Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

CÂY RAU NGÓT.

                                               
  Đứng nơi góc vườn, nhưng nó vẫn xanh tốt, vẫn mơn mởn. Dễ hiểu thôi, ngày ngày nó  cần cù, chăm chỉ tích góp dinh dưỡng từ mẹ Đất để lớn lên. "Cùng trong một mảnh vườn, đứng chỗ nào chẳng được, miễn là có ích"-  Nó nghĩ thế, dù vẫn biết giữa vườn thì không gian rộng thoáng hơn, bạn bè ba bề bốn bên đông vui hơn, lại được chủ vun luống, bón phân, tưới tắm đầy đủ hơn. Nhưng  cây nào cũng chen chúc ra giữa thì chẳng lẽ góc vườn bỏ hoang?
  Một ngày,  cây mồng tơi gần đó vươn cái vòi mập mạp sang làm quen. "Ừ, có bạn thêm vui, trên đời này mấy ai sống cô đơn, vì như thế chẳng khác nào sống mà như chết." Nó nghĩ và vui vẻ bắt tay Mồng Tơi.
  Ngày tháng qua đi, Mồng Tơi quấn lấy Ngót không rời. Có Ngót làm chỗ dựa, Mồng Tơi thỏa sức vươn dài, mọc thêm nhiều cái vòi khác trùm kín thân Ngót. Bị  lá của Mồng Tơi dày, rộng che gần hết, những chiếc lá  mỏng mảnh, nhỏ nhắn của Ngót chỉ loe ngoe lấp ló tìm chút ánh nắng mặt trời một cách khó nhọc. Dù Ngót thuộc loại thân cứng, nhưng là rau, độ cứng của thân chỉ đủ để đứng được một mình, không phụ thuộc vào ai. Giờ có thêm Mồng Tơi, cành của Ngót oằn lả xuống. Nhiều khi cảm thấy mệt mỏi gần như kiệt sức. Nhưng Ngót không nỡ và không thể thoát ra khỏi những dây Mồng Tơi đang riết chặt lấy mình. Nó không thể vươn lên, không thể tỏa ra để có thêm nhiều lá mới như bao bạn bè khác cùng trang lứa.
  Rồi  những ngày nắng hạn đến. Nước trong ao hồ sông suối đều cạn. Giếng chỉ đủ nước dùng cho những sinh hoạt tối thiểu của chủ. Trời đổ lửa xuống mảnh vườn. Mồng Tơi cứ vàng dần, vàng dần và héo quắt đi. Rễ Mồng Tơi không đủ sức đâm sâu vào lòng  Đất để vững vàng trước sự đe dọa của Trời. 
  Mồng Tơi chết lả trên thân Ngót. Ngót buồn, trơ cái thân tàn tạ sau những ngày làm chỗ dựa cho bạn. Ngót hụt hẫng, ngơ ngác vì thương người bạn đã sớm lìa Đất về với Trời. Ngót bần thần nghĩ cuộc sống sao mà ngắn ngủi, vô thường.
  Không còn bị Mồng Tơi quấn riết, Ngót lại sức dần. Giờ thì nó đã lại đứng thẳng, những chiếc lá non lại được dịp phô ra, mỡ màng, tươi tắn! 
                                                   29/7/2015.
                                                 Nhật Thành

43 nhận xét:

  1. Truyện ngụ ngôn của chị nói về một điều không mới, không lạ. Nó đầy rẫy, khắp nơi trong cuộc sống xung quanh ta. Tuy nhiên, cái mới ở đây là hình ảnh chị mượn để nói về điều đó. Cây ngót và mùng tơi là 2 loại cây dân dã, vô cùng quen thuộc với mình. Cả 2 cây cùng là rau, chỉ khác nhau ở chỗ thân cứng và thân leo. Nhà em cũng trồng cả 2 loại này. Với cây ngót, cứ sau khi mình cắt ngang thân khoảng 2 tuần là đám lá non lại lầm lũi đâm ra, thoáng dăm ngày không nhìn đến là thấy nó đã ra xum xuê. Còn cây mùng tơi thì luôn "khoe" sự mơn mởn của mình. Cứ mỗi ngày ra tưới là thấy nó đã khác hẳn hôm qua. Dùng 2 hình ảnh này để diễn tả một mối quan hệ trong cuộc sống, theo em là một sự tìm tòi thú vị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. OM xếp chuyện này là thể ngụ ngôn là lão không đồng ý. Vì trong truyện có " ngôn" nào đâu mà gọi ngu ngôn ? Có chăng đây là thể ...ngụ ý!

      Xóa
    2. Đúng như Om nói, cả hai loại đều dân dã, thế mới khổ! Giá như Mồng Tơi gần được một cây cứng cáp hơn, giá như Ngót không bị Mồng Tơi leo bám... Nói tóm lại, hai loại này đừng nên bén duyên nhau.
      Ngót có sức sống mạnh mẽ và dai dẳng. Dù bị chặt đi, thậm chí đào gốc mà sót lại vài tí rễ là mầm non lại tiếp tục bật lên. Mồng Tơi mơn mởn thế thôi nhưng sức chịu hạn lại rất kém.

      Xóa
    3. Lão ơi, em không biết hội họa, ý em chỉ gửi qua lời được thôi, Truyện không có lời thì diễn đạt bằng cái gì được?

      Xóa
    4. Có lẽ lãoTan-262 nói đúng?

      Xóa
    5. Có lẽ ư? Còn chị thì nghĩ có lẽ em không nên bỏ blog, vì như thế sẽ buồn lắm đấy!

      Xóa
  2. 2 nhân vật này rất gần gũi đến độ thân quen với mọi người hàng ngày. Đem nó vào câu chuyện ở một góc vườn là rất hay cho cho tính nhân văn của nó. Người viết không nhìn mà quan sát trong câu chuyện này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vốn nó sinh ra ở góc vườn nên đành đứng đó thôi lão ạ. Người viết không nhìn mà chỉ ngẫm. Ngẫm để thấy mọi cái đều là theo ý trời!

      Xóa
    2. Hè hè hè ! Trồng rau để ăn chứ không ai trồng rau để ngắm cả . Hái lá mồng tơi , rau ngót và thêm vài loại rau khác , xong sang nhà Hoe Vy xin ít cua đồng về nấu nồi canh rau tập tàng là ngon bá cháy , ăn kèm với cà mói . Trồng mấy cái cây cũng không chăm sóc nên hồn mà còn " Kể Nể " . Có chi mà khó hè , nác giếng thì để Ngài " Nốc " , xong rồi cứ " Túi " đến hay khi nỏ có ai chộ thì vén quần mà dội hì hì hì .. Cười chết mất thôi
      Cây còn nỏ chăm được thì Ngài mần răng chăm hè , rứa thì choa nỏ về Quỳ Hợp nựa mô . Chộ quê Mệ nghe " Lói " có món " Nòng Nợn " mọi ngon " Nắm " răng " Lỏ " kể hè

      Xóa
    3. Trồng rau để ăn, nhưng mà ở miền núi đất nỏ thiếu. Hái giữa vườn là thừa sức, ai quan tâm chi đến cây bên góc vườn,?Đến dó lỡ dẫm phải gai mồng tơi có phải đi viện mất tiền phẫu thuật không? Anh Sa lam cũng thật là...nỏ hiểu chi! Mà đã sang lão Tan để "đồng sàng" với Om chưa?

      Xóa
  3. chị làm em nhớ cái hồi em học lớp 5, làm tập làm văn gì mà dười dạng thay lời cây cỏ, bàn ghế mà nói đó chị. Em quên kêu là gì rồi. Đọc bài này của chị, ntự dưng em nhớ lúc ấy ghê.
    Em thích chị viết ngắn ngắn như vầy nè. đọc mê lắm lun á. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, đó là văn kể chuyện tưởng tượng em ạ. Kể chuyện tưởng tượng khó hơn kể chuyện người thực việc thực ở chỗ, nó vừa phải nói đúng đặc tính của sự vật (đồ vật, cây cối, loài vật...) lại vừa phải hướng đến một ý nghĩa nào đó của cuộc sống. Và hiện thực cuộc sống ấy lại phải có tính khái quát.
      Chị sẽ tập để viết ngắn vì ngôn ngữ bây giờ ...cạn rồi.He he...

      Xóa
  4. Thế là Ngót thoát khỏi cái nợ đời(Mồng Tơi) trở về điểm xuất phát ban đầu đi tìm bạn mới!
    Và rồi ai giám chắc.......
    Truyện hay - Người kể chuyện cũng hay - Duy chỉ có người đọc(HT) là hơi dở...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và rồi ai dám chắc...có cây nào mọc gần nữa không!
      Người đọc HT "yêu quái" lắm!

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    3. Mơn mởn xanh tươi đã thảnh thơi
      Đậu dàn, Mơ bụi, Mướp non tươi...
      Si già trước ngõ vươn cành vẫy
      Rau Húng, Cải Ngồng... vương vấn đời.

      Xóa
    4. Anh Hải Thăng nói đến là hay
      Cải, đậu, mướp, mơ, húng đành rồi
      Rau xanh bạn cùng rau gia vị
      Sao để cây si vẫy thế này?

      Xóa
    5. Cải đậu mướp mơ thân ẻo lả
      Khác chi thân phận anh mông tơi
      Vương vào lại khổ anh và ả
      Dựa gốc si già cho sướng đời.


      Xóa
    6. Si không ở trong vườn
      Muốn dựa e là khó
      Thôi nếu mà sợ khổ
      Thì chết vứt là hơn!
      Anh HT à.

      Xóa
    7. Vớ vẩn của hàng đống tiền tương đương với hai con vịt mà nói ra phí thế.

      Xóa
  5. " Không còn bị Mồng Tơi quấn riết, Ngót lại sức dần. Giờ thì nó đã lại đứng thẳng, những chiếc lá non lại được dịp phô ra, mỡ màng, tươi tắn!"
    Ừ! như thế đấy...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng chị ạ, Ngót phải hồi sinh chứ, dù đã muộn màng! Nó lại sức: lại đứng thẳng, lại phô ra.
      Em cảm ơn chị Phương Tâm đã sang thăm.

      Xóa
  6. 1- Cây cũng biết tu hành thành "bồ tát" ?? Nếu mùng tơi xanh tốt mãi mãi thì cây ngót tàn lụi dần cho đến chết.. Thế nhưng khi mùng tơi lìa đời thì ngót thương tiếc lắm. Con người khuyên nhau chớ "Thương người hại mình". Rau ngót biết hại mình mà vẫn thương mùng tơi.
    2 - Ngụ ngôn là gì ?? Là một thể loại của văn học giáo huấn thường sử dụng phúng dụ như một nguyên tắ tổ chứ sản phẩm. Còn phúng dụ là nói bóng hoặc ám chỉ, một biện pháp chuyển nghĩa trong nghệ thuật ngôn từ, một kiểu hình tượng, một nguyên tắc tư duy và tổ chức chất liệu trong nghệ thuật nói chung (Tóm tắt trong Từ điển Văn học bộ mới )
    3- Vậy thì:
    - Có giáo huấn không ? Có và khá sâu sắc
    - Có ám chỉ không ? Có. Rau ngót được nhân cách hóa, suy nghĩ như một vị bồ tát.
    4- Tức là bạn OM nói không sai,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Quá trình của Ngót với Mồng Tơi: làm quen - kết bạn cho vui - quấn - không nỡ - không thể. Vậy nên khó cưỡng lại qui luật. Ngày tháng ở cùng nhau, cái nghĩa ở đời...tình thương là lẽ tất nhiên. Ngót mới chỉ thể hiện tính người và tình người, chưa tu thành bồ tát được.
      2. Lại tranh luận với anh Bu về nghĩa của từ và thể loại văn học. Về nghĩa của từ, ngụ ngôn là lời nói có ngụ ý. Còn thể loại ngụ ngôn ngoài định nghĩa như anh Bu nói, trong SGK định nghĩa: "Là thể loại văn học thường mượn chuyện loài vật, đồ vật, có khi là con người để nói về một vấn đề nào đó của con người."
      Lão Tan đùa đấy, anh Bu bao giờ cũng thật thà.

      Xóa
  7. huhu xin đính chính
    mục 2.: Nguyên tắc tổ chức sản phẳm

    Trả lờiXóa
  8. Một câu chuyện ngụ ngôn xứng và đáng.
    Vậy hòa ra hai cái anh này không thể kết duyên nhau được ư. Nhưng là tình nhân thì đẹp và đúng tính chất em nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh nói đúng. Nếu là tình nhân, chúng chỉ cần dựa vai vào nhau thôi, đúng không anh? Mỏi rồi thì nhẹ nhàng đẩy ra. Hết!

      Xóa
  9. Mồng Tơi quấn riết thân cành
    Khiến Rau Ngót phải gồng mình vươn lên
    Vẫn không thoát cảnh ép chèn
    Đành cam cuộc sống triền miên mịt mờ...

    Mồng Tơi gặp "hạn" bất ngờ
    Ở đời sống thác chịu nhờ rủi may
    Một ngày lìa thế gian này
    Để cho Rau Ngót xót cay thảm buồn...

    Giờ tuy cuộc sống khá hơn
    Ngậm ngùi Rau Ngót nhớ thương Bạn mình...

    Chia sẻ sâu sắc cùng em câu chuyện và cuộc đời của CÂY RAU NGÓT nhé em!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em nghĩ sắc màu cuộc sống trong truyện cũng bình thường mà. Cuộc đời Ngót cũng có gì phải bận tâm cho lắm để anh "chia sẻ sâu sắc"? Vậy nên em không thể nhận sự chia sẻ ấy để gửi cho nhân vật được! He he...

      Xóa
  10. Chị tìm thấy cả thân phận và cuộc sống của tác giả qua truyện ngắn mang tính ngụ ngôn này nè. Ngắn, tự nhiên, nhẹ nhàng mà sâu sắc đó nha!
    Em quả là có khả năng biến những cái bình thường quanh mình thành truyện. Chị đã đọc ở đâu đó rằng đây chính là phẩm chất đầu tiên của người viết truyện ngắn đó em

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, câu chuyện ngụ ngôn phản ánh cuộc đời có thể ứng với nhiều con người cụ thể, phải không chị? Và có thể có bóng dáng tác giả trong đó. Lời khen không dài dòng mà làm em sướng dài ngày. Hi hi...
      Hồi đi học, cô giáo nhận xét em là người có tố chất văn chương. Khi dạy học được đâu hơn mười năm, có một người bảo em bỏ ngang để đi học trường viết văn Nguyễn Du và đảm bảo cho em một suất biên chế ở Hội VHNT tỉnh. Và chị thấy đấy, giờ thì em vẫn là nhà giáo! Em bằng lòng với sự lựa chọn của mình về nghề nghiệp.

      Xóa
  11. 1- Tu là một quá trình, ông Thích Ca khi thành Phật rồi vẫn kì thị phụ nữ. Bà dì ruột nuôi ông khi mới lọt lòng nhưng xin ông gia nhập tăng đoàn ông không cho, bà phải khóc với ông A nan, ông này vật nài xin, đức Phật mới đồng ý. Ngày nay trong kinh A di đà ghi 48 lời hứa của vua Vô Tránh Niệm với đức Phật (kiếp trước, không phải Thích Ca) rằng nếu được thành Phật thì thế giới của tôi sẽ không có đàn bà, thậm chí không có từ nào nói về đàn bà. Vua Vô Tránh Niệm đã thành Phật A di đà, hiện nay trong các chùa Tịnh Độ vẫn tụng kinh đó. Mà 80% phật giáo Việt Nam theo Tinh Độ.
    2- Hiện nay người trong chung cứ bu ở chỉ mong có sự cố chập điện, mất nước, để mọi người tụ tập nơi hành lang mới có dịp hỏi nhau dăm ba câu, không thì ai ở nhà nấy. Rau ngót sẵn sàng kết thân với mùng tơi là thiện chí với hàng xóm. Hai chữ bồ tát bu đóng ngoặc, Tuy nhiên nói một cách ngụ ngôn thì Rau Ngót thương yêu người làm hại mình là kẻ có hạnh bồ tát, Phật giáo nói như vậy. Tính giáo huấn của ngụ ngôn là chỗ đó.
    3- Bu tui chỉ nói bạn Om đúng chứ không nói gì thêm. Tất cả những gì bu còm là dựa vào văn bản của tác giả, Định nghĩa về thể loại văn học bu nói theo từ điển văn học. Bu chưa từng thấy sách giáo khoa, vì nay cải cách mai cải cách thì biết tin vào sách nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh xã biết không, mỗi khi có lời còm của anh là em sướng lắm! Sướng không phải được khen mà được biết thêm nhiều điều về cuộc sống qua sự soi chiếu của đạo Phật. Chẳng biết anh dành bao nhiêu thời gian trong một ngày để nghiên cứu cái thứ mà nều em sa vào đó như "chim chích vào rừng xanh"!
      Bạn Om nói đúng, nếu không ai phản bác gì thêm thì có lẽ mọi người đồng ý rồi, mình không cần giải thích nữa, đúng không anh? Nhưng mà em lại muốn "cãi" một chút cho vui: định nghĩa theo từ điển là chính xác, nhưng khi đưa khái niệm thể loại vào SGK, đối tượng tiếp nhận là học sinh phổ thông nên tác giẩ biên soạn đã tìm cách diễn đạt dễ hiểu, tránh các thuật ngữ chuyên ngành mang tính hàn lâm. SGK cải cách nhiều lần, thay đổi nội dung, bố cục, riếng các khái niệm về thể loại văn học thì vẫn giữ nguyên anh ạ.

      Xóa
    2. 1- Bu tui hơi dài dòng trong mục "Tu là một quá trình…" để nói rằng Rau Ngót quý mến người hàng xóm Mùng tơi là một chuỗi ngày dài lâu, chớ không phải một sớm một chiều. Đó là một quá trình nó tiệm ngộ ra lẽ phải, nhà phật gọi là tu. Nhưng NT cho là “Ngót mới chỉ thể hiện tính người và tình người, chưa tu thành bồ tát được.” Tác giả nhớ cho hai chữ “bồ tát” bu tui đóng trong ngặc kép tức là chưa khẳng định chính thức. Nhưng bị hàng xóm gây hại sắp tàn rụi đến nơi mà Rau Ngót vẫn quý mến Mùng Tơi thì rõ ràng nó có hạnh bồ tát. Phật giáo có nhiều hạnh như hạnh nhẫn nhục, hạnh bố thí, hạnh bồ tát…. Thiên chúa giáo xem Rau Ngót “thương người như thể thương thân” như lời dạy của chúa trong Thánh kinh.
      2- Bu tui muốn nhìn nhận câu chuyện trong triết lý nhân sinh cao cả, khái quát. Với bu thì chấm son đỏ của câu chuyện là Rau Ngót không ân hận mùng tơi đã làm hại mình mà vẫn thương quý nó. Đây là bài học thấm thía cho con người đang đầy rẫy thù hận. Chỉ vì quyền lợi của đất nước mình, dân tộc mình mà sẵn sàng tàn hại dân tộc khác . Bành trướng Đại Hán tuyên bố ai làm hại Tàu một, Tàu sẽ trả đũa lại một trăm. Rõ ràng cây Rau Ngót của bạn đã cho họ một bài học vậy.

      Xóa
    3. Ờ ờ...hóa ra là Phật giáo có nhiều hạnh đến vậy. Em đi dạy học thì chỉ biết mỗi cái hạnh kiểm thôi. Đứa nào không ngoan, không mua quà cho cô nhân ngày 20/11, không nộp tiền học ....thì cô bảo: "Này, muốn hạ hạnh kiểm không?"
      He he... Sợ liền.
      Đùa anh Bu tí thế thôi, câu chuyện em viết mang tính suy ngẫm từ thực tế cuộc đời và tình người. Giờ anh Bu đem ra phân tích mổ xẻ để thấy triết lí nhà Phật làm em hứng thú quá.

      Xóa
  12. Em thăm chị đoc xong em thấy như mình có quen hai cây này chị ạ!.. Có cây còn có ý định tới nơi cho em bất ngờ kia...
    Chị đi SG mà không LL với em nha..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thấy quen là chị đã thành công trong cách xây dựng nhân vật rồi đó nha.
      Vào SG - VT trong 5 ngày nhưng lịch tham quan của đoàn kín rồi em ạ. Có vài buổi tối rảnh thì mưa tầm tã, có liên lạc với em thì cũng khó. Thông cảm cho chị em nhé.

      Xóa
  13. tiếc là rau ngót chứ không phải tùng quân bạn nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế mới nên chuyện đó anh Mẫn! Giá như mồng tơi có một cành tre khô cũng đủ.

      Xóa
  14. Bài này nói lên sự đeo bám & buông bỏ!...........

    Trả lờiXóa