Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

NGƯỜI MIỀN NÚI 2

Tôi hoảng hốt xô cửa chạy ra khỏi phòng. Gió lạnh thốc vào mặt ngồn ngột.  Bất giác tôi muốn khóc. Đến phòng thầy hiệu trưởng rồi sang phòng thầy chủ tịch công đoàn, phòng nào cũng tối thui. Tôi lại chạy qua phòng mấy cô giáo phía dãy trước. Tiếng nói chuyện rì rầm, thỉnh thoảng có tiếng cười ré lên nghe chừng thích chí lắm. Phòng nào cũng có trai bản ngồi trùm chăn cùng cô giáo. Tôi không dám vào, chỉ rón rén đi qua. Đến tận cuối dãy kí túc, nghe tiếng hát nhạc vàng khe khẽ, tôi dừng lại, ngó vào. May quá! Phòng này không có trai bản. Cô giáo Lan đang nằm đắp chăn ngang cổ, tay cầm cuốn sổ ghi bài hát thời học sư phạm và...ỉ ôi như con mèo ướt mưa. Thấy tôi, chị ấy có vẻ ngạc nhiên: “Răng đi lại đây? Đầu phòng mi không có ai chơi à?” Tôi nói rõ sự tình, chị ấy nghe và chỉ im lặng, thở dài.
Chị Lan vào đây đã ba năm, nghĩa là sắp hết nghĩa vụ vùng sâu. Chị vừa thấp, vừa xồ xề. Da chị đen, tái xám như thịt trâu luộc. Tóc trên đầu lơ phơ, được cột túm lại một nhúm chẳng khác lông đuôi ngựa. Chị bị sốt rét nặng nên môi vốn đã dày lại thâm sì. Gần như chị không có cổ, cằm và ngực chạm nhau. Nghe bảo có lần, lớp chị bị giảm sĩ số nghiêm trọng, hỏi nguyên do vì sao các em không đi học, chúng hồn nhiên: “ Cô giáo xấu lắm, không học đâu. Chờ khi nào có cô khác tới mới học.”
  Im lặng hồi lâu, chị bảo: “Rồi cũng quen cả thôi em. Ở đây, có người đến nói chuyện với là vui rồi. Ai cũng thế cả. Chỉ có chị là không  thôi, vì chị xấu...” Nghe giọng chị nghèn nghẹn, tôi chạnh buồn.
Chị hỏi:
-         Em học sư phạm Vinh răng lên đây? Ở đây chỉ có dân học Tân Kỳ thôi, 10+ 3 thì dạy cấp 2, 10+2 thì dạy cấp 1.
(Tân Kỳ cũng là một huyện miền núi Nghệ An, ở đó có trường Trung cấp sư phạm  đào tạo giáo viên phục vụ miền núi là chủ yếu)
  Tôi thắc mắc, buổi tối các thầy trong kí túc mình đi đâu hết? Đi vào bản chứ đi đâu. Thầy đi uống rượu cần, đêm nào mà trong bản không có nhà mở vò rượu. Thầy chủ tịch công đoàn thì tranh thủ đi đổi hàng. Thầy mang thuốc lào, cá khô, kẹo nu-ga... vào đổi mộc nhĩ, đổi măng khô, đổi xương khỉ, xương trăn, xương hổ...Đồng bào ở đây thật thà, thầy giáo nói thì tin răm rắp. Hàng của thầy  gói thành từng gói, còn hàng của dân thì cân lên. Thầy lấy cân đĩa để cân, và bao giờ cũng trừ một lạng đĩa. Khi cân, họ chỉ  để ý kim đừng  lệch già, còn đọc mấy lạng mấy cân là việc của thầy, họ không bao giờ nghi ngờ. Thông thường hàng đựng trong bao xác rắn mỏng thầy trừ 5 lạng bì. Có hôm, thầy cân mộc nhĩ, xướng 5 lạng, chị chủ nhà đứng ngẩn ra một chút rồi thắc mắc: “Ô, thế ra trừ bì rồi, mộc nhĩ không được lạng nào à?” Biết lỡ lời, thầy chữa: “Vì nó quá ít ấy mà. Nhưng thôi, thầy vẫn cho 2 gói thuốc lào.” Chị ta  cảm ơn rối rít, bảo thầy tốt lắm, tốt lắm!
  Tôi há hốc mồm nghe chị kể, vừa buồn cười, vừa xót xa.
Chị kể tiếp: Vào trong bản mua gà, cứ con nào to nhất, béo nhất thì bắt. To nhỏ gì cũng 5 đồng. Hôm nào không có gà to, bảo gà nhỏ thế này 3 đồng thôi. “ Ô, không được mà. Nó nhỏ thì hôm sau nó to, chưa bắt thì nó còn sống với bạn nó đó, lo gì.” Còn mua chuối thì không bao giờ nguyên nải. Cứ một đồng ba quả thì phải tách rời từng 3 quả một mà tính tiền. Cô giáo đừng nói nhân chia chi cho khó hiểu. Cô giáo mua thì bán, không thêm quả nào hết. Nhưng cô giáo xin thì cho cả buồng cũng không phân vân. Gạo thóc cũng vậy, nếu cô giáo thiếu, có thể cho cô một gùi lúa mang về mà giã. Còn đã đến vay gạo, một bát cũng phải trả, lâu không trả là đến đòi.  Nhà nào cũng làm một cái chòi, gặt lúa bông phơi khô trên rẫy rồi đem về chòi cất. Chòi lúa ngay cạnh đường, không khóa, chỉ buộc cửa sơ sài, nhưng chẳng ai lấy của ai cả. Nếu thiếu thì xin nhau, nhà còn cho nhà đã hết. Hết cả rồi thì lên rừng đào củ mài, củ nâu, hái măng mà ăn. Đợi lúa trên rẫy chín thì lại có cơm. Lo gì.
  Người miền núi khi đi đường thường theo một hàng dọc, sát mép đường, dù đường rộng cũng vậy. Người nọ nối tiếp người kia, nhìn đoàn người đi biết đường quanh hay đường thẳng. Tôi thích ngắm các mẹ, các chị đi đường, váy lấp lánh ánh nắng (trên váy họ thêu mặt trời, chim muông, hoa lá…và chỗ hình mặt trời thường được cài một mảnh gương nhỏ). Nhìn các mẹ, các chị nối nhau leo lên những nương rẫy lưng chừng trời để gặt lúa, gùi lúa về, tôi ghi lại một cách hồn nhiên:
Lúa rủ nhau lên đồi cao ngất
Bế cùng người gắng sức leo lên
Nghe lời bế, lúa về “kho lương thực”
Nó mỉm cười: người đã thắng thiên nhiên!
(Bế là cái gùi của đồng bào)
Nhưng đó là sau này, còn đêm ấy thì tôi mới chỉ “tiếp xúc” với người miền núi qua lời kể của chị Lan thôi. Tôi ngồi với chị đâu khoảng 10 giờ, nghĩ chàng trai kia đã về, tôi lò dò trở lại phòng mình.
Thật không tưởng tượng được, hắn đang nằm gọn trên giường tôi, gối đầu lên chiếc gối trắng tinh mà tôi đã kì công thêu từ hồi đang học ở trường,  chăn trùm kín mít và…ngáy khò khò! Trời ơi là trời! Thế này thì thật quá đáng! Tôi lấy cái thước tre trong góc phòng, quật mấy cái vào chân hắn. Hắn tỉnh ngủ, ló cái đầu bù xù ra khỏi chăn: “ Ơi, giặc non à”( Ôi, muốn ngủ quá) Hắn ngồi dậy, nhưng vẫn chưa có ý định ra khỏi phòng.“Về ngay! Về ngay!” Tôi hét lạc cả giọng. Thoáng cái, mấy chiếc đèn pin cùng dọi tới. Tôi lóa mắt, lấy tay che. Một giọng lơ lớ: “ Cô giáo trẻ đẹp lắm lơ. Sao buồn ngủ sớm thế? Chưa về đâu nơ!” Tôi bật khóc, mấy chị đến nói bằng tiếng Thái với hắn câu gì đó, hắn ngoan ngoãn ra khỏi phòng.
  Giũ chiếu, giũ chăn, tôi đi ngủ trong tâm trạng buồn tê tái. Trời càng về khuya càng lạnh, tôi nằm co ro không đắp chăn vì sợ cái mùi khăn khẳn ấy. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận sự chua chát của cuộc sống chốn vùng sâu. Vì tự ái với anh mà tôi dứt khoát không thèm về dạy học ở Hưng Nguyên, nơi anh đã tìm mọi cách để xin cho tôi. Tôi vênh mặt lên, vẻ bướng bỉnh của một đứa trẻ con muốn tự khẳng định mình: “ Đi vùng cao thì đã sao? Em sẽ đi để anh thấy rằng, không có anh em vẫn sống được.” Tôi chia tay mối tình đầu nhẹ tênh như thế.Chia tay vì sự tự ái trẻ con để rồi đường sự nghiệp và hôn nhân đều rẽ vào lối u buồn.

(Hôm nay gõ đến đây thôi nhé, đi nấu cơm tối đã)

43 nhận xét:

  1. Hình như con gái ai cũng có một thời ngu ngơ mà kiêu hãnh thế đó em. Nhưng thôi, dẫu buồn một chút nhưng ta lại thêm một lần trải nghiệm và biết được những điều đặc biệt của nơi vùng sâu vùng xa ấy chẳng là một thú vị lắm sao.
    Đợi đọc tiếp kì sau của em nè.
    Anh chị đã nhận được Góc khuất của em rồi. Chị xé phong bao ra nhưng anh vẫn dành đọc trước em ạ. Cám ơn em nhiều nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuổi 20 ngày ấy em thấy mình quá trẻ con chị ạ.Lại kiêu nữa.Cái tâm lí dở nhất của thời con gái là càng thấy người ta yêu mình, chiều mình thì lại càng làm cao.
      Nhưng xét cho cùng thì đó là "số" của mình đã được ông trời định rồi.
      Chị xé phong bao làm anh Tuân kiện là không được bóc tem, lại còn bảo chị dành đọc đấy.Ghê thế!
      Em đề "Kính tặng anh chị....", vậy thì anh đọc và chị cùng nghe chung càng "tình củm" mà.
      Ngày mai bọn em bắt đầu dạy buổi đầu tiên và tiến hành dạy bù trước để nghỉ 4 ngày dịp 2/9, bận lắm rồi đó chị.

      Xóa
    2. Ồ bọn mình khi đọc sách hoặc viết lách gì thì mỗi người một phòng, một laptop luôn cho nên không đọc chung được. Chỉ có điều là nếu đọc được cái gì hay hay thì lại chia sẻ cùng nhau. Hoặc nếu cả hai cùng đọc về một cái gì đó thì lại bàn luận và bày tỏ ý kiến thôi. Cứ chờ chàng đọc xong thì mình đọc cũng được mà

      Xóa
    3. Em ngưỡng mộ cuộc sống của anh chị. Anh thông minh, chị sâu sắc; anh hài hước, dí dỏm, chị tế nhị, dịu dàng.
      Em vẫn hằng ước ao được thế. Nhưng số phận em đã an bài...
      Chúc anh chị mãi hạnh phúc!

      Xóa
    4. Ôi được NT khen thật là thích. Nhìn chung bọn mình cũng chỉ bình thường như nhiều gia đình khác thôi NT ạ.
      Cũng xin chia sẻ với NT vì những gì em đã trải qua . Nhưng "ngựa tái ông họa phúc biết về đâu" mà em. Giờ em có nghề nghiệp đàng hoàng, có các con ngoan, có học trò yêu mến kính trọng, có những người ruột thịt gần gũi, có bầu bạn xa gần thân thít quý yêu lại còn là một nhà văn được ưa thích mến mộ nữa là hạnh phúc nhiều người khao khát ước mơ rồi em ơi

      Xóa
    5. Em chỉ ước cái bình thường của anh chị thôi.

      Xóa
  2. "Chia tay vì sự tự ái trẻ con để rồi đường sự nghiệp và hôn nhân đều rẽ vào lối u buồn"... Cũng đừng nên trách mình như vậy. Vì con đường sự nghiệp, tình yêu và hôn nhân có muôn vàn lối đi mà không ai có thể nói trước được là lối này sẽ tốt hay lối kia sẽ xấu. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và quan niệm của mỗi người về hạnh phúc cũng khác nhau. Dù sao em cũng có nhiều trải nghiệm và vốn sống phong phú ở vùng cao cộng với năng khiếu văn chương nên đã viết rất hay về truyện ký này!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đời người ta có 2 lần quan trọng cần có sự cân nhắc lựa chọn chín chắn, đó là chọn nghề và chọn bạn đời. Sai một li, đi một dặm là vậy.
      Cho đến bây giờ, em cũng chỉ biết đến hạnh phúc trong hôn nhân qua lời người ta kể chứ mình chưa hề được trải nghiệm. Nó như một vì sao lấp lánh phía xa để em nhìn mà không bao giờ với tới.

      Xóa
    2. "Cho đến bây giờ, em cũng chỉ biết đến hạnh phúc trong hôn nhân qua lời người ta kể chứ mình chưa hề được trải nghiệm. Nó như một vì sao lấp lánh phía xa để em nhìn mà không bao giờ với tới".
      Nghe những lời này thấy thương quá NT ơi. Có lẽ nào em tôi lại khổ đến như vậy trong hôn nhân sao?

      Xóa
    3. Hạnh phúc hôn nhân cũng chỉ là một khái niệm tương đối. Có người hạnh phúc cả đời, có người hạnh phúc chỉ một ngày. Một ngày thì quá ít và đương nhiên ko đủ nhưng anh nghĩ ít ra em cũng từng có ngày gọi là hạnh phúc? Vậy hãy lấy đó làm niềm vui và an ủi đi em. Vì trên đời này chắc rằng cũng còn rất nhiều người không được có một ngày hạnh phúc trong hôn nhân...

      Xóa
    4. Hồi xửa hồi xưa ấy, em chỉ mong một hạnh phúc đơn giản thôi:
      "Từ buổi có con em cất tiếng ru hời
      Ta dành dụm đồng lương ít ỏi
      Sắn cho con đồ chơi, mua cho con quả chuối
      Xe thêm chiếc ghế mây vào nhà trẻ sớm chiều
      Hạnh phúc chúng mình đứa con nhỏ nâng niu
      Anh và em gầy đi sau mỗi lần con ốm
      Việc riêng chung ngày thường bề bộn
      Anh vẫn dành những chiều ngồi đọc sách em nghe
      Anh giúp em tỉa bớt cọng rau già
      Thổi lửa nấu cơm khi em về muộn
      Đêm khua rồi đèn em còn chong ngọn
      Lo chấm bài và vá áo cho anh..."
      Một cuộc sống vợ chồng công chức, nghèo mà hạnh phúc thế!
      Nhưng điều quan trọng là, chàng phải hơn em một cái đầu.

      Xóa
  3. Cái "tự ái trẻ con" của một con "ngựa non háu đá", suy cho cùng cũng chỉ là một "cú hích của định mệnh". Nó làm mất đi một mối tình đầu đầy tiếc nuối và mở ra một đoạn đời đầy chông gai. Con ngựa non ấy lao vào và đã phải trả giá ngay từ những bước đi ban đầu. Không thể chạy trốn và hắn đã phải đối mặt.Và chính những "sự đối mặt" như thế đã làm hắn trưởng thành...Nếu không có cái "tự ái trẻ con" ấy chắc cuộc đời hắn đã khác. Rất tiếc là cái chữ "nếu" ấy đã không có trong định mệnh của hắn. Còn định mệnh của hắn thế nào thì chắc hắn cũng sắp sửa rõ rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh nói như một triết gia thế em còn biết nói gì ngoài hai tiếng: Đồng ý!
      Định mệnh đã rõ rành rành
      Kêu làm chi nữa, ông xanh định rồi!

      Xóa
  4. Hì hì... Góc khuất nhâm nhi xong rồi! Sang hóng đây!

    Trả lờiXóa
  5. Lão tìm lại truyện " Góc Khuất " trong blog này - đọc lại , vì chị nói nhâm nhi ...Nhưng chỉ thấy cái góc nó khuất thôi à ?

    Trả lờiXóa
  6. Biết và hiểu thêm cuộc sống muôn ngàn khó khăn của các cô giáo vùng cao thật cảm động. Hiểu và biết thêm con người , cuộc sống của dân tộc thiểu số cũng là cách tích góp vốn sống vào trang viết của những người yêu văn chương , hội họa.
    ...Chuyện "Những cuốn sách kỷ niệm " lão có nhắc đến 4 đứa thân nhau thì có 3 đứa mê hội họa. Sau khi học xong lớp 7 , 1 thằng được trường năng khiếu bắt luôn về vinh học vẽ. Sau này nó trở thành họa sĩ , sung vào lực lương chuyên về mảng vẽ bộ đội biên phòng ở vùng biên giới. Chẳng biết vẽ nhăng cuội được gì , chỉ thấy hốt luôn một cô giáo ở Tương dương với cái bụng bầu về quê. Dân làng khen -" Mày vẽ giỏ quá ! "hehe
    Dẫu sao những trang viết về chủ đề thực tế vẫn cuốn hút lão như...người viết vậy. Khỉ thật !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, cái cô giáo Tương Dương ấy quả thật may mắn.
      Nếu lão cũng có khiếu như bạn lão thì có khi vẽ được...hai cái bầu chứ không chỉ một đâu nha.

      Xóa
  7. sang thăm bạn, chúc bạn chiều chúa nhật thật bình an bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  8. Sự chia tay trẻ nhỏ
    Nhẹ tênh, ráo hoảnh không ngờ
    Nhưng đến bây giờ lại đúng
    Không gian nan, sao có áng văn hay./.
    Chưa biết kết thúc câu chuyện NGƯỜI MIỀN NÚI thế nào?
    Anh chỉ xin kể một câu chuyện của anh như thế này:
    Năm 1980 anh lên thực tập giáo trình ở Nông trường Mộc Châu. Anh được nhận đề tài:”Lập kế hoạch sản xuất cây ngắn ngày”. Anh được phân công về đội Chờ Lồng, một đội mới thành lập công nhân là những nông dân của hai bản Thái và H’Mông. Trong những ngày thực tập bọn anh ở trụ sở đội sản xuất cùng với các cô giáo. Đêm đến trai bản đến chơi cười nói đúng như em kể trong truyện, có điều trai bản ở đây sạch sẽ, lịch sự hơn không đến nỗi như nhân vật em miêu tả. Ở đây anh cũng được nghe một câu chuyện đau lòng. Một giáo viên trẻ có thai với một thanh niên H’Mông, bình thường thì cũng là bình thường. Nhưng chàng trai kia từ chối không nhận cưới cô giáo đó và cô ta bị kỷ luật... Cũng nói để em biết Nông trường Mộc Châu là kho lớn về dư thừa phụ nữ. Khi có chủ trương PHỤ NỮ CÓ QUYỀN LÀM MẸ thì Nông trường không đặt vấn đề kỷ luật công nhân không chồng mà có con như trước nữa. Có điều việc có con của họ không nên khai cho người có vợ, có con làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình người khác. Nếu cần cứ khai cho Bí thư Đảng uỷ hay Giám đốc Nông trường đều được. Người phụ nữ đẻ thời điểm sau này còn được hưởng chế độ thai sản.
    Sau này ra công tác anh thường đi các tỉnh miền núi, các cô giáo cắm bản còn nỗi cơ cực nữa là đơn thương độc mã nơi hẻo lánh.
    Em viết khá chân thật. Về đề tài này anh có hơi bị nhiều nhưng anh không viết nổi.
    Em hãy viết đi để chia sẻ với các đồng nghiệp và cảnh tỉnh cho ngành giáo dục em ạ!
    Anh ủng hộ em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Này Anh Hải Thăng - Anh cho lão xin cái địa chỉ Nông trường kia nhé. Mới nghe thôi mà nôn nao muốn tìm đến rồi đấy. Hehe - Có gì thì các em cứ ...khai bác Hải Thăng nhé !

      Xóa
    2. Trước neeys xin chỉnh lại: Không có từ "khá" trong nhận xét của anh. Em viết 100% sự thật.
      Em chỉ miêu tả cái người cụ thể đó thôi, còn vẫn có những trai bản khác sạch sẽ và khá lịch sự, nói thạo tiếng Kinh. Tuy nhiên, những trai bản ấy đều đã có vợ con, đi chơi gái (tức là đến nói chuyện thôi) là phong tục của họ. Hồi đó cũng có một cô dính bầu với trai bản, không dám phá, về nhà sinh con xong lên dạy tiếp.
      Anh lên thực tập ở đó bao lâu? Nay lên đó chắc các con anh ...gửi đã có cháu rồi đấy nhỉ? He he...

      Xóa
    3. Trước tiên nói với Tan!
      Đọc xong lời com của ông tôi tưởng tượng một ông Tan mắt sáng như sao sa liếc đi, liếc lại các cụm từ: "kho lớn phụ nữ dư thừa", "Không khai cho người có vợ", "Cứ khai cho Bí thư, Giám đốc nông trường". Rồi nghĩ: Đúng là một địa bàn lý tưởng, vừa an toàn vừa nhiều đối tượng. Cũng chả tiếc ông, xin cho luôn đây: TP HCH đi máy bay ra Hà Nội, Mua vé ô tô đi Mộc Châu(200 km), đi xe ôm 15 km là đến đội SX Chờ Lồng. Mà cứ đến Mộc Châu là đã đến tổ con chuồn chuồn rồi.
      Chỉ lưu ý: Từ năm 80 đến nay đã là 35 năm rồi, đến đó không có thì vào nhà nghỉ để tránh hẫng hụt.
      Há! Há! Chớ trách HT đấy nhé!

      Xóa
    4. Sau tiên nói với Nhật Thành!
      Em thuộc diện: Lãnh đạo nói chưa xong em đã cãi xong rồi. Nói như em đoạn văn trên là bản tin thời sự trong ngày à! Không phải là một tác phẩm văn học à! Ôi cái người Kinh chúng mày nói cái gì cũng cho là đúng tất, không cho cái tao cãi một câu nào à! Hí! Hí! Thế thì tao chả thích cái mày nữa đâu. Tao về vui với gái bản tao đây.
      Ấy thế mà mày lại cẩn thận quá giới thiệu với cả cái nội dung cụm từ "đi chơi gái" của người Thái nữa.
      Cái mày nghi cái tao thế là không tốt; cái tao đứng đắn như tượng không gửi đứa con nào ở trên ấy đâu.
      Chết chết tao nói thật đấy! Tin tao nhé! Hì! hì!

      Xóa
    5. Nó không phải là tin thời sự. Nó là những hồi kí chân thực kể về một thời chúng em đã trải qua. Viết để mà nhớ, để thấy rằng hôm nay dù thế nào cũng còn tốt chán, đừng kêu khổ!
      Mà này, bạn em bảo: Chán nhất là gặp đàn ông quá đứng đắn, quá nghiêm túc, quá tử tế. Và em cũng đồng ý như vậy.

      Xóa
    6. "Mà này, bạn em bảo: Chán nhất là gặp đàn ông quá đứng đắn, quá nghiêm túc, quá tử tế" ------- NHƯ ANH HẢI THĂNG

      Xóa
    7. Nếu biết gặp anh HT thì ở nhà còn hơn!

      Xóa
  9. Ôi, đọc no cả mắt, sướng cả người đây chị ơi!
    Chuyện về người miền núi hấp dẫn, sinh động thế, chắc là sẽ còn nhiều kỳ tiếp theo nhỉ! Biết là vào năm học mới chị bận rộn rồi, nhưng vẫn chờ đọc tiếp. chị nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa...em ! Lão cũng người miền núi đấy. Chắc cũng hấp dẫn và sinh động dưới con mắt của người đẹp ...hem ?

      Xóa
    2. Từ từ rồi chị kể tiếp, nếu lan man thì còn nhiều chuyện: phong tục, lối sống, ngôn ngữ...Nhưng chỉ là qua sự quan sát của người giáo viên dạy vùng cao cảm nhận về người miền núi. Còn OM muốn hiểu rõ bản chất của họ thì...đến hỏi lão Tan.

      Xóa
  10. Nhật ký Thành Hồ ghi thêm một thời oanh liệt...... hiiiiiiii.....
    cũng thú vị đấy chứ nhỉ.....
    QUA THĂM CHÚC NT LUÔN VUI, BÌNH AN & MAY MẮN NHÉ!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Oanh thì không biết nhưng liệt thì liệt thật Mưa à.
      NT xin hai chữ BÌNH AN.

      Xóa
  11. "Em đi để anh thấy rằng , ko có anh em vẫn sống được" ....đúng là sống được đến bây h thật ..hì hì ...mà ko sống được đến bây h thì ai biết được câu chuyện hay và thú vị như thế chứ ...em chờ đọc tiếp câu chuyện của chị !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có được vốn sống ấy phải trả một cái giá của 8 năm tuổi xuân đó Dung à.Dạo này chị hơi bận, lại phải nhường máy cho con gái học nên từ từ kể sau nhé.

      Xóa
  12. Chiều 22/8 anh đang dọn cỏ vườn thì có điện bưu điện gọi ra lĩnh bưu phẩm. Hỏi sao không đưa vào nhà thì họ bảo hôm nay bận không đưa vào được. Vì đang háo "góc khuất" của em nên anh đành thay quân áo ra lĩnh bưu phẩm. Định bụng là để tối thư thả mới bóc tem. Anh treo túi sách trong phòng làm việc rồi lại ra vườn. Thế là bị "bà Thu" nẫng tay trên bóc tem trước. Thành thử đến lúc anh đọc thì "Góc khuất" đã thành "Góc hở" rồi. Nhưng dù là khuất hay hở thì anh vẫn đọc. Anh đọc nhẩn nha thôi chứ không "một mạch hết veo" như em. Mỗi ngày chỉ đọc vài ba chuyện. Lúc 1h30' chiều nay thì đọc hết truyện cuối cùng: Một vụ đầu tư. Nghe tên truyện cứ nghĩ là một vụ làm ăn kinh tế gì cơ hóa ra lại là việc "gửi trứng cho ác"...
    Đọc xong tập truyện mới thấy em quả là một người có "năng khiếu viết truyện ngắn". Hình như với em, cái gì cũng có thể viết được thành truyện ngắn. Em khá mạnh về cốt truyện và quan sát. Cũng đã thấy xuất hiện một mảng đề tài quen thuộc: Thân phận của những người phụ nữ "cả nể cho nên sự lỡ làng". Một vài nét phác họa về nhân vật loại này đã tạo được ám ảnh (Tìm một người chưa quen, Chuyện nghe nơi cử Phật...) Ở một số truyện đã có lối câu tứ truyện tạo đa tầng ý nghĩa. Với những thế mạnh này em rất có thể trở thành một cây truyện ngắn vững vàng. Tuy vậy anh đọc vẫn chưa thấy thỏa mãn. Có lẽ là vì nội tâm và cá tính nhân vật chưa được nâng lên đủ tầm đủ độ để tạo chiều sâu và sức sống cho nhân vật.
    Trên đây chỉ là vài cảm nhận rất chủ quan của anh thôi. Mà anh cũng không sành về truyện ngắn đâu. Anh đang định vác gạo vào Thung Mây theo em làm "đệ tử" đây. Liệu em có chấp nhận anh làm "đệ tử truyện ngắn" của em không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão...lão xin có ý kiến ! hehe
      Anh nên vác gạo vào Thung mây " Làm đệ tử góc khuất " có phải hấp dẫn hơn không chứ ! hây dà...Nói cách khác , cái Góc khuất ấy nằm ở Thung Mây.
      Lão ghi nhận một số ý kiến nhận xét của anh về Truyện của NT. Qua đó thấy rằng rất đáng trân trọng những người không hề lớt phớt , cẩu thả khi đọc những tác phẩm được đề tặng !

      Xóa
    2. Từ từ rồi bị nẫng tay trên. Bao giờ mà chả vậy hở anh?
      Những nhận xét của anh làm em cảm động quá. Nói trộm chị Thu nha, từ "cảm" chuyển sang "yêu" nhanh như trở ...bánh đa vậy đó.
      Anh cứ vào Thung Mây, em sẽ cho anh làm ra...tử. He he...

      Xóa
  13. Bao giờ "em trở bánh đa" ?
    Thì anh nhất định mua quà vào chơi
    Đi xem chọn mẫu giấy mời
    Dọn đường để rước em ngồi xe hoa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi nào em trở bánh đa
      Chị Song Thu sẽ mua quà đến ngay
      Quà ăn xây xẩm mặt mày
      Thôi thôi em vái hai tay xin chừa!
      He he...

      Xóa
  14. Trách em không "trở bánh đa"
    Để anh bị ế món quà định mua
    Lòng anh rầu rĩ như dưa
    Nỗi buồn này biết bao giờ cho nguôi ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bánh đa em trở lâu rồi
      Ngóng anh dài cổ, biết người có qua?
      Chí Linh đến đấy bao xa
      Để em đóng cửa đóng nhà em sang?

      Xóa
  15. Hay gì em trở bánh đa
    Dẫu là GÓC KHUẤT đem ra tặng mình
    Sa vào cái tỉnh tình tinh
    Cha già con muộn phát sinh lắm điều...
    Lòng riêng chị Cả kính yêu
    "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai"
    Buồng khuê cửa chẳng then cài
    Khó lòng vượt được ra ngoài chị đây
    "Liệu mà cao chạy xa bay"
    Kẻo ăn quả ... đấm có ngày thiệt thân!...
    He he he!...

    Trả lờiXóa