Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

NGƯỜI MIỀN NÚI 4


   Tối thứ bảy, hai chị em đã trùm chăn chuẩn bị ngủ thì có ánh đèn pin loang loáng dọi  vào cửa. Tôi thoáng nghĩ đến một trai bản lết bết quần ống loe nên nằm im thin thít. Tiếng gõ nhẹ vào tấm liếp, Lan à, cho gặp đồng hương Quỳ Hợp với. Tiếng Hưng Nguyên đặc sệt. Tim tôi bỗng đập rộn ràng. Một nơi xa ngái này mà có người Hưng Nguyên? Chị Lan nhỏm dậy, để em châm đèn. Ánh đèn dầu lù mù đủ  soi rõ một khuôn mặt đen sạm, một vầng trán cao và đôi mắt lấp lánh như cười. Tôi lí nhí, chào chú ạ. Ừ, cháu ngoan ngủ sớm rứa? Dậy nhận đồng hương mồ. Chú người Hưng Nguyên ạ? Hưng Nguyên, nhưng lên Quỳ Hợp lâu rồi. Ồ, thế chú cháu mình đồng hương kép. Thế à? Cháu cũng quê Hưng Nguyên à? Chú ở xã mô Quỳ Hợp? Châu Quang. Thế à, nghe nói ông đồn trưởng cũng người Châu Quang. Bé lên đây đã quen khí hậu chưa?  Cũng tàm tạm. Thế vợ con chú cũng người Châu Quang ạ? Ừ, nhưng chú mới có hai con, chưa có vợ. Tôi cười, chú chưa vợ sao có con? Đơn giản thôi, vì chưa cưới mà. Chưa cưới thì chưa được gọi là vợ, mới là người yêu. Thế sao không cưới đi? Thì xin đơn vị về phép cưới mà họ chưa cho, bảo cứ yêu đi đã, yêu thì lâu chứ cưới có mấy chục phút, lo gì. Chỉ nói chuyện vớ vẩn thế mà vui ra phết. Cũng có thể giọng nói quê hương làm tôi cảm mến người sĩ quan này. Cũng có thể do cách nói chuyện vui vui, hài hước mà tôi thấy thích.
  Tôi tiễn khách ra đến cửa, định quay vào thì chú ấy hỏi: Đã biết câu tiếng Thái chưa? Chưa ạ. Hừm, vào đây ít nhất cũng phải biết câu chào. Khó không ạ? Không khó. Vào nhà người ta, phải hỏi ngay từ cầu thang: “Cu xì mưng, mưng xì cu bọ?” Nghĩa là gì ạ? Lâu ngày bác có khỏe không? Nói xong, chú rảo bước thật nhanh.
    Tôi ghi nhớ 6 tiếng ấy, lẩm nhẩm cho thuộc để ngày mai vào bản điều tra phổ cập.  Hai chị em lò dò bước lên cầu thang nhà trưởng bản. Thấy chủ nhà đang ngồi vót sợi mây, tôi nói thật to như một con vẹt: “ Cu xì mưng, mưng xì cu bọ?”Chị Lan trợn mắt: “Mi nói quái quỉ chi rứa?” Ông trưởng bản nhìn tôi, ngạc nhiên một thoáng rồi nhếch mép cười, chẳng nói gì.  Chị bước vào nhà: “ Cọ dụ bọ?” ( Có khỏe không?) Chủ nhà đứng dậy, đưa tay ra: “ Cọ dụ, nhăng cọ dụ bọ?” ( Khỏe, còn khỏe không?”) tôi cứ tròn mắt nhìn, câu chào này chẳng giống câu mình thuộc gì cả. Chị Lan trao đổi với trưởng bản về việc phổ cập, rồi chúng tôi đi từng nhà, ghi chép tên tuổi của các em trong độ tuổi đến trường. Vào nhà ai chị cũng lặp lại câu chào ấy và chủ nhà cũng đáp lại y hệt vậy. Tôi  lẽo đẽo theo chị, thắc mắc câu tôi nói nghĩa là sao thì chị gắt:  đừng bao giờ nói câu đó, thế thôi. Hỏi tên con, nhà nào cũng Hồng, La hay Cả ,Cáng…biết làm sao mà phân biệt? Người Thái  con gái đầu  gọi là Hồng, con trai đầu thì gọi là Cả, con thứ gọi là La,  là Cáng. Hỏi tên đi học của chúng là gì? “Ôi, cái đó thì hỏi nhà trường chứ, tên đi học các thầy cô đặt cho mà, tao có đặt đâu.” Cháu sinh ngày tháng năm nào? “Hắn sinh cùng với con tu đực này này.” Hay: “ Hắn sinh vào mùa gặt rãy đó” Có chị bảo: “ Khi sinh hắn, tao đang đi ngủ trong rãy mà, mưa quá không về được…” Cuối cùng, chúng tôi phải áng chừng lớp mà suy ra tuổi, còn thích ghi ngày tháng nào thì tùy. Học sinh học hết tiểu học chưa có giấy khai sinh, chẳng sao cả. “Đi làm rãy thì chỉ cần cái tay cho khỏe, cái chân cho vững, còn giấy khai sinh mà làm gì?” Bịa hết số liệu, bịa cả tên để có danh sách thống kê gửi ra phòng giáo dục, còn nhà trường không có sổ điểm, không học bạ, không hồ sơ lưu trữ gì hết. Việc điều tra chỉ dừng lại ở chỗ ghi số con của mỗi gia đình, còn thì rủ nhau đi mua chuối, mua đu đủ, mua trứng gà…
  Cuối cùng thì tôi cũng hỏi được nội dung “câu chào” mà chú sĩ quan đồng hương bày hôm ấy. Thế có điên không chứ! Thế có giận không chứ! Phải chửi, phải chửi  một trận cho hả dạ. Nhưng chửi thế nào đây? Tôi nghĩ ra bao nhiêu lời để trả đũa hắn ta, và rồi lại sợ hắn ta không đến nữa. Hắn cũng không phải người Quỳ Hợp. Tự nhiên bị lừa một cú giữa trời, thế có tức không cơ chứ. Nếu bây giờ ai nói với tôi câu đó, tôi chỉ cười toe toe và “ăn miếng trả miếng” ngay, nhưng lúc đó cô giáo “búp bê” mới 20 tuổi. Trong sáng lắm, mộng mơ lắm.Tôi nghĩ hắn ta ăn cắp niềm tin của tôi, hắn ta xúc phạm sự thân thiện quí mến của tôi. Vì câu ấy, tôi không dám gặp lại ông trưởng bản nữa. Ngượng không kể hết. Đồ tồi! Đồ đểu! Thứ bảy mà xuống thì biết tay tôi! Nhưng nghĩ phải chường ra mà nói chuyện với hắn cũng đã chín mặt lên rồi.
  Tối thứ bảy, vừa mới ăn cơm xong thì hắn lò dò đến. Mặt cứ hơn hớn mới đáng ghét chứ! Bảnh bao ghê, quần áo sĩ quan không thấy mặc, hắn diện một bộ quần bò áo trắng đóng thùng cẩn thận. Dù đang tức, tôi vẫn nhận ra hắn mặc bộ này trẻ hẳn so với bộ quân phục sĩ quan.
  Nghe hắn chào, tôi nguýt một cái sắc như dao lam rạch lên mặt. Hắn vẫn cười cười, coi thường thái độ của tôi. “ Hà, bữa ni đến để nghe chửi đây! Thưa …bản cô nương, kẻ hèn này đã sẵn sàng!” Trời ơi! Hắn đi guốc trong bụng mình thế à? Hắn biết hôm nay mình sẽ chửi à? Mặt tôi đỏ nhừ. Đã thế, tôi không thèm chửi, không thèm nói gì. Nói với hắn chỉ tổ phí lời! Nhưng tai hại hơn, giờ thấy hắn, bao nhiêu câu sắp sẵn mấy ngày qua tự dưng bay biến hết. Rõ ràng tôi trở thành kẻ ở thế yếu, thế bị động nên tôi phải gồng lên khỏi mất mặt trước hắn. Và suốt buổi, tôi cứ lầm lầm lì lì, cố tạo một tảng băng trên mặt.. Hắn đùa, hắn kể chuyện, hắn cười…Thì mặc hắn với chị Lan, tôi không nghe, không thấy, không biết! Sau cùng rồi hắn cũng trở giọng nghiêm túc, bảo bắt tay xin lỗi. Lãng xẹt! Tôi vẫn giữ nguyên thái độ. Hắn bảo khi nào tôi tha lỗi cho hắn thì hắn mới về. Ừ thì cứ ngồi đó, Tôi trùm chăn ngủ. Tuổi 20, tôi vẫn chưa trở thành người lớn.
  Mùa đông nơi vùng biên rét tê rét tái. Sáng ra, đã tám giờ mà sương chưa tan. Những ngọn núi phía xa phủ mây trắng xóa.Chậu nước đặt ngoài hiên đóng váng. Rửa tay, cảm giác hàng trăm mũi kim châm vào da buốt nhói. Theo lệ thường, khi ra suối đánh răng rửa mặt, chúng tôi vác theo ống bương múc nước về dùng. Đi từ suối về nhà, bàn chân tê cứng mất cả cảm giác. Trong những ngôi nhà sàn, lửa rừng rực cả đêm lẫn ngày. Hàng trăm ngọn lửa không thay thế được ông mặt trời mùa này dậy muộn nên cái rét vẫn căm căm luồn vào mọi nẻo. Thế mà học sinh đi học phong phanh một manh áo mỏng, có khi không đủ cúc.
   Ngày 22/12, đồn mời nhà trường lên giao lưu. Chương trình giao lưu gồm   múa, hát, đọc thơ.  Đồng bào ở đây phụ âm Đ thì phát âm là L. Ví dụ “đông” lại bảo là “lông”. “Đồn” thì nói là…Dù  sửa mấy, các em vẫn không chữa được. Tôi sáng tác một bài thơ và cho một em học sinh lên đọc:
                       Đồn ta đông thật là đông
Chúng cháu qua lại mà không dám vào.
Đồn ta đóng ở trên cao
Khi đón nắng sớm, khi chào hoàng hôn
Các chú ăn, ở trong đồn
Thủy chung, gắn bó còn hơn  nhà mình
Giữ cho cuộc sống yên bình
Cầm chắc tay súng nơi miền biên cương.
Chúng cháu yêu mến quê hương
Càng yêu các chú thân thương trong đồn.
Hắn dẫn chương trình, biết các cô và mọi người cười khúc khích  nhưng mặt cứ tỉnh bơ, khen bài thơ của cháu hay lắm, tình cảm lắm, các chú xúc động lắm…làm cô bé đọc thơ sướng rơn. Kết thúc buổi giao lưu, hắn gặp tôi, chìa tay ra: “Nào, thế là một đều nhé. Giỏi!” Tôi giả vờ ngạc nhiên, không hiểu, hắn nhìn sâu vào mắt tôi, thấu tận tim đen: “ Từ trước đến nay, trường chẳng có ai làm thơ cả, cháu ạ.”
  Hắn vẫn xuống chơi vào mỗi tối thứ bảy, chủ yếu là để cãi nhau cho sướng. Thực ra thì hắn chỉ hơn tôi có năm tuổi, có hai con mắt chứ vợ con gì. Một hôm, hắn đưa xuống một tờ quyết định viết bằng tay, nét chữ mềm mại thật đẹp, nội dung của tờ quyết định: căn cứ vào độ nở của mông, độ phồng của vú, nay quyết định chuyển từ “cháu” sang “em” cho các cô giáo có tên sau đây….
  Nhưng quyết định đã bị hủy sau khi kí hai phút!
  Thực ra, xưng hô thế nào có quan trọng gì, vấn đề quan trọng là vốn ngôn ngữ và hiểu biết của tôi đủ để đấu khẩu với hắn trong các lĩnh vực. Và khi còn  có người để cãi nhau, cuộc sống sẽ bớt đơn điệu, nhàm chán đi nhiều.
  


30 nhận xét:

  1. NGƯỜI MIỀN NÚI Phần 4 vẫn còn tản mạn nhưng tác giả mở ra một biên độ rộng để cho dung lượng bài viết được đa chiều hơn và chắc rằng sẽ còn rất dài kỳ. Tuy vậy đọc bài này vẫn thấy có những điều hay, lạ. Có những chi tiết vui và trí tuệ như cô giáo sáng tác bài thơ "ĐỒN" cho học sinh lên giao lưu với bộ đội, xem ra cô cũng chẳng phải tay vừa. Hii hiii...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc chắn là không phải tay vừa rồi. Nhưng bài thơ ấy vẫn chưa đủ để trả nợ cho câu chào quái quỉ kia. Em đã bị mọi người trêu mãi vì nói như thế với trưởng bản giữa thanh thiên bạch nhật đấy.

      Xóa
  2. Lão xin dán tem vàng cho bài viết. Đúng sự mong đợi của lão và một số người để biết và hiểu thêm người miền núi. Bài viết đầy ngẫu hứng cho nên bản chất của cái chữ nó cũng no tròn theo cảm xúc. Đọc rất thích. ( Có lẽ nhìn được thì thích hơn ) hehe.
    Cuộc sống với những phong tục của người miền núi rất xa lạ nơi phố phường vì thế nó hấp dẫn những người như lão. Với những người từng sống và công tác thì thấy nó bình thường , nhưng với lão thì không bình thường , vì mình không biết. Mặc dù lão cũng là người miền núi , nhưng với người vùng cao , dân tộc thiểu số thì mù tịt.
    Các cô gái Thái , nhiều cô đẹp , da trắng nõn , người kinh khó so bì. Một số thôi , không nhiều. Nói năng thật thà như đếm, vừa buồn cười vừa thấy thương
    Hôm nào nổi hứng , lão kể chuyện tán mấy cô sư phạm . Mà sư phạm Tân kỳ thì hầu hết là người miền núi...
    Nói là như thế không phải là khoe mà bài viết của em đã có tác động như một sự cộng hưởng làm lão thấy dễ chịu trong người , muốn nói ra cái bụng mình mà bình thường không muốn nói....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui vì bài viết của em đã làm lão nổi hứng! Em bắt đầu háo hức chờ đợi bài viết của lão rồi đấy. Em rất tâm đắc với câu này của lão: "Kỷ niệm tuổi học trò nhiều khi chẳng là gì . Nhưng cũng có những kỷ niệm tuổi trắng trong ấy , ngọ nguậy suốt dọc đường đời và kết thành tấm thảm êm ái cho ta dựa tựa ở tuồi chớm già." Nhớ về kỉ niệm thời tuổi trẻ giúp ta đỡ chai cứng cảm xúc, phải không lão?
      Những cô gái Tân Kì lão gặp cũng là người miền núi nhưng ở vùng ngoài. Họ dù sao cũng đã tiếp xúc nhiều với người Kinh, với xã hội. Còn ở vùng biên này, con người sống hồn nhiên như cây rừng vậy. Giờ đường nhựa vào tận bản, con đường thông thương Việt - Lào, cuộc sống đổi thay nhiều, con người cũng đổi thay nhiều lắm rồi. Em vẫn hẹn bạn bè trở lại nơi đó nhưng chưa đi được.

      Xóa
  3. Em đọc mà tủm tỉm cười, cứ vui vui với ý nghĩ sẽ có một tình yêu trong veo xuất hiện. Dễ thương quá đi cô gái 20 của chị. À, mà em vẫn cứ thắc mắc câu tiếng Thái ấy là chị. dưng không nói, vẫn lờ mờ nghĩ chắc...kinh điển lắm đây. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quí nhau thôi Thùy ơi, chị không đủ can đảm để tiến xa hơn vì con đường trước mặt đang phủ mờ sương. Cứ như thế để khi nhớ về nhau đẹp hơn.
      Hắn chắc cũng có chút chút tình cảm, nên khi chị đi hái rau, lạc sang bản khác đêm chưa về, hắn cùng mọi người đi tìm và khóc sưng mắt. Cũng có thể hắn sợ chị bị hổ vồ rồi không có ai mà cãi nhau nữa.
      Tiếng Thái: "cu" nghĩa là "tao", "mưng"là "mày", "xì" là...là...ngủ với nhau! Một câu rất bậy bạ. Thế mà chị không hỏi lại chị Lan vì tin hắn, nghĩ hắn bày chân thành. Thế mới tức chứ.

      Xóa
    2. Hì hì
      Lúc đó thì tức, nhưng khi nghĩ lại, chắc cũng vui vui, cười trong bụng chị hén.
      Nhiều khi , không tiến xa nữa, chỉ vừa đủ để nhớ, để nghĩ tới những kỷ niệm vui, biết đâu như thế mà hay hơn chị hén.

      Xóa
    3. Là sau này ấy, còn khi đó, nghĩ chừng nào tức chừng đo Thùy à.
      Nếu tiến xa hơn, biết đâu giờ chị không ngồi mà kể đây nữa, đúng không em?

      Xóa
  4. Bài viết thật, lạ và hay. Hai nhân vật "cô giáo trẻ" và "tay trưởng đồn" ăn miếng trả miếng nhau thật là đáo để. Cặp trai tài gái sắc này mà không thành đôi lứa thì chỉ tại kiếp trước họ chưa mắc nợ nần gì nhau thôi. Nhưng kiếp này như thế là họ đã "mắc nợ" nhau rồi . May ra thì đến kiếp sau chăng...?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin đính chính: đó không phải là tay trưởng đồn. Trưởng đồn cũng người Quỳ Hợp, nhưng già rùi. Tay sĩ quan này mới hai nhăm thôi.Có lẽ "hẹn anh kiếp sau ta tìm thấy nhau..."

      Xóa
  5. Hay. Tuổi 20 trong veo , hồn nhiên và đangs yêu làm sao. Chàng sĩ quan biên phòng hóm hỉnh tinh quái lai gặp cô giao trẻ vừa nhẹ da cả tin laị vua đao để ra phết nhỉ? Ăn miếng trả miếng hay ra trò. Rứa mà không tiến xa hơn thì tiếc quá! Âu cũng là có duyên mà chưa có phận chăng?
    Phần này đọc rất thú em ạ. Tự nhiên, chân thật mà vẫn lấp lánh một nụ cười hom hóm ngồ ngộ. Cám ơn em đã cho chị được hiểu thêm về cuộc sống của người dân miền núi này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng không ít lần hắn thổ lộ muốn "gần hơn chút nữa" chị ạ. Nhưng em sợ...Trước đó đã có mấy đôi: "Yêu em một chút đỡ buồn/ Mai xong nghĩa vụ anh chuồn về quê " rồi. Hắn buồn vì em không tin t.c của hắn, nhưng hắn là sĩ quan chuyên nghiệp. Vài năm em xong nghĩa vụ về quê, con đường phía trước còn mông lung...

      Xóa
    2. Anh bổ sung cho em một chút thuật ngữ chức danh trong quân đội nhé: Luật mới trong quân đội, chỉ gọi là "quân nhân chuyên nghiệp" để nói về những quân nhân được đào tạo kỹ thuật chuyên môn, dù cấp bậc cao mấy cũng không được gọi là sĩ quan chỉ huy để phân biệt với "sỹ quan chỉ huy" hay còn gọi là sỹ quan có số là những người được đào tạo chính quy qua đại học và trên đại học ra làm cán bộ chỉ huy trong quân đội, em ạ.

      Xóa
    3. Thế à? Em cứ thấy sĩ quan, rồi lại ở mãi trong quân đội cho đến khi về hưu thì gọi là sĩ quan chuyên nghiệp thế thôi. Giá như hồi đó thành đôi thì chắc em hiểu kĩ hơn.

      Xóa
    4. Quân nhân chuyên nghiệp chỉ đủ 25 năm phục vụ trong quân đội là về hưu thôi. Niên hạn phong cấp bậc quân hàm trong thời gian tại ngũ cũng chậm hơn sỹ quan chỉ huy. Vì vậy quân nhân chuyên nghiệp về hưu thường là còn trung tuổi, khoảng đội tuổi 45 thôi. Riêng sĩ quan chỉ huy thì thường được cơ cấu phát triển, đào tạo thành sĩ quan cao cấp, giữ các cương vị quản lý quan trọng. Tuổi về hưu của họ cũng muộn hơn do triển vọng và khả năng phục vụ quân đội của họ cao hơn... Nếu tinh ý thì em nhìn quân hàm của họ đeo ở cầu vai, nếu ai mang quân hàm có những vạch thẳng bên ngôi sao là sĩ quan chỉ huy. Còn những ai quân hàm có vạch cong hình chữ V thì là quân nhân chuyên nghiệp. Từ năm 2012 thực hiện quy định mới đều dùng chung vạch thẳng trên quân hàm, bỏ vạch cong hình chữ V. Nhưng vạch thẳng trên quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp vẫn có một vệt chỉ mờ màu đỏ đan xen để phân biệt với sỹ quan chỉ huy...

      Xóa
  6. Chào cô cháu thì hơi già và chào cô em lại quá trẻ!

    Đừng nghe Song Thu tiến xa hơn Cháu Em ạ!
    Ngữ ấy mà ở chung nhà
    Cãi nhau sẽ lắm, thuận hoà thì không
    Cứ thả cho nó chạy rông
    Bên vợ - Bên chồng
    Cãi vã lại vui.
    Há! Há! Chả biết đầu cua tai nheo thế nào? Mình thấy khoái anh bộ đội biên phòng quá. Còn chuyện tiến xa, tiến gần thế nào - Xem hồi sau sẽ rõ hì!
    Viết cho vui, trong lúc vui đùa bối rối có gì sơ suất - XIN ĐƯỢC LƯỢNG THỨ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giá như đã ở chung nhà
      Cãi nhau nhưng vẫn thuận hòa đấy anh.
      Người sĩ quan ấy đủ uy để làm cho em trở thành con nai nhỏ mà. Nhưng vào lúc ấy, trong cuộc sống ấy, có nhiều điều em phải cân nhắc.
      Chuyện của một thời, lời khuyên của chị Song Thu bây giờ đã quá muộn. Nghe hay không cũng chỉ để dành kiếp sau!

      Xóa
  7. A2 mất 2 tuần để chuẩn bị và đi du lịch nên đã bỏ qua những dòng hồi ký tự sự ,một quãng đời em đã trải qua, về...qua thăm đọc liền một mạch 4 bài...có cái gì đó rất gần gủi với a2 trong từng câu chuyện,nó rất giống với hồi ký của anh dạo nào mà em cũng đã từng đọc, chỉ có điều chuyện anh kể là ký ức tuổi thơ chiến tranh đầy máu lửa tương tàn và thân phận người như con kiến con sâu, còn chuyện của em là là quãng đời cơ cực của một thời khó khăn thiếu thốn, của những giáo viên miền núi chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân ở những nơi khỉ ho cò gái vì tương lai của đàn em nhỏ để đát nước có được diện mạo như bây giờ. Những tập tục , cách sống của những dân tộc biên giới thật giống với tập hồi ký "miền đất lạ" của anh HAI, kể về dân tộc thiểu số cao nguyên của thập niên 60 , chắc em còn nhớ chứ...? Tuy nhiên a2 không dám so với ngòi bút chính chắn mạch lạc , dí dỏm, nhưng cũng chất chứa nhiều tâm trạng xót chua ,những tình huấn cười ra nước mắt để tạo nên những câu chuyện dung dị đời thường mà rất thực và cuốn hút khôn lường.
    ...Cũng bởi vậy mà từ những ngày đầu mới vào trang viết anh Hai được nhận nơi cô giáo những lời góp ý chân tình, để mỗi ngày qua nhìn lại văn vẻ của mình dù chưa xứng tầm với các bạn , song a2 cũng cảm thấy rất tự hào vì mình đã có nhiều nổ lực, tiếp thu học hỏi để vượt qua những hạn chế, trở ngạị chưa hết cấp 2 của cậu bé học trò ngày nào, Hai thật lòng biết ơn và cảm kích em gái cô giáo Nhật thành nhiều nhiều nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em vẫn nhớ hồi kí của a2. Rất xúc động. Đọc nhiều khi phải dừng giữa chừng, ngồi thẫn thờ...Văn a2 viết tốt, chỉ có sai chính tả nhiều thôi. Giờ thì cô giáo chấm điểm giỏi rồi vì có nhiều tiến bộ.
      Chuyến du lịch của a2 chắc thú vị lắm? Em sẽ chạy sang nhà để...đòi quà!

      Xóa
  8. Cô giáo trẻ này cũng đáo để nhỉ... trả đũa 1 người cả ĐỒN hứng chịu.... hiiiiiiiiii....
    CHÚC CÔ GIÁO NHẬT THÀNH 1 NIÊN HỌC MỚI SỨC KHỎE, NIỀM VUI & NHIỀU THÀNH CÔNG......

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ơ này, bài thơ của NT được hiệu trưởng duyệt rồi nhá.
      Nội dung đúng ý đảng lòng dân. Ca ngợi lực lượng hùng hậu của đồn này, ca ngợi vị trí lí tưởng của đồn này, rồi thì " Đồn là nhà, biên giới là quê hương" này. Rồi cả tình cảm của các cháu: tình yêu quê hương gắn liền với tình yêu các chiến sĩ bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Tại sao lại PHẢI HỨNG CHỊU nhỉ? Viết lơ mơ là bị kỉ luật như chơi đấy Mưa ạ.

      Xóa
  9. Ô hay! "Đồn" gọi là..."l"
    Cháu vào chắc chẳng mở mồm nổi đâu!
    Các chú lại cứ nhường nhau
    "Lông" thì cũng mặc! trước sau phải làm!


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó là lỗi của người đọc chứ có phải của người viết đâu?

      Xóa
    2. Người viết bài thơ không có lỗi
      Người duyệt bài thơ cũng không có lỗi
      Người đọc bài thơ càng không có lỗi
      Chỉ "ông trời" là có lỗi, vì đã tạo ra sự "cập kênh trong cách phát âm phụ âm đ"
      Nhưng đây là "đòn đá hiểm" của con ngựa non Hồ Nhật Thành. Không dễ gì mà "tay sĩ quan" phải thừa nhận là "hòa một đều".
      Nhưng nói thế thôi chưa lối ra đòn của "tay sĩ quan" còn hiểm hơn nhiều. Hắn đã đưa một cô giáo trẻ măng mới 20 tuổi nhâng nhâng đi gạ gẫm một ông già Thái " mưng xì cu, cu xì mưng" thì kể cũng tài.
      Chính sự "ăn miếng trả miếng đáo để" này đã tạo nên kịch tính và hứng khởi cho câu chuyện.

      Xóa
    3. Tại mình cả tin quá thôi anh ạ, chứ câu đó nhiều người bị mắc rồi, nhất là những cán bộ đi công tác ngoài huyện vào. Chiêu lừa cũ nhưng đối tượng mới nên vẫn trót lọt.

      Xóa
  10. Tiếc cho cô giáo tuổi 20 và anh sĩ quan chuyên nghiệp không bách niên giai lão với nhau để suốt ngày nói vần Đ thành vần L và cười rúc rích mãi...hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc có duyên thì giờ còn mang nợ nhau, chị nhỉ?

      Xóa