Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Vô tư như con ngan



   Ba chị em ngồi chồm hổm quanh con ngan. “ Chị lấy đùi bên phải nhá, cho cu Tũn đùi bên trái.” “ Ứ ừ, thế em không có phần à?” Cái Thúy giãy nảy lên. “ Chỉ có em và chị Bống được đùi thôi, tại Tũn là con thứ ba nên là con ngoài tiêu chuẩn, cô giáo em bảo thế. Ngoài tiêu chuẩn thì không có phần!” Cu Tũn mới ba tuổi nghe vậy ngồi xoài ra, hai chân dãy đành đạch ăn vạ: “ Hai chị ăn nhiều rồi, giờ cho em, em ứ biết đâu!” Rồi nó khóc nức nở, ra tận sau vườn nơi mẹ đang trồng rau, mếu máo: “Mẹ ơi, hai chị ăn hết đùi rồi, không để cho con!”. “ Đùi nào cơ?” Mẹ ngạc nhiên. “Đùi ngan ấy, hai chị dành hết của con”. Biết hai chị lại trêu em, mẹ cười: “ Cu Tũn của mẹ ngoan, nín đi nào, tối bố làm thịt ngan, cho cu Tũn cả hai đùi ấy chứ, không cho hai chị, nhỉ?” Hai cô chị đã theo ra: “ Không, cho nó một đùi thôi, cho hai chị em con chia nhau một đùi, mẹ nhá?” “ Được, mẹ sẽ cho các con ăn bằng chán.” “ Hoan hô mẹ!” Cả ba chị em nhảy cẫng lên. Mẹ  âu yếm:“ Thôi, giờ đưa em vào nhà chơi, đừng dẫm nát luống rau của mẹ”.
Nhìn ba chị em ngoan ngoãn dắt tay nhau vào nhà, chị Mai thở dài. Từ ngày sinh được cu Tũn, vừa mới mừng có được đứa con trai nối dõi  thì nỗi buồn vì bệnh tật đã ập đến. Chứng đau dạ dày làm tiêu tốn bao nhiêu tiền của, thế mà người chị vẫn gầy rạc đi. Nuôi được con lợn con gà nào nhỉnh lên đã phải bán để chạy thuốc thang. Ba đứa con có khi đến cả tháng trời không biết mùi miếng thịt...
  Mẹ bắc nước, bồ bắt ngan ra khỏi lồng,  tay túm chặt phía trên đầu, chân dẫm lên cánh, một tay cầm dao kề vào định cắt tiết thì bỗng nghe oang oang bên nhà hàng xóm: “ Đúng là nhà nó bắt ngan mình, chẳng ai vào đây cả, mẹ cha tiên sư cái đồ ăn trộm!” Tiếng người đàn bà vừa ngưng thì một giọng đàn ông cấm cẳn: “ Chứng cớ đâu? Cô đừng làm mất tình cảm láng giềng.” “ Ôi dào! Nó cả gan bắt ngan nhà người ta làm thịt chẳng sợ xấu, chẳng lo mất tình cảm thì chớ, mình mất mà cũng phải giữ mồm giữ miệng sao?”. “ Hình như là nó ám chỉ mình?” Anh Ngãi vừa thoáng nghĩ vậy đã nghe vợ bực bội: “ Ơ hay! Nó chửi mình chắc? Nó nghi nhà mình ăn trộm ngan?”. Anh Ngãi ngừng tay, bỏ ngan lại vào trong lồng rồi đi ra. “ Bố không làm thịt ngan nữa à?” Bống gọi với theo. Người bố vẫn hăm hở bước, tay còn dính vài ba chiếc lông nhỏ lúc nãy vặt nơi cổ ngan.
-         Này, nhà cô chửi bóng chửi gió gì ai thế? Nói tọac ra xem nào?
-         Chẳng bóng với gió gì cả - người đàn bà cong môi lên – nhà tôi mất con ngan mái, tìm không thấy thì là có kẻ đã bắt, thế thôi. Không dưng mà nó tình nguyện vào nồi nhà khác chắc?
-         Ai bắt? Cô đi mà tìm, mà xác minh, đừng đổ vơ như thế!
-         Ơ hay! Tôi đổ vơ cho ai? Rõ thật “có tật giật mình”.
-         Này!Cô...
 Ngãi tái mặt, xông đến định túm lấy cổ áo cô Hoa, nhưng vội rụt lại. Dưới cái cổ trắng nõn nà là hai ngọn núi đôi lồ lộ, căng nhức mà chiếc áo phông đỏ rộng cổ chỉ đủ sức che một phần khiêm tốn. Mặt anh chàng hàng xóm thoắt đỏ rựng, không biết vì tức giận hay vì ngượng.
-         Sao?- Cô Hoa lại vênh mặt lên, thách thức – Ngọng miệng rồi à? Nói cho mà biết, gái này chưa đổ oan cho ai bao giờ đâu nhá. Có oan Thị Mầu thì lên chùa mà khấn!
Trời ơi! Thế thì có tức không cơ chứ. Ngãi như thấy cả đàn kiến bò ran từ đầu xuống chân, khó chịu không thể tả. Phía sau, cô vợ gấy đét đang nhăn nhúm mặt vì đau (mỗi lần có chuyện bực mình, cơn đau dạ dày lại hành hạ Mai như thế). Ngãi quay phắt lại, trợn trừng mắt với vợ:
-         Về! Sang đứng đó làm gì? Chẳng hơi đâu mà thanh minh, mặc xác nó!
Rồi, bằng sức mạnh của kẻ bị xúc phạm, Ngãi cầm tay vợ lôi xềnh xệch về nhà. Mai còn cố ngoái lại, nói một cách yếu ớt:
-         Cô Hoa, con ngan ấy là bà ngoại tôi cho mà...cô đừng nghi ngờ...
-         Xí!-  Hoa trề môi, nguýt dài – Bà ngoại  bỗng dưng gửi con ngan! Thật còn hơn cả Cuội!
Ngãi tức giận đá văng cái lồng ngan. Con ngan tội nghiệp chẳng hiểu chuyện gì, kêu lên mấy tiếng khàn khàn rồi im bặt. Ba đứa trẻ cũng nín thin thít, nép vào nhau như những chú ngan con, mắt len lét nhìn bố. Cơn tức giận của bố làm tiêu tan cả sự háo hức về cái đùi và một bữa thịt ngan ăn bằng chán mà mẹ đã hứa. Chị Mai ôm bụng lết lên giường, quằn quại. Bên nhà hàng xóm, tiếng cô Hoa vẫn chao chát:
- Thèm quá thì nói một tiếng, đây không tiếc. Chứ cái mả bắt trộm như vậy, có ăn vào cổ họng gái này cũng móc ra, có nằm trong dạ dày  cũng cho nôn bằng hết! Tiên sư nhà chúng nó, con ngan dễ đến  hai cân rưỡi chứ ít gì! Chúng mày ăn ngan nhà tao, chúng mày ỉa ra đằng mồm, nôn ra đằng đít. Tao cầu cho chúng mày ăn cơm thì hóc xương, đi ra đường thì vấp đá, đi bắt cá thì chết trôi...
Ngãi lại sầm sập chạy sang, lần này anh túm lấy cổ tay người đàn bà ngoa ngoắt kéo một mạch sang nhà mình. Đôi tay cứng như gọng kìm làm cổ tay cô ta đỏ tấy lên:
-         Đấy, cô trương mắt lên mà nhìn, nhìn cho kĩ xem có phải ngan nhà cô không? Nhìn đi!
Không ngờ, cô Hoa reo lên:
- Chính xác! Ngan nhà tôi đây rồi: lông trắng, mỏ vàng, chân vàng, và đây này: cái đốm đen trên đỉnh đầu! Tôi đã đi tìm mấy ngày nay trong vườn các nhà xung quanh, ai ngờ nó vào vườn nhà anh chị. Thôi, cho tôi xin!
Cô Hoa đang định cúi xuống xách cái lồng ngan thì Ngãi lấy chân dẫm lên: “Này, cô đừng nhận vơ! Ngan của bà ngoại chúng nó cho cháu đấy.”“Bà ngoại? Cho lúc nào? Sao lại cho đúng lúc nhà hàng xóm mất ngan nhỉ? Rõ thật là...”“Cho lúc nào phải báo cáo với cô chắc? Nhà cô mất ngan, không liên quan gì đến nhà tôi, nghe chưa?”
-         Thôi, mẹ nó về ngay. Mất rồi thì thôi, không bắt tận tay, day tận trán thì đành chịu vậy.-  Chồng Hoa chạy sang, nói từ tốn nhỏ nhẹ.
Hình như cái điệu từ tốn ấy càng làm cho Hoa điên tiết lên, cô trợn mắt quát:
- Đành là đành thế nào? Cái đồ nhu nhược như bố nó thì chỉ có suốt đời bị người ta ăn hà ăn hiếp. Gái này không dễ chịu thua đâu! Gái này gọi cả làng đến mà chứng kiến, mà phân xử đúng sai nhá.
Nhưng cô Hoa chưa cần gọi thì gần hai chục người hàng xóm đã có mặt.Trước vẻ tò mò của mọi người, cô Hoa liến thoắng:
- Đây, hỏi mọi người đi, có phải mấy bữa nay tôi đi tìm ngan không? Chị Na, chị vẫn thấy đôi ngan một trống một mái của tôi đúng không? Lông nó mượt, chân nó vàng, và cái đốm đen này thì không lạc đi đằng nào được. Chúng lúc nào cũng dính với nhau như hình với bóng. Thế mà giờ còn con trống bơ vơ...
Con ngan trong lồng bỗng kêu lên : khoọc...khoọc...Mọi người đổ xô mắt về đó. Anh Ngãi thanh minh:
-         Chả là hôm trước tôi về quê giỗ ông, đám xong đang còn con ngan, bà ngoại bảo cho ba đứa trên này vì chúng không về được, hôm qua tôi mới mang lên mà. Không tin thì cô cứ gọi điện về khắc rõ. Đây, tôi bấm số cho cô, hỏi cho rõ trắng đen.
“ Đúng đấy, cô Hoa gọi đi.” “ Có một con ngan thôi, có gì to tát đâu” Mọi người hưởng ứng. Sau khi gọi cho mẹ vợ nói rõ lí do, Ngãi đưa máy cho Hoa. Chẳng biết đầu kia nói gì, chỉ thấy Hoa dạ dạ liên tục rồi tắt máy. “ Sao, cô tin chưa? Cô có bảo tôi bắt ngan của cô nữa không?” “ Này, tôi không dễ bị lừa đâu, nhá. Tin ư? Tôi thừa biết anh đã nói trước với mẹ vợ thế nào rồi, nhá. Đừng qua mắt tôi, nhá.” - Mỗi tiếng “nhá”, cô lại hất hàm lên đầy ngạo mạn -  “ Tôi thì tôi không chịu đâu, nếu nhà anh cứ cố tình ăn bằng được thì cứ ăn đi tôi xem.” Hoa ngoắt nguẩy ra về, hai ngọn núi dập dờn theo nhịp bước. Mọi người cũng lẳng lặng ai về nhà nấy. Chỉ còn lại anh Hải, hàng xóm của cả hai nhà,  nán lại một chút, nhẹ nhàng: “Giây với con mẹ này rách việc, nó vừa gian, vừa phàm, tránh voi chẳng xấu mặt nào, tôi khuyên anh, nhịn đi! ” “Nhịn là nhịn thế nào? Mất oan con ngan đã đành, còn để lại tiếng xấu nữa, rồi cô ta được dịp toang toác lên: “ Nhà Ngãi ăn trộm ngan...”. Anh bảo thế ai mà nhịn cho được?” “Thế bây giờ anh định sao?” “Nhờ chính quyền can thiệp chứ sao!”. Mai cố gắng bước từng bước khó khăn ra ngoài, ngập ngừng: “ Hay...mình...”. Chưa dứt câu thì Hoa đã lại xồng xộc chạy sang, chỉ vào mặt Ngãi: “ Gái này sẽ nộp đơn nhờ chính quyền giải quyết, nhá. Không lôi thôi với gái này được đâu, nhá.” “ Nộp ngay đi” – Ngãi sừng sộ - “đây cũng đang định nộp đơn đó, đây đếch sợ đâu!”.
    Hai bên đương sự trình bày xong, trưởng thôn, phó thôn, an ninh thôn, bí thư chi bộ...phân tích, giảng giải. Rằng thì là xóm ta là xóm văn hóa, rằng thì là cần phải phát huy khối đoàn kết toàn dân, rằng thì là bán anh em xa mua làng giềng gần, rằng thì là một sự nhịn chín sự lành...Rồi mọi người tranh nhau dẫn ra những câu chuyện xích mích nơi này nơi khác mà thường “chuyện bé xé ra to”, có khi chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà đâm chém nhau...Anh Ngãi nhấp nhổm không yên, phần lo vợ đang đau ở nhà, phần nóng ruột xem kết cục mấy ông cán bộ giải quyết ra sao. Khi đi, anh đã hứa với lũ trẻ là sẽ đưa ngan về làm thịt cho chúng ăn.Thế mà trời đã đứng bóng, chuyện chưa đến hồi phân xử. Hoa vẫn ngọt nhạt: “ Em là em tin ở sự giải quyết của các anh, con ngan chẳng là gì cả, nhưng ức lắm cơ!” Cái miệng ả uốn dẻo quẹo, đôi mắt lá răm ướt rượt đong đưa, mảng ngực nở nang, trắng ngần, khêu gợi. Tay an ninh nháy mắt với ả thật tình tứ rồi lấy giọng vừa nghiêm túc của người giữ gìn phép nước, vừa thân tình của người trong thôn với nhau:
- Thế ý anh Ngãi thì thế nào? Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh gia đình anh, nhưng quả thực giờ xác minh con ngan là của bà ngoại cho cũng còn lôi thôi đây. Ai về quê? Ai chi tiền xe? Mà tiền xe có lẽ còn nhiều hơn tiền con ngan ấy chứ! Còn cô Hoa, đành rằng biết cô có một đôi ngan trắng, đành rằng biết mấy hôm nay cô bị mất, có đi tìm, nhưng nếu bảo anh Ngãi đây...thật cũng khó... - Anh ta gãi đầu gãi tai xem chừng khó nói – “Nhưng hai bên không ai chịu ai thì buộc chúng tôi phải làm đến cùng, chi phí hai bên phải chịu.”
- Thưa các anh, tôi nghĩ con ngan chẳng là gì cả, nhưng con chim cái lông, con người cái tiếng, các anh hãy giải quyết dứt điểm kẻo gia đình tôi mang tiếng xấu – Anh Ngãi phân trần – còn chi phí, vợ tôi đau ốm, một mình tôi nuôi năm miệng ăn, thiếu thốn đủ bề, giờ chỉ vì con ngan mà...
- Thôi thì thế này – trưởng thôn cắt ngang lời anh Ngãi – hai bên đều bảo “con ngan chẳng là gì cả”, vậy hãy cứ coi như chưa có nó, còn chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm họp dân để thông báo chuyện hai nhà đã xong, không ai khúc mắc gì nữa, được không?
- Thế con ngan...- Ngãi nhổm người lên khỏi ghế.
- Bán đi, xung vào công quỹ. Tôi đã bảo cả hai bên coi như chưa có nó là gì?
- Em đồng ý! – Hoa giơ tay lên như học trò xin phát biểu.
- Nhưng nó là con ngan tôi đưa từ quê lên thật mà.
- Thế lấy ai làm chứng? – phó thôn nổi xẵng – cả xóm cũng công nhận chỉ có con ngan nhà chị Hoa đây có cái đốm đen trên đầu, vậy giờ anh bảo chúng tôi phải làm sao?
 Ông bí thư  ngồi sờ cằm trầm tư, nói chậm rãi:
- Chị Hoa khẳng định mất ngan thật, anh Ngãi  khẳng định đưa ngan ở quê lên thật. Thôi thì ai cũng đúng, nhưng vì con ngan ấy mà hai nhà xích mích, giờ cứ cho nó mất đi, thế là nhẹ lòng, chẳng ai ấm ức ai cả, đúng không?
Mấy vị cán bộ cũng cho đó là phương án công bằng nhất.
 Suốt buổi hôm đó, ba chị em Bống vừa chơi vừa ngóng ra cổng đợi bố về. Đã gần mười hai giờ trưa, mẹ gọi vào ăn cơm. Nhìn mâm cơm chỉ có đĩa rau khoai luộc và bát nước mắm, cu Tũn ngúng nguẩy: “Không, con chờ bố về ăn đùi ngan cơ, ăn cơm nước mắm chán chết!”. Mẹ và hai chị càng dỗ , Tũn ta càng khóc to thêm. Bống bưng bát cơm chan nước mắm, rủ hai em bưng cơm ra đầu hồi chơi trò mẹ con. Nó lấy củ khoai, gọt thành hai cái đùi  và cắt ra nhiều lát dày mỏng khác nhau, bày lên những chiếc đĩa bằng lá mít. “Đây, mẹ dành cho cu Tũn cả hai cái đùi này, không cho chị Thúy đâu, nhỉ?” Thằng bé cười lỏn lẻn, ngoan ngoãn ăn thìa cơm chị đút. Thúy đặt vào bát lá mít của chị  lát khoai: “ Này, nhường cho chị cái cánh.” Bống giả vờ gắp lên hít hà: “ Ôi, thơm ơi là thơm! Béo ơi là béo.” Nó lại đặt vào bát Thúy một lát khoai khác: “ Đây, cái ức đấy. Thịt trắng nhá.” Thúy chép chép ra bộ ngon lành: “Nạc ghê cơ chị ơi! Lại mềm nữa!” Tũn ăn được mấy thìa cơm thì vừa lúc bố về. Mấy đứa vui mừng chạy ào ra: “Bố!” Nhưng chúng chưng hửng. Thấy bố im lặng vào nhà  nằm vật ra giường,  chúng không còn dám nghĩ đến cái đùi ngan...
 Con ngan được hóa giá  một trăm ngàn đồng, bán cho quán miến ngan bà Ninh. “Bộ tứ” ăn mừng sự thành công của vụ hòa giải bằng một chầu miến ngan ngay tại quán. Bữa liên hoan thêm phần vui vẻ vì có sự góp mặt của Hoa. Người đẹp duy nhất của buổi tiệc được các cán bộ thôn chiều hết cỡ. Ngan luộc vàng tươi,  ngan quay vàng rộm. Đĩa vơi đĩa lại đầy. Bọt bia trắng quanh mép nhờn những mỡ. “Ăn thêm đi em, mất ngan thì anh đền thịt ngan, được không người đẹp?” Đôi mắt Hoa lúng liếng cười. Trong chếnh choáng hơi men, một tay khoác qua vai người đẹp để chạm vào ngọn núi đôi sừng sững,  một tay trưởng thôn khoát khoát bảo bà chủ quán:
-         Hết bao nhiêu, viết hóa đơn, hôm sau chi vào tiền hội họp, nhớ chưa?
-         Dạ, cũng chỉ có bảy trăm năm mươi ngàn thôi ạ.

   Một tháng sau, mười chú ngan con  như những cái kén vàng lăn trên sân nhà cô Hoa. Ả ngan mái vô tư và kiêu hãnh ngẩng cao cái đầu có đốm lông đen đi bên cạnh anh chàng ngan trống quen thuộc. Chắc nó biết ơn cô chủ lắm. Nếu không có lần cô ta chui vào bụi tre cạnh bờ ao hái măng và phát hiện ra nó đang ấp mười quả trứng ở đó để rồi im lặng bưng cả trứng và nó về chuồng thì chắc gì nó đã có một lũ con xinh đến vậy!
                                             Cuối năm Nhâm Thìn.(29/1/2013)

23 nhận xét:

  1. Truyện viết thật cảm động về gia cảnh nhà anh chị Ngãi Mai và những đứa con ngoan,hiền thảo vô tư. Đồng thời thông qua đó một cách tự nhiên và hợp lý phê phán nhóm cán bộ thôn làm việc tắc trách và lợi dụng vụ việc xảy ra để ăn chơi, xâm phạm công quỹ của dân...
    Chúc mừng em đã có truyện ngắn hay! ( Chú ý sửa lại chữ "bồ" thành chữ "bố" ở câu: "Mẹ bắc nước, bồ bắt ngan ra khỏi lồng" nhé.) Mong em khỏe vui và viết thật hay thêm!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh. Em vẫn đang định sửa một số chỗ cho gọn hơn. Nhưng thời gian thì eo hẹp, hoàn cảnh lại bức bối. Thôi cứ kệ thế đã anh ạ.

      Xóa
  2. Hay đấy!
    Phát huy em nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh nhiều! Em sẽ cố gắng ạ.

      Xóa
    2. Sao để nhà hoang tàn vậy.
      Mua thêm một số vật dụng đi chứ!
      Không tiền hả?
      Anh cho!
      HT

      Xóa
  3. Em có giận gì anh ko? hay có chuyện gì bất thường mà ko liên lạc với anh?khiến anh thấy bất an nên cũng ko tiện liên lạc qua Mail nữa...Chắc gần Tết rồi em bận bịu và vất vả nhiều hơn?Có đi lễ đền Cờn ko em?Anh chúc em thật vui khỏe và đón Tết an lành đầm ấm em nhé!
    Thân ái!

    Trả lờiXóa
  4. Chuẩn bị tết đến đâu rồi, dự kiến ăn tết to không?
    Gửi cho anh hũ nhút ăn tết nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Em thân thương! Nhớ em nhưng sợ liên lạc qua mail ko "bảo đảm" nên anh đành im hơi lặng tiếng vậy. Hàng ngày về NGÔI NHÀ TÌNH YÊU để cảm nhận cảm giác và không khí ấm cúng chốc lát rồi lại lặng lẽ ra đi với bao hoài niệm,chờ mong, lo âu, thắc thỏm...
    Tạp chí Văn nghệ Sông Mai có 3 bài in của em(Văn, Thơ, Lý luận).In ở Hà Nội nhưng trình bày ko đẹp, ko khoa hoc. Cảm ơn em đã có bài góp phần chất lượng cho Sông Mai. Anh đã gửi sách cho em hôm qua ( Thứ hai, 4/2 - tức 24/Chạp). Không biết có kịp tới tay em trước ngày nhà trường nghỉ Tết ko?
    Tạp chí Thế giới Di sản của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam số Xuân Quý Tỵ 2013 này có bài thơ CẦU DUYÊN của anh và một bài viết về văn hóa truyền thống: NGÀY XUÂN KỂ CHUYỆN BÁNH PHU THÊ. Tạp chí in giấy đẹp, dày 214 trang... Thích nhất vẫn là bài thơ CẦU DUYÊN viết về mình đi lễ đền Cờn tháng Giêng 2012. Anh sẽ gửi sách đó tặng em nhưng chắc ko kịp trước Tết.
    (Vì mới dặn người mua thêm về chiều nay. Ngày mai gửi sợ muộn). Em cố giữ sức khỏe và đón Tết vui em nhé. Anh gửi về em tình cảm thân thương và lời chúc mừng tốt đẹp nhất trước mùa Xuân mới em nhé!

    Trả lờiXóa
  6. Em đi vắng có hay về thăm nhà blog ko mà ko thấy đáp lời gì cả?Còn anh vẫn BÂNG KHUÂNG CHIỀU ĐÔNG. "Năm đã cạn rồi/ bàn chân mòn vẹt/trái tim vẫn thế/ đập dồn phía em"!...
    Anh chúc em sức khỏe, đón Tết thật vui vẻ đầm ấm em nhé!...

    Trả lờiXóa
  7. Trước thềm năm mới, anh chúc em thêm tuổi Xuân vui khỏe và thành công trong nhiều lĩnh vực cuộc sống em nhé!
    Thân ái!...

    Trả lờiXóa
  8. Sang Xuân mới rồi, chắc em bận nhiều nên vắng nhà. Anh vào thăm em, chúc em thêm tuổi mới luôn vui khỏe, xinh đẹp, giỏi giang và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong cuộc sống em nhé!...
    Thân yêu!...

    Trả lờiXóa
  9. Tuy bận nhưng ngày nào anh cũng vào thăm em cho đỡ nhớ, nhưng thỉnh thoảng anh mới để lại lời bình... Anh chúc em luôn vui khỏe, trẻ đẹp và giỏi giang, dạy giỏi viết hay, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống nghe em!...
    Thân yêu!...

    Trả lờiXóa
  10. Nhân dịp Ngày lễ Valentine, Anh gửi đến Em lời chúc tốt đẹp ngọt ngào như sô cô la và hoa hồng đỏ thắm ngát hương!...Chúc Tình Yêu hạnh phúc muôn năm!...
    Thân yêu!...

    Trả lờiXóa
  11. Lâu ngày ko nhận đc tin em, em có khỏe và bình an ko mà im lặng vậy? Anh luôn mong em vui khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống em nhé!
    Thân ái và mong tin em nhiều!...

    Trả lờiXóa
  12. Chị có vẻ vắng nhà lâu hay sao ấy, khách đến mà không biết nè. Chúc chị năm mới trẻ đẹp xinh tươi ạ.

    Trả lờiXóa
  13. Anh xin lỗi và mạn phép Nhật Thành một chút để giới thiệu cùng XA VẮNG. Anh là Nhân Văn - Blog Yahoo VN trước đây. Lâu nay phiêu dạt, tình cờ hôm nay gặp lại em tại nhà của Nhật Thành, anh rất vui! Anh tìm đọc trang của em nhưng ko thấy?Nhân đây, anh chúc em vui khỏe thành đạt trong sự nghiệp trồng người và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, Xa Vắng nhé. Mong rằng em và Nhật Thành cùng anh còn nhiều dịp "tam hợp" nhau để trò chuyện, động viên nhau nhé.
    Anh cảm ơn Nhật Thành đã tạo điều kiện và địa điểm để anh có cuộc gặp gỡ này. Chúc NT vui khỏe và đạt được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống nhé!
    Chào thân ái!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cảm ơn anh. Em cũng vừa xây nhà ở đây được hơn một tháng. Em đã thêm anh vào danh sách bạn bè và vòng kết nối nhưng sao không thấy trang blog của anh, không thấy nhà anh ạ?
      Chắc chị NT có nhà nơi khác nên ít về đây hay sao ấy ạ.

      Xóa
    2. Cảm ơn XA VẮNG nhé.Blog của anh là:quangthu52.blogspot.com nhưng ai cũng nói khó vào và ko thấy bài đăng, chỗ commes ở đâu? Anh cũng ko biết tại sao nữa? Nhật Thành còn một blog Hồng Công nữa nhưng cũng ít khi lui tới.Chắc cô ấy bận công việc nhiều, ta cứ thỉnh thoảng đến giao lưu ở đây cũng đc em ạ. Khi NT rảnh việc sẽ về thăm nhà, đăng bài, đọc com và trả lời mọi người mà...
      Chúc em và chủ nhà NT vui khỏe nhé! ( Xem đây là cuộc gặp gỡ thân tình của 3 người)

      Xóa
  14. Nhật Thành th nhớ! Anh vào thăm nhưng ko gặp em!... Anh luôn mong em thật vui khỏe, dạy giỏi viết hay và thành đạt, may mắn em nhé!...
    Thân ái!...

    Trả lờiXóa
  15. Chúc em ngày Chủ nhật - Rằm tháng Giêng thật vui khỏe thoải mái em nhé!
    Anh nhớ mong em nhiều!...

    Trả lờiXóa
  16. Anh vào thăm em nhưng chưa thấy bài mới. Ở blog trannhuong.com cũng mới có vài bài đăng sau các bài của em...Em gửi dự thi tiếp cho Văn nghệ Tương Dương nhé. Vi Hợi nói số Tạp chí Mường Xủng Tết vì trục trặc nên chưa in xong? Anh chúc em khỏe vui và dạy giỏi, viết hay nhé!
    Thân ái chào em! Chúc ngủ ngon, Vì bây giờ là 11h đêm rồi.

    Trả lờiXóa
  17. Mình đọc truyện thấy hay, nhưng chưa bàn đến cái hay. Bạn hãy sửa lỗi chính tả trong bài đã nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thôi thì chín bỏ làm mười đi, cứ nhận xét về nội dung, hôm sau rảnh mình sửa, được không người bạn mới?

      Xóa