Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

GIAN LẬN TRONG THI CỬ!

Hôm qua xóa bài đăng này, nhưng do bác Bu hỏi, với lại anh Hải Thăng đã đưa vào lời com rất chí lí nên tôi đăng lại bài nghị luận của Châu Anh, bài viết của cô bé 13 tuổi trong thời gian 90 phút tai lớp.(Tôi chụp bài viết của em và đánh lại nội dung để mọi người dễ đọc). Qua đây, chúng ta hiểu thêm về nhận thức, suy nghĩ của trẻ trước những vấn đề bức xúc trong nền giáo dục hiện nay!

    “Xin thầy hãy dạy cho con tôi cách chấp nhận thi rớt hơn là gian lận trong thi cử”. Câu nói của tổng thống Lin-côn – một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mĩ – dường như đã trở thành một châm ngôn bất hủ cho toàn ngành giáo dục trên thế giới. Xin đừng cho rằng đó là câu nói cửa miệng chỉ để bảo vệ và tôn lên nhân cách cao quý của vị tổng thống, cũng đừng cho rằng đó chỉ là lời nói suông, không có giá trị, không được thực thi, mà hãy suy ngẫm! Đằng sau câu nói chân thành ấy là cả một vấn đề bức xúc, nhức nhối, nóng hổi và cũng vô cùng nan giải: vấn đề gian lận trong thi cử!
    Gian lận tức là không trung thực; gian lận trong thi cử có nghĩa là thiếu thành thật khi làm các bài kiểm tra. Và, một điều rất đáng ngại rằng, gian lận trong thi cử đang diễn ra tương đối công khai và hoàn toàn phổ biến. Thực sự đấy, không tin thì bây giờ tôi đố bạn nhé, bạn thử chỉ ra cho tôi một cuộc thi không có gian lận xem nào…. Liệu có thể có không, khi mà gian lận từ kì thi kiểm tra vào cấp 1, gian lận từ các bài kiểm tra 15 phút rồi một tiết, gian lận đến cả các kì thi chuyển cấp, rồi thi vào cao đẳng, đại học? Liệu có thể có không, khi mà gian lận trong học đường rồi người ta còn gian lận ở nhiều nơi khác nữa: gian lận thi bằng lái xe, gian lận thi vào công chức nhà nước…? Liệu có thể có không, khi mà gian lận trong thi cử diễn ra tinh vi và phổ biến đến thế? Lén lút có, công khai có, người ta có thể bắt gặp gian lận trong thi cử ở bất cứ kì thi nào: từ xem tài liệu đến nhìn bài bạn, từ gian lận điểm chác đến mua điểm, mua bằng… Theo cá nhân tôi, thi cử ngày nay thực sự là kiểm tra sự “sáng tạo”. Đúng, phải thật “sáng tạo” mới có thể gian lận một cách siêu đẳng, để giám thị không phát hiện ra. Thực tế ở trường tôi, (và cũng thật xấu hổ khi nói rằng, tôi là một trong số những người “sáng tạo” đầy mình ấy) người ta gian lận hàng loạt và hết sức tinh vi, độc đáo: người giấu sách trong bụng mang vào, người kê bài thi lên tài liệu, người cắt tài liệu theo từng câu nhỏ để dễ tìm, người trao đổi, thảo luận, người cho bạn xem bài, người xin đi ra ngoài để trao đổi với các bạn phòng khác... Và việc gian lận ấy đã vẽ nên một bức tranh “tươi đẹp” vô cùng: sau mỗi giờ thi, sân trường, phòng học… tất cả đều chìm trong một sắc trắng “tinh khôi”. Ngắm nhìn những mẩu giấy tài liệu “chao nghiêng” trong gió, tôi mới thấy ngôi trường này “đẹp đẽ” ra sao…
    Người ta lên án mạnh mẽ việc gian lận trong thi cử, nhưng thực tế thì có mấy ai không từng? Tuy nhiên, đã bao giờ chúng ta đặt câu hỏi về nguyên nhân của tệ nạn ghê gớm này? Phải, lỗi là ở học sinh chúng tôi thiếu trung thực. Nhưng liệu có phải là tất cả, có phải chỉ là lỗi của học sinh? Có câu nói rằng; “Mỗi trẻ em là một tờ giấy trắng, người lớn viết gì vào đấy thì sẽ thu được như vậy”, thế nên lỗi lần này cũng có phần của người lớn! Đừng cho rằng là đổ lỗi hay chối tội, mà sự thực là như thế!! Học sinh có không gian lận được không, khi mà bố mẹ cứ đặt nặng gánh áp lực phải giỏi, phải hơn bạn, phải điểm cao? Học sinh có không gian lận được không, khi cứ suốt ngày phải chịu sự so sánh? Nào là con nhà người ta thế này thế nọ, nào là bạn ấy thế nọ, thê kia; diểm số sụt dốc thì bị cho là ham chơi, nhác học, thậm chí còn bị nghi ngờ là yêu đương sớm, sao nhãng học hành! Mệt mỏi lắm, các bậc phụ huynh ạ, thật sự áp lực lớn lắm, đôi vai bé nhỏ của chúng con thật sự không gánh vác nổi đâu! Học hành bù đầu, bài tập chất đống, đến thời gian chơi cũng không có, đầu tư không toàn diện thì kiểm tra các môn sinh, sử, địa… muốn được điểm cao thì phải làm thế nào, phải làm thế nào ạ? Xin hãy cho chúng con một lời giải đáp! Không gian lận để rồi điểm kém, để rồi bị đánh mắng, bị so sánh, bị bình phẩm? Không gian lận để bị người ta khinh thường, người ta coi khinh bản thân và cả gia đình mình nữa? Có thể mọi người cho là ngụy biện, cho rằng “Cứ học thực chất đi thì việc gì phải như thế” đúng không? Xin thưa, ba tiếng HỌC – THỰC – CHẤT ấy đánh vần thì dễ nhưng thực thi thì đối lập hoàn toàn. Kiến thức thì mênh mông, bài tập thì vô số kể, chật vật với một môn là đã kiệt sức, thử hỏi mười hai, mười ba môn thì phải làm như thế nào? Có lẽ thương xót cho chúng con mà người lớn không ngăn cản việc gian lận, thậm chí còn ủng hộ, giúp đỡ chăng? Thế thì học sinh không gian lận được không, khi mà bố mẹ bày mưu tính kế cho con dùng tài liệu, khi mà giám thị nhắm mắt làm ngơ rồi thủ thỉ với nhau rằng: “Cho các em một con đường sống!”. Thật là cảm ơn, thật là đa tạ quá! Chẳng trách gì gian lận nó diễn ra phổ biến như thế này!
    Lần trước xem thời sự thấy đưa tin về việc bố mẹ bất chấp nguy hiểm leo tường để ném tài liệu cho con ở Ấn Độ, tôi có hỏi mẹ: “Như thế thì còn cần thi cử làm gì nữa, ai rồi cũng sẽ đậu mà?” Đã bao giờ bạn thắc mắc giống tôi chưa? Và thú thật, câu trả lời của mẹ khiến tôi thật sự bất ngờ: “Nếu không thi thì làm gì có ai chịu học!” À, ra thế, ra là thi cử để người ta chịu đi học, ra là đi học chỉ để thi cử mà thôi! Giờ tôi mới biết đấy! Thế mà tôi vẫn nghe “Học để làm người”, “Học cho biết đạo”! Quả đúng là “Mọi lí thuyết đều là chất xám, còn cuộc đời thì vẫn xanh tươi”! Tư tưởng sai lệch như thế, thử hỏi gian lận trong thi cử không diễn ra sao được? Phải gian lận chứ, để mà có một thành tích thật ảo, để mà người ta trầm trồ, thán phục. Phải gian lận chứ, để mà các tập thể lớp có thể rạng danh như lớp tôi này: 100% đạt danh hiệu học sinh giỏi, điểm tổng kết thấp nhất là 8,1! Khoan hãy vội tròn mắt ngạc nhiên, lớp tôi là lớp chọn một mà, điểm là điểm thực chất đấy! Nói thế, bạn có tin không? Điểm đó có lẽ là tương đối đúng, bởi vì đó là điểm chấm
“trình độ” gian lận mà! Thành tích cứ ảo quá như thế, có người lại sinh ra kiêu ngạo, là tự tin thái quá, cho rằng mình là giỏi, là hơn người; cầm tờ giấy khen trên tay mà không chút ngượng ngùng, không chút áy náy. À mà việc gì phải ngại, điểm ảo thì cũng ảo tập thể, có phải chắc mình đâu! Không học mà thành tích vẫn đỉnh như thế thì học hành làm cái nỗi gì, đến trường chơi, về nhà ngủ, đi thi thì đã có tài liệu, nhàn nhã thế còn gì! Rồi sau này ra đời, đầu óc rỗng tuếch, à không, đặc chứ, đặc kín luôn, đặc những bảng thành tích trên trời và cả những lời khen ngợi đầy giả dối! Xã hội sau này sẽ còn phát triển lắm đây! Tổ quốc mình sẽ còn vinh quang lắm đây! Nhỉ?
    Tôi đã từng tìm hiểu giải pháp trên nhiều trang mạng xã hội và cả các phương tiện thông tin đại chúng, kết quả nhận được là phải tự thay đổi ý thức. Nhưng xin lỗi, theo tôi, ý thức là điều khó có thể thay đổi được. Mình trung thực, mọi người gian lận, có phải là thiệt thòi cho mình không? Phụ huynh không đặt áp lực, rồi người ta bảo con mình học kém hơn con họ thì có chịu được không? Vậy nên tôi còn nghe có người nói rằng: “Dại gì mà trung thực!” Đấy, nghe rõ chưa, trung thực là dại đấy, là khờ đấy! Trở lại với câu nói của tổng thống vĩ đại Lin-côn: “Xin thầy hãy dạy cho con tôi cách chấp nhận thi rớt hơn là gian lận trong thi cử”. Châm ngôn của giáo dục toàn thế giới đấy, nhưng thực thi nó thì hãy còn đang là một vấn đề!

30 nhận xét:

  1. Tôi đã đọc 3 lần liền bài văn này, lần này sẽ nhận xét thật ngắn gọn:

    Ở bài văn trước em viết già dặn, nhưng còn là suy nghĩ của em.
    Ở bài văn này ý tưởng, giọng văn, là của những trang mạng nhiều kinh nghiệm sống, từng trải, với tuổi mười ba em có thể già dặn trước tuổi, nhưng em không thể có kinh nghiệm sống và từng trải như thế. Chẳng phải là em đã viết trong bài: "Tôi đã từng tìm hiểu giải pháp trên nhiều trang mạng xã hội và cả các phương tiện thông tin đại chúng" hay sao?
    Em đã tìm hiểu nhiều trang mạng xã hội và cả các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng tiếc thay với tuổi mười ba, em đã không "tiêu hóa" được những gì em đã tìm hiểu.

    Viết được như thế này (tuy bị ảnh hưởng của những trang mạng viết về vấn đề em đamg làm bài), là em thực sự thông minh hơn các em khác (các em khác dù có đọc như em, cũng không thể viết được như thế). Phụ huynh, và các thày cô cần phải nắm được, hiểu rõ tâm lý của em, có phương pháp hướng dẫn đúng đắn, để suy nghĩ của em không bị chệch đường.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết được bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống là quá khó đối với học sinh THCS hiện nay. Nhiều khi các em nhìn thấy hiện tượng đó nhưng khái quát thành bản chất, thành qui luật là lúng túng. Muốn viết được văn nghị luận cần sự trải nghiệm và năng lực tổng hợp. Một điều hiển nhiên là, khi viết về một vấn đề nào đó, các em phải tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, kể cả trên mạng xã hội và ngoài đời sống.
      Tìm hiểu quá nhiều, đúng là em đã không "tiêu hóa" được thật. Bài này em không thích bằng bài văn tự sự của em năm lớp 6 vì tính sáng tạo của bài viết đã giảm rất nhiều. May chăng còn giọng điệu riêng mà thôi.

      Xóa
  2. Có mấy lần nhận xét vội như vầy
    Bài viết này chưa đạt , tại sao vậy ? Bài trước Salam đã nghi ngờ thình độ cóp bết cao , còn bài viết này thì không nghi ngờ gì nữa . Vì những lời văn như một bản tuyên ngôn có quá đầy trên mạng . Mỗi vùng miền cách dạy học khác nhau , suy nghĩ của học sinh cũng khác nhau , vì thế không thể đưa trải nghiệm của mình ở vùng đất mình sống mà lên án chung như vậy , đây chỉ là " Ếch ngồi đáy giếng " .. xin lỗi đã có nặng lời như vậy .. ngày mai bàn tiếp ( Bận quá )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Salam này hay thật, hình như bác đã quên mất là đang "tìm hiểu về nhận thức" trong bài văn của một học sinh lớp 8, như chủ nhân trang viết đã nêu trên đàu bài viết, chứ không phải đang "đả" một cá nhân trên mạng :-(((

      Xóa
    2. Bác Hiệp có thấy cái cố tật của ông sui vẫn rất khó sửa không? Trong một lời com ngắn mà vẫn "tiền hậu bất nhất" Vừa nhận xét: "những lời văn như một bản tuyên ngôn có quá đầy trên mạng " liền sau đó đã phán: "không thể đưa trải nghiệm của mình ở vùng đất mình sống mà lên án chung như vậy". Răng rứa hầy?
      Bác Hiệp đừng nói là đặt 50 bàn mà sau đó lên đến 100 bàn nha. Phải để phòng ông sui chỗ này: Bàn chuyện đám cưới cho hai con, khi bà sui bưng con gái vô thì lại bảo: "Ơ, hôm trước tui nói tui cưới bà sui mà!" Khi đó bà sui mất 2 vé máy bay cho 2 mẹ con quay ra thì mần răng đủ xiền hầy?

      Xóa
  3. Bài viết khá nhưng chưa thật xuất sắc. Lập luận chặt chẽ nhưng ko mới và mang tính phán xét nhiều hơn xây dựng. Bài văn này cho điểm vậy là cao quá. Và cảm giác của tôi đọc bài văn này là buồn nhiều hơn vui, ko phải vì chuyện gian lận trong thi cử mà tính tư tưởng của tác giả bài làm văn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thì thấy thế này: Bài viết này tính sáng tạo ít hơn bài hồi lớp 6. Em đang theo một "lối mòn" trong trình tự các ý của bài nghị luận. Đó là:
      - Thực trạng của vấn đề.
      - Nguyên nhân.
      - Mặt lợi (hại) của vấn đề.
      - Giải pháp.
      Bài viết chưa kết hợp yếu tố tự sự (những mẩu chuyện nhỏ làm bằng chứng) mà đang liệt kê rất nhiều dẫn tới sự "không tiêu hóa" hết như lời bác Hiệp nhận xét. Có chút yếu tố tự sự ở cuối bài (chuyện hỏi mẹ) nhưng cũng ít ấn tượng.
      Nếu thay cho sự liệt kê hàng loạt biểu hiện của thực trạng mà đưa vào vài mẩu chuyện trao đổi trong bạn bè thì cái nét riêng, cái sáng tạo của bài viết mới thể hiện được. Đây chính là hậu quả của cách đánh giá theo "khuôn" trong chấm văn hiện nay. Chấm theo khuôn nên hs phải viết gò theo khuôn thôi.Em đánh giá bài văn tự sự của em cao hơn bài này nhiều. bài này chỉ đạt 8 điểm.

      Xóa
    2. Ủa có thần giao cách cảm hay răng hè , mà ông Sui cũng nghĩ giống bà Sui chấm 8 điểm hè ... ông Sui tài tài là hơ hơ hơ

      Xóa
  4. Cháu Châu Anh viết bài này khi 13 tuổi; với tố chất nổi trội về nhận thức hơn các bạn cùng trang lứa và trên cả tuổi tác của em là điều có thể tin được. Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay các cháu học lớp 1, lớp 2 đã vào mạng để chơi game, đọc truyện tranh thành thạo thì cháu Châu Anh với tố chất hơn người cháu có thể vào các trang mạng xã hội đọc, học là điều không cần phải tranh cãi.
    Tôi thừa nhận những kiến thức cháu viết trong bài có thể không phải của cháu nghĩ ra; nhưng chắc chắn không phải là sao chép và dán của một người nào đó. Mà đây là kiến thức cháu cóp nhặt trong nhiều bài viết tổng hợp lại và thể hiện trong bài văn nghị luận của mình. Điều này không ai cấm và cũng không thể cấm; ví như tôi đã dùng từ này hay cụm từ này rồi thì người sau không được dùng lại. Văn chương đâu phải là cái sân phơi, tôi đã phơi rồi thì không ai được phơi chồng lên nữa há há. Vả lại đây là một bài văn nghị luận cháu hoàn toàn có quyền sử dụng kiến thức của toàn nhân loại để diễn đạt miễn là không chép dán nguyên văn của một ai.
    Về cách xưng hô của cháu cũng rất đĩnh đạc và rất người lớn. Cách xưng hô này rất phù hợp với một bài văn nghị luận về một vấn đề rất người lớn. Với cách xưng hô đó càng tôn thêm giá trị của bài viết; chớ te le, then lét các cháu quá mà kìm hãm sự phát triển của trẻ nhỏ.
    Tôi tán thành với tất cả các quan điểm, nhận định của cháu Châu Anh trong bài viết. BÀI VIẾT RẤT TỐT tôi không bà thêm gì về nội dung bài viết của cháu. Mà muốn bàn thêm chút ít về một vấn đề khác cũng trong lĩnh vực gian lận thi cử gây tác hại ngay cho người gian lận.
    Tôi đọc một bài đăng trên mạng Giáo sư Ngô Bảo Châu(GSNBC) thể hiện sự tiếc và không tán đồng với quyết định xóa bỏ lớp chọn trường chuyên. Theo tôi GSNBC là tiến sỹ, giáo sư ngành toán học.... (Bận bế cháu rồi, com sau sẽ tiếp nhé)!!!!!!!!!!

    Trả lờiXóa
  5. ( Bạn làm ơn đừng lớn tiếng phê phán Ông Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo về những thất bại của cuộc đời Bạn hay cuộc đời con Bạn , bởi ta là người duy nhất chịu trách nhiệm về những vấn đề của cá nhân mình - Nhà văn Trang Hạ )
    Cũng vì câu nói này đúng nên Salam lao vào tranh luận để bảo vệ , thu gom được kha khá gạch về cho bà Sui xây nhà hè hè hè
    Chuyện gian trong thi cử là có thật , nhưng với bài viết này thì hơi quá . Đọc bài viết xong cho ta cảm giác xã hội toàn một màu u ám không có lối thoát . Theo Salam đây chỉ là cách nhìn phiến diện một chiều không công bằng , đành rằng nền giáo dục của ta còn nhiều khiếm khuyết , chuyện gian lận trong thi cử hay thi tuyển công chức chỉ có một phần nào đó thôi , không phải là tất cả . Tất nhiên phụ huynh nào cũng kỳ vọng vào con cái nhưng không phải tất cả đều gò ép con cái vào ý muốn của mình được . Nhiều người để cho con tự mình quyết định tương lai của mình . Nếu như tác giả bài viết nói đến vấn nạn gian lận trầm trọng nơi mình sống thì ngay bản thân mình cũng có lỗi trong đó . Người ta hay nói " Gần bầu thì tròn gần ống thì dài " đúng vào trường hợp này . Khi viết một bài nghị luận yêu cầu cần khách quan , không nên dùng những ý tưởng mai mỉa như vậy . Một bài viết hay là khi phân tích nguyên nhân của gian lận thì phải có góp ý cách khắc phục , chê bai thì dễ ai cũng chê được ,
    Bài viết này chỉ nêu được một vế nên Salam chấm chỉ 8 điểm vói lời phê " Bài viết tốt nhưng không phải tất cả học sinh và người lớn trong xã hội đều gian lận "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này không phải ném đá, chỉ chỉnh lại tí chút anh sui của NT đã viết thôi:
      Người ta hay nói " Gần bầu thì tròn gần ống thì dài ". Chỉnh lại là "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", phải "ở" tức là "nằm trong" những vật này thì mới "tròn" và "dài" theo vật được.
      Còn muốn nói "gần" (cận kề, kế bên), thì phải dùng câu "Gần mực thỉ đen, gần đèn thì rạng (sáng)". Hichic!

      Xóa
    2. Bác nói đúng rồi Thank's , mà đá cũng được không sao mà , kiểu này chắc bà Sui sướng rung rinh đây

      Xóa
    3. Khổ lắm thui! Nói lắm thì sai nhiều, bác Hiệp đừng chỉnh ông sui, tội nghiệp! Chẳng qua ông sui ghép 2 câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" và "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" nên mới có "Gần bầu thì tròn..." ấy mà.
      Bà sui cũng nhất trí 8 điểm, nhưng ông sui bảo bài cop pết trên mạng mà lại "hiện trạng nơi mình sinh sống" để bảo là "ếch ngồi đáy giếng" thì bà sui mới cãi chớ.
      Thực tế thì đây là hiện thực của ngành GD Quỳ Hợp nói riêng và miền núi nói chung đấy, không sai tẹo nào. Bà sui có truyện "Nước mắt người cha" viết về chuyện thi cử còn u ám hơn rất nhiều.
      Có một nguyên nhân rất...chính đáng mà em Châu Anh không biết, đó là giáo viên cần tạo điều kiện cho các em gian lận để điểm cao, điểm có cao thì thầy cô mới đạt mức "khoán chất lượng" được giao đầu năm. Đạt mức khoán thì mới được lao động tiên tiến.
      Trong chỉ tiêu khoán, cho phép học sinh yếu kém là < 4%, nhưng nhà trường "động viên": phải đạt100% hs lên lớp để đảm bảo phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Không cho các em gian lận thì có mà nguy à?

      Xóa
    4. Cháu đã ngủ định viết tiếp thì thấy lời com của Salam có lẽ nói về với tôi. Vậy tôi tạm gác phần com tiếp theo nói chuyện với Salam cái đã.
      Nếu tôi được phê phán thì tôi phê phán cả bộ giáo dục, cả người duyệt các dự án cải cách giáo dục gây ra bao hệ lụy, tốn tiền, tốn của, tốn công sức và cực thân các cháu. Nếu được phê phán tô phê phán các trường phổ thô, các thầy các cô ép học sinh học thêm. Thậm trí giáo viên còn trơ trẽn yêu cầu phụ huynh ký vào bản kiến nghị đề nghi nhà trường dậy thêm cho các cháu. Ôi nhiều lắm, nhiều lắm mà cháu Châu Anh chưa nêu ra hoặc giả cháu chưa biết.
      Nhưng tôi kiến nghị làm gì? Kiến nghị ai nghe?... Nên bạn yên tâm tôi không kiến nghị, phê phán gì đâu. Lời com trên đây chỉ là vui câu chuyện về nhưng bài văn của cháu Châu Anh mà thôi. Và cũng vui mừng báo tin cho bạn biết mọi tai biến trong giáo dục gia đình tôi đã vượt lâu rồi và các cháu tôi cũng sẽ vượt qua nhẹ nhàng như bố mẹ chúng nó.
      Trở lại bài văn nghị luận của cháu bạn phê phán là phiến diện chỉ nói mặt xấu, lấy cục bộ địa phương gán cho toàn cục... Nhưng đề bài lại không hề giới hạn về không gian, thời gian.... Tôi tán thành ý kiến của bạn NT nếu Châu Anh viết theo lối tự sự thì sinh động, nhẹ nhàng hơn.
      Hì hì - Bạn Salam thử viết một bài về: "Những lợi ích trong gian lận thi cử" hoặc phê phán câu nói của Tổng thống Lin Côn: “Xin thầy hãy dạy cho con tôi cách chấp nhận thi rớt hơn là gian lận trong thi cử” là đúng hay sai cho vui. Viết theo thể hài hước cũng được.
      Há há anh em mình đúng là dân ưa phiếm nên tranh luận nhưng cái đẩu đâu. nhưng cũng vui đáo để đấy chứ Salam nhỉ.
      Đến giờ đưa cháu đi tập bơi rồi; mà thế cũng tạm đủ rồi Salam nhỉ.

      Xóa
    5. Chuyện đưa phao hay ném bài vào phòng thi chỉ có ở ngờaif Bắc thì phải . Còn chỗ Salam ở bọn nhỏ không bao giờ có tư tưởng đó . Trường khác thì không biét chứ mấy trường con Salam học không bao giờ có chuyện ấy . Thầy cô giáo rất nghiêm khắc trong chuyện đó , bài kiểm tra hai người ngồi gần nhau mà giống nhau thì xin mời phụ huynh đến ngay . Vì thế bọn trẻ được dạy dỗ từ nhỏ phải tự suy nghĩ độc lập nên chúng rất tự tin khi vào đời . Ngay việc thi thử Đại học cũng vậy , dù tổ chức thi trong nhà trường thôi những cũng rất chặt chẽ , có như thế mới đánh giá được thực lực của từng học sinh mà bồi dưỡng thêm hoặc tư vấn chọn trường phù hợp . Salam để ý 4 đứa con rồi , điểm thi thử và điểm thi thật của ba nhỏ gái chênh 0,5 điểm chỉ có Cun cưng là chênh 1 điểm thôi . Vì thế chúng biết cách chủ động chọn trường cho mình , không phải chạy bát nháo rút hồ sơ như vừa rồi ... đổ tội cho Bộ Dục . Chương trình dạy của Bộ thì như nhau nhưng nhiều trường cập nhận được nhiều tư liệu mới của nước ngoài , vì thế không cần chọn trường tốp trên mà làm gì chỉ cần theo học thêm những phần mình còn thiếu ở trường đó ( Vì họ có dậy thêm cho Sinh viên ngoài ) tụi nhỏ ở chỗ Salam ở toàn áp dụng cách đó nên khi ra đời chúng rất dễ kiếm việc làm . Salam có hai đứa cháu , một nhỏ gái ở Vũng Tàu thi ĐH được 14 điểm phải vào học trường Dân lập , Nhỏ theo học ban đêm ở trường Ngoại Thương ( trường này lấy điểm rất cao 25 - 27 điểm ) ra trường vì giỏi tiếng Anh nên được nhận vào làm cho một công ty nước ngoài lương rất cao . Còn thằng nhỏ cháu ở Vinh thi ĐH Bách khoa TPHCM được 28,5 điểm , được vào lớp Tài năng trẻ , ra trường vì dốt tiếng Anh nên xin việc rất khó khăn , phải làm cho doanh nghiệp Việt lương rất thấp . Cũng bởi nó không nghe Salam , hỏi : Sao con không đi học thêm tiếng Anh ở các trung tâm ? Trả lời : Con học trong trường đủ rồi ( !? ) . Không ai cứu mình bằng tự nình cứu mình , phải tự thân vận động còn không anh / chị chỉ mãi đi sau người ta mà thôi .
      Như bài văn trên phụ huynh và cô giáo nên hướng dẫn cháu ( Không phải định hướng ) kiềm chế bớt những lời mỉa mai nếu không rất dễ mang hoạ . Có một ví dụ : Em Vũ thạch tường Minh 14 tuổi học trường Amsterdam Hà Nội có phát biểu hôm ra mắt bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm do ông Phạm Toàn khởi xướng , trong đó có câu nói " Giáo dục Việt Nam báy giờ Con thấy là quá " Thối nát " . Đúng sai chưa cần bàn cãi nhưng nhóm Cánh Buồm và gia đình cháu Minh hứng chụi bão tố của dư luận . Ở đây với cháu Vân Anh cũng vậy , những việc như trong bài viết Cô giáo nên nhắc nhở cháu kiềm chế bớt lại ,

      Xóa
  6. Để cho ngắn gọn bu tui tán thành ý kiến của bạn Hải Thăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện dạy học thêm như anh HT nói có thể diễn ra cục bộ ở đâu đó nhưng thực sự khó tin. Bởi lẽ, chỉ ở nơi thành phố, thị xã, thị trấn...phong trào học thêm mới rầm rộ, Mà những nơi đó trình độ dân trí cao, sao lại xảy ra kiểu ép học thêm vô lí như thế được? Chỉ có thể có tâm lí này: phụ huynh sợ con người ta học thêm, con mình không học sẽ thua chúng kém bạn, thứ nữa là sợ gv có thể "trù dập", "thiên vị"??? Xin thưa rằng, tâm lí này có cơ sở của nó, nhưng không thể vơ đũa cả nắm được. Tuy nhiên, đó là bàn rộng ra thôi, nó không nằm trong phạm vi nghị luận của bài viết.
      Riêng đề xuất của anh HT về việc ông sui thử viết một bài thì quá đơn giản! Ông sui tôi thật đa tài đó nha. He he...

      Xóa
    2. Trong một cuộc thi vấn đáp về môn Triết học có ba vị giám khảo đáng kính
      Giám khảo 1 : Anh hay điểm sơ qua chủ nghĩa Mác
      - Ôi Ngài Mác ! Ngài đã đề ra được một học thuyết để cho một nửa nhân loại đi theo , xin 5 phút mặc niệm để tưởng nhớ Ngài
      Ba vị giám khảo lạt đật đứng lên cúi đầu , năm phút trôi qua
      Giám khảo thứ 2. : Anh hãy cho biết Lê Nin đã tiến hành chủ nghĩa Mác như thế nào
      - Nhắc đến Lê Nin Em rất cảm động , nhờ ông mà giai cấp vô sản toàn thế giới đã liên hiệp lại , nay để tỏ lòng biết ơn Ông 10 phút tưởng niêm bắt đầu
      Ba vị giám khảo lại lật đạt đứng lên cúi đầu , giám khảo thứ 3 nói nhỏ với hai vị kia : Thôi cho nó qua đi không biét chừng nó bắt chúng ta hat Quốc tế ca. bằng tiếng Đức thì chết vì chúng ta không ai thuộc

      Thế có phải là Gian lận trong thi cử không bà Sui và Hải Thăng hè ? Hế hế hế ...

      Xóa
  7. Cái comemnt ở trên chỉ vô tình nằm dưới còm của Hải Thăng thôi nhưng cũng từ đó ta có cuộc trao đổi này (. Hy vọng bà Sui nỏ phiền )
    Trích. Còm của HT. ( Nếu được phê phán các trường phổ thông , các thầy các cô ép học snh học thêm . Thậm chí giáo viên còn trơ trẽn yêu cầu phụ huynh ký vào biên bản kiến nghị , đề nghị nhà trường dạy thêm cho các các cháu . Ôi nhiều chuyện lắm mà cháu Vân Anh chưa nêu ra hoặc giả cháu chưa biết - Hải Thăng )
    Salam bận lắm , hôm nay rảnh rỗi ( Mưa to ) mới đọc kỹ lời còm của HT . Hây dzà ! Hây dzà ! Viết như vậy liệu có thể làm tổn thương hàng vạn thầy cô giáo ? Như trên Salam đã phân tích cháu VA đừng lấy một góc nhìn về vùng đất sống để suy rộng ra toàn xã hội như vậy , so sánh như vậy là khập khiễng . Dù muốn dù không cháu VA chỉ mới 14 tuổi , suy nghĩ chưa chín chắn còn có thể tha thứ được , nhưng đối với HT nhận định như vậy thì Bó chân . Com .. thôi
    Không phải thầy cô giáo nào cũng có suy nghĩ như lời HT nói đâu , nói như vậy là quy chụp chung một Rọ .. điều đó là không nên . Biết bao thầy cô giáo suốt ngày đêm truyền thụ kiến thức cho học sinh , sâu thẳm trong tâm hồn họ muốn truyền đạt những kiến thức họ được thừa hưởng được cho trò của mình (. Họ không cần danh xưng danh hiệu nọ kia ) họ chỉ có một ước mơ là trò của họ khi ra đời dù bất cứ phương trời nào cũng thành đạt . Đó là nguyện ước của những người mỗi khi cầm phấn đứng trên bục giảng . Âm thầm , âm thầm những thầy cô giáo ấy sẽ là dòng chảy ngầm âm ỉ để nuôi dưỡng những thế hệ kế tiếp ... . Salam nói đúng không HT ?
    (. Còn nữa nếu bà Sui phép ) ... Thank's

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tất cả mọi ngành nghề đều có khoảng sáng, khoảng tối. Ngành GD và nghề dạy học cũng vậy thôi. Điều quan trọng là mỗi bài viết phải nêu và phân tích đúng bản chất cảu vấn đề. Nói về người giáo viên, NT là người sống qua 2 thời kì: thời kì khốn khổ khốn nạn của kiếp sống mòn, "cơm áo ghì sát đất", nhiều thầy cô vì miếng cơm manh áo, vì gia đình mà lăn lộn kiếm sống đễn mức không còn tư cách của nhà giáo. Còn những giáo viên khác cam chịu cảnh nghèo hèn trong sự thương hại của những người thuộc ngành nghề khác. Thời kì đồng lương gv được cải thiện, lại kéo theo phong trào dạy học thêm tràn lan mà có cán bộ lãnh đạo dùng cụm từ "tệ nạn dạy học thêm" , cơn lốc của cơ chế thị trường ào vào đốn ngã nhân cách nhà giáo. Thời kì khốn khó, sự "tôn sư" của học trò vẫn cao hơn bây giờ. Nhưng nói như ông sui, không phải thầy cô nào cũng như lời anh HT nói. Họ là những con sâu làm rầu nồi canh. NT nghĩ, dù ở thời kì nào, khi người gv biết đặt danh dự và lòng tự trọng lên trên hết thì hình ảnh của mình sẽ không méo mó trong mắt mọi người.

      Xóa
  8. Ở quê chỉ có mấy trường học và cũng chỉ có từng ấy thầy cô giáo nên phụ huynh lẫn học sinh không có quyền chọn lựa . Tất cả đều có tâm lý e sợ thầy cô giáo , vì thế có ít người lợi dụng điều này để ép buộc học sinh học thêm . Bà Sui nói đúng , thời nào cũng có người thế nọ thế kia , tại vì hồi trước thông tin còn hạn chế nên ít người biết , còn bây giò mọi cái đều tung hê hết trên mạng nên ta cảm thấy nhiều vậy thôi
    Học thêm thì ở đâu cũng có , điều đó cũng tốt thôi . Ở thành phố có nhiều lựa chon , Cô Thầy phải thật giỏi , luyện được nhiều học sinh đỗ vào lớp 10 và đại học thì mới có học sinh theo học . Còn giáo viên không giỏi thì xin mời ngồi chơi xơi cháo cho dù là Chủ nhiệm . Kinh ngiệm đó phụ huynh đều truyền cho nhau rất hiệu quả . Ở SG các trường phân loại học sinh ghê lắm , từ cấp hai lên cấp ba là cả một nan giải , có nhiều trường lấy điểm rất cao , bì dạy tốt nên khi có con đậu vào đó là phụ huynh yên tâm phần nào .
    Salam kể cho cả nhà nghe chuyên này : Hồi nhỏ thứ 2 học lớp 10 ( Ban D ) tự nhiên học kỳ 1 điểm toán rất thấp , hỏi tại sao như vậy thì được trả lời cô dạy không hiểu . Không riêng hì con mình mà toàn bộ lớp đều như vậy , hội phụ huynh triệu tâpj cuộc họp gấp đề nghị nhà trường thay giáo viên toán . Mặc cho ban giám hiệu và Hiệu trưởng năn nỉ vẫn quyết định thay , cuối cùng là thay được . Trước đó cũng có một cô dạy Anh văn cũng vậy , học sinh trong này lớp 3 đã ra trung tâm tiếng Anh học rồi vì thế đến lớp 10 chúng rất khá lơ mơ với chúng là không được . Hỏi ở quê học sinh và phụ huynh có dám vậy không ?
    Kể cho cả nhà nghe chuyện vui về Cún con đi học tiếng Anh. : Năm lớp 3 đưa Cún ra trung tâm đăng ký học , Ổng không cho Ba Má đưa đón mà đòi đi xe buýt , cũng chiều theo . Đi học và về rất đúng giờ chứ không phải như đi học phổ thông , nhiều bữa còn không kịp ăn cơm vác cặp chạy . Hết một tháng như vậy đên khi đóng học phí tháng sau cô giáo bảo " Anh ơi không phải đóng học phí nữa , em trả lại tiền tháng trước cho anh vì Cún chỉ học đúng một buổi hôm anh đưa tới . Salam nghe xong mồ hôi toát ra đầm đìa , tế ra ông mãnh lừa Ba Má để đi chơi điện tử nguyên 1 tháng ... giỏi thật . Sau đó đưa đi đón về nhưng cũng không yên tâm vì sợ ổng cúp giờ để chơi điện tử , nên quyết định Má đăng ký học luôn . Bà xã kể chuyện mình già rồi mà học chung với những nhóc lớp 1,2, 3 rất buồn cười . Theo bám Cún mấy năm liền như vậy đến khi Ổng lớn biết suy nghĩ thì thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở chỗ NT, chuyện phụ huynh, học sinh "biểu tình" đòi thay gv vẫn xảy ra mà. Nhưng không phải lúc nào nhà trường cũng đáp ứng được.
      Còn để quán lí hs trong những buổi học thêm thì có điện thoại của cô chứ, sao lại mất công đăng kí ngồi học thế? Nếu điểm danh vắng là gv phải gọi ngay cho phụ huynh, khó gì đâu!

      Xóa
  9. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  10. em thì em không dám bàn luận gì nhiều về bài này vì em không phải là dân chuyên viết văn hay là người giỏi văn. nhưng sau khi đọc bài văn này thì em thấy là với 1 học sinh 13 tuổi thì bài này mang tính phê phán hơi cao, đọc như là em ấy rất bất mãn với vấn đề này vậy.lí lẽ của em ấy thì rất sắc sảo tuy nhiên em nghĩ với độ tuổi của em ấy mà đã suy nghĩ như vậy thì có hơi tiêu cực. với tuổi 13 theo e thì em ấy chưa cần thiết phải viết 1 cách sâu sắc như vậy.
    Nhưng nói chung là e thấy bài viết của em ấy hay.

    Trả lờiXóa
  11. Ồ, lâu lắm rồi, hôm nay có bạn nặc danh vào trang và để lại lời nhận xét. Cảm giác như ta đang đi trên đường bốn bề hoang vắng bỗng gặp người! Tự nhiên thấy lòng mình vui và ấm áp!
    Đúng là cô bé quá già dặn so với tuổi, không chỉ một bài này mà còn nhiều bài khác được giáo viên phô tô lại.
    Hiện nay em được Công ti sữa TH đài thọ cho học trường quốc tế tại Hà Nội. Thầy giáo của em hầu hết là người nước ngoài, giảng dạy bằng tiếng Anh (trừ môn văn, sử). Học kỳ I em là học sinh duy nhất đạt phần thưởng của bà Hiệu trưởng. Quả là một học sinh xuất sắc!

    Trả lờiXóa
  12. Tôi đã bị lừa 150.000 đô la bởi một nhóm lừa đảo trực tuyến, tôi đã bị tàn phá và muốn kết liễu cuộc đời mình, nhưng may mắn thay một người bạn của tôi đã giới thiệu tôi với nhóm điều tra lừa đảo này, “(Chuyên gia khôi phục quỹ toàn cầu)” và họ đã giúp tôi. lấy lại tiền của tôi cho tôi. Lúc đầu tôi không tin, nó giống như một phép màu vậy. Họ trả lại tất cả tiền cho tôi trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tất cả là nhờ người bạn tốt của tôi, người đã giới thiệu tôi với đội điều tra gian lận này. Tôi lại là một người phụ nữ hạnh phúc. Bạn có thể thử nếu bạn đã bị lừa trước đó. Họ sẽ giúp bạn lấy lại tiền. Đây là trang web của họ (w w w. Gfrexperts. Com)

    Trả lờiXóa
  13. Quá kinh khủng,bài văn quá hay nói lên những quan điểm thật của bản thân.Quá hay!

    Trả lờiXóa