Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

HOA TRÊN ĐỈNH NÚI 11


- A, anh Bình và Tuyết vào rồi à?
 Nga reo lên rồi quay sang Na:
- Anh Bình học 10 +3 Văn Sử Tân Kì, còn Tuyết cùng lớp sư phạm với mình.
Na gật đầu chào. Tuyết cười, tiếng cười nhạt như nước ốc, rồi nói giọng eo éo:
- Ôi cha, một người đẹp tròn xoe! Mọc đâu ra mà lạ quá ta?
- Na học ở Vinh, khoa văn. - Nga nhanh miệng đáp - Nhưng là bạn học phổ thông với mình.
- Thế a?-  Cái giọng ưỡn ẹo lượt thượt lại cất lên - Anh Bình, chào đồng môn kìa! - Đôi mắt lá răm lúng liếng liếc ngang, đôi môi mỏng lèo lèo cười giả lả. 
- Ô, em cũng dân văn à?Vào lâu chưa? - Anh Bình đưa tay ra phía Na, mắt phải nhìn Na, mắt trái lại nhìn sang hướng khác.
- Dạ, em chào thầy! - Na cũng đưa tay ra, bụng nghĩ thầm: "Lác xẹo thế này học sinh khó biết thầy đang nhìn ai".
- Thầy gì, anh ra trường trước em ba năm, gọi anh thôi, nhé.
Giờ thì Na đã tập trung nhìn vào mắt phải của người nói chuyện:
- Dạ, em cũng vào được hơn tuần rồi.
- Thế hai em đi  bản về à?
 Tuyết dẫm chân, õng ẹo:
- Thôi anh, vào nhanh để còn soạn phòng! 
 Cả bốn rảo bước vào trường. 
 Bình vừa đặt phịch chiếc ba lô xuống thềm, đã nghe giọng eo éo của Tuyết:
- Anh, chân em bẩn hết rồi này!- Mỗi âm tiết kéo ưỡn ra, nũng nịu.
- Rồi rồi, có anh đây!
  Bình nói rồi chạy vội lại lấy ống bương nước:
- Em ghé chân đây, anh dội cho nào!
Tuyết xắn quần, để lộ bắp chân trắng nuột nà, Bình nghiêng ống bương dội xuống. Nước tràn lênh láng cả thềm kí túc.
- Ai cho lấy nước nấu ăn rửa chân thế hả?- Chị Lục vừa bước ra, quát to. - Người đâu mà vô ý thức!
- Ôi, chị Lục làm em hết hồn! Em rửa chân một tẹo tèo teo thôi mà.- Tuyết lại nũng nịu.
- Này, rửa chân thì ra suối, nước người ta vác về không phải để anh chị rửa chân, nhá.
Tuyết ngúng nguẩy quay đi, miệng lầm bầm câu gì nghe không rõ. Một lát sau đã nghe họ vừa cười rúc rích vừa quét dọn căn phòng cuối dãy nhà sát phòng chị Lan. Khi cả hai đang ra suối tắm, Na tò mò :
- Chị Lan, hai người này là...
- Ôi chà, ra nấu ăn không chị Lục lại réo bây giờ! - Lan gắt.


  Vừa soạn bàn ăn, Nga vừa  hét váng lên:
- Cả nhà ra ăn cơm đơi!
   Mọi người ăn được một lúc rồi Bình và Tuyết mới đi ra. Na tròn mắt: "Đẹp quá!" Trước mắt Na, Tuyết nhìn khác hẳn lúc mới vào. Mái tóc dài buông thả, da trắng, mắt đen, má hồng, môi đỏ. Thoảng một mùi thơm dịu dàng quyến rũ tỏa ra từ bộ đồ mỏng tang bó sát người. Nơi xứ sở này mà có người  trang điểm son phấn kĩ càng thế sao? Ở trường, chỉ khi diễn văn nghệ thì Na và các bạn mới có dịp được thoa lớp phấn bông lúa bạc phếch, tô môi, xoa má bằng thỏi son gió đỏ chon chót, thế mà trước khi diễn cứ cầm gương ngắm mình không biết chán. Chị Lục làu bàu:
- Không lo ra mà ăn, trang điểm phấn son cho muỗi khỏi cắn à?
Mọi người cùng cười. Bình và Tuyết ngồi cạnh nhau. Tuyết nhai nhón nhén từng ít một.  Mỗi lần  gắp rau bỏ vào bát cho Tuyết, Bình lại âu yếm:
- Ăn đi em!
 Na thoáng buồn. Ninh chưa bao giờ có cử chỉ chăm chút yêu thương mình như thế.
- Không thấy mấy đứa kia vào à? - Chị Liên chợt hỏi.
- Hôm trước mấy đứa lên đến huyện, nghe bảo trường vẫn chưa có hiệu trưởng nên chúng về rồi.- Bình vừa san cơm sang cho Tuyết vừa nói.
- Em cũng bảo anh Bình khoan vào, vào cũng đã dạy đâu. Thế mà một hai bắt em đi. Người gì mà yêu trường yêu lớp thế không biết! Tuyết nguýt Bình một cái rõ điệu rồi cười rinh rích - Hay anh nhận làm hiệu trưởng đi?
- Thôi thôi, cho anh xin! Quản lí mỗi một em mà mệt muốn đứt hơi, quản lí cả mấy chục cô nữa thì...
- Thì em xẻo tai anh đi, nghe chưa?
 Tuyết cầm tai Bình lôi nghiêng đầu xuống bộ ngực căng đầy nhưng nhức.
- Nhí nha nhí nhố, ăn đi khỏi tốn dầu!- Chị Lục quát. 
- Thế Kỳ "khỏn" với Đồng và Lân chưa vào à Liên?- Bình hỏi.
- Nghe nói cả ba đang chung nhau nấu cao sơn dương ở dưới bản Hủa Na.

Từ sau đêm thứ hai, Na dọn hẳn sang phòng chị Lan. Tối hai chị em tắt đèn đi nằm sớm. Nằm thế thôi chứ thường khuya lắm mới ngủ được. Lan ít nói, ngoài những chuyện kể về mọi người cho Na nghe hôm đầu, gần như chị chẳng muốn nói gì về mình. Na nằm im, thả suy nghĩ trôi về những ngày đang học ở trường sư phạm. 
  Lớp K5 Văn - Nhạc của Na hội đủ mấy cái nhất: nghịch nhất, lười học nhất, nhiều người đẹp nhất và ...yêu nhiều nhất. Nghịch nhất thì rõ rồi, không có trò gì mà không nghĩ ra. Từ việc đi moi trộm khoai lang của dân bị chửi te tua đến trộm nồi cơm của thầy giáo đang nấu dở làm thầy phải viết thông báo tìm nồi trên bảng tin, từ việc nhát ma kẻ đi chơi khuya làm người ta chạy húc vào gốc cây u cả trán đến tổ chức đủ trò dọa khách đòi quà làm nhiều kẻ phải quay ra cắm đồng hồ cho căng tin mua kẹo, từ việc đi rình mò người ta yêu nhau bị kiến vàng đốt sưng mặt đến việc quẹt nhọ nồi vào mặt đứa ngủ muộn để khi thầy đang dạy thì một tên hề thập thò xin vào lớp...Trò nào cũng mở đầu bằng những trận cười bò lăn bò toài và kết thúc bằng việc đứng trước thầy chủ nhiệm mếu máo xin lỗi, hứa không tái phạm. Và lười. Lớp Văn Nhạc bị gọi là Văn Nhác. Đêm, khi các lớp khác im ắng học bài thì K5 Văn Nhác hát inh ỏi. Ban quản lí kí túc đến nhắc nhở, bảo chúng em còn ôn nhạc. Ôn gì mà láo nháo như chửi nhau vậy? Rằng xướng âm thầy ạ. Hì hì..."Đồ mi là đồ mi phá, cha mi về là cha mi la..." Học Hán Nôm đã khó, lại thêm ông thầy vừa già, vừa nghiêm. Thế là chờ khi thầy đến ngoài cửa lớp, quản ca cất hát bài "Ngày thống nhất Bác đi thăm" của Phạm Tuyên. Bài có 3 lời, lời nào cũng dài. Hát xong lần một, hát lại lần hai, vừa hát vừa đập nhịp giữa bàn rầm rập rầm rập.Thầy nóng ruột quá, bước vào khoát tay: "Thôi thôi, Bác mất trước khi nước nhà thống nhất rồi, các anh các chị đừng gào thế nữa, mất thời gian". Lớp nổi tiếng còn là vì có nhiều người đẹp. Cuối tuần, các chàng trai ở trường khác, khoa khác lượn lờ, tán tỉnh, khích bác, đánh nhau...vui đáo để. Nói cho công bằng, bên khoa Toán cũng nhiều người đẹp, nhưng lớp Văn - Nhác "máu" yêu hơn. Trong khi nhiều đứa thay người yêu như thay áo thì Na và mấy bạn nữa vẫn chỉ thích trò đi rình người ta ...hôn nhau. Nghề đi rình cũng khá gian nan vất vả. Có hôm bị dây thép gai ngoắc toạc cả quần, có hôm leo lên cây ngã bầm tím mặt. Nghĩ và bật cười một mình, chị Lan quay sang:
- Điên à, gì mà cười?
 Thế rồi Na cũng nhận lời yêu người ta. Bạn bè bảo Na thế mà may, gặp được người biết lo lắng cho mình đủ điều. Nhưng Na thấy hình như đó không phải tình yêu. Với thâm niên hai năm đi rình, Na thấy các cặp đôi lãng mạn lắm, ánh mắt họ trao cho nhau tình tứ lắm, nụ hôn của họ dành cho nhau  ngọt ngào lắm. Sự lo lắng, quan tâm của Ninh đối với Na không thể gọi là tình yêu! Nhiều khi Na nghĩ, giá như anh là anh trai của Na thì tốt biết bao! Anh thường đưa ra mệnh lệnh em phải thế này, em cần thế kia chứ không bao giờ hỏi em cảm thấy thế nào, em mong ước điều gì. Anh chỉ nói cho Na nghe chứ không muốn nghe Na nói. Tình cảm của anh không đủ sức ủ ấm trái tim Na. Ngọn lửa tình yêu cứ leo lét và tàn dần như ngọn đèn khô bấc. Na bỗng thở dài. Chị Lan lại quay sang: " Vừa cười đó rồi thở dài sườn sượt, đồ thần kinh!" 

  Đêm nay, hai chị em cũng tắt đèn nằm im. Phòng bên Tuyết và Bình lúm ngúm ăn kẹo. Tiếng cười rúc rích khi một tiếng "cốp" giòn tan vang lên.
- Anh ...nó sắp cắn em kìa!- Giọng Tuyết nũng nịu.
- Gì cơ?
- Đó, đó...nó bay ngay trước mặt em đó, đánh đi anh! - Tuyết lại léo nhéo.
- Muỗi à? Anh có thấy đâu?
- Không...không phải muỗi, kìa...nó bay sát vào mắt em rồi...nhanh lên!
- Đâu? Mà không phải muỗi thì con gì?
- Con mằn hăn đó! 
Cả hai lại rinh rích cười. Tấm sạp giường bằng tre kêu cót két.
- Họ cưới rồi hả chị? - Na thì thầm.
- Ai?
- Thì bên đó đó...
- Vớ vẩn! Ngủ đi, đừng lắm chuyện!- Chị Lan gắt.
Sáng đi suối hỏi Nga, nó cười ngất:
- Anh Bình có vợ và một con gái ở quê rồi, hâm ạ.
- Thế sao lại...
- Sao với trăng. Hôm nào tớ kể cho mà nghe cuộc tranh giành người đẹp giữa Bình và Kỳ "khỏn" vào hồi năm ngoái. Nhất lé nhì lùn nên cuối cùng lé thắng.
- Đẹp thế mà...phí đi.
- Phí cái con khỉ. Hồi ở sư phạm, bạn bè gọi nó là Tuyết "éo" vì cái giọng eo éo của nó. Tuyết "éo" yêu một thầy dạy thể dục, ăn ở như vợ chồng, tưởng ra trường là cưới, hóa ra ả bị "phăng teo" ngay sau khi thi tốt nghiệp.
 Rồi giọng Nga chùng xuống:
- Cả kí túc này vì Tuyết mà mang tiếng. Đúng là con sâu làm rầu nồi canh.
- Thế công đoàn không có ý kiến gì à?
- Chủ tịch công đoàn là  Kỳ "khỏn" thì còn nói gì? 
 Na cười:
-  Ừ, đúng là "làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen", nhỉ?
- Không hẳn thế đâu, hai cha này cũng mắc mớ với nhau nhiều chuyện lắm!
                                                    (còn nữa)


  


  







5 nhận xét:

  1. Truyện kể suôn, sử dụng nhiều tình tiết thời học trò hay đáo để. Mạch kể cứ thế này thì tuyệt.
    Tuy nhiên cần xem lại tình tiết Bình Tuyết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em định không đăng HOA TRÊN ĐỈNH NÚI tiếp nữa anh ạ. Bởi em không muốn bạn blog mệt mỏi vì câu chuyện dài lê thê của mình. Hôm nay hết phép nhưng nhằm vào thứ 7 nên chưa đi trường, ngối chỉnh sửa rồi bấm nhầm xuất bản. Thôi lỡ rồi để vậy kẻo anh lại chạy theo mà hỏi: "Lại thu cái gì trong bị mà không dám lôi ra?" He he...
      Em sẽ viết tiếp như kế hoạch. Viết để lưu lại hình ảnh những con người, những thân phận nổi chìm, những thử thách mà không phải lúc nào ta cũng vượt qua. Nhưng cuối cùng thì cuộc sống vẫn luôn hướng về những điều tốt đẹp.
      Tuy nhiên, em sẽ lưu kho chứ không đăng lên blog nữa.

      Xóa
  2. Lão có đọc rồi. Lão đồng ý với ý kiến của em . Món ăn dù ngon nhưng ...Bữa mô cũng hắn ...Chộ mà ngầy.
    Tranh thủ thời gian mà viết được như vầy là nhiệt huyết với truyện lắm. Ý chí tuyệt vời đấy em.
    Với lão , nhìn thấy dài chữ là...sợ. Trong lúc phụ nữ , càng vuốt càng dài ra lại thích.

    Trả lờiXóa