Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

CON KHÔN.

    Con Khôn.
                       (Truyện ngắn của Nhật Thành)

 O bần thần hết đi ra lại đi vào. Nhìn tô cơm đã thiu nơi góc sân, o ứa nước mắt. Mày đi đâu hở Khôn? Đã hai ngày rồi, o chẳng làm nổi việc gì. Điện thoại của quán gọi lấy rượu, o không buồn trả lời. Hơn mười hai giờ trưa dượng mới trở về. Nhìn hai má dượng thõng ra thế kia, o lại thở dài đánh sượt. Thế là hết! Khôn ơi! Dượng bảo, thôi, dọn cơm ăn  đi bà, đói lắm rồi. Ừ, lúc sáng dậy khỏi giường là dượng dắt xe đạp đi luôn, có kịp ăn uống gì đâu. Hai ngày rồi, với cái xe đạp không gác- đờ- bu, dượng lọc cọc đạp đi hết  thị trấn, rồi  đi xa hơn,  tới xóm này bản nọ, rồi lại trở về trong mệt mỏi thõng thượt.
  O mở nồi cơm. Dưới đáy nồi, khoảng một ống gạo khô rôm rốp!
-          Trời ơi, tôi quên đổ nước!
Dượng ngồi bệt xuống nền nhà:
-         Thôi, bà đun nước pha hai gói mì tôm.
Hai o dượng xì xụp húp, trệu trạo nhai. Mì tôm sao nhạt thếch thế này!
  “Khôn ơi là Khôn, mày đi đâu? Sao mày nỡ bỏ mà đi như thế?” Trong lòng dượng xót xa kêu lên như  để thầm thì với khoảng không, để nhờ luồng điện sinh học truyền đến nơi nào đó may ra Khôn nghe được, cảm nhận được mà quay về. Nhưng khi thấy o đặt bát mì tôm ăn dở xuống, khóc thút thít thì dượng trừng mắt:
 - Mất thì thôi, chỉ là một con chó chứ có phải viên đá đỏ đâu mà tiếc!
 Đang buồn mà nghe dượng nói thế, o cũng phì cười. Nụ cười vừa nở ra đã héo hon quay quắt như hoa khoai giữa trưa trời  nắng.
 Nửa đêm đang nằm, o bật dậy. Dượng hỏi sao thế. Tôi mơ thấy con Khôn về ông ạ, nó đói lắm. Dượng gắt, ngủ đi, rõ vớ vẩn. Thế nhưng dượng lại thở dài đánh sượt. Hai ông bà thao thức từ đó cho đến sáng.

*     *
       *

  Khi dượng nhặt được nó trong đám rác hôi thối, nó gần như kiệt sức. Thoi thóp trong chiếc túi bóng, nó không thể kêu được nữa. Chắc người ta sợ nó chết trong nhà vào đầu tháng thì bị xui nên vội vứt đi. Nó cố thở gấp gáp, nhận chút không khí cuối cùng nơi dương thế, một thứ không khí ô nhiễm đến đậm đặc bởi mùi thức ăn ôi thiu, mùi xác chuột chết, mùi lông gà lông vịt, mùi phân chó…Nhưng cũng may cái túi bóng cột nó không đến nỗi kín, nên phổi của nó vẫn làm việc được. Dượng  cúi xuống, nâng nó trên hai bàn tay xù xì mà xuýt xoa: “Tội nghiệp, mày nằm cả đêm giữa trời mưa lạnh thế này ư?”.
  Thấy dượng đưa về một con chó ướt rượt, nhớp nháp, gầy còm nhom tưởng như nhìn  được cả lục phủ ngũ tạng qua lớp da bụng xanh lét, mỏng tang đang phập phồng, o đâm hoảng. “Mồng một , ông rước nó về để nó chết trong nhà mình sao? Rõ dở người.” “ Nó còn sống bà ạ. Nếu có chết cũng để nó chết sạch sẽ một chút.” Dượng nói chầm chậm, đều đều, nhưng o biết dượng sẽ không  đổi ý mỗi khi đã quyết.
 Dượng ủ ấm cho nó trong chiếc chăn chiên cũ, đặt cạnh bếp lò nấu rượu.
Gần trưa, nó có vẻ tỉnh, cặp mắt lồi to của nó không nhắm nghiền lại nữa mà đã mở ra, mỏi mệt. O đổ cho nó ít nước cơm, nó nuốt được vài thìa rồi nhắm mắt, cổ  ngoẹo xuống, thở…Dượng lấy lọ dầu nóng, đổ ra lòng bàn tay, xoa đều vào bụng nó, xoa cả lưng, cả cổ, cả mặt nó nữa. Nó kêu lên một tiếng yếu ớt rồi nằm im. Chiều, o quấy ít cháo loãng, đổ tiếp được vài thìa, cu cậu đã lấy lưỡi liếm liếm giọt cháo đổ vương bên mép. Dượng nghiền mấy viên B1 với hai viên béc- be- rin, hòa nước cho nó uống. Đêm mồng một trôi qua, nó vẫn sống.
  Ngày hôm sau, nó đã lồm cồm ra khỏi chiếc chăn, vẹo vọ đi lại liếm liếm gót chân o khi o đang ngồi chà men . Dượng vừa đi nhập rượu về, thấy thế, nhấc nó lên, cười khà khà: “Mày sẽ sống, chắc chắn thế. Phải sống chứ, đúng không?”
  Hai o dượng chăm nó chẳng khác chăm một đứa cháu nhỏ ốm đau. Cháo loãng rồi cháo đặc, thuốc uống rồi thuốc tiêm.  Nó cũng đã chạy loăng quăng trong nhà, quấn chân o khi o nấu rượu, theo chân dượng khi dượng quét dọn chuồng gà chuồng lợn. Nhưng cái tật tè bậy, ị vô ý thức làm nhiều lúc o điên tiết lên. Ai đời thẩu men o vừa chà xong, chưa kịp rắc lên cơm rượu thì cu cậu ghếch chân…tương vào một bãi khai rình. Có hôm, nhà vừa lau sạch bong, cậu tướt luôn một bãi phân tanh rích. Dượng  chậm rãi: “ Nó chưa khỏe hẳn, đừng đánh nó mà tội.”. O nghĩ đến đứa cháu nội hồi trước, ốm đau dặt dẹo mấy năm vì bệnh gan bẩm sinh rồi mất, nước mắt o chảy ra, o lại thương nó mà không nỡ đánh.
  Được hơn hai tháng, nó đã thay đổi hẳn. Vóc người cân đối, lông đen nhức, mượt mà. Nó có đến tám cái móng đeo ở bốn chân , ai đến cũng xuýt xoa, ông bà có con chó trông tướng thế, chó có tám móng đeo là khôn lắm đấy, ông bà sẽ phát phú quí đấy. Dượng cười khà khà, lương hưu hai ông bà mỗi tháng bốn triệu hai, nuôi lợn nuôi gà tháng trồi tháng trụt trong khoảng triệu hơn triệu kém, muốn phát phú quí may ra được viên đá đỏ bằng cái ấm tích. Hơ hơ…
  Dượng đặt tên nó là Khôn, bởi nó khôn thật. Sau khi hết bệnh, nó ngoan hẳn. Riêng cái khoản đi vệ sinh thì cấm có thấy nó bậy bạ bao giờ nữa. Cũng kín đáo, cũng ý tứ như ai. Khách đến nhà, Khôn nằm gác mõm lên hai chân trước mà quan sát cử chỉ, mà nghe giọng nói của họ. Dượng bảo, muốn xác định người gian, kẻ ngay, người tốt kẻ xấu thì chỉ cần nhìn vào thái độ của con Khôn là biết. Có người đến lần thứ hai là nó đã vẫy đuôi mừng, vừa vẫy đuôi vừa sủa vui như có ý chào. Có người đến nhiều lần, ngồi cơm rượu với chủ nhiều bữa, thậm chí có cả anh em họ hàng, nhưng lúc nào đến, nó cũng sủa gay sủa gắt, chủ mắng mãi mới im nhưng nó vẫn gầm ghè, lườm lườm nguýt nguýt, ra chừng có ý bảo: “Đây biết tỏng cái bụng của đấy rồi nhá, cười cười nói nói ngọt nhạt thế thôi, cơm rượu chén no say thì khoác lác ba voi thế thôi, chủ tôi mà hở mạng sườn ra là đấy lách dao vào cứa ngay ấy mà.”
 Mồng bốn Tết, o dượng về quê mừng thọ ông bà và nhờ người cho nó ăn. Suốt hai ngày, nó không hề đụng một hạt. Nó cứ nằm cạnh cổng mà chờ tiếng bước chân của chủ. O lấy cho nó một tô cơm, nó ngoạm mấy miếng hết veo. Dượng mắng nó: “Mày sợ người ta bỏ thuốc độc à? Sao không ăn?” Nó lấy mõm dụi dụi vào chân dượng, rồi dụi dụi vào tay o, ra vẻ nhớ lắm, nhớ lắm…

Thế mà giờ nó nỡ đi đâu?
   Bốn giờ sáng, o lại dậy nhen bếp lò. Mọi hôm, khi o dậy, con Khôn cũng nhổm người ra khỏi cái “giường” của nó -  đó là một cái lốp ô-tô lận trái lại, phía trong dượng lót miếng chăn chiên – rồi vươn vai, rồi ưỡn ngực, cứ như người ta thể dục ấy. O  mắng yêu: “Mày vội dậy làm gì?” Cu cậu ngoe nguẩy đuôi, mắt ngước nhìn o  ra chiều muốn nói: “ Con cũng dậy nấu rượu mà!”. Nghĩ đến hình ảnh ấy, o lại thấy tim mình nhoi nhói…
  Bỗng có tiếng thúc cổng, sợi xích khóa khua rổn rảng. O lật đật chạy ra. O líu cả lưỡi, ông ơi, con Khôn…con Khôn ông à… Dượng vùng dậy, chạy ra. Khôn ướt như chuột lụt, trên cổ còn nguyên cả một vòng sắt cặp cứng như gọng kìm . Khôn run lẩy bẩy, tay dượng mở khóa cũng run lẩy bẩy. Nó nhào vô, o ôm chầm lấy, nước mắt chảy dài. “ Nam mô a di đà Phât!Con cảm ơn trời Phật phù hộ độ trì.” Khôn đói lả, cu cậu chén hết veo tô cơm thiu đặt nơi góc sân từ ba ngày trước.
*       *
                                        *
   Trước cổng nhà o dượng dạo này bỗng tụ tập bao nhiêu là chó. Chó đực, chó cái cứ quây lại, cắn nhau, sủa ăng ẳng. Dượng bảo mùa chó yêu nhau đấy. Nhìn thế chứ đôi nào ra đôi ấy, không lăng nhăng lộn xộn đâu. Khôn chẳng đoái hoài gì đến đám chó nhách ấy. Mặc cho ả vện kia cứ thò mõm vào mà kêu lên ư ử, mà oặn mình, mà ngoáy mông ngoáy đít làm duyên làm dáng. Đôi mắt Khôn thỉnh thoảng buồn bã nhìn sang ngôi nhà tầng đối diện. Bên đó có con Hoàng khuyển, một con chó cái với bộ lông vàng mượt, thân hình mềm mại uyển chuyển nhưng chẳng bao giờ được bước chân ra đường, chẳng bao giờ được một lần vui vẻ cùng đồng loại. Rồi luôn mấy hôm, con Khôn đến trước cổng, ghé sát vào khoảng trống của những song sắt mà nhìn vào, ánh mắt vừa thương cảm, vừa xót xa, vừa yêu thương, vừa thèm khát. Đôi mắt buồn rười rượi và cũng chan chứa yêu thương của Hoàng khuyển  làm Khôn ngây ngất, xốn xang. Nhưng làm sao nó vượt qua được chiếc cổng đồ sộ này?  Đây là  ngôi nhà của đại gia giàu nhất  vùng . Nghe bảo phần  móng đã hết hai mươi tỉ, thiết kế theo kiểu có trục xoay, ngôi nhà ba tầng đồ sộ như thế nhưng có thể quay đổi hướng theo mùa. Bên đó ban ngày hầu như chỉ có bà chủ ở nhà, vào ra lặng lẽ như cái bóng. Nói là bà chủ vì là vợ ông chủ, chứ cô ấy gần như chẳng có quyền hành gì trong ngôi nhà mình. Ông chủ dành hẳn một phòng ở tầng hai để hú hí với bồ non, một phòng ở tầng ba để rủ bạn về bài bạc thâu đêm. Lúc đầu cô ấy cũng phản ứng ghê lắm, nhưng ông chủ bảo, không chịu được thì cô li hôn đi, để con đó tôi nuôi. Có hôm đang buổi trưa, chồng cô dẫn về một mắt xanh tóc đỏ, váy chỉ khiêm tốn che trọn cặp mông mây mẩy, cánh tay trần và nửa bộ ngực ngồn ngộn mỡ màu. Cô bé đứng sững một lát trước bà chủ nhà, lí nhí: “Em chào cô ạ!” Cô nhếch mép cười khi nhận ra đứa học trò cũ. Theo đà kéo của cánh tay người tình, cô bé luống cuống bước vội từng bậc thang lên gác hai...
   Cô cay đắng nghĩ về sai lầm của mình ngày xưa. Công việc khai thác quặng thiếc của chồng cô hồi đó phất lên như diều gặp gió. Lương giáo viên cả năm trời không bằng hai ngày khai thác quặng. Cô đã vứt  mười năm  trên bục giảng không hề luyến tiếc để ở nhà chăm con. Hai con giờ đi học xa, cuộc sống cô trở nên vô vị trong sự nhàn tản. Niềm vui duy nhất của cô là tối tối gọi điện cho con, hỏi han chúng đủ thứ, nghe giọng nói của chúng, biết chúng khỏe, lo học hành, thế là cô ngủ ngon.
  Còn Khôn thì mất ăn mất ngủ vì đôi mắt của Hoàng khuyển. Có ngày nó chỉ xoay qua xoay lại bên chiếc cổng mà chẳng thiết  ăn uống gì.Cánh cửa đóng mở bằng ấn nút tự động từ chìa khóa xe của chủ,  chỉ thỉnh thoảng mở ra  rồi đóng ụp lại ngay. Khôn chỉ biết gửi ánh mắt mình qua song sắt để kẻ đang bị giam giữ trong kia đong được nỗi niềm thương nhớ đầy vơi của kẻ ở ngoài.
  Hôm ấy, một chiếc xe con đến đậu sát bên cổng, khách bấm chuông một lúc nhưng chẳng có ai ra. Khách vừa lên xe, nổ máy quay đầu thì  Khôn vụt một cái, nhảy phốc lên mui xe, rồi từ mui xe bay phốc qua cổng, ngã đánh uỵch xuống nền gạch. Có lẽ sức mạnh của tình yêu đã nâng đỡ nó, tiếp sức mạnh cho nó. Hai bên vui mừng quấn lấy nhau, hít hít, kêu ư ử…Khi cả hai đang ngây ngất trong men say tình ái thì đột nhiên cổng mở, ông chủ xuất hiện. Nó không kịp thoát thân. Nó nhìn cánh cổng đã ụp lại, nhìn đôi mắt nảy lửa của ông chủ và nghĩ mình sắp chịu một cơn thịnh nộ ghê gớm. Nhưng lạ thay, đôi mắt ấy bỗng như đơ lại, khuôn mặt ông ta ngẩn ra khi nhìn ánh mắt sợ sệt của hai con chó. Hoàng Khuyển nép sát vào Khôn như vừa để tìm sự dựa cậy, vừa để sẵn sàng chịu chung sự trừng phạt. Đôi mắt ông chủ vẫn mở to hết cỡ. Ngạc nhiên? Sửng sốt? Ông đã kịp nhìn thấy ánh mắt dịu dàng, âu yếm của hai con chó dành cho nhau. Nó không phải là ánh mắt thèm khát nhục dục như  mỗi khi ông gần gũi đàn bà. Đó là ánh mắt của sự hòa hợp hai tâm hồn, sự quấn quýt hòa quyện của men say tình yêu đôi lứa nồng nàn, thắm thiết!  Ông đã nghe  thấy những tiếng kêu ư ử. Nó không phải là tiếng rên đầy khoái lạc  xác thịt như mỗi lần ông làm tình với giống cái. Đó là tiếng lòng tha thiết của tột bậc yêu thương, tột cùng hạnh phúc vì có nhau. Ừ nhỉ, hình như  cảm giác yêu đương trong ông đã mất hẳn từ lâu lắm rồi. Túi tiền của ông ngày càng phình ra, đàn bà vây quanh ông ngày một nhiều, dạ dày ông ngày một giãn nở. Và tim ông cứ teo lại dần…
 Cảm giác như lồng ngực căng ra, tim đập rộn ràng hơn, ông chủ bước những bước dài, hướng về căn phòng nơi tầng một. Tự nhiên, ông thèm vòng tay yêu thương, thèm ánh mắt dịu dàng của người phụ nữ đã chung sống dưới một mái nhà với ông mấy chục năm qua.
   Khôn và Hoàng Khuyển nhìn nhau, ngỡ ngàng. Chúng làm sao hiểu được điều gì đang cựa quậy hồi sinh trong trái tim ông chủ?
                                                        NT
 ( Truyện đã được sửa lại, vì vậy bạn đọc đừng thắc mắc về những lời com dưới đây nhé.)








  
  

39 nhận xét:

  1. Tem vàng đây. chắc chắn là kiếp sau con khôn chả thèm làm người đâu. chúc bạn an vui mãi nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tem vàng cho anh.
      Và không làm kiếp người thì biết làm kiếp gì anh Mẫn nhỉ?

      Xóa
  2. Đọc đến cuối truyện, em chỉ biết lặng đi vì không ngờ kết cục lại bi đát đến thế. Đây không chỉ là bi kịch của Khôn mà còn là bi kịch của nhiều người khác nữa, nhất là bà chủ nhà đại gia.

    Trả lờiXóa
  3. Có hai cảnh sống đối lập nhau đó em. Chị em mình cũng không nên buồn khi ...nghèo em nhỉ.

    Trả lờiXóa
  4. Thương con Khôn quá! Sao nỡ để nó chết rứa NT ơi?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em xóa vĩnh viễn cho chị cái còm mang tên DĐT thế là nó bay luôn cả còm mới của chị rồi.

      Xóa
  5. Em cũng thương nó lắm chứ chị. Em viết từ chiều, khuya viết tiếp và xong lúc hơn 11h. Đăng lên rồi nằm mãi tận 2 giờ sáng vẫn không ngủ được vì nối ám ảnh. Con Khôn là hiện thân của lòng trung thành, vậy mà có kẻ nhẫn tâm vứt nó đi khi nó ốm đau gần kiệt sức vì sợ để nó ảnh hưởng đến mình. Có kẻ vì đồng tiền sẵn sàng biến nó thành món hàng, có kẻ sẵn sàng giết nó để làm gương... Tuy nhiên, ta vẫn tin yêu cuộc đời vì vẫn còn đó những tấm lòng nhân ái, sẵn sàng cưu mang, đùm bọc, nuôi nấng khi nó lâm vào hoàn cảnh bi đát. Vẫn còn đó những con người không chỉ thương nó mà rất hiểu nó, tin nó, nâng niu trân trọng nó.
    Một khía cạnh khác, con Khôn không chết vì bệnh tật, không chết vì kẻ thù (cẩu tặc), mà chết vì tình. Chữ TÌNH dễ làm ta chết quay lơ, phải không chị?

    Trả lờiXóa
  6. Cái nhà NT viết trong truyện của vị đại gia là nhà thật hay nhà ảo vậy.
    Hì! em biết truyện hay lắm.
    Vĩnh biệt NT sắp rới tôi bận mất rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó là một ngôi nhà thật anh ạ. Ngôi nhà ấy là món quà của tập đoàn dầu khí tặng cho một cá nhân để trả ơn về việc giúp họ mua được sân vận động của huyện để xây khách sạn và nhà ở liền kề. Sau khi lấy được tiền đặt cọc mua nhà của dân, họ biến mất. Bây giờ sân vận động trở thành bãi đất hoang, gạch đá lổn nhổn.

      Xóa
    2. Quên nữa, chị Song Thu hỏi anh sao lại vĩnh biệt kìa. Nếu đang ngoái lại thì nói rõ lí do cho mọi người biết với anh nhé.

      Xóa
  7. Hay lắm em ạ, nhưng kết cục lại buồn. Nếu anh viết thì anh sẽ là thế này:
    "Lão chủ xông vào mụ vợ tội nghiệp của hắn để thua đủ với cơn ghen. Hai bàn tay hộ pháp của hắn xiết chặt cái cổ ngẳng của mụ vợ, mụ ta cố giãy dụa để hòng thoát ra nhưng vô vọng. Bỗng "phập" từ góc sân Khôn lao thẳng vào thằng khốn nạn, đớp vào cái "bìu" của hắn mà giằng, mà xé. Thằng khốn buông tay khổi cổ mụ vợ tội nghiệp của hắn và ôm lấy cái của nợ, hắn lăn lộn, kêu gào. Nghe tiến ồn ào và cả tiếng gầm gừ của Khôn, o dượng đã chạy sang nhà thằng khốn nạn kia để giải vây cho hắn"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất tuyệt! Cảm ơn anh trai. Em sẽ sửa theo hướng đó, nhưng không dùng từ "mụ" đâu nhé.

      Xóa
    2. Đôi lời cùng anh Hồ Quốc Thái và Nhật Thành:
      Cái kết của truyện rất bất ngờ và có giá trị tư tưởng, giáo dục rất cao, mở ra nhiều hướng để ta suy ngẫm...
      Còn con Khôn, thiết nghĩ bà chủ ngôi nhà này ko phải là chủ nó và ông chủ ở đây ko phải là tên trộm, vả lại lúc đó con Khôn là kẻ bị động," lạc " vào nhà người lạ chưa đến mức "chó cùng dứt giậu" nên ko thể "từ góc sân Khôn lao thẳng vào thằng khốn nạn, đớp vào cái "bìu" của hắn mà giằng, mà xé". ..
      Gợi ý của anh Quốc Thái là hay nhưng nên tham khảo và phát triển theo hướng đó một cách sao cho lô gich, phù hơp...

      Xóa
    3. Cảm ơn anh.
      Cách kết của anh Thái rất đáng để tham khảo. Tuy nhiên, hành động của Khôn không như Bấc của Giăc-lơn-đơn nhưng vốn nó là con chó biết được kẻ tốt người xấu, kẻ gian người ngay. Hành động tấn công ông chủ cũng có thể xảy ra hợp lo gich. Em sẽ suy nghĩ để làm thế nào vẫn giữ được bức thông điệp của mình nhưng không để cho độc giả xa xót quá. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của tâm trạng, truyện của em hầu như rơi vào sự bi quan, chán chường, tuyệt vọng. Em sẽ cố sửa, nhưng chưa phải bây giờ.
      Chúc anh có nhiều sáng tác hay.

      Xóa
  8. HAI LÚA thì chẳng dám góp ý gì ráo...chỉ đọc và cảm nhận đây là câu chuyện hay, vẽ lên muôn màu của bức tranh xã hội sang hèn mâu thuẫn phức tạp..mà linh hồn cốt truyện là tính giáo dục đầy nhân văn ,tình người, tình thương yêu loài vật của o dương thật cao quý biết bao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được a2 đọc và cảm nhận như thế là em quá vui rồi.
      Chúc anh2 giữ gìn sức khỏe và vui hết mình với bạn bè blog anh nhé.

      Xóa
    2. Rồi! Cô em gái đã Chỉnh Chuẩn.

      Xóa
  9. Lão lò dò mò vào em để...coi - ý quên , xin lỗi , mò vào blog em để xem .
    Khác với mọi người , lão tán đồng phần đầu câu chuyện. Đó là chuyện đời thường viết khá sinh động nên nó hấp dẫn người đọc. Phần cuối vồng lên như có sự dàn dựng sự kiện làm nó không được đời thường cho lắm. Không cần gồng lên một sự to tát để kết chuyện , mà chỉ cần tiếp tục đời thường thì có lẽ chuyện sẽ chinh phục những người khó tính như lão.
    Vâng , chỉ cần hình ảnh 2 con chó quấn quýt bên nhau trước cặp mắt cay cú của gã người giàu cũng đã là điểm nhấn làm kết cho câu chuyện .
    Truyện ngắn càng đời thường thì càng gần gũi với người đọc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng đồng ý với lão! Em thích phần đầu câu chuyện.Nhưng phần kết thì em không thích. Cả hai cái kết. (vì em đã đọc kết ban đầu của chị). Bởi em nghĩ phần kết này có vẻ như bị chuyển sang một mạch truyện khác, hàm ý sâu sa hơn nhưng nó làm cho mạch truyện về con Khôn không được nổi bật.
      Hì. Mạnh dạn góp vài câu với thiện ý chị nhé. Em cũng có những ấn tượng và tình cảm với những con chó mà.

      Xóa
    2. ( tiếp theo )
      ... Không cần thiết phải bùng nổ có cả súng đạn , có chất kiếm hiệp mới là hấp dẫn . Hãy vẫn là bình di đời thường đừng gò vào những tình tiết ngộ nhận là hấp dẫn mà lộ rõ sự dàn dựng mất hẳn mạch tư duy về con người và con vật , xa rời cả thực tế .
      Không cứ con Khôn nhảy vào cắn bìu gã nọ là ly kỳ , hấp dẫn. Là bùng nổ vấn đề cho câu chuyện . Kết cục ấy dành cho truyện ..vị thành niên thì thích hợp.
      Chỉ cần gã nhà giàu hằn học , cay cú cái triết lý con chó nhà gnhèo không có quyền quấn quýt con chó nhà giàu thôi cũng đủ mở ra suy ngẫm cho người đọc. Hình ảnh quấn quýt bên nhau của hai con chó trước cái hằn học của thằng người trải rộng tầm nhìn hơn là súng ống và đạn nổ....
      Lão xin cáo bệnh vì đang...bệnh .

      Xóa
    3. Bọn đàn ông giàu có ấy mà lão, nó chẳng hằn học vì chuyện đó đâu.Bọn nó vẫn lấy làm hãnh diện và khoe khoang tài năng chinh phục đàn bà. Có tiền, sống phè phỡn, chúng coi người khác như cỏ rác, coi mọi giá trị đạo đức là điều nực cười nhưng lại khắt khe với vợ vì cái thói gia trưởng độc đoán.
      Nhớ ăn bù, ngủ bù để lấy lại sức khỏe sau uôn cúp nhé lão.

      Xóa
    4. LV à, em cứ phát biểu ý kiến thoải mái đi, ý kiến của em luôn được chị lưu tâm mà.

      Xóa
  10. Tuy là con vật bị con người dã tâm cố tình đem bỏ rơi để chờ chết. Nhưng lại có CON NGƯỜI cứu sống và đưa nó từ cõi chết trở về. Bởi vì huyền đề 4 ngón nên người chủ mới mới đặt tên cho là "KHÔN"! Bởi khôn nên ngay từ lúc nhỏ KHÔN đã biết tự "chế" thêm hương liệu vào men rượu của bà chủ bằng cách:
    "Ai đời thẩu men o vừa chà xong, chưa kịp rắc lên cơm rượu thì cu cậu ghếch chân…tương vào một bãi khai rình"...Thời Tôn Ngộ Không lấy nước đái ngựa làm thuốc chữa bệnh nan y. Ngày nay ở Quỳnh Hợp lại có rượu ủ men kết hợp với nước đái cho...ra rượu thần dược!
    Cuối cùng con Khôn cũng tìm được bạn tình, ông chủ đa tình bị con Khôn chung tình cho một vố...Nếu phải anh thì anh sẽ không cho con Khôn cắn ông chủ vào tay, mà cho cắn đứt "cái không chung tình" của ông chủ thì kết quả có "hậu" hơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe phong phanh , Nắng gả chồng cho con cách nay mấy hôm , không thấy lời mời đến với lão - làm lão cũng hơi áy náy buồn !

      Xóa
    2. Hì...chính vì có loại men đặc biệt ấy mà rượu nhà o dượng luôn bán chạy đấy ạ. Không phải là Khôn đã giúp chủ phú quí là gì!
      "Tiêu được đồng tiền giả" rồi thì theo em, chàng cũng phải đăng ảnh lên cho bà con biết mà chia vui với chứ nhỉ?

      Xóa
    3. Nắng có mời Lão qua Fb. Nhưng Lão không vào được, chỉ gửi chút quà nhờ Uyên Diễm ở Bình Dương mừng cho nàng Ba đã tống khứ được quả bom nổ chậm! Chắc rằng nàng Nắng sợ Lão xuống dự cưới con lại muốn tòm tem sang mẹ nên nỏ mời! Thôi để đến khi cưới Nắng thì nàng mời một thể!

      Xóa
    4. Trời ạ, NT đọc tưởng chàng Lơ gả được con gái, chuyện lão Tan và người yêu của lão mà cũng đem hỏi ở đây? Sao không sang bên nhà Lơ mà hỏi nhỉ?

      Xóa
  11. Em đọc từ đầu khi chưa sửa, đến bây giờ có lẽ cũng đến chục lần...Chó là con vật trung thành nhất...Em yêu loài vật này...nhưng em đồng ý ý kiến của Lão Tan...
    Em kể chị nghe một câu chuyện có thật...Năm 1999 em mới vô đói khổ đi bán dạo ..chiều về hay ngồi vừa bán vừa tủi ở một địa điểm cố định....nhiều ngày sau có một cô khách hàng bảo..Cô thấy con không phải người vốn dĩ khổ..sao hay khóc vậy....nhiều lần ghé mua hàng trò chuyện. Cô ấy nói em nên nuôi một con chó với người có tâm như cháu nó sẽ phù chủ và đời cháu sẽ qua khúc quanh này...em trả lời, vốn dĩ gạo cháu không có tiền mua một lần 5kg thì làm sao có tiền mua chó...Cô ấy cười rồi một tuần sau cô ấy mang cho em một cái hộp cat1ton, trong đó có một con chó lai Backinh...con chó lớn tới đâu em có tiền tới đó..em đi bán 12h đêm về đi ngủ nó biết chen vào giữa em với con bé khi ấy học mẫu giáo....Nói chung bất cứ ai hỏi bọn nhỏ nhà con có mấy người..là sẽ nghe câu trả lời dạ thưa 5...Bố mẹ cháu hai anh em cháu và MInh Ky nữa ạ...
    Chó với mẹ con em là vậy đấy...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi người có một hướng suy nghĩ khác nhau, đó là điều tự nhiên thôi em ạ. Con chó của em đúng là chó quí rồi, nó giúp chủ phát tài.
      Xin kể cho em và mọi người nghe câu chuyện có thật 100% như sau:
      Xóm chị có hai vợ chồng nhà nọ, vợ là giáo viên mầm non, chồng là công nhân thuộc công ti kim loại màu Nghệ Tĩnh. Lúc đầu họ đếu làm việc gần nhà, ông chồng tuy khó tính nhưng được bà vợ hiền lành, biết nhịn nhường nên cuộc sống khá yên ổn. Thời gian sau, ông ấy bị điều đi Lào Cai nên chỉ đến tết mới về nhà. Công nhân đi Lào Cai vẫn kể về việc những ông chồng xa vợ, đi sang mấy tụ điểm bên Trung Quốc để chơi gái, ông ấy cũng thừa nhận với vợ là có đi cải thiện mỗi tháng vài lần. Vợ cũng thông cảm vì đàn ông mấy ai chịu được khi không có đàn bà, chị ấy cũng không giận dỗi gì, chỉ nhắc là có đi thì nhớ bao biếc cẩn thận kẻo mang bệnh mà khổ. Có một lần, chị ấy đi trực trưa (gv mầm non vẫn thay nhau trực trẻ như thế), hàng xóm nghe chuông điện thoại réo liên tục, hồi đó đang đt bàn nên cũng không biết ai gọi. Chiều về có mách lại với chị ấy, chị ấy nghĩ là chỉ có chồng gọi thôi nên gọi lại. Ông chồng quát ầm ầm: Mày đưa đứa nào về hú hí cả trưa? Nói ngay! Bà vợ sợ quá, bảo trưa nay em đi trực ở trường, ông chồng khăng khăng là lúc trưa gọi về thấy nhấc máy nhưng sau nghe một giọng đàn ông nói thầm thì: "Hình như ông H gọi." rồi dập luôn, sau gọi mãi vẫn không cầm máy. Bà vợ thanh minh không được, ông chồng bảo ngày mai sẽ về xử tội mày. Và ông ta bắt xe về thật. Trên đường, ông ấy gọi điện cho các anh em bên ngoại, bảo mua sẵn quan tài mà chôn con V. Ai cũng hốt hoảng. Nghe anh em đến báo, chị ấy khóc đứng khóc ngồi rồi sơ tán toàn bộ nồi niêu xoong chảo sang nhà hàng xóm, cả sổ tiết kiệm và mọi hồ sơ giấy tờ quan trọng khác. Cả xóm loạn lên vì biết ông này cực kì nóng tính.Anh em, hàng xóm cắt cử nhau thay phiên trực để chờ ông ấy về còn bà vợ thì sang nhà khác trốn. Khoảng 10 giờ đêm vẫn chưa thấy về, mọi người về hết và bảo chị ấy cứ yên tâm về ngủ, mai có mọi người đến. Ai ngờ khoảng 11 giờ đêm ông ấy về. Sau khi khóa cổng, ông ấy gọi cửa. Bà vợ run lẩy bẩy khi nghe tiếng chồng gọi. Bật điện, mở cửa ra thì ông áy hùng hổ chĩa súng vào mặt vợ và bảo cho nói lời cuối cùng trước khi chết. Người vợ lạy như tế sao, xin đừng nghi ngờ. Nhưng ông chồng vẫn một mực: Mày không nói thì sẽ không có cơ hội nói nữa. Bà vợ khóc và bảo: Cả đời này em chưa phụ mình, nhưng nếu mình bắt em phải chết thì em xin mình hãy để cho 2 đứa học xong đại học đã. Mọi người chạy đến nhưng không vào được vì cổng đã khóa. Bất ngờ, con chó lao đến, nhảy lên đớp vào tay ông chủ, khẩu súng văng khỏi tay. Hóa ra đó là một khẩu súng đồ chơi của Trung Quốc!

      Xóa
  12. Anh đã đọc lại truyện và cái kết đã sửa. Đúng là mỗi người có mỗi hướng suy nghĩ khác nhau nhưng anh vẫn nghĩ Lão Tan và Lộc Vừng nói có lý là phần kết hơi gượng. Và chi tiết bà chủ "bỗng dưng" biết tên chú chó lạ và "luống cuống bấm nút" giục: “ Ra đi, Khôn!” nghe chưa được thuyết phục em ạ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ơ, bà chủ nhà ấy là hàng xóm mà anh. Chẳng phải con Khôn nằm bên nhà mình vẫn nhìn được sang bên kia là gì.
      Lão Tan được nhiều người ủng hộ quá làm em phát...ghét! (í quên, phát thèm)

      Xóa
  13. LỜI PHÊ CỦA ĐỘC GIẢ:
    Chú ý - cách viết trùng lặp nhiều từ bài nọ đến bài kia không có sức đột phá..... hiiiiiiiiiiii.........

    Trả lờiXóa
  14. Cả tuần rồi, chị mới sang thăm em. Đọc chuyện của em, chị hay thích phần đầu hơn. Nhưng câu chuyện này thì chị thấy hay em ah!
    Hôm nay có thời gian, nên chị đọc cả lời bình của mọi người nữa. Bà con làng mình thật chân thành phải không em?
    Chúc em cô giáo nghỉ hè vui vẻ, tiếp tục có nhiều sáng tác hay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong thế giới blog này, những người dừng lại đọc hết một câu chuyện là đáng trân trọng rồi chị ạ. Bà con làng mình sống hay lắm,phải không chị?
      Em hầu như cũng chẳng được nghỉ hè, chỉ làm hè thôi. Hi...
      Vui nhiều nha chị.

      Xóa
  15. Em qua để đọc lại "Con Khôn" đây chị! Và đọc hết mọi lời com để hiểu thêm tác phẩm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị thích có nhiều ý kiến trái chiều như thế sẽ hay hơn.
      Ở Sài Gòn vui lắm phải không em?

      Xóa
  16. Nhật Thành mới để CON KHÔN
    Hết lo Quỳ Hợp nổi cơn gió Lào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con Khôn gặp phải mưa rào
      Ướt nhem ướt nhẻm lao vào anh Tuân.
      He he...

      Xóa
  17. Anh Tuân đứt dép toạc quần
    Lo CON KHÔN đuổi thoát thân kiểu gì
    Nhật Thành khoái chí cười khì
    Toạc quần đứt dép chỉ vì CON KHÔN

    Trả lờiXóa