Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

GÓC KHUẤT


GÓC KHUẤT
                              (Truyện ngắn)

   Hội trường ủy ban nhân dân huyện chật kín tiếng nói cười. Họ bắt tay nhau. Họ đấm nhau thùm thụp. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ. Những tấm huân, huy chương lấp lánh trên ngực áo…Mỗi năm một lần, họ được gặp lại nhau, đông đủ, gần gũi  và ấm áp vô cùng!
  Góc phía dưới, bên phải hội trường, Hoan ngồi lặng lẽ. Chẳng ai chú ý đến anh và anh cũng rất sợ những buổi được mời như thế này kể từ khi Lãm xuất hiện. Không đi thì không được, đi thì quả thật là một sự tra tấn.
  Bỗng tiếng nói oang oang của Lãm làm Hoan giật nảy mình:
- Nào! Bà con chú ý: ai là thương binh giả xin mời lên trên, trên hàng ghế danh dự ấy. Ai là thương binh thật thì mời xuống ngồi dưới này. Ha... ha...hàng ghế dưới cùng là hàng ghế an toàn nhất!  Bởi đây là hàng ghế thường dân, không lo ngã! Nhanh chân lên!
 Mọi người cười, nhìn nhau đầy ngụ ý. Một số cúi đầu, tái mặt.
- Sao? Tôi nói không đúng à? – Lãm lại oang oang át cả bài hát “ Năm anh em trên một chuyến xe tăng” đang phát hùng hồn trên loa.
 Rồi, lộc cộc chiếc nạng gỗ, Lãm tiến đến cạnh Hoan, kẹp nạng vào nách, đưa tay ra:
 - Chào đồng chí! Lâu ngày khỏe chứ?
 Hoan lúng túng trong một giây rồi cũng đưa tay ra, vồn vã:
- Lâu ngày khỏe chứ? Mình cũng khoẻ, bận quá không xuống cậu được!
- Xuống làm gì? Xuống cũng đâu gặp được tớ? Nếu gặp, cậu phải ra ngoài ruộng ấy. Ừ, mà lâu rồi, mình có khái niệm thăm nhau đâu nhỉ? – Lãm cứ oang oang như thể mọi người đều nặng tai như mình vậy. Chiếc nạng gỗ lại lộc cộc gõ lên phía trên. Lại cười, lại nói...Hoan thở phào, thầm nghĩ: “ May mà nó không ngồi đây.”
  Không ít lần, Hoan đã bị  Lãm xoáy vào tận tim bằng cái nhìn lặng lẽ mà sắc nhọn. Thà nó cứ gặp riêng mà xổ toẹt ra rằng: “À, thì ra mày cũng là thương binh cơ đấy? Mày cũng đương nhiên hưởng cái chế độ của nhà nước đãi ngộ cho những người góp một phần máu xương tô thắm lá cờ  của Tổ quốc cơ đấy!”. Nếu vậy, Hoan đã có dịp để thanh minh với thằng bạn nối khố rằng: “ Tớ chẳng ham chi cái thẻ thương binh đâu cho nó nhục nhã thế này. Nhưng ba đứa con ăn học...Người ta gợi ý...Thôi thì nhắm mắt chạy liều. Con thi đại học được ưu tiên điểm đã đành, khi học lại còn được miễn giảm các thứ...Mà thiên hạ nhiều người cũng “thương binh chó cắn”, “thương binh nổ cá trộm” “thương binh ngã xe”v.v.. đó thôi? Đâu phải riêng tớ? Mà nói cho cùng, tiền của nhà nước chứ mất gì của ai?”. Nhưng Lãm không nói, không hỏi vì sao Hoan lại cầm trong tay tấm thẻ thương binh. Lãm chỉ nhìn. Rồi cũng chào  “đồng chí”! Đấy, lúc nãy Lãm nói thế, ai dám cãi mình không phải thương binh giả?
  Còn Lãm, bô bô một vòng, anh chật vật ngồi xuống mép ghế nơi Hoan đang ngồi, duổi thẳng cái chân chó cắn không chảy máu ra.
   Phía trên, buổi lễ kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ đã bắt đầu. Màn văn nghệ chào mừng, diễn văn, phát biểu, tham luận...Người nói cứ nói, người nghe cứ nghe, người chuyện trò cứ chuyện trò...Những cựu chiến binh gặp nhau cốt để nhìn vào trong mắt nhau hình ảnh của ngày xưa, nhìn mái tóc nhau để ngậm ngùi về thời gian còn lại trên cõi đời này. Những người lính đi ra từ chiến trường, họ chẳng còn sợ chết, nhưng họ muốn sống để có thể chứng kiến cơ thể đầy thương tích của Tổ quốc sau chiến tranh đã lên da lành sẹo như thế nào,để có thể làm thêm được điều gì đó trả nợ cho đồng đội đã hi sinh...
  Lãm không nói thêm gì, Hoan vẫn ngồi lặng lẽ.
   Tuổi thơ. Hai đứa trẻ chăn trâu đen như cột nhà cháy, từng lắm phen “ăn cháo lươn” của bố mẹ vì những trò nghịch dại, vì những lần mải đào dế để trâu ăn lúa của hợp tác.
  Rồi họ cùng lớn lên theo từng mùa thả diều. Tiếng kẽo kẹt của lũy tre làng mỗi ngày thêm một âm sắc riêng...  Cả hai đều làm lũ con gái mê tít thò lò: Lãm thổi sáo rất giỏi.  Tiếng sáo trong vắt, luyến láy quyện hòa trong tán cây, tiếng sáo vắt vẻo trên ngọn tre, tiếng sáo quấn quýt theo làn khói thổi cơm chiều bay lên những đám mây bồng bềnh trên nền trời cao rộng, tiếng sáo lăn theo sóng lúa dạt dào trên cánh đồng quê. Còn Hoan được trời phú cho cái giọng hát trầm ấm. Giọng hát vọng vào trong lồng ngực các cô gái tuổi dậy thì, giọng hát đánh thức niềm yêu trỗi dậy đam mê, giọng hát làm con tim cô gái trẻ dập dồn hối hả, giọng hát làm ánh mắt ai long lanh càng long lanh hơn...Bởi thế, không lạ gì khi Hoan và Lãm luôn là tâm điểm chú ý của bọn con gái. Nhưng khổ thế, cả hai đều dửng dưng với tất cả mà lại chỉ chú ý đến nàng. Nàng mặn mà trong nước da bánh mật mịn màng, nàng hút hồn hai chàng trai vì đôi mắt đen lay láy dưới hàng lông mi dày và cong. Nhưng có lẽ, điều mà nàng khiến cả Hoan và Lãm chết mê chết mệt,  nguyện làm Sơn Tinh, Thủy Tinh, là vẻ dịu dàng trong từng cử chỉ, lời nói, việc làm của mình. Không điệu đà làm duyên làm dáng, không giở thói đỏng đảnh nũng nịu, không tỏ ra kiêu kì, cao ngạo như thói thường của bọn con gái tuổi dậy thì, nàng chân chất như củ khoai, củ sắn của làng quê. Nhưng nàng mến ai? Điều đó chỉ trái tim nàng mới biết, còn vẻ ngoài, nàng thân mật với cả hai, không bao giờ thiên vị.
    Cả hai đều viết đơn để được đi bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng cuối cùng, chỉ có Lãm lên xe. Hoan – chẳng biết bằng cách nào – có lí do để rút khỏi danh sách. Buổi lên đường sục sôi khí thế, giọng hát trầm ấm mà vang xa của Hoan cất lên: “ Quân xâm lược bành trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương...”
   Bạn bè, người thân tiễn đưa các chàng trai bằng lời chúc yêu thương, bằng nụ cười tin tưởng, bằng những cái vẫy tay lưu luyến. Trước khi xe lăn bánh, Lãm kịp nhìn thấy ánh mắt nàng. Ánh mắt bùng cháy một ngọn lửa của niềm tin và tình yêu mãnh liệt mà anh cảm nhận rất rõ. Anh đã mang theo ánh mắt ấy trong suốt cuộc hành trình, trong cả những thời khắc khốc liệt nhất của trận đánh.
  Hoan  nhớ những ngày tuổi trẻ. Anh là một cán bộ đoàn năng động, tháo vát lại hát hay, thành tích được ghi nhận bằng những tờ giấy khen, bằng khen đủ loại.Nhờ giọng hát trời phú, anh đã nổi bật lên trong những cuộc thi văn nghệ, những buổi giao lưu và được mọi người chú ý. Bao cô gái say anh như điếu đổ, sẵn sàng được “chết” trong cái ôm ghì siết chặt của anh. Nhưng Hoan buồn, buồn lắm! Dường như trái tim nàng đã hóa đá từ khi Lãm ra đi. Hoan biết mình thua cuộc. Dù đã tận dụng lợi thế “nhất cự li” và “cường độ” thì cũng không ngừng tăng tiến, nhưng tim nàng đã gửi trọn vẹn nơi tiền tuyến xa kia!
   Ngày Lãm bị thương, nàng khẩn khoản nhờ Hoan đưa đi đến bệnh viện quân y 108, nơi Lãm đang điều trị sau khi đã cắt bỏ mất một chân và phẫu thuật ở đầu. Trên chiếc giường, Lãm trắng toát trong màu băng từ đầu đến chân, chỉ hở đôi mắt vô hồn. Nàng không khóc, chỉ lặng lẽ nhìn. Trước khi ra về, nàng gửi lại chiếc khăn có thêu đôi chim bồ câu ngậm dải lụa hồng với dòng chữ: Trọn đời bên anh! Hoan chứng kiến tất cả nhưng chỉ làm ngơ.
  Hai người phải trọ lại một ga nhỏ vì tàu bị sự cố. Đêm phòng trọ ồn ào hỗn độn mọi âm thanh, nhưng vì quá mệt, nàng đã thiếp đi. Nàng mơ thấy Lãm trong bộ quân phục gọn gàng làm tôn dáng vẻ khỏe mạnh, phong trần của người trai chinh chiến. Anh tiến đến bên nàng với bông hồng đỏ thắm trong tay. Anh ghé sát tai nàng thầm thì: “Anh yêu em! Trọn đời này anh chỉ yêu mỗi mình em!” Nàng đê mê sung sướng, nàng ghì chặt anh vào cơ thể nóng hổi, rạo rực, đam mê. “ Em yêu anh! Em yêu anh nhất trên đời! Đừng chối bỏ em nghe anh!”. Nàng say sưa tận hưởng nụ hôn nồng nàn say đắm. Họ quyện chặt vào nhau, khát khao, nồng nàn, hối hả. Trời đất chao nghiêng,dập dờn sóng nước, tiếng sáo ai cao vút lưng trời...
   Hứng trọn cái tát nảy lửa của nàng, nhưng Hoan không thanh minh một câu. Còn nàng khóc như mưa như gió. Nàng ghê tởm. Nàng hận. Nàng uất ức. Nhưng trời ơi! Có gào thét hay cắn xé cũng chẳng làm gì nữa! Hai người vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình dang dở để về nhà. Cả hai câm lặng cho đến khi chia tay ai về nhà nấy. Hoan đã không dám trực tiếp gặp nàng mà chỉ viết thư xin lỗi: “ Anh nguyện sẽ làm nô lệ cho em suốt cả cuộc đời, cho dù em không mảy may yêu anh.”. Nàng xé tan bức thư làm trăm mảnh, tung lên trời. Những mảnh giấy lả tả rơi trong chiều mưa tháng bảy.
  Một đám cưới đơn giản theo yêu cầu của nàng. Nàng đã trở thành vợ của Hoan khi cái thai trong bụng đã hơn hai tháng.
  Lãm nhớ lại ngày anh xuất ngũ. Lộc cộc cái chân giả cùng đôi nạng gỗ, Lãm cố tỏ ra bình thản trước mọi sự. Lãm đến thăm gia đình Hoan, nàng lặng lẽ vào bếp sau khi hỏi han cho phải phép. Con trai đầu lòng của họ đã chạy khắp sân.
  Mặc cho mọi người tìm cách mối lái, anh thương binh Lãm chỉ cười khà khà: “Còn sống để về cùng gia đình là hạnh phúc lắm rồi. Cái thằng đã què, lại điếc, chỉ còn 15% sức khỏe như tôi, lấy vợ mà làm khổ người ta.”. Đêm đêm, anh đem chiếc khăn ra lặng lẽ ngắm nghía. Dòng chữ thêu “Trọn đời bên anh” vẫn thắm chỉ hồng.
   Hoan làm cán bộ xã. Cũng bệ vệ, cũng hào hoa phong nhã. Ra đường khối em ao ước. Vậy mà nằm bên Hoan, nàng như cái xác không hồn. Hoan không bao giờ được hưởng lại, dù chỉ một lần, cái nồng nàn của đêm nhà ga ngày ấy. Nhất là từ khi Lãm trở về, gần như nàng cự tuyệt Hoan. Hoan cắn răng chịu đựng. Nàng cắn răng chịu đựng. Lãm vẫn độc thân. Đôi nạng gỗ không chịu đứng yên, cũng cày ruộng tháng năm, cũng gặt lúa tháng mười, cũng vun luống khoai tháng chạp. Tiếng lộc cộc dội vào trong tim nàng để thoát ra tiếng thở dài giữa những đêm thâu...
  Khi có chủ trương lên miền núi dắm dân, Hoan là người cán bộ đầu tiên dám xung phong rời làng đi lên miền “khỉ ho cò gáy” trước sự ngạc nhiên của mọi người. Nhưng nàng biết, Hoan đang cố để tránh xa người bạn cũ. Nàng ngoan ngoãn “ thuyền theo lái”, để lại nơi chôn rau cắt rốn một nỗi khắc khoải đớn đau.  
   Họ đã có với nhau thêm hai đứa con. Trong khi Hoan càng ngày càng phốp pháp, phong độ thì nàng cứ héo hon dần như cây thiếu nước. Phó chủ tịch xã Hoan lao vào kiếm tiền, săn tình nơi vùng kinh tế mới quá dễ dàng. Lời thề trong bức thư ngày xưa đã tan trong cơn mưa tháng bảy. Nàng chẳng vui khi Hoan đem về những xấp tiền mới cứng, nàng chẳng buồn khi biết Hoan vui thú hàng đêm với nhân tình. Nhưng nàng đã nổi giận lôi đình khi biết,  bằng cách nào đó, Hoan có được tấm thẻ thương binh. Lần đầu tiên, nàng dùng những lời lẽ cay độc đối với Hoan:
- Cả một đời chưa biết cây súng cầm ngang hay cầm dọc, khi người ta lăn lộn nơi chiến trường mưa bom bão đạn, anh chỉ dùng giọng hát để tiến thân. Anh buôn nước bọt mua chức, mua quyền chưa đủ sao? Giờ còn dùng tiền để mua cái chỉ có thể đổi bằng xương máu? Anh có còn là con người nữa không?
Và nàng khóc. Lần đầu tiên nàng khóc tức tưởi trong suốt cả chuỗi ngày dằng dặc làm vợ, sống lặng lẽ như một cái bóng bên Hoan.
  Hoan nhìn nàng, đôi mắt đỏ hằn tia máu:
 - Thế có giỏi, cô cứ tự làm bằng sức lao động của mình mà nuôi con. Cả đời này cô đã làm được gì? Cô sống với tôi như một cái xác không hồn. Cô thương hắn lắm ư? Thì đấy, về quê mà ôm ấp nhau, mà than thở, mà tiếc nuối. Tôi đây không giữ. Cô đi ngay đi!
 Hoan hậm hực bước ra khỏi nhà, ở luôn mấy ngày với cô nhân tình mới.
   Một chiều thu ảm đạm, nàng đã ra đi lặng lẽ sau hai tháng phát hiện mình bị ung thư phổi. Đám tang của nàng cũng đơn giản như đám cưới ngày xưa. Chỉ khác một điều, ngày ấy, nước mắt nàng rơi lặng lẽ; còn bây giờ, ba đứa con nàng gào thét gọi mẹ, nước mắt lã chã hòa trong chiều mưa ngâu...

     Lãm lấy một cô thanh niên xung phong đã ngoài bốn mươi. Đứa con duy nhất của họ bị chứng động kinh. Theo những lời mách bảo của mọi người, của đồng đội, Lãm không quản đèo cao, suối sâu, không quản mùa nắng cháy lưng hay mùa mưa dầm thối đất, cứ ai mách có thuốc chữa cho con gái, đôi nạng gỗ lại lộc cộc gõ đều. Cuối cùng, một thầy lang đã khẳng định như đinh đóng cột:
- Con bé phải được sống nơi không khí trong lành của miền núi dài lâu thì thuốc tôi sẽ chữa khỏi.
Vậy là Lãm rời quê, định cư nơi đây đã ngót mười năm. 
   Hai người vẫn lặng lẽ ngồi đó. Buổi lễ cũng đã vào phần kết. Bỗng Hoan quay sang, ánh mắt vừa bừng tỉnh từ miền quá khứ để trở về thực tại:
- À, con gái cậu dạo này đỡ nhiều chưa?
Lãm vẫn lấy tay gõ gõ vào cái chân gỗ một cách vô thức. Hoan biết Lãm chưa nghe, lay nhẹ vai người bạn cũ, nhắc lại câu hỏi.
- Cảm ơn cậu, nó cũng đỡ nhiều rồi. Chỉ khi nào trái gió trở trời nó mới lên cơn co giật. Thầy lang bảo chỉ vài năm nữa, con bé vào tuổi dậy thì, nó có thể khỏi hẳn - Lãm cố nén một tiếng thở dài.
 Phía trên lễ đài,  cô gái trong bộ áo dài tha thướt đang ngọt ngào: “ Quỳ Hợp ơi, như quen mà như lạ ...Mảnh đất tình người dệt muôn lời ca...Quê hương đẹp giàu nở rộ muôn hoa...Khúc ca quê mình...Quỳ Hợp vang xa...”

                                                                    Tháng 7/2012
                                                                      Nhật Thành

34 nhận xét:

  1. Nhân vật "nàng" và "Lãm" thật đáng yêu, con nhân vậy Hoan thì đáng tội nghiệp cho cái tấm thương binh giả cũng vì....(Mà sao chị viết truyện này lúc nào mà post lên nó nhạy cảm như chuyện thời sự bây giờ Bà Mẹ VNAH được cộng 2 điểm khi đi thi Đại học vậy?).
    Ba nhân vật trong tuyện này chị "phát triển" có kịch tính và em cảm thấy hay hơn mấy truyện trước của chị. Nhân vật Lãm chị viết hay và cảm động thật, Lãm chịu quá nhiều thiệt thòi trong tình yêu và cuộc sống. Lần nữa em rất thích nhân vật này. Chúc chị một cuối tuần vui và hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Ánh Nhật. Truyện viết từ năm ngoái em ạ. Nhân vật Lãm có nguyên mẫu là người anh con o của chị. Khi chị đăng bài này bên yahoo cũ, nhiều độc giả là bộ đội, thương binh rất ủng hộ và khuyên chị hãy gửi đăng các báo, tập san. Tuy nhiên, chị chưa dám vì thấy văn mình còn non hơn người khác.

      Xóa
  2. Anh sang thăm em.Đọc lại truyện GÓC KHUẤT của em đăng lai trong dịp tháng 7 kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ, thấy thật nhiều ý nghĩa...
    Anh chúc em luôn khoẻ vui và có thêm nhiều sáng tác thật hay nhé!...

    Trả lờiXóa
  3. Đúng thật là " GÓC KHUẤT" mà....Cuộc sống còn bao điều phải suy nghĩ và khi chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật,ngẫm về quá khứ thì mọi nỗi niềm sẽ được hiểu ra...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu đã ổn định nơi ăn chốn ở chưa?

      Xóa
    2. Dạ cháu ổn định xong rùi dì ạ,nhưng phải mua sắm nhiều thứ quá,kinh tế thì hơi hạn hẹp,dự tính là cuối tháng này ăn mì tôm thay cơm dì ạ :( ở nhà chắc cũng hết tiền,nên cháu cũng ko dám xin nữa...đây cũng có thể gọi là GÓC KHUẤT của cháu dì ạ.Haizzzzzzzzzz

      Xóa
  4. Qua đọc chuyên của em đây HTạ. Vẫn phong cách viết văn ,lối khai thác nhuần nhuyền bởi sự kết hợp tài tình đã lãm cho câu chuyện có hồi kết hết sức thỏa mãn vì không ai thoát ra được quy luật tự nhiên mang tính duy vật và tâm linh kết hợp. nói một cách khác đó hậu quả ganhs chịu của Hoan và hình ảnh đứa con của Lâm :
    ...."Cảm ơn cậu, nó cũng đỡ nhiều rồi. Chỉ khi nào trái gió trở trời nó mới lên cơn co giật. Thầy lang bảo chỉ vài năm nữa, con bé vào tuổi dậy thì, nó có thể khỏi hẳn - Lãm cố nén một tiếng thở dài......"
    ko biết con bé vào tuổi dậy thì,nó có thể khỏi hẳn là một lời kết ẩn ý mà người đọc cần suy ngẫm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh có cách cảm nhận chi tiết rất sâu sắc.Phần cuối truyện, tác giả muốn mọi người tin rằng, dù vẫn còn nhiều góc khuất, nhưng ta vẫn luôn hi vọng cuộc sống sẽ hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp
      Hôm nay có ảnh đẹp ghê nha.

      Xóa
    2. Ảnh tự chụp bằng wcam đó em ạ, cũng ra phết như nghị gật em nhỉ

      Xóa
  5. Bạn viết chuyện hay tuyệt vời ( cách viết và lời văn ) lối dẫn dắt logic...
    chúc bạn viết chuyện & tiểu thuyết hay nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn, mình sẽ cố gắng. Vẫn sang đọc của bạn đều nhưng vội lắm, ko có thời gian chào chủ nhà.

      Xóa
  6. Mình cũng là thương binh đây, nhưng khổ nỗi là thật.
    Mình mới đọc được đoạn đầu, cứ để đáy vài hôm nữa mình quay lại đọc nhé!
    Thứ lỗi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật thì càng đáng trân trọng chứ sao lại "khốn nỗi" hở anh? Nếu là Hải Thăng Hoàng mà NT biết trước đây thì đã đọc bên yahoo cũ rồi. Vậy đây là HT nào nhỉ?

      Xóa
    2. Ông bạn HT ơi, ông bận gì ghê vậy,nhà tui ông ko đến đã đành , mà nhà em họ tui cũng ko đọc hết một câu chuyện hết sức là ngắn .Tui hết chịu ông rồi đó .nghe đâu ông có đứa con rợi trong làng tui đó

      Xóa
  7. Truyện hay quá NT ơi mình đọc xong thấy thương nhân vật nữ trong truyện quá cuộc sống và cái chết lặng lẽ ảm đạm ...Chúc NT vui nhiều sáng tác hay nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những nỗi đau của người phụ nữ trong chiến tranh nó muôn hình muôn vẻ chị ạ. Cảm ơn chị đã sang chơi

      Xóa
  8. Qua thăm em còm mấy câu cho vui Ông H T là bạn quen đó em ạ ,ko biết vì sao khi chạy qua tị nạn ở spot nhà ông khó vào quá nên anh gặp ở đây mới tóm lão lại đó .hồi xưa đi bộ đội vào Q Bthấy anh đăng bài có đ/c nên nhận ra nhau đó còn anh ko bđ thì làm gì mà quen .TẦM PHÀO VÀI BA CÂU ANH VỀ ĐÃ NHÉ KẺO LỠ CÔ h l tìm anh hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Blog của HT đã xóa rồi, chẳng biết anh ấy chạy đi đâu. Chắc là đứa con rơi nay cưới vợ nên mời bố rơi đi dự ấy mà.

      Xóa
  9. Sự sai lầm của nhân vật nữ là buông xuôi, tự giết đời mình và đời người. Thà một lần đau...
    Góc khuất hay lắm và trong cuộc sống này còn nhiều góc lắm bạn ạ! Chúc bạn luôn khỏe!

    Trả lờiXóa
  10. Thời ấy, một cô thôn nữ như "nàng" bỗng có mang! Đành liều nhắm mắt đưa chân thôi bạn à.Gia đình, hàng xóm và bạn bè...Cay đắng lắm mà vẫn cắn răng chấp nhận.
    Chúc bạn luôn vui nhé.Mình đã gửi truyện ngắn này cho 1 tập san ngay chiều nay rồi.

    Trả lờiXóa
  11. Hôm nay sang đọc lại Góc Khuất của bạn .... hay lắm
    Trong cuộc sống vẫn còn đó bao nhiêu là "góc khuất" mà chúng ta cũng chưa thể hiểu hết được
    Hôm 15/7 mình đi dự lễ kỷ niệm ngày TNXP ở Truông Bồn giờ sang đọc lại bài này thấm thía lắm
    Chiều thứ 4 an lành bạn nhé

    Trả lờiXóa
  12. Mấy ngày qua vì bận nhiều chuyện nên bây giờ anh mới sang thăm và com cho Em được. Anh chúc em luôn vui khoẻ và mọi sự an lành em nhé!...

    Trả lờiXóa
  13. Chị ơi! Đọc truyện này của chị, không hiểu sao em lại nhớ đến hai con người rất đỗi thương yêu của em, một người còn sống đó, một người thì đã theo mây ngàn gió núi về nơi cuối trời. Người còn sống là một phụ nữ, năm nay đã xấp xỉ 60, có chồng, có con nhưng đôi mắt vẫn luôn thăm thẳm một nỗi buồn sâu xa, khắc khoải. Người đã theo mây ngàn gió núi là chú ruột của em, em út của Ba, nếu còn sống, năm nay chú tròn 60. Chú ra đi năm 19 tuổi, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang ngay sau giải phóng. Trong Nhật kí của Đặng Thùy Trâm, có một đoạn viết về chú khi chú bị thương phải điều trị ở bệnh viện trong rừng nơi chị Trâm làm việc. Chú thím (em bây giờ vẫn gọi người phụ nữ đó là Thím) yêu nhau khi cùng hoạt động trong đội du kích của xã, sau này chú em chuyển lên lực lượng chính quy. Họ hẹn nhau đất nước giải phóng sẽ làm đám cưới. Rồi thím bị gặc bắt đi tù. Trong thời gian đó, chú hi sinh. Trong tù, nghe thông tin đó, thím khóc ngất. Giải phóng xong lâu lắm thím mới chịu đi lấy chồng. Thím có 3 người con, một gái đầu và ba trai sau thì một trai (út) bị bại liệt do bị trúng gió mà y sĩ chích nhầm thuốc. Nó cứ dặt dẹo vậy đến năm 17 tuổi thì người anh trên nó một buổi đi học (đang học lớp 12) bị bọn côn đồ đâm nhầm, chết. Thằng Út bị sốc sau cái chết của anh, cũng mất sau đó mấy tháng. Thím khóc hết nước mắt, đôi lúc trách chú (người chết rồi) sao không che chở phù hộ cho Thím. Cũng may hai đứa con còn lại nay đã nghề nghiệp, có gia đình đàng hoàng. Mỗi khi em gặp thím là thím lại kể lại những kỉ niện với chú ngày xưa. Thím nói chú em cao to, đẹp trai, trắng như Tây vậy. Trong lòng thím, chú mãi mãi với hình ảnh của lứa tuổi đôi mươi hào hùng lẫm liệt ấy. Em còn ba người chú nữa cũng là liệt sĩ chị ạ, chỉ còn mỗi Ba em tập kết ra Bắc là còn sống thôi. Em thương các chú lắm dù chỉ nhìn thấy qua ảnh. Các chú em đẹp lắm .

    Trả lờiXóa
  14. Sao em không viết về họ đi nhỉ? Về người thím ấy. Thương lắm em ơi, chiến tranh có bao nhiêu nỗi khổ thì người phụ nữ gánh hết bấy nhiêu.Nhân vật Lãm trong truyện cũng có nguyên mẫu là anh con o của chị đấy.

    Trả lờiXóa
  15. Truyện hay và cảm động. Chiến tranh thật tàn khốc nó làm cho đôi lứa lìa xa cho con người cơ hội được sống an nhàn. Chiều vui nhiều Bạn nhé ! Mà Bạn chọn nền chữ khó đọc quá.

    Trả lờiXóa
  16. Chúc Bạn cuối tuần vui, bình an, hạnh phúc và nhiều may mắn

    Trả lờiXóa
  17. Em viết ở blog cũ rồi chị ạ! Blog cũ em viết tới gần 400 bài chỉ trong vòng hơn một năm, có nghĩa là ngày nào em cũng viết một bài. Hồi đó chị em mình chưa biết nhau nên chị chưa đọc đó thôi. Khi blog cũ bị giải thể, em copy lại tất cả các bài cất đi rồi viết lại blog mới từ đầu chứ hầu như không chuyển qua bài nào cả chị ạ! Nếu giờ muốn viết lại về họ, em sẽ viết một bài khác với ý tưởng và lối viết có thể sẽ khác đi.

    Trả lờiXóa
  18. Anh mãi cuối năm 2012 mới vào blog yahoo và đọc đc bài của Thuỷ chưa nhiều thì blog ấy bị ngừng hoạt động. Nay đọc đều hơn và thấy Thuỷ viết rất khoẻ và bút pháp rất sinh động, ấn tượng, nhiều chất văn chương. Mong rằng Thuỷ có những bút ký, truyện ngắn để lại giá trị lâu bền cho đời - điều này anh đã từng nói với em trước đây và viết để đăng trên tạp chí Văn nghệ. Mong em cố gắng nhiều nhé.

    Trả lờiXóa
  19. Thăm em ngày CN chúc em an lành hp nhé

    Trả lờiXóa
  20. Truyện này viết khá hay, nhân vật rõ nét và đọng lại trong người đọc nhiều điều .

    Trả lờiXóa