Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

GÃ HÀNG XÓM


  Đã mười hai giờ trưa. Mưa vẫn tầm tã. Thỉnh thoảng một cơn gió ào qua, cây cối bị xô dạt, rạp mình chịu tiếp những đợt xối xả từ trên vòm trời bàng bạc trút xuống.
  Nàng hết nhìn trời lại nhìn gã. Bực mình lắm mà chẳng dám nói gì. Gã lại vớ lấy chai rượu đã lưng quá nửa, rót đầy chén. Đôi mắt đỏ quạch nhìn nàng, giọng gã khê nồng, nghe rè rè như đài sắp hết pin:
 - Cô giáo có thấy đời tôi khốn nạn không? Hừ, nhưng ai khinh thì khinh, ai chửi thì chửi, tôi đếch quan tâm, miễn cô giáo hiểu cho lòng tôi là được.
   Lúc đầu, nàng còn hào hứng tiếp thức ăn cho gã, khi gã tợp một cái hết nhẵn chén rượu, nàng cầm chai rót tiếp rồi gắp  miếng thịt gà:
-         Anh ăn đi, vừa ăn vừa uống kẻo say mà mệt đấy.
Gã nhìn nàng, cái nhìn mơn trớn đến ớn lạnh:
  - Sống bằng này tuổi đầu, giờ tôi mới cảm thấy mình hạnh phúc được bàn tay mềm mại của phụ nữ chăm chút trong bữa ăn. Rượu cô giáo rót tôi uống vào thấy không cay mà ngọt, miếng thịt gà cô giáo gắp mềm và thơm lắm, cô giáo biết không?
Nàng cười, một nụ cười không cảm xúc.
Gã lại tợp một phát, nuốt ực, rồi khà một tiếng. Tay cầm chiếc đùi gà, há miệng cạp mạnh một miếng và nhai nhồm nhoàm, mỡ quết vàng cả đám râu ria  lởm chởm sợi đen sợi bạc. Nàng đưa cho gã tờ giấy lau, gã xua tay:
  - Khỏi cần! Cô giáo cứ để đó. Ăn xong lau một thể. Hừ, mấy kẻ rỗi hơi cứ bảo tôi là thằng keo kiệt, thằng ki bo. Con mẹ Lan còn chửi vào mặt  tôi: “ Bố mẹ anh đẻ ra anh đặt tên là Kỉ thật không sai, đồ Kỉ xẹt!”. Cô giáo biết kỉ xẹt là gì không? Là kẹt xỉ đó. Ôi trời, “giàu không hà tiện khó liền tay, khó không hà tiện đi ăn mày” dân lao động chúng tôi không kẹt xỉ để mà đi ăn mày à? Cái gì cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có, phải nhàn nhã như bọn công chức nhà nước đâu, xênh xang mũ áo, đến tháng nhận mấy triệu bạc ngon ơ.
-         Công chức nhà nước cũng phải làm việc chứ anh. Bọn em cũng nhiều áp lực lắm.
-         Áp lực ư? Dạy học như cô giáo mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Mất mùa hay được mùa, bão to hay động đất thì vẫn chẳng ảnh hưởng quái gì đến nồi cơm.
-         Thế sao con gái anh thi đậu đại học sư phạm anh lại không cho học, bắt ở nhà lấy chồng?
Gã ực tiếp một chén nữa,  lại nhai. Trợn mắt nuốt miếng thịt xong, gã nhìn nàng trừng trừng:
-          Đại học đại hiếc làm gì? Bốn năm, bỏ ra một đống tiền, rồi xin việc, rồi mua xe…cuối cùng lấy chồng, thế là hết. Bao nhiêu vốn liếng của mình bỏ ra cho thằng khác hưởng à?
-         Sao lại thằng khác?
-         Chứ lại không? Nhà chồng nó hưởng, chồng nó hưởng, tôi được cái đếch gì? May lắm thỉnh thoảng nó mua cho chai rượu nhạt. Xì, con gái là con người ta…
Nàng lắc đầu, không muốn tranh cãi thêm với gã:
-         Thôi, anh ăn đi rồi tranh thủ tạnh mưa về nghỉ một lát.
-         Cô giáo đuổi khéo tôi đấy à? Mưa gió thế này, tôi cũng cần người nói chuyện, cô cũng cần người nói chuyện, cho nó đỡ buồn, đúng không?
  Nàng lại nhìn ra ngoài trời, thở dài. Nước tràn lênh láng cả con đường đổ bê tông. Dòng nước đỏ quạch cuốn theo những rác rưởi, lá cây, túi ni lông…rồi đổ ồ ồ xuống chiếc cống. Nàng lại nhìn vào mâm, đĩa thịt gà đã vơi quá nửa, xương lổn nhổn vung vãi ra chiếu. Lạy trời, mong gã ăn nhanh để nàng dọn dẹp và nghỉ trưa một lát. Đã gần một giờ chiều.
Gã lại quơ tay, túm cổ chai rót nửa ra ngoài, nửa vào chén:
-         Đấy, con Hoa lấy chồng ba năm rồi, cấm có mua cho bố  cái quần đùi gọi là, lúc nào cũng ỉ ôi, buôn bán dạo này khó quá, ế ẩm quá. Mẹ nó chứ, tôi cần đếch gì nó nuôi.
Gã ngửa cổ, nghiêng chén rót vào miệng, rượu chảy cả ra mép. Lấy ống tay áo quẹt ngang, gã lại rè rè:
-         May còn có con Hồng đi giày da trong Nam, mỗi tháng bốn triệu rưỡi, tôi bắt gửi về hai triệu. Góp đó sau về mà cưới chồng chứ. Hừ, chẳng lẽ đổ lên đầu bố?
Nàng vẫn ngồi im. Gã gắp một đũa rau sống lẫn giá, bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm rồi tiếp:
-         Hồi mẹ nó ốm, bao nhiêu tiền thuốc men chạy chữa, ngốn của tôi cả năm trời đi phụ hồ chứ ít à. Thế mà lúc khỏe cứ hạnh họe: “Ông đi làm mà cả năm không đưa đồng nào cho tôi nuôi con.” Người ta làm khi lành để dành khi ốm chứ, bà ấy ốm năm tháng trời, chẳng làm được gì, không có tiền tôi thì lấy đâu?
   Nàng ngồi bó gối, nhìn gã như nhìn một sinh vật lạ. Vợ gã bệnh tim, ngất lên ngất xuống bao nhiêu lần, nhưng vẫn cố nuôi lợn nuôi gà, rồi đi thu gom phế liệu. Người cứ tong teo dần, quầng đen quanh mắt ngày một đậm, nhìn xa như đeo kính. Chị tằn tiện trong số tiền ít ỏi nuôi cả nhà, còn tiền gã làm phụ hồ, nghe đâu tháng năm triệu, gã cất kĩ. Thỉnh thoảng vợ nhắc thì gã trợn mắt: “ Đừng tò mò tọc mạch!” Vợ gã sợ gã một phép. Gã to lớn, vâm vấp như con trâu mộng, vợ gã mảnh mai như gié lúa. Không ít lần cánh tay hộ pháp của gã làm gié lúa kia bầm dập tơi tả vì những chuyện không đâu.
 Rồi gié lúa cứ lả dần cho đến khi không gượng dậy được nữa. Gã điên đầu. Gã hậm hực. Vợ người ta vừa làm ra tiền, vừa khỏe mạnh, vợ mình vừa kém cỏi lại yếu như sên! Đồ ăn hại! Gã lầm bầm suốt ngày. Tổ thợ xây bảo gã nghỉ làm mà chăm vợ, gã chửi:
-         Đứa nào cho tao tiền mà bảo tao nghỉ làm? Đứa ốm không làm được, đứa khỏe nghỉ nốt thì lấy c…mà ăn à?
Hai đứa con chăm mẹ. Thậm thà thậm thụt mua cho mẹ khi quả trứng, khi bát phở. Đợi bố đi làm rồi mới dám mua, nếu không muốn nghe bố chửi là đồ phá gia chi tử.
Làm lễ trăm ngày cho vợ xong, gã nhẩm tính: “Trừ tiền làm mâm cỗ và các thứ, số tiền phúng viếng vẫn lời năm triệu!” Tổ thợ xây cạch mặt gã. Thế là giờ gã thành thợ tiện, những công việc cần cơ bắp, ai gọi làm gì dù chỉ dăm ba chục bạc là gã đi ngay.


Gã cầm cả chai rượu tu ừng ực. Một trận mưa nữa lại xối xả trút xuống. Đã hai giờ kém mười lăm, con nàng xách cặp, mặc áo mưa đi học buổi chiều.
-         Này, cô giáo… đừng nhìn tôi… đắm…đắm đuối thế mà tôi…ngượng.
Gã khuơ khuơ tay, mắt lờ đờ, nghiêng người sắp ngã xuống chiếu.
-         Cô …cô giáo…còn …còn rượu không?
-         Thôi, anh say rồi, đừng uống nữa. Để em thanh toán tiền công rồi về nhé?
-         Tiền…tiền…tôi thiếu đếch gì! Tôi…tôi…có hai…hai trăm triệu…gửi ngân hàng đầu tư đó. Cô…cô giáo có muốn…muốn…làm chủ số…số tiền…đó không?
Mắt gã vằn đỏ, ánh lên những tia đáng sợ. Nàng hốt hoảng:
-         Thôi, anh về đi, mai em trả tiền cho.
-         Đã…bảo…không…không cần tiền!
Gã lồm cồm bò sang phía nàng ngồi. Nàng vừa đứng dậy thì gã đã nhanh tay chộp lấy bàn chân nàng:
-         Đừng…đừng đi…anh…anh cô…cô đơn lắm!
Nàng hét lên, hất mạnh chân. Gã gục xuống chiếu, nôn thốc nôn tháo.  Mưa rào rào ngoài kia cũng không át được tiếng ọ ghê rợn của gã.
   Nàng dẫm chân dẫm cẳng. Trời ơi là trời! Giá đừng nghe lão Tan 262 xui dại, bảo: cần gì thì “vẫy tay thằng cha hàng xóm”, có phải giờ này nàng vẫn yên ổn mà ngắm mưa rơi?



  




   

66 nhận xét:

  1. Em ngồi reply cho mọi người mà mãi không được. Cứ xuất bản là nó biến mất, Hì. Giờ em vớ Tem Vàng bên nhà chị đã. Xem có được không nào?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông nhà mạng cứ trêu ngươi thế đấy. Nhiều lúc mất công gõ một tràng dài rồi đăng lên không được. Cụt hứng luôn.
      Thôi, chị đền cho tem vàng nha.

      Xóa
  2. Hỳ! Cách tỏ tình của người lao động hay đấy nhỉ!
    Chân thật đến ghê người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải nói chính xác là cách tỏ tình của kẻ tôn thờ đồng tiền!
      Gã bảo nàng có muốn làm chủ số tiền chứ có phải là làm chủ trái tim gã đâu?
      Sẽ nói về MEN THƠ sau anh nhé.

      Xóa
    2. Có lẽ ta phải nói thế này: Cái anh thợ xây cạnh nhà cô giáo kia chưa bắt được cái thích của đối tượng. Cô giáo thích "Tim" thì lại khoe tiền - Cũng như mấy nhà trọc phú thích tiền thì lại khoe "Tim" cả hai trường hợp này đều ngớ ngẩn. Trong trường hợp môt thấy cúng cần thông cảm với họ, cả một đời lam lũ thì lấy tiền ra dụ là hợp lý. Còn trường hợp hai lấy trái tim ra dụ ngài trọc phú còn ngớ ngẩn hơn nhiều.
      Mình thấy thằng cha hàng xóm của cô giáo thật ngu ở gần nhau bấy nay mà không hiểu lại giám giở trò bài bây vậy. Có lẽ say quá mà nó nhìn nhầm đối tượng chăng.
      Hí! Hí! Anh lý sự tý ty nhé.

      Xóa
    3. Lại chỉnh: anh phụ hồ chứ không phải thợ xây. Nhưng mà bị đuổi rồi, giờ làm thợ tiện. Tiện việc gì làm việc đó.
      Gã mà giỏi chắc em ôm về nuôi lâu rồi. Chỉ cần ăn rồi ngồi mần thơ, bình văn là được. He he...

      Xóa
  3. Haha. Chị phải viết lời đề tặng là TẶNG LÃO 262. :)
    Ai bảo lão ấy xui dại thế chứ.
    Trộm nghĩ: không biết lão ấy đã được "cô hàng xóm" nào vẫy tay chưa nhể?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão vốn đa tài, biết nhiều việc nên được các cô hàng xóm vẫy tay thường xuyên ấy chứ.Vì thế lão mới có kinh nghiệm để xui dại người khác LV à.

      Xóa
  4. Nhắc lão Tan - lão có ngay đây ( Hình như Thia Thia quen chậu chăng ?)
    hehe...Thằng cha hàng xóm nó nhiệt tình thế đấy - Nó không cần...xiền như mọi đàn ông khác !
    Dầu chỉ là một bài viết , nhưng khắc họa sem sem anh Chí của Nam Cao. Chỉ 2 nhân vật thôi , gã hàng xóm thật rõ nét. Tính cách thô thiển trong ăn uống đã nói lên nhiều về tính cách nhân vật.
    Có điều , trong bài " Nhà không có bố " lão có lời khuyên là vẫy gã hàng xóm. Em không cần vẫy nguyên bàn tay - chỉ cần vẫy ...một ngón thôi cũng đủ rồi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phần trên là nói về cách viết. Bi giờ nói về nội dung.
      Phụ nữ thường chăm lo , quan trong đến ăn uống có khi thái quá hóa ra tác dụng ngược. Mất cả chì lẫn chài.
      Nhiều người vợ thương chồng , bấm bụng thịt luôn con gà mái đang kỳ đẽ , mua loại rượu thật ngon với hy vọng mang đến niềm vui và sức khỏe cho chồng . Sau niềm vui của chồng là thuộc về ta. Các bà nghĩ thế. Nhưng rượu thịt no căng , anh chồng nằm ...thẳng cẳng chẳng mó máy gì. Rõ là mất gà , mất tiền mua rượu , mua cái hì hục làm món ăn và mua cả sự....đợi chờ. Mất toi nhiều thứ mà chẳng được tích sự gì ! ?
      Chủ nhà trên đây cũng mắc lỗi như thế. Nếu như chỉ cơm thường thôi - đừng gà qué , rược chè gì thì đã có...lời. Lời 100% - hehe
      Đằng này nó bét nhè, rũ ra thế , xơ múi gì được!
      Con người ta không chỉ có rượu mới làm say lòng người , mà còn nhiều cái làng say nghiêng thành nghiêng nước đó thôi
      Một bài học thật giản đơn đúng không nào !

      Xóa
    2. Trước hết là nói ngay cái xui dại tiếp theo của lão: lão bảo dùng một ngón tay thì hóa ra là ngoắc tay chứ không phải vẫy. Mà ngoắc tay gọi gã sang thì...gã chạy huỳnh huỵch liền. Với sự nhạy cảm theo kiểu "cô giáo nhìn đắm đuối" thì chắc gã hiểu cái ngoắc tay có ngụ ý gì.
      Còn bài học "Một hiêu nhiều hơn một chai" ấy thì chị em thuộc lòng, nhưng đàn ông nhiều khi mất kiểm soát nên mới ra nông nỗi! Nàng cũng "bực mình lắm mà chẳng dám nói gì" ngay từ khi mới mười hai giờ trưa đấy. Nghĩ cũng uổng con gà! He...
      Nhưng thôi, rút kinh nghiệm, thử nghe lão xui dại lần nữa xem. Chắc có múi to hẳn hoi chứ không chỉ xơ!

      Xóa
    3. Hóa ra mọi người cũng biết câu chuyện 1 lít ít hơn 1 xị hả..... há há......

      Xóa
  5. Chị còn đãi rượu thịt, nên hắn tưởng... bở!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị tưởng bở nên mới đãi rượu thịt đó em. He he...

      Xóa

    2. Gửi Uyển Di:
      "Bị từ chối cấp phép"
      Khi sang nhà Hải Âu
      Thăm "Nhà không có bố"
      Biết tìm đường nơi đâu? Hiii

      Xóa
  6. Nàng dẫm chân dẫm cẳng. Trời ơi là trời! Giá đừng nghe lão Tan 262 xui dại, bảo: cần gì thì “vẫy tay thằng cha hàng xóm”,
    Hôm nào MRC mời lão Tân 262 đi uống bia nhé nhờ lão xúi dại NT thêm 1 lần nữa nghen!.... hí hí......

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mưa có kinh nghiệm gì thì xui...khôn một lần đi.

      Xóa
  7. Trận mưa đẹp
    Cuộc rượu hay
    Chỉ tiếc là cô hàng xóm chưa lung lay...!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trận mưa đẹp
      Cuộc rượu hay
      Gã lăn quay
      Nàng tiu nghỉu!

      Xóa
  8. Tiền…tiền…tôi thiếu đếch gì! Tôi…tôi…có hai…hai trăm triệu…gửi ngân hàng đầu tư đó. Cô…cô giáo có muốn…muốn…làm chủ số…số tiền…đó không?
    * Trận mưa thật ấn tượng
    ** Gã hàng xóm có nét rất đặc trưng của Lão nông miền sơn cước
    *** Cô giáo đã gặp một người "tri âm"...cùng chia sẻ hay quá....
    Hihi
    Đọc một mạch liền câu chuyện của em- câu chuyện cũng rất hay, giúp ta cười ra nước mắt.Trên đời này loại người nào cũng có
    Chúc em ngày càng viết chắc tay, những câu chuyện mang lại niềm thích thú ,nhiều suy ngẫm cho người đọc
    Thân mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...buôn chuyện cho vui chị nhỉ?
      Mấy người hàng xóm trong làng blog spot này cũng ấn tượng lắm, phải không chị?
      Luôn vui nhiều chị nhé.

      Xóa
  9. "Nhà không có bố " thật phiền
    Mừng thầm - Có gã láng giềng thế chân...
    Hiii...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng ai thế được chân đâu
      Trái tim vẫn để dãi dầu buồn vui!
      Anh vẫn khỏe chứ? Luôn cố gắng nghe anh.

      Xóa
  10. Em đừng nghe lão Tan xui
    Vẫy tay hàng xóm cho đời khổ thêm
    Mẹ con đang ấm đang êm
    Thiếu chi em hãy đi tìm lão Tan
    Hoặc là ới Đỗ Đình Tuân
    Rượu thì uống ít mà mần lại hăng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hâydzà...
      Hoan hô chị Vũ Song Thu
      Đêm về thức với con...trai cùng chồng !
      Lời chị làm lão ngóng trông
      Cô nàng hàng xóm vẫy....tay mời gà .

      Xóa
    2. Hàng xóm ở cạnh nách nhà
      Vẫy tay một cái chạy ra tức thì.
      Có hũ rượu, có đàn gà
      Cho dù đêm bảy ngày ba cũng chiều!
      Lão Tan gầy ốm liêu xiêu
      Vượt nghìn cây số còn "yêu" nỗi gì?
      Còn chàng họ Đỗ nhà ta
      Chí Linh - Quỳ Hợp chắc là khó thay!
      Ước gì có chuyến máy bay...

      Xóa
    3. Mấy hôm nay giông bão to
      Các bác bàn luận xôm trò quá ta
      Người thì đêm bẩy, ngày ba
      Người thì rượu ít, nhưng mà mần hăng
      Khi thì nói gió, nói trăng
      Lúc thì lại nói gầy nhằng - Với xa
      ..............

      Eo eo ôi! Khiếp khiếp là
      Giãn gân, chùng cốt thật thà chào thua.
      .
      Hải Thăng xin góp vui đùa
      Tý ...ty...!
      Tý ...ty...!
      Tý ...ty...!

      Xóa
    4. Thế là béo "gã cự ly"
      Tuân, TAN, Thăng chẳng nước gì nữa đâu

      Xóa
    5. Tuân, Tan, Thăng vẫn còn mầu
      Sao chàng đã vội âu sầu chàng ơi
      Chí Linh Quỳ Hợp xa xôi
      Iu thì dám quyết tình tôi vẫn gần...

      Xóa
    6. Hàng xóm ở cạnh nách nhà
      Vẫy tay một cái chạy ra tức thì.
      Có hũ rượu, có đàn gà
      Cho dù đêm bảy ngày ba cũng chiều!
      Lão Tan gầy ốm liêu xiêu
      Vượt nghìn cây số còn "yêu" nỗi gì?
      Còn chàng họ Đỗ nhà ta
      Chí Linh - Quỳ Hợp chắc là khó thay!
      Ước gì có chuyến máy bay...

      Chở chàng ngoài đó vào đây kịp thời
      Để em khỏi phải vẫy người...

      Xóa
    7. Gửi anh Hải Thăng:
      Mấy lần qua nhà Hải Thăng
      "Bị từ chối cấp phép". Răng rứa chàng?
      Hay cô hàng xóm nào sang
      Chàng sợ lộ bởi dân làng dõi theo
      Nên lo đóng cửa một lèo
      Thay "nhà có bố" dành "yêu" cho nàng? Hiii...

      Xóa

    8. Lão Tan thì ốm còm nhom
      Anh Đỗ lưng sụn vẫn còn ... sức trai
      Anh Hải Thăng: tượng gỗ ngồi
      Em dư sức tiếp ba người một khi!
      He he...

      Xóa
    9. Trước tiên gửi anh Quang Thứ!
      Khe lúc rảnh rang thăm mọi người
      Thực tình rất bận Quang Thứ ơi!
      Cuộc đời ước tính gần như hết
      Không chóng, không nhanh lỡ mất thôi.
      Thành thật với anh tôi còn vài việc lớn nữa phải làm, nên tạm nen sở thích blog lại vài tháng anh ạ!
      Rất mong anh thông cảm, khi nào xong việc tôi lại về vui với các anh.
      Rất cám ơn anh quan tâm.
      Thân ái: Hải Thăng

      Xóa
    10. Sau tiên gửi Nhật Thành!
      Nói khoác!

      Xóa
    11. Cuối cùng nói với các bạn!
      Nên chăng!

      Xóa
  11. Lão hàng xóm này tự tin thấy ớn! Hắn nghĩ sao mà đi tỏ tình vậy chị. Câu chuyện hấp dẫn em tới cuối cùng khi vừa thấy màn tỏ tình ấn tượng... thì tới khổ kết chưng hửng...hóa ra chị bị xúi dại...mà đàn bà mà chị nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hăn nghĩ mình có hai trăm triệu đó em.
      Nhưng lỗi là ở chị, tin tưởng vào thầy dùi lão Tan ấy mà.

      Xóa
  12. Hai ghé thăm cô giáo, đọc tự truyện hay, đọc com của mọi người bình lựn sôi nỗi thấy vui vui, cười một mình, có được gã hàng xóm thích tình lại hám tiền cũng có cái lợi , bỏ qua chầu rượu quá chén kia , cô giáo cần sửa chửa cái gì chỉ cần cô ngoắc tay là ok liền, vẫn hơn là khi cần mà chẳng tìm được ai để giúp cô giáo ơi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn a2 nha, đàn ông hầu hết đều "nhiệt từn" mà anh. Nhất là đối với phụ nữ.

      Xóa
    2. cũng là đàn ông..mà..a2 hông dám nhiệt tình zí cô hàng xóm đâu, vì....gần nhà quá !hehehehe.

      Xóa
    3. Khi nào chị 2 đi làm, anh 2 lén nhiệt tình một lần đi.

      Xóa
  13. Kết luận :Cô giáo không cô đơn như lão nghĩ -

    Trả lờiXóa
  14. Đọc chuyện của chị, em buồn cười quá! Nhưng đọc lời com của mọi người, lại càng cười hơn. Em đang ốm mà cũng thấy khỏe lại rồi chị nè!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ốm rồi sao em? Vậy hãy nghe lão Tan một lần đi: lấy ngón tay ngoắc gã hàng xóm, bảo gã kiếm lá nấu cho một nồi nước xông. Nếu đau đầu, đừng uống thuốc tây hại dạ dày, ngoắc gã hái cho một nắm ngải cứu, hơ nóng lên rồi chườm ( nhắc gã chườm trên trán, kẻo gã chườm chỗ khác đấy. He he...)

      Xóa
  15. bó tay lão Tan làm ơn mắc oán. sang chúc bạn chiều cuối tuần vui vẻ nhé

    Trả lờiXóa
  16. Làm việc khuya. Đầu óc mệt mỏi, mấy ngày gần đây lại còn thêm chứng đau buốt. Mỗi lần lắc đầu như thấy hai hòn óc(Bán cầu não trái, phải) như tách rời ra, vón lại thành thử nó cứ long lên sòng sọc lại càng nhức hơn. Không lắc nữa, giữ yên thấy dẽ chịu đôi chút. Để yên mãi tuy không đau nhưng chán, thế là nhỏm dậy sang bên HƯƠNG NGÀN đọc lại truyện GÃ HÀNG XÓM. Dở hơi thế nào mình lại ghen vô cớ với thằng cha đó. Chả hiểu môm mép nó quánh quéo thế nào mà với tay nghề PHỤ HỒ, làm cái gì mà được đãi cơm hoàn công. Mình làm thợ mấy chục năm, công luôn cao nhất trong hiệp, được cử đi làm lẻ nhiều mà cấm vớ được người chủ hào phóng như cô giáo chủ nhà bao giờ. Càng nghĩ càng tức, càng tức càng tủi thân. Tức đến mức tủi thân rồi đâm chán chả muốn nghĩ nữa. Đúng lúc đó trong đầu mình tóe một điều có lý. Mình vần đi, vần lại cái lý ấy mới ngộ ra:
    Bố tiên sư cha thằng phụ hồ, cái thằng ngu dốt quá trời. Nó không bao giờ đọc sách, đọc báo, đọc ca dao hò vè. Không bao giờ giao lưu với ai nên không nghe được câu: "Nửa chai không bằng một hiêu"(Giải thích tý: Nửa chai là nửa lít, một hiêu bằng một phần ba lít). Thành thử làm cho cô chủ mất oan chai rượu với con gà. Đúng là cái thằng vai u, thịt nắp, mồ hôi dầu; cái thằng hữu dũng nhưng vô mưu.
    Trường hợp này vớ phải tay tớ thì... thì.... TỚ CŨNG CÚT SỚM.
    Đố NT biết tại sao lại cút sớm? Nói đúng cho là tài và có thưởng!
    Đang tập viết truyện ngắn đấy; em coi đây là bài tập EM chấm điểm cho anh nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. He he...truyện ngắn này có tên là GHEN.
      Mở đầu là hình ảnh nhân vật chính "Lắc lư cái đầu này...Kìa sao nó không lắc..???." Kết thúc truyện là chi tiết:
      "Mày vẫn không chịu về hả? Thế thì tao...tao...về!"
      Đơn giản thôi: Tao thua mày rồi, gã phụ hồ đáng ghét ạ.
      Cô ráo cho 1 điểm khuyến khích! (vì tội không kiên nhẫn)

      Xóa
    2. Chào Nhật Thành!
      Theo anh truyện này chỉ ở mức TỴ thôi chưa đến GHEN. Cô ráo cho điểm thế này em tốt nghiệp sao được - Xin được điểm 5 trừ(Dấu trừ dài từ QH đến Chí Linh Hải Dương cũng được).
      Tạm biệt dài dài.
      Thân ái chào em
      Hải Thăng

      Xóa
    3. Nếu có cái "dấu trừ dài thế" thì nó sẽ biến thành một "sợi tơ hồng" quấn chặt "Lão Tuân" lại rồi. Bây giờ thì "Lão Tuân" cứ việc nằm trong cái "tổ kén" ấy mà ú ớ...

      Xóa
  17. Hải Thăng đã tập viết truyện ngắn rồi kia đấy. Chọn cô giáo Hồ Nhật Thành làm sư phụ là đúng chỗ rồi. Không biết "cô ráo" đã nhận làm đệ tử chưa ? Mình (Đỗ Đình Tuân) thì chưa dám viết truyện ngắn, chỉ thỉnh thoảng mới viết một "Truyện ngủn" thôi. Vì thế mà sau khi được xem "GÓC KHUẤT của cô ráo", mình cũng đâm mê. Cũng định vác gạo vào Thung Mây theo "cô ráo" làm đệ tử. Nhưng vừa ngỏ ý định ấy thì cô ráo đã đe: "Anh mà vào đây thì em sx cho anh làm "chấm chấm tử". Mình chả hiểu "chấm chấm tử" là cái gì nên rất hoảng (sợ chết mà). Vừa rồi đọc GÃ HÀNG XÓM của cô giáo, mình không dám ghen, mà chỉ thèm cái địa vị của "gã ấy" thôi. Gã ấy có thể không đọc sách, nhưng gã ấy lại biết "đọc cuộc đời". Mà cuộc đời mới là cuốn sách luôn tươi mới và thâm sâu nhất. Bọn mình thua "gã ấy" là cái chắc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe bảo anh HT đã viết được đâu 50 trang rồi, anh Tuân ạ.
      Giờ em đang chờ truyện ngủn của anh đây.
      Đính chính: Em bảo anh vào Quỳ Hợp, em sẽ cho anh làm ra ...tử. Đừng quanh co nha, chữ tử của " Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc/Phận liễu sao đà đẩy nét ngang" đấy. Anh hoảng là đúng thôi, lép cả rồi còn đâu? Chị Thu nhỉ? He he...

      Xóa
    2. Anh cứ nghĩ chữ "tử" em dùng có nghĩa là "ngóm" cơ thì anh mới hoảng. Chứ còn chữ "tử" là con thì việc gì anh phải sợ ? Anh còn mừng là đằng khác ấy (một con một của mà). Nhưng em bây giờ làm gì còn cái "noãn chuẩn" nào nữa mà sinh nở. Bây giờ em chỉ còn khả năng đẻ ra những đứa con tinh thần thôi: những tác phẩm văn chương ấy. Em đã sinh đứa con đầu lòng rồi. Anh chúc em "yêu khỏe, đẻ mắn và đứa con nào cũng xinh xắn đáng yêu".
      Em bảo em đang chờ "Truyện ngủn" của anh ư ? Anh mới viết truyện ký nhiều thôi, còn truyện ngắn đúng theo nghĩa truyền thống thì còn ít lắm. Để ít bữa nữa anh gửi em sau qua đường email. Xin trân trọng cám ơn "cô ráo" trước.

      Xóa
    3. Chào anh Tuân!
      Chả nói dấu gì anh, tôi và NT là hàng xóm từ lâu(Yahooblog việt, yahooblog Hồng Kông, nay là blogspot...). NT viết truyện này về tôi đấy. Viết kín thế thì ai mà biết được.
      Tôi đã có ý tưởng viết truyện ngắn từ lâu rồi, nhưng lực bất tòng tâm. Nay gặp NT học tập được đôi điều nên hâm lại quyết tâm xưa.
      Được cô giáo NT truyền thụ theo lối cầm tay chỉ việc nên cũng dễ tiếp thu. Tôi lại càng quyết tâm hơn. Đó cũng là lý do tôi đóng cửa blog để chuyên tâm vào học tập. Việc thành bại còn phụ thuộc nhiều yếu tố với tôi thích thì cứ làm không thành công cũng thành nhân ------------------ Lo gì?
      Xin chào anh.
      Hải Thăng

      Xóa
    4. Được cô giáo "cầm tay" đã sướng rồi.
      Lại còn được cô giáo "chỉ việc" cho nữa thì càng sướng đẫy. Đây là "cơ hội vàng" đấy ông Hải Thăng ạ. Cứ đề nghị cô giáo cho nhiều lần "cầm tay", nhiều lần "chỉ việc" thì nhất điịnh "không thành công cũng thành duyên". Tôi xin làm một cổ động viên nhiệt tình hô hoán:
      -Hải Thăng cố lên...!
      -Hải Thăng Quyết tâm, quyết tâm nữa, quyết tâm mãi...!
      Xin chào bạn
      Chúc bạn vừa thành công, vừa thành duyên.
      Đỗ Đình Tuân

      Xóa
  18. Các anh thua là đáng kiếp! Vì cái gã hàng xóm kia dẫu say mềm hắn vẫn dám dâng hiến thứ qúy giá nhất của đời lão cho cô giáo( cuốn sổ tiết kiêm những 200 triệu đồng) . Còn các anh, các anh có chịu mất cái gì không?
    Mọi người có thể cười lão nhưng nếu ngẫm kĩ một chút thì thấy lão hết lòng tôn thờ cô giáo đấy chứ. Hai trăm triệu là mồ hôi công sức cả đời làm phu hồ của lão, vợ lão ốm lão cũng chẳng cho, con lão cần lão cũng không véo ra dù một chút nhưng lão dám dâng cả cho cô giáo nè. Cách tỏ tình của lão tưởng như thô thiển và sặc mùi tiền nhưng đấy lại là cách tỏ tình chân thật nhất của một tình yêu dâng hiến đấy. Các anh chỉ sáo mép thôi đã dám dâng hiến cái chi mô?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lần này thì chị Thu đúng 100% luôn. Chị nhận xét thật xác đáng, không sai vào đâu được.
      Anh Tuân, anh HT đã quá đầy đủ, quá dư thừa những cái mà gã kia còn mơ cả đời không được. Chị biết gã nói đáng thương thế nào không? Rằng:
      - Tôi chỉ ước ao một lần được thử xem cảm giác đụng vào da thịt cô giáo nó sướng như thế nào, suốt đời tôi chỉ biết mùi da thịt của đàn bà thoang thoảng mùi phân gà, phân lợn và mùi mọi loại phế liệu thôi.
      Em bảo: "Nhưng tôi thì không chịu được mùi...hỗn hợp của anh đâu!"

      Xóa
    2. Gã thành thật hay không thì phải nghe trái tim linh cảm của Nhật Thành mách bảo. Còn những lời "gạ gẫm" của gã nói trong lúc say, có thể là thật lòng nhưng không thể lấy làm "đồ tín chấp" được. Còn bọn anh ở xa, bọn anh chỉ có những "lời sáo mép". Chỉ thế thôi, nhưng cũng đã zui rồi.

      Xóa
  19. Chị đang hình dung...một nụ cười không cảm xúc...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là ...nhe răng ra giống như cười vậy đó chị Tâm.

      Xóa
  20. Lâu ngày không đến nhà chơi ...hi hi hi
    Hôm nay lại đến thấy vui lạ kỳ
    Có anh hàng xóm vân vi
    Làm cho làng mạng bàn ra tán vào hê hê hê

    Chúc NT chủ nhật an vui em nhé

    Trả lờiXóa
  21. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  22. nhân vật thật đến thương chị ạ. Cái gã nì ...em chả mê nỗi rồi. Nhưng gã thật như sờ được, như ngay trước mặt.
    Em mà muốn viết cho ra truyện , chắc phải snag nhà chị đọc hoài, mon men nhà lão Tan học hỏi mới khá lên được. Hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sang thường xuyên đi em. Lão hiếu khách lắm đấy.
      Chị đang cố gắng khắc họa nhân vật theo kiểu em nói: Thật như sờ được ấy.

      Xóa
  23. Em sang thăm chị, rất muốn được làm quen ạ.

    Em chúc chị luôn an lành và vui vẻ.

    Trả lờiXóa