( Truyện ngắn của Nhật Thảnh)
Hạo hết trở mình bên này lại trở mình bên kia. Trong
đầu anh như có một nắm dây nhợ quấn lấy nhau, không sao gỡ ra được. Hình như
lại có mùi hoa bưởi phảng phất đâu đây.
Anh bật dậy,
theo thói quen, vớ lấy cái điéu thuốc lào. Tiếng rít giòn tan trong đêm, phá vỡ
sự im lặng cố hữu của căn nhà.
-
Bố nó có
chuyện gì phải không?
Từ phòng ngoài,
Liên đã vào từ lúc nào, nhẹ nhàng đặt tay lên vai chồng.
-
Chưa chấm bài xong à? Khuya rồi còn
gì.
Liên
nhỏ nhẹ:
- Cũng chỉ còn mấy bài nữa, mai đến giờ trả bài cho chúng nó rồi. Mà
cũng chưa đến 11 giờ mà.
Thấy mặt chồng vẫn khó đăm đăm, Liên biết
chắc Hạo có chuyện gì khó xử đây.Thiếu nhân công? Không đòi được nợ? Hay anh em
trong tổ có mâu thuẫn gì? Liên lặng lẽ ra
tắt đèn rồi trở vào.
-
Thôi, còn vài bài mai dậy sớm chấm
nốt, ta ngủ thôi anh.
Kéo chồng nằm xuống, Liên thủ thỉ:
- Bố nó có biết không, cứ mỗi lần chấm
bài, em thích nhất là ngồi quan sát thái độ của chúng nó. Thằng Tiến “ còi” thì
vội mở ra, xem mình được bao nhiêu điểm rồi vứt đó, chạy loăng quăng ngó điểm
đứa này, đứa kia. Thằng Nam
“ béo” thì thể nào cũng giật vở bạn bên cạnh, so đi so lại. Nó là chúa kiện cáo, lúc nào cũng sợ cô chấm thiệt cho
mình. Cái Thu thì cẩn thận xem lời phê, đọc lại bài, trầm ngâm suy nghĩ… Những
lúc đó, em thấy chúng nó sao mà đáng yêu quá, cứ như là con cái mình vậy.
-
Thôi, ngủ
đi- Hạo gắt- hôm nào cũng kể chuyện học trò, không chán à?
Liên im lặng,
biết rằng cách đổi đề tài của mình chẳng ăn thua gì. Thôi,
nếu cần thì Hạo sẽ chủ động tâm sự vậy.
Nhưng Hạo biết bắt đầu thế nào với Liên đây? Nếu nói
ra được, anh đã không khốn khổ đến như vậy.
Dù cũng chưa
phải giàu có gì lắm, song gia đình anh cũng là niềm khao khát của nhiều nhà
trong khối. Liên dạy ở trường tiểu học gần nhà. Bằng khen, giấy khen của mẹ,
của con cứ là hết cả chỗ treo. Đi làm trong thị trấn, cứ nghe bảo “ Đây là
chồng cô Liên” thì các gia chủ trân trọng hẳn lên. Tay Cần trong tổ cứ xuýt
xoa:
- Nhất xếp rồi
còn gì, vợ dạy giỏi, con học giỏi. Em chỉ mong sao được một góc của xếp thôi
cũng hạnh phúc lắm rồi!
Gọi là “ xếp”
cho oai thế chứ thực ra Hạo chỉ là tổ trưởng cái tổ thợ xây hơn chục người. Nhờ
trời, mấy năm nay, phong trào xây dựng ở cái huyện này cứ là ồ ạt. Thị trấn thì
thi nhau xây nhà hai tầng, nhà ba tầng, nhà khách cơ quan, nhà khách tư nhân…
Các xã thì chuyển đổi nhà sàn sang nhà mái thái. rồi các dự án xóa nhà tranh
tre nứa lá cho dân, cho các trường học… Việc của cánh thợ xây vì thế không bao
giờ hết. Hạo hơn anh em ở chỗ, nhận được hợp đồng, anh hưởng mười phần trăm hoa
hồng, còn nữa thì chia đều theo ngày công.Không phải trong tổ không có những kẻ
“ ghen ăn tức ở”, nhiều lúc lợi dụng chén rượu, khế khà:
- Ôi dào, giàu có mà làm gì. Có vài con vịt giời, bay đi
là đứt! Càng giỏi
càng bay xa, nhằm nhò gì!
Hạo biết hắn
đang chửi mình. Với bản tính hay nhún nhường, anh chỉ im lặng. Song mỗi lần như
thế, anh khổ tâm hết sức. Tại sao ông trời không chiếu cố cho Hạo một chút nữa,
giúp anh có tí “giống” cho dòng họ Phan Hữu khỏi mang tiếng “mất nòi”? Bố anh
là con trai một. Sinh ra chỉ một mình anh là trai. Nhiều khi Hạo cầu mong: nếu
quả thực trời không cho ai được toàn vẹn thì hãy vật cho anh ốm đau cũng được,
hoặc giả con anh khong giỏi cũng được, nhưng hãy cho anh một đứa con trai!
Có lẽ anh cầu
nhiều quá, ông trời đã thấu hiểu nỗi niềm và tạo cơ hội cho anh chăng?
Trong
bữa cơm hồi công ngôi nhà mái Thái ba gian của vợ chồng Na cách đây tám chín
tháng, Na nâng chén rượu nếp lên:
- Các anh yên tâm, khoảng mươi ngày nữa, gia
đình sẽ thanh toán đầy đủ tiền công. Vị chi là còn năm triệu nữa, anh Hạo nhỉ?
Bác Chiến giơ
chén rượu,nhanh nhảu:
-
Ồ, tưởng lâu chứ mươi ngày thì hề gì. Nào! Ta chạm chén chúc chủ nhà ở nhà mới
làm ăn may mán “ tiền vào như nước biển xa, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin!”.
Tiếng cười. Tiếng ly chạm lách cách. Tiếng hô “mơi” vang nhà.
Nửa
tháng sau cũng chưa thấy vợ chồng Na nói gì.
Cơm tối xong, Hạo đánh xe đền nhà Na. Anh nghĩ: “ Đi giờ này cho đỡ bụi”
. Mặc dù từ nhà anh đến nhà Na chỉ có bốn năm cây số, song con đường tỉnh lộ
xuống cấp nghiêm trọng đang được sửa chữa suốt năm năm mà vẫn chưa xong. Mưa
thì lầy lội, nắng bụi mù trời.
Na ở nhà có một mình.
-
Thế bố con đi
đâu?
-
Đi Nam rồi
anh ạ. – Na buồn buồn.
-
Đi Nam? Đi làm
gì? Cả con bé cũng đi sao? Nó mới hai tuổi?
- Không, chỉ bố nó đi thôi.Em gửi con bé về
với bà ngoại rồi. Chắc là
chúng em sẽ bỏ nhau anh ạ- Na rơm rớm nước mắt.
-Sao thế?
Chuyện gì mà mới làm nhà xong đã tính
chuyện bỏ nhau? Vợ chồng chỉ cãi nhau thôi chứ gì? Rồi đâu lại vào đó thôi mà.
Na rót nước, nâng cả hai bàn tay:
-
Anh Hạo uống
tạm cốc nước sôi.Em không làm chè.
Na ngước mắt nhìn anh. Hai giọt nước lăn nhanh trên gò
má mịn màng. “Chao,gái một con…’’Hạo thoáng nghĩ.
Bỗng căn
nhà tối om. Xung quanh hàng xóm la lối:
-
Lại mất điện
rồi! Lúc người ta cần nhất thì cắt. Đúng là đồ… “ điên nặng”
Na
chậm rãi:
- Để em đi châm cái nến.
Hạo
nhổm dậy:
-
Thôi, tôi về đây, hôm khác ta nói
chuyện.
-
Anh về sao?-
Na khẽ khàng- ở lại em nói câu chuyện…Hôm trước em có hứa…
-
Ừ, nếu có rồi thì càng tốt. Chưa có thì em xem hôm nào lo được để anh trả tiền
công cho anh em.
Na nói một câu chẳng ăn nhập gì:
-
Trăng mười
bốn mà sáng quá anh nhỉ. Hay ta ra ngoài sân nói chuyện cho mát?
Na nhanh nhẹn
bưng chiếc ghế dài ra góc sân, chủ động kéo Hạo ngồi xuống.
“ Chao ôi! Hương bưởi dịu dàng” . Na vừa gội đầu xong, mái tóc xõa dài xuống
chấm mông. Hạo bỗng lâng lâng khó tả trong một cảm xúc bất chợt.
Na nhìn anh, buồn buồn:
-
Vợ chồng anh
Hạo nghe nói hạnh phúc lắm?
Hạo
ậm ừ:
-
Thì cũng vậy thôi, biết thế nào là
hạnh phúc?
- Có được người chồng như anh thì ai mà chẳng
hạnh phúc. Vừa siêng năng, vừa vui vẻ dễ gần- Na cười buồn.
- Em thật khéo…Hiếu cũng vừa siêng năng, vừa
đẹp trai đấy thôi?
- Người ta bảo: “Có ở trong chăn
mới biết chăn có rận”, trông bề ngoài thì thế đấychứ anh ta cục cằn thô lỗ lắm.
Nhiều lúc em nghĩ: sai lầm lớn nhất trong đời em là lấy Hiếu làm chồng…
Hạo nhìn Na. Anh muốn dò xét xem lời nói đó có bao nhiêu phần trăm chân
thật. Thật khó xác định. Dưới ánh trăng, Hạo chỉ thấy một khuôn mặt ngời sáng,
bộ tóc dài mượt mà chảy xuống tấm lưng thon thả. Bộ đồ ngủ mỏng tanh ôm khít người,
lộ ra những đường cong mềm mại.
- Sao em lại
nói thế? Con người ai chẳng có điểm tốt, điểm xấu, có ai hoàn hảo được đâu!
- Hôm qua, chỉ
vì năm triệu tiền công của thợ mà hai vợ chồng cãi nhau. Anh ấy chỉ tay vào mặt
em và bảo: “ Cô cứ ôm con mà nuôi. Tôi cho cô cả nhà đó. Hãy giải phóng cho
tôi!”. Em chỉ biết khóc, nhìn anh ta thu dọn đồ đạc. Ra đến cổng, anh ta bảo: “
Tôi đi Nam đây.” Em thật không ngờ anh ta cạn tình cạn nghĩa vậy. Cái số em sao
mà khổ thế này…
Na gục mặt
xuống hai bàn tay. Đôi vai rung rung.
Hạo bối rối vô
cùng, chẳng biết làm sao. Anh quàng tay qua vai Na. Na ngả hẳn người vào lòng
anh,nức nở. Cơ thể nàng mềm mại và ấm áp vô cùng. Hạo như quên hẳn rằng mình là
người chủ nợ, quên rằng mình đã có một gia đình. Cảm xúc của một người thanh
niên đã vùi quên trong quá khứ xa lắc trỗi dậy. Anh siết chặt tay, Na ngoan
ngoãn áp mặt vào bộ ngực nở nang của Hạo. Nước mắt nàng âm ấm. Hạo cảm thấy như
từng nơ-ron thần kinh đều bị đánh thức.
-
Thôi, nín đi em. Cái gì cũng có thể
giải quyết được mà!
Na ngước mắt lên, hơi thở cả hai đều gấp gáp. Đôi mắt Na khép hờ, chờ
đợi…
Trời đất chao
nghiêng. Vằng trăng mười bốn vẫn lặng lẽ sáng.
Hạo tỉnh giấc.
Ngỡ ngàng. Mình vừa qua một giấc mơ chăng? Điện sáng trưng.
Bên cạnh anh, Na đang thanh thản trong giấc ngủ. Hạo bật dậy, vơ vội quần áo rồi lay Na:
-
Na, anh xin
lỗi…Anh về đây!
Na hé mắt ra,
chẳng hề bối rối:
-
Tiện tay anh
tắt cho em bóng điện, lúc tối mất điện quên tắt.
Hạo bước ra
thềm, chiếc xe máy vẫn còn đó.Cả một không gian bàng bạc ánh trăng. Gà đã eo óc
gáy. Về đến nhà, Hạo chưa kịp gọi đã thấy Liên ra mở cổng.
-
Bố nó đi đâu
mà đến giờ mới về?
-
Ôi dào, nhận được cái hợp đồng xây
nhà cho thằng cha cán bộ phòng thuế. Hắn cao hứng bắt ngồi đánh cờ mấy tiếng
đồng hồ.
-
Thế mà làm em lo quá, từ tối đến giờ
có chợp mắt được đâu!
-
Lo cái gì,
có phải trẻ lên ba đâu mà sợ lạc đường- Hạo cười.
Như kẻ đói ăn
bốc được miếng thịt chưa nuốt xong đã thèm. Như kẻ nát rượu mới uống được vài
ba chén càng thấy trào lên cơn khát, Hạo như một kẻ mộng du, đang đứng trên
giàn giáo mà vẫn nghe thoang thoảng mùi hoa bưởi. Anh em trong tổ kín đáo nhìn
nhau: “ Xếp hôm nay hì hục làm quên cả nghỉ”.
Đêm rằm, Trăng
sáng như ban ngày. Vườn chuối lấp lóa. Tàu chuối chao nghiêng rót từng bát
trăng xuống nàng Ê- va của anh. Na mặc sức cho Hạo ngụp lặn trong bể ái tình
chan chứa.
“ Na em! Tình yêu của anh! Nỗi khát khao của anh! Chưa bao giờ
anh cảm thấy sung sướng như thế này”- Hạo nhìn Na đắm đuối. “ Không đúng, em là
con nợ của anh, là người đàn bà hư thân mất nết…”
Đôi môi Hạo
chặn đứng những lời thì thầm của Na.
Trước lúc ra
về, Hạo ghì sát Na vào mình:
-
Em quên
chuyện năm triệu đó đi, anh sẽ lo tiền công cho đám thợ.
Na cười, đôi
mắt lấp lánh ánh trăng.
Thế rồi, luôn
mấy hôm, Hạo đến nhà Na chỉ thấy ổ khóa đen sì, im ỉm. Dò hỏi, được biết Na về
ngoại thăm con ốm. Như kẻ thất tình, Hạo chỉ biết vùi đầu vào công việc và chờ
đợi. Mười ngày….rồi nửa tháng…Na về, mang cả con và bà ngoại về theo.
Na lịch sự
tiếp Hạo ở phòng khách.
-
Mẹ à, đây là
anh Hạo, ở dưới Thị trấn, thợ xây nhà cho chúng con đấy.
-
Thế bà lên
chơi với cháu đấy à?- Hạo bắt chuyện.
-
Không, có lẽ
tôi phải ở trông con cho nó để nó làm vườn làm tược, nuôi con lợn con
gà,chứ mẹ một nơi, con một nơi cũng khổ
cho con bé.
Hạo thất vọng,
nghĩ thầm: “ Thế là có cảnh sát rồi, khó làm ăn đây.” Na
lịch sự :
-
Anh Hạo uống
nước. Anh đến chơi hay có việc gì không?
- À không! Thì cũng ghé vào xem nhà cửa có vấn đề gì
không, kẻo lại trách thợ thiếu trách nhiệm.
Mẹ Na cười:
-Thợ ở đây chu
đáo quá nhỉ.ở quê tôi ấy à, cứ xong rồi là đi luôn, nhiều khi chủ phát hiện có
sai sót, muốn gọi đến khắc phục cũng khó.
Uống xong chén
nước, Hạo đứng dậy:
-
Thôi, cũng tiện đường tôi ghé vào
một tý, tôi đi đây!
-
Anh đi ạ- Na
mỉm cười, nhìn anh âu yếm.
Dù đã tìm đủ mọi
lý do, song lần nào đến nhà Na, Hạo cũng không thể tiếp cận được mục tiêu. Ba
bà cháu, mẹ con cứ ríu ra ríu rít khiến anh thấy mình là người thừa vô duyên. Lâu
dần, thấy chán, anh tặc lưỡi: “Thôi, coi như mua phải cái vé đắt”.
Nghĩ là nghĩ thế thôi, chứ Hạo đã làm sao quên được cái cảm giác nồng
nàn trong đêm trăng hôm ấy. Cả một đời lam lũ bên người vợ chưa bao giờ vơi
những lo toan trong cuộc sống thường nhật, hiếm khi vợ chồng anh có được phút
giây lãng mạn thật sự. Có lẽ vì thế mà người ta sinh ra cái thói ngoại tình
chăng? Hạo vừa đi vừa suy nghĩ miên man. Bỗng có một người phụ nữ phóng xe
ngang, nói đủ để anh nghe thấy:
-
Cô Na bảo
tối nay anh đến có tý việc.
Hạo chưa kịp nói gì thì cô ta đã quay xe lại, phóng
mất. Hạo khấp khởi mừng thầm “ Chắc cô nàng cũng không nhịn được thèm đây mà!”
Cơm tối xong,
thấy Hạo dắt xe ra, Liên hỏi:
-
Bố nó lại đi
đâu thế?
-
Có cái hợp đồng
trên này, mình không đến sớm thì hội thằng Quang nó chận mất- Hạo nói dối một
cách trơn tru.
Đúng là Na ở nhà có một mình. Không chần chừ, Hạo ôm
choàng lấy:
-
Khiếp, nhớ
ghê nhớ gớm! Thế hai bà cháu
đi đâu?
-
Hai bà cháu đi
ăn giỗ từ chiều, có lẽ cũng sắp về. – Vừa nói, Na vừa nhẹ nhàng gỡ tay Hạo ra.
-
Sao thế? Cho anh thương tý…Hạo lại
siết chặt lại.
Nét mặt Na tỏ ra lo lắng:
-
Anh Hạo này,
em đã có thai.
-
Có thai? Thật không? Bao lâu?
-
Em lại đùa
anh chuyện này sao? Em đã thử que hai lần rồi. Chắc là dính từ loạt đạn đầu…
Hạo buông tay
ra:
-
Thế sao
không giải quết đi, còn chần chừ gì nữa?
-
Giải quyết?
Anh nói nghe đơn giản. Không dưng chồng đi vắng, ở nhà đến viện giải quyết sao?
-
Sao lại đến
viện? Em phải tìm chỗ nào kín đáo một
chút…
Na nguýt Hạo
một cái sắc lẹm:
-
Làm ngoài
bây giờ hết tiền triệu chứ anh tưởng ít a? Em đã nghĩ kỹ rồi, cùng ra thì phải
thú thật với Hiếu rồi ra sao thì ra…
Hạo
trợn mắt:
-
Em điên à?
Triêu thì triệu, anh lo cho. Em đừng làm mọi việc rối tung lên. Anh
còn có vợ con…
-
Thì tùy anh thôi- Na đáp.
Hạo bực dọc đứng dậy:
-
Thôi, tôi về
đây, mai em ra quán nước bà Châu, tôi gửi tiền ở đó.
Hạo phóng xe
về. “ Thôi cho đứt một triệu nữa rồi chặt tay mà chừa. Cũng may
mà Liên không hề nghi ngờ gì.”
Kể cũng lạ, từ hôm đó, dù có thi thoảng nghĩ
đến Na, Hạo cũng chẳng có cảm giác gì. “ Cái đồ đàn bà…” Thế nhưng nhiều đêm
nằm nghĩ, anh thở dài: “ Sáu triệu, vị chi là ba tháng trời làm cật lực không
lương! Ba tháng trời ăn bám vợ, làm nuôi kẻ khác!”
Cho đến chiều hôm nay…
Buổi trưa ăn
cơm hồi công thợ, ai cũng hơi quá chén. Hạo cho cả tổ nghỉ một buổi. Liên đi trường, hai đứa con cũng đi học thêm. Đang lơ mơ
ngủ, Hạo nghe tiếng bác khối trưởng:
-
Chú Hạo có
thư này!
Hạo bật dậy.
Thư của ai nhỉ?Đã lâu rồi Hạo có khái niệm nhận thư đâu! Thông tin gì, dù xa
hay gần, chỉ cần một cú điện thoại là xong. Hạo vội vàng bóc
thư ra, nét chữ con gái là lạ:
Anh Hạo ơi!
Trước
tiên em thành thật mong anh tha thứ. Em đã không nỡ chối bỏ giọt máu của anh.
Đến hôm nay, con của chúng ta đã sắp sửa chào đời. Siêu âm mấy lần, bác sỹ đều bảo là con trai, anh ạ. Lâu nay em đã nghĩ kỹ rồi, em là người đàn bà hư hỏng.
Sắp tới đây, em sẽ nhắn Hiếu về để làm thủ tục ly hôn. Rồi em sẽ ở vậy, lặng lẽ
nuôi con chúng mình khôn lớn. Anh chẳng phải chịu trách nhiệm gì đâu. Em biết,
anh còn có gia đình…
Thư
viết mấy lời vội vã, mong anh hiểu và thông cảm cho em.
Người bất hạnh.
Hạo bàng
hoàng, nhìn trân trân vào những dòng chữ như bị thôi miên. Không
thể tin được! Na sắp sinh? Con anh? Con trai? Trời ơi! Mơ ước cả cuộc đời anh! Làm thế nào bây giờ?
Hạo phóng
xe một mạch đến nhà Na. Mới mấy tháng mà Na đã hoàn toàn khác hẳn. Mặt nám đen.
Lặc
lè một cái bụng to tướng.
-
Anh đến đấy
à?- Na khó nhọc bước vào nhà rót nước.
-
Sao bây giờ
em mới cho anh biết? Em cũng thật là…Thế hai bà cháu đâu?
-
Hai bà cháu đi
chợ anh ạ. Cũng may có bà, không thì em chẳng biết xoay xở ra sao nữa.
-
Em có chắc là con trai không?
Na buồn buồn:
-
Trai gái gì mặc em, anh chẳng phải
quan tâm đâu.
-
Em nói hay
nhỉ. Em cho anh là loại người gì vậy? Con anh, sao anh không quan tâm?
-
Thế anh có
lo nổi cho em mười triệu không?
Hạo
hoảng hốt:
-
Mười triêu? Để làm gì?Sao em cần
nhiều tiền thế? Định tống tiền anh chắc?
-
Đấy, tiếc rồi chứ gì? – Na nguýt dài
– Em đã bảo là anh không phải quan tâm, không cần chịu trách nhiệm gì hết. Trời
sinh voi sinh cỏ, lo gì!
Hạo
nén giận, chỉ vì hy vọng chút giống nòi. Anh hạ giọng:
-
Thì em cũng phải nói cho anh biết
mục đích cần số tiền ấy chứ.
Na cũng dịu giọng xuống:
- Em tính anh nghe: sắm sanh đồ đạc, chi phí
vào viện sinh nở ít nhất cũng phải hết ba triệu. Em phải nằm bếp hai tháng,
không làm gì được. Nào tiền ăn, tiền xà phòng, nuôi người phục vụ…mỗi tháng
cũng mất đứt ba triệu rưỡi. Theo anh thế là nhiều hay ít?
Hạo lưỡng lự:
-
ừ, cứ biết thế đã, để anh tính.
Đấy, hậu quả là đêm nay Hạo trằn trọc không
sao ngủ được.Trong đầu anh đã có những toan tính. Nhưng phải thú thật với Liên,
anh không thể mở lời. Nếu sự thực Na sinh con trai, nếu thực sự Na ly dị chồng,
Hạo sẵn sàng đầu tư để nuôi một cách chu đáo chút nòi giống Phạm Hữu, cho dù đó
là đứa con ngoài giá thú. Anh sẽ công khai thừa nhận nó. Về Liên, anh tin chắc
rồi Liên sẽ hiểu và vì chồng tất cả.
Còn mười triệu. Một lần sinh nở kể ra
cũng tốn kém thật. Vậy mà Liên chưa bao giờ động đến một đồng xu của anh. Liên bảo: “Bố nó làm được bao nhiêu, gom góp lại, gửi
ngân hàng, khi nào cần vào việc lớn hãy chi tiêu.” Đấy, hai lần sinh, Liên cũng
chỉ tằn tiện trong đồng lương của mình. Nuôi hai đứa con, Hạo đã phải bỏ ra
đồng nào đâu! Nhưng bây giờ thì phải đầu tư thôi. Đầu tư để có một “quý tử” thì
mất gì? Tuy nhiên cũng phải cảnh giác một chút. Hãy cứ rút tiền về để đó, chưa
cần đưa vội, xem Na có sinh ra được con trai không đã. Đầu tư lơ mơ là lỗ vốn
như chơi! Có lẽ để yên ổn rồi hãy nói với Liên.
Sáng nay, Hạo
mừng như bắt được vàng khi biết tin Na sinh con trai. Anh nhẩm tính thì mới hơn
tám tháng. Nghe bảo vì Na bị ngã khi bước xuống thềm nên phải vào viện sinh
thiếu tháng. Thiếu thì thiếu! Miễn là mẹ tròn con vuông.
Hạo cầm chiếc
phong bì mười triệu đồng trong tay, đàng hoàng bước vào khoa sản. Trong phòng
có khá nhiều sản phụ. Na đang cho con bú. Trong lòng trỗi lên một cảm xúc khó
tả, Hạo những muốn được ôm đứa con trai yêu quý của mình, muốn nói những lời âu
yếm cảm ơn Na, nhưng còn có bà ngoại đang ngồi đó. Anh chỉ mỉm cười nhìn Na và
bảo:
-
Nghe tin Na
sinh cháu, anh em trong tổ có chút quà mừng.
Bà ngoại rối rít:
-
Trời ơi! Quý
hóa quá! Anh em thợ xây mà tình nghĩa quá đi.
Na
mỉm cười, trông chừng vẫn mỏi mệt lắm:
-
Cho em gửi
lời cảm ơn anh em trong tổ nhé.
Ngồi một lát,
Hạo xin phép ra về, lòng mừng khôn xiết: “ Con cảm ơn ông trời! Cảm ơn ông lắm
lắm!”
Chiều hôm
sau, Na xuất viện. Hạo nhờ người kiếm
được ít thuốc nam. Tối đó, anh lại ra đi.
Trời mưa rả
rích. Con đường tỉnh lộ vẫn lầy lội. Hạo cho xe cẩn thận lách từng vũng nước.
Nhẹ nhàng tắt máy từ xa, Hạo rón rén dắt xe vào. Đến sân, Hạo nghe loáng thoáng
tiếng Hiếu. Anh nép nhẹ bên vách.
-Thằng cu Tèo
của bố! Bố có lỗi với con, đúng không? Nếu mẹ Na mà không kiên quyết thì bố đã
không được nhìn mặt con rồi. Được, bố sẽ đền bù cho con. Bố sẽ thương cu Tèo
của bố hơn, nhỉ?
Giọng Na yếu ớt
nhưng rành mạch:
-Thôi, chuyện
qua rồi. Chẳng qua bố thằng Tèo cũng chỉ lo nợ nần, không đủ sức chăm con chu
đáo nên mới bàn thế. Tính ra khi đó mới
chưa đầy một tháng, cu Tèo mới chỉ là một giọt máu chứ mấy.
Hiếu
tiếp lời:
-
Mà em cũng giỏi giang thật đấy. Tám
tháng anh đi, một mình vừa bụng dạ, vừa nuôi lợn mà trả hết được nợ. Mẹ thằng
Tèo là đảm nhất còn gì.
Tai Hạo ù đi. Anh lảo đảo dắt xe ra cổng, phóng bạt mạng như không biết
trời đất là gì nữa.
Hè 2008
Nhật Thành
Rất may chưa bị lộ và tốn không nhiều tiền.
Trả lờiXóaCó một lần mất 16 triệu. Giá "khủng" rồi còn gì? Hi hi...Có lộ thì cô giáo cũng tha thứ thôi, Liên hiến khô và chiều chồng mà.
XóaHạnh phúc nhất của người phụ nữ là biết bố của con mình là ai. Tương tự bất hạnh nhất của thằng đàn ông trong số "đoàn tầu hã mồm" đứa nào không phải con mình.
XóaBởi vậy nhiều khi bố yêu con thái quá bị vợ bịt muic cười hoặc cười khẩy - Chết dở.
Hạnh phúc nhất của người đàn ông là có thể "gửi" con mình nhờ người đàn ông khác chăm chút. Bất hạnh nhất của người đàn bà là có muốn "gửi" con sang "ổ" khác cũng không được. He ...he...
XóaMh cứ thấy thiếu thiếu, chưa bao giờ cảm thấy đạt được cái ngưỡng "hạnh phúc nhất" cả. Hóa ra lý do đơn giản vậy nhỉ?
XóaHay rựa hè!
XóaChị viết chuyện hay và chân thực lắm ạ.
Trả lờiXóaCảm ơn em, XV nhé. Hôm nay rảnh chưa em? Hè viết nhiều em nhé.
XóaTruyện viết rất chân thực và sinh động.Tác giả nắm bắt rất rõ tâm lý nhân vật nên người đọc thấy hợp lý và cuốn hút... Đã đọc nhiều rồi vẫn thích. Chúc mừng Nhật Thành nhé!
Trả lờiXóaNhà thơ mà đi lơ ngơ là NT túm lại cho vào chuyện luôn đó nha. (Trừ khi đi với tác giả thì im re! He he...)
XóaĐược đi với tác giả thì phúc bảy mươi đời cho nhà thơ rồi còn gì... Nhà văn đừng từ chối đó nha. hi hi hi...
XóaThăm Nhật Thành cuối ngày, chúc tác giả vui khỏe và hạnh phúc! Chúc đêm ấm áp/ mát mẻ và an lành nhé!...
Trả lờiXóaMãi tới hôm nay mới vô được nhà NT (đi vòng từ nhà BTS) hiiii...đọc truyện ngắn hay lắm NT ạ Chúc em vui khỏe và viết hay nhé
Trả lờiXóaEm đã qua nhà chị rồi mà. Tại chị hay "mua đường mà đi" đó chớ!
Trả lờiXóaChuyện khá hay đầy hấp dẫn.Người đọc bị lôi cuốn bởi nhiều trình triết không éo le nhưng đầy thực tế hiện nay và người đọc nhiều lần tan vỡ những suy đoán của mình . ĐÓ LÀ THÀNH CÔNG CỦA NGHỆ THUẬT VIẾT TRUYỆN. Mấy ai rút ra được bài học qua câu chuyện này?
Trả lờiXóaMội anh chàng ham của lạ ,dối vợ, đốt tiền mua lấy thú vui .Một ả bán tình mua tiền mưu cầu cho gia đình mình và cuối cùng kẻ hám tình phải chịu thua lỗ. May thay vẫn còn chút lương tâm mà ko bị lộ . CẢNH BÁO NHỮNG HỐP ĐỒNG TÌNH ÁI cũng chẳng khác gì HỢP ĐỒNG LÀM ĂN KINH TẾ. Ngọc Dũng có mấy lời bàn như vây ko biết có trúng ko ?
Rất cảm ơn anh đã đọc kĩ và có nhưng nhận xét thú vị. Truyện này em viết từ năm 2008, trước đó hầu hết em sáng tác thơ, nhưng sau BBT động viên em viết truyện ngắn. Đây là truyện đầu tiên em trình làng. Khi truyên đăng lên, nhiều người ở Hội VHNT khác tò mò: "Nhật Thành là thằng cha nào mà viết bạo tay thế? " Và họ bảo: "Khi nào có dịp giao lưu, ông rủ hắn đi nhé." BBT của Hội em cười: " Được thôi, nhưng dặn trước, hắn tuy trong tác phẩm rứa nhưng ngoài đời thì nhát lắm, các ông đừng trêu quá hắn bỏ về đó." Lần đó, đi giao lưu ở huyện bạn, em được BBT cho theo. Đoàn đến, tay bắt mặt mừng. Bỗng một người hỏi: " Thằng cha Nhật Thành không đi à?" BT của em cười: "Hắn đây này!" Mọi người ồ lên: "Hóa ra là một bóng hồng!" Em ngượng chín cả mặt.
XóaĐọc xong truyện này, nói theo cách nói của dân gian là: "Thằng nào ngu thì chết!". Hào ko hẳn đã ngu, vì anh ta cũng biết cách ĐẦU TƯ đấy chứ? hihi... Vì anh ta ko gặp may thôi. Vả lại chuyện ái tình, ai dám nói sự dại khôn. Có điều là cái nhà cô Na kia thì "đàn bà dễ có mấy tay"...
Trả lờiXóaHào khao khát có con trai, điều đó làm mất đi sự tỉnh táo cần thiết. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã bị trả giá đó anh ạ.
XóaKhách đến nhà mà chủ đi vắng miết nên đành gửi lại lời chúc vậy. Chúc NT vui khỏe, viết hay. bước vào dịp nghỉ hè thật thoải mái nhé! Chúc đêm mát mẻ và an lành!...
Trả lờiXóaChị được nghỉ chưa? Em nghỉ rồi đó chị ạ.
Trả lờiXóaChị nghỉ từ hôm 27/5, nhưng máy tính trục trặc nên đành mượn truyện về đọc vậy. Chúc em một mùa hè với nhiều hoạt động vui vẻ và bổ ích nhé.
XóaChủ đi vắng mãi đâu xa
Trả lờiXóaBao lần khách đến thăm nhà buồn tênh?...
Đọc xong câu chuyện này,trong lòng cháu nghĩ ngay đến cái câu là : "Bụng dạ đàn bà",cứ cái đà này sau này lấy vợ thì cần phải "kén" tí mới được.Công nhận đôi khi mình cần phải làm theo cách mà Đạo sĩ Trang Chu( Trang tử) đã làm ngày xưa thôi:
Trả lờiXóaChuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ kia mới đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ.
Ngán thay, trước khi chết có trăng trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô. Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.
Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình. Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăng trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ 7x7 là 49 ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ 3 ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò.
Thế rồi được 7 ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng. Mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới khỏi được. Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy óc cho nhân tình ăn.
Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.
Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của Phương Đông chúng ta. Câu chuyện đó, câu chuyện “vợ thầy Trang Chu” lưu truyền gần 2000 năm để chê cười cái gọi là “lòng dạ đàn bà”.
Ngày nay, lại có chuyện anh đảng viên nọ sau khi “hoàn thành kế hoạch” (2 con), mới giấu vợ đi đình sản. Người vợ thì lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà nên “tích cực cố gắng” mà mãi không thấy “kết quả”. Người chồng vẫn giấu vợ, thậm chí bởi vì cái khoản đình sản kia không ảnh hưởng đến khả năng đàn ông của anh, nên anh lại còn làm ra vẻ tích cực “phụ giúp” vợ mình...
Thế rồi, một hôm người vợ vui vẻ thông báo những “nỗ lực cố gắng” của 2 vợ chồng đã có “kết quả tốt đẹp”, cô đã có thai 3 tháng. Choáng váng, nhưng người chồng giấu đi để đi “kiểm định lại”. Kết quả biểu đồ của anh là 0%... Cuộc tiểu phẫu đình sản đã thành công tốt đẹp.Ấy, cái câu chuyện thời nay cũng đang nói đến cái lòng dạ con người...
Lại có người lấy email giả, để chính mình chat và “thử lòng” người chồng mà mình hết mực thương yêu. Để đến khi anh ta trở nên lạnh nhạt tình cảm vì cho rằng người vợ thiếu tin tưởng tình yêu của mình. Rồi lấy bạn gái của mình để thử chồng... và rồi rước đau khổ vào mình khi người chồng chẳng “trước sau như một”...
P/S: Vi Hùng - ĐH CNTT & TT
Hùng thương yêu của dì!
Trả lờiXóaCháu đọc nhiều, hiểu rộng. Nhưng dì mong cháu nhớ cho: Một người đàn ông tài tán gái, tán 10 cô có thể đổ 6, một người đàn bà kém cỏi trong việc tán tỉnh đàn ông thì tán 10 cũng đổ 9. Coi chừng mắc bẫy bọn con gái lúc nào không hay đấy nhé.Hi...
Dì yên tâm,cháu của dì "cao thủ" lắm rùi,cháu ko dễ bị lừa đâu ạ !!!
XóaVi Hùng ạ, cháu có kiến văn và hiểu biết khá sâu rộng. Chúc mừng cháu! Nhưng cũng đừng quá thành kiến về "Bụng dạ đàn bà" cháu ạ. Ở giới nào cũng có tốt xấu, "người ba đấng, của ba loài" mà. Người phụ nữ dù sâu sắc hay nông nỗi mà mắc sai lầm cũng đều có có lý do và hoàn cảnh xô đẩy, đều có mặt đáng thương và cần sự cảm thông của người đời...
XóaCòn chuyện ái tình (lưới tình) thì cháu ko thể dám chắc là cao thủ để dễ dàng thử thách nó hoặc thoát nó khi sa vào đâu.hihi...
Chúc cháu học giỏi, thành đạt, tự tin phấn đấu vươn lên để làm chủ cuộc sống tốt đẹp của mình nhé!