Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

GIẢI THOÁT

Giải thoát thế nào đây
(Ảnh minh họa - Internet)

Giải thoát
Truyện ngắn của Nhật Thành
                                                  

     Bố nó ném toẹt tờ giấy kiểm tra toán ra giữa nhà, mặt đỏ rựng rồi chuyển sang bầm tím. Hai tai bố giật giật, mắt long lên. Nó run lẩy bẩy, lấm lét nhìn xuống con điểm 1 kèm theo hai chữ KK bên cạnh. Mẹ nó cũng tái mặt, nước mắt lưng tròng.
 “Đấy, cô xem. Ăn rồi chỉ có việc lo cho con học mà cũng không xong! Một lũ ăn hại! Tốn bao nhiêu tiền học thêm! Giờ kết quả như thế này đây! Chúng mày làm nhục ông! Chúng mày không để ông mở mày mở mặt với bạn bè, với mọi người nữa à?” – bố nó gào lên, lạc cả giọng. “Anh bảo ai mà là một lũ ăn hại?” – Mẹ nó đột nhiên nổi khùng, hét lên the thé. “Anh bảo tôi phải làm sao nữa? Ngày tám lần chở con đi về. Rồi còn trăm thứ việc: chợ búa, nấu nướng, dọn dẹp...Tôi cũng chẳng còn thì giờ mà ngẩng đầu lên đâu.Trời ơi là trời! Sao con làm khổ mẹ thế hả con?”
   Nó cúi gằm mặt. Toàn thân  thoắt nóng, thoắt lạnh, rồi như tê cứng đi. Nó không hề động đậy, nhúc nhích, không thể mở miệng thanh minh một lời. Mà thanh minh gì được nữa? Bài kiểm tra toán một tiết đầu tiên của cấp hai. Điểm 1 khuyến khích! Nó đã choáng váng khi nhận bài từ tay thầy giáo kèm ánh mắt thất vọng: “ Thầy không ngờ em lại kém thế.” Nó nhớ rất rõ, lúc nhận đề, mắt nó mờ đi, những con số như chông, như gai, như mũi tên nằm ngang nằm dọc ngổn ngang, bừa bộn. Nó không nghĩ được gì, không nhớ được gì, những lời giảng của thầy cô cứ ríu vào nhau. “ Muốn qui đồng hai phân số...văn tự sự cần chú ý đến cốt truyện...Khi hai đám mây mang điện tích trái dấu...” Ngày trước đó, nó đã phải học đến bốn ca (sáng học ở trường, mười bốn giờ đến mười sáu giờ rưỡi học thêm toán, mười bảy giờ đến mười chín giờ học thêm Tiếng Anh, mười chín giờ rưỡi đến hai mốt giờ rưỡi học thêm văn). Buổi tối ngồi sau xe mẹ, gặm vội ổ bánh mì nguội ngắt mua dọc đường. “Con ăn tạm đỡ đói, khuya về mẹ hâm lại thức ăn rồi ăn con nhé.” Thế nhưng, sau mười tiếng đồng hồ trong một ngày miệt mài đèn sách, nó chỉ mong tắm rửa rồi ngủ một giấc, chẳng thiết ăn uống gì. Bốn rưỡi sáng, chuông đồng hồ réo, nhưng mắt nó cứ díp lại, toàn thân mỏi rã rời. Nó còn thanh minh được gì? Cô giáo Tiểu học bảo: “Cháu nó học được văn nhưng môn toán hơi non” “Môn toán là môn chủ đạo”- bố nói -  “Không chỉ học một thầy mà phải học nhiều thầy, Mỗi thầy có một phương pháp, mỗi thầy có một thế mạnh, mỗi thầy đưa ra một dạng đề, con của bố phải học giỏi toán, học văn sau này kiếm nghề khó lắm”. Nó được bố mẹ liên hệ xin ba điểm học thêm toán, mỗi điểm hai buổi, mỗi tuần sáu buổi. Còn các môn Văn, Tiếng Anh, Vật lí cũng quan trọng, cũng phải học, nhưng tuần hai buổi thôi! Thế là ngoài sáu buổi học chính thức ở trường, nó còn học thêm mười hai buổi! Học thế mà không giỏi thì còn biết làm thế nào?
   Bố mẹ nó lại vẫn đang cãi nhau. “ Nó học dốt là do cái ghen di truyền của nhà cô, cái đồ “con giống mẹ” nên mới thế” “ Vâng, nó là con tôi, nó không phải con anh đâu. Khi con trai đậu vào lớp chọn thì huyênh hoang: “ Nó theo ghen của bố nó.” Giờ bị điểm kém lại do gen của “nhà cô”. Con tôi, tôi nuôi, giốt mặc kệ, không mượn anh bận tâm” “ Cô giỏi! Mỗi tháng hơn một triệu chi cho con cô học thêm đấy, không mượn bận tâm nhỉ?” “ Vâng, mỗi tháng tôi rạc cẳng đưa đón con anh đi học đến một trăm hai mươi tám lần cả đi lẫn về đấy, công ấy có đáng so với hơn triệu bạc của anh không? Anh lúc nào cũng chỉ thấy đồng tiền là to thôi.” “Cút hết đi! Vợ với chả con!” – Bố nó lại gào lên thảm thiết. “ Nhà tôi, tôi ở. Kẻ nào muốn tự do thì đi.” – Mẹ lạnh lùng, mặt sắt lại. Thấy vẻ gan lì thách thức của mẹ, bố điên tiết, cầm ngay cái lọ hoa thủy tinh trên bàn, ném mạnh xuống nhà: “Đồ ngu dốt!”. Một mảnh thủy tinh bắn vào chân nó, ứa máu. Nó lại run lên cầm cập. “Mày còn đứng đó à? Cút ngay! Tao không có loại con ngu dốt như mày!”. Lúc đầu, nó co rúm người lại, nhưng một thoáng suy nghĩ lướt qua đầu nó: “Mình còn đứng đây còn làm bố mẹ tức giận”. Thế là nó lặng lẽ đi ra cửa.
  Chẳng biết nó đã ngồi ở đó bao lâu. Nó ngồi và miên man suy nghĩ. Trăng đầu tháng  nhợt nhạt trên vòm lá, yếu ớt rọi xuống hòn non bộ, thoảng nhẹ trên mặt nước của cái bể cá đã lâu không ai chăm chút. Từ khi bố mẹ làm nhà mới, cái bể cá trước nhà cũ bị khuất lấp sau bức tường cao. Một khóm lục bình dập dờn khe khẽ. Cánh hoa màu tím nhạt nhòa dưới ánh trăng. “ Mình là một đứa con bất hiếu! Mình đã phụ công lao của bố mẹ, đã làm cho bố mẹ buồn lòng, mình là một đứa con chẳng ra gì. Trời ơi! Sao càng học, đầu óc mình cứ như càng tăm tối hơn thế nhỉ? Thực ra, mình đã cố gắng rất nhiều rồi mà! Nhưng, hình như, càng ngày, mình càng sợ học. Bài tập ở lớp cô giao, bài tập học thêm ở nhà thầy cô, bài học thuộc các môn...cứ chồng chất lên, ngổn ngang,bừa bộn. Nó chẳng biết phải học gì trước, học gì sau. Mà thực ra, quĩ thời gian trong một ngày của nó còn bao nhiêu cơ chứ? Bố mẹ bảo: “ Con bây giờ sướng, bố mẹ tạo điều kiện hết sức để con được học, bố mẹ không tiếc tiền của và thời gian để sau này con có một tương lai xán lạn. Con không phải khổ như bố mẹ thời xưa: Sáng đi học, chiều nhổ cỏ, chăn trâu, cấy hái...việc gì cũng phải làm tất. Ngồi trên lưng trâu mà học, vừa giã gạo vừa học, vừa nấu cám lợn vừa lẩm nhẩm đọc bài.”. Bố mẹ kể nhiều cảnh khổ lắm để nó tự hiểu rằng, nó là con người may mắn, là con người hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghe chuyện bố mẹ, nó lại chỉ mơ ước được sống vào thời đó, để chỉ học một buổi thôi. Chiều về được đi làm đồng và thỏa thích tắm mình dưới bầu trời cao rộng có những cánh diều chao nghiêng, được đi chăn trâu để thỏa thích nằm trên lưng trâu nghe tiếng sáo véo von giữa chiều lộng gió. Nó ước ao được cùng đám bạn chăn trâu chui lủi trong đám gai góc để bẻ mấy ngọn cây hông xôi nhai rau ráu ngon lành, để rồi sau đó, ùm xuống dòng sông trong vắt mà bơi lội thỏa thích, mà ngụp lặn chán chê. Và tối về, dù phải soi cuốn sách bên ngọn lửa bập bùng khi nối cám lợn sôi lục bục để học thuộc bài thơ, những dòng thơ tự ào vào tâm trí như có luồng gió mát lành nhẹ thổi: “ Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/Tỏa bóng xuống dòng sông lấp loáng.”Vào hè năm lớp bốn, bố mẹ cho nó về quê nội chơi. Bố bảo: “Về quê để con hiểu được thế nào là nỗi vất vả ở nông thôn. Các anh, chị, em họ con đâu có điều kiện học nhiều như con, nhưng nhiều người vẫn học giỏi, năm nào trong họ cũng có mấy người đậu đại học, mà lại đậu cao nữa.” “ Về vài bữa là con đòi lên thôi, con ạ” – Mẹ khẳng định như thế và bố cũng nghĩ thế. Nhưng khi bố về đón, nó lại nằng nặc được ở chơi thêm thời gian nữa. Còn gì vui thú hơn khi được hò hét inh ỏi giữa bãi cỏ rộng với lũ trẻ trong những buổi chiều đá bóng sôi nổi, hào hứng mà “bóng” là quả bưởi đã mềm nục sau bao cú sút “siêu mạnh” của cầu thủ hai đội! Còn gì vui thú hơn những đêm trăng chơi trò đánh trận giả, dù có hôm ngứa khắp mình mẩy vì chạm phải lông sâu, cả bọn phải thay nhau cúi đầu để lấy tóc người này xát vào cổ,vào tay người khác. Còn gì thích thú hơn những đêm trăng sáng, đứng ngắm cây dừa nhà nội để rồi bài thơ “Cây dừa” của Trần Đăng Khoa mà nó đã cố công đọc ra rả cả buổi trong tiếng rè rè của chiếc điều hòa mát lạnh nhưng không tài nào nhớ nổi, giờ từng câu, từng chữ, từng hình ảnh bỗng ùa ra, nó đọc vanh vách một mạch: “ Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu/Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng...” Hay vào buổi chiều, nó theo chị ra đồng khơi nước vào ruộng lúa, đứng giữa đồng lúa mênh mông, sóng lúa rập rờn đuổi nhau, gió quạt vào tâm hồn nó để tuôn chảy ra những dòng thơ lai láng mà trong năm học nó không tài nào thuộc được khi ngồi giữa bốn bức tường: “ Việt Nam đất nước ta ơi/Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/Cánh cò bay lả rập rờn...”
  Đang miên man, nó giật mình bởi tiếng “bũm” ngay trước mặt. Một chú ếch nhảy tõm xuống bể làm mặt nước gợn từng vòng tròn lấp loáng dưới trăng. Tiếng động bất chợt ấy và cảnh trước mặt nhắc nó rằng, bố mẹ đang rất giận nó, rằng nó đang làm nhục bố, đang làm khổ mẹ. Nó lại tựa cằm lên đầu gối thổn thức khóc. Trong màng nước mắt, nó thấy bông hoa lục bình lay động. Rồi, kì lạ chưa, từ màu tím nhợt nhạt của cánh hoa, một cô tiên bé tí nhưng nét mặt ngời sáng đang mỉm cười nhìn nó. “Cháu buồn ư? Buồn làm gì. Cuộc đời này đẹp lắm, bao nhiêu điều thú vị đang chờ ta.” “ Nhưng giờ cháu đang tê tái cả lòng đây cô ơi, làm sao có thể vui được?” “ Hãy theo ta – cô tiên bảo – ta sẽ đưa cháu đi gặp vị thần Thời Gian, cháu muốn đến quá khứ hay tương lai, chỉ cần ngồi lên con thuyền Áng Mây, nhắm mắt lại, cháu nghĩ về điểm thời gian nào thì phép lạ của thần Thời Gian sẽ đưa cháu tới đó” “ Thật hả cô?” “ Thật đấy, cậu bé đáng yêu ạ!” “ Làm thế nào cháu gặp được vị thần đó?” “Cháu đưa tay đây,  nắm lấy vạt áo của ta.” Nó đưa tay ra, chới với, chới với...Có một cái gì đập mạnh vào đầu khiến nó đau điếng rồi cảm giác tê dại đi. Người nó bỗng nhẹ bẫng như mọc thêm đôi cánh, nó bay lên...bay lên...!Phía trước là tà áo mỏng tang của cô tiên...
  Nó trở về đậu vắt vẻo trên cành liễu. Phía đông, trời ửng hồng. Những tia sáng vạch lên nền trời  một cánh quạt khổng lồ, cánh quạt thả xuống trần gian những sợi gió mỏng mảnh trong buổi mai dịu ngọt. Ơ kìa, trong cái bể cá có một cậu bé mặc đồng phục học trò: chiếc áo trắng có lô gô của trường trung học cơ sở, chiếc quần xanh nhạt bập bềnh. Đầu cậu hình như bị đập vào hòn non bộ, máu loang đỏ mặt nước. Nó nhìn kĩ: là nó đấy mà. Chỉ có điều khuôn mặt không hồng hào, tươi rói như khi nó nhìn mình trong gương mà xám ngoét, bợt bạt. Ai như mẹ nó hớt hải chạy đến, hú lên rồi ngất xỉu. Bố lật đật chạy đến, mắt mở to hết cỡ, ông gào lên: “Con ơi!”, rồi nhanh chóng bế cái xác của nó chạy. Mọi người ùa đến. Kẻ lay mẹ nó, dìu vào nhà, kẻ xúm lại cùng bố xoa, nhồi, hô hấp cho cái xác đã lạnh ngắt của nó.
  Nó bay vào đậu trên cành ổi trước sân khi trời đã  trưa. Nhạc đám ma í è...í è...chẳng giống nhạc bài thể dục giữa giờ của trường nó một tí nào cả. Xen trong tiếng nhạc, tiếng kèn, tiếng trống là lời kể lể của bố nó: “Cả đêm qua, hai vợ chồng tôi tìm nó khắp nơi, hết nhà anh em đến người thân, bạn bè, ai ngờ nó ra nơi bể cá...Con ơi là con ơi, sao con nỡ bỏ bố mẹ mà đi thế hả con?...” Chiếc quan tài đỏ chót đặt giữa sân, khói hương nghi ngút. Chắc trong đó là thân xác nó, nhưng nó sẽ không chui vào đó đâu, tối lắm, lạnh lắm. Nó thích được tự do bay lượn giữa bầu trời đầy mây trắng xốp kia, hòa vào gió, hòa vào nắng...Chẳng còn những buổi chạy xô đi học thêm, chẳng còn phải ong đầu vì một mớ lời giảng lộn xộn, rối vào nhau của thầy cô.
   Cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp của nó đến. Từng người một thắp hương rồi vái. Mắt ai nấy đỏ hoe. Họ khóc thương ai? Thương cho nó hay thương bố mẹ nó? Nó mới bước vào tuổi mười hai. Nó là đứa con duy nhất của bố mẹ, được họ cưng như cục vàng, không tiếc tiền của và thời gian để cho nó có một tương lai xán lạn. Người người vẫn tấp nập vào ra, chậu hương nghi ngút khói...Mẹ vẫn bất tỉnh trong nhà.
   Mấy đứa bạn của nó đang đứng khép nép, đôi mắt vừa sợ sệt vừa bần thần nhìn lên tấm ảnh phía sau bát hương. Một khuôn mặt vô tư, trong sáng đang nhoẻn cười hồn nhiên.Trên cổ áo, chiếc khăn quàng đỏ chói nổi bật giữa nền áo trắng. Bố nó bước đến bên lũ bạn, mắt nhìn trân trân vào từng đứa. Hình như ông muốn tìm thấy ánh mắt hồn nhiên của con trai trong những đôi mắt trong veo ấy. Ông ôm thằng Tiến”sứt”, đứa bạn thân nhất của nó. Cái ôm tê tái mong tìm lại cảm giác ấm áp yêu thương khi ôm đứa con trai bé bỏng vào lòng. Giọng bố nó run run:
-         Các con ở lại với bạn đến chiều được không?
 Mấy đứa nhìn nhau, rồi nhìn cô giáo. Cô ngoảnh đi, lau vội dòng nước mắt. Cái Hoa lớp trưởng giọng buồn buồn:
-         Chú ạ, chiều chúng cháu còn có buổi học thêm, cháu sợ...
 Cô giáo bước đến đặt tay lên vai bố nó:
- Được, tôi sẽ xin phép thầy giáo dạy thêm, anh yên tâm...
  Nó bay đến nhập vào bức ảnh. Đôi mắt đen láy nhìn mọi người. Miệng vẫn giữ nguyên một nụ cười hồn nhiên.

35 nhận xét:

  1. Tem nha chị iêu!
    Ôi cha, một truyện ngắn mới của chị thật là cao trào từ đầu đến cuối, cảm xúc em ko dừng. Cảnh 2 vợ chồng nọ ôm tỏi về chuyện học hành của cậu con trai, đối đáp như những cuộc sống thực ngoài đời, nhưng hấp dẫn lạ. Tỷ dụ như: "“ Nó học giốt là do cái ghen di truyền của nhà cô, cái đồ “con giống mẹ” nên mới thế” “ Vâng, nó là con tôi, nó không phải con anh đâu. Khi con trai đậu vào lớp chọn thì huyênh hoang: “ Nó theo ghen của bố nó.” . Và như là bức tranh em đã thấy trong cuộc đời hiện hữu này: " “Mày còn đứng đó à? Cút ngay! Tao không có loại con ngu giốt như mày!”.
    Trẻ nhỏ thời nay chuyện học hành thật là áp lực, em đã nghe nhiều em nhỏ nói: "Chết còn sướng hơn!?". Và trong câu chuyện này của chị, "Nó" ao ước có gì cao sang, rất giản dị mà:" Nó ước ao được cùng đám bạn chăn trâu chui lủi trong đám gai góc để bẻ mấy ngọn cây hông xôi nhai rau ráu ngon lành, để rồi sau đó, ùm xuống dòng sông trong vắt mà bơi lội thỏa thích, mà ngụp lặn chán chê".
    Vậy đó, đâu có phép nhiệm màu nào ngoài Cô Tiên mới "giúp" được Nó
    Một câu chuyện rất hay và chị viết qua mượt đi chị Nhật Thành ơi, em ko thể nào có được. Chúc mừng chị nghe. Thân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tem vàng cho em iu!
      Truyện của chị vẫn là những gì đang diễn ra trong cuộc sống đời thường đó em. Khi viết, chị đã khóc cùng "nó", những đứa trẻ đang bị áp lực nặng nề trong công việc giúp bố mẹ ngẩng cao đầu với mọi người vì thành tích học tập! Nó, "những em bé lớn sau lưng mẹ" vì thường tranh thủ gặm bánh mì trên đường đi học. Nó có giải thoát nào thay cho giải thoát bằng cái chết? Điều đó còn chờ...Ôi, bao giờ cho đến ngày xưa?
      Trường chị có một học sinh đã thắt cổ chết vì bị xếp loại Khá, điều đó đồng nghĩa với việc phải rời khỏi lớp chất lượng cao. Đau lòng lắm em ơi!

      Xóa
    2. Khi chị còm ở Blog người khác đã cài đặt chế độ "chia sẻ" xong, chị phải quay lại blog của mình vào tiếp Google+ xóa hết những Entry này đi chứ nó đã chiếm trọn trang của chị rồi. Sáng nay em vào trang của chị ko được, nhưng may nhờ em biết chính xác địa chỉ của chị và phải vào "cổng chính" (Nếu ko biết cách xóa, chị gọi cho em 0914 01 03 04 để hướng dẫn). Cách đây mấy ngày blog của chị bị hack hay sao đó nên khóa ko ai vào được. Chị cố gắng kiểm tra thường xuyên nha. Chúc chị một ngày mới có nhiều niềm vui. Thân!

      Xóa
    3. Chị sẽ mày mò sau nhé. Còn hôm trước là do cái truyện ngắn BÁN TÌNH mà em bảo là chị hư cấu ấy, đó là câu chuyện rất thật, thật đến mức sợ nguyên mẫu mà chị buộc phải đóng blog để trốn! Giờ chị xóa nó đi nên mở lại đấy mà.

      Xóa
  2. Một truyện ngắn hay, giàu cảm xúc và rất đời chị à
    Chiều an lành chị nhé

    Trả lờiXóa
  3. Anh tranh thủ vào thăm em. Chúc em luôn khỏe vui, an lành và tràn ngập yêu thương cùng người thân em nhé!

    Trả lờiXóa
  4. Một câu chuyện hay em à! Rất thật. Phản ánh được những gì đang diễn ra trong đời thường. Trong xã hội hiện tại thì áp lực học tập quá nặng nề, suốt ngày phải chạy xô từ điểm này sang điểm khác, thời gian vui chơi, giải trí của bọn trẻ hầu như không còn, biến bọn trẻ thành những con rôbốt học tập. Tuy thời gian học thì nhiều nhưng tiếp thu có được là bao...Thương cho bọn trẻ của thời hiện tại quá đi mất.
    Chiều an lành nha em!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thương lắm chị ơi, nhưng thật khó để thay đổi. Em vừa là giáo viên nhưng cũng là phụ huynh, nhiều khi biết là áp lực lắm nhưng tâm lí "chạy đua" mà. Khổ!

      Xóa
  5. Bố có áp lực của bố -mẹ có áp lực của mẹ ...và rồi áp lực chung của xã hội -khi nhận ra thì đã quá muộn -thương cậu bé quá -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai cũng có cái lí của mình bạn ạ.Khổ thế đấy!
      Chúc bạn một ngày bình yên!

      Xóa
  6. Chị ơi! Em vừa là người trong ngành, lại vừa có hai con đã trải qua những năm tháng học phổ thông vất vả, em quá hiểu điều này. Hồi hai đứa học cấp ba, gần như chúng học từ sáng đến 9 giờ tối mới về nhà. Chúng thường xuyên phải ăn cơm sau, học thêm nhiều hơn học chính. Biết vậy nhưng không làm gì được cả. Bản thân em thấy vậy nên có bao giờ chịu nhận dạy thêm cho học trò môn văn đâu. Em cố giữ cái uy tín của một giáo viên không tham lam tiền bạc. Dính vào dạy thêm thì thế nào cũng có điều tiếng mà chị. Nhưng em vẫn biết rằng nhờ học thêm mà các con em mới đậu Đại học được, vì chương trình phổ thông quá nặng mà thời lượng trên lớp lại quá ít. Chị cứ tưởng tượng tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân mà chỉ được dạy trong 2 tiết thì làm sao mà chuyển tải hết kiến thức, nên học sinh lo học thêm là đúng rồi. Áp lực quá chị ạ! Nhưng gây áp lực học một môn tới hai ba thầy như gia đình kia với con thì đúng là giết nó rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là gv, chị em mình đều hiểu rằng, nếu không học thêm thì rất khó để cho học trò nắm được kiến thức cơ bản theo đúng CHUẨN KIẾN THỨC mà bộ đặt ra. Sự quá tải là một trong những nguyên nhân. Nhiều bài qui định học trong 45 phút với lượng kiến thức lớn quá, thầy trò chạy đua khốn khổ với thời gian. Nhưng học thêm như thế nào, đó là điều phụ huynh cần suy nghĩ. Môn học chiếm 4 - 5 tiết/tuần, học thêm vài buổi để thầy giúp trò ôn luyện và bổ sung chỗ thiếu hụt, chỗ nông cạn do hạn chế thời gian trên lớp. Nhưng môn chỉ có 1 - 2 tiết/tuần cũng chơi luôn 2 buổi học thêm thì hơi quá. Rồi tâm lí phụ huynh chạy theo môn học thời thượng, muốn con mình thật giỏi các môn tự nhiên, đua nhau học hết điểm này đến điểm kia, thời gian tự học hầu như không còn.Chị không phản đối chuyện dạy -học thêm, chỉ phản đối việc học quá nhiều, mà không phải sức học của em nào cũng đáp ứng được.
      Chúc em bắt đầu một năm học mới đầy khí thế !

      Xóa
  7. ANH VÀO THĂM EM. CHÚC EM LUÔN VUI KHỎE, THÀNH ĐẠT VÀ HẠNH PHÚC, AN LÀNH EM NHÉ!

    Trả lờiXóa
  8. Truyện viết rất hay đó em! Nhưng chắc vô tình nên có sơ suất vài lỗi chính tả, nên sửa lại?:
    Ví dụ như từ QUY ĐỘNG, nên viết là QUY ĐỒNG. Từ HỌC GIỐT nên viết là HỌC DỐT. Từ GHEN (di truyền) nên viết là GEN, GIEN hoặc "REN"?...
    Thật ra ngữ pháp VN mình có nhiều chỗ chưa hợp lý hoặc thống nhất mang tính thuyết phục cao trong cách dùng một số từ đâu. Nhưng có một số từ đã dùng thành thói quen nên mình cũng áp dụng theo.và chấp nhận...
    Đôi điều góp gợi cùng em vậy, mong được em cảm thông... Anh chúc em vui khỏe và hạnh phúc nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh, nhiều khi viết rồi, đọc lại vẫn không chú ý. Em sẽ sửa ạ.

      Xóa
  9. Em cũng chưa thu xếp được thời gian để lên QH chị à, khi nào lên em sẽ liên lạc với chị nhé
    Chúc chị một tuần mới bình an, vui vẻ, hạnh phúc và mọi việc luôn tốt đẹp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em. Rất mong được gặp và nói chuyện với em.

      Xóa
  10. Câu truyện rất hay, phản ảnh đúng thực trạng xã hội hiện tại. Mong đọc được nhiều chuyện hay nữa của Bạn.

    Trả lờiXóa
  11. Em sửa lại truyện BÁN TÌNH hôm trước để cho bạn bè cùng thưởng thức với nhé. Anh chúc em khỏe vui, dạy giỏi viết hay và hạnh phúc em nhé!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẽ cho BẢN TÌNH tái xuất vì nhân vật trong truyện đọc rồi, khen tác giả giỏi chứ ko giận. Ổn!

      Xóa
  12. Câu truyện phản ảnh đúng thực trạng học sinh hiện nay bị bố mẹ bắt " Học thật tốt " hiện nay.Nó góp phần làm thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh về việc bắt con em mình học quá sức,không có cả thời gian thư giãn và nghỉ ngơi.
    Câu chuyện phê phán cách suy nghĩ của bố mẹ,những bậc phụ huynh có con đang là học sinh thời nay,một xã hội coi trọng đồng tiền,muốn con mình học thật tốt để mở mày mở mặt với bạn bè,với thiên hạ.Vô hình chung họ đã không biết rằng đã gây ra áp lực rất lớn cho con em của họ trong vấn đề học tập.Họ bắt các con của mình học tập quá sức dẫn đến nhiêu trường hợp đáng tiếc ko có lợi cho con em hiên nay.
    Việc học không bao giờ là thừa cả,nhưng việc học thế nào cho đúng cách thức mới là vấn đề cần quan tâm hiện nay,Cần phải có một thời gian học tập kết hợp với nghỉ ngơi thật hợp lí để giúp con em chúng ta có một thời khóa biểu thật phù hợp.Các bậc phụ huynh cần quan tâm tới tâm tư của con em mình hơn,để giúp chúng có được một tinh thần thư thái và thoải mái nhất dành cho việc học tập.
    "Học,học nữa,học mãi !! " và phải đi đôi với " Học đúng cách,học đúng liều lượng "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn cháu của dì. Hãy ăn uống điều độ, giữ gìn sk để học tốt cháu nhé.

      Xóa
    2. Cháu biết rùi dì ạ,dì cũng giữ gìn sk dì nhé.

      Xóa
  13. Kết cục cuối cùng của anh minh họa là thế nào đấy chị Nhật Thành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Nếu cô không lên xe thì tôi sẽ xin một miếng váy hàng hiệu vậy." Anh chàng dọa. Cô gái hốt hoảng: " Đừng mà...Được, anh mở cửa xe đi, tôi lên ngay." Cửa xe vừa bật mở, anh chàng ôm mặt choáng váng vì một cú đá chính xác đến nỗi dấu guốc còn in trên sống mũi anh chàng háo sắc.
      Kết như thế được không bạn nặc danh?

      Xóa
    2. Hình như chị NT chưa đi xe con bao giờ nhỉ?

      Xóa
    3. Nặc danh ơi, quê chị đường chỉ có người đi bộ xếp hàng dọc mới đi được, đá lởm chởm, hết lên dốc lại xuống đèo, chỉ có đi voi, đi ngựa thôi.Khi nào có điều kiện đi máy bay trực thăng đến đây, chị em mình ngao du một chuyến thượng nguồn nghe em.

      Xóa
    4. Chao Nhat Thanh Ho!
      Dung la anh minh hoa gay cho em mat thoi gian va nhieu rac roi qua. Xin loi em nhe; em co the xoa di cho do phien. Nhung xem em doi dap voi ban Nac Danh thi bat on.
      Anh cho rang ban Nac Danh thay anh minh hoa hay hay dua ty cho vui thoi ma.
      Hay nhe nhang, mat tinh ty em oi!

      Xóa
  14. Biết Nặc danh đùa nên em đùa lại thôi mà, có đanh đá cá cày một chút cũng vẫn là em, cô giáo hiền khô như cục đất, kẻ nhát gan sợ mọi thứ trên đời!
    Anh chàng nặc danh này cũng vui tính và rất hiểu biết, rất sâu sắc, em hiểu y qua lời nhận xét để lại ở nhưng blog khác.
    Chẳng sao đâu anh.

    Trả lờiXóa
  15. NGỘ ĐỘC HỌC THÊM
    Nó đã phải học đến bốn ca (sáng học ở trường, mười bốn giờ đến mười sáu giờ rưỡi học thêm toán, mười bảy giờ đến mười chín giờ học thêm Tiếng Anh, mười chín giờ rưỡi đến hai mốt giờ rưỡi học thêm văn)

    Trả lờiXóa
  16. Nhưng mà sao kết cục bất hạnh vậy em? Chị nghĩ nên có một kết cục có hậu hơn một chút,hoặc một giải pháp tích cực hơn do bản thân bé hoặc một tác nhân từ bên ngoài.... đỡ u ám cho bầu trời giáo dục....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu chuyện em viết sau một vụ thắt cổ tự tử của một em học sinh lớp 6 vì bị xếp học lực khá đó chị. Xếp Khá là học sinh tiên tiến, đồng nghĩa với việc bị chuyển khỏi khối chất lượng cao của huyện.Đau lòng hơn khi đó là đứa con trai duy nhất của hai vợ chồng nọ.

      Xóa