Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

MỘT MÓN QUÀ


Truyện ngắn của Nhật Thành
       Đêm nay đã hai mươi tám tết, chỉ còn hai ngày nữa, Cả thêm một tuổi. Thế là Cả đã mười một rồi. Thằng Cáng, em của Cả, cũng đã lên năm. Như mọi năm, giờ này Cả và Cáng vui lắm. Bố gọi người đến mổ lợn. Mẹ thì tất bật chợ búa. Mẹ mua bao nhiêu là thứ: nào hành tỏi, nào bánh đa nem, miến dong…Cứ vừa về đến nhà, mẹ  sực nhớ ra là còn quên cái nọ, quên cái kia, lại chạy ra chợ. Mỗi ngày đi đi, về về không biết bao nhiêu tráo. Dù quên gì thì quên, riêng quần áo mới, dép mới của hai anh em Cả và Cáng là mẹ ưu tiên mua từ khi còn những hai chục ngày mới đến tết.Cả thích úp mặt vào cái áo mới, ngửi cái mùi thơm thơm của vải và hình dung đến ngày “diện”một bộ mới tinh đi chơi cùng lũ bạn.
    Nhưng năm nay thì buồn lắm. Tết đến thật rồi mà xóm làng cứ vắng hoe vắng hoắt. Người lớn thì tranh thủ vào rừng kiếm thêm ít lá dong ra chợ bán kiếm tiền. Trẻ con cũng ỉu xìu vì chẳng mấy đứa có đồ áo mới.
  Cả ra cây cầu xi măng bắc qua con suối Nậm Huống ngồi thẫn thờ. Con suối bây giờ chỉ rộng độ bảy tám mét, chảy hiền hoà. Từ khi có cây cầu, lũ trẻ con trong làng có thêm một chỗ chơi thích thú. Đêm trăng, dòng sông như được dát một lớp kim tuyến váng óng ánh. Cả và lũ bạn bẻ cành cây, rủ nhau chơi trò nấp bắn. Tiếng hò hết, tiếng cười đùa vang mãi trên những lượn sóng lúa hai bên bờ suối.
   Dòng suối hiền hoà như thế, vậy mà cách đây mấy tháng, không ai nhận ra nó nữa. Nó hùng hổ như con hùm, con sói lên cơn thịnh nộ vồ cái xóm nhỏ của Cả. Chẳng nhà nào nó tha: lợn, gà bị nó đẩy trôi băng băng, cây ngô đang trổ bông, cây lạc đã có củ nó cuốn sạch hết. Nó lên cơn thịnh nộ trong đêm nên chẳng ai kịp đề phòng. Cả đang ngủ say thì mẹ lay dậy, cả nhà kéo nhau chạy trong cơn mưa xối xả lên nhà bác ở xóm trên.Sáng ra nó mới nguôi cơn giận, nhưng cái sập lúa của nhà Cả bị ngập ướt hết. Mẹ khóc. Nước mắt mẹ dàn dụa:
-         Đói rồi con ơi! Lấy gì mà ăn cho đến tháng tư sang năm hả trời?
Bố nóng ruột lắm, nhưng lại gắt mẹ:
-         Khóc lóc làm gì? Người ta còn bị chết cả người đấy, mình còn khoẻ mạnh, rồi tính dần. Cả làng người ta cũng thế cả thôi.
Cả giật mình, vội vàng đến xem cặp và cái rương nhỏ đựng sách. Chao ôi! Sách vở dúm dó cả lại vì nước. Cả khóc oà lên, tức tưởi. Lật giở tờ nào rách tờ đó. Nước mắt nhoè đi. Trang vở nhoè đi. Những điểm chín, điểm mười đỏ chót cũng nhoè đi.Mẹ ôm Cả vào lòng, nói trong nước mắt:
-         Rồi mẹ sẽ mua lại sách vở cho con!
 Mấy ngày sau, trời vẫn mưa rả rích. Lúa ướt không phơi được, mọc mầm trắng cả gian nhà nhoe nhoét bùn đất. Mẹ vẫn chưa thể mua được sách vở cho Cả.
    Cả nghỉ học được một tuần thì  cô giáo đến. Nhìn nhà Cả, cô thở dài thật nhẹ rồi nói với bố:
-         Phải cho cháu đi học thôi anh ạ. Thiếu sách vở, nhà trường sẽ cố gắng tạo điều kiện sau. Cháu học rất khá. Nếu bỏ học như thế này thì tiếc lắm.
Bố cầm lấy ống điếu thuốc lào, rít một hơi rõ dài, không nói gì.
  Cố gắng lắm, nhà trường cũng chỉ gom được một số sách cũ. Học sinh gặp hoàn cảnh như Cả cũng nhiều. Cả được hai quyển vở và một cuốn sách toán, một cuồn sách Tiếng Việt.(Cô giáo bảo Cả được ưu tiên nhiều hơn đấy). Mẹ cũng vay mượn và mua cho Cả thêm mấy quyển vở nữa. Nhưng khổ nhất là sách cũ bị vẽ rất nhiều . Nhất là sách toán, anh chị nào dùng trước cứ ghi cả kết quả phép tính vào. Khi học, Cả cứ thấy khó chịu quá.
  Mặc dù có được ít gạo cứu trợ, song cái thiếu, cái đói sau lũ mới đáng sợ làm sao! Nhìn mặt mẹ,  những nếp nhăn dường như sâu hơn. Tinh mơ, mẹ vào rừng hái măng, trưa về cặm cụi luộc rồi chiều mang ra chợ bán. Bố lo dọn vườn trước, vườn sau,chuẩn bị trồng ngô, trồng khoai cứu đói.
  Ngày chủ nhật, Cả xin mẹ cùng đi hái măng. Cả định bụng sẽ góp tiền mua một bộ sách mới. Mẹ ái ngại nhìn Cả nhưng rồi cũng gật đầu.Măng nhiều lắm, nhưng vắt còn nhiều hơn. Chưa kịp bẻ búp măng, ba bốn con vắt đã bật tanh tách, bám chặt vào bắp chân Cả. Gỡ chưa xong, Cả đã thấy một lũ vắt ngo ngoe cái vòi trên đám lá ẩm ướt. Ì ạch mãi, Cả cũng tha được mấy chục búp măng về đến nhà. Chiều, Cả lại theo mẹ đi chợ. Chợ thị trấn đông và nhiều hàng lắm. Gian hàng quần áo sặc sỡ sắc màu. “ Chao ôi, ước gì Cả được mua một cái áo phao kia nhỉ? Mới nhìn màu đỏ của nó đã thấy ấm sực lên rồi"- Cả thầm nghĩ rồi lại chép miệng: “ Đến lo ngày hai bữa cơm mà mẹ đã vất vả lắm, đừng ước ao mà tội mẹ”. Gian dày dép cũng đủ các kiểu: dày da, guốc cao gót, dép nhựa, dép tông…Nếu mẹ không lôi đi, chắc Cả đứng đến tối mất. Nhưng có một hình ảnh mà Cả không thể nào dứt ra mà đi được, mặc dù mẹ gắt lên. Cả thấy người ta đập phá một ngôi nhà rất đẹp.Ngôi nhà ấy có lẽ bố mẹ Cả làm già đời cũng không đủ tiền xây. Cả kéo tay một chú đứng gần đấy,rụt rè:
-         Chú ơi, sao ngôi nhà đẹp thế mà phải phá đi ?
Chú ấy cười:
- Người ta muốn xây nhà tầng cao hơn, đẹp hơn nên dỡ bỏ cái cũ đi thôi, nhóc ạ.
   Đêm về, Cả cứ nghĩ đến mà tiếc. Giá như  nhà là một vật  có thể mang đi được, Cả sẽ xin cái vứt đi của họ về thay cho ngôi nhà nứt nẻ, cửa bằng phên nứa rách nát sau lũ của gia đình Cả. Thế mới biết, trên đời này thật lắm trớ trêu: cái người này cảm thấy tầm thường, muốn vứt đi, muốn xóa bỏ thì kẻ khác mơ cả đời không có.
  Góp mấy phiên chợ, Cả có năm mươi ngàn đồng. Dạo hết các quán bán sách trong thị trấn, người ta đều trả lời: “Sách tập một đã bán hết cả rồi.” Cả buồn mất mấy ngày. Sách thiếu, Cả học sút hẳn. Trong làng, nhiều đứa đã lần lượt bỏ học để đi kiếm củi, đốt than bán lấy tiền mua gạo. Cô giáo Cả có lần nói với cả lớp khi cô kể chuyện “Sơn Tinh,Thuỷ Tinh”:
  - Các em ạ những người con Lạc, cháu Hồng chúng ta phải biết làm cho Sơn Tinh ngày một mạnh hơn. Chúng ta trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc,chúng ta không khai thác rừng bừa bãi, không phát rẫy, đốt than…thì thần Nước khó lòng đe doạ cuộc sống của chúng ta được.
Thế mà bây giờ, thần Nước gào rú, đe doạ, thách thức và cười man rợ khi lồng lộn phá phách ngôi làng của Cả.Thần Nước cướp cơm gạo của bà con, bà con lại vào rừng vắt kiệt sức của Thần Núi. Chao ôi! Đến bao giờ cho hết cái vòng luẩn quẩn này đây?
Chẳng biết trách ai,  Cả chỉ còn biết ra ngồi trên cây cầu, thầm thì với dòng suối đang vô tư uốn lượn:
-         Mày làm khổ cả làng đấy, suối ạ. Mày là một phần của quê hương, sao mày không thương dân làng hả suối?
Đáp lại, chỉ có tiếng mấy chú cá lóc bóc đớp mồi.

   Một vùng quê miền núi như ở đây , thường trẻ con chỉ biết lễ Giáng sinh và ông già Nô-en qua sách vở,qua hình ảnh trên ti-vi. Thế mà năm nay, mới đầu tháng mười hai, Cả nhận được một bức thư ngỏ gửi phụ huynh và một bức thư nữa dành cho Cả viết gửi ông già Nô-en. Cả hai bức thư đều được nhận từ tay cô giáo. Về nhà, Cả đưa bức thư ngỏ cho mẹ. Mẹ đọc xong, chỉ thở dài. Còn Cả thì nắn nót điền vào bức thư gửi ông già Nô-en: Cháu mong nhận được một bộ sách giáo khoa lớp năm.
  Cả gấp thư cẩn thận, đưa cho cô giáo để cô gửi hộ. Lòng khấp khởi mừng thầm: “ Chắc ông già Nô-en thấu hiểu hoàn cảnh của mình nên năm nay lên thăm và tặng quà  chăng ?”.
  Gửi thư đi rồi, Cả mong ngày mong đêm đến ngày lễ Giáng sinh. Nhiều đêm, Cả mơ thấy ông già Nô-en đến nhà mình. Từ trong túi ông, bao nhiêu là quà: quần áo, mũ len, gấu bông, và rất nhiều đồ chơi. Nhưng Cả hét lên: “Ông ơi, cháu chỉ ước một bộ sách giáo khoa thôi!” Ông già Nô-en bỗng biến mất, Cả chợt tỉnh giấc, vừa mừng  vừa thấy lo lo.
  Thế rồi ông già Nô-en đến thật. Ông không ngồi trên xe trượt tuyết có con tuần lộc  kéo,mà ngồi trong chiếc xe con rất đẹp. Mũ đỏ, quần áo đỏ, tất đỏ, túi quà đỏ…y hệt như hình ảnh Cả thấy trong ti-vi. Lòng Cả rộn ràng.Cả nhìn không chớp mắt vào những hộp quà  mà người đi theo ông già Nô-en đang ôm khệ nệ. Trong những hộp đó, hộp nào là bộ sách giáo khoa của Cả? Ông già Nô- en lần lượt đi đến từng lớp. Học sinh chạy ùa theo sau, vây lấy ông, lôi túi, kéo áo rồi hét lên:
-         Ông già Nô-en ơi! Cho cháu quà với!
Ông cười hiền từ. Các hộp quà được phát tận tay cho các cháu, có tên ghi rõ ràng ở ngoài hộp. Nhưng không phải ai cũng có. Những đứa trẻ nghèo tiu nghỉu. Chỉ có con của những gia đình buôn bán giàu có và con của một số gia đình công chức là có quà. Học sinh con gia đình nông dân hầu hết đều chỉ được nhìn ông già Nô-en mà thội. Hoá ra không phải ông già Nô-en đi tặng quà cho các cháu nghèo khổ mà ngoan ngoãn như Cả được đọc trong chuyện cổ tích. Trong số những đứa được nhận quà kia, có những đứa ngày thường nghịch ngợm, trốn học, vô lễ. Có những đứa đã từng viết bao nhiêu bản tự kiểm điểm mà vẫn chứng nào tật ấy. Đấy, cái thằng Trung “đại ca” kia mới bị nhà trường kỉ luật đuổi học một tuần vì đánh bạn trọng thương, vậy mà giờ cũng ôm một hộp quà to tướng!
 Một đứa bạn trong lớp, vẻ hiểu biết, nói với Cả:
- Bố mẹ không có tiền mua quà, không nộp tiền trước thì ông già Nô-en làm gì có mà tặng!
 Cả ngồi bệt xuống thềm lớp.Trong cổ dâng lên một cái gì nghèn nghẹn.  Không khóc mà nước mắt Cả cứ chảy hoài trên má.

    Đêm nay, ngồi trên cầu, nhìn xuống dòng nước tối sẫm của đêm hai tám tết, nghĩ lại mà lòng Cả vẫn buồn tê tái. Mấy chiếc xe máy đi qua, Cả cũng không buồn quay lại. Trong làng, điện sáng trưng. Dù cái tết nghèo sau lũ, nhưng nhà nào cũng cố gắng làm cho khung cảnh ấm áp hơn. Đèn điện được mắc lên những cành đào, mắc ra tận ngõ. Từ ngoài bờ sông nhìn vào làng, tưởng chừng như một vòm trời sao đang hạ xuống vui xuân.
-         Sao ra ngồi đây con? – Mẹ dịu dàng hỏi và xốc nách Cả đứng dậy- Về đi, cô giáo và các bác trong chi hội đến thăm đấy.
-         Cô giáo đến ư? Bao giờ thế mẹ? Cả vừa mừng vừa run.
-         Đến một lúc rồi, chắc lúc nãy đi qua đây con không để ý đấy thôi.
Theo chân mẹ về nhà, Cả lí nhí chào cô giáo và hai bác trong ban chấp hành chi hội lớp.
-         Quà năm mới cho học sinh nghèo vượt khó đây!- Bác chi hội trưởng cười rất tươi và âu yềm nhìn Cả…
Thật không thể tin được. Trên bàn  là một bộ sách lớp năm mới cứng. Ngoài ra còn có mấy gói kẹo, mấy gói mứt dừa trắng nõn trông thật hấp dẫn.
Cô giáo giọng thanh minh:
  - Đáng lẽ cô và các bác mua sách cho em từ cách đây mấy tuần cơ. Nhưng ở đây không có, phải nhờ người mua tận Vinh. Nhắn mãi, hôm nay về tết họ mới mang về cho. Cả tập Một và tập Hai đó.

Cả nắm chặt gấu áo mẹ, nước mắt lại ướt nhoè hai má.

44 nhận xét:

  1. Đọc truyện mà rưng rưng xúc động chị ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Em viết truyện ngắn đã hay, chuyện cười cũng tuyệt. Chúc em giáng sinh an lành hạnh phúc nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất cảm ơn lời động viên của anh.
      Chúc anh Giáng sinh an lành!

      Xóa
  3. Truyện này của em anh đã đọc trên Tạp chí Văn nghệ QH rồi nhưng đọc lại vẫn thấy xúc động vì truyện phản ánh chân thực và đầy chất nhân văn...
    Ngày mới sang thăm em, chúc em khỏe vui, ngày thứ Bảy nghỉ ngơi với mọi điều tốt đẹp và an lành em nhé!...

    Trả lờiXóa
  4. Một câu chuyện thật ý nghiã sâu sắc và xúc động.Đúng là mơ uớc của ngườì nghèo chỉ là thứ bỏ đi của ngườì lắm tiền nhiều của ...thật tội nghiệp gia đình cậu bé,đã nghèo,,còn nghèo thêm vì :"giặc lũ" .SC ghé thăm NTH,chúc NTH một tối cuối tuần ngọt ngào,ấm áp và có một mùa Giáng sinh an lành ,hp nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. SC đã đọc đượ bức thông điệp tác giả gửi rồi đó.
      Chúc giáng sinh an lành nha.

      Xóa
  5. Câu chuyện cảm động quá chị ạ! Nó khiến em nhớ đến tình cảnh lũ lụt vừa rồi ở quê em, bao nhiêu đứa trẻ cũng bị trôi nhà cửa, mất sách vở như thế. Nhưng không biết Noel này, có ông già đội mũ đỏ nào mang quà đến cho chúng không.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua truyền hình, chị thấy quê em bị ảnh hưởng bão khá nặng. Thương bao đứa trẻ nghèo chịu thêm nhiều khốn khó. Mong rằng sẽ có những vòng tay nhân ái được nối rộng em nhỉ.

      Xóa
  6. Anh sang thăm em, chúc em một ngày Chủ nhật mới khỏe vui với nhiều điều tốt đẹp an lành nhé!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh nhé. Chủ nhật cũng bận ghê đi anh ạ.

      Xóa
  7. Anh mới ốm dậy chạy vội qua em nhưng ko đủ sức đọc tuyện em ạ hẹn kỳ sau em nhé
    anh chúc em mùa giáng sinh an vui nhé

    Trả lờiXóa
  8. HAI ghé thăm...và chúc GIÁNG SINH AN LÀNH..nhé cgeg !

    Trả lờiXóa
  9. QUA THĂM & CHÚC THANH HỒ 1 MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH VUI VẺ & HẠNH PHÚC NHÉ!....

    Trả lờiXóa
  10. Trong các truyện ngắn lão đã đọc, đây là một trong những truyện được viết trong dâng trào nhiều cảm xúc nhất của tác giả. Chính viết từ tấm lòng , xúc cảm thật sự của trái tim nên nó lôi kéo , xích gần hơn sự chia sẻ với người đọc.Với sự nhẹ nhàng đầy nữ tính trong lối hành văn mà truyện ngắn này thể hiện .lão xin vỗ tay khen tặng !
    Nhưng nếu được làm công tác biên tập - lão sẽ lược bỏ bớt những câu hơi dài , hơi lan man thì trở thành một truyện đăng vào lòng người đọc thật khó quên.
    Mấy hôm nay công viêc lu bu , lão ko có thoi gian vào blog , nay đến trễ xin gõ mấy lời cảm nhận, Tối nay rảnh , lão lầm mò tới cột mốc Bán tình đi tiếp về....đầu Bản ta , xem cái cây ngô cây sắn , xem cái con trâu con lợn nó ...ra răng ! hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì Lão cứ biên tập đi ròi em sẽ trả công cho, lo gì!

      Xóa
    2. sao em không gói sách lại và để ông già Nô el làm cái việc của ông ,giúp bé cả được sống trong cổ tích luôn?
      Lão ơi.Lão mò thêm được gì nữa không? ngoài cây ngô,cây sắn vậy?

      Xóa
    3. Chị ơi, vào dịp đó ở QH rất khó kiếm sách, vì họ đã bán hết rồi. Muốn mua phải đi Vinh, gửi mãi mới được đó chị.

      Xóa
  11. Giáng sinh ấm áp nhé chị yêu ơi!

    Trả lờiXóa
  12. Anh sang thăm ngày mới, chúc em luôn khỏe vui và cùng các cháu đón Noel thật nhiều yêu thương và ấm áp an lành nhé!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tặng em thiệp mừng Giáng sinh nhé:
      http://2.bp.blogspot.com/-G5xCtXOIe7c/UrGo65yG-2I/AAAAAAAAEoU/6CL2EMoLSEE/s640/thiep+giang+sinh.gif

      Xóa
    2. Lung linh quá! Cảm ơn nhà thơ nha.

      Xóa
  13. Giang si nh vui ve an lanh nhe NTH than yeu

    Trả lờiXóa
  14. Chị em đã trở lại mà hôm nay em mới biết. Truyện ngắn chị viết lúc nào cũng chận thật và mang đầy ý nghĩa.

    Em chúc chị sức khỏe và niềm vui sẽ luôn đến với chị !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em gái đến thăm. Những bài viết của em cũng xúc động lắm. Nó có chiều sâu hơn những bài hồi yahoo.

      Xóa
  15. Câu truyện cảm thật động! Tuy rằng nội dung của câu chuyện không mới (vẫn như những chuyện xảy ra "thường ngày ở huyện"!). Giá như...Ông già Noel trong chuyện này làm việc trao tặng quà đúng đối tượng như những câu truyện kể trược đây thì kết thúc câu chuyện có hậu biết bao! Nó làm cho trẻ em thêm yêu ông già Noel, thêm tin yêu những câu chuyện huyền thoại như cổ tích về những ông già Noel phát quà cho những trẻ em nghèo...nó không làm chưng hửng cho các cháu ở một vùng núi xa xôi mất niềm tin vào ông già Noel! May thay, tác giả lại lái cho câu chuyện kết thúc có hậu hơn bởi những tấm lòng nhân ái, vị tha của những con người đã biết chia sẻ những khó khăn của đồng loại! Kết thúc này có tính nhân văn sâu sắc bởi "lá lành đùm lá rách; lá rách ít hơn đùm bọc lá rách nhiều"...Chính vì vậy, nó sẽ gây được hướng thiện hơn cho con trẻ ngay từ những lúc còn ngây thơ...
    Vài lời dông dài, mong tác giả đừng cho rằng Lão lắm lời nhé!
    Chúc em luôn vui, khỏe, hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  16. Dich vụ tặng quà này là do bưu điện nghĩ ra Lão ạ. Chuyển một phần quà mất 20 -30 ngàn đồng. Điều đáng nói ở đây là tình phản giáo dục của dịch vụ: Những gia đình có tiền thường mua những món quà có giá trị tặng con, nhờ Ông già nô en chuyển. Thế là gây ra cái nhìn méo mó về ông già nô en: ông chỉ tặng quà cho con nhà giàu thôi. Em đã đề cập vấn đề này trong 2 truyện ngắn.

    Trả lờiXóa
  17. Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ - 2014, MC xin gửi đến chị lời chức mừng năm mới – Chúc gia đình chị năm mới gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và luôn an vui, hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em thật nhiều! Chúc em sang năm con Ngựa chạy khỏe hơn cả ngựa! Vui em nhé.

      Xóa
  18. Kẻ ăn không hết người lần không ra !
    Quê nghèo, đất nước nghèo, đáng sợ hơn là tâm hồn của con người... quá nghèo !
    Chia cùng em nỗi trăn trỡ này !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh chị ghé thăm. Có sống ở những miền quê nghèo mới thấu nỗi cơ cực của họ đến mức nào. Thương lắm anh chị ơi!

      Xóa
  19. Bài viết hay!
    Tuy nhiên anh cứ phân vân tại sao ở một trường miền núi nghèo mà nhà trường lại có cách ứng xử kém văn hóa như vậy (...Ông cười hiền từ. Các hộp quà được phát tận tay cho các cháu, có tên ghi rõ ràng ở ngoài hộp. Nhưng không phải ai cũng có. Những đứa trẻ nghèo tiu nghỉu. Chỉ có con của những gia đình buôn bán giàu có và con của một số gia đình công chức là có quà. Học sinh con gia đình nông dân hầu hết đều chỉ được nhìn ông già Nô-en mà thội. Hoá ra không phải ông già Nô-en đi tặng quà cho các cháu nghèo khổ mà ngoan ngoãn như Cả được đọc trong chuyện cổ tích. Trong số những đứa được nhận quà kia, có những đứa ngày thường nghịch ngợm, trốn học, vô lễ. Có những đứa đã từng viết bao nhiêu bản tự kiểm điểm mà vẫn chứng nào tật ấy. Đấy, cái thằng Trung “đại ca” kia mới bị nhà trường kỉ luật đuổi học một tuần vì đánh bạn trọng thương, vậy mà giờ cũng ôm một hộp quà to tướng!
    Một đứa bạn trong lớp, vẻ hiểu biết, nói với Cả:
    - Bố mẹ không có tiền mua quà, không nộp tiền trước thì ông già Nô-en làm gì có mà tặng!...).
    Nếu anh là hiệu trưởng ông già Nô en kia không được bước vào trường nửa bước chứ đừng nói đến phát quà thuê thiếu đạo đức ấy (Nói nhỏ với Nhật Thành hình như em hư cấu tình tiết này thì phải; nếu đúng cần suy nghĩ lại).
    Câu chuyện làm anh cảm động, nó là thực tế của một số trường vùn sâu, vùng xa nghèo khổ mà anh đã đi qua(Rất nhiều lần).
    Buồn thương - Căm giận, cảm động - Khinh bỉ ... làm tâm trạng anh lúc này khó tả vô cùng.
    Có lẽ vì thế mà anh phải về vườn làm thơ với chức danh : NHÂN VIÊN QUÈN em nhỉ.
    Cám ơn NT - Chúc em vui và thành công trong sự nghiệp văn chương.
    Thân ái: Hải Thăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh bao giờ cũng làm em phải chú giải thêm một đoạn. Nhưng mà công nhận, thắc mắc của anh thật chính đáng.
      Việc bưu điện làm dịch vụ chuyển quà đã xuất hiện mấy năm nay ở các trường miền núi anh ạ. Đây cũng là một cách học đòi của những đại gia mới nổi. Nắm được cái "cầu" ấy nên lập tức "cung" có ngay. Thực chất thì bưu điện có xin phép nhà trường nhưng cũng là "báo cáo" trước để xin vào "hành nghề" thôi. Lúc đầu nhà trường cũng nghĩ là để các em có thêm một niềm vui, động viên các em học tập cũng được. Nhưng sau đó mới nhận ra sai lầm: chỉ nhà nào có điều kiện mới mua quà cho con, còn bao nhà nghèo khác thì lấy đâu? Thế là từ một việc làm tưởng chừng tốt đẹp lại gây ra nỗi bức xúc của phụ huynh, học sinh. Ở trường THCS Thị trấn bọn em sang mùa Giáng sinh tiếp theo hiệu trưởng cấm hẳn, nhưng một số trường khác vẫn để thế. Thậm chí Bưu điện còn thuê nhà báo viết bài ca ngợi tính nhân văn trong hoạt động này, họ bảo chỉ đưa quà "giúp". Em trực tiếp nhà báo góp ý và phản ánh thực trạng ở trường, nhà báo nhận lỗi "đã không nghe bằng hai tai".
      Truyện ngắn bao giờ cũng có hư cấu, nhưng với em, hư cấu không có nghĩa là không phản ánh đúng sự thật, Chẳng qua mình chắp nhặt nhiều mảnh đời, nhiều mảng hiện thực vào trong một câu chuyện mà thôi. (Nói nhỏ anh nghe, khi em gửi truyện CHUYỆN TỪ MỘT BÀI VĂN, ông biên tập bảo: "Em viết được lắm, nhưng viết truyện không nên bê nguyên xi cuộc sống vào như thế". Em thấy vui vì sự hư cấu của mình "y như thật". Bức thư của trò Hồng Sương là bức thư em đã viết cho cuộc thi "Hãy dành cho trẻ mái ấm tình thương", còn hoàn cảnh của gia đình em là sự chắp vá của 3 hoàn cảnh khác nhau. Thế mà ông ấy nghĩ em bê nguyên xi đấy) Nhiều khi chọn được đề tài, cóp nhăt hiện thực rồi định hình bố cục câu chuyện, chọn ngôi kể...nó cũng mất nhiều công lắm anh ạ. Nhưng viết được cái gì đó cho cuộc sống này cũng vui. Anh là người giàu vốn sống, nếu có thời gian thì nên viết truyện có lẽ hay hơn đi lên rừng xuống biển đấy. Đó là em nghĩ thế, vì mỗi người có một sở thích khác nhau, đúng không anh?

      Xóa
    2. Hư cấu là quyền của tác giả khi viết một tác phẩm văn học. Có điều khi hư cấu cần phù hợp với tư duy lozic cuộc sống.
      Dịch vụ chuyển quà, điện hoa... của bưu điện là một dịch vụ rất cần trong một xã hội phát triển. Bản thân dịch vụ không có lỗi mà lỗi ở người sử dụng dịch vụ và tiếp nhận dịch vụ đó. Trong trường hợp cụ thể này nếu chuyển quà đến nhà riêng thì khỉ bàn và cũng không phải không tiện; còn chuyển đến trường trong giờ học thì quả là phản giáo dục. Có lẽ đây là lần đầu tiên anh thấy có hiện tượng này.
      Việc bưu điện thuê một số bồi bút viết bài ca ngợi việc làm này thì anh cũng chả biết nói thế nào? và nên hiểu họ là gì nữa.
      Túm lại văn hóa blog là: Sáng tác cho vui, xem cũng cho vui và góp ý với nhau cũng cho vui. Nhưng nếu biết chắt lọc thì cũng mở mang được đôi điều.
      Thôi nhé - Chúc NT vui và hạnh phúc với một nửa của mình.

      Xóa
  20. Đã là truyện trong văn học thì phải có hư cấu. Sự hư cấu đó chỉ làm sáng rõ hơn nhân vật trong câu chuyện mà người viết cần lột tả. (Thể loại tùy bút, bút ký nhiều nhà văn cũng pha thêm một chút sắc màu cho thêm phần sinh động).
    Đúng như em nói: Bây giờ dịch vụ Bưu điện làm nhiều dịch vụ lắm: Chuyển phát nhanh bây giờ là xưa rồi. Ngoài điện hoa ra, Bưu điện còn nhận đem giấy CMND, đăng ký xe máy, ô tô, chuyển hồ sơ khác đến tận tay người yêu cầu. Do vậy việc xuất hiện ông già Noel tặng quà cho một số học sinh ở trong trường là chuyện không hiếm. Chỉ cần người gửi quà yêu cầu chuyển món quà này vào đúng dịp Giáng sinh cho em có họ, tên...học lớp...trường...thì Bưu điện nhận lời làm ngay. Có chăng người chuyển phát bưu phẩm phải đóng giả ông già Noel cho các cháu thêm vui và phấn khởi, tạo ra sự hiếu kỳ và tò mò của trẻ thơ.
    Chúc em luôn vui vẻ, bình an và thành công trong sự nghiệp trồng người!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em muốn mượn cớ đó để phản ánh những mảnh đời cơ cực là chính thôi anh ạ.
      Chúc anh và gia đình năm mới tràn ngập niềm vui.

      Xóa
  21. Anh sang thăm em, chúc em ngày mới khỏe vui và nhiều điều tốt đẹp an lành nhé!

    Trả lờiXóa
  22. Trả lời
    1. Hơ...hơ...cô giáo chỉ muốn nằm thôi giáo Chiềng ơi!
      Chúc năm mới đi nhiều nói khỏe nha.

      Xóa