Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

CHIA SẺ BỨC XÚC VỚI BÀ CON!

                                                         Vi  Vân Anh

Vân Anh nằm li bì ba ngày nay.
   Em là con của  học trò cũ từ hồi tôi dạy trong trường vùng sâu Châu Thành. Ngày trước, bố nó cũng đã qua một cuộc thi 1 chọi 70 để được ghi tên vào danh sách sinh viên trường Đại học y Hà Nội. Cách đây hơn 3 năm, Vân Anh cũng lọt được vào khối chất lượng cao của huyện trong cuộc thi 350 chọn 60. Một cô bé từ vùng sâu ra, vào lớp sáu với 21 ki lô trọng lượng! Một cô bé luôn hăng hái xung phong phát biểu xây dựng bài mặc cho bạn bè cười ồ lên vì em nói tiếng Kinh trọ trẹ.
  Em giỏi đều các môn, và mặc cho học sinh thị trấn khôn lỏi chỉ thiên lệch một số môn tự nhiên để chọn nghề thì em không lơ là bất kì môn nào trong 11 môn học.
  Vòng thi chọn học sinh giỏi năm lớp tám, em đậu cả toán và lí.
Đầu lớp 9, do một số vần đề tế nhị có liên quan đến con các quan, em buộc phải nhường Toán để thi Sinh và Sử.
Thi 2 lần vòng huyện, em đậu cả 2 môn nhưng thi tỉnh chỉ cho chọn một. Cô Tâm là hiệu phó nên đã “dành” được em để chắc chắn có giải cho môn của mình. Môn Lịch sử là nỗi sợ hãi của bất kì học trò nào thời nay. Em thường thức từ ba giờ sáng để học thuộc một tập tài liệu ôn thi dày gần bằng cuốn từ điển.
 Một ngày trước khi đi Vinh dự thi, trường và phòng tổ chức gặp mặt các em với những gửi gắm, những mong mỏi thiết tha. Các lãnh đạo cũng hứa với phụ huynh là sẽ tạo điều kiện tốt nhất về kinh phí, về tinh thần để các em thoải mái, tự tin làm bài tốt. Cũng đúng thôi,mặc dù trường vừa “rinh” được giải nhì toàn quốc trong cuộc thi “Sáng tạo khoa học”, nhưng kì thi học sinh giỏi tỉnh này mới là cái làm nên cơm cháo trong thành tích năm học, trong việc xếp thứ hạng thi đua cho các phòng GD trong tỉnh.
Cái anh chất lượng đại trà thì chẳng cần bàn. Trên chỉ thị bao nhiêu phần trăm khá giỏi thì dưới thiết kế được ngay. Học sinh lớp 6 chưa biết đọc biết viết vẫn lên lớp như thường, có ảnh hưởng gì hòa bình thế giới? Nhưng cái anh mũi nhọn này thì phải nhọn thật, không lơ mơ được.
  Vân Anh và các sĩ tử khác biết rõ gánh nặng trách nhiệm của mình nên lo lắm. Nhưng trong cái lo cũng có niềm vui vì được về thành phố! Một học sinh dân tộc Thái tận vùng sâu xa như Vân Anh thì sự háo hức lại tăng gấp bội. Em nói với tôi: “ Lần này thì em sẽ được tận mắt thấy cái gọi là siêu thị cô nhỉ? Em sẽ mua một thứ gì đó làm kỉ niệm.”
 Mười hai giờ trưa, xe đón ở cổng trường. Chiều tối hôm sau bố Vân Anh gọi điện: “Em nhờ cô ra đón cháu cho em với nhé.” Chín giờ đêm, tôi mới đón được em, em rũ ra như tàu lá chuối héo.Vân Anh kể:
     -  Cả đoàn có 46 người, nhưng họ hợp đồng xe 24 chỗ, chỉ có  thầy trưởng đoàn là ngồi thoải mái, còn chúng em ép nhau mỗi ghế ba, bốn bạn, các bạn nam thì phải đứng. Tối đó vừa mệt, vừa ồn ào vì  phòng quá đông người nên em không ngủ được. Ăn sáng xong chúng em phải đi bộ đến trường khai mạc. Các bạn đòi bắt tắc-xi nhưng thầy trưởng đoàn bảo phải tiết kiệm. Khai mạc xong về khách sạn rồi đi ăn trưa. Em mệt, định nằm một lúc thì thầy giục: “ Những em thi chiều nay soạn đồ để trả phòng, chiều thi xong ra xe về luôn.” Cả mấy đứa buồn phát khóc! Thế là dự định đi siêu thị tiêu tan! Mười hai giờ bọn em lếch thếch kéo nhau ra trường thi ngồi chờ đến giờ thi, bốn rưỡi chiều thi xong, ra cổng trường lên xe, xe chạy vòng vèo bắt khách mãi, em nôn thốc nôn tháo và mê mết chẳng biết gì nữa.
Tôi hỏi em về bài vở, em tươi lên một chút: “ Em thuộc hết nên làm khá trọn vẹn cô ạ. Có một vài ý nhỏ chưa phân tích rõ, sợ không được giải cao thì thương cô Tâm.” Tội nghiệp em. Dự định của em là theo khối B để thi trường y, em muốn thi Sinh nhưng vì thành tích của trường và của ngành nên chấp nhận thi Lịch sử.
   Em ở nhà tôi hơn ba năm nay, thể lực yếu, tôi chăm chút như con đẻ của mình. Xót ruột, tôi phàn nàn với mọi người. Hóa ra mấy hôm nay phụ huynh cũng đang rất bức xúc về cách đối xử tệ hại của phòng đối với con em họ. Được biết, phòng đã duyệt chi  cho cả đoàn 46 người, tiền ăn ở khách sạn 3 ngày đêm, tiền tắc xi, tiền xe đi về như tiêu chuẩn một cán bộ đi công tác. Nghĩ đến cách  kiếm chác của tay trưởng đoàn kia mà phát ớn!


13 nhận xét:

  1. Chuyện đời mà . CN vui nha .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cũng là chuyện đời thôi anh. Nhưng khi mình là phụ huynh thì cũng xót lắm anh à.

      Xóa
  2. Đáng ra môi trường giáo dục là lành mạnh và trong sạch nhất nhưng ở đây đã xảy ra tiêu cực không những trong bệnh thành tích mà cả các vấn dề khác như trường hợp thầy trưởng đoàn dẫn học sinh đi thi. Điều đó đã thu lợi cho cá nhân người thầy nhưng gây hậu quả tệ hại cho sức khỏe, kết quả thi của học sinh và làm xói mòn niềm tin đạo đức đáng kính của người thầy. Không những buồn mà đáng lên hán hành vi ấy lắm thầy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "đáng lên hán hành vi ấy lắm thầy!"
      Anh gõ nhầm dòng trên. Xin sửa lại là: Đáng lên án hành vi ấy lắm thay!

      Xóa
    2. Nếu con trai cả của anh- Nhân Văn- biết "ăn bẩn" như vị kia thì chắc cũng là phó phòng rồi đấy anh nhỉ?

      Xóa
    3. Khi anh gõ những dòng này thì cháu Nhân Văn - con trai anh là chuyên viên Phòng GD đang dẫn đoàn học sinh giỏi của Thị xã Hoàng Mai đi thi Tỉnh đợt 2 ở Vinh chưa về. Đợt trước, cách đây mấy hôm, anh nghe mấy cháu học sinh đi về khoe với bạn: Thi xong còn được thầy Văn cho đi biển Cửa Lò thăm phong cảnh... Mà anh biết rõ rằng trước khi cháu dẫn các em đi thi đã phải vay tiền của mẹ và vợ. Khi về, cũng như mọi lần khác lại kêu kinh phí Phòng thanh toán cho mình bị "lõm" không đủ tiêu - "thu không đủ chi". Thực ra không phải cháu hoang phí mà anh biết nó rất chu đáo với mọi người, nhất là với học sinh nên hay chịu thiệt về mình như vậy và vẫn vui. Anh vẫn dặn cháu đối với người thầy tính vị tha và thanh bạch phải đặt lên hàng đầu. Và do ảnh hưởng nền nếp của gia đình nên cháu sống hiền lành và liêm khiết lắm. Tết vừa qua có một số giáo viên được nó khuyến khích động viên đi thi đạt giáo viên giỏi cấp Tỉnh. Các thầy cô ấy mang bia, quà đến cảm ơn, chúc Tết - trong đó có những người hoàn cảnh rất khó khăn - cháu kiên quyết không nhận của những người khó khăn đó mà còn gửi quà về mừng tuổi cho con họ nữa em ạ. Anh vẫn rất tự hào về con mình và cái tên Nhân Văn của nó. Tuy cháu rất có năng lực nhưng bây giờ không phải chỉ có năng lực là lên được phó Phòng. Mà những yếu tố khác nặng màu tiêu cực thì mình không làm được. Thôi thì cứ làm tốt nhiệm vụ và giữ "bàn tay sạch" vậy thôi em.

      Xóa
  3. Môi trường để đào tạo ra lớp người thừa kế vừa "hồng", vừa "chuyên" đúng ra phải rất sư phạm (chứ không mô phạm). Thành tích thì cô bồi dưỡng môn, Hiệu trưởng và PGD-ĐT hưởng. Học sinh được "giải" thì chẳng là bao! Vẫn biết rằng câu "trăm đồng tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng" là gợi lên niềm vinh dự cho các em và gia đình. Nhưng thử hỏi cứ cái đà này thì đến bao giờ mới "Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy..."?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn nhiều nhiều lắm anh à. Hồi trước bọn em đi thi GVG tỉnh cũng bị bớt xén kiểu đó. Hỏi thì họ bảo: " Tiết kiệm chi tiêu mua quà cho lãnh đạo!". Đi chấm thi khảo sát chất lượng, tiền do phụ huynh đóng trong lệ phí thi, vậy mà trả cho giáo viên mỗi buổi 25 ngàn. Ba buổi được 75 ngàn chỉ trả 70 ngàn vì...không có tiền lẻ! Nhưng danh sách nhận tiền để trống cột số tiền, chỉ kí thôi. Có lẽ "Đồng hào có ma" nên hay bị biến hình!

      Xóa
  4. Hi hi hi…có nhiều cuộc trưng cầu góp ý cho nền giáo dục này nọ búa xua…nhưng thiên đình biết tất , biết cái nào được cái nào không được ( nếu không biết lẽ nào thiên đình thiếu Iot sao?)…nhưng vì lợi ích nhóm cộng thêm bảo thủ nó cản trở mà thôi….
    Đơn cử, nếu mình không hồ đồ thì như bài viết của cô không phải là từ lợi ích của ai sao?... Nhiều lắm cô ơi, nếu quả thật GD vì lợi ích học tập của con em đặt lên hàng đầu thì không xảy ra nền GD ta như hiện nay đâu he he he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. laisac nói đúng. Vì lợi ích nhóm cả. Nếu không làm sao họ tồn tại được? Vì việc tương tự như vậy xẩy ra nhiều lần, đã thành lệ rồi!

      Xóa
  5. đọc bài này mà buồn cho các em quá trời .Sực nhớ lại mọt bài báo nói về tiền lương cho các vị đi thi quốc tế các giải đấu bóng mới buồn hơn ,như đo đếm buôn bán
    ví dụ cấp cho cầu thủ 1.900.000d một tháng. nhìn con số lẽ mà buồn làm sao
    Mấy cho đủ tiếc gì không thêm 100.000đ cho đẹp mắt mà lại triệu chín rõ ràng công lao đưa vẻ vang cho quốc gia lớn lao như vậy còn đắt với rẽ thì thật là khó coi . tài nằn qua rẽ mạt thông qua con số như vậy mà buồn.....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Số lẻ như vậy để mọi người thấy họ đã rất chi li khi tính toán mà anh. GV bồi dưỡng khi được nhận thưởng vì có học sinh đạt giải cao đã bị bớt một cách ngang nhiên với lời giải thích tỉnh khô: "Phải chia cho lãnh đạo các cấp!"

      Xóa
  6. Đọc bức xúc của chị em buồn.............
    Nhưng có chuyện vui để dung hòa nhé! ngày em học cấp 2 được đi thi học sinh giỏi ở tỉnh mừng lắm được thầy trưởng phòng giáo dục dẫn đi thi thi xong về chỗ ấy hình như thầy nhờ họ hàng hay sao lâu quá em không nhớ nữa....thầy đi chợ trong khi chúng em thi , nấu cho chúng em ăn có thịt lại được ăn no không độn sắn ngon lắm chị ạ!
    Gần 30 năm sau gặp con gái thầy ở Sài Gòn em kể ngày bố em dẫn chị đi thi HSG đã xúc gạo của mẹ em mang đi, về mẹ em cười mãi chị ạ ...(Không biết cô cười hay méo xẹo cũng nên)
    Bây giờ chắc chuyện này thành cổ tích chị nhỉ!

    Trả lờiXóa