Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

NGƯỜI MIỀN NÚI 3


Một chị nói nhỏ vào tai tôi: “Mi muốn không bị ai quấy rầy thì dọn sang ở với con Lan.” Tôi nhíu trán, nhìn chị. Chị giải thích: “Hồi đang học ở Tân Kì, khi cả hội đi chơi thì cử Lan trông nhà, chẳng lo đồ đạc bị mất vì chẳng ai đến cả.” Là phụ nữ, ai chẳng muốn mình xinh đẹp, nhưng trời bắt tội phải xấu thì cũng đành chịu chứ biết làm sao? Nhưng nhiều khi cũng tủi thân lắm. Chị Lan sống chân thành, hay giúp đỡ bạn bè, chỉ vì xấu quá mà thường chịu thiệt thòi. Sau này chuyển về Quỳ Hợp, ông trưởng phòng nói thẳng vào mặt chị: “Xấu như mi thì vô vùng sâu mà dạy, ở ngoài ni mà nhát học sinh à?”Chị gặp tôi, kể và khóc.
  Tôi dọn sang ở với chị. Khá yên ổn. Chỉ có điều là nói chuyện với chị nhạt phèo vì vốn hiểu biết xã hội của chị cạn cợt. Nhưng dù sao, chị vẫn là chỗ dựa cho tôi trong năm đầu tiên bước vào nghề.

  Đồng bào ở đây chủ yếu trồng lúa nếp, loại nếp rẫy hạt to và rất dẻo, bây giờ nó trở thành đặc sản đấy, nhưng hồi đó chúng tôi cứ sáng cơm nếp, trưa cơm nếp, tối cơm nếp. Tôi vốn đã không thích nếp, giờ bị tra tấn ngày ba bữa. Chỉ nghe mùi cơm là đã nhức hết cả đầu. Mọi người bảo: “Ăn đi, cố mà nuốt, chan canh vào, lùa vào miệng, lấy lưỡi lừa lừa, nuốt trướn đi, vào đến bụng rồi là ổn, “không to ngang cũng nậy dọc”. Khiếp! Có khi nuốt gần được lại bị đẩy trở ra. Phải giữ lại, nuốt tiếp! Nước mắt nước mũi thi nhau chảy. Phải ăn, không ăn nếp thì biết ăn gì?
  Nhưng muốn có cơm ăn thì phải giã gạo.
  Gạo giã bằng chày tay. Cối làm từ một khúc gỗ to, một đầu khoét cái cối tròn, còn khoảng 2 mét thì khoét như cái máng. Thao tác đầu tiên là bỏ lúa bông vào cái máng ấy, giã cho ra lúa hạt. Nếp  rẫy bám dai lắm, đạp bằng chân là không xong, phải giã thật mạnh để lúa hạt rơi ra. Sau đó bỏ lúa hạt vào cối tròn, giã tiếp cho thành gạo lứt. Bốc ra, sảy vỏ trấu đi rồi bỏ tiếp vào giã cho trắng. Nhìn phụ nữ ở đây giã gạo mới thấy hết vẻ đẹp khỏe mạnh, dẻo dai và sự mềm mại của họ. Những nhịp chày thật đều, thật khỏe, cả thân hình như nhún nhảy theo điệu nhạc. Thỉnh thoảng họ còn gõ vào thành cối nghe tiếng cụp cum thật vui tai. Bây giờ các sao hở vòng 1  gây tốn kém bao nhiêu giấy mực của các báo, còn hồi đó, phụ nữ Thái khi làm việc thường không  mặc áo. Họ kéo váy cao đến nửa ngực, vấn lại cốt để hai quả khỏi lúc lắc, rồi giã gạo, vác nước, cuốc rẫy, làm nương…Thế mà da cứ trắng mịn trắng màng.
  Phụ nữ có con nhỏ thường địu con trên lưng để làm việc. Chắc các bạn còn nhớ bài KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ của Nguyễn Khoa Điềm:
 “Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
    Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi”
Có cô giáo giảng hai câu thơ này líu lo: “ Hai câu thơ vẽ nên hình ảnh thật chân thực và cảm động: mẹ giã gạo, mồ hôi rơi trên má em, những giọt mồ hôi nóng hổi…” Thật vớ vẩn!
  Mồ hôi mẹ rịn từ trán, từ thái dương, có nhỏ thì nhỏ xuống cối gạo ấy. Bé  nằm sau lưng mẹ, trong một tấm vải cột chéo lên vai. Mồ hôi có rịn trên lưng cũng thấm vào vải, rơi sao được lên má em cơ chứ! Nhưng lưng mẹ cũng nóng lắm, má bé chín lựng, bé ngủ say sưa theo nhịp chày lên xuống của mẹ.
Bà mẹ Tà ôi của Nguyễn Khoa Điềm thật dại:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”
Biết con là mặt trời nhỏ của mẹ đấy, nhưng để con nằm trên lưng dưới ánh nắng thế tội con lắm! Con hứng hết nắng cho mẹ còn gì! Mặt trời của bắp sẽ nướng chín con mất thôi!  Người mẹ Thái khôn hơn. Lên đến rẫy, bé được đặt trong cái gùi và treo lên cành cây gần chỗ mẹ làm. Mẹ lấy tàu lá cọ che nắng cho con. Nghe tiếng con khóc, nếu không phải bị con kiến đi lạc nào đó cắn thì là con đã đói. Mẹ nhai nắm xôi mang theo cùng vài hạt muối bón cho con. Bé biết ăn cơm từ khi chưa đầy tháng cơ, ăn thế bé no lâu, mẹ còn có thời gian mà làm việc.
  Lại nói đến chuyện giã gạo của tôi. Lần đầu tiên cầm cái chày, tôi mới giơ lên một chút đã phải dập xuống ngay. Nặng quá! Chọn cái chày nhỏ hơn, loại chày dùng cho trẻ con, tôi giã chày trúng chày trật. Mồ hôi thi nhau tóa ra, ướt đầm cả mặt, cả lưng. Mệt. Dừng lại thở…Nhưng phải tập thôi, phải cố thôi. Đã vào đến đây rồi, cái gì người ta làm được mình cũng phải làm bằng được. Con người ta luôn phải tập thích nghi với hoàn cảnh là vậy. Tay tôi bỏng rộp lên, da bong ra từng mảng. Xòe bàn tay đỏ lòm, rớm máu. Đêm, tay đau nhức, người mỏi nhừ. Nằm trở trăn không ngủ được, tôi lại khóc. Chị Lan cằn nhằn: “ Khóc chi mà khóc, mi có đủ nước mắt mà khóc cả mấy năm không?”
  Mùa mưa ở vùng biên thật khủng khiếp. Mưa tầm tã ngày này qua ngày khác, mưa cả tuần không tạnh. Những ngôi nhà sàn chìm trong mưa. Rừng núi biến mất trong màn mưa trắng xóa. Đường vắng tanh không một bóng người, học sinh nghỉ học một tuần hay mười ngày là chuyện thường. Nằm nghe tiếng mưa âm âm, đều đều suốt ngày suốt đêm, tâm trạng ta có khi đông cứng lại, có khi tan chảy ra, có khi tã tượi …cứ bồng bềnh bồng bềnh hư thực không cảm xúc. Mọi liên lạc từ xã ra trung tâm huyện bị cắt đứt hoàn toàn. Nỗi lo thiếu muối, thiếu dầu thắp cứ tăng dần trong từng trận mưa. Đồng bào ở đây quí muối và dầu còn hơn cả máu, đừng nghĩ chuyện đi xin hay vay. Đêm kí túc đen đặc, không phòng nào thắp đèn để tiết kiệm dầu. Cũng không có ánh đèn pin lia qua lia lại của trai bản. Tiếng hát nhạc vàng của cô giáo rên rỉ trong tiếng mưa rơi. Mưa lâu quá rồi dầu muối cũng cạn. Cơm tối, mọi người thay phiên nhau cầm đuốc soi để ăn. Tàn đuốc bay cả vào nồi canh, cũng đỡ nhạt muối.
 ( Thôi, lan man rồi, hôm sau kể tiếp nhé)

23 nhận xét:

  1. Đã từng có vốn sống trải nghiệm nhiều năm ở miền núi, lại có sự sâu sắc và kiến thức văn chương nên truyện em viết có nhiều chi tiết, nhiều vấn đề thật cụ thể và hấp dẫn... Tuy nhiên theo anh nghĩ em không cần miêu tả quá chi tiết về ngoại hình của cô giáo Lan (ở phần 1) và phần 3 này còn nhấn mạnh thêm sự "xấu xí" về dung nhan của cô qua lời ông trưởng phòng. Vả lại dù tác giả đã khen cô Lan tốt bụng nhưng lại cho rằng nói chuyện "với chị nhạt phèo vì vốn hiểu biết xã hội của chị cạn cợt"... như vậy có nên chăng?.
    Đôi lời băn khoăn và suy nghĩ của anh như vậy ko biết có dúng ko.. Anh mong cho truyện của em hay và toàn bích hơn, nếu có gì ko phải thì em bỏ quá cho nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...thì nhớ cái gì kể cái đó mà. Chị ấy tốt bụng, nhưng ít giao tiếp, nói chuyện với chị chỉ xoay quanh mấy chủ đề rau cỏ, thức ăn...Nói về tình yêu, về gạnh phúc...thì chị không hào hứng, mà không nói chuyện đó thì buồn chết! Vậy nên em cứ nằm im mà suy nghĩ một mình.

      Xóa
  2. Phần 1 và 2 nhiều chất truyện nên hấp dẫn . Hấp dẫn lão thật sự. Phần 3 loãng ra do chất chuyện nhiều hơn truyện. Phần đầu thấp thoáng nhà văn trong truyện kể - phần này không thấy bóng dáng của ... nhà nào trong chuyện kể. Mặc dù là những ghi chép , hồi tưởng .
    Băn khoăn của Trương nhà thơ là có thật trong nhận xét trên .
    Hai phần trước cũng những chuyện đời thường nhưng hấp dẫn nhiều người và mong đọc tiếp về người miền núi - một chủ đề ít người hiểu biết , về con người cuộc sống của họ .Vửa thích thú được hiểu biết , vừa thưởng thức cái duyên dẫn truyện của tác giả . Phần này có thể viết vội nên cái duyên ấy vơi đi. Cũng có thể tâm trạng người viết bi phân tán , không nhiều cảm xúc như phần truoc nên bút lực không còn sự tràn đầy truyền cảm như văn phong của tác giả vốn thấy ....
    Bài viết nào nhiều chất truyện vẫn mang đến nhiều sinh khí hơn là chuyện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thid em kể chuyện mà, có viết truyện đâu? Em kể về người miền núi thôi, kể lung tung lang tang vậy, chẳng có sự sắp đặt nghệ thuật gì cả. Chờ khi nào có thời gian thì biến chất liệu này thành tiểu thuyết chắc khi đó em sẽ dụng công hơn trong nghệ thuật kể chuyện.

      Xóa
    2. OK. Trong lúc thời gian eo hẹp, chị cứ kể chuyện thế này là quý lắm rồi. Còn anh TQT và anh 262 góp ý là góp ý vậy, đúng chứ chẳng sai, nhưng để từ từ rồi ta tính tiếp. Giờ em vẫn háo hức chờ đọc những câu chuyện tiếp theo của chị đây.

      Xóa
    3. Chị sẽ kể tiếp, nhưng quả thật thời gian này bận quá Om à. Nhưng cũng kể tùy hứng thế thôi, chẳng phải tác phẩm văn học đâu.
      Lúc chiều đang trả lời em thì mất điện.
      Chắc Om dạo này bận quá? Chưa thuê được người giúp việc phải không?

      Xóa
  3. Xót cho thầy giáo quá, mọc mấy cái sừng của tay buôn vàng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có một sừng thôi Giáo Chiềng ơi. Còn chuyện cô giáo bị phụ tình nữa, xót xa hơn nhiều, vì dù sao đàn ông vẫn bản lĩnh hơn mà.

      Xóa
  4. Lần đầu sang thăm chị, theo chân của chị, em mới biết nhà mình.
    Em ngồi đọc một mạch, rồi đọc lại... Cái khung cảnh vùng biên hiện rõ dần trong trí. Thương bàn tay cô gái vùng xuôi giã gạo đến phồng rộp, thương cả đồng bào mình chiu chắt từng hạt muối, miếng dầu để đốt... Và cả người thầy giáo ...bị cô vợ bỏ... Thương gì đâu đó.
    Cuốn hút vô cùng. Cảm ơn chị iu gõ còm mà nhờ vậy em mới được biết chị, mới được chiêm ngưỡng những bài viết sống động, thực tế thế này.
    Thật vui, khỏe, bình an thiệt nhiều chị nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình sẽ tiếp tục giao lưu nha em. Chị rất thích cách viết của em.

      Xóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Trước hết chị đồng ý với ý kiến của lão Tan là phần này ít chất truyện hơn hai phần trước. Mà cụ thể là nó còn nhiều chỗ lan man và chưa có những thắt mở mang kịch tính. Tuy nhiên chị lại cũng muốn bênh NT. Vì đây không phải truyện ngắn mà là hồi kí nên người viết có quyền lan man, ghi chép theo ấn tượng, theo trí nhớ của mình và thậm chí có thể bàn luận này kia đôi chút là lẽ thường. Do vậy nếu ai thích đọc truyện ngắn thì đọc ký sẽ ít thấy hấp dẫn hơn là đúng.
    Sau nữa ST cũng đồng ý với nhận xét của anh QT là không cần nhấn mạnh quá hay miêu tả kĩ quá về những nét xấu xí hình thức cũng như cái " cạn cợt" của nhân vật Lan. Dù biết rằng tất cả những điều đó là có thật nhưng chị nghĩ nếu nói nhiều về điều đó sẽ làm hao mất phần nào chất nhân văn của bài viết. Có thể ở ngoài đời còn có người vô tâm như ông trưởng phòng nọ nhưng cần lắm một thái độ của người viết trước những vô tâm đó và trước cả nhân vật của mình em nhỉ?
    Tuy nhiên, với riêng chị, đọc phần này chị vẫn rất thích thú bởi cách miêu tả cảnh những cô gái Thái giã gạo, cảnh địu con lên nương và cả cái ki bo của một thầy giáo, kể cả những câu văn miêu tả tâm trạng trong mưa hay câu kết cũng rất lý thú. NT quả là có khả năng quan sát tinh, có cách viết khá khơi gợi. Chị lại dài cổ chờ đợi đọc kì sau của em nè!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ạ, việc nhấn mạnh về chị Lan là em cố tình đấy. Ngoài đời, chị còn chịu nhiều thiệt thòi nữa kia. Nhiều khi em cũng bức xúc, bênh chị ấy. Người phụ nữ xấu, họ có tội tình gì? Sao cánh mày râu lại có quyền hắt hủi, coi thường, cười cợt, đem ra làm đề tài để nhạo báng. Rồi kể cả chính những người cùng giới cũng thiếu sự thông cảm, lại hùa vào theo...Em kể thế, nhà thơ QT, Tan và chị thấy không nên nhấn mạnh vì tội quá, vậy là em mừng.
      Em đang viết tùy hứng, nhớ đến đâu viết đến đó nên chẳng theo một bố cục nào cả. Chủ yếu kể về người miền núi nhưng đá thêm góc hiện thực về cuộc sống của giáo viên miền núi cho đầy đủ về bức tranh vùng cao.
      Cảm ơn chị đã động viên em viết tiếp. Nhưng động viên suông không được mô nha, phải có quà đấy. Một nửa trên của anh Tuân, để lại cho chị nửa dưới, chịu không? He he...

      Xóa
    2. Ô trời! Bổ ngang rứa thương quá em ơi. Thôi chị nhường em ráo trọi luôn cho đỡ thương nha em.
      Dẫu rằng cái trọn vẹn cả nửa trên nửa dưới ấy chỉ là "răng rụng cát tút han" thì cũng nỏ được buồn mô mà phải trân trọng đón nhận đấy
      He...He...

      Xóa
    3. Bổ ngang bổ dọc làm chi
      Mỗi người một buổi việc gì phải chia
      Cứ theo cái lịch định kỳ
      Bao nhiêu tô thuế anh thì đủ ngay.

      Xóa
    4. Xương sườn xương sống anh bày
      Chị em cứ đếm cả ngày lẫn đêm
      Dưng mà chỗ có nhiều gân
      Xin đừng đụng đến nỏ mần được mô!
      He he...

      Xóa
  7. Đúng là em đã nhầm to
    Bây giờ anh tựa "xu mô" kém gì
    Rượu xong là lại ngủ khì
    Sưu thuế đến kỳ vẫn nộp đủ ngay
    Cả khi xương xẩu anh bày
    Có em vẫn có đường cày thẳng tưng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đường cày vẫn thẳng tưng tưng
      Nhưng mà cạn cợt thì nỏ mừng mô nha.
      Trước khi nộp thuế 2 nhà
      Làm đơn miễn giảm kẻo mà chí nguy!

      Xóa
    2. Với anh chắc chẳng hề chi
      Tiền ngay thóc thật đúng kỳ hẳn hoi
      Nhà hai cứ thử mà coi
      Với em đâu dám nói lời ba hoa.

      Xóa
  8. em chỉ đọc được đến chỗ mẹ Thái khôn hơn thôi...Rồi khóc vì em hồi nhỏ kinh hẳn hoi mà phải nằm nôi ở bờ ruộng để mẹ em đi làm đấy...
    Vậy mới có câu
    Đời chỉ hai tháng tuổi
    Tay được ủ tình nồng
    Nôi ôm tay bé bỏng
    Tay theo mẹ ra đồng....
    Mai em đọc tiếp chị nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chia sẻ với em. Đọc tiếp đi, hôm nào rảnh chị viết tiếp em nhé.

      Xóa
  9. Sang thăm rồi chạy... chẳng dám nói gì gì rồi !

    Trả lờiXóa