Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

NGƯỜI MIỀN NÚI (phần cuối)

Lần đầu tiên dự thao giảng, tôi hồi hộp vô cùng. Ở trường vùng sâu, lớp tôi dạy thường chưa đến mười em. Và hầu như tôi thoải mái thích nói gì thì nói, giảng gì thì giảng, chẳng bài bản gì hết. Bây giờ, dưới lớp là mấy chục cặp mắt tròn xoe lạ lẫm nhìn lên «cô giáo búp bê », và cô cũng đang tròn mắt ngỡ ngàng nhìn xuống lớp. Ba vị giám khảo nhìn tôi. Tôi đọc được trong đó sự khích lệ : «Bình tĩnh đi em, chẳng có gì phải run cả »
     Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu !
    Chỉ mấy phút đầu thôi, rồi tôi bị cuốn vào bài dạy. Tôi đang cùng các em đồng cảm với thân phận và cuộc đời người phụ nữ xưa với bao nổi nênh, bao va đập, bao tủi hờn, bao đắng đót, xót xa...Có những lúc, tôi như nghẹn đi trong lời giảng. Cả lớp im phăng phắc. Mấy vị giám khảo lặng lẽ nhìn tôi. Nhưng các em và giám khảo đâu biết rằng, tôi đang nói về thân phận người phụ nữ xưa trong ca dao nhưng lòng tôi đang nghĩ về những cô giáo - bạn bè tôi, đồng nghiệp tôi – nơi rừng sâu núi thẳm.  Tôi nghĩ đến nỗi xót xa của chị em khi cầm gương soi lên mặt mình sau mỗi lần sốt rét. Tôi nghĩ đến những ánh mắt thẫn thờ nhìn theo từng búi tóc rụng dập dềnh trên dòng suối mỗi lần chị em  gội đầu. Tôi nghĩ đến những tiếng khóc tấm tức trong đêm khi ai đó đọc thư người yêu nói câu từ giã...Tôi nghĩ đến những tiếng thở dài cố nén khi từng ngày thấy tuổi xuân lặng lẽ trôi trong vô vị và nhàm chán. Vâng, nếu chỉ nghe lời ca thôi : Ơi, cô giáo của bản làng, từ miền xuôi cô lên đây dạy chữ, là mùa xuân dập dìu trong tiếng suối, dưới mái trường cô vươn tới tương lai...  thì đẹp lắm, thi vị lắm. Nhưng có nếm trải những ngày dài lê thê không sách báo, không phim ảnh, không hẹn hò, không cả vị ngọt của một nụ hôn... mới thấy tâm hồn mình bị bào mòn đi, tê tái đi,  trở nên lạnh giá biết chừng nào! Vươn tới tương lai ư? Nghe sao mà mỉa mai, mà chua chát thế hỡi người nhạc sĩ !
   Với ba bài ca dao trong cụm chủ đề ca dao than thân, tôi đã chiếm được cảm tình của những vị giám khảo. Thầy tổ trưởng chấm thi nhận xét : «Em vẫn còn ôm đồm kiến thức, nhưng bài giảng rất có hồn.» Và thầy nói thêm: Cảm xúc  là tài nguyên quí cần gìn giữ để khai thác suốt đời của người dạy văn em ạ. Tôi nhỏ nhẹ : Dạ, và vốn sống cũng là điều cần thiết cho mỗi người dạy văn, phải không thầy?
   Cô hiệu trưởng trường cấp 1,2 Tiền Phong đến bắt tay chúc mừng và ngỏ ý muốn tôi sẽ ra dạy tại trường cô. Tôi cười bẽn lẽn : «Cái đó còn tùy thuộc tổ chức phòng giáo dục mà cô»

  Tôi vào trường, mang theo cả ánh mắt lưu luyến của một thầy giáo dạy cấp 3 nội trú. Số là trong những ngày trọ tại gia đình người quen để soạn bài và thao giảng, tôi gặp thầy giáo ấy - đồng nghiệp cùng trường với chủ nhà - đến chơi. Một chút quan tâm bằng lời hỏi han. Một chút giúp đỡ bằng việc chở đến điểm thao giảng. Một chút loạn nhịp qua cái nhìn âu yếm. Và cũng chỉ thế thôi. Khi trùng điệp núi rừng khuất lấp trung tâm huyện, dường như những «chút» ấy tan đi, bay theo gió trời! Vết thương lòng vừa mới mấy ngày trước đó đã làm tôi mất đi niềm tin vào cái gọi là tình yêu – thứ xa xỉ đối với những cô giáo vùng cao - nên tôi không lưu hình ảnh người ấy vào...lá phổi! Nghĩa là trong hơi thở của tôi không có nhịp thở của người ta.
  Vào trường mấy ngày, tôi nhận được thư. Thư chuyển tay do một cán bộ đi công tác đưa đến. Một bức thư khá dài, nét chữ vụng về nếu không muốn nói là xấu. Thư bày tỏ niềm thương nỗi nhớ, bày tỏ lòng yêu mến thiết tha. Cũng hay hay. Nhưng viết thư tình mà chữ xấu thế thì sự rung động phần nào giảm đi. Tôi chưa có ý định viết thư trả lời thì vài ngày sau lại một bức thư khác đến. Chẳng có gì mới hơn những điều đã nói trong bức thư kia. Tôi lại cho qua. Rồi liên tiếp, cứ có người vào là tôi có thư. Chị Lan giục: «Trả lời đi, im lặng như thế tội người ta.»
   Tôi có nên trả lời không nhỉ ? Nếu như so với bức thư của chàng kĩ sư lâm nghiệp thì thư thầy giáo thua xa ! Thua về chữ viết, chắc chắn rồi. Ngôn từ và hành văn cũng kém hơn nhiều lắm. Tôi đã từng nhiều lần giở bức thư ấy ra ngắm nghía  những dòng chữ đều đặn, rắn rỏi, từng thuộc lòng cả dấu câu những dòng thư ngập tràn tình cảm của chàng kĩ sư lâm nghiệp : «Em ơi ! Giờ đã mười hai giờ đêm rồi đấy, mấy phút nữa thôi, anh lại thêm một ngày nữa phải xa em. Anh tự hỏi, giờ này đây, nơi xa xôi ấy, em có mơ về anh ? Còn anh, nhìn bốn bức tường đâu cũng thấy hình em. Anh ước gì mình có đôi cánh để bay đến bên em... Thôi em nhé, anh sẽ dừng bút, dỗ mình vào giấc ngủ để bay đến em trong một giấc mơ hồng... »
   Nếu không đột ngột về nhà vào dịp thao giảng, có lẽ hàng đêm tôi vẫn còn ấp bức thư chàng vào ngực để thổn thức...

  Những ngày sau đợt thao giảng trở lại trường, tôi đã suy nghĩ và cân nhắc nhiều điều. Rồi cuối cùng, tôi quyết định ngồi vào bàn viết thư. Tôi đợi lúc mọi người đã ngủ say để tập trung cảm hứng. Bức thư dài kín 4 trang giấy học trò. Tôi cố gắng nắn nót thật đẹp từng nét chữ. Bốn trang chữ mềm mại, đều đặn. Tôi gấp cẩn thận và bỏ vào phong bì tự làm. Lại nắn nót đề địa chỉ, dán kín, nhờ anh bộ đội đưa thư ra bỏ thùng bưu điện hẳn hoi. Thư đi rồi, tôi hồi hộp chờ...Có lúc  giật mình suy nghĩ vu vơ... Có lúc lo lắng bất chợt như mình vừa làm điều phi pháp. Mọi người nhìn, trêu : «Yêu có khác!»
   Khoảng đâu mười ngày sau, năm người trong đoàn thanh tra của phòng giáo dục vào trường tôi. Một sự kiện chưa có xưa nay. Bức thư của tôi đã kéo được cả thầy trưởng phòng, thầy cán bộ tổ chức và 3 người nữa xắn quần lội bộ vào đây. Họ vào để xác minh những điều tôi trình bày trong thư gửi chuyên mục NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY là có hay không.(Hồi đó đang có phong trào thực hiện NÓI và LÀM của Nguyễn Văn Linh). Cuối thư, tôi viết : «Thử hỏi trên đây là những việc cần làm ngay hay những việc cần làm ngơ?»
   Qua mấy ngày thanh tra, đoàn kết luận : «Những điều nêu trong thư là có, phòng sẽ nghiên cứu xử lí  với từng trường hợp cụ thể.»
  Lúc này, mọi người mới vỡ lẽ rằng, lương mỗi giáo viên trường tôi trong suốt nhiều năm qua bị thầy chủ tich công đoàn bớt đi 16 đồng tiền dầu, nước mỗi tháng. Toàn bộ tem phiếu của giáo viên nữ, do không ra huyện được, đã bị thầy chủ tịch «mua hộ» rồi bán bỏ túi riêng. Những giáo viên dạy ở trường lẻ (tức là cắm ở các bản xa trường chính), lương  thường bị chậm hai  tháng là thường. Tiền lương còn bận quay vòng thuốc lào- xương khỉ - mộc nhĩ – trầm hương. Còn lương của giáo viên ở trường chính, gần hai chục người, thầy chủ tịch công đoàn nhận vào rồi chi tiêu tiền ăn. Trước tết và trước hè quyết toán, chúng tôi chẳng còn đồng nào sau khi trừ các khoản trong kí túc, thậm chí ba tháng hè cũng phải dồn vào trả nợ vì...âm tiền ăn! Những giáo viên vùng sâu, một năm hai lần ra huyện  vội vã mua vé xe về nhà, chẳng ai có thời gian quan tâm chuyện lương thưởng làm gì.
    Nếu không có dịp ra thao giảng, tôi sẽ không bao giờ biết những chuyện này, và mọi người vẫn vô tư khen thầy chủ tịch công đoàn sao mà tháo vát, năng động, giỏi làm ăn thế!
   Còn vấn đề thứ hai, liên quan đến đời sống tinh thần của các giáo viên vùng sâu, phòng hứa sẽ đều đặn gửi một số sách báo  vào cho trường. Tương lai sẽ xây dựng một tủ sách phục vụ cho giáo viên và học sinh vùng sâu xa. Những lời kêu cứu của tôi trong thư gần như được phòng quan tâm đáp ứng đầy đủ, mặc dù hôm đầu gặp một chuyện không may.
    Chả là thấy đoàn vào, thầy chủ tịch công đoàn vội vàng đi kiếm một con lợn để thịt tiếp khách. Riêng về khoản này thì thầy quá giỏi. Chẳng biết cái món tiết canh lòng lợn nó hấp dẫn thế nào mà ăn xong một lúc thì thầy trưởng phòng nhớn nhác tìm nơi để...  «giải quyết đầu ra». Một thầy giáo đưa cho trưởng phòng một tờ giấy và bảo hãy lên trên đồi bơm bớp kia. Khi thầy còn dang dở thì đàn lợn năm sáu con, con nào cũng sợ mất phần, nên chúng vừa kêu ộc ộc vừa phóng rình rịch tới. Thầy hoảng quá, xách quần chạy. Thế là thầy mang về kí túc cái mùi không mấy dễ chịu do vương vãi cả quần cùng với sự bực bội, nóng nảy: «Cả kí túc hai chục người mà không làm nổi một nhà vệ sinh? Đây không phải là việc cần làm ngay sao?»  Hiệu trưởng tái mặt, lắp bắp xin sẽ khắc phục ngay ngày mai. Tôi chợt nghĩ đến việc hai chục con người đi vào một chỗ mà rùng mình nhớ nhà vệ sinh công cộng ở trường sư phạm. Mỗi lần bước vào là phải nín thở, giòi lúc nhúc bò đầy nền xi măng. Sau cả tiếng đồng hồ, mùi kinh khủng ấy vẫn chưa chịu rời khỏi quần áo. Vậy thì ở đây, ngồi trên đồi trong làn gió mênh mang chẳng sướng hơn sao? Nhưng muốn đàn lợn không quấy nhiễu thì phải cầm thêm cái gậy!

    Trước khi rời trường, thầy cán bộ tổ chức nói riêng với tôi: «Sắp tới, em chuyển ra dạy trường Hiệp Cát nhé. Sang năm, thầy sẽ cho em ra hẳn trường Tiền Phong». (Trường Hiệp Cát gần huyện hơn trường tôi nửa ngày đi bộ. Còn trường Tiền Phong nằm sát đường 48, nếu về nhà, tôi chỉ việc ra cổng trường vẫy xe khách là xong.) Rồi thầy cười : «Hắn- chỉ thầy giáo cấp 3 nội trú -  là bạn thân của thầy đấy. Tốt tính lắm. Em không yêu là dại.»
   Tôi cũng cười và bảo:«Có duyên mới đến được với nhau thầy ơi!»

   Hôm trước, với trò chơi AI LÀ TRIỆU PHÚ mà tôi đưa vào chương trình câu lạc bộ nhân dịp kỷ niệm 84 năm thành lập Hội LHPN VN, cô giáo trẻ 22 tuổi loay hoay điền từ còn thiếu vào những  tục ngữ, thành ngữ quen thuộc, mất 3 sự trợ giúp mà vẫn không vượt qua 5 câu hỏi đơn giản ban đầu. Mọi người bảo : Nó còn trẻ, thiếu vốn sống.
   Ngày xưa 22 tuổi, tôi tự thấy mình đã trưởng thành nhiều lắm. Thế mới biết, những gian khổ, khó khăn trên đường đời, những va đập đến bầm dập, đến méo mó cuộc sống đâu chỉ là điều không may mắn ?
                             Quỳ Hợp, 29/10/2014 

45 nhận xét:

  1. Em Tem cho phần kết vừa cuốn hút, vừa rất nhiều vấn đề: từ thời sự đến văn hóa đời sống và điểm nhấn Tình yêu nữa nhé.
    Chỉ đọc thôi mà đã thấy sợ. Bái phục chị đã vượt qua cuộc sống như thế bằng niềm say mê với nghề nghiệp của mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tem vàng cho em Lộc Vừng!
      Hoàn cảnh buộc con người ta phải thích nghi mà vượt lên thôi em. Thời đó đâu phải chỉ mình chị. Chị may mắn hơn mọi người là không bị sốt rét. May hơn nữa là thay cho rên rỉ, chán đời, chị dùng tiếng cười để cho mình có thêm bản lĩnh.

      Xóa
  2. Lão thấy một " búp bê " mạnh mẽ trong suốt bài viết . Những trang viết thật xúc động. Lão sẽ ghi cảm nhận sau .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi đó em ghét nhất khi bị gọi là búp bê. Cảm thấy người ta chưa coi mình là người lớn! Sau này ra trường ngoài, bon học trò cá biệt cứ thấy cô là réo "búp bê! búp bê". Tức muốn nổ mắt nhưng chúng gọi trống không thế đành chịu.

      Xóa
  3. Chưa kết được chị ơi! vì chị chưa trả lời thư của Người chữ xấu mà...Chuyện cuộc đời giáo viên vùng núi của chị đã thành sách chưa ạ! Nếu chị kết ở đây thì cũng bật mí chút xíu về cuộc tình này chứ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế này XS ạ.
      Do bị chê chữ xấu , lão quyết còng lưng , gò mình mất một thời gian khá dài và để luyện chữ.
      Sau khi có được chữ nghĩa như rồng bay phượng múa với những háo hức của tuổi trẻ , thì chính lão lại chê chữ cô giáo như ...rau muống gặp trời mưa. Bấy giờ cô giáo lại phê vào thư tình của lão là : " Văn hay chữ tốt , không bằng thằng dốt lắm tiền " , lòe loẹt , xòe xoẹt , tốn công , vô ích !
      Hơhơ...từ ấy , văn lão viết gì cũng tưng tửng !

      Xóa
    2. Chuyện về người miền núi là chủ yếu mà em. Nhưng cũng trả lời cho em rõ thế này:chị không bao giờ trả lời thư của thầy giáo vì viết dở ẹc! Viết dở, chữ xấu thì làm sao có nổi cảm xúc mà trả lời? Nó cũng giống như trong cuộc trò chuyện vậy thôi, người nói không có nội dung hấp dẫn lại còn giọng nói khó nghe nữa thì chỉ muốn bỏ đi cho nhanh. Sau này ra trường ngoài, thầy cũng rất nhiệt tình, nhưng chẳng hiểu sao chị không có nổi một cảm xúc đủ để mến, mặc dù thầy là người rất tốt với bạn bè.
      Lão Tan bị cô giáo nào đó phê vào thư tình, thế là lão thù luôn cả...hệ thống các cô giáo. Giờ hễ gặp cô giáo là lão...tưng tửng!

      Xóa
  4. Trong môi trường nào cũng vậy, không riêng gì ngành giáo, luôn cần sự đấu tranh chống lại tiêu cực. Thế nhưng càng lúc càng khan hiếm đi những gương đấu tranh. Vì sao vậy chị?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bởi lẽ đấu tranh tránh đâu cho thoát?
      Nhưng thời ấy, phong trào NÓI VÀ LÀM khá rầm rộ và bước đầu người ta cũng chú ý giải quyết những việc có thể giải quyết được đó em. Bây giờ thì khác xa rồi!
      Đồng chí không bằng đồng tiền
      Bằng lòng ...cần thêm bằng cấp!

      Xóa
  5. Khó khăn quá cũng làm cho nhân cách con người ta méo mó chị nhỉ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng có thể như thế. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, phải không em?

      Xóa
  6. Đoạn tự kể về bài giảng văn của em là một thị phạm cực tốt cho những ai muốn giảng văn hay. Câu trả lời anh trưởng phòng "mối lái" là một lẽ phải trong tình trường. Qua kho thư tình của vợ anh, anh lại thấy những người viết thơ tình hay, trong đời thường không hay, cho dù nàng từng đã thuộc lòng các bức thư tình ấy.Không hiểu anh giáo viên chữ xấu và viết thư tình vụng sau này thế nào. Bởi anh cũng chữ xấu và viết thư tình vụng.Nhưng từ năm 14 tuổi anh đã được một ông thầy tướng xem bàn tay và phán rằng "Sự nghiệp không thành nhưng bù lại có một người vợ cực tốt". Anh không mê tín và không xem bói bao giờ cả, nhưng anh thấy lời phán của ông thày kia quả là ứng nghiệm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm trước đọc bài trong blog của Văn Công Hùng, nhà bào có nói giáo viên dạy văn bây giờ ít đọc, nhiều giáo viên không có tủ sách, không đọc cả tác phẩm có đoạn trích học trong SGK....Nhưng em nghĩ, ngoài đọc sách, điều quan trọng là giáo viên phải có một vốn sống, đủ sự rung động trước cuộc đời thì mới dạy văn tốt được. Nhà văn cho các nhân vật ngoài đời bước vào tác phẩm. Người dạy văn hướng các em cảm nhận nhân vật từ tác phẩm để bước ra cuộc đời.
      Nghe anh kể chị Thu có một "kho thư tình" mà em thấy....ngợp quá! Sau khi bị chàng kĩ sư lừa dối bằng những dòng thư quá bay bổng, em không tin vào thư, không tin vào lời nói của đàn ông, chỉ cảm nhận tình cảm của họ qua việc làm thôi.
      Một người vợ luôn tạo điều kiện cho chồng đi tán gái thế thì trên đời này có mỗi chị Thu thôi. He he... Nhưng đó là sợi lạt thật mềm, thật dẻo đấy.

      Xóa
    2. Dạy văn là truyền cảm hứng của mình trước tác phẩm văn học đến cho học sinh để chúng biết cảm thụ rồi từ đấy mà yêu văn, yêu chữ, yêu đời...Cho nên phải say sưa, phải nhiều lời, phải làm cho lớp học im phăng phắc thì mới thành công. Cảm hứng văn chương phải là chủ đạo trong tiết dậy. Bây giờ người ta không giảng mà toàn đọc chép thôi...học trò nó chán văn là tất nhiên thôi

      Xóa
    3. Em muốn trao đổi thêm với anh về việc dạy văn hiện nay: em là người được trải qua cả thời cũ với cách dạy mà người ta gọi là phương pháp cũ, họ cho rằng thầy là chủ thể, trò thụ động tiếp thu nên kém hiệu quả. Đổi mới phương pháp để tránh đọc- chép, chép - chép. Đó là phương páp dạy học tích cực mà trong đó thầy thiết kế, trò thi công. Thầy chỉ làm nhiệm vụ dẫn dắt, khơi gợi cho trò tự xây dựng bài học. Nghe lí thuyết thì rất hay, nhưng vào thực hành thì dở. Bởi theo phương pháp này, thầy phát vấn, trò phải tự tìm tòi mà nắm lấy kiến thức thì kiến thức mới khắc được trong đầu. Nhưng khổ nỗi, để có thể chủ động như thế thì trò phải làm việc cật lực cả ở nhà lẫn trên lớp. Mà điều đó thì chúng thấy khó hơn đi lên trời! Và thế là nắm được nhu cầu của các thượng đế, các nhà viết sách thi nhau cho ra sản phẩm: Sách học tốt, sách giải bài tập, hệ thống câu hỏi và trả lời...bán chạy ào ào như lũ, đắt như...đất thành phố. Giờ thì khỏe re! Thầy hỏi, trò trả lời đúng phắp! Trò trả lời đúng thì thầy chỉ việc xác nhận rồi chuyển nội dung.
      Xong bài giảng, trong đầu trò trống không, kiến thức trơn trượt. Điều dễ nhận thấy là học trò thời nay khả năng viết bài làm văn thua học trò thời trước. Đọc văn trò với những câu ngô nghê, kiến thức hời hợt, nông cạn mà bực mình vì những tài liệu phản phương pháp giáo dục nhan nhản trên thị trường hiện nay anh ạ.

      Xóa
  7. Ngày xưa 22 tuổi, tôi tự thấy mình đã trưởng thành nhiều lắm. Thế mới biết, những gian khổ, khó khăn trên đường đời, những va đập đến bầm dập, đến méo mó cuộc sống đâu chỉ là điều không may mắn ?
    -----------------------------------
    Ồ, em tâm đắc với kết luận này lắm chị à! Chị em mình đều dạy văn nên nói ít hiểu nhiều chị nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng trong giờ dạy văn, nói nhiều học sinh hiểu ít, phải không Thủy?

      Xóa
  8. Em có thói quen vừa ăn sáng vừa đọc bài viết trong blog. Sáng nay, đọc bài chị tả thực xong, em bỏ tô bún bò vừa măm đươc vài đũa. Hic hic
    Cảm ơn chị iu cho những người thế hệ sau như em biết được có một thời như thế. Rất sống động, đọc hình dung ngay trước mắt luôn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Này Thùy, em ăn sáng lúc hơn 9 giờ à? Lúc đó chị đang dạy tiết 3 ở trường đấy.
      Em bỏ tô bún bò vì đọc vụ của thầy trưởng phòng bị lợn tấn công? Hay mất tiền bún bò vì nhà vệ sinh trường sư phạm? Hôm sau ăn xong hãy đọc nhé, đỡ tiếc xiền!

      Xóa
  9. Chưa nên xem đây là phần cuối của NGƯỜI MIỀN NÚI. Bởi vì phải có phần kết của chặng đường dạy học ở đây, mối tình với thầy giáo cấp 3 chữ xấu, thư tình vụng nhưng lòng có đẹp như anh Đỗ Đình Tuân nói ko? Hiii. Rồi còn cảnh chia tay kẻ đi người ở với đồng nghiệp, với học sinh, bà con dân bản, Đồn biên phòng (ko đọc lộn Đ và L)...Tóm lại, em còn phần thứ 10 nữa sẽ viết thật hay về NGƯỜI MIỀN NÚI !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thầy giáo cấp 3 người Quỳnh Lưu, anh muốn biết đoạn kết một cuộc tình thì đến hỏi đồng hương nhé. He he...
      NGƯỜI MIỀN NÚI chấm hết ở đây thôi. Những cuộc chia ta người đi kẻ ở nơi trường vùng sâu diễn ra hàng năm mà anh. Cứ hết nghĩa vụ là ra. Em có ra sớm hơn một chút nhưng chia tay thì có gì sâu đậm đâu mà kể?

      Xóa
  10. Lòng người cũng như ngày giờ, địa thế không chỗ nào tốt hẳn, cũng không chỗ nào xấu hẳn. Có chỗ tốt với người này nhưng không tốt với người khác và ngược lại. Sở dĩ mình có cái nhận xét những anh viết thư tình hay trong tình yêu chưa chắc đã tốt bởi vì họ dẻo mỏ nên họ có nhiều đối tượng và cơ hội để lựa chọn hơn. Họ cũng dễ dàng thay đổi hơn. Còn những anh vụng dại thường ít có điều kiện lựa chọn hơn, họ phải "giữ mồi" chặt hơn, tình yêu của họ thường bền chặt, hạnh phúc gia đình đảm bảo hơn.Nhưng vẫn có thể có người giỏi "tán gái" giỏi mà vẫn thủy chung chứ sao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thì sợ lắm những anh chàng dẻo mỏ. Những người giỏi thì cảm phục nhưng cũng sợ luôn:
      Em biết mình tài hèn sức yếu
      Chẳng dám đua chen ở chốn đông người
      Trong cuộc ganh đua kẻ khóc người cười
      Em lặng lẽ đứng nhìn nhân thế!

      Xóa
    2. Tài em không hèn, sức em không yếu.
      Đời em cũng có phần may phần rủi. Và anh mơ hồ cảm thấy em thường có khả năng biến rủi thành may. Nhìn chung anh thấy cuộc đời em là đáng sống và đáng trân trọng. Anh thí sợ vợ rồi, vì anh thuộc tuýp người râu quặp. Mà chị Thu thì thích cái tuýp người này.

      Xóa
    3. Phụ nữ hầu hết thích tuýp đàn ông râu quặp mà ( em cũng không ngoại lệ!) He he...

      Xóa
  11. Với Nhật Thành: Phần này nói tới nhiều chuyện. Có một tiết giảng văn thật nhiều xúc cảm, có những chuyện tình buồn và có đoạn thư hay. Nhưng hơn hết là có một cô giáo búp bê dám nói thẳng nói thật, dám đấu tranh với cái xấu để đem về lợi ích cho tập thể giáo viên. Từ đó gợi ra cuộc sống khốn khó của một thời
    Với Đỗ Đình Tuân:Gớm được vợ tạo điều kiện cho đi tán tỉnh các nường một thời gian bây chừ trình độ nịnh vợ lên tay thiệt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghĩ cũng buồn chị ạ. Cuộc sống giáo viên miền núi vốn đã khổ, các cô giáo lại càng khổ hơn. Vậy mà người đại diện bênh vực quyền lợi của người lao động lại như thế.
      Chị ơi, anh Tuân nịnh vì sợ đấy.

      Xóa
  12. "Thân em như trái bần trôi"
    Bồng bềnh Lão vẫn cứ lôi về nhà...
    Tha hồ ghẹo Nguyệt, vờn hoa
    Cuối cùng chắc hẳn hai ta một nhà?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thân em như trái bần trôi
      Gió dập sóng dồi nát hết còn đâu?
      Sóng xô gió cuốn cơ cầu
      Nhìn hoa mà thấy lòng đau hỡi chàng!

      Xóa
  13. Sang nhà Quỳnh Trang lần vào nhà bạn
    ĐỌC NGƯỜI MIỀN NÚI.
    rất cảm đông sự gian khổ nhiều bề mà bài viết đã nêu...
    tôi nhận thấy sự mất mát nhiều nhất của phụ nữ lên cong tác lâu dài tại miền núi... không có tình yêu không lây được chồng....
    đấy là cái mất mát lớn nhất ...
    chúc bạn luôn vui vẻ hẹn gặp

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn người bạn mới! Được bạn đồng cảm như vậy, những cô giáo công tác tại miền núi cũng thấy được an ủi phần nào.
      Nhưng xin được đính chính lại nhé: các cô rồi cũng lấy được chồng, chỉ có điều không có nhiều sự lựa chọn khi tuổi xuân đã qua đi bạn ạ.
      Chúc bạn luôn hạnh phúc và mong gặp lại.

      Xóa
  14. cuối cùng chân lý cũng lộ ra:"Thế mới biết, những gian khổ, khó khăn trên đường đời, những va đập đến bầm dập, đến méo mó cuộc sống đâu chỉ là điều không may mắn ?". chúc bạn bình an và hạnh phúc nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toàn bộ những gì kể trong 8 bài viết về người miền núi để đem đến kết luận từ sự trải nghiệm đó anh Mẫn.
      Chúc anh luôn vui!

      Xóa
  15. cảm ơn bạn đã sang thăm
    Mỗi người có một cuộc đời
    Trời cho nhiều ít mỗi người khác nhau
    Mong rằng thăm hỏi dài lâu
    đọc thơ đọc truyện lời chào thân thương....
    chúc bạn luôn vui khỏe may mắn

    Trả lờiXóa
  16. Cái vụ xách quần chạy lợn trên đôi ổi hay quá nhỉ, Văn học hiện thực phê phán, he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải đồi ổi, mà đồi cây bơm bớp ( còn gọi là cây cộng sản, cây phân xanh)

      Xóa
  17. Đọc bài này giờ mới vỡ lẽ lý do mình muộn màng suýt ế vợ vì chữ viết của mình cũng chắng khác gì những cây sắn trong vườn xếp lại... hiiiii...mà cũng viết văn dở nữa chứ ( Hôm nay bầu trời lủng lẳng. anh ngồi thẳng cẳng viết cho em mấy giành chữ.... ) Thế đấy....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hóa ra cũng có nhiều người phụ nữ giống NT, thích chữ đẹp!
      May mà Mưa không ế nhỉ.

      Xóa
    2. Đọc bài mới chưa có thì 8 vậy....
      theo nghiên cứu thì con trai viết chữ đẹp thuộc 3 nhóm
      1 Hoa tay: người viết chữ đẹp do hoa tay là không cần rèn dũa . người viết chữ đẹp này thường vẽ rất giòi
      2 được rèn giũa người này luôn nhút nhát & thụ động không quyết đoán trong công việc và cuộc sống thường là công việc dựa trên nền tảng người khác lập trình hoặc sống dựa vào người khác
      kiểu 3 : người là người rất là . tỉ mỷ và khó tính, căn cơ, ích kỷ & nhỏ mọn chẳng bao giờ nghỉ cho người khác dù đó là người thân ...nếu phụ nữ lấy chồng phải người số 3 này thì khổ suốt đời....hiiiiiii..... bảo đảm bài bói này đúng 89% ..

      Xóa
  18. ủa b saoê ntrang của mình báo là bên ni có bài mới zùi. Hình như là Vu vơ gì đó. Răng sang ni lại không có nhỉ Nhật Thành ơi?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc vu vơ quá nên gió bay rồi chị ơi!
      Hi hi...để chờ hỏi ý kiến lãnh đạo đã chị ạ.

      Xóa
  19. Theo giõi có bài VU VƠ
    Sang đây chẳng thấy văn thơ mới nào?
    Khách thăm chẳng biết tại sao
    Tưởng mình đi lạc lối nào vu vơ ? ... Hiii....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vu vơ...vu vơ...vu vơ...
      Ai đi tìm những giấc mơ ban ngày...
      He he...tự nhiên hết vu vơ, thế thôi!

      Xóa