Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

CÂY ĐÀO QUÝ





(Truyện ngắn của Nhật Thành)

   Thế là tết đã xôn xao, rập rờn đầu ngõ. Làn mưa bụi bay bay cuối đông dường pha thêm chút hơi ấm dịu dàng của hơi thở mùa xuân. Mỗi đêm, nàng tiên với đôi cánh mỏng nhẹ nhàng ghé xuống cây đào nhà Miêng, rắc lên đó những chồi non bé tí dễ thương. Rồi một sáng, Miêng thấy lòng chộn rộn khi nhìn thấy mấy búp hồng phơn phớt như đôi môi của bé Mai hàng xóm. Tết đã đến gần lắm! Miêng bỗng buồn mênh mang… Ba năm rồi, kể từ ngày mẹ bỏ bố con Miêng ra đi, năm nào Miêng cũng chợt vui chợt buồn khi Tết đến. Thường thì Miêng lại úp mặt vào cây đào mà thì thầm:  “ Mẹ ơi, con nhớ mẹ vô cùng, mẹ biết không? Sao mẹ nỡ bỏ  con? Mẹ có biết là con đang buồn lắm không? Mẹ ơi!” Nước mắt Miêng chảy dọc thân đào làm lòng Miêng nhẹ lại. Hình như mẹ đang lẩn quất trong những cành đào khẳng khiu kia, mắt mẹ nhấp nháy trong chồi đào biếc, trong nụ đào hồng và thì thầm: “ Con trai của mẹ ngoan…Cố gắng con nhé, mẹ ra đi âu cũng là số phận. Nhưng mẹ tin, con trai mẹ sẽ cứng cáp, vững vàng, sẽ trở thành một chàng trai  cường tráng và đầy bản lĩnh”
   Cây đào tính đến nay đã tròn ba mươi hai tuổi. Bố nói nó cùng tuổi với mẹ Miêng, do ông bà ngoại trồng đấy. Cây đào phai cứ thế mà vui buồn cùng Miêng, nhắc cho Miêng biết mùa xuân đã đến, gọi bạn bè về với Miêng bằng những lứa quả vừa to, vừa ngọt, vừa giòn lúc hạ sắp sang. Cây đào vẫn nở hoa, vẫn đơm trái, thế mà mẹ lại ra đi. Ôi khủng khiếp thay, kinh hoàng thay trận lũ quét ba năm về trước…Mẹ đi rẫy và bị mất tích. Ba ngày sau, bà con trong bản chỉ nhận ra mẹ nhờ cái bụng căng tròn, trương phềnh, trong đó có đứa em của Miêng chỉ còn hơn một tháng sẽ chào đời. Bố Miêng ngất lên ngất xuống để rồi bây giờ thỉnh thoảng cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như kẻ ở một miền xa lắc nào đó lạc về chốn lạ.
-         Này cu, bố mẹ đâu?
 Miêng giật mình quay lại. Một gã đàn ông thấp đậm, mặc một bộ đồ rằn ri đấy những túi là túi, túi nào cũng căng phồng làm cho gã thêm lùn tịt xuống. Chẳng cần Miêng trả lời, gã ngó vào hai gian nhà rỗng toang hoác: gian trong đặt một chiếc giường, gian ngoài là bàn thờ đơn sơ gắn vào lưng chừng bức tường vôi lỗ chỗ. Gã lại quay ra, ngắm nghía cây đào, đầu gật gật.
-         Bố mẹ đi đâu cu? – Hắn lại hất hàm.
-         Mẹ cháu chết rồi, bố thì đang đi rừng, tối mới về.
Gã nhíu mày, nhìn Miêng năm giây rồi thủng thẳng:
-         Nói bố tối ở nhà, có khách đến nghe chưa?
Gã dận từng bước chắc nịch, tiếng cộp cộp của đôi giày đinh xa dần.

   Trời mờ sáng, bố lại đi. Một lúc sau, ba người trong bản mang xà beng,  cuốc chim xấn xổ đến gốc đào. Miêng hốt hoảng:
-         Các bác định đào nó ư?
-         Bố mày bán nó cho ông Thuận “bò”rồi, bọn tao đào thuê thôi.
-         Không được! – Miêng thét lên, lạc cả giọng – Cây đào này cháu không bán đâu!
Miêng chạy lại ôm thân đào, nước mắt lưng tròng.
Bác Nhẫn quẳng chiếc cuốc xuống sân:
-         Bố mày cầm tiền của người ta rồi, mày giữ sao nổi? Trong bản này khối người bán đấy, đâu chỉ riêng nhà mày?
Ừ, trong bản này, trước đây vào ngày tết, khách đến chơi cứ tưởng như lạc vào tiên cảnh. Nụ cười trai gái ngày xuân hòa lẫn cùng cánh đào rập rờn trong nắng sớm. Nhưng vài năm nay, người ta chuyển từ chơi đào Nhật Tân sang đào phai vì chuộng cái dáng vẻ tự nhiên mềm mại của nó. Thế là đào cứ vãn dần. Những chiếc xe công nông chở ngất ngưởng những đào cứ thế chạy về Thị trấn, để lại những hố đất ngơ ngác, buồn tênh trong ngày tết.
- Cháu không biết! Cháu không cho các bác đào đâu! Miêng ôm chặt cây đào, kiên quyết.
Bố đã về. Lẳng lặng quẳng bó lá dong giữa sân đánh “phịch”, bố  chậm rãi:
-         Bỏ ra đi con. Tiền bán đào bố đã góp để chung lợn ăn tết với người ta, để cho các bác đào đi.
-         Không được đâu bố ơi! Con không bán!
Bố đến gỡ tay Miêng, lôi tuột nó ra khỏi gốc đào. Nhưng khi nhát cuốc đầu tiên bổ xuống, Miêng lại chạy lại, nằm lăn dưới gốc đào ăn vạ.
- Thật là “quan nít” chứ không phải con nít! – Gã khách vừa đi đến, bực bội – Thôi, nếu  không bán thì trả tiền đây. Năm trăm ngàn đấy chứ ít đâu! Trong bản còn ối người nài nỉ mà tôi chưa mua, huống hồ…
-         Con à- Bố cầm tay Miêng dỗ dành- tết đến rồi, nhà mình chưa có đồng nào tiêu tết, bố biết con quí cây đào lắm, nhưng…giờ không bán nó thì biết bán gì đây?
-         Mọi năm bố vẫn có tiền đấy thôi?
- Mọi năm khác. Giờ quặng cũng hết rồi, chủ xưởng chạy rồi, bố cũng không còn chỗ mà mót đất thải nữa thì lấy tiền đâu con ơi!
Miêng mếu máo ngồi dậy, đi lại thềm, tựa lưng vào bức tường lỗ chỗ, cây đào nhòe đi trong làn mưa bụi, nhòe đi trong nước mắt. “Mẹ ơi…” Miêng khóc nức lên…Những nhát cuốc phầm phập bổ xuống.
Bố nhìn con, nhìn những ngọn đồi, những trái núi lở loét, nham nhở, đỏ lòm những đất mà lòng xa xót.
 Đã hết thời rồi. Cái thời hoàng kim của quặng thiếc, quặng sắt. Người ta ùn ùn kéo nhau từ nơi nảo nơi nào đến. Chia chác, tranh giành, mua bán, chụp giật…Những sườn đồi  yên bình rợp tán cọ xanh phút chốc nham nhở, dòng suối xanh mềm mại uốn lượn  bỗng đỏ lòm như máu.
Nhộn nhạo quán xá. Nhộn nhạo bán mua. Tiếng xe máy gầm rú. Tiếng người gào thét, chửi rủa trong cơn say…Thiếc chảy đi. Sắt chảy đi. Bản làng còn lại sự tiêu điều xơ xác! Rồi lũ. Những trận lũ kinh hoàng chẳng khác gì con quái vật khổng lồ trườn từ trên núi xuống, ngoạm vào bản, nuốt trôi nhà cửa, cây cối. Nó còn nhẫn tâm cướp đi người vợ và đứa con thứ hai chưa kịp chào đời…
 Khi chiếc xe công nông lùi đít cho đám cửu vạn chuyển cây đào lên thì Miêng hốt hoảng chạy đến. Hai tay giơ ra rồi đột nhiên thõng xuống. Nhiên quỳ dưới đất, nhìn theo chiếc xe đang khuất dần chạy về thị trấn. Bần thần, Miêng nhặt nhạnh những cành đào gãy, nâng niu mấy nụ đào ngây thơ đang hé mắt nhìn Miêng. Miêng gom được một lọ nhỏ, đặt lên bàn thờ:
-         Mẹ à, mẹ ơi! Hãy tha lỗi cho con, con không đủ sức để giữ được cây đào. Tết này chỉ có bấy nhiêu thắp hương cho mẹ mà thôi.
Nước mắt lã chã, Miêng quay ra giúp bố lấp lại cái hố đất họ vừa đào trước sân
Không còn cây đào,  trong lòng Miêng xuất hiện một khoảng trống hoang lạnh.

Cây đào ba nhánh cân đối được giới chơi cây cảnh đánh giá là cây đào quý hiếm. Gã buôn đào phán một câu như đinh đóng cột:
-         Mười lăm triệu, không bớt một xu.
Mười lăm triệu để trưng bày ba ngày tết! Có họa là điên!
Người ta chỉ đứng ngắm, trầm trồ bình phẩm cành PHÚC, cành LỘC, cành THỌ như lời quảng cáo của mấy tay “cò” đào rồi quay lưng đi. Nhưng con mắt nhà nghề của gã buôn đào đã phát hiện ra một con mồi. Hải quay đi quẩn lại khá nhiều vòng, cái nhìn vừa thèm muốn vừa lưỡng lự. Anh lại gần cây đào, sờ sờ lên lớp da bóng mịn của nó.
-         Này, mười lăm triệu thì hơi quá, bớt cho chút ít để còn thuê xe chở, được không?
-         Ô kê, nhìn ông anh là người sành đào, không đánh giá thấp giá trị của cây đào quí. Tôi đã mua hơn chục triệu, rồi đào, bốc vác, chuyên chở nữa cũng đã suýt soát mười ba. Thôi, bớt cho ông anh hẳn một triệu. Duyệt!
Thế là cây đào sang chủ thứ ba.
Thấy bố chở một cây đào “khủng” về nhà, Yến ngỡ ngàng:
-         Khiếp! Bố chơi sang thế? Hay ai cho hả bố?
Bố Yến cười:
-         Con thấy tuyệt không?
-         Nhưng nhà mình chật chội thế này, để nó ở đâu?
-         Để dưới nhà bác Khoát giám đốc công ti ấy. Giờ bố phải chở đi cho kịp, hai tám tết rồi.
Mẹ Yến vừa đi chợ về, ngó cây đào, buồn buồn:
-         Nghe bảo bố cái Yến mua những mười bốn triệu? Có nên quá tay vậy không? Dù sao cũng chỉ là cây đào…
Hải kéo vợ vào nhà:
- Đúng là đồ đàn bà. Xếp  thiếu gì tiền? Mình có phong bì cho xếp dăm chục triệu  cũng không quý bằng cây đào này. Mất mười bốn triệu, nhưng nó có giá trị tinh thần lớn. Nó là cây đào PHÚC-LỘC-THỌ đấy. Chắc chắn vợ chồng xếp sẽ hiểu ra thiện ý của mình. Hơn nữa, ở thành phố kiếm đâu ra?
-         Thế bố nó hứa với con nhận tiền chia lại quĩ lương sẽ mua xe đạp điện cho nó.Giờ mua đào rồi, tính sao?
Nghĩ đến cảnh con gái đạp xe chín cây số đi học ngày hai bữa, nhìn những nếp nhăn đến sớm trên vầng trán vợ vì những lo toan, tính toán, Hải xót xa lắm, nhưng biết làm sao? Anh nhìn vợ, thủ thỉ:
- Em và con chịu khó một năm nữa. Là chỗ thân tình, chức trưởng phòng vật tư xếp đã hứa rồi. Lão Thống tháng ba về hưu, “ghế thì ít, đít thì nhiều”… Thôi thì mất mười bốn triệu, mình cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong dịp tết. Thế là ổn, đúng không?
     Hải cười động viên vợ.
   Phải vất vả lắm, anh mới đưa được cây đào đến nhà xếp Khoát. Quãng đường một trăm hai mươi cây số xe chạy vèo vèo, nhưng chật vật mãi xe mới lách được ba ki lô mét chiều dài con hẻm nhỏ. Cành đào va quệt hết dây điện chăng ngang chăng dọc rồi biển quảng cáo to nhỏ, thò thụt  như trận đồ bát quái.
  Thuê được người đem xuống xe và khiêng vào đến sân, Hải chợt sững lại: nhà xếp đã có một cây đào sừng sững chiếm cả một khoảng lớn nơi giàn mát. Thế là toi công! Hải thấy đôi chân tự nhiên rủn xuống.
- Ô kìa, chú Hải đấy à?- Vợ xếp ra, đon đả -  Trời ạ, sao lại còn mang đào đến? Thế mà không a lô cho chị để khỏi mất công. Rõ tội!
- Dạ…- Hải  hết xoắn tay vào nhau rồi lại gãi gãi đầu – Chả là thấy cây đào quí…
- Chú xem này: cây đào này mang tận Lai Châu về đấy. Năm cành cân đối tỏa ra như bông hoa nhá. Chú thấy chỗ này mà đặt đĩa ngũ quả thì tuyệt, đúng không?
 Quả thật, cây đào có một khúc thân dưới gốc thẳng chừng một mét rồi tõe ra năm nhánh cân xứng, nơi ấy vừa vặn đặt một đĩa hoa quả. Hải đang ngẩn ra thì vợ xếp đã giục:
-         Thôi, tiện xe, chú cho họ khiêng lên rồi chở về đi, tết mà thờ hai cây đào là kiêng lắm đấy.
-         Dạ, thế anh đi đâu ạ?
-         Đi tết trên xếp tổng rồi, mai mới về.
Ra đến quốc lộ, tay lái xe nhăn nhó:
- Thôi, vứt mẹ nó đi, tôi không có công chở về cho ông đâu. Tết đến sau ót rồi, bọn nhà giàu thì chẳng ai đợi đến giờ mới mua đào, còn nhà nghèo như mình chẳng ai hơi đâu rước của nợ này về cho chật nhà.Giờ tôi còn phải đi chở hàng theo hợp đồng, ông vội thì bắt xe về trước đi nhé.
  Cây đào PHÚC-LỘC- THỌ nằm bẽ bàng nơi khu vực tập kết rác của thành phố. Những nụ hoa bé nhỏ vô tư vẫn kịp tắm làn mưa bụi rây rây trước khi nói lời từ biệt cuộc sống đáng yêu này.

                                                   Viết xong 12/11/2013
                                                              NT
  
 
  



58 nhận xét:

  1. Đọc xong truyện, thấy xa xót cho bao kiếp người và nhân tình thế thái. Những cây đào cây mai bị ế trong phiên chợ Têt cuối cùng chắc gì đã bi đát trớ trêu bằng chủ nhân đầu tiên và chủ nhân cuối cùng của cây đào?... Một truyện ngắn để lại cho người đọc thật nhiều cảm động và day dứt!... Nhưng ở nhân vật cậu bé Miêng, có mấy chỗ tác giả viết vội nên sơ sót tên thành Miên, chịu khó sửa lại chút nhé...
    anh chúc em khỏe vui và có thêm nhiều tác phẩm hay nữa nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những thứ cực kì quý giá của người nghèo đến cửa nhà giàu trở thành đồ thừa thãi. Cây đào là niềm vui, niềm hạnh phúc của Miêng. Bố Yến phải bỏ hẳn số tiền LỘC (tạm cho như thế) để mua. Và cuối cùng, cây đào bị coi là rác...THỌ hết!

      Xóa
  2. Truyện ngắn viết tốt, bố cục gọn, văn hay... và kết cục bất ngờ một cách vừa chua xót, vừa mỉa mai. Chỉ thương cho cậu bé mất đi một vật kỷ niệm thiêng liêng của người mẹ.
    Anh rất thích dạng truyện này.
    Chúc mừng thành công của Nhật Thành.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc truyện của chị lại thấy bâng khuâng nhớ tết

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị thì lại buồn. Trăn trở cho bao kiếp nghèo khi tết đến!

      Xóa
  4. Qua đọc truyenj mới của cô giáo ,vẫn phong văn xưa nay đưa ta đến cảm xúc mới lạ qua chuyện Cây đào quý
    ========
    Chúc em vui vver hp nhân ngày lể bhaf giáo VN nghe

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn anh nhiều. Vừa qua em đi dự hội lớp 30 năm, thầy cũ của em (thầy Thi, dạy văn) có nói thầy cũng học trường Huỳnh Thúc Kháng khóa đầu tiên đấy.

    Trả lờiXóa
  6. Dạo này em cũng bận việc quá, em sang thăm chị và chúc chị chiều thứ 5 an vui, hạnh phúc trong những ngày hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em. Chị cũng rất bận, chưa sang em được.

      Xóa
  7. Sang đây là được đọc một truyện ngắn hay, gợi lòng người nhớ tết, cám ơn em nhé, chúc em buổi tối an lành hạnh phúc nhé.

    Trả lờiXóa
  8. Hôm nay xứ mình mưa lạnh... Anh chúc em đêm ấm áp an lành và ngủ ngon em nhé!...

    Trả lờiXóa
  9. Anh xem lại lời nhận xét của NT bên Trang thơ HSTQ, anh suy nghĩ mãi và quyết định quay lại nói với em đôi lời:
    Về ưu điểm cơ bản giống lời nhận xét trên, chỉ thêm là cách sử dụng hình ảnh của một gia đình khốn cùng do tệ nạn xã hôi, cái tệ khai thác khoảng sản bừa bãi gây ra. Với thái độ khinh đời, tiền là trên hết của bọn gian thương; với tên cán bộ đớn hèn vì muốn thăng quan tiến chức mà bỏ qua cả nhu cầu học tập của con mình.
    Tuy nhiên anh tìm ra một số tình tiết cho là bất hợp lý:
    1. Cây đào bằng tuổi mẹ Miêng, nhưng lại do ông ngoại trồng vậy:
    - Lúc trồng cây đào bố miêng chưa là con rể của ông ngoại; nếu vậy bố Miêng ở rể. Trường hợp này rất hiếm.
    - Ông nội và ông ngoại thân nhau; ông ngoại trồng cây đào kỷ niệm, tình tiết này nghe hay.
    - Kết cục bất ngờ nhưng nếu em đưa nốt cả tình tiết cây đào là vật kỷ niệm thiêng liêng về mẹ Miêng xuống cùng thì sức tình tiết biếu đào ế của tay cán bộ thì hay càng tăng thêm độ ngứa tai, cay mắt của độc giả.
    Thành thật lúc sáng anh viết lời bình muốn xem lại tuổi cây đào mà tìm mãi mới ra. Có lẽ nhiều độc giả cũng như anh đọc cuối sẽ quên đầu mà thôi.
    Theo anh truyện này xếp vào truyện cực ngắn thì không được, xếp vào truyện ngắn thì lại hơi ngắn. Ở trình độ như NT nên đầu tư khai thác thêm tâm lý nhân vật, mở rộng các cuộc hội thoại làm phong phú thêm nội dung làm nổi bật nội dung tư tưởng của câu chuyện.
    Đúng là cái ông bới bèo ra bọ, cái người tiền ít lại muốn ăn phở nhiều thịt.
    Bảo nói cứ nói, đúng sai mặc kệ.
    Hiệp sau sẽ nhận xét truyện "Cạm bẫy"; ở truyện nay anh muốn nói về kỹ năng quan sát của người viết truyện. Đáng lẽ anh nói lâu rồi nhưng bây giờ nói có lẽ đúng thời điểm hơn.
    Thành thật với anh thì viết như thế này là hay nhưng với NT thì chưa hết khả năng.
    Chúc em thành công trong sự nghiệp văn chương và trong thể loại truyện ngắn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước hết, thật sự cảm ơn anh HT nhiều lắm. Anh đã có những góp ý rất cụ thể, rất chân tình và chính xác.Em xin trả lời như sau:
      1. Tình tiết em đã bỏ đi vì sợ nó dài và làm loãng nội dung: bố Miêng vốn là dân làm thuê từ Thái Nguyên, tới đây gặp mẹ Miêng, hai người quen nhau và bố Miêng thường lui tới gia đình có cô con gái xinh đẹp này chơi, bố cô gái không may qua đời vì một lần sập hầm quặng (chuyện này xẩy ra ở địa phương em khá nhiều), mẹ cô gái buồn rầu rồi cũng ra đi cách đó không lâu, để lại cô gái mồ côi( cô chị đã đi lấy chồng ở nơi khác). Thương rồi yêu, bố mẹ Miêng đã tự nguyện sống chung với nhau, không cưới xin. Họ rất hạnh phúc. Xuất xứ của cây đào là do mẹ Miêng đã kể cho bố Miêng nghe.Cũng từ chi tiết này mà nhà Miêng vẫn có bàn thờ ( vì người dân tộc không thờ người chết).
      2. Em lại lí giải tiếp vì sao em cắt xén đi như thế: thường truyện em viết trước đây cứ kéo đến 6, 7 trang A4, BBT của tạp chí SÔNG LAM (Nghệ An) chê dài quá. Muốn đăng thì phải viết cỡ 4 trang trở xuống. Em có nhờ BBT của Hội VHNT huyện em đọc và cắt đi thì họ bảo: " Da thịt em thơm lắm, anh không nỡ cắt". Cách từ chối khéo ấy khiến em phải xác định: mình phải tự điều chỉnh thôi. Lâu nay, em thường viết không quá 4 trang. Mạnh dạn cắt những gì lòng thòng, chưa tập trung vào chủ đề.
      Em sẽ suy nghĩ và chỉnh sửa lại sau anh nhé.Cảm ơn anh thật nhiều!

      Xóa
    2. Em hãy bỏ qua những nhận xét vội vàng, chưa hiểu bản chất nghiệp văn chương của anh ở trên.
      Nhưng anh nghĩ đơn giản: Yêu cầu của BBT báo sẽ thấp hơn BBT sách về phương diện nghệ thuật văn học. Đến khi xuất bản tập truyện ngắn của NT thì có nhiều vấn đề cần quan tâm đấy.
      Theo anh em nên quan tâm đến tác phẩm văn học, còn tác phẩm đăng trên báo chí chỉ là một bước đệm ban đầu. Em có khả năng viết những tác phẩm văn học dài hơi có giá trị hơn nhiều những tác phẩm mà em đưa đi in báo.
      Anh thực lòng khuyên em như vậy.
      Chúc em thành công trong sự nghiệp văn chương nói chung và truyện ngăn nói riêng.

      Xóa
    3. Từ khi cầm bút viết văn chương, em luôn trân trọng lời khen chê của độc giả hơn là BBT. Chắc anh hiểu vì sao lại thế.
      Những bài thơ của anh và mọi người trong tổ thơ cụm 9 có nhiều bài xuất sắc về cả nội dung và nghệ thuật. Thế nhưng, nó mới chỉ được xuất hiện trên báo tường! Trong lúc những tác phẩm được in trên mặt báo đâu phải bài nào cũng hay? Phải không anh?

      Xóa
  10. Đến thăm Chị, chúc chị những ngày nghỉ cuối tuần thật nhiều niềm vui và nồng nàn hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  11. Em sang cảm ơn chị ghé thăm commets,được đọc một câu chuyện thật đau lòng,thương cho câu bé Miêng mất đi cây Đào kỷ niệm,một vật vô giá đối với cậu .hình ảnh lung linh,thân thương về Mẹ...cũng đau xót cho vợ chồng Hải bị mất 14 triệu ,một số tiền ko nhỏ đối với người nghèo,để sang NHÀ GIÀU-SẾP lại trở thành RÁC ,khiến con gái Hải hết hy vọng về chiếc xe đạp điện,niềm mơ ước của em,của mẹ muốn con mình đỡ vất vả,khó nhọc trên một quãng đường dài so với sức em...thật đáng trách ...cũng là một nghịch lý,một câu chuyện thường nhật của THỜI NAY ,chi ạ,khiến cho những người còn lương tâm cảm thấy đau lòng,xót xa .Em ghé thăm chia sẻ mấy dòng cảm nhận cùng chị.Chúc chị một đêm an lành,ngon giấc,mơ đẹp nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em đã sang thăm và có những cảm nhận sâu sắc. Chúc em luôn vui vẻ, hạnh phúc và bình an.

      Xóa
  12. Một mô típ thường có ở chị Nhật Thành, một mẫu chuyện nhỏ về cây đào và cuộc mua bán trong ngày gần Tết, chị đã xây dựng được một câu chuyện ngắn mang đầy tính nhân văn. Tuyệt! Chúc mừng chị ngày Hiến Chương các nhà giáo 20-11. Thân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị lại thèm khát có được sự trải nghiệm cuộc sống tuyệt vời như Ánh Nhật.
      Chúc em có thêm những cuộc du ngoạn thú vị!

      Xóa
  13. Anh sang thăm em, chúc em luôn khỏe vui. Chúc đêm ấm áp an lành và ngủ ngon em nhé!...

    Trả lờiXóa
  14. Chúc em Chúa nhật an vui, hạnh phúc nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh. Chúc anh luôn hạnh phúc với người trong mộng nha

      Xóa
  15. Em đọc truyện và đọc kĩ lời nhận xét của anh Hai Thang Hoang chị ạ. Còn em vì bận quá nên em chỉ viết gì đó khi em đã hiểu kĩ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị đã đọc bài XÓA của em khi em mới đăng 3 phút. Em viết cái gì cũng cuốn hút cả, kể cả lời thanh minh.

      Xóa
  16. Chủ nhà chắc đã ngủ rồi? Không dám đánh thức dậy nữa đâu. Nhưng dẫu sao đã sang đây thăm thì anh vẫn chúc em ngủ thật ngon, mơ mộng đẹp nhé!...

    Trả lờiXóa
  17. Chỉ có nhà thơ
    Mổ cò gõ phím trong đêm
    Lỡ gặp một nàng gãy cánh như chơi!

    Trả lờiXóa
  18. đến thăm bạn chia sẽ bài đăng và chúc vui vẽ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn. Chúc bạn ngày mới nhiều niềm vui.

      Xóa
  19. Không mổ cò gõ phím trong đêm nữa, anh sang thăm em chiều Đông, chúc em khỏe mạnh an lành và đón ngày Nhà giáo VN thật vui vẻ và đầy ý nghĩa tốt đẹp nhé! Chúc em luôn hạnh phúc!...
    http://img1.123tagged.com/en/FlowerBouquet/138.jpg

    Trả lờiXóa
  20. Sang thăm em, đã đọc lại lần thứ ba rồi mà khi đọc xong vẩn như nghèn nghẹn em ạ, em viết hay quá, chúc em luôn an vui nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn lời khen của anh. Cái khổ của người miền núi đó anh. Giàu tài nguyên, giàu khoáng sản chỉ để rồi bản làng ngày càng xơ xác. Tài nguyên hết, cuộc sống người dân bị đe dọa bởi thiên tai mà thực ra do con người gây ra anh ạ.

      Xóa
  21. Nhân ngày Nhà giáo VN 20/11, MC xin gửi đến Chị và các Thầy, Cô giáo lời tri ân sâu sắc và Chúc Thầy, Cô luôn vui khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người.

    Trả lờiXóa
  22. Chắc giờ này cô giáo đang đi chúc mừng thầy cô giáo, hoặc cô giáo đang tiếp đón học sinh, phụ huynh đến chúc mừng mình?...
    Anh cũng chúc mừng em mọi điều thật tốt đẹp trong dịp lễ hội truyền thống của ngành GD này em nhé! Chúc đêm ấm áp an lành, ngủ ngon để sáng mai tiếp tục đón nhận thêm nhiều niềm vui nghe em !...

    Trả lờiXóa
  23. MC sang chia vui với Chị nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

    Trả lờiXóa
  24. Chúc em kỷ niệm ngày NGVN hôm nay tràn ngập niềm vui, vinh hạnh đón nhận những lời chúc mừng tốt đẹp của mọi người dành cho mình, em nhé!

    Trả lờiXóa
  25. Em qua thăm chị. Em bận quá nên hôm nay mới bắt đầu đi chơi đây đó chị ạ!

    Trả lờiXóa
  26. tím sang đọc câu chuyện hay và cảm động của TN. Có một cái gì đó rưng rưng thương cho Miêng quá! Mất đi kỹ vật cuối cùng của người Mẹ kính yêu. Chúc TN có nhiều cảm xúc và viết được những câu chuyện hay nha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào em, chị quá bận nên dạo này ít dạo chơi blog, khi nào rảnh sẽ sang thăm em, bằng lăng tím nhé.

      Xóa
  27. Biết bao giờ mới được cái cảnh an hoà với thiên nhiên vui sống đây, sang chúc em an vui ấm áp nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất bận, song em vẫn sang tranh thủ đọc bài của anh vì tất cả đều sâu sắc.Nhưng em không kịp chào chủ nhà,thông cảm cho em nha.

      Xóa
  28. Anh sang thăm em. Chúc em vui khỏe và mọi sự an lành, chúc đêm ấm áp và ngủ ngon em nhé!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cảm ơn anh thật nhiều. Dạo này em ốm suốt đó anh.

      Xóa
  29. cô giáo NHẬT THÀNH quên anh HAI LÚA buồn ghê nghen. chủ nhật an vui cô giáo ơi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không quên! Không bao giờ quên! Nhưng bận ghê đi anh Hai ơi!

      Xóa
  30. Thăm đồng hương, đêm an lành nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào đồng hương, chúc cả tuần đong đầy yêu thương nhé.

      Xóa
  31. Hôm nay mới qua lại và đọc hết bài viết của cô giáo,thật chua xót và tội nghiệp cho phận người... HAI không làm đc những chuyện như anh HẢI nên sớm từ quan vui thú điền viên,ung dung tự tại.
    tặng lại em đôi vần đối họa bên nhà góp vui nhé cô giáo ơi!
    ***
    Nhật Thành Hồ20:35 Ngày 24 tháng 11 năm 2013

    Em cũng đã về Đà Lạt quê anh
    Mùa thu ấy lá xanh hòa trời biếc
    Lá vàng ư? Hình như vài ba chiếc
    Có nhiều đâu mà vội quét anh ơi?
    Anh Hai cũng xạo ghê đó. Mùa thu Việt lá chưa vàng đâu, sao bắt nó rụng sớm thế?
    Xin anh cái tem 101 nha.
    Trả lờiXóa
    Trả lời

    Hai Lúa21:03 Ngày 24 tháng 11 năm 2013

    vườn nhà anh trồng nhiều cây trái
    cứ thu về anh phải quét sân
    lá còn xanh mà vẫn lìa cành
    chắc có lẻ trời sanh... mùa thay lá
    nếu không thôi vô tình.. một.cơn gió
    chỉ thổi qua ...nhà ngập ngụa lá thu
    HAI không xạo,hỏng tin thì đến thử
    để cùng anh mỗi bửa quét lá vàng...
    ***
    hà hà cô giáo lâu ngày qua chọc ghẹo anh HAI rồi nhen..xin tặng luôn cho em con số may mắn đó 101 hí!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải cất kĩ tem"lá vàng" cho mùa thu sau, anh Hai hí?

      Xóa
  32. Em mệt đã khỏe chưa? anh chúc em chóng khỏe và gặp mọi điều tốt đẹp an lành trong cuộc sống nhé. Chúc em đêm ấm áp an lành và ngủ ngon nhé em!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh. Em giờ chỉ mang tiếng là khinh người thôi, vì hễ nói là ho.

      Xóa
  33. Buồn cho những thân phận nghèo hèn, chút tình bấu víu của con trẻ, chút hy vọng đổi đời đều trở thành phù du. Lão chúc Bạn đêm an lành.

    Trả lờiXóa