Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Xóm về hưu

         


Đã gần mười một giờ đêm. Không gian đang yên ắng bỗng vang lên tiếng kêu đến rợn người:
- Ối làng nước ôi! Nó đánh tôi! Nó giết tôi! Làng nước ôi! Mày theo con đĩ ấy, mày định giết bà để rước con đĩ ấy về đây. Mày giết đi! Giết ngay đi! Trời ơi là trời!
Tiếng bước chân rậm rịch chạy.
       Cả xóm đã đứng ùn lại trước cổng nhà ông Hải. Cổng khóa trái, trong nhà điện bật sáng trưng. Ông Hải bị đè nghiến xuống thềm nhà, bà Tam lồm cồm phía trên bụng chồng, tay níu chặt túm tóc hiếm hoi trên cái đầu hói của ông Hải, tru tréo: “Mày định giết bà à? Còn lâu! Bà có chết bà cũng làm ma ám mày! Bà ám cả con đĩ ấy, đừng hòng vào đây mà chiếm nhà.” “Cứ hét nữa đi. Hét cho người ta ỉa vào mồm cho. Họ ỉa vào mặt con bà ấy! Biết chưa?” “Bà đếch sợ! Đứa nào ăn lang nằm chạ mới sợ xấu. Bà nói cho cả xóm này biết, cả làng này biết, cả người gần, người xa đều biết, cả anh em họ hàng dòng tộc này biết, hiểu chưa? Giấu diếm làm gì?”
    Vừa nói, vừa thở hồng hộc, tóc tai xõa ra, rối mù và xù lên như đống rơm khô, rồi cứ thế, bà Tam  ấn đầu ông lão xuống, đập côm cốp vào nền gạch. Chú Thông đã nhảy thót qua bờ tường, chạy vào lôi bà Tam dậy. Ông Hải  gượng ngồi dậy, hai tay ôm đầu. Đám tóc bạc lơ thơ tơi tả không che nổi cái đầu hói bóng láng. Cổng đã được mở. Bà Tam mặt đỏ phừng phừng: “ Đấy, người ta nói thẳng vào mặt tôi, tôi có đặt điều nghi oan gì cho ông ấy đâu” – những âm thanh chua và sắc được dịp bắn vào màn đêm nghe thật chát chúa – “ cái con đĩ ấy, cái của nó không phải là ngàn vàng, mà là triệu vàng, tỉ vàng! Lão già nhà này bị nó mời, nó gọi, nó bỏ bùa mê thuốc lú, không dứt ra được! Hễ tôi đi hàng là mò sang đó. Có đồng lương hưu nào thì bỏ vào cái lỗ của nó cả! Cái lỗ hôi, lỗ thối ấy đáng giá lắm! Cơm lão ăn tôi nấu, quần áo lão mặc tôi giặt, đôi dép lão đi tôi mua, cái mũ lão đội tôi sắm. Thế mà  ăn no phởn mỡ! Ối trời ơi! Chồng với chả con!”
   Bỗng một cái tát như trời giáng bay vút vào bên cạnh cái lỗ mà từ đó phun ra bao ngôn từ độc địa. Âm thanh tắt ngấm như cái loa đang phóng thanh tự dưng mất điện. Bà Tam ngước lên, ngỡ ngàng, sửng sốt, đôi mắt chớp lên một ánh lửa dữ dội rồi bỗng nhiên cụp xuống. Một phút lặng như tờ...
- Già rồi, ăn nói phải nghĩ trước nghĩ sau, đừng có động chuyện gì cũng xồn xồn lên như thế. – Một giọng đàn ông trầm trầm mà đầy uy lực cất lên – Tôi tát cho bà tỉnh ra, tát cho bà mở mắt mà nhìn, tát để bà lắng tai mà nghe, để biết nên nhìn ai, nghe ai,  nhớ chưa? Mấy bà mà còn nghe cái miệng của nó thì còn tan cửa nát nhà, biết chưa?
  Đó là ông Biền, một đại tá quân đội về hưu, người mà khi đã làm gì, nói gì thì cả cái xóm hưu trí này miễn phải bàn, vì mặc dù tính ông có nóng nẩy, nhưng việc ông làm, lời ông nói bao giờ cũng đúng, cũng hợp lí.Ông nhắc đến “nó” tức thì mọi người hiểu ngay là chị ta, người đàn bà  đến thuê nhà ở xóm này mấy năm nay. Giờ đây, khi hai mươi mốt ngôi nhà trong xóm sáng đèn vì vụ đánh ghen của bà Tam thì nhà ấy vẫn im lìm trong màn đêm hun hút. Nhưng chắc chắn chị ta còn tường tận mọi hành động, lời nói trong đêm nay hơn ai hết.
 Xôn xao một lúc rồi ai về nhà nấy. Phần đêm còn lại lại trôi đi trong tĩnh lặng, trong  sự bình yên của những giấc ngủ người lao động sau một ngày bươn chải nhọc nhằn.
   Khối chia làm ba xóm. Xóm ngoài sát mặt đường, nhà cao tầng đồ sộ, chủ yếu mở dịch vụ buôn bán, sửa chữa, nhà hàng, giải trí...Lúc nào cũng ồn ào, nhộn nhịp. Xóm phía đông lại cơ bản là dân công chức, nhà cửa to hay nhỏ, đẹp hay xấu là do chủ nhân làm trong cơ quan kinh tế hay cơ quan hành chính, cấp lãnh đạo hay nhân viên quèn. Nhưng tất thảy đều  khang trang, sân có mái che bằng loại tấm lợp đắt tiền, bồn hoa cây cảnh đẹp mắt. Còn xóm phía tây gọi là xóm hưu trí. Xóm có hai mươi hai nóc nhà, hầu hết đều là dân về hưu, nhà cửa là nhà tập thể cũ đã hết thời hạn sử dụng. Tùy điều kiện của mỗi gia đình mà chắp vá, cơi nới, sửa chữa nên nếu đứng trên cao nhìn xuống , xóm cứ lổn nha lổn nhổn như chiếc áo vá vụng. Về hưu nhưng chưa ai có quyền được hưởng cuộc sống thanh nhàn. Trái lại, công việc càng nhiều hơn, tất bật hơn, vất vả hơn. Ngoài ông đại tá quân đội ra, số còn lại đều từng là công nhân Công ty kim loại màu Nghệ Tĩnh. Khi công ty làm ăn thua lỗ( thua lỗ đến mức cán bộ lãnh đạo công ti hầu như mỗi người đều chuẩn bị trước cho mình ba bốn nơi “hạ cánh”: nhà ở Vinh, dinh cơ ở quê, đất mua sẵn ở Hà Nội...tính sơ sơ cũng gần chục tỉ đồng, chưa kể số tiền gửi Ngân hàng mà lãi hàng tháng nhiều hơn lương một năm của công nhân, còn công nhân thì đói dài, tiền lương không đủ nộp bảo hiểm, thế là chỉ mong “chấm vạch” để về hưu mất sức!).Đã về mất sức thì lương ngót nghét hai triệu đồng một tháng còn kêu nỗi gì! Bố mẹ không dám kêu, nhưng con cái kêu. Bản thân không dám kêu nhưng nhu cầu cuộc sống nó kêu. Tiền ăn học cho con, tiền mua sắm trăm thứ bà dằn, tiền đám cưới, tiền lo cho cha mẹ già...chẳng lẽ chỉ nhìn vào mấy đồng lương hưu còm cõi? Thế là mất sức nhưng các tổ thợ xây, tổ đóng gạch lại tiếp tục thành lập và hoạt động đều đặn ngày mười tiếng. Mất sức nhưng có những người, trên những chiếc xe máy cà tàng, không quản đường dốc, ngày nắng hay ngày mưa, rét cắt da hay nắng cháy mặt, đều đặn mang thịt, cá, rau, dưa, kim chỉ, áo quần...vào tận bản làng vùng sâu cách nhà ba chục cây số đường rừng để bán. Mất sức nhưng có những người mỗi ngày nấu bốn nồi rượu để nuôi đủ chục con lợn mỗi lứa, mỗi năm phải bán được bốn lứa, may ra còn có tiền gửi cho con đang học đại học.
     Đấy, cái xóm hưu trí với bao nỗi nhọc nhằn, cơ cực như thế trong cái lo toan thường nhật của áo cơm. Thế mà từ khi mẹ con người đàn bà ấy thuê nhà ở đây, xóm bỗng dưng xẩy ra bao chuyện. Khi thì gia đình này xích mích, cãi cọ gia đình kia chỉ vì chuyện con gà bỗng dưng bị mất. “ Có người bảo nó chạy vào cổng nhà bà, tôi không nghi oan đổ uổng cho ai bao giờ.” Khi thì cha mẹ đánh con tơi tả cho hả giận, đánh con để hờn mát ai đó, chỉ vì “ Nghe bảo con nhà ấy mới tí tuổi đầu đã tí tửng hò hẹn với bạn trai”. Khi thì hai nhà ngấm nguýt nhau: “ Biết con trai người ta có thèm không mà đã lên mặt làm cao, bảo con trai thiên hạ có chết hết cũng không thèm gả cho ngữ ấy!” “ Thế ai chê con gái người ta có số sát chồng?” “ Ai chê thì đi mà hỏi, đây không thèm để ý.”
    Những vụ xích mích như thế không xẩy ra thường xuyên nhưng vụ nào cũng căng thẳng như  vụ nhà ông Hải, bà Tam xẩy ra lúc nửa đêm ấy. Tất nhiên rồi sau đó lại làm lành, lại qua lại nhà nhau. Rồi  vào mỗi tối thong thả, câu chuyện về con cái, về giá cả, về công việc lại nở như ngô rang bên ấm chè xanh nóng hổi. Chỉ riêng ngôi nhà của hai mẹ con nhà kia là cứ tối đến lại im lìm khóa cổng. Chẳng ai muốn qua lại đó. Và cô ta, ngoài những khi ra mua chịu gói xà phòng, gói mì chính  ở cái quán cóc của bà Duyên đầu xóm,  thì chẳng mấy khi đến nhà ai. Mấy ngày tết  cái ống khóa đen sì chổng đít ra ngoài, hai mẹ con về quê. Thế nhưng mọi thông tin gây hiềm khích, mâu thuẫn trong xóm  hầu như đều từ miệng người đàn bà ấy chuyển qua cơ quan “phát thanh truyền mồm” của bà Duyên. “ Người gì mà đi lúc nào mặt cũng cúi gằm xuống, cái miệng đã rộng, cái môi lại mỏng lèo lèo.” “ Ừ, trông cái mắt cứ gian gian, cấm bao giờ dám nhìn thẳng ai!”  “Mẹ nào con nấy, đứa con gái mười hai tuổi rồi, đi gặp ai thì chỉ liếc mắt rồi lí nhí trong cổ họng, không chào được một tiếng nên hồn!”.
  Thời gian gần đây, nghe bảo cô ta bị ung thư. Nghe rồi người ta lại bĩu môi: “ Tin gì cái ngữ ấy! Mà cho có là ung thư thật đi chăng nữa thì cũng đã sao? Cô ta chết quách đi cho thiên hạ bớt một kẻ ngồi lê đôi mách, làng xóm bớt đi những cuộc cãi vã vì cái miệng hay xâm xút, đặt điều!”. Nói thế nhưng mọi người để ý, thấy hai mẹ con vẫn lầm lũi nấu rượu, nuôi lợn. Mẹ ra đi từ mờ đất để kịp giặt giũ,phơi phóng ga gối cho nhà nghỉ của người bác họ,  còn đứa con thì quét dọn nhà cửa, sân ngõ sạch sẽ rồi đi học. Công bằng mà nói, con bé hiền lành, chăm chỉ và nghe bảo học cũng khá. Nhưng bọn trẻ con trong xóm không đứa nào dám chơi thân vì bị bố mẹ chúng cấm đoán, chỉ có bé Thu nhà chị Bông, học cùng lớp với nó là vẫn qua chơi thường xuyên. Thấy hai đứa quí nhau nên chị Bông cũng không nỡ ngăn cản.
    Nhưng rồi, thay cho những bực bội, tức tối, khinh bỉ, đay nghiến, chì chiết đối với chị ta, mọi người trở nên ngậm ngùi, thương cảm, xót xa, day dứt, trăn trở khi nghĩ đến cuộc đời, số phận của người đàn bà tội nghiệp. Bắt đầu từ bài tập làm văn đẫm nước mắt của đứa con mà Thu đưa về đọc cho mẹ và mọi người nghe:
   “ Trên đời này, người em thương yêu, kính trọng nhất là ai ư? Em có còn ai nữa đâu ngoài người mẹ của mình? Nhưng mặc dù rất thương mẹ, em cũng xin nói thật rằng em chẳng thể kính trọng mẹ được. Em biết, mẹ là người đàn bà bất hạnh, mẹ bị bà ngoại bỏ rơi khi vừa bảy tuổi, mẹ bảo thế. Mười bảy tuổi, mẹ lấy chồng. Em chỉ nhớ loáng thoáng khuôn mặt bố qua mấy lần bố nghỉ hè, sau đó thì mất hút! Mẹ nuôi em trong cơ cực, bần hàn. Mẹ nuôi em trong khổ đau, uất ức. Nhưng có phải vì thế mà mẹ sinh ra xấu tính? Mẹ luôn hằn học với mọi người xung quanh. Mẹ luôn bực bội, khó chịu với hạnh phúc của bao gia đình khác. Vì thế, mẹ cứ nói xấu hết người này đến người kia. Nhiều lúc em biết mẹ đơm điều, đặt chuyện cho họ, em nói thì mẹ chỉ trợn mắt: “ Cuộc đời này chẳng ai tốt đẹp cả, nhớ chưa? Tất thảy đều một lũ xấu xa, đều là đồ súc sinh bẩn thỉu. Giá như có một trái bom nguyên tử, tao sẽ cho nổ tung để tất cả đều bị chôn vùi trong đất đá.” Ánh mắt mẹ rờn rợn, trông thật đáng sợ. Mẹ làm em không dám ngước mắt nhìn mọi người trong xóm. Mà em thấy họ đếu là những người tốt cả đấy chứ? Gần đây mẹ bị bệnh, ngày vẫn cố gắng làm việc nhưng đêm về mẹ đau dữ lắm. Những cơn đau ngày một dày hơn. Em bảo mẹ sao không đi bệnh viện xin thuốc, mẹ tỉnh bơ: “ Thuốc gì? Tao chỉ muốn xin thuốc sâu thôi.”. Thấy em ấm ức khóc, mẹ quàng tay ôm và nói thản nhiên: “ Nếu mẹ chết, con ra ở với bác, bác nhận nuôi mày cho đến lúc trưởng thành rồi kiếm việc cho mà làm. Cứ thế mà sống. Khổ mấy rồi cũng chai dần, không việc gì phải lo.” “Không, dù mẹ không là niềm tự hào của con, nhưng con vẫn cần mẹ lắm, mẹ biết không? Sao mẹ nói đến cái chết, nói đến việc bỏ con đi mà với cái giọng lạnh lùng như vậy?”. Em nghĩ thế mà không dám nói ra, bởi biết chắc mẹ sẽ trợn mắt mà bảo: “ Im ngay! Tao cấm mày không được sự ủy mị, không được yếu mềm, biết chưa?”. Vâng, có thể em không kính yêu mẹ, nhiều lúc em còn xấu hổ vì mình có một người mẹ như mẹ, nhưng xin mẹ đừng nói đến cái chết một cách lạnh lùng, tàn nhẫn như thế, mẹ ơi!”
  Rồi sau đó, chẳng mấy khó khăn để mọi người đọc được từng trang đời của chị qua người bác có cái nhà nghỉ to đùng giữa thị trấn. Người bác ấy chỉ là chị dâu của một người thông gia nhà chú họ. “ Tội lắm, bố nó lái xe chở gỗ cho lâm trường, nó lên năm tuổi thì bố nó do phải lòng một cô thủ quĩ nên đã quyết định bỏ vợ. Mẹ nó đau khổ quá, mấy lần tự tử không thành. Nhưng  vài năm sau, cô ta bỏ con lại cho bà ngoại, theo một người đàn ông vào tận trong Nam sinh sống rồi bặt tin luôn. Bảy tuổi, không cha mẹ, nó sống vất vưởng bên người bà đau yếu, bệnh tật. Mười bảy tuổi, nó được một anh con trai trong làng yêu thương. Bà ngoại nó mừng lắm, vì thế là cháu cũng có nơi có chốn, bà có chết cũng yên lòng. Nó là đứa siêng năng, chịu khó. Một mình nuôi con, nuôi chồng đang theo học trường Cao đẳng kỹ thuật ở Hà Nội. Dù phải vay mượn, lấy chỗ này đắp chỗ kia nhưng nó vui lắm, đi đâu cũng khoe: “ Anh ấy học giỏi, lại rất có năng khiếu làm phong trào nên khả năng nhà trường giữ lại làm giảng viên.” Nhưng nhà trường không giữ mà cô gái Hải Phòng cùng học với anh ta giữ.  Đánh ghen, giành giật rồi van xin, cuối cùng hai mẹ con nhà quê còm cõi, ít văn hóa không thắng nổi cô gái thành phố trẻ trung, học thức đầy mình. Và khốn nạn thay, bên nhà chồng cũng mừng vì sự thay lòng đổi dạ ấy! Mất chồng, chỉ còn lại một đống nợ nần vay mượn để trang trải tiền ăn, tiền nhà, tiền học phí cho chồng trong mấy năm là còn lại. Nó cắn răng làm để trả hết nợ, lấy lại bìa đất, bán  căn nhà ở quê được năm triệu bạc, chạy trốn mọi người, chạy trốn những ánh nhìn thương hại, nó lên đây, để lại người bà khốn khổ, thương và đau lòng cho cháu mà chẳng biết làm gì. Tôi thuê nó giặt ga gối cho các phòng nghỉ, mỗi tháng một triệu rưỡi. Thế mà giờ...”-  Người bác thở dài, nước mắt rưng rưng rồi nói tiếp – “Bảo nó nghỉ mà chữa bệnh, nó gắt: “ Sống thì làm, chết thì chôn, đời cháu sống cũng chẳng có ý nghĩa gì, chỉ thương con bé...bác có thương thì nuôi con cho cháu, thế thôi.”
  Tháng chạp rét  cắt da cắt thịt, xóm hưu trí bồng bềnh trong sương. Bốn giờ sáng, mấy xe hàng chuyển bánh ra đi: nào thịt, nào rau dưa, nào quần áo...Bốn rưỡi: mùi rượu, mùi cơm ủ, mùi cám bã lan tỏa. Năm rưỡi, các tổ thợ lên đường: nào bay, nào thước, nào dây...
   Khi năm cũ sắp ra đi, năm mới bước tới gần, nhịp sống càng trở nên hối hả hơn. Trong cái tất bật, hối hả, lo toan ấy, hai mươi mốt gia đình không quên một điều đã được thống nhất: dù khó khăn đến đâu, mỗi gia đình một tháng cũng phải dành ra ít nhất  năm trăm ngàn góp vào quỹ xóm, số tiền đó dùng vào việc trước mắt: lo kinh phí để chuyền hóa chất cho cô ấy. Ông đại tá về hưu lại với cái giọng trầm trầm đầy uy lực mà tuyên bố:
“ Cô nên nhớ rằng, cuộc đời này còn nhiều kẻ xấu xa, nhiều lũ súc sinh, nhưng vẫn có vô khối con người nhân ái. Cô phải mở mắt mà nhìn, ngẩng đầu mà sống, chạy trốn cuộc sống vì những thất bại trong đời người là hèn, là nhục, hiểu chưa?”. Người phụ nữ tuổi ba mươi khẽ khàng: “ Dạ, cháu hiểu.”.

Cuối năm 2012.
  
  
 


5 nhận xét:

  1. Chào Nhật Thành!
    Em còn lười hơn cả anh, mà bận gì cho nó cam chứ. Thể nào chồng nó bỏ đi câu suốt; nó mà mang về con cá 47 kg thì chết dở đấy.
    Đến nhà anh bên Yahoo!Blog dự tiệc chia tay đi.
    Thân ái: Hải Thăng

    Trả lờiXóa
  2. Chào Nhật Thành Hồ!
    Em về chăm sóc nhà đi chứ, để thế này à!
    Khách đến đông mà em chả tiếp đón nước nôi gì cả họ đi hết đấy.
    Thôi anh cũng về đây.

    Trả lờiXóa
  3. Em đã dọn dẹp sơ sơ thế, được chưa anh?Để có tiền mua chai "sân lai" về chùi rửa sạch sẽ rồi anh cho em đi câu nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Hồ Nhật Thành là ai kia chứ
    Bao người đến thăm khóa cửa đi chơi
    Hồ Nhật Thành là ai kia chứ
    Anh cô đây, gửi lại đôi lời.

    Trả lờiXóa