Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

BƯỚC NGOẶT




Truyện ngắn của Nhật Thành

Nó ngồi xuống, ánh mắt vô hồn. Tiếng thầy hiệu trưởng nghe vẳng vẳng như từ cõi xa lắc xa lơ:
  - Hùng! Mặc dù em đã đọc rất rõ bản tự kiểm điểm của mình, nhưng thầy vẫn muốn hỏi em: Vì sao là một học sinh của lớp chọn, em lại trượt dốc nhanh đến vậy? Đến bây giờ, em có thấy ân hận không?
  Im lặng. Có tiếng ai đó bực dọc:
-         Lì lắm rồi, không còn giáo dục nổi nữa đâu!
Lại vẫn tiếng nói văng vẳng:
   - Hùng, thầy đang hỏi em đấy! Sao em không trả lời? Trước khi quyết định kỉ luật em, thầy rất muốn nghe em tâm sự thật lòng mình.
“ Hình như thầy hiệu trưởng đang hỏi mình” – Nó mơ màng.
Nó ngước nhìn lên. Mấy băng rôn, khẩu hiệu đỏ loe loét  như máu ai đó vừa tuôn ra từ vết thương.
 Nó đã đọc gì trong bản tự kiểm điểm của mình ấy nhỉ? À, hôm thứ tư tuần trước, trong giờ học Ngữ văn, cô giáo dạy văn say sưa về hình ảnh nàng Vũ nương thuỷ chung, hiếu thảo. Cô còn khẳng định rằng đó là phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam được gìn giữ từ xưa  đến  nay và còn mãi đến muôn đời sau. Nó giơ tay xin phát biểu, cô nhẹ nhàng:
-         Hùng có ý kiến gì nào?
Nó đứng dậy, mặt đỏ bừng, mắt giật giật:
-         Cô nói hay lắm! Hay như con khướu hót vậy, có phải cô hót đi,hót lại nhiều lần nên đã thuộc lòng điệp khúc ấy?
Mặt cô giáo tái đi, cô hét lạc cả giọng:
-         Em hỗn láo quá chừng rồi đó, từ nay trở đi, đừng học môn của tôi nữa, ra khỏi lớp ngay!
-         Ra thì ra!-  Nó tỉnh bơ. Nó thách thức. Nó bất cần.
Thầy chủ nhiệm cố xin cho nó, rằng nó  lỡ lời, rằng nó là một học sinh ngoan hiền từ trước đến nay, cô thông cảm cho nó được vào học.
Thế nhưng, hôm sau, đến giờ Giáo dục công dân của thầy , khi thầy nói về quyền trẻ em, nó nói to giữa lớp:
-         Giả dối tuốt! Bây giờ chỉ có luật rừng là có thật mà thôi!
-         Em vừa nói gì thế Hùng? Thầy nghiêm giọng.
-         Em nói thế đấy! Cả lớp nghe thấy, chẳng lẽ thầy điếc?
Cả lớp sững sờ nhìn nó rồi lo lắng nhìn thầy chủ nhiệm. Mặt thầy đỏ bừng. Thầy bước xuống. Cả năm ngón tay in hằn trên má nó.
- Ông coi chừng! Rồi ông phải trả giá cho cái tát này đấy!
  Sau câu tuyên bố xanh rờn ấy, nó xách cặp ra khỏi lớp, để lại sau lưng một bầu không khí nặng nề, u ám.
Nó không về nhà. Chắc chắn rồi! Nó rùng mình nhớ lại hình ảnh mà nó bắt gặp tuần trước…
   Hôm đó có hai tiết làm văn, theo quy định thì học sinh phải làm vào vở. Cô giáo dạy văn nghiêm lắm. Nếu ai quên  thì chắc chắn bị trừ 2 điểm bài. Xót quá! Kiếm được hai điểm làm văn đâu phải dễ! Thế mà chẳng biết quẫn trí thế nào, nó lại để cuốn làm văn vào chồng vở của đứa em. Nó chờ xong hai tiết đầu, đến giờ ra chơi giữa buổi. Mười phút, từ trường về đến nhà khoảng 1 km, nó nhẩm tính chạy về hết 5 phút, lấy vở chạy ra là vừa kịp. ( Nó vốn được mệnh danh là vua chạy bền của lớp mà!). Đã dự tính như vậy nên trống ra chơi vừa điểm, chờ cô ra khỏi lớp là nó co cẳng phóng. Nó lao như tên bắn vào nhà. Cái gì thế này? Trước mặt nó, trên chiếc giường mà anh em nó vẫn ngủ, hai thân thể loã lồ bật dậy. Bốn con mắt mở to hết cỡ trợn trừng nhìn nó.Con đàn bà là mẹ nó há hốc mồm, rồi như bừng tỉnh, vơ vội quần áo mặc quýnh quáng.
 Cái thằng người thứ hai đen trùi trũi, kẻ vẫn thường lui tới giúp đỡ mẹ con nó từ khi bố nó ngồi tù, vơ chiếc quần đùi mặc vào, hất hàm:
-         Lạ lắm hả nhóc? Thôi, mày cũng đã lớn rồi, trước lạ sau quen, phải không?
 Hắn cười nham nhở, nhe hai hàm răng vàng xỉn vì khỏi thuốc.
“ Choang!” Chiếc cốc lao vút vào giữa trán cái thằng người gớm ghiếc ấy, vỡ tan tành trên nền gạch hoa.
Vừa kịp nhìn thấy dòng máu tuôn chảy, hai tay nó đã bị quặt lại sau lưng và tiếp theo là cú đấm như trời giáng vào giữa mặt. Con đàn bà quỳ xuống, mặt nhớp nháp phấn son và nước mắt:
-         Em xin anh! Anh tha cho nó! Trời ơi! Sao đời tôi bi đát thế này hả trời?
Tay nó được thả ra, kèm theo là một giọng gầm gừ dễ sợ:
-         Mày mà bép xép, tao chơi luật rừng với mày, biết chưa?
Nói rồi, hắn lại mặc quần dài, lấy áo lau vệt máu trên mặt, nhổ toẹt một bãi nước miếng ngay trước mặt nó. Cầm cốc nước tu một hơi, vắt áo lên vai, hắn chuồn thẳng.
   Nó hùng hổ bước ra khỏi cửa. Mẹ  run rẩy:
-         Đi đâu thế con?
-         Đi đâu thì mặc xác tôi, bà còn đủ tư cách hỏi tôi cơ à?
 Không một giọt nước mắt,  lòng nó tê cứng lại tưởng chừng như có một khối đá lạnh đóng băng trong tim, trong phổi, trong cả cái dạ dày vốn rất nhạy cảm của nó.Nó nằm rất lâu trên phiến đá trong rừng. Suối vẫn chảy róc rách, chim vẫn hót líu lo, gió vẫn nhẹ nhàng mơn man trên làn da. Nó cố nhắm mắt để quên đi tất cả. Nó thầm ước đây chỉ là một cơn ác mộng đến trong giấc ngủ. Nhưng con mắt sưng húp vì cú đấm của gã đàn ông đó nói rằng: đó là sự thực một trăm phần trăm. Hãy đừng trốn chạy, đừng phủ nhận!
 
   Bố mẹ nó từng là công nhân Thiếc( nói nôm na theo cách gọi của mọi người chỉ những người làm trong Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh). Khi nó ra đời cũng là lúc Xí nghiệp của bố mẹ  rơi vào tình trạng bi đát. Tiền lương không đủ trả cho công nhân, mọi người chỉ biết an ủi nhau: gắng cho qua giai đoạn này, nộp thêm vài năm bảo hiểm rồi kiếm cái sổ hưu về chạy ăn ngoài. Nhưng gắng thì gắng, ngày hai bữa cũng phải có cái gì đổ vào nồi mà nuôi con chứ! Lương chỉ đủ nộp bảo hiểm và dư ra mua vài yến gạo vàng như nước da của lũ trẻ xóm công nhân. Ở đời, “ đói ăn vụng, túng làm càn”, mấy ai giữ được trong sạch khi nhìn những đứa con tong teo vì thiếu ăn. Xí nghiệp xẩy ra hiện tượng lấy cắp quặng thiếc thường xuyên. Ban giám đốc ra quyết định: hễ bắt được công nhân nào ăn cắp, lập tức đuổi, không cần xem xét. Hàng loạt công nhân mất việc, bố mẹ nó cũng nằm trong số đó. Tất cả những điều này nó được nghe bố kể lại khi nó chuẩn bị thi vào lớp chọn của trường cấp hai. Bố bảo:
  - Bố muốn con biết được những nỗi cơ cực của bố mẹ để mà phấn đấu, con của bố không thể là một công nhân, con phải thi được vào một trường Đại học danh tiếng. Vất vả mấy, cực nhục mấy, bố cũng sẽ lo cho con ăn học.
  Phải thừa nhận bố là một người đàn ông tháo vát. Sau khi mất việc, bố xoay xở đủ nghề: thợ xây, thợ điện, rồi chuyển sang buôn bán sắt thép, phụ tùng máy móc…Cuộc sống gia đình khấm khá hơn hẳn nhiếu gia đình công nhân khác. Mẹ nó nhàn nhã, thỏa sức ăn diện trong lúc các cô bác cùng tổ công nhân trước đây lui cui với nồi rượu, với lợn gà. Mùi thơm phưng phức toả ra từ bếp nhà nó át mùi cá khô kho cháy của những bếp gia đình xung quanh. Mẹ nó luôn hãnh diện với mọi người vì chồng  ăn nên làm ra, hai đứa con lại vừa ngoan, vừa học giỏi.
  Đi qua ngõ, thấy mẹ nó đang quét sân, cô Tam nguýt dài một cái, nói với bà Vinh:
  - Gớm! Trước đây thì như que hương, xe công nông có đằn qua đằn lại cũng chẳng ra một tí thịt nào, thế mà bây giờ cứ là cả một bị thịt, mặt lúc nào cũng hơn hớn như đĩ gặp khách!
Bà Vinh ra vẻ trải đời:
  - Ôi dào, “ sông có khúc, người có lúc”, đời biết đâu được đấy, lên voi xuống chó là lẽ thường, cô để mà xem!
  Mẹ chỉ cười khẩy,khinh khỉnh:
-         Thật đáng thương cho những kẻ khổ vì ghen ăn, tức ở!

  Một ngày cuối tháng năm, hoa phượng rực đỏ con đường từ trường về nhà, hoa phượng cháy trong đôi mắt lấp lánh niềm vui của hai anh em khi cả hai đều đạt danh hiệu  học sinh giỏi. Bỗng mặt nó tối sầm lại.  Hình ảnh trước mắt là chiếc còng số 8 trắng loá trên cổ tay của bố.  Mười tám  tép hê-rô-in đã chấm hết những ngày yên ấm hạnh phúc của cả gia đình.
  Bố xin phép được nói với con vài lời trước khi ra đi. Nó không bao giờ quên được ánh mắt vừa âu yếm, vừa tin tưởng của bố khi đó:
  - Là con trai lớn của bố, con phải can đảm để mà sống, con nhớ chưa? Hạn  của bố, bố chịu. Kẻ nào đó đã hại bố. Rồi đây, dù miệng lưỡi thế gian thế nào, con cũng không được nhụt chí. Hai anh em động viên nhau mà học. Học để không phải cơ cực như bố, con nhớ chưa?
  Hai anh em ôm cổ bố, nước mắt nhạt nhoà.
Nó đã trưởng thành từ giây phút đó. Vượt qua tất cả, nó vẫn trong tốp đầu của lớp. Dư luận rồi cũng lắng dần. Đều đặn mỗi tháng một lần vào thăm chồng, mẹ nó lại vẫn tươi tắn, trẻ trung. Bố không có nhà, nhưng những công việc cần tay người đàn ông đã có bạn thân của bố giúp  tận tình. Lúc nào cần, mẹ lại “A lô”. Chú Tiến có mặt ngay. Hai người lúc nào cũng chị chị em em rất thân tình và đứng đắn.
   Giá như nó đừng quên vở làm văn! Giá như cô giáo dạy văn đừng khắt khe mà trừ điểm như thế! Chao ôi! Giá như nó đừng sinh ra trên đời này! Khối đá trong người nó bắt đấu tan ra. Từ tim, từ phổi, từ dạ dày chảy ra thành dòng, trào ra hai mắt! Nó không hề biết là tia nắng cuối cùng trong ngày đã tắt từ lâu. Trăng mồng mười đủ sáng để làm nên cái bóng méo mó của nó trên con đường mòn vắng ngắt. Nó quyết định đi tìm kẻ để rửa nhục. Rửa nhục cho nó và rửa nhục cho bố! Đôi chân, theo thói quen lại trở về đúng nơi nó đã bỏ ra đi. Mẹ nó hớt hải chạy ra ôm chầm lấy nó, nức nở:
   - Dù con có căm thù mẹ, khinh miệt mẹ cũng được, nhưng đừng đi khỏi nhà con ơi! Mẹ tìm con khắp nơi mà chẳng thấy! Vào thay đồ rồi ăn cơm đi con!
  Thay cho cảm giác yêu thương trước đây khi được mẹ lo lắng, nó chỉ cảm thấy buồn nôn khi gặp lại người đàn bà này. Chưa kịp nói gì thì nó đã lại thấy cái thằng người ấy lững thững từ trong nhà bước ra. Cơn giận ở đâu trào lên đến nghẹt thở. Nó phóng vào bếp, lấy con dao mẹ nó vẫn thường thái thịt, lao ra. Đường dao của nó bị chặn đứng bởi một bàn tay cứng như gọng kìm  giữ chặt. Nó vùng vẫy, cố dùng chân đá vào hắn thì bị nhấc bổng lên với một giọng mỉa mai:
   - Chú mày hãy ăn thêm vài tấn gạo nữa, nghe chưa? Vì nghe mẹ mày khóc lóc trong điện thoại nên tao đến để xem mày sống hay chết mà thôi. Dẹp ngay ý nghĩ trả thù đi!
  Hắn đặt phịch nó xuống rồi lên xe, phóng thẳng.
  Thằng em nó chạy ra, ôm lấy anh mà khóc. Nhìn em, bỗng chốc nó nhớ tới lời dặn của bố, nhớ tới ánh mắt tin tưởng của bố. Bình thản đến lạ lùng, nó đỡ em dậy, bảo em vào ăn cơm với anh. Em nó mừng rối rít:
-         Anh làm em sợ quá! Sao bỗng dưng anh hung với chú Tiến đến thế?
-         Trẻ con đừng nên biết chuyện của người lớn, ăn cơm rồi học bài!- Nó nhìn em, ánh mắt như có lửa cháy bên trong. Thằng em nín thin thít, khua nốt miếng cơm nguội ngắt rồi đứng dậy.
Nó vẫn đến trường. Trong một tuần, hai lần xúc phạm thầy cô đến tồi tệ. Nếu chỉ một lần thôi, mức độ ấy cũng đủ để ra hội đồng kỉ luật.
 Cuối tuần, chìa cho mẹ tờ giấy mời của nhà trường, nó nói cộc lốc:
-         Nhớ đúng hai giờ chiều, tại văn phòng nhà trường.
Mẹ nó tròn mắt nhìn tờ giấy, bủn rủn chân tay, nhưng chẳng dám hỏi gì thêm.

   Bây giờ, nó vẫn ngồi trơ ra đó, chẳng nói chẳng rằng. Thầy chủ nhiệm lên tiếng:
 -  Hùng! Bây giờ em có cảm thấy ân hận không? Trước hội đồng kỉ luật, em chịu nhận hình thức như thế nào?
Giọng nó ráo hoảnh:
-         Xin hội đồng kỉ luật hãy xử em theo đúng quy định, em không có ý kiến gì!
Mẹ nó chắp tay, sụt sùi:
  - Xin các thầy, các cô làm ơn làm phúc giảm nhẹ cho cháu, cháu nó dại dột. Tôi xin hứa sẽ kèm  cặp, giáo dục chu đáo hơn.
-         Bà câm mồm! – Nó gào lên- Tôi làm tôi chịu, bà đâu đủ tư cách để giáo dục tôi?
Cả hội đồng lắc đầu ngao ngán.
   Thời hạn đuổi học một tuần đã trôi qua, bạn bè trong lớp ngóng cổ chờ đợi. Mẹ nó tất tả đến các nhà người quen, bạn bè, anh em hi vọng tìm thấy con.
Trên ti-vi phát tin : Cháu Phan Công Hùng, 14 tuổi, bỏ nhà ra đi vào ngày... tháng…năm…Khi đi, cháu mặc chiếc áo trắng, quần xanh. Ai thấy cháu ở đâu, xin báo cho mẹ là Trần Thị Mận theo số điện thoại … Gia đình xin cảm ơn và hậu tạ.
  Mẹ nó đâu biết rằng, trong thời gian một tuần, nó đã nhanh chóng nhập hội được với nhóm xã hội đen, một lũ choai choai chưa đứa nào đủ mười tám tuổi. Theo kế hoạch, cả bọn sắp tới sẽ theo tàu vào Nam một chuyến.

40 nhận xét:

  1. Anh sang thăm em buổi sáng, đọc truyện rồi nhưng vội chưa bình luận được gì, hẹn sau em nhé. Anh chúc em luôn khỏe vui, may mắn và an lành trong cuộc sống nhé em!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng vậy mới đọc 1 lần nên chưa có lời còm. Đọc truyện ngắn của chị Nhật Thành đâu phải dễ hiểu như "Ngày xưa" của em. Heee! Chúc chị vui và bình yên trong suy nghĩ.

      Xóa
  2. Rất hay và ấn tượng sâu sắc......... nhưng theo linh cảm của em câu chuyện chưa có hồi kết, phải không chị?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi kết dành cho em viết tiếp đó, chị chỉ kể đến đây là hết.
      Câu chuyện là một lời nhắn gửi những bậc làm cha làm mẹ nói riêng và người lớn nói chung: Đừng vội trách trẻ hư mà phải tìm hiểu xem vì sao chúng hư.Đúng không em?

      Xóa
  3. Cho đoạn kết đi bạn ơi, chiều vui vẻ nhiều nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Anh sang thăm em, chúc em thật khỏe vui và chuẩn bị đón trung Thu cùng các cháu thật vui vẻ đầm ấm nhé em!
    Thân mến nhiều!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh, em đã chuẩn bị chu đáo rồi. Năm mươi lăm cháu đấy.

      Xóa
    2. CHÁU NÀO MÀ ĐÔNG VẬY TA? CHẮC LÀ NGOÀI CON MÌNH, CÒN HỌC SINH CỦA EM VÀ CÁC CHÁU HÀNG XÓM NỮA RỒI. VẬY LÀ RẤT TỐN KÉM NHƯNG VUI LẮM EM NHỈ. PHẢI CHUẨN BỊ CẢ QUÀ TRỪ HAO PHÁT SINH NỮA ĐỂ ANH LÊN DỰ VỚI NHÉ. HIHI...
      CHÚC EM VÀ MỌI NGƯỜI RẰM TRUNG THU THẬT VUI VÀ Ý NGHĨA NHÉ!...

      Xóa
  5. thăm bạn nè, loay hoay mãi mới vô đươc, chúc đồng hương an vui, thường qua lại nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu khó quá, đồng hương cứ vào google và đánh chữ HƯƠNG NGÀN là đến nhà NT thôi mà. NT sẽ qua thăm bạn ngay đây.

      Xóa
  6. Chúc chị và gia đình đón trung thu thật nhiều niềm vui

    Trả lờiXóa
  7. NƠI ANH ĐANG MƯA TO, E RẰNG NGÀY MAI NẾU TRỜI VẪN MƯA THÌ ĐÊM RẰM CỦA CÁC CHÁU MẤT VUI...
    ANH CHÚC EM VÀ GIA ĐÌNH CÙNG CÁC CHÁU ĐÓN TRUNG THU THẬT VUI VẺ, ẤM ÁP AN LÀNH NHÉ!...

    Trả lờiXóa
  8. Xin chuyển cho anh chút trăng rằm để trung thu các cháu thêm vui này. Ở nơi em trăng sáng, trời trong, vui lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ĐÊM QUA VÀ SÁNG NAY TRỜI VẪN MƯA TO GIÓ LỚN DO ẢNH HƯỞNG CỦA BÃO SỐ 8 EM Ạ. CHẮC CÁC CHÁU ĐÓN RẰM TRUNG THU SẼ MẤT VUI VÌ KO THỂ VUI CHƠI TẬP THỂ NGOÀI TRỜI ĐƯỢC. TIẾC QUÁ!
      CẢM ƠN NHẬT THÀNH ĐÃ GỬI PHẦN TRĂNG RẰM ĐẾN NƠI ĐÂY ĐỂ CHUNG VUI! ANH CHÚC EM CÙNG GIA ĐÌNH VÀ CÁC CHÁU HÔM NAY ĐÓN TRUNG THU THẬT VUI VẺ, ĐẦM ẤM NHÉ!...

      Xóa
  9. Cách đây lâu rồi, em có chủ nhiệm một lớp 10. Được hai tháng đầu, một em học sinh bỗng nhiên thay đổi, buồn rũ rượi, không thuộc bài, không làm bài. Sinh hoạt lớp, em hỏi lí do vì sao, em học sinh ấy (là con trai) chỉ khóc. Biết là có vấn đề, em cho nó ngồi xuống và nói với nó là em muốn gặp Mẹ nó. Nó không muốn nhưng em động viên mãi, nó đưa em về nhà gặp mẹ nó. Tỉ tê tâm sự, mới biết ba nó theo một gái bia ôm từ miền Tây ra, bỏ mẹ con nó. Em phải làm công tác tư tưởng mãi, thậm chí, em lấy chính chuyện em và tình cảnh hai đứa con em ra để khuyên nhủ, thằng bé mới dần dần ổn định. Bây giờ thì thành đạt rồi chị ạ. Đúng là những mảnh đời, tội nghiệp nhất là các em. Truyện này của chị khiến em nghĩ nhiều đến học sinh hơn, mỗi đứa mỗi cảnh ngộ, éo le lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhân vật trong truyện của chị đều là những mảnh ghép ngoài cuộc đời cả đó em. Nhiều khi ta chỉ bực dọc, chì chiết những đứa học trò cá biệt mà quên mất việc tìm hiểu vì sao nó lại thế.Tội lắm.

      Xóa
  10. Qua ko đạc bài em ơi
    Hỏi thăm lũ lụt nơi em thế nào
    Trung thu vui vẻ ko nào
    Sao ko có bánh anh vào ăn chi ?

    Trả lờiXóa
  11. Qua ko đạc bài em ơi
    Hỏi thăm lũ lụt nơi em thế nào
    Trung thu vui vẻ ko nào
    Sao ko có bánh anh vào ăn chi ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở nơi miền núi vùng cao
      Lũ lụt ào ào cũng chẳng hề chi
      Nhưng mà máy tính thật lì
      Cứ đen một cục, thấy gì đâu anh?
      Máy tính sửa được ngon lành
      Thì mạng lại mất, thôi đành lặng im.

      Xóa
  12. Chị Nhật Thành ơi, chị vào Google + xóa hết những đường dẫn của các blog khác chứ ko ai vào nhà chị được, may nhờ em biết địa chỉ của chị và vào "cổng chính". Em tin rằng nhiều người chịu ....chết. Chúc chị cuối tuần vui. Thân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị cũng chịu...chết không biết xử lí thế nào. Vốn đã ngu lâu khó đào tạo cái khoản blog spot này, lại không có thời gian. Chị vào Google+ rồi mà chẳng biết xóa ở đâu cả. Buồn quá!

      Xóa
    2. Tiện đây HT có ý kiến này:
      + Truyện ngắn thì nên ngắt đăng ở trang chủ, chỉ để một đoạn ngắn thôi ai muốn xem hết thì bấm vào chữ xem thêm ấy. Ngắt đoạn sử dụng công cụ như cái rang cưa hay hai mảnh tờ giấy rách ấy. Mình đã ngắt cho một số bài rồi, nay nên làm tiếp mỗi khi đăng bài.
      + Sự cố trên hình như Nhật Thành đọc Blog bạn rồi chia sẻ nhiều quá thì phải.
      Gọi là góp ý tý thế nhé.

      Xóa
    3. Trời ạ, đã bảo là cái đầu này chỉ YÊU là giỏi thôi, làm blog thì dốt lắm, chẳng biết xử lí đâu.

      Xóa
    4. YÊU CŨNG CHẢ GIỎI !!!!!!

      Xóa
  13. Chỗ anh mưa gió lớn mấy ngày qua, cột điện bị đổ đứt dây ngổn ngang nên liên lạc bị mất, hôm nay mới có điện trở lại nên anh vào thăm em...
    Anh chúc em luôn khỏe vui và mọi sự an lành em nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Máy tính hỏng, rồi mạng lại trục trặc, em chịu không vào trang được.
      Chúc anh luôn vui vẻ.

      Xóa
  14. Trên đó mưa lũ có ảnh hưởng gì đến gia đình chị không?
    Chúc chị tuần mới an lành, may mắn hạnh phúc và mọi việc thành công tốt đẹp.

    Trả lờiXóa
  15. Nhà chị ở trên non ấy mà. Dù có mưa bao nhiêu cũng không hề gì, chỉ tội cho dưới xuôi thôi.
    Quê em có ảnh hưởng gì lớn không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dưới em ở gần biển nên nước rút nhanh, chỉ sợ nước biển dâng thôi chị à
      Chúc chị ngày nghỉ cuối tuần nhiều niềm vui và hạnh phúc

      Xóa
  16. Đọc cái nầy anh lại nhớ đến Andre Maurois, lối viết bỏ lững cho người đọc tự kết luận. chiều vui em nhé.

    Trả lờiXóa
  17. Em qua thăm chị đây ạ! Mấy ngày nay em đi thăm bệnh viện, giờ mới về đó chị!

    Trả lờiXóa
  18. Anh vào thăm em đây nè. Chúc em luôn khỏe vui và nhiều yêu thương! Chúc những ngày nghỉ cuối tuần thật thanh thản thoải mái nhé!...

    Trả lờiXóa
  19. Anh sang thăm em, chúc em ngày mới, tuần mới khỏe mạnh, có thêm nhiều niềm vui và thành công tốt đẹp mới!

    Trả lờiXóa
  20. Mãi mới sang em,tự nhiên bắt gặp câu chuyện em viết,đọc một hơi,thật là ấn tượng.Em có thể gửi tác phẩm lên Báo Văn Nghệ DỰ THI được đấy.Chúc em vui khỏe,viết tiếp chặng đường còn lại của Hùng nhé.
    Hùng có thể trở thành tọong, thành anh Chí hay ai đó...tùy cách mà nó tiếp cận với nơi nó đến
    Thân mến
    Chờ tin em

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn chị. Phần này cũng được đăng trên tạp chí VHNT rồi, nhưng gửi dự thi báo văn nghệ thì em chưa dám.Em sẽ viết tiếp thành truyện dài, nhưng chưa có thời gian chị ạ.

      Xóa
  21. Truyện này lão từng đọc hồi xới blog em .
    Bây giờ em đọc lại , sẽ dễ nhận ra chuyện nhiều hơn truyện . Sự mạnh mẽ và chất chồng nhiều vụ việc của truyện có cảm giác được ngồi nghe kể chuyện nhiều hơn là một truyện ngắn .
    Truyện ngắn đánh vào một mảng một , với những khoét sâu thì hay hơn nhiều. Có một nhân vật Hùng thì mọi nhân vật khác chỉ nên làm nền cho tính cách của nó. Cái hư đốn của mẹ nó là chính hay tính cách bị chi phối hoàn cảnh đáng thương của nó là chính ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hùng là nhân vật chính thì rõ rồi còn gì? Trong truyện có mấy bước ngoặt trong cuộc đời mỗi con người đấy thôi. Tính em xưa nay vốn tham lam thế, lão biết mà. Nhưng em muốn lí giải ngọn ngành cho sự thay đổi làm nên những bước ngoặt ấy.
      Ghi nhận những góp ý xác đáng của lão, nhưng là để viết những truyện khác.

      Xóa