn biết nhịn đấy thôi, nó nhịn ăn mặc, kể cả cái dây cột tóc để mẹ đỡ khổ, đỡ túng thiếu. Nó nhịn vì biết chưa nộp tiền học là sai, tuy rằng không phải do nó. Nó nhịn khi biết có sự không công bằng trong đánh giá kết quả học tập vì điều đó không có bằng chứng. Và ngay từ tình huống đầu tiên, nó để mẹ thoải mái trút giận vào người nó cũng là một sự nhịn vậy. NHỊN của nó đáng trân trọng, NHỊN của mẹ đáng phê phán. Vì vậy, nhan đề NHỊN em thấy được.
      Hi...hôm nay rảnh, lan man với chị cho vui thế thôi. Với em, dạy học là nồi cơm, viết văn là lọ hoa để bàn chị ạ.

      Xóa
  8. Hôm nay lại ghé qua nhà chị, mang sẵn cục đá nè! Hihi, đùa tí! :D
    Chị viết hay lắm. Bài viết có 4 nhân vật thì hiện lên rõ mồn một cả 4. Rồi những chuyện chướng tai gai mắt trong từng gia đình, những ung nhọt của xã hội..., chỉ cần qua vài câu cũng hiện lên thật rõ nét.

    Tuy nhiên, như mọi lần, có khen thì cũng có ý kiến ý cò.
    Đọc bài này, OM ngờ ngợ hình như nó không phải truyện ngắn. Cho đến giờ phút này, chưa một ai giải đáp thoả mãn cho OM câu hỏi "truyện ngắn là gì?", cho nên OM cũng lờ mờ lắm, chỉ nói ra ý này để rộng đường trao đổi thôi. Theo OM thì truyện ngắn phải súc tích - dĩ nhiên rồi, và phải có cốt truyện. Súc tích thì bài này đã có, nhưng cốt truyện với những nút thắt và mở (mở theo một cách nào đó chứ không hẳn là phải mở bung) thì chưa có.

    Ở mình có nhà văn Phan Thị Vàng Anh, trước đây đã từng viết những truyện ngắn mà ta cảm thấy dường như không có cốt truyện. OM đã đọc kỹ lại thì nhận ra cô ấy viết có cốt truyện, nhưng cái cốt ấy ẩn giấu qua những mảnh tâm trạng tưởng chừng như rất vu vơ.

    Về vấn đề này, OM muốn có sự trao đổi qua lại với chị NT, vì chị là giáo viên chuyên ngành, nên OM hi vọng sẽ tìm được câu trả lời từ chị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi, phòng vệ chính đáng. Đá cứ bỏ sẵn trong túi cho chắc ăn.
      Vấn đề OM đưa ra trao đổi thật thú vị.
      Từ hồi đi học phổ thông, chị chỉ nhớ có một câu thầy dạy thế này: "Truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống"
      Cách đây chưa lâu, có một người cho chị mấy cuốn sách, trong đó có cuốn SỔ TAY TRUYỆN NGẮN được người đó từng xem là "một vật bất ly thân". Lâu nay chị cứ viết thế thôi, chẳng lí luận lí liếc gì, giờ cầm mấy cuốn lý luận văn chương ấy đọc muốn vỡ óc! Nhưng vẫn phải đọc, đọc để soi vào đó xem thực chất cái mình đang viết là cái gì.
      Chị trích ra đây mấy chỗ để em suy nghĩ xem nhé:
      Nhà văn Tô Hoài: "Đã có nhiều cách định nghĩa về truyện ngắn, nhưng nếu nói nôm na với nhau, đưa ra một định nghĩa để làm việc thì truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống."
      Nhà văn Bùi Hiển: " Truyện ngắn hay là trong mấy trang mà nói được cả một cuộc đời. Hoặc chỉ dựng một vài khung cảnh chính, nhưng qua đó, biết được, đoán được một ít nhiều toàn bộ cuộc đời nhân vật, trước kia thế nào và số phận sau này có thể sẽ ra sao."
      Nhà văn Nguyễn Kiên: " Trong cách viết truyện ngắn, còn có một loại tình thế khác, đó là những truyện trong đó nhân vật chỉ suy nghĩ, chỉ nhớ lại những kỉ niệm hoặc kể lại đời mình, lúc đang suy nghĩ, nhớ hoặc kể, nhân vật hầu như không hành động gì cả.Tạm gọi đó là tình thế tâm lí"
      Đấy, chị chẳng dám phát biểu ý kiến của mình, vì chị chỉ là giáo viên dạy văn cấp 2, suốt đời "hót" đi "hót" lại những bài giảng cũ rích, theo những gì người khác nói ra và buộc phải "hót" cho đúng. Chán thế đó em, không có được không gian thỏa sức sáng tạo như nghề của em đâu.
      Rất vui được trao đổi với em, Om ạ.

      Xóa
    2. Hôm nay OM sang nhà chị nói chuyện lạc đề một chút, chị đừng bực mình nha! Hihi.
      Định nghĩa "Truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống" thực ra là một cách ví von, tựa như ta nói "quả dứa là hoàng hậu của trái cây", vậy thôi, chưa phải là một định nghĩa mang tính khoa học. Em cũng có thể nói: "Tản văn là một lát cắt của cuộc sống" "Truyện dài là một lát cắt của cuộc sống"... Vậy, OM vẫn chưa hiểu Truyện ngắn khác với tản văn hay khác với truyện dài như thế nào. (Nếu lấy số lượng chữ là tiêu chí để phân biệt truyện ngắn với truyện dài thì cũng chưa thoả đáng).
      Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết rất nhiều tản văn. Trong tản văn của cô cũng xuất hiện các nhân vật mang tính cách rõ nét, cũng có một nội dung câu chuyện. Vậy đâu là sự khác nhau giữa truyện ngắn của Vàng Anh và tản văn của Tư?

      Hihi, nghe câu "than" của chị ở cuối còm thấy... hãi quá, vì nhớ lại một thời mình phải học văn ở trường PT. Gọi là văn chứ thấy hết một nửa là chính trị rồi! Nhớ cái câu "Là một học sinh dưới mái trường XHCN..." Hahaha!

      Xóa
    3. Nếu phân biệt truyện ngắn với truyện dài hay tiểu thuyết thì từ điển văn học viết thế này OM nhé: " Truyện ngắn là hình thức tự sự loại nhỏ. Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ, tập trung mô tả một mảnh của cuộc sống: một biến cố, một hành động, một trạng thái nào đó trong cuộc đời nhân vật, thể hiện một khía cạnh của tính cách hay một mặt nào đó của đời sống xã hội. Do đó truyện ngắn thường là ít nhân vật và sự kiện.
      Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế. Nó không kể trọn vẹn một quá trình diễn biến một đời người mà chọn lất những khoảnh khắc, những lắt cắt của cuộc sống để thể hiện. Kết cấu của truyện ngắn thường là sự sắp đặt những đối chiếu, những tương phản để làm bật ra chủ đề. Do đó truyện ngắn thường là ngắn. Truyện ngắn tuy là ngắn nhưng có thể đề cập tới những vẫn đề lớn của cuộc đời."
      Vừa rồi chị đi dự Hội thảo văn xuôi Nghệ An đầu thế kỉ XXI, tiến sĩ Phạm Tuấn Vũ có bài tham luận, trong đó ông viết:Trong thực tế, nhất là hiện nay, có những văn bản văn chương khó xếp vào một thể loại nào và không phải không có hiện tượng cùng một tác phẩm mà tác giả và nhà nghiên cứu phê bình định danh thể loại của nó không giống nhau.
      Theo chị nghĩ, hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư là một ví dụ? Chị đọc Nguyễn Ngọc Tư khá nhiều và thấy tiến sĩ
      Phạm Tuấn Vũ nói đúng.
      Còn cái nghề dạy học mà em, nói thật là bọn chị cũng rất khó chịu khi phải làm con vẹt nhắc lại những gì người ta bảo phải nói. Thậm chí bây giờ lại đưa các nội dung Luật vào trong việc dạy tác phẩm: luật giao thông, luật bình đẳng giới, luật sinh đẻ ...vậy là những điều mà khi tác giả viết chưa chắc đã nghĩ tới thì giờ giáo viên phải ép vào, uốn vào, suy diễn cho hợp lí để dạy...luật! He he...

      Xóa
    4. Xem qua truyện , lão tính im lặng trao đổi với em khi có thể. Nhưng những lời OM viết , làm lão không...nín nữa.
      Đúng như OM nhận xét và cả nhửng nhận xét trước đây của lão về mảng truyện ngắn của NT - Cách viết của em nghiêng về Ký. Viết Truyện ký có thể tản mạn thả lỏng các chi tiết mà không cần kết cấu. Truyện ngắn cần kết cấu vững có rường cột. Cụ Nguyễn Tuân xưa viết gì cũng ra Ký vì cụ giỏi và thiên bẩm về thể ký.
      "Oảnh" là một truyện ngắn hay và đứng vững trên nền kết cấu của truyện ngắn. Những chuyện ngắn khác trong số lão từng đọc , ít nhiều đều nghiêng về thể ký.
      " Nhịn " như một ghi chép , ký sự, thiếu hẳn chất truyện . Trong Ký , có thể lan man thỏa lòng. Trong truyện cần súc tích và cần tính thể hiện .
      ... Mình nói với ta mình hãy còn son
      Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
      Con mình những đất cùng tro
      Ta đi xách nước rửa cho con mình
      Bài ca dao cổ này hay vì nó dáng dấp của một truyện ngắn. Tính thể hiện trong kết cấu truyện rất rõ .
      Lão biết em thử nghiệm cách viết , nhưng lão lai thấy rằng hơi quen thuộc với cách thể hiện của em trong truyện. Năm xưa - lão từng thích truyện ngắn giải nhất Tap chí văn nghệ QĐ - Pham thị Minh Thư với truyện ngắn : " Có những đêm như thế " ( 1981 ) với cách viết truyện ngắn mới mẻ nhưng vững vàng ...
      ...Vì bận rộn Word cup - lão rất ít ghé làng blog . Hôm nay lão góp ý mấy dòng chân tình nối dài ý kiến của OM. Với vốn văn phong truyền cảm của mình hy vọng em sẽ có được cá tính của mình trong xây dựng truyện ngắn. Cần đọc và tham khảo các cuốn - " Công viêc viết văn " - " Cách viết tuyện ngắn " và nhất là cuốn sách đã mất nhiều trang nhưng hàng hiếm bây giờ : - " Viết tiểu thuyết " của Nhà ăn Nguyễn Công Hoan....
      Chúc em vui và...đẹp trong cách viết !

      Xóa
    5. Lão 262 đi đâu mất tiêu, giờ mới thấy ló dạng. Nhưng bù lại, Lão đã còm 1 phát hết sức nắn nót và tận tâm. Ừ, sao OM không nghĩ đến thể loại truyện ký nhỉ. Có vẻ gần đúng đấy!
      Em cũng thấy ý kiến của ông Phạm Tuấn Vũ rất hay! Các nhà nghiên cứu phê bình đôi khi còn lúng túng nữa là... Vậy nên dạo này khi em viết cái gì mà ngờ ngợ, không biết xếp nó vào loại gì thì em bỏ lửng, không xếp nữa. Để đó từ từ tính sau! :D
      Lúc nào rảnh (không cần làm ngay đâu), mời chị NT qua nhà em theo link này. Ở cuối cùng là còm của bạn Ái Nữ. Bạn í nhận xét tinh phết!
      http://tuehuong-ha.blogspot.com/2013/09/tron-vao-mua-da-quy-phan-2.html#comment-form

      Thôi, tám lạc đề nhiều quá rồi. OM rút. Chúc chị càng ngày càng viết hay. Truyện ngắn hay tản văn, hay gì gì nữa, cứ hay là được rồi!

      Xóa
    6. Cảm ơn OM đã khen lão...nắn nót (!) ehe. ( Có dịp lão sẽ nói về chuyện phu nữ và..nắn nót nhé !)
      Hôm nay lão vào để nói đôi điều về "Nhịn"
      Lão thích hình ảnh tiếng kêu chim cú trong sự khắc khoải chờ mong của người bà chờ đứa cháu trong truyện " Đứa bé bán xoài " bao nhiêu thì cảm thấy hụt hẫng trong tiếng "ót" cũa Nhịn" . Đành rằng đó là chuyện sinh hoat bình thường của con người - Nhưng dùng nó để dẫn giải cho sự nín nhịn hy sinh của người phụ nữ trong gia đình thì có phần thô thiển .
      Bản chất của người phụ nữ là giàu nhân ái và đức tính hy sinh , trong gia đình bản chất này luôn thường trực một cách rõ ràng. Họ cảm thấy hanh phúc khi được dành tình yêu thương và hy sinh cho chồng cho con dẫu rằng "chồng ta áo rách ta thương / chồng người áo gấm xông hương mặc người " Sự nhường nhịn hy sinh ấy hiện diện trong mỗi người phụ nữ.
      Đàn ông Việt thường gia trưởng và nhiễm bệnh...rượu chè bê tha . Nhưng hãy tin rằng không hẳn trong họ đã mất hết phần " người " chỉ còn lại phần " con" . Vì thế câu chuyện xoay quanh trong gia đình nhà NÓ có 2 vế tác giả muốn gửi gắm vào người đọc :chia sẻ sự nín nhịn hy sinh của người vợ trong gia đình đến mức như bực bội và thông điệp thức tỉnh những người đàn ông bê tha đang gẫm nát gia đình của mình... Do cách viết tản mạn thả lỏng như tự sự nên vô tình thiếu chất truyện để dẫn dắc người đọc nghĩ suy về hai vế này.
      Xem xong truyện . lão nhận thấy như một trận bóng đá mà các cầu thủ manh ai nấy đá không có chiến thuật và sơ đồ đấu pháp. Những trận đấu bóng đỉnh cao, sơ đồ chiến thuật là cốt lõi của thắng thua. Còn bóng đá phong trào , ào ạt đam mê mạnh ai nấy đá thì mang đến niềm vui ở ngã khác....
      Dẫu sao thì em của lão - ý quên - em của người ta , vẫn...đẹp !

      Xóa
    7. Lão Gúc chán thật. Em nhảy vào góp chuyện với chị OM và lão 262 một hơi dài. Đang hào hứng khí thế. Xong rồi bấm một phát nó out. Ối giời ơi tiếc công quá.

      Xóa
    8. Ôi trời, đêm qua yếu điện máy không lên được, bận từ sáng đến giờ mới đảo qua HƯƠNG NGÀN. Thấy lão ngồi đây, với hai com dài, vừa mừng vừa sợ. Mừng vì có ý kiến của lão góp ý cho em, nhưng sợ lão mắng em nhiều quá thế thì em cũng mụ đầu mất.
      Hôm rồi có nhà văn nhận xét cho em nhân đọc tập bản thảo GÓC KHUẤT, ông ấy bảo truyện NT viết được, dễ đi vào lòng người và đọc xong có sự ám ảnh, thế là tạo được ấn tượng. Nhưng NT cần bắt kịp với lối viết mới, không nên chỉ tuân thủ theo lối xây dựng cốt truyện truyền thống. Ông lai đưa ra một ví dụ cách xây dựng truyện hiện nay mà các nhà văn nữ hay sử dụng, đó là từ một nguyên cớ, tác giả để nhân vật trôi theo dòng cảm xúc, trôi theo những hồi tưởng, những suy nghĩ và qua đó toát lên chủ đề.Lão nói đúng, truyện này em đang thử nghiệm cách viết, chưa biết nó ra món ngô hay món khoai, câu chuyện bắt đầu bằng trận đòn của mẹ, ồn ào một chút thế, rồi khi mẹ khóc, nó im lặng. Nhưng sự im lặng đó của nó chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong lòng dội lên bao nỗi buồn, bao ấm ức.Nó không cãi lại mẹ nữa, nhưng nó cưỡng lại. Nó không chấp nhận sự bất công, bất bình đẳng trong gia đình như thế. Nó thương mẹ, nhưng cuối cùng, nó vẫn chỉ biết ngồi trơ ra, không thể nói được một lời xin lỗi, cũng không thể nói ra được những điều nó nghĩ.Em đã lấy cái phần kết cột lại với phần mở đầu để khỏi lỏng lẻo đấy thôi.
      Mấy cuốn trên em cũng đọc rồi, cũng nghiên cứu sơ sơ để tạm hiểu những lí luận rối rắm ấy. Em cũng thuộc cả những lời nhận xét, góp ý của lão cho những truyện trước đây của em. Nhưng chỉ khi ngồi một mình, buồn vẩn vơ thì em mới nhớ, con khi bắt tay vào viết thì em quên tiệt, chỉ còn những mảnh đời ám ảnh, chỉ còn những cảm xúc vui buồn với nhân vật mà thôi. Thế nên em lại thả tự do cho mạch chuyện đi theo cảm xúc. Rồi viết xong lại chẳng biết nó trúng chỗ nào, trật chỗ nào. Lão có đánh em vì tội bướng bỉnh, ngu lâu dốt bền thì em cũng chỉ...khóc bắt vạ lão thôi. Hi hi...
      Lão đừng đem bóng đá ra mà so sánh làm em càng chẳng hiểu mô tê chi. Người ta thích đội Đức vì sơ đồ chiến thuật gì gì đó, còn em thích đội Pháp vì cầu thủ đẹp, vậy thôi. Tối nay em vẫn mong cho Pháp thắng!

      Xóa
    9. OM này, giờ chị qua đọc ngay đây, lúc đầu mời sang trang Ái nữ thấy những com trả lời của em ấy mà gai gai. Sau đó lâu dần thấy thú vị.
      Với Lộc Vừng: ông Gúc thù em rồi, hôm qua chị sang em mấy lần thấy em khóa cửa.

      Xóa
  9. Truyện viết khá gọn gàng suôn sẻ. Sự bứt phá trong hành văn ở truyện này cũng khá hợp lý. Cấu trúc truyện và dẫn truyện cũng khá tự nhiên và hiện đại. Tình cảm giữa hai mẹ con NÓ hơi bị lướt qua chưa đủ độ xúc động. Chi tiết ước mơ thành Bao Thanh Thiên của NÓ ở đây, theo anh hơi xa lạ với tầm nhân vật, ít có sức sức thuyết phục.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với tính cách như NÓ, việc biểu hiện tình cảm chỉ là trong nội tâm và qua việc làm. Nó tự nhận mình không ngoan như chị, không hay nghe lời mẹ như chị, nhưng nó hiểu mẹ, nó đau vì cuộc đời của mẹ. Mẹ cũng thương nó, nhưng nó bướng bỉnh thế, ngang ngược thế, mẹ cũng không nói được với nó những lời âu yếm yêu thương. Đánh nó xong, mẹ lại khóc. Em muốn khai thác những nét tâm lí như thế đó anh. Thông thường, có những đứa con ngang bướng, ta nhìn vào nghĩ nó chẳng biết thương cha mẹ, nhưng chưa hẳn đâu.
      Còn Bao Thanh Thiên có gì xa lạ với nó đâu, mọi người vẫn gọi nó vậy mà. Ở tuổi đó, qua phim ảnh, nó thừa hiểu Bao Thanh Thiên anh ạ.Con em từ lúc 6 tuổi, nó đã ước mình là Bao Thanh Thiên đấy.

      Xóa
  10. Chào chị, em xin được kết bạn với chị chị nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thoải mái đi em. Em xem dòng chữ trên nóc nhà chị ấy.

      Xóa
  11. Đúng là "đánh địt" cũng trở thành câu chuyện! Biết đâu sau cái "ót" đó lại có câu chuyện của "sản phẩm" tiếp theo?

    Mẹ đừng bắt "nhịn" cái này
    Lỡ ra rồi "nó" sẽ bay lên trời!
    Đằng nào con đã "lỡ" rồi
    Bây giờ Mẹ chửi...chẳng "lôi" được về!
    Hôm nay con cũng xin thề:
    Lần sau lỡ "ót", Mẹ ghè đầu con!

    Anh chỉ dám còm mấy cái dòng đầu của câu chuyện (theo gợi ý của Lộc Vừng). Con những phần sau thì nhiều người đã có ý kiến rồi. Tránh sự trùng lặp!
    Chúc em luôn "nhịn" mọi cái!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đừng hòng em ...nhịn mọi cái nha. Không có thì kiếm, dứt khoát thế, không nhịn.

      Xóa
  12. Em thăm chị và chỉ biết đọc chuyện và lời còm thôi. Chúc chị vui và thành công với những thể nghiệm về cách viết...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết văn xuôi nó nhọc nhắn hơn thơ, em nhỉ?
      Nhưng chị thích nên vẫn tự đày đọa mình thế.

      Xóa
    2. OM cũng bị tình trạng không biết nói gì khi vào nhà của Xuân Sơn. Chỉ biết thán phục sao em lại có thể bình thơ hay thế. Mà hổng lẽ cứ khen mãi 1 câu, nên đành lặng lẽ ra về. Hix.

      Xóa
    3. XS làm công việc bình thơ nghe nhẹ nhàng như người ta nhấp ngụm nước ngọt.

      Xóa
  13. OM đã đọc truyện kia của chị. Đó là một truyện ngắn đúng nghĩa, chẳng phải bàn cãi gì nữa. Nhưng giờ chưa nói gì được vì phải bận bao nhiêu việc không tên của đàn bà. Hẹn chị sau nhé!

    Trả lờiXóa
  14. Người ta “gánh cực mà đổ lên non”, mẹ gánh đi đâu mà đổ hả trời?
    Thật là thương cho cái phận nữ nhi thường tình...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người phụ nữ như thế ở xứ Nghệ mình nhiều lắm chị.

      Xóa
  15. Mấy hôm vừa rồi anh bị ốm nên hôm nay mới sang đọc được truyện ngắn này của em. Văn chương thường là mỗi người cảm nhạn một cách ko ai giống ai, vì vậy nhận xét của bạn đọc đưa ra không hẳn ý kiến nào cũng chính xác. Riêng anh thấy truyện này của Nhật Thành "rằng hay thì thật là hay" nhưng tác giả để cho mình nói thay nhân vật Nó quá nhiều, nên cảm giác cái tôi của tác giả dẫn dắt hơi thiếu tự nhiên, có vẻ sắp xếp bố trí - dù rằng có nhiều chi tiết chân thực và sinh động. Anh cũng ko thích chi tiết tiếng "ót" của Nó mà tác giả đưa ra đầu truyện như Lão Tan góp ý. Có nhiều cách để dẫn dắt so sánh sự nín nhịn rất hay và tế nhị hơn ví dụ NT đã đưa ra... Còn minh định thế nào là truyện ngắn thì xưa nay các nhà lý luận đã tốn khá nhiều giấy mực mà chưa hết ý kiến. Các ví dụ OM, NHẬT THÀNH, LÃO TAN, LỘC VỪNG viện dẫn chính kiến và lời các nhà văn, nhà phê bình đều đúng cả, nó ko có chuẩn mực nào nhất định. Nhà thơ Chế Lan Viên, thân phụ của Phan Thị Vàng Anh cũng nói đại ý:" Truyện ngắn nhỏ như một viên đạn súng trường nhưng có một sức nén lớn để tung phá như một viên đại bác"... Truyện ngắn cần cốt truyện, nhưng Nam Cao có nhiều truyện chẳng có xương cốt gì cả, chỉ dẫn dắt tự sự nhưng truyện lại rất hay, đứng vững trong lòng mọi ngừi. Nói tóm lại, anh thấy truyện ko cần lớp lang, mở kết theo đề cương bài bản gì cả mà chỉ cần hay. Còn viết được hay như thế nào lại do tài năng của tác giả. Vì thế công việc viết văn rất cực nhọc và đáng được trân trọng!
    Anh hơi lan man nhưng chẳng nói đâu ra đâu cả, chỉ mong em vui khỏe và viết đc thật hay!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thôi thì em nghĩ thế này: việc định nghĩa về thể loại để cho các nhà lí luận phê bình, còn nhà văn nhà thơ thì cứ viết, anh nhỉ? Cứ viết những gì mà mình không thể không viết ra.nói như OM, cứ hay là được. Nhưng đạt được HAY thì lại cần các nhà lí luận phê bình. Khổ thế.
      Còn cái nguyên cớ ấy mà, vốn nó là một việc thật 100%. Chuyện là thế này: Đang trưa, em nghe bên nhà hàng xóm ầm ĩ cả lên. Mẹ chửi, con cãi, mẹ đánh, con khóc. Em và hàng xóm chạy sang, hóa ra cũng chỉ một cái "ót" đứa con lỡ ra lúc đang ăn cơm. Can được cơn giận dữ của người mẹ rồi, nhưng chị ấy vẫn ấm ức vì con hỗn. "Đấy, cô giáo nói cho nó nghe đúng sai đi." Mặc dầu buồn cười nhưng em phải "nghiêm túc mà nhìn nhận vấn đề", bảo nó là con gái thì phải biết giữ ý tứ, con trai nói tục chửi bậy không sao, con gái không nên thế, cũng như con trai ra đường mặc một cái quần đùi thì được, nhưng con gái thì không được. Nó ấm ức nói với cô: Thế thì bất công cô nhỉ? Tại sao bố mẹ không sinh cháu là con trai cho sướng.
      Em chợt nghĩ đến ý tưởng viết.

      Xóa
  16. một tuần mới nhiều thành công bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  17. Quê xưa mới thật quê mình
    Bây giờ "quê mới" nhưng tình lại xưa!
    --------------------------------
    Em cũng có tâm trạng như chị mỗi lần về quê chị ạ!

    Trả lờiXóa