Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

CƠN ÁC MỘNG


                 Truyện ngắn

   Soát xong lần cuối các con điểm của những “ địa chỉ đỏ” trong sổ, thấy tất cả đều ở “cơ số an toàn”, Vi ngả mình khoan khoái trên chiếc giường hộp. Mùi hương thoang thoảng toả ra từ những chiếc gối đắt tiền được giặt bằng xà phòng thơm hảo hạng làm Vi thấy dễ chịu vô cùng. Bên cạnh, đứa con trai lên năm tuổi, đẹp như thiên thần đang ngủ say sưa.
  Đã sang tháng Tư âm lịch, cái nắng đầu mùa hạ gay gắt và những tất bật của mùa chấm bài, vào điểm, làm học bạ… làm Vi mệt nhoài. Tuy nhiên, điều căng thẳng nhất đối với Vi lại là mấy đối tượng đã “ nhận khoán”: cuối năm phải đạt danh hiệu, bét nhất cũng là  học sinh tiên tiến, nếu không thì thật khó ăn khó nói với phụ huynh, những “đại gia” kiếm tiền miệt mài như những con bạc đang gặp hồi số đỏ!
  Đầu năm, các “ quý bà” dắt các cô chiêu, cậu ấm đến, với một “ đường quyền cơ bản”: “Trăm sự chúng tôi nhờ cậy  cả vào cô giáo, cô bảo ban kèm cặp cháu giúp cho.Thực tình chúng tôi bận tối mắt tối mũi chẳng có thì giờ đâu mà bày vẽ cho con. Hơn nữa, chương trình học bây giờ khác xa ngày xưa quá, chúng tôi muốn kiểm tra bài vở cho chúng cũng chẳng biết đúng sai thế nào.”
   Vi đã không phải e ngại khi hưởng những “ thù lao” hậu hĩnh của “khách hàng”. Cuối năm. những tờ giấy khen làm mát mặt phụ huynh.  Ai dám bảo họ lo làm giàu mà quên việc học hành của con cái?
                                          *  *
                                            *
  Vẫn nằm trên giường hưởng cái khoan khoái của người hoàn tất mọi công việc một cách xuất sắc, trong tiếng chạy êm êm, đều đều của chiếc điều hoà, Vi mơ màng nghĩ ngợi…Hình như là tiếng rất êm của chiếc xe máy tay ga đắt tiền mà bà chủ xưởng đá vẫn đi mỗi khi lai con đến học. Hôm nay bà ta còn đến làm gì nhỉ? Theo “ hợp đồng” thì việc kèm cặp đã xong xuôi, tiền công cũng đã trả sòng phẳng cùng với món quà hậu tạ là chiếc máy tính xách tay tặng cô giáo trước khi con trai ra trường sau bốn năm được cô rèn giũa, chăm sóc chu đáo. Cũng như ba năm vừa qua, năm học cuối cấp này nó vẫn giữ vững danh hiệu học sinh tiên tiến( lúc nãy kiểm tra lại con điểm trong sổ , Vi đã rất yên tâm).
  Vi chạy ra mở cổng, vồn vã:
-         Ôi, trời nắng thế này bà chị của em có việc gì mà đi cả trưa thế?
  - Này, con kia! Ai chị em với mày hả? Đồ lừa đảo! Đồ ăn cướp! Tao thì tao cho mày biết thế nào là cái giá của sự đểu giả!
   Một khuôn mặt đỏ tía vì tức giận hay cái nóng ba mươi chín độ của thời tiết đã nấu chín làn da vốn trắng hồng của bà chủ nổi tiếng giàu có này. Tiếng xe máy tắt hẳn. Vi hốt hoảng chạy thục mạng ra khỏi nhà khi thấy trên tay bà ta lăm lăm con dao bầu nhọn hoắt và sắc lẹm. Chân Vi ríu lại, cố thế nào cũng thấy khó lòng thoát được cái thân hình đồ sộ đang chạy đuổi sát ngay sau lưng. Cái dao trong tay bà ta huơ lên loang loáng:
  - Mày chạy đằng trời, con ạ. Mày chạy đâu cho thoát? Phen này bà làm thịt mày, biết chưa?
Vi cắm đầu cắm cổ chạy muốn đứt hơi. Bỗng một sợi dây ở đâu chăng ngang giữa đường, Vi ngã đâm sầm vào một gốc cây. Nhanh như cắt, bà ta đè hẳn lên người Vi:
  - Mày hãy trả lời tao: con tao năm nào cũng tiên tiến, giấy khen dán khắp nhà, tại sao thi vào cấp ba lại không đỗ? Điểm chín, điểm mười trong các bài kiểm tra ấy là ở đâu ra? Giấy khen của con tao mày móc ở đâu ra, hả con kia!
  Tiếng thét chói cả tai. Vi cố vùng vẫy để thoát thân. Cô đạp mạnh một cái, thấy nhẹ bẫng cả người.
-         Mẹ! Mẹ làm sao thế?
Vi mở choàng mắt. Hú vía! Chỉ là một cơn ác mộng! Mồ hôi túa ra, ướt đẫm cả tóc, cả áo.
-         Mẹ! Mất điện rồi, con nóng lắm!Mẹ mơ gì mà đạp ghê thế? Lại còn ú ớ làm con sợ quá!
-         Ừ…Ừ…Để mẹ đi lấy cái quạt mo. Mẹ còn sợ hơn cả con nữa cơ!
-         Mẹ sợ gì?
 Vi lặng yên, không trả lời con trai. Nó cũng đã lại thiêm thiếp trong những đợt gió đứt quãng từ chiếc quạt mo phe phẩy.
  Vi không thể ngủ tiếp được nữa. Cơn ác mộng hãi hùng đã dứt, nhưng văng vẳng trong tai Vi vẫn còn tiếng thét đến lạc cả giọng vì tức giận của người đàn bà:
  - Mày hãy trả lời tao: con tao năm nào cũng tiên tiến, giấy khen dán khắp nhà, tại sao thi vào cấp ba lại không đỗ? Điểm chín, điểm mười trong các bài kiểm tra ấy là ở đâu ra? Giấy khen của con tao mày móc ở đâu ra, hả con kia!
 Vi vùng dậy, chạy ra ngoài. Đường xóm vắng hoe hoắt. Cái nắng chói chang  đốt cháy vòm phượng, làm héo rũ những tàu lá chuối. Lũ ve đang thả vào không gian điệu sầu muôn thuở của mình.
 Như kẻ mất hồn, Vi lại vào nhà, ngơ ngác xem lại một lượt nữa: mọi thứ trong căn nhà vẫn im lìm, tiếng êm êm của chiếc điều hoà lại phát ra khi đèn cầu dao chợt đỏ.
  Vi bần thần nằm xuống bên con…
 
  Khi được chuyển về trường THCS Tâm Sơn này, Vi đã là người mẹ ở tuổi gần ba mươi. Cái mơn mởn của sức thanh xuân có phai đi, song cái mặn mà, đằm thắm ở gái một con cũng đủ để lắm kẻ khát thèm. Vi chẳng có gì phải ngạc nhiên khi bắt gặp ánh mắt đắm đuối của tay hiệu phó nhìn cô  trong phòng họp hay những lúc dự giờ. Ngoài mặt, cô vẫn anh anh,em em  ngọt xớt, song trong thâm tâm, cô thầm nhủ: “ Đũa mốc đòi chòi mâm son, đã già lại có tính “ đãi cứt gà lấy tấm” mà  mơ của độc! Bao nhiêu kẻ dám “ngàn vàng đổi một trận cười như không”  còn chưa làm Vi xiêu lòng nữa là…”
  Cũng như bao giáo viên khác, ngoài giờ dạy ở trường, Vi nhận dạy thêm, kèm thêm theo yêu cầu của phụ huynh. Vất vả một tí, song cũng có thêm đồng ra đồng vào, mua cho con hộp sữa, đồng quà cũng đỡ phải phân vân, tính toán.
 Những năm gần đây,  người dân miền rừng này đã chứng kiến thế nào là “ rừng vàng”. Những mỏ quặng, mỏ đá đã sản sinh ra một tầng lớp đại gia vốn xuất thân từ những kẻ bình dân một thời “cơm không đủ ăn, áo chưa đủ mặc”. Những quý bà đưa con đến nhờ Vi dạy kèm với  thù lao hai tiếng đồng hồ bằng cả mấy ngày lương của cô. Song Vi thực sự lúng túng với những đối tượng này. Cha mẹ thì chẳng tiếc tiền cho con, và con cũng chẳng tiếc tiền của bố mẹ. Chúng đến học chỉ là vì thời gian đó bị cấm không được ra quán điện tử mà thôi. Sau những lời giảng say sưa, những bài giải cô nắn nót trình bày thật rõ ràng trên bảng, chúng chụm đầu vào nhau nói chuyện rồi cười khúc khích. Khi Vi yêu cầu làm bài tập, chúng ngơ ngác hỏi:
   - Học ở nhà thế này mà cũng phải làm bài tập sao cô?
  - Không làm  thì hiểu bài sao được? Các em phải biết rèn luyện kĩ năng giải toán thông qua việc làm bài tập chứ! Vi vẫn nhẹ nhàng.
 - Thôi, em chịu! Từ trước đến giờ em đã tự làm được bài tập nào đâu!Em thấy chữ cô viết lên trên bảng giống như bà em phơi đỗ trong cái mẹt, rồi cô lại xoá đi, giống như bà em tuôn đỗ vào cái túi đem cất vậy.-  Thằng Bi vừa nói vừa cười một cách hồn nhiên. Cả mấy đứa kia cũng cười rũ rượi. Vi vừa bực, vừa buồn cười vì cách so sánh ngộ nghĩnh của nó. Nhưng rồi cô nghiêm nét mặt làm mấy đứa im re:
  - Không được! Trước đến giờ chưa làm thì giờ học cô là phải làm. Cô đã nhận trách nhiệm trước bố mẹ các em, các em cũng phải tự có trách nhiệm với bản thân mình chứ. Mỗi cố gắng của ngày hôm nay là một thành công của ngày mai, các em nên nhớ điều đó.
Vẫn là thằng Bi với giọng hồn nhiên:
  - Lo gì cô, em nghe bố bảo sau này sẽ giao hẳn một xưởng sửa chữa cho em quản lí. Nhà em có những ba xưởng cơ. Mẹ em thì lo cái ốt xe máy với cả cây xăng. Mà cô biết không, bố em trước đây chưa học xong cấp hai đâu.
Thằng Hoà được dịp cũng mạnh dạn khoe:
  - Còn nhà em có những ba chiếc xe chở khách . Bố thuê ba người lái, còn bố, mẹ và cậu chỉ đi để bắt khách, thu tiền. Năm ngoái về quê, mẹ nói với bà là sau này nếu em không thi được trường nào thì cho đi học lái xe, làm ăn ngoài cũng tốt chán.
Thằng Lâm “him” không chịu kém cạnh:
  - Bố em có cổ phần ở năm công ty khai thác đá. Bố mẹ bảo, nếu em thích, học xong là bố mẹ cho đi du học luôn, em có người chị họ cũng đang du học bên Pháp.
  Vi ngán ngẩm. Tương lai các em đã được đọc ra như thế, còn trước mắt, nếu trong vở các em không có chữ nào thì cô nói sao với phụ huynh đây? Thấy vẻ mặt cô buồn buồn, thằng Hoà ra chiều ái ngại:
  - Hay cô cứ ghi hẳn bài giải lên bảng, chúng em chép vào vở, thế là xong!Về nhà chúng em cũng có cái để báo cáo với “hai cụ”. Còn bây giờ bảo chúng em tự làm thì ngang với việc đi lên trời cô ạ.
-         Thế đến giờ kiểm tra thì bài đâu mà chép?
  - Mọi năm chúng em học kèm thế này, cô giáo thường làm sẵn cho, đến giờ kiểm tra bao giờ cũng xong trước các bạn khác -Thằng Lâm  khoái chí.
 Vi thở dài, lắc đầu buồn bã:
  - Cô không thể làm thế đâu em! Vả lại bây giờ, trường có ngân hàng đề, mỗi lớp một lần kiểm tra có đến năm đề khác nhau. Các em đừng mơ ăn sẵn như thế!
Những buổi học khác cũng chẳng khá gì hơn. Cô dạy  cứ dạy, trò cứ thả sức bim bim, kẹo mút, thịt bò khô…không lúc nào để cái mồm được nghỉ.
  Vi nản, cô định bụng sẽ nói thẳng với phụ huynh và không nhận kèm cặp nữa. Nhưng Vi không đủ sức chống lại sức cám dỗ của những món quà đắt tiền: khi thì bộ quần áo mốt nhất, thời trang nhất, khi thì bộ son phấn ngoại trị giá cả mấy triệu đồng. Nhưng kết quả học tập  của chúng thì tính sao đây?
 “ Cái khó ló cái khôn” , cha ông đã nói thì cấm có sai! Vi lân la ngọt nhạt với tay hiệu phó hám sắc.Chẳng khó khăn gì khi Vi được giao nhiệm vụ chỉ dành cho những người “đặc biệt tin cậy”: xáo đảo đề kiểm tra cho các khối lớp. Công việc đơn giản nhưng đòi hỏi phải cẩn thận và bí mật: đề kiểm tra sau khi pho-to xong, sắp xếp xen kẽ các đề khác nhau để những em ngồi cùng bàn, cùng dãy không thể trao đổi hay nhìn bài của nhau. Thế là Vi có hẳn trong tay cả bộ đề.               
   Dẫu khôn khéo tránh né đến mấy, cuối cùng Vi cũng thuộc quyền sở hữu của gã dê già kia. Hắn sung sướng ôm Vi vào lòng, thầm thì:
-         Miếng đất màu mỡ như  thế này mà nỡ bỏ hoang cho phí hoài đi. Chồng bộ đội, năm đôi lần phép,thửa ruộng ba bờ để anh cày xới hộ cho.Thế không phải là hợp lí sao?
 Vi véo hắn một cái rõ đau:
-         Cày xới xong mà gieo giống vào thì liệu mà ra khỏi nghề cho sớm!
-         Có cho ăn vàng cũng xin vái cả bốn tay, nàng ạ! - Hắn lại đè ngửa Vi xuống, hôn hít khắp lượt từ trên xuống dưới.
 Trong hội đồng giáo viên đã có những lời xầm xì  to nhỏ, những câu nói bóng gió và cái nháy mắt tinh quái của đám giáo viên. Mặc! Vi vẫn là Vi. Mỗi lần bố cu Bống về phép, vợ chồng vẫn quấn quýt, nồng nàn như thuở nào hai đứa yêu nhau. Đặc biệt, Vi có thêm nhiều “khách hàng” béo bở. Đám cậu ấm, cô chiêu thích ăn chơi đua đòi nhiều hơn học rỉ tai nhau:
“ Cô Vi mà kèm thì chỉ có là nhất, học vừa khoẻ, mà hiệu quả còn trên cả tuyệt vời”. Dần dần, điểm dạy thêm của Vi trở thành nơi thu hút con cái các đại gia lắm tiền nhiều của trong vùng.
  Tuy vậy, Vi cũng nơm nớp lo sợ gia đình nhà chồng có thể nghe được những thông tin lâu nay đang âm thầm, bức bí như quả bom chưa nổ. Nhất là khi chính tay bảo vệ trường đã gần như bắt được quả tang ...
   Hôm đó, cũng là những ngày vào điểm cuối năm, bài kiểm tra học kì do phòng ra đề, trường tổ chức coi thi và chấm nghiêm ngặt, không cần xem bài, Vi  cũng biết chúng không thể nổi điểm ba.
 Theo như đã hẹn, tối nay “lão ta” cho Vi ráp phách, đọc điểm để lão vào phần mềm cộng điểm trong máy nhà trường. Lão biết Vi rất cần công việc này, vì có thế, Vi mới “thiết kế” được những tờ giấy khen cho lũ học trò cưng của mình!
  Trong bộ váy hồng bó sát, Vi thực sự quyến rũ bởi làn da trắng mịn màng và những đường cong mềm mại. Hắn mê mẩn ngắm nhìn không chớp mắt.
-         Anh mở phần mềm ra đi để em tranh thủ ráp phách.- Vi nũng nịu.
  - Không, bây giờ anh chỉ có “ổ cứng” thôi! Anh muốn cài ngay vào “phần mềm” của em ấy, biết không?
  Vừa nói, hắn vừa lao đến, ôm ghì Vi đến nghẹt thở. Mò mẫm. Sục sạo. Hùng hục...
-         Gớm! Già rồi mà khoẻ như trâu mộng, chết khiếp đi được.
-         Già là già tóc già râu/ Chứ còn cái ấy anh đâu đã già…
Tiếng cười khùng khục. Tiếng đánh đét vào mông. Hi…hi…ha…ha…
  Biết lộ, hắn đã khẩn khoản  nhờ bảo vệ giấu kín cho. “ Được, anh em mình sẽ thương lượng sau”Tay bảo vệ tinh quái nửa đùa, nửa thật, quay lưng đi.
    Mới rồi, trong tập san địa phương xuất hiện bài thơ “ Thơ tình tuổi sáu mươi”, tác giả hóm hỉnh kết bằng hai câu:
                                 “ Râu dài,dài đến bao nhiêu
                          Cũng không làm tớ già đều được đâu”
Hội giáo viên trong trường đang bình luận,bỗng cô Miên đưa ra vấn đề:
-         Đố mọi người biết, đọc bài thơ ta biết được cái gì chưa già?
Mọi người cười ồ lên. Cô Miên quay sang Vi:
-         Vi bảo cái gì chưa già?
Vi đỏ mặt, giận điên người khi nghĩ tay bảo vệ đã vung vãi thông tin ra cả hội đồng. Cũng may cái Hà nhanh miệng giải thoát cho Vi:
 - Có thế mà không biết, cái chưa già ở đây chính là tâm hồn của nhân vật trữ tình. Cả bài thơ, từ cách xưng hô đến giọng điệu, cảm xúc đều toát lên sự trẻ trung, yêu đời. Cái lãng mạn ấy làm sao có được ở những tâm hồn già cỗi kia chứ?
Mọi người vỗ tay tán thưởng. Lan liếc xéo Vi, ỡm ờ: “ Thế mà tớ cứ tưởng …”
 Vi điếng người, im lặng bỏ đi.
  Thế nhưng, cơn ác mộng trưa nay còn khủng khiếp gấp trăm lần những lời ong tiếng ve kia.
  Vi vùng dậy, hoảng hốt chạy ra nhà tắm. Vặn hết cỡ vòi hoa sen, Vi chỉ mong sao tất cả trôi tuột theo dòng nước. Đầu tóc, quần áo ướt đẫm. Nước mắt nhạt nhoà chảy xuống bờ môi mặn chát. Vi thẫn thờ nhìn vào gương. Một đôi mắt mệt mỏi nhìn cô, đượm vẻ trách móc: “ Mi hư thật rồi, Vi ạ. Mi đâu còn là cô giáo Vi một thời nhiệt huyết, say sưa trước bao trang vở học trò? Đâu còn là cô giáo Vi cất cao lời ca trong ngày Nhà giáo Việt Nam: “ Trên những nẻo đường của Tổ Quốc yêu thương, có những loài hoa nghe đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em, người giáo viên nhân dân…”
 Vi ơi, nghề dạy học đâu phải là một nghề  kinh doanh? Đâu phải là mảnh đất để hạch toán lỗ lời về kinh tế? Mọi mặt hàng khác có thể có hàng giả, hàng kém chất lượng, còn “ mặt hàng” của giáo dục là con người, mặt hàng ấy mà cũng giả, cũng kém chất lượng nữa thì sẽ sao đây?” Kẻ trong gương kia mờ dần, mờ dần rồi gục xuống .
  Ngoài kia, cái nắng vẫn chói chang đốt cháy vòm phượng, làm héo rũ những tàu lá chuối. Lũ ve vẫn thả vào không gian điệu sầu muôn thuở của mình.


                                                           NT

30 nhận xét:

  1. Ha ha, bức hình minh họa ngộ nghĩnh ghê á.
    Ông bảo vệ trường chị mặc đồ bảnh chọe nhỉ? Hi hi...
    Em đùa tí cho vui thôi chị ạ.
    Câu chuyện này rất nhiều cảm xúc kịch tính. Em thích lắm.
    Chia sẻ, hồi cấp ba em rất thích viết truyện ngắn. Lên đại học cũng viết được một số truyện đăng báo lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nhưng giàu cảm xúc và kịch tính cùng lối dẫn dắt đầy nghệ thuật như chị Hương Ngàn thì em còn cách xa ba vạn tám ngàn dặm.
    Thương mến!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng nghiệp của chị đó em. Hắn ta cùng tuổi nhưng sau chị một giáp. Hôm 20/11/2013, chị đang chuẩn bị chụp ảnh thì hắn lăng xăng: "Để em bài trí cảnh cho" Thế là cô bạn dùng di động bấm luôn. Chị dọa hắn đưa lên mạng, hắn bảo chị không dám. Đăng lên cho vui, cho hắn khỏi thách ấy mà.Nó không minh họa gì cho bài viết cả.
      Em đừng khiêm tốn thế, viết và đăng lên để mọi người đọc cho vui là chính mà em.

      Xóa
    2. Con người, lứa tuổi nào, giới nào, Vẫn bị cám dỗ. Ban đầu còn tặc lưỡi cho qua, dần dần bị cuốn theo không còn thời gian hay bản lĩnh để chững lại, điều chỉnh lại.
      Em thích lối dẫn dắt rất "xuôi chèo mátmái", thuận theo lẽ đời thường mà đầy kịch tính lôi cuốn của chị. Sao em không được biết chị sớm hơn nhỉ?

      Xóa
  2. 08:46 Ngày 08 tháng 01 năm 2014

    Truyện viết rất hay! Anh đã đọc và nhận xét trước đây rồi, hôm nay miễn bình nhé. Riêng có câu "Lan liếc xéo Vi, ỡm ờ: “ Thế mà tớ cứ tưởng …” Lẽ ra người "liếc xéo Vi" phải là Miên chứ?...
    Chúc em ngày mới khỏe vui và hạnh phúc an lành nhé!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không, Lan đấy. Khi bàn luận những chuyện như thế nhiều người tham gia mà anh.Miên khơi mào thôi.

      Xóa
  3. Vi nản, cô định bụng sẽ nói thẳng với phụ huynh và không nhận kèm cặp nữa. Nhưng Vi không đủ sức chống lại sức cám dỗ của những món quà đắt tiền: khi thì bộ quần áo mốt nhất, thời trang nhất, khi thì bộ son phấn ngoại trị giá cả mấy triệu đồng. Nhưng kết quả học tập của chúng thì tính sao đây?
    “ Cái khó ló cái khôn” , cha ông đã nói thì cấm có sai! Vi lân la ngọt nhạt với tay hiệu phó hám sắc.Chẳng khó khăn gì khi Vi được giao nhiệm vụ chỉ dành cho những người “đặc biệt tin cậy”: xáo đảo đề kiểm tra cho các khối lớp. Công việc đơn giản nhưng đòi hỏi phải cẩn thận và bí mật: đề kiểm tra sau khi pho-to xong, sắp xếp xen kẽ các đề khác nhau để những em ngồi cùng bàn, cùng dãy không thể trao đổi hay nhìn bài của nhau. Thế là Vi có hẳn trong tay cả bộ đề.
    --------------------------------------
    Đây là con đường ngắn nhất để biến một giáo viên đầy nhiệt huyết và trong sáng thành ra như vậy. Em rất thích truyện ngắn này chị ạ!

    Trả lờiXóa
  4. À chị, cái hình minh họa hay lắm. Chị cứ nên như thế, em rất thích chị mạnh dạn như thế. Đó cũng là lí do khiến em không thích lấy hình trên mạng minh họa cho bài viết của mình. Xem xong hình mạng, không ai nhớ cả. Nhưng hình của mình thì mọi người sẽ nhớ rất lâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cùng trong nghề, chắc chị không cần nói em cũng hiểu cải "rởm" của giáo dục nước mình được các ngôn từ hoa mĩ che đậy như thế nào rồi. "Cái khó ló cái khôn" còn được vận dụng trong việc "khoán chất lượng" cho từng giáo viên. Cách làm này như ngầm ý bảo: Cứ thoải mái mà nâng điểm, không nâng được thì cắt danh hiệu như chơi. Nhưng hãy nói to lên rằng: Chúng tôi vẫn thực hiện "hai không" triệt để nghiêm túc đấy.

      Xóa
  5. Đọc xong truyện ngắn trên , lão sực nhớ có bài báo đăng thông tin là tết nay giáo viên được thưởng tết mấy trăm ngàn gì đó , nghe nhói cả lòng! Những thầy cô giáo luôn thiệt thòi với cuộc sống đạm bạc.
    Với chương trình 135 hay 136 gì đó, lương giáo viên miền núi có cải thiện cũng mừng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn...
    ... Lão hình như còn mấy cuốn sách cũ , như Công việc viết văn - Viết truyện ngắn ...để lão kiểm tra lại , vì xáo xào di chuyển nhiều lần có còn không ,nếu còn , cho lão địa chỉ , lão gửi tặng em. Vì lão biết em thích truyện ngắn .Dù nó cũ kỹ nhưng hy vọng giúp em hiểu thêm về cách viết truyện ngắn qua các bài viết của các bô lão nổi tiếng như Ng. Công Hoan - Bùi Hiển -Ng.Quang Sáng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Thưởng tết" là cụm từ xa lạ với giái viên đó lão. Trong quĩ ngân sách nhà nước không có mục này. Muốn động viên GV một vài trăm ngàn gọi là tiền mua hương tết thì công đoàn phải thiết kế chứng từ trong cả mấy tháng cơ.
      Lương GV ở vùng 135 cũng khá, cùng bậc lương với em, em ở thị trấn được hơn 8 triệu thì GV vùng khó khăn được 12 triệu. Trong truyện ngắn trên, lúc đầu em có đưa nội dung ấy vào (tức là có cô Vân, bạn của Vi, dạy vùng 135 ra chơi. Hai đứa nói đến đề tài này. Vân kể cho Vi nghe chuyện thằng con: tuần đầu mẹ đi về, cô giáo chủ nhiệm của con báo: nó nghỉ học 2 buổi. Tuần thứ 2 cô bức xúc: chủ yếu nó ở ngoài quán điện tử, chỉ học được 2 buổi, không sách vở. Cuối tháng, con bị đuổi học vì vi phạm đánh nhau. Vân tính, nếu hết năm sẽ có 48 triệu thu hút, chắc đủ tiền bảo lãnh cho con ra khỏi trại giam! Hiện thực này có ngoài đời lão ạ, em không hư cấu đâu.
      Việc một số GV bị đồng tiền đốn ngã nhân cách là nỗi bức xúc ở một huyện miền núi có quá nhiều tài nguyên này. Con đại gia tỉ phú khá nhiều, đối tượng này bị nhiễm thói hưởng thụ từ khi còn trong bào thai cơ, nên khó lắm. Chỉ có điều, nếu GV nghiêm khắc thật sự, không bị đồng tiền cám dỗ thì vẫn uốn nắn được. Em dạy thêm khá nhiều, kín hết các buổi chiều và ngày chủ nhật, có buổi phải 2 ca (do nhiều lớp đăng kí). Nhưng em sẽ đuổi thẳng cẳng những em HS lười nhác, cậy tiền. Mỗi ca dạy chỉ 300 ngàn em cũng thấy vui rồi, có chất lượng thì lương tâm mình mới thanh thản.
      Em thích viết truyện ơn làm thơ, thơ chỉ giãi bài tâm sự thôi. Truyện của em thường hay hướng vào những người phụ nữ phải nuôi con một mình: NGƯỜI ĐÀN BÀ BÍ ẨN, NHỮNG MẢNH ĐỜI, CHUYỆN TỪ MỘT BÀI VĂN, XÓM VỀ HƯU...vì em hiểu hơn ai hết cái cơ cực, sự gắng gượng trong cay đắng của họ:
      "Cho dù bãi mật phù sa
      Mà không bên lở chẳng là dòng sông" (Ng. Thị Mai)
      Nhưng đọc KHUYẾT VẦNG TRĂNG của lão, trái tim em thắt lại! Đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn khóc.
      Em được thông báo là đã bị xét vào Hội VHNT tỉnh. Lúc đầu cũng hào hứng nhưng giờ bỗng chùng lại. Có nhiều lí do không tiện nói ra. Nhưng nếu lão gửi tặng sách cho em thì một kho em cũng nhận. He..he...Càng cũ càng tốt.
      Địa chỉ của em: Hồ Thị Nhật Thành - Trường THCS Thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
      Xin được cảm ơn lão trước.(Nhưng không tìm thấy thì rút lại một nửa lời cảm ơn nha.)

      Xóa
  6. còn a2 thì nhìn cái hình suy đoán" anh ta vạch lá tìm sâu đó mà " ! hihihihi
    bài viết mô tã một mảnh đời rất thật.. HAI like bình lựn của em THỦY...
    MỘT CON ĐƯỜNG RẤT NGẮN ĐỂ DẨN DẮT MỘT NGƯỜI NHIỆT HUYẾT THÀNH KẺ...HÁM TIỀN ĐÁNH MẤT NHÂN PHẨM.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ê, anh 2 nói sao cơ? Sâu ở đâu chỗ đó mà tìm? Nếu có con nào bò lên...nó sẽ ngã gãy cẳng như chơi đó nha

      Xóa
  7. Anh sang thăm em ngày mới, Chúc em khỏe vui, mọi điều tốt đẹp an lành và có thêm nhiều truyện, thơ hay nữa nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi nào có thì báo cáo với nhà thơ ngay ấy mà. Chúc anh dồi dào bút lực để có thật nhiều tiền tiêu tết!

      Xóa
    2. Vừa qua anh đã lùa (gửi) bài của mình để đăng báo Tết cho hơn chục Báo từ Trung ương tới địa phương. Theo thông tin mình nắm được thì 5 tờ báo, tạp chí đã và sẽ in bài của anh. Tạp chí Thế giới Di sản Văn hóa gọi điện về nói sẽ in 3 bài báo và thơ trong số đặc biệt Xuân Giáp Ngọ nhưng đề nghị mình thay đổi bút danh 1 hoặc 2 bài cho "mới hóa". Hihi... Thích ghê!...

      Xóa
  8. Có lẽ với mức lương dành cho giáo viên ở mức khá khiêm tốn như ngày nay dễ làm cho một số giáo viên phải đi tìm những "Địa chỉ đỏ" chăng? Điểm chỉ là những con số vô tri vô giác, không thể nói lên được trình độ của học sinh nếu chúng ta cho điểm vì phụ huynh? Ngược lại điểm cũng là thước đo chính xác trình độ nhận thức và năng lực của học sinh nếu giáo viên chấm theo đúng lương tâm của người thầy!
    Nhưng để làm được việc đó không phải thầy, cô nào cũng làm được! Đành rằng "hãy nói không với bệnh thành tich" trong ngành giáo dục đến bây giờ vẫn còn hiệu lực...Nhưng???
    Chúc em luôn vui, khỏe, bình an, hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh à, ngày xưa lương GV cũng khiêm tốn chứ. Chị nhà mình trong nghề thì hiểu rõ mà, phải không anh?

      Xóa
  9. “ Râu dài,dài đến bao nhiêu
    Cũng không làm tớ già đều được đâu”
    Câu này cô giáo Hà giải thích chưa đúng. Cái "chưa già" ở đây hiểu theo nghĩa đen thì chỉ có tác giả câu thơ này mới dám trả lời thật! Em cũng không dám trả lời phải không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em không dám trả lời sao? Có! Nhưng nhiều lúc cũng cứu nguy cho nhau để lần sau mình gặp nguy có người cứu chứ!
      Vậy anh có dám trả lời không? "Nói có sách, mách có chứng" đấy nha.

      Xóa

  10. Em sang thăm và chúc chị hai ngày nghỉ cuối tuần tràn đầy niềm vui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui vì em sang thăm chị. Năm ngoái bảo lên QH mà chưa thấy nhỉ?

      Xóa
  11. Tối nay ngủ sớm chị nhé! À, mai vẫn phải đến trường mà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tối qua định đi ngủ sớm nhưng bỗng gặp chuyện bực mình. Thế là thức cả đêm luôn đó em.BLOG ƠI LÀ BLOG!

      Xóa

  12. Thầy cô nâng điểm học trò là chuyện thường gặp. Vì tình, vì lợi, vì danh. Nay có, xưa cũng có. Đông có, tây cũng, chẳng lạ
    Đàn bà bán thân cũng là chuyện thường gặp. Bán cho nhiều người, hay bán cho một người thì bản chất vẫn thế - đem chính thân xác mình làm vật đổi chác. Nay có, xưa cũng có. Đông có, tây cũng, xưa như trái đất.
    Nhưng kết hơp hai chuyện lại - cô giáo bán thân để nâng điểm cho học trò, nhờ đó có được cái laptop, sắm được cái xe tay ga .. thì chuyện ko còn có thể coi là bình thường nữa.

    Truyện ngắn, nên các chi tiết chắc bị lược bỏ nhiều. Nhưng qua câu chuyện có thể thấy cái logic tâm lí của nhân vật Vi. Ban đầu là tự tin vào bản thân. Nên coi thường tay Hiệu phó. Nên nhận học trò kèm thêm, hi vọng với nhiệt tình và năng lực bản thân có thể giúp các em được. Nhưng đến khi thấy các em ko muốn học, đáng lẻ nói thẳng với PHHS để tìm hướng giải quyết thì cô làm thinh. Để nhận quà. Sau đó tìm gặp tay hiệu phó mà cô khá coi thường để tim sự giúp đỡ. Tay hiệu phó lần đầu có thể giúp vô tư, vì mến mộ. Nhưng qua lần 2, lần 3 hắn chả ngu gì ko đòi quà. Cũng như cô thôi. Ban đầu là cái vuốt má. Cô làm thinh. Để nuốt trôi món quà. Rồi cái vỗ mông. Cái sờ ngực .. Cũng như cô thôi. Cái váy. Rồi hộp mỹ phẩm. Cái lap .. Từng bước từng bước trên con đường tha hóa, từ bị động đến chủ động ..

    Đúng là một cơn ác mộng. Ko phải chỉ với cô giáo Vi. Mà với cả các vị PHHS kia. Với cả xã hội. Một xã hội mà người thầy tự rẻ rúng mình đến thế thì đúng là ác mộng. Đọc lịch sử, những chuyện như thế này chỉ xảy ra vào mạt kì của các triều đại, xã hội nhiễu nhương ..

    Truyện viết nhẹ nhàng, cốt truyện ko có gì gay cấn vì thật ra chỉ đoạn đầu người đọc có thể đoán được kết cục. Thế nhưng truyện vẫn lôi cuốn người đọc. Có lẻ vì đề tài giáo dục luôn là đề tài nóng. Nhưng có lẻ, nhiều hơn, do cái duyên của lối kể truyện.

    Nhưng nói thật, tôi chỉ đọc đến
    Vi vùng dậy, hoảng hốt chạy ra nhà tắm. Vặn hết cỡ vòi hoa sen, Vi chỉ mong sao tất cả trôi tuột theo dòng nước. Đầu tóc, quần áo ướt đẫm. Nước mắt nhạt nhoà chảy xuống bờ môi mặn chát. Vi thẫn thờ nhìn vào gương. Một đôi mắt mệt mỏi nhìn cô
    Với tôi như thế là đã đủ.

    Lần đầu ghé chơi, thấy món ngon xông vào chả khách sáo, có gì cô bỏ qua nhé. :d

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một nhận xét thấu tình đạt lí. Rồi NT sẽ đến nhà chơi cái ông phê bình văn học này Nhất trí hoàn toàn lời góp ý.

      Xóa
  13. Đọc truyện ngắn của em mà thương cho những cô thầy có trách nhiệm lương tâm cho việc giáo dục con em của chúng ta. Vì phần bệnh thành tích mà các cấp lãnh đạo của trường ép không để điểm quá thấp trong lúc hs học yếu ,phần do cha mẹ giao khoán bằng cách này cách nọ làm sao cho con họ lên lớp .Đúng là sức ép quá lớn thành ra ác mộng cũng phải. Nhưng vì sao mà chất lượng kém ,đã có biện pháp gì ,hay chỉ lo dạy thêm để có tiền bo quà cáp.. Thêm nữa, thấy toàn là biện pháp phi văn hóa, phi giáo dục vô cùng . Đây nhé : xã anh , có một cô giáo đề ra quy chế thu tiền phạt hs nếu bài ko thuộc khi thì 20.000 đ, khi thì 50.000đ một lần kiểm tra rồi tuyên bố để gây quỷ cuối năm liên hoan .Thật là nực cười em nhỉ .kết quả có em mượn tiền nộp ko cho cha mạ biết có em con nhà khá giả thì ko lo còn nhà nghèo sinh nói dối hoặc trộm tiền của gia đình
    Thêm nữa chỉ có kiểm tra học kỳ mà làm như thi thật đổi phòng ,số báo danh .... mà mới chỉ lớp 4 ,lớp 5 chứ có phải lớn lao gì ...thêm nữa bày cho các em tiếp xúc làm phơi nội dũng bài học
    thì thử hỏi làm sao trong đầu các em có thói quen tốt ngay còn nhỏ, nhà trường chỉ cốt thành tích thôi
    Ôii phần này anh ko đủ sức trình bày vì ko nói ko đc mà nói thì cơn cà cơn kê thành ra lộn xộn em nhỉ hiiiiiii

    Trả lờiXóa
  14. Giáo dục nước mình còn nhiều nhức nhối lắm anh nhỉ? Chỗ em vừa rồi thi học kì cũng tổ chức 9 môn. Làm thế nào cũng chưa biến chuyển được vì nhận thức chưa thay đổi anh ơi.

    Trả lờiXóa
  15. Qủa thực tình trạng như cô giáo Vi ko phải là ko có...
    câu chuyện hay quá!.... nhân vật Vi có thật bao nhiêu % đấy và hư cấu bao nhiêu %.....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hư cấu tên gọi, tên trường và giấc mơ. Còn lại là thật.
      MRC tự chiết % đi nhé.

      Xóa