Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

CHÉN RƯỢU TÌNH NỒNG- Đôi điều cảm nhận về bài thơ CẢ NĂM CÓ MỘT ĐÊM NÀY (của Thái Tâm)

CẢ NĂM CÓ MỘT ĐÊM NÀY
(Thái Tâm)
Quanh năm chợ búa gánh gồng
Bao giờ được uống với chồng vài ly.
Chồng hiền chẳng nói làm chi
Vợ ngoan mà chẳng mấy khi rỗi ngày!
                                                             Cả năm có một đêm này
Trẻ đi phá cỗ trăng ngày mười lăm
Chỉ mình – ta, dưới ánh trăng
Với chai rượu nếp sủi tăm mát lòng!
Chén này tiễn biệt lưng ong
Hết thời mắt biếc đưa đong cái nhìn!
Chén này uống để mà tin
Chén này nữa...cạn đi mình...đã chưa?
Bây giờ yêu cũng khác xưa
Không ào ạt gió, không mưa sập sầm
Ngày lo manh áo miếng cơm
Đêm nằm lắng tiếng nguồn cơn cuối đời!
Rót đầy...em chả thích vơi
Chỉ riêng chồng – vợ, ai cười chi ta!
Đừng chê em dại, em già
Một thời em cũng là hoa của mình!
Bây giờ mới thấy mình xinh
Có say thì cũng say tình...mình ơi!
Ta mình nâng chén kề môi
Rượu suông nhắm với bồi hồi ánh trăng!
*      *
*
CHÉN RƯỢU TÌNH NỒNG
(Mấy lời cảm nhận của Nhật Thành về bài thơ)

Xưa, cụ Nguyễn Khuyến đã từng than thở:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua!
  Thời nào cũng vậy, đàn ông uống rượu là phải có bạn. Có bạn để rồi vừa nhâm nhi, vừa đàm đạo văn chương hay luận bàn thế sự, chuyện trên trời dưới đất! Có bạn để mà cụng li, rồi khi ngà ngà say mà trổ tài ăn nói. Có bạn để mà hô, mà hét, mà khua chân múa tay cho sướng sự đời!  Vì thế cho nên, chỉ cần có chén rượu ngon, có vài món nhắm tàm tạm là nghĩ ngay đến bạn! Đã mấy ai có rượu ngon mồi thơm mà nghĩ đến vợ chưa nhỉ?
Vậy mà, đáng quý thay, giữa bao nhiêu cuộc “vui tràn cung mây” ấy, có người chồng đang lắng lại để nghe được nỗi ước ao thầm kín của vợ mình:
Quanh năm chợ búa gánh gồng
Bao giờ được uống với chồng vài ly.
Chồng hiền chẳng nói làm chi
Vợ ngoan mà chẳng mấy khi rỗi ngày!
  Một  mong ước thật dễ thương! Chỉ được ngồi uống với chồng vài ly thôi. Vài ly rượu đủ để xua tan bao nỗi nhọc nhằn, vất vả trong cuộc mưu sinh “quanh năm” ấy. Vài ly để vợ chồng có dịp  lắng lại trong nhau chữ tình chữ nghĩa. Thế mà có được vài ly cùng nhau ấy cũng khó lắm thay! Em thì hầu như tất bật với bao công việc có tên và không tên. Ngoài chợ búa gánh gồng như bà Tú ngày xưa thân cò lặn lội “buôn bán ở mom sông”, em còn lo chuyện con cái, chuyện bếp núc, chuyện con lợn, con gà...Còn anh, ngoài công việc, rảnh ra anh còn bận giao lưu, bận thơ phú văn chương, bận ...tiếp rượu bạn hiền! Thế thì “bao giờ được uống với chồng vài ly” nhỉ? Và cuối cùng, mình đã chọn được thời gian rồi đấy:
Cả năm có một đêm này
Trẻ đi phá cỗ trăng ngày mười lăm
Chỉ mình – ta, dưới ánh trăng
Với chai rượu nếp sủi tăm mát lòng!
  Một thời gian và không gian thật lãng mạn. Vào ngày rằm tháng Tám, trăng tròn và sáng lắm! Trăng mênh mang thả sợi bạc lên vòm lá, thả sợi vàng xuống mặt ao. Có hai không gian đối lập nhau: không gian ngoài kia, nơi sân làng, lũ trẻ nhộn nhịp, ồn ào trong tiếng cười đùa, trong tiếng reo vui bên mâm cỗ Trung thu: hồn nhiên và vô tư biết mấy!  Còn không gian ở đây, giữa sân nhà mát rượi, chỉ lặng lẽ mình và ta. Dưới ánh trăng, hình như mình trẻ hơn ra? Trăng xoa bớt những nếp thời gian hằn trên khóe mắt, trặng làm dịu đi những vết nhọc nhằn in dấu trên đôi tay. Thoảng trong làn gió thu dịu nhẹ, mùi rượu nếp thơm lừng! Chưa uống mà lòng dạ đã chênh chao!
  Không lời chúc ồn ào, không mạn đàm thế sự, không văn chương thơ phú. Vậy họ nói với nhau những gì trong cuộc rượu đêm nay? Ta hãy lắng nghe những lời đối thoại.
 Bắt đầu là  người vợ:
Chén này tiễn biệt lưng ong
Hết thời mắt biếc đưa đong cái nhìn!
Chén này uống để mà tin
Chén này nữa...cạn đi mình...đã chưa?
 Chén này...chén này...chén này nữa...Uồng đi mình ơi! Uống cho em được dịp giãi bày! Thế là em đã qua rồi thời xuân xanh mơn mởn. Từ “tiễn biệt” nghe sao buồn quá đỗi. Nhưng qui luật cuộc đời là thế. Có ai trẻ mãi không già?  Dáng em không còn eo thon mềm mại, mắt em không còn lúng liếng đong đưa.Vậy mình có còn yêu em như xưa không nhỉ? Không! Em uống chén này để mà tin. Em tin rằng thời gian có thể làm em hao gầy nhan sắc, nhưng thời gian không làm tình yêu đôi ta vơi cạn, phải không mình? Và mình cũng cạn đi để khẳng định với em điều đó nhé.
 Uống cạn từng ly, nghe thấu nỗi niềm của vợ qua ánh mắt, qua hơi thở nồng nàn, qua cử chỉ ân cần trìu mến, người chồng nhìn vợ dịu dàng:
Bây giờ yêu cũng khác xưa
Không ào ạt gió, không mưa sập sầm
Ngày lo manh áo miếng cơm
Đêm nằm lắng tiếng nguồn cơn cuối đời!
  Mình già rồi, anh cũng đâu còn trẻ nữa? Tình yêu của anh cũng đã lắng xuống dần theo tuổi tác. Và cái sự YÊU là thước đo sức khỏe của người đàn ông đấy. Giờ “ không ào ạt gió, không mưa sập sầm” nữa. Dù không dập dồn, không ào ạt, không hối hả nhưng đằm thắm, mặn mà và sâu sắc hơn xưa. Chắc hẳn người vợ vừa mỉm cười khi nhớ lại cái thời ào ạt gió, sập sầm mưa ấy lại vừa thương chồng đến nao lòng trước lời giãi bày tâm sự:
Ngày lo manh áo miếng cơm
Đêm nằm lắng tiếng nguồn cơn cuối đời!
  Trời ạ, già rồi thì cứ nhận già đi cho tiến bộ, đằng này lại còn đổ lỗi một chút cho  cuộc sống nhiều lo toan, trăn trở! Rõ ghét!Nghĩ thầm thế thôi, rồi vợ lại nhìn chồng âu yếm, mắt lấp lánh ánh trăng:
Rót đầy...em chả thích vơi
Chỉ riêng chồng – vợ, ai cười chi ta!
 Vợ chồng gắn bó bao năm, ta hiểu mình, mình hiểu ta. Cũng chả phải giữ gìn ý tứ như thuở mới yêu nhau. Em cũng chả cần phải tỏ ra rụt rè, e thẹn làm duyên làm dáng mà chi nữa. Già rồi, cái tình cạn, cái nghĩa đầy. Và trong thoáng chút nhớ về ngày xưa ta yêu nhau ấy, người vợ bỗng tự nhiên chạnh lòng! Một chút tủi hờn, một chút trách móc nhưng hiện ra trong đôi mắt là sự nũng nịu đáng yêu:
Đừng chê em dại, em già
Một thời em cũng là hoa của mình!
  Nếu xét về trường từ vựng thì từ “dại” thuộc trường tính cách, còn “già” thuộc trường hình thức, “hoa” cũng thuộc trường hình thức ( trong nghĩa ẩn dụ). Vậy nên, trong phép tương phản đối lập ở đây, theo tôi nên thay từ “dại” bằng từ “ xấu” thì phù hợp hơn.
   Nghe vợ nũng nịu dỗi hờn, tự nhiên chồng thấy yêu vợ mình đến lạ! Và dưới ánh trăng đêm nay, trong nồng nàn men rượu đêm nay, người chồng ngắm vợ và thảng thốt, ngỡ ngàng nhận ra:
Bây giờ mới thấy mình xinh
Có say thì cũng say tình...mình ơi!
Anh nói thực lòng đấy mình ạ. Không phải nói trong men rượu mà nói trong men tình! Vợ nghe chồng nói mà thấy lòng rạo rực dâng trào hạnh phúc! Đi gần trọn cuộc đời bên nhau, những phút giây như thế này, những lời nói như thế này cũng không nhiều lắm đâu. Trên trời, trăng mười rằm vẫn trôi nhẹ giữa những đám mây mùa thu bồng bềnh. Dưới sân, bóng đôi ta quyện hòa và tâm hồn ta  bồng bềnh mơ  thực:
Ta mình nâng chén kề môi
Rượu suông nhắm với bồi hồi ánh trăng!
Không phải chỉ nhắm với ánh trăng đâu! Sau một chén rượu nồng, ta còn gắp cho nhau hạt yêu, hạt quý, ta gắp cho nhau hạt nghĩa, hạt tình. Hạt thơm ngạt ngào trong  gió thoảng mùa thu!
  Tôi đã từng biết và “mê” Thái Tâm từ những truyện ngắn mang đậm bản sắc văn hóa Thái. Thỉnh thoảng có “liếc” qua đôi bài thơ của anh. Nhưng từ khi may mắn được đọc tập bản thảo TỰ HÁT RU MÌNH  mà tôi vẫn gọi là LỤC BÁT THÁI TÂM ( gồm 20 bài thơ, nghe bảo chưa có tiền để in!), tôi mới chú ý nhiều hơn đến những bài lục bát của tác giả. Thơ lục bát của anh tuy chưa thật sự ngọt ngào và từ ngữ chưa thật gọt dũa trau chuốt như những nhà thơ chuyên nghiệp khác nhưng nó lại có sự dịu dàng, đằm thắm và cũng không kém nồng nàn. Và chỉ cần thế thôi, đủ để đánh thức bao con tim đang còn yên ngủ!
                                                                     Tháng Tư – 2013
                                                                             

25 nhận xét:

  1. Tôi đã đọc nhiều thơ, truyện của Nhật Thành và rất yêu mến văn chương của tác giả. Dẫu sao cũng ko quá bất ngờ vì NT là người có năng khiếu tâm hồn văn chương thiên bẩm và trau dồi, thử thách nhiều trong nghiệp viết cũng như thực tế nên tác phẩm mang đầy hơi thở cuộc sống.Được nhiều người mến mộ. Vả lại, Truyện ngắn và Thơ là sở trường của Nhật Thành rồi, đọc dẫu thích mấy cũng ko quá ngạc nhiên để khen "Phò mã tốt áo" nữa. Điều bất ngờ là gần đây ngoài truyện, thơ và các thể loại khác, NT còn viết lý luận phê bình, bài nào đọc cũng nhuyễn, cũng thấy thấu tình đạt lý và thú vị như bài TÌNH YÊU KHÔNG CÓ TUỔI - (Bình luận về bài THƠ TÌNH TUỔI 60 của Tú Tâm). Và bài CUỘC RƯỢU TÌNH - Giới thiệu và bình bài CẢ NĂM CÓ MỘT ĐÊM NÀY của Thái Tâm.
    Về bài thơ nêu trên của Thái Tâm, người đọc bình dân nhất đã thấy hay rồi. Nhưng qua cảm nhận và lăng kính, cách dẫn dắt của Nhật Thành, giúp ta càng liên tưởng và hiểu thêm nhiều tầng ngữ nghĩa ẩn sâu trong bối cảnh, không gian rộng của bài thơ. Giúp ta hiểu thêm, cảm thêm cái đẹp của văn chương. Lời bình sâu sắc và khách quan như là một sự đồng sáng tạo, giúp bài thơ tỏa sáng và cất cánh hơn lên, giúp độc giả mở mang và thêm mê say tận hưởng thưởng thức món ăn tinh thần sang trọng...Cảm ơn Nhật Thành đã có sự quan tâm, giúp độc giả đc tiếp cận với bài thơ hay và hiểu rộng thêm về bài thơ... Tuy nhiên, ở đoạn Nhật Thành viết: " Ta GẮP cho nhau hạt yêu, hạt quý, GẮP cho nhau hạt nghĩa hạt tình"...Theo cảm nhận của tôi thì dùng chữ GẮP ở đây hơi "khô" và hơi cụ thể. Ở trên, VỢ CHỒNG NGHIÊNG CHÉN KỀ MÔI là thực rồi thì nay RƯỢU SUÔNG UỐNG VỚI BỒI HỒI ÁNH TRĂNG ta nên TRAO,hoặc CHUỐC cho nhau "hạt nghĩa tình thơm ngạt ngào trong gió Thu", thì cảm thấy huyền ảo lãng mạn và giàu chất thơ hơn...
    Đôi điều tản mạn theo chủ quan của mình, mong đc NT và bạn đọc cảm thông. Chúc NT vui khỏe và có nhiều sáng tác hay nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Hơ..hơ..thế là bạn không biết rồi, người miền núi chúng tôi hay nhắm rượu với hạt lắm, mà hạt không bốc tay đâu nhá, lấy đũa gắp đấy. Gắp cả cơm cơ. Vậy nên mới có câu đối đáp:
    Nữ:
    Bẩn chi cơm mà anh dùng đũa gắp
    Sạch chi...mà anh bốc bằng tay?
    Nam:
    Sạch chi sân mà em thả váy
    Bẩn chi giường mà em vén váy lên?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhật Thành thông minh, vui, hóm hỉnh và tếu táo lắm. Nhưng tạm gác chuyện vui đối đáp dân gian, quay trở lại với lời bình bài thơ thì " Rượu suông nhắm với bồi hồi ánh trăng", đã "rượu suông" rồi, chỉ có mồi nhắm là ánh trăng nhưng cũng đủ thi vị và lãng mạn lắm.Thêm vào "hạt yêu, hạt quý, hạt nghĩa hạt tình" càng say đắm và nồng thắm biết bao, nhưng đó là những hạt trừu tượng, ko cụ thể, ta chỉ cảm nhận và trao cho nhau bằng ánh mắt làn môi hay trong tâm tưởng, chứ dùng chữ "gắp" e có quá thực, ko sát với cái ảo của khung cảnh lãng mạn và các tính từ trên chăng?...
      Vui vì Nhật Thành đã vào đc nhà mình, Chúc chủ nhân khỏe vui và hạnh phúc nhé!

      Xóa
    2. Vâng, rượu suông là do TT uống thôi, còn NT thì không chịu "suông " bao giờ! Phải có cái gì để "gắp" thì mới "xôm trò" chứ. Cái gì suông cũng chán phèo! Có một TT chịu uống rượu suông, có một QT uống trong tâm tưởng, các nhà thơ sao mà dễ tính và chịu khó thế! NT thì phải thực cơ! Hi...hi...

      Xóa
  3. Chào Nhật Thành!
    Em là chúa rườm rà, rườm ra từ cái tiêu đề rườm ra đi; anh là chúa ghét(Đánh phủ đầu để đỡ bị mắng).
    Mời nhà phê bình sang giúp tôi một bài, nếu hay trả công hậu hĩnh.
    Chúc mừng ngày hội ngộ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hơi chậm chạp một chút, nhưng em sẽ sang. Chỉ cần gắp cho em một hạt gì đó là được.

      Xóa
    2. Không phải chỉ nhắm với ánh trăng đâu! Sau một chén rượu nồng, ta còn gắp cho nhau hạt yêu, hạt quý, ta gắp cho nhau hạt nghĩa, hạt tình. Hạt thơm ngạt ngào trong gió thoảng mùa thu!
      ST lại rất thích lời bình này.Nó cụ thể mà tình tứ, tưởng như rõ ràng mà vẫn rất huyền ảo lãng mạn đấy chứ. Sao mà dùng từ trao hay chuốc để thay cho từ gắp ở đây được.
      Bài thơ này đúng là chưa nuột lắm nhưng lời bình thì khá tuyệt. Chúc mừng NT.
      Em đã đọc bài UỐNG RƯỢU VỚI CHỒNG của Đoàn Thị Lam Luyến chưa? Chị thích bài đó lắm

      Xóa
  4. Lời bình nâng cánh cho Thơ
    Nhật Thành thả bút ngẩn ngơ mấy người!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh đã sang chơi
      Cho em ngơ ngẩn nhớ người trời Tây!

      Xóa
    2. Ai ngẩn ngơ thì ngẩn ngơ
      Riêng tôi không chịu thẫn thờ vì thơ

      Xóa
    3. Không thẫn thờ mà ra ngơ vào ngẩn
      Quay đi rồi lòng vẫn chưa nguôi!
      Hi hi...Dạo này đi câu một mình, không thèm cho NT đi. Chắc đánh quả lẻ kiếm được cá to.

      Xóa
  5. Bài bình rất sắc nét, dí dỏm, thực sự cuốn hút...
    Chúc Nhật Thành tràn ngập niềm vui trong những ngày nghỉ lế nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn lời động viên của anh. Em cũng tập tọng đôi chút thôi ạ.

      Xóa
  6. Chúc bạn ngày nghỉ lễ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui khi có bạn đến nhà. Cảm ơn nhiều nhé, MCT

      Xóa
  7. Nhà chị lại bình thường rồi sao ạ? em tưởng chị bỏ rồi kia. Chúc mừng chị ạ.

    Trả lờiXóa
  8. Chị bỏ bên HK thôi em ạ. Ba chốn bốn nơi mệt lắm. Hơn nữa dạo này túng thiếu, tiền vé máy bay đi về không có.
    Người yêu về đã đi chưa em?

    Trả lờiXóa
  9. Rất vui khi gặp lại người thân quen ở nơi này. Mình hình như có đến hơn "5 phút buồn" (Heee) khi chị Buithison có nói qua điện thoại với mình rằng Nhật Thành ko chơi Blog nữa. Thôi tôi nay vui rồi, chúc mừng Nhật Thành. Thân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời ạ, có đến 300 giây buồn đủ thấy Nhật Ánh cũng không phải kẻ vô tình. Vui quá. Mình sẽ lại cùng nhau luận đàm thế sự nhỉ?

      Xóa
  10. Rượu tình uống cho ta say khướt
    Chị Hằng ơi huyền ảo tiệt vời ..................
    ..........

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rượu tình chưa uống đã say
      Cuội nhìn rỏ dãi lại bay xuồng trần!
      Rất vui có bạn đến chơi, cảm ơn thật nhiều!

      Xóa
  11. Em qua thăm chị, đọc bài chị viết đã thấy hay rồi và cách chị trả lời mọi người lại càng hay hơn. Em biết thêm một điều thú vị: người ta có thể nhắm rượu với hạt mà hạt là phải gắp cơ. Em cũng hay làm thơ và thường dưới bài thơ, em viết luôn hoàn cảnh sáng tác hoặc chú giải một đôi điều nếu nó khó hiểu chứ nếu không phải giải thích rất nhiều khi mọi người nhận xét. Chị sâu sắc, thâm thúy và hóm hỉnh. Em thích chị lắm!

    Trả lờiXóa
  12. Chị sang em để quân sư cho em ở bài NGƯỜI TÌNH rồi đó.
    Cảm ơn em đã sang chơi. Có một nhà thơ bảo chị rằng: phụ nữ mà làm thơ thì xinh, còn viết truyện thì xấu, phụ nữ làm thơ thì mượt mà, ướt át còn viết truyện thì mộc mạc khô khan ( anh ấy trêu chị vì chị chủ yếu là văn xuôi) Chị bảo: Em vừa thơ vừa truyện nên dở dở, ương ương. Kẻ nào biên tập bài của em thì cũng ương ương dở dở. Hi hi...

    Trả lờiXóa
  13. Mình đã đưa bài bình này post lên trang Blog "Chọn việc nhẹ nhàng"... nhưng không hiểu sao lại thấy nó nằm vào "trong lòng" bài viết của Thái Tâm?...

    Trả lờiXóa
  14. Ơ hay! Nó nằm vào trong lòng Thái Tâm thì nó được TT che chở chứ sao? Cái đó hỏi chính nó chứ mỗ không biết đâu nha.

    Trả lờiXóa