Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

QUẢ MUỘN NGỌT NGÀO

  Trong thời đại ngày nay, nếu xem thưởng thức văn chương như bữa ăn tinh thần thì thơ là một món bình dân nhất! Dễ hiểu thôi, cái gì cung vượt quá cầu thì thường rẻ, mà đồ rẻ hay bị coi là tầm thường! Người người làm thơ, ngành ngành làm thơ, ngày ngày làm thơ. Nhiều tác giả in thơ ra chỉ mong sao có chỗ mà "kính biếu" cho hết. Mà biếu thì nhiều, người được biếu đọc bao nhiêu? Và đọc rồi thì nhớ được mấy câu trong hàng trăm, hàng nghìn câu được chiết xuất từ tim gan phèo phổi của tác giả?
"Bình minh
 khát những cánh buồm
Dòng sông
khao khát
ngọn nguồn núi non...
Còn ta
Khát đến cháy lòng
Một câu thơ
đọng mãi trong
bạn bè!"
(Võ Ngọc Sơn)
Và tôi, kẻ được bạn bè tặng khá nhiều tập thơ, nhưng thú thật, nhiều cuốn tôi chỉ đọc lớt phớt, có cuốn để cả năm chưa đọc xong. Nguyên nhân là vì tôi kén... ăn cái món này, thế thôi. Có những tập thơ đọc xong không đọng lại gì vì nó bình thường quá, có những tập đọc xong chẳng hiểu gì vì nó cao sang quá. Nhưng kẻ dở hơi là tôi lần đầu tiên đọc xong cả một tập thơ đến 140 bài trong một thời gian ngắn! Những bài thơ vừa trong sáng vừa bình dị, vừa dễ hiểu vừa sâu sắc, vừa tinh tường trong cách nhìn đời vừa hài hước trong giọng điệu, vừa mộc mạc dân dã trong hình ảnh thơ vừa thấm thía nhẹ nhàng  triết lý nhân sinh .Vâng, tôi đang nói đến MÙA QUẢ MUỘN của tác giả Đỗ Đình Tuân.
  Tập thơ có 56 bài lục bát, 50 bài Đường luật và 34 bài thơ tự do.Để giới thiệu cả tập thì người chẳng rành thơ như tôi không đủ sức.Hơn nữa, cuối sách đã có bài NÉT RIÊNG TRONG THƠ HÀI ĐỖ ĐÌNH TUÂN  của tác giả Nguyễn Vũ Song Thu dài đến 21 trang. Bài viết với cách giới thiệu, phân tích, lý giải của một giáo viên văn giàu kiến thức cũng như tinh tường trong thẩm định thơ. Tôi chỉ chọn giới thiệu mấy bài thơ tác giả tặng người vợ yêu quí của mình. Lý do vì sao chọn thì tôi sẽ nói sau nhé.
Này đây là bức chân dung của người bạn đời được tác giả "chụp" lại, chụp xong rồi ngắm nghía và cười tủm tỉm:
"Tóc mềm hơi giống lông cò lửa
Da trắng gần như đít chảo gang
Tiếng nói véo von y vịt đực
Thân hình thon thả tựa cây nhang"
(Đùa vợ)
Hì...Nguyễn Du xưa chụp hình Thúy Vân rồi photoshop hết cỡ để cho nàng sánh với trăng, mây, tuyết, hoa, ngọc làm  người ta ngắm ảnh nàng cứ thấy giả giả thế nào ấy. Đẹp thì đẹp thật nhưng chỉ để ngắm thế thôi, "cấm sờ vào hiện vật". Còn ở đây, chàng Đỗ nhà ta dùng: chảo gang, cây nhang, con cò, con vịt so sánh để nàng Song Thu hiện lên chân thật gần gũi và ta có thể sờ tận tay, nhìn tận mặt và chàng Đỗ có thể dùng thoải mái mà không sao cả. Hai câu kết như vòng tay âu yếm ôm chặt vợ yêu vào lòng mà thủ thỉ, mà thầm thì:
"Người ta hiện đại tây đầm cả
Mình vẫn chân quê một gái làng"
Tôi dám chắc một điều rằng, lời thủ thỉ thầm thì ấy có sức níu giữ nét quê của "gái làng" hơn cả cách nài nỉ của Nguyễn Bính: "Van em em hãy giữ nguyên quê nhà"!
  Có một lần nào đó tôi nói với chị Song Thu rằng em rất ngưỡng mộ cuộc sống của anh chị. Chị bảo: "Trông thế thôi chứ thường thì vẫn cãi nhau như mổ bò ấy em ạ" Tôi nghĩ, nếu vợ chồng mà không cãi nhau thì không phải là hai người mà chỉ là một người và một cái bóng!Thế thì chán chết! Chàng Đỗ đã nhận thấy hai vợ chồng:
"Khác nhau như muối với cà
Như trăng với cuội như ta với mình
Đã không hợp tính hợp tình
Thịt mỡ thì béo dưa hành lại chua"
(Khác nhau)
Vẫn cách quan sát và đưa vào thơ những hình ảnh rất gần gũi để tạo thành cặp: muối - cà, trăng -cuội, thịt mỡ - dưa hành. Khác rõ ràng thế, đối chọi nhau thế mà không thể dứt nhau ra , không thể thiếu nhau trong đời!
"Khác nhau mà lại ở gần
Trước sau rồi cũng có lần... huỵch nhau"
Đâu chỉ "có lần...huỵch nhau"? Nhiều chứ! Còn nhiều là bao nhiêu  thì chỉ hai người mới biết. He he...!
Những bài thơ hài hước hóm hỉnh như thế khá nhiều trong tập thơ. Nhưng cuộc sống đâu phải bao giờ cũng có thể cười được? Dẫu biết rằng tiếng cười làm cho ta bớt đi bao âu lo, bao nhọc nhằn. Dẫu biết rằng tiếng cười làm vơi đi gánh nặng cuộc đời nhiều thiếu thốn nếu không muốn nói là đói nghèo của vợ chồng nhà giáo.Và đây là hình ảnh người vợ trong "Phố đêm":
"Bầu trời cao tít mông lung
Sao chi chít sáng đầy sông Ngân Hà
Em ngồi bán ổi bán na
Bóng em nhỏ tối như là chấm đêm"
Đọc bài thơ  tôi bỗng lặng đi trước một cô giáo ngày đứng trên bục giảng thánh thót bao lời vàng ý ngọc, đêm ngồi bên phố vắng bán ổi bán na...Dù đó là cây trái vườn nhà hay hàng mua đi bán lại thì cũng chỉ là sự bòn mót đôi đồng tiền lẻ. Một bầu trời đã "cao tít" lại còn "mông lung", "sao chi chít sáng". Đêm khuya lắm rồi, phố vắng lắm rồi. Nói là phố, nhưng là phố...quê: "Người thưa đèn sáng thoảng bay hương đồng" Trong không gian và thời gian ấy, em trở nên nhỏ nhoi, cô độc, tội nghiệp. Em chưa về vì hôm nay ế hàng. Những quả na quả ổi ấy để đến mai thì trở thành rác vì nó nẫu quá rồi!Cố nán thêm một chút với hi vọng mong manh có người hỏi mua. Ừ thì bòn được đồng nào hay đồng ấy. Ngày mai còn tiền muối, tiền dầu. Ngày mai còn tiền thuốc lào cho chồng, tiền nước mắm cho con. Chấm đêm nhỏ nhoi mà gánh nặng gia đình quá lớn! 
"Chờ khuya anh phải đi tìm
Đường khuya xa thấy "chấm đêm" chợt mừng.
Hình ảnh chấm đêm cứ ám ảnh tôi đến nỗi khi nhớ bài thơ, tôi cứ gọi tên nó là "Chấm đêm" chứ không phải "Phố đêm" như tác giả đặt. Bài thơ gợi  nhớ đến một thời khốn khó của những người làm cái nghề cao quí trồng người .Trong truyện ngắn "Duyên"  tôi viết cách đây 23 năm(lúc đó in trong tập san của ngành) có đoạn:
" Mấy thanh niên cười hô hố rồi một tên hỏi:
- Này, chúng mày định nghĩa thế nào là cô giáo?
- Cô giáo là người có nghề phụ là dạy học và nghề chính là...nấu rượu nuôi lợn! Hô hô...
Tiếng cười đuổi theo xoáy vào lòng Duyên làm cô choáng váng. Chiếc xe đạp cà tàng chở can rượu hai mươi lít trùng triềng trùng triềng rồi đổ nhào xuống đường mương. Nắp can bật ra sau tiếng đứt "phựt" của sợi dây dun mỏng lét. Rượu đổ lênh láng rồi chảy xuống hòa vào  nước mương đục ngầu"
  Thời đó, công chức nhà nước nói chung là khổ, riêng nghề giáo lại khổ hơn nữa. Nếu như nhà thơ Tú Xương thương vợ để rồi chửi đổng" Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/Có chồng hờ hững cũng như không" thì thi sĩ họ Đỗ xót xa: "Áo cơm em một gánh hàng/Thơ anh chỉ đổi được tràng pháo tay." Âm điệu lục bát nhẹ nhàng gieo vào lòng ta nỗi buồn lãng đãng.
  Chỉ mới là "chờ khuya" thôi mà anh lo lắng bất yên như thế, chắc hẳn anh đã  ra ngõ nhiều lần, để rồi đến lúc không thể đừng được phải cất bước đi tìm .Còn có những thời gian không chỉ "chờ khuya" mà sự chờ đợi dằng dặc đêm này qua đêm khác, trăng khuyết rồi tròn, tròn rồi khuyết bao lần mà em vẫn biền biệt nơi đâu. Anh cũng không thể đi tìm vì "chấm đen" không còn nơi phố nhỏ.Đó có lẽ là thời gian cơ cực nhất. "Chấm đêm" mất hút xa xăm, phiêu bạt nơi đâu giữa đất trời rộng lớn? Anh chẳng thể đi tìm nên chỉ biết gọi hời gọi hỡi.
"Em ơi về ở cùng anh
Hàng doi hàng ổi đang xanh trước vườn
Cành na cành nhãn đang vươn
Con rô con trắm đang vờn sóng xanh"
(Gọi em)
Anh gợi nên khung cảnh quen thuộc của vườn nhà, nơi hàng ngày em vẫn chăm vẫn xới. Màu xanh của cây vườn, màu xanh của sóng nước tạo nên vẻ mướt mát, sự bình yên như thế, sao em không về? Con rô con trắm vờn sóng đùa vui, mà lòng anh trĩu nặng nhớ thương.
Khung cảnh ấy chưa đủ sức kéo em về bên anh ư? Vậy thì anh gọi nữa, tiếng gọi thiết tha hơn:
"Em ơi về ở cùng anh
Con trai con gái chúng mình líu lô
Về đây anh vẫn đợi chờ
Về đây có đủ bốn mùa gió trăng"
Anh gợi lên khung cảnh gia đình: có tiếng líu lô con trẻ, có người chồng mòn mỏi đợi chờ, mòn mỏi ngóng trông! Bức ảnh gia đình ta khuyết mất chỗ của em sao mà trống vắng đến thế, sao mà chông chênh đến thế!
 Gọi em suốt canh thâu mà không lời hồi đáp, anh đâm ra lo nghĩ mông lung. Đang nằm bỗng bật dậy thảng thốt:
"Đừng liều lĩnh nhé em ơi
Thiệt anh lắm đó suốt đời bơ vơ
Lấy gì nuôi được con thơ
Lấy gì anh cậy anh nhờ hôm mai?"
Tôi cứ băn khoăn: "lấy gì" hay "lấy ai?" Có lẽ "lấy ai" hợp lí hơn chăng?
Lo âu thấp thỏm rồi lại gọi, lại khuyên:
"Đừng đi đâu nhé - quê người
Về đây ta sống suốt đời bên nhau
Nghèo thì ăn cháo ăn rau
Nợ nần trang trải dần lâu cũng mòn"
Tôi nghĩ, có lẽ cũng vạn bất đắc dĩ mà người vợ phải tha hương cầu thực, xa gia đình chồng con chứ người phụ nữ hơn ai hết luôn mong muốn một cuộc sống sum vầy. Cái thiếu làm nên cái nghèo, cái nợ làm nên cái vạ. Biết làm sao? Có lẽ vì hiểu được điều đó nên anh không hề một lời trách cứ, không hề một lời than vãn. Kết bài thơ là những mường tượng về cảnh vui vầy bên nhau khi đã đi qua vùng thời tiết xấu:
"Cùng nhau nâng cốc rượu đầy
Má em ửng đỏ anh say la đà
Tự giờ mình chẳng chia xa
Trăm năm ta sống một nhà bên nhau" 
Hôm trước chị Song Thu nói chuyện với tôi qua điện thoại có bảo: "Hãy kiếm một người đàn ông tốt để sớm tối có nhau em ạ." Tôi cũng nghĩ  một người đàn ông tốt là tem mác đảm bảo hạnh phúc, còn sự thành đạt hay đẹp mã  thì xác suất đưa đến bất hạnh cho người phụ nữ nhiều hơn.Nhưng chị Song Thu ơi, người đàn ông tốt nhất quả đất thì của chị rồi, chị xem có ai tốt nhì quả đất thì làm mối cho em với nhé? He he...
Đó là lí do vì sao em chọn giới thiệu 4 bài thơ này trong MÙA QUẢ MUỘN đấy, chị nghĩ sao?
Thôi được, chị có thể nhận lời làm mối hoặc không, nhưng nhân ngày nhà giáo Việt Nam, em xin kính chúc anh chị luôn dồi dào sức khỏe, luôn hạnh phúc bên nhau và chắc chắn không bao giờ để chàng Đỗ nhà ta phải gọi vợ hời hời cả đêm nữa nhé!Hì hì...
                                                        
                                                  18/11/2015
                                                    Nhật Thành

Ôm chặt thế này đố mà đi đâu!

                                                  

43 nhận xét:

  1. Nhật Thành ưu ái với anh Tuân quá. Cám ơn em thật nhiều.
    Riêng câu thơ trích "Lấy gì anh cậy anh nhờ hôm mai" anh xem lại thì trong Mùa quả muộn nguyên văn của nó là: "Lấy ai anh cậy anh nhờ hôm mai ?" (Dòng thứ 3 từ dưới lên, trang 6, Mùa quả muộn). Nhật Thành thử xem lại xem ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi, rất xin lỗi tác giả! Nguyên văn của nó là:
      "Lấy gì nuôi được con thơ
      Lấy ai anh cậy anh nhờ hôm mai"
      có lẽ NT phải đi đo và thay lại mắt kính anh ạ. Mắt hôm nay chắc "lão" thêm rồi mà kính vẫn để 1 độ nên nhìn không rõ.
      Tuy nhiên, em vẫn thích viết thế này:
      Lấy ai nuôi nấng con thơ
      Lấy ai anh cậy anh nhờ hôm mai.
      vì đang gọi em nên em luôn là đối tượng anh hướng tới. "Lấy gì nuôi được" thì là sự lo lắng về vật chất, nhưng nếu em không về thì chỗ khuyết lớn nhất cho con thơ là tình cảm, là bàn tay chăm sóc của người mẹ.Chẳng biết em nghĩ thế có đúng không?
      (À, hay là đổi "gì" thành "dì" vậy? He he....)

      Xóa
    2. Thì hai đưa nó vẫn ở nhà với anh mà. Anh đang chăm sóc chúng. Trong hoàn cảnh ấy anh lo là lo không có người cậy nhờ và kiếm gạo nuôi con. Về nội dung nó nói đúng tâm trạng anh lúc ấy. Còn về mặt âm thanh nhạc điệu sự đắp đổi giữa "gì" với "ai" cũng làm câu thơ uyển chuyển hơn nhiều. Còn thay "gì" bằng "dì" ư ? Nhưng lúc bấy giờ thì "dì Thành" còn ở trong miền núi Quế Phong. Anh Tuân đã biết mô tê gì đâu mà thay được ?

      Xóa
    3. Ờ nhỉ, dì Thành lúc đó đang là bông hoa trên đỉnh núi, anh Tuân có gọi cũng làm sao nghe thấy chứ!

      Xóa
  2. Đọc lời giới thiệu cũng được, bình cũng đc, cảm nghĩ cũng đc... em thấy hạnh phúc lây cùng người đc viết và người viết.
    Chợt nhớ ra mai là ngày đặc biệt của chị iu. Dù biết chị iu sẽ rất bận và nhận đc nhiều hoa trong ngày này, em vẫn mong chị thêm nhiều niềm tin yêu nghề, yêu mình , yêu người thiêt nhiều nghen chị ui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đi vào blog bằng ngõ face, cái avatar em mất tiêu hà. Hic hic

      Xóa
    2. Chị cảm ơn Đan Thùy nhiều nhiều! Kể cả em là nặc danh thì đọc lời com chị cũng nhận ra mà!

      Xóa
  3. Phải chị là nhà giáo Nhật Thành là bút danh thi đàn đã từng com thơ baolocmaurice CTVL đó không ? Mừng gặp chị ! Và hân hạnh mời chị qua Face mình nhé !
    facebook : Baoloc Maurice
    Webite : baolocmaurice.net ĐT : 0938 97 20 29 hy vọng gặp lạ chị !

    Trả lờiXóa
  4. Phải chị là nhà giáo Nhật Thành là bút danh thi đàn đã từng com thơ baolocmaurice CTVL đó không ? Mừng gặp chị ! Và hân hạnh mời chị qua Face mình nhé !
    facebook : Baoloc Maurice
    Webite : baolocmaurice.net ĐT : 0938 97 20 29 hy vọng gặp lạ chị !

    Trả lờiXóa
  5. Trả lời
    1. Chị nhận ra Bảo Lộc, nhà trường ca vĩ đại của blog yahoo rồi. Lúc nào rảnh chị sẽ sang pb kết bạn với em nhé.

      Xóa
  6. Nhân dịp đại lễ tôn sư trọng đạo (20/11/2015) gửi đến em lời chúc sức khỏe , hạnh phúc trong cuộc sống. Thành công trong sự nghiệp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cảm ơn anh Sỏi nha. Nhưng sự nghiệp đến thời điểm này thì chỉ đi xuống thôi anh. Hi hi...

      Xóa
  7. Chúc mừng cô giáo ngày Nhà giáo, hì hì!

    Trả lờiXóa
  8. Trương Quang Thứ cũng được anh Đỗ Đình Tuân gửi tặng tập thơ MÙA QUẢ MUỘN của anh. Tập thơ gồm 164 trang cả bìa, chia làm bốn phần: Lục Bát, Đường Luật, Tạp Thể và Bình Luận gồm 140 bài thơ và 2 bài bình luận - Trong đó có một bài bình luận bằng thơ ( hay thơ bình luận ) của Nguyễn Vũ Song Thu, phu nhân của tác giả Đỗ Đình tuân. Đọc tập thơ ta thấy tác giả viết về nhiều đề tài, vừa giản dị gần gũi nhưng rất trong sáng, nhuần nhụy và sâu sắc với nhiều cung bậc cuộc đời. Tôi cảm thụ được nhiều cái đẹp, cái hay trong thơ anh nhưng lại khó diễn đạt, phân tích bằng ngôn ngữ. Rất vui là được Nhật Thành có bài cảm nhận dẫu chưa khái quát tất cả nhưng đã đề cập đến một mảng thơ trữ tình của Đỗ Đình Tuân viết về người vợ thương yêu của mình.Bài bình đã khai mở giúp bạn đọc hiểu sâu thêm về tác giả họ Đỗ thông qua những bài thơ vừa dí dỏm, vừa tha thiết yêu thương thấm đậm nghĩa tình...
    Cảm ơn Nhật Thành đã có bài viết hay về tập thơ hay của anh Đỗ Đình Tuân để giúp bạn đọc được thưởng lãm phong phú thêm về MÙA QUẢ MUỘN ngọt ngào !...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão Trương và cả Nhật Thành đều có những nhận xét về thơ khá hay. Có lẽ nét dí dỏm và nhiều lạc quan trong cách nhìn của tác giả đã làm lan tỏa cảm xúc cho người đọc qua những vần thơ .
      - Ngoài ra người đọc cũng phãi nhìn thêm về góc khuất trong xuyên suốt các bài thơ mà tác giả viết tặng vợ. Có một phải thốt lên mười.Viết tặng , có nghĩa là nịnh khéo để níu kéo cho mình. Nhỡ ra , vợ áo dài khăn đóng bảo lên Hanoi trông cháu và...lượn lờ đi luôn Đài Loan thì có mà khóc ròng tiếng Mán à?
      Những người thâm nho , thường đo hết lòng người !

      Xóa
    2. Nhà thơ Quang Thứ bao giờ cũng nói ngọt lọt đến....tim! NT chỉ dám cảm nhận vài ý nhỏ như vậy thôi, tập thơ quả là có sức hút đối với bạn đọc!

      Xóa
    3. Lão Tan không biết phụ nữ bao giờ cũng nặng lòng trước những lời khen tặng của người khác sao? Chàng Đỗ níu vợ cách ấy thì chị Thu có vượt biên sang Mỹ cũng phải quay về đấy.

      Xóa
  9. Cho tui một tập thì tui bình còn ác liệt hơn , không tui ngâm thơ cũng ác chiến lắm bảo đảm trâu bò đang ăn cỏ cũng phải dừng lại ngỏng cổ lên nghe . Bằng chứng là tối qua tụi nhóc hàng xóm làm ồn ào trước sân , tui ra ngâm mấy câu như vầy
    Moá chúng mày , có biến hết đi không để tao còn bán hàng , tao cắt hết truym bi giờ .... Thế là chạy hết trơn He he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Này ông sui, ông ngâm kiểu ấy có ngày mất ...đó nha.

      Xóa
  10. Úi trời từ hôm mình ở Hà Nội đã thấy chàng khoe Nhật Thành viết bài ni rồi. Muốn đọc quá đi thôi mà không mang theo máy tính với lại cũng chẳng có lúc nào rảnh mà đọc được. Hôm nay về nhà liền mở ra đọc luôn.
    Mình còn thích mê man thế này bảo sao chàng Tuân chả sướng rung rinh. Đúng là bị NT điểm trúng huyệt zùi . Hu...hu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra thì em định viết từ hôm 20/10 ấy chị ạ. Nhưng bận quá, đành phải ưu tiên cho công việc trước đã. Thơ chàng Đỗ hay, bài viết của chị lại chỉn chu, cẩn thận. Em phải tránh những gì chị đã viết để khỏi lặp lại. Mong rằng đây là món quà tặng chị trước, tặng thi sĩ họ Đỗ sau, nha chị.
      (Ờ mà em muốn chị viết thêm về chất triết lí trong thơ Đỗ Đình Tuân, vì đây là một đặc điểm nổi trội.)

      Xóa
    2. Thôi mình chả dám viết nữa mô vì Nhật Thành viết hay hơn zùi.
      Có điều là cái thời mình phải đi bán hoa quả kiếm sống ấy là thời mình đã bỏ nghề giáo rồi chứ không phải chỉ là làm thêm đâu. Ngày ấy ông xã thì bị áp se gan đã vỡ phải mổ cấp cứu nên gầy gò ốm yếu lắm. Chàng phải về nghỉ vì mất sức lao động và ở nhà trông hai đứa nhỏ. Mình chạy chợ xuôi ngược kiếm tiền. Bài GỌI EM VỀ chàng viết khi mình ra ở nhờ nhà anh trai ở Quảng Ninh để buôn bán. Thuở ấy, ngày nào chàng cũng làm thơ hoặc viết thư gửi xuống còn mình thì ngày nào nhận thư cũng khóc ròng vì nhớ chồng thương con không sao kể xiết. Nhưng vì vướng mắc nợ nần nên đành cắn răng chịu đựng. Khi làm đủ tiền trả nợ là mình về nhà ngay, mặc cho mọi người khuyên nhủ hãy nán lại một thời gian nữa kiếm thêm vốn liếng rồi hãy về.
      Sau 13 năm bỏ nghề, mình lại được tuyển dụng vào dạy văn hóa cho trường Quân sự quân khu 3. Vì đã cùng nhau trải bao thăng trầm trong cuộc đời như vậy nên bọn mình càng thêm trân quý cuộc sống này. Cám ơn Nhật Thành đã có một bài bình thật linh hoạt, sắc sảo và giàu cảm xúc để chia sẻ với bọn mình. Nếu có điều kiện gặp nhau mình sẽ kể tỷ mỷ mọi chuyện để chúng mình hiểu nhau hơn nha em

      Xóa
    3. Có một lần em nói với lão Tan rằng thơ ai làm thì chỉ người đó hiểu. Đúng vậy, phải không chị? Thơ là tiếng lòng của tác giả, nó bật lên từ một hoàn cảnh cụ thể, từ một nguyên cớ, cảm xúc cụ thể, người đọc cũng chỉ "đoán mò" vậy thôi.Đọc những bài thơ anh Tuân viết cách đây trên 20 năm, em lại hình dung đến cảnh giáo viên bươn chải, tranh thủ mọi thời gian để làm thêm kiếm sống vì đồng lương nhà giáo quá eo hẹp.Không ngờ anh chị lại trải qua nhiều thăng trầm đến thế.Mới chỉ là những chia sẻ rất ít thôi của chị, nhưng thực sự em rất cảm phục một con người đầy nghị lực là chị, và một con người giàu tính lạc quan là anh. Có lẽ vì thế mà anh chị đã hóa giải mọi khó khăn, trắc trở trên đường đời để có được những ngày hôm nay bình yên và hạnh phúc? Nói thì dễ thế thôi, nhưng mỗi khi ngoảnh lại nhìn con đường đã qua mà cảm thấy khiếp sợ chị nhỉ?
      Rất yêu quí và trân trọng anh chị!

      Xóa
  11. sang chúc bạn đêm bình an nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, luôn bình an! Cảm ơn anh Mẫn đã ghé thăm ạ.

      Xóa
  12. Vô cùng ngưỡng mộ cặp đôi hoàn hảo Đình Tuân - Song Thu. Xưa nay người làm thơ có nhiều nhưng làm thơ tặng vợ như bác Tuân không mấy ai, bác thuộc diện quý hiếm rồi. Mà người vợ như cô giáo Song Thu được chồng tặng thơ là phải. Đọc những lời nhận xét của bạn ấy ở blog, thấy rõ là người giàu nữ tính, đắm thắm, điềm đạm, kín kẽ từng câu từng chữ.
    Chúc cặp đôi Đình Tuân - Song Thu bách niên giai lão

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lại được bác Bu khen thế này thì em quả là thấy hạnh phúc lắm ạ. Tuy nhiên em chỉ là một người phụ nữ bình thường như muôn người phụ nữ Việt Nam thôi. Phu nhân của bác mới là người tinh tế trong chăm sóc phu quân của mình. Em rất yêu chồng nhưng chăm chồng thì vụng lắm bác ạ.
      Cám ơn bác đã gửi tới vợ chồng em những chia sẻ thật ngọt ngào . Hôm qua em đã ghé sang trang của bác sau một chuyến đi chăm cháu ở Hà Nội về. Tuy nhiên khi vừa viết lời com xong thì bị mất điện. Buồn ghê!

      Xóa
    2. Cả đời tụng được mấy bài
      Không ngờ lại được các ngài quá khen
      Từ giờ tôi quyết hăng lên
      Làm thơ để được ho hen vào mình.

      Xóa
    3. Bác Bu và anh Tuân ( gọi theo thói quen rứa thôi nhưng cả hai suýt soát tuổi nhau) đều là những người đàn ông may mắn vì gặp được vợ đúng nghĩa vợ, (không phải lấy vợ gặp vạ như nhiều người than thở). Cuộc đời này chỉ cần thế thôi là đủ hạnh phúc lắm rồi, phải không nhỉ?

      Xóa
  13. Cho dù chỉ tụng mấy bài
    Mà làm cho chị thương hoài không thôi
    Thương từ khi ngoại đôi mươi
    Đến nay tóc bạc da mồi càng thương!
    Nói thế thôi, rải rác trong tập thơ còn nhiều bài anh Tuân lấy cảm hứng từ chị Thu nữa, ví dụ:
    "Long bong bát phở nhà hàng
    Sao bằng cơm nguội đem rang nóng giòn"
    (Cơm nguội)
    "Dưa chua nấu cá ao nhà
    Dẫu không bát ngọc thìa ngà vẫn ngon"
    (Nấu cá ao nhà)
    "Ai sinh ra cái duyên trời
    Tự dưng bục chặt hai người với nhau
    Để thành một cặp bồ câu
    Sớm hôm rìu rít bên nhau gật gù"
    (Duyên trời)
    "Vừa ngoan vừa đảm lại vừa giòn
    Chịu khó ôm chồng đẻ ít con
    .......................................
    Từ lúc về hưu ngoan đáo để
    Sớm hôm chắm sóc mỗi ông còm"
    (Khen vợ)
    Tình Yêu và Thượng đế (Tặng Nguyễn Vũ Song Thu), một bài khà dài và ý tưởng sáng tạo.
    Ngoài ra còn có những bài xướng họa của hai người thật độc đáo.

    Trả lờiXóa
  14. Khen PHÒ MÃ TỐT ÁO đấy ư, Hỡi các ông, các bà ? Khà Khà . Bạn Đồng Môn của tui đó nha !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người này lâu lắm mới thấy xuất hiện , Nhật Thành nên ...bám vào cho chắc nhé.
      Nguyễn Dự từng học cùng khóa với Đồ Gàn ( Th. Qùy) nhưng ông học Văn. Từng là trưởng ban biên tập báo văn nghệ ĐN . Có thể có những ý kiến ra môn ra khoai trong lĩnh vực truyện ngắn mà ông từng đảm trách.
      Tiếc là cô con gái của Tổng biên biên tập hồi đó bất ngờ có...bầu , nhà văn này bỏ của chạy lấy người một mach ra bắc tìm...sư phụ Đỗ Đình Tuân ở HD. Kha kha....
      Lão Tân xin bái kiến sư phụ.

      Xóa
    2. Em nghĩ nếu mình được bái bác Thanh Dạ làm sư phụ thì phải có duyên, Lão ạ.Nhưng em cảm thấy mình thường vô duyên! Buồn lắm!

      Xóa
  15. Em cảm ơn bác Dự Nguyễn Duy đã ghé nhà ạ. Biết là khen thừa nhưng vẫn không thể không khen, bác ạ.

    Trả lờiXóa
  16. Lão Tan đầy bí ẩn ơi...Răng lão biết nhiều rứa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị Thu ơi - Bác Dự nhà ta tốt nghiệp văn khoa sư phạm từ những năm 1963 - cùng khóa với Đồ Gàn ( Nhà thơ Thạch Qùy).
      Văn phong bác Dự nhẹ nhàng , êm trôi nên nhiều cô mê đến có...bầu. Văn chương xù xì, trục trặc như lão nên giò vẫn...như không. hehe - Nói dại , lão mà con gái chắc cũng mê văn nhẹ nhàng mất thôi!

      Xóa
    2. Có chút xíu nhầm lẫn ở đây. Bác ấy tốt nghiệp năm 1965 lão ạ. Cùng khóa và cùng lớp với ông xã mình nè. Hồi học phổ thông, tuy không cùng lớp nhưng họ cũng cùng trường với nhau lão ạ

      Xóa
  17. Văn phong tưng tửng và sắc sảo như lão cũng rất nhiều em chết mê chết mệt đó nha. Có điều lão không để ý đến các o đó thôi. Kiêu mà!

    Trả lờiXóa