Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

TRỜI MƯA BONG BÓNG PHẬP PHỒNG (tiếp theo)

Giọt nắng đã mờ đi nhiều, dịch xa chỗ nó ngồi thêm một quãng, giờ nó giống lát khoai  bà cắt phơi vào những ngày nắng hiếm hoi của tháng chạp.  Người đàn bà vẫn ngồi nhìn chăm chắm vào mặt nó.
-         Ở xã nào của Can Lộc?
-         Thịnh Lộc.
-         Thế…con ai ở Thịnh Lộc?- Giọng người đàn bà bỗng thảng thốt.
 Nó lại ngồi im…
Mười ba tuổi, nó trở thành con nuôi của cô Hương. Người bảo  may cho nó, tứ cô vô thân, có cô Hương nhận làm con, chắc bà nó dưới suối vàng cũng an lòng ấm dạ. Người bảo cô Hương thế mà tốt số, con gái lấy chồng rồi, bỗng dưng có thêm  con, chẳng phải đẻ chẳng phải nuôi mà lại được nhờ. Nó không quan tâm những lời bàn tán ấy. Mỗi buổi sáng, tay bưng bê phục phụ khách ăn, tai nó lắng nghe những âm thanh ngoài đường cái. Những tiếng trêu nhau chí chóe, những tiếng cười trong trẻo, những bước chân rộn rã…Chẳng cần nhìn ra, nó cũng hình dung mồn một từng tốp, từng tốp, khăn quàng phấp phới trên vai, những chiếc ba lô xinh xắn đủ màu sắc trên lưng lắc lư theo những bước chân tung tẩy. Nó thảng thốt nghe tiếng trồng trường mơ hồ vọng lại. Hình như có cả giọng ấm mềm của cô giáo đang giảng bài?  Mỗi buổi chiều, sau khi bóc hành bóc tỏi, quét tước dọn dẹp lau chùi mọi thứ sạch sẽ tinh tươm, nó bần thần nhìn theo đám bạn đi học thêm. Chúng rượt nhau, giành nhau một gói bim bim hay một que kẹo mút. Tiếng cười trong trẻo của lũ bạn xa dần, xa dần… Nó cứ lặng đi như thế nếu như cô Hương không đặt tay lên vai nó và bảo:
“ Cháu vẫn muốn đi học chắc? Học để làm gì? Đại học ra trường ngồi bán kẹo cu đơ với chè đâm, đi bán ngô nướng, đi phụ hồ đầy ra kia. Đấy, con Lý nhà cô, bốn năm đại học mất hơn hai trăm triệu, giờ về lấy chồng, ngày hai bữa cắt cỏ cho cá. Ở với cô, ngoan ngoãn siêng năng, ít năm cô tìm cho một thằng tử tế, có sức khỏe. Thế là ổn.”
Nó im lặng. Cô đâu biết rằng, nó chẳng nghĩ xa xôi như thế. Nó mới mười ba tuổi thôi mà! Nó đến trường đâu chỉ để học? Đi học, nó có bạn để chơi các trò ô ăn quan,  bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba... Đi học, nó được cùng lũ bạn tám đủ thứ chuyện trên trời dưới đất và cười như nắc nẻ. Thỉnh thoảng, cô giáo bị ốm. cả lớp lại ồ lên vui như tết. Cô ốm, tha hồ mà hò hét, mà múa may, mà chạy nhảy. Rủi ro, nếu có cô khác dạy thay cũng tránh được nạn hỏi bài cũ! Đi học, nó và tụi bạn còn được bày trò gán ghép đôi nọ đôi kia. Giờ học, lũ bạn tủm tỉm cười, rón rén chuyền tay nhau một mẩu giấy nhỏ vẽ hai trái tim méo dệch méo dạc  viết tên nó và kẻ kia vào. Nó làm mặt giận nhưng lại lén liếc xem thái độ kẻ kia, bắt gặp hắn ta cũng đánh mắt  sang đầy tình tứ! Ừ, hình như nó  thấy cũng vui vui, thinh thích. Đi học, nó còn được tham gia vào đội văn nghệ của lớp. Ngày 20/11, xúng xính váy áo, tô son điểm phấn, mái tóc dài của nó buông xõa …bọn bạn cứ là trố mắt trước sự hóa thân  kì diệu của nó trong vai cô giáo vùng cao…
  Nghĩ miên man, nó nén một tiếng thở dài, đi vào muối thêm mấy lọ tương ớt.
Trong thâm tâm, nó rất biết ơn cô Hương. Cô bày vẽ cho nó chu đáo, cẩn thận. Cô cũng an ủi động viên nó những lúc hai cô cháu ăn cơm với nhau. Những lúc đó, cô thật dễ gần. Cô nhìn thẳng vào mắt nó, bộc bạch:
-         Cháu đừng nghĩ xấu về cô, đàn bà góa bụa, làm ăn buôn bán trong thời buổi này cần có người đàn ông che chở mới yên thân.
 Ý cô đang nhắc đến lão San, một lão vai u thịt bắp với cái mặt mà mỗi lần nhìn  nó vẫn không tránh được cảm giác buồn nôn. Hai túm lông mũi đen và cứng như rễ tre thò dài ra, chen với đám râu ria hoe hoe dở vàng dở đỏ trên mép. Hàm răng trên to như răng trâu, vênh vang chìa ra khoe cái màu vàng xỉn do khói thuốc,  cặp môi dày, thâm xì bị răng chống lên, căng bóng bánh, nhờn nhờn như quết một lớp mỡ.
   Ba rưỡi sáng lão đến nhập lòng. Chín giờ sáng, quán cháo vãn khách, thì bà Nhung, vợ lão, đi nhập thịt về vào lấy tiền. Cô Hương thường chiêu đãi một bát cháo lòng có nhiều dồi theo sở thích của bà ấy. Hai chị em tỏ ra thân tình lắm. Cũng đúng thôi, chỗ làm ăn lâu dài với nhau. Bà Nhung ăn bát cháo, khi tính tiền lòng lại bớt cho cô Hương mấy lượng. Bánh ú trao đi, bánh dì trao lại, mất đi đâu. Có mất là bà Nhung mất toi tiền cho lão San ấy. Nó nghe bà Nhung hạ giọng thầm thì:
- Lão San nhà tôi ấy mà, trông người thì như trâu mộng thế nhưng cái khoản ấy rõ chán! Cả tháng cấm thấy động đến vợ một lần.
-         Thế sao? – Cô Hương nén cười – chị thử mua thuốc cho anh ấy xem.
-         Ối dào! Thứ gì quảng cáo trên ti vi mà tôi chẳng mua cho ông ấy: nam thận bảo này, rốc-két này, rồi cá ngựa ngâm rượu, rồi dái dê cách thủy, cu cu hầm hạt sen…thế mà chẳng nước non  gì! Tốn bao nhiêu là tiền!
Cô thoáng đỏ mặt, nghĩ đến sự hùng hục như trâu húc mả của lão San  vào lúc ba rưỡi sáng…
*         *
     *
   Lần đầu tiên nó bị đòn ghen là từ bà Nhung.  Nó bị bà  quấn tóc, xô chúc đầu vào hố phân lợn đặc quánh. Nó ngập ngụa trong hố phân.  Phân sộc vào mồm, sộc vào mũi. Phân dính bết mái tóc dài sõa sượi. Phân  ướt đẫm bộ đồ ngủ. Phân ngấm vào từng lỗ chân lông trên cơ thể nó. Bà lôi nó đứng lên, phân ngập đến bụng. “Tại sao mày quyến rũ ông ấy? Đồ con nít ranh. Ông ấy còn lớn tuổi hơn cha mày đấy, mày biết không? A, cha mày là  thằng Trung Quốc! Mày con thằng Trung Quốc nên ác như Trung Quốc, đểu như Trung Quốc, thâm như Trung Quốc! Nào nam thận bảo, nào rốc két, nào cá ngựa, nào dái dê, nào cu cu…tất cả đổ vào cái lỗ tun hút chết tiệt của mày! Đồ đĩ ranh! Mày chết đi!  Mày chết dưới hố phân luôn đi! Tao chôn!” Vừa chửi, bà Nhung vừa cầm tóc nó mà lắc, mà giật liên hồi kì trận.
  Nó quyến rũ lão San ư? Nó còn nhớ như in cái cảm giác ngạt thở, buồn nôn khi bị lão lấy tay bịt chặt mồm, ghì  xuống giường cô Hương đêm cô đi chăm con gái mổ ruột thừa. Nó giãy dụa, cố sức thoát ra khỏi tấm thân hộ pháp của lão đang đè lên nó. Nó huơ chân đạp, nó dùng tay đấm. Chẳng ăn nhằm gì với khối thịt đồ sộ ấy. Rồi tấm thân mảnh dẻ của nó lả dần đi. Tỉnh dậy,  nó nhìn thấy vệt máu hồng hồng trên tấm ga xanh. “Bà ơi!” Nó nấc lên. Đáp lại chỉ có bóng đèn điện  lạnh lùng tỏa sáng.
  Nó sợ. Sợ cái mặt gớm ghiếc của lão San vẫn lằm lằm nhìn nó đầy đe dọa. Sợ cô Hương biết chuyện nó sẽ chẳng yên thân. Nhưng những sự thay đổi bất thường trên cơ thể nó làm cô Hương chú ý. Cô Hương tra hỏi, nó đã khai thật. Cô nghiến răng trèo trẹo: “ Trời ơi là trời! Đồ mất dạy! Đồ phản bội! Đồ đểu cáng!” Cô đạp chân xuống giường, cô giãy đành đạch như cá mắc cạn. Cô trằn trọc, cô khóc lóc suốt đêm! Sao lão lại có thể làm tình với nó ngay trên chiếc giường của cô chứ? Chiếc giường này bao năm nay chỉ có lão và cô vui thú với nhau. Thế có điên không? Thế có nhục không? Thế có đáng băm vằm lão ra từng mảnh không, hử? Trời ơi là trời! Đúng! Phải cho lão ra bã luôn. Nhưng trị bằng cách nào đây? Cô nghĩ đến vợ lão…
  Sau mỗi cú lắc đảo của bà Nhung, đầu nó tê đi, những sợi dây thần kinh như đơ ra. Nó không nghĩ được gì nữa. Tiếng la ó, tiếng dẫm chân dẫm cẳng của đám đàn bà, con nít xung quanh chỉ làm cho bà Nhung điên lên như con sói dại . Có tiếng bước chân huỳnh huỵch. Lão San từ đâu chạy về, lao đến chộp lấy cổ vợ, bóp mạnh. Mắt bà Nhung trợn trừng, tay từ từ buông khỏi mớ tóc của nó. Nó được kéo lên khỏi hố phân, tã tượi, dúm dó như đống giẻ rách. Máu dưới háng nó trào ra, đỏ lênh láng, trộn lẫn màu nước phân đen kịt. Sinh linh có một phần tư dòng giống thằng Trung Quốc đã ra khỏi thân thể vừa chớm sang tuổi mười lăm của nó như thế.

                          (còn nữa)               

21 nhận xét:

  1. Truyện ngắn rất hay theo phong cách quen thuộc của chị Nhật Thành.
    Em cũng lờ mờ đoán được gút mắc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em phải đoán được kết cục ngay phần đầu cơ, Hải Âu ạ. Văn chị viết mang tính trải lòng là chính, hầu hết đều hướng về những người bất hạnh. Chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
      Lâu nay mạng chập chờn, chỉ khoảng 15 phút là mất,chị không dạo được nhiều.
      Vui em nhé.

      Xóa
  2. Phần hai của truyện đã có nhiều tình tiết, cốt truyện hay và ngôn ngữ nói rất chân thực, gần gũi quần chúng. Mong được đọc phần tiếp theo
    có những điều mới mẻ em nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng chờ đợi điều mới mẻ gì phía trước đâu anh. Vẫn ngôn ngữ ấy, vẫn cách kể ấy. Và những hé lộ của phần kết đã khá rõ.

      Xóa
  3. Kinh khủng quá! Chị đọc mà rùng mình và rợn cả tóc gáy, không thể tưởng tượng được lại có sự bỉ ổi đến nhường ấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ạ, những người đàn bà trong cơn ghen...lúc nào chẳng kinh khủng! Nhà thơ Cao Xuân Thưởng (Nghệ An) có một bài thơ rất hay đã lí giải vì sao có sấm, có chớp và vì sao quả đất nghiêng 21 độ 5. Tất cả là do người vợ phát hiện chồng mình tay trong tay với người đàn bà khác. Rất tiếc là em không nhớ chính xác bài thơ nên không trích ra đây cho chị và mọi người đọc. Có lẽ nhà thơ Trương Quang Thứ thuộc đấy.

      Xóa
    2. Cùng chị em Song Thu, Nhật Thành!
      Nhà thơ Cao Xuân Thưởng có bài thơ CỔ TÍCH GHEN, nói về cái sự ghen kinh thiên động địa của đàn bà như thế này:

      Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa
      Trái đất như chiếc đèn lồng
      Treo ngay ngắn giữa thiên hà
      Theo chiều Nam Bắc.

      Cả tỉ năm
      Đàn kiến người cứ loay hoay trên mặt đất
      Mắt luôn nhìn thẳng tin sự thủy chung
      Rồi một lần
      Có một người đàn bà đưa mắt nhìn ngang
      Chợt thấy bàn tay chồng mình đang nằm trong tay người đàn bà khác
      Chị thảng thốt hét lên
      Và giội chân xuống đất!!!...

      Từ đó bầu trời sinh ra sấm sét
      Từ đó mặt đất sinh ra bão giông
      Và trái đất nghiêng 23 độ 5...

      Đúng là khi ghen, con người ta có thể mất sáng suốt và trở nên thú tính để trả thù "làm cho cho mệt cho mê / làm cho đau đớn ê chề cho coi". Không chỉ như Hoạn thư mà còn dã man độc ác hơn như thời trung cổ đến hiện đại bằng các nhục hình lột đồ bêu riếu, gọt tóc bôi vôi, dao lam rạch mặt, tạt a xít, đầu độc bức tử. V, v. Nhiều nhà văn cũng đã đưa vào trang viết tột đỉnh của tội ác về sự ghen đó. Viết về cái ác cái xấu ko phải đồng tình hay cổ súy mà góp phần lên án nó, xây dựng và bảo vệ cái thiện cái tốt. Tuy nhiên, anh cũng không muốn Nhật Thành miêu tả quá chi tiết cụ thể về mụ Nhung tra tấn hành hạ cô bé một cách tàn bạo khủng khiếp như vậy. Những hình ảnh đó rùng rợn quá. Nên chăng, mình chỉ cần khái quát là mọi người cũng hình dung được đòn ghen đó ghê gớm và để hậu quả ra sao... Thúy Kiều nhờ Từ Hải báo oán bọn Tú Bà, Mã Giám sinh chỉ cần một câu "máu rơi thịt nát tan tành" cũng đủ cho " ai ai trông thấy hồn kinh phách rời" rồi...

      Xóa
    3. Cảm ơn nhà thơ đã chép lại bài thơ của CXT mà em rất thích, dù mới nghe loáng thoáng một lần từ VNS.
      Còn về việc miêu tả đòn ghen, nếu khái quát như Nguyễn Du thì em đã là nhà thơ rồi, khổ một nỗi là em chỉ quen kể bằng văn xuôi, kể chi tiết, cụ thể để thấy rằng, khi đàn bà đánh ghen, họ có nhiều ngón đòn kinh khủng lắm. Nhà thơ cũng lo mà giấu cái lô xích xông em út của mình cho kín, nếu không muốn chị nhà "giội chân xuống đất" làm cả tòa hai tầng của gia đình nhà thơ nghiêng...45 đô đấy.

      Xóa
  4. Phần này tác giả viết có phần sâu lắng cảm xúc hơn phần 1. Lão ấn tượng và thích nhất cách thể hiện vệt nắng xuyên suốt 2 phần trong truyện.
    Với nhận thức , dân trí thấp của những người miền quê , đời sống của họ thật đáng thương nhiều hơn đáng trách qua trang viết của tác giả. Mặc dù nó như tội ác , như nhẫn tâm , nhưng người đọc vẫn thấy họ đáng thương trong cái khốn khó tất bật của của cuộc sống.
    Nhân vật " Nó " thật đáng thương và ám ảnh nguời đọc. Tuy nhiên , những hình ảnh và cách tiếp cận thì có phần hơi khủng khiếp và rùng rợn với người đọc quá. Góc độ nhân văn nào đó , trong xã hội ngày nay hình ảnh trên là vượt ra khỏi khuôn phép , không nằm trong phạm trù đạo đức nữa mà là phạm luật ! Những hình ảnh máu me trong truyện chỉ kích thích tính tò mò của một bộ phận người đọc thích chuyện ; Với những người thích thưởng thức truyện , những hình ảnh ấy không nên hằn lên một cách thô thiển như thế ...
    Chờ xem tiếp của tác giả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão muốn nói thêm về cách tiếp cận chủ đề và cách thể hiện tình tiết trong truyện .
      Về cách viết , nếu viết cho 10 người đọc ắt phải khác hẳn với cách viết của 100 người đọc. Nhà văn là người ghi chép và kể lai câu chuyện , và ý thức ngay là kể cho 10 hay 100 người ? Trong blog này , những người thích thưởng thức văn chương không phải là ít. Có những người từng là Biên tập viên của một tờ báo Văn nghệ ( Blog ThanhDa chẳng hạn , Hình như là hàng xóm và cũng là bạn của gia đình chị Song Thu , từng là biên tập báo VN Đồng Nai ...) và nhiều người khác từng dính líu đến văn chương. Cho nên cách tiếp cận và thể hiện đòn ghen trong truyện theo lão vẫn có gì đó mà dùng chữ thô thiển thì hơi nặng mà dùng chử khác thì chưa tìm thấy . Nếu là lão viết , cách thể hiện sẽ khác hơn cũng trên sự việc ấy người đọc vẫn cảm nhận được cái khùng điên khi người đàn bà ghen và cái tội nghiệp phải gánh trên lưng của đứa trẻ vị thành niên.
      Nhưng có lẽ , cách viết trực diện lột tả của tác giả , là đặc điểm làm nhiều người thích .

      Xóa
    2. Với những băn khoăn của lão, em muốn bộc bạch đôi điều thế này: lão vẫn thuộc nằm lòng cái định hướng của tác giả khi cầm bút viết bài, đúng không? Ta viết cho ai, viết để làm gì và từ đó chọn viết cái gì và viết như thế nào. Như vậy, vấn đề không phải là ở lượng độc giả. Trong thế giới blog và rộng ra là thế giới văn chương nói chung, em đã đọc những truyện ngắn, những bài thơ rất hay, thể hiện sự uyên thâm của tác giả. Về thể loại truyện, nhiều tác giả xây dựng những nhân vật mang tính hình tượng cao, gửi gắm trong đó nhiều vấn đề của cuộc sống. Ngôn ngữ trong truyện của họ cũng múa may quay cuồng rất đẹp, rất chuyên nghiệp. Đọc nhứng trang truyện của họ quả là thích. Nhưng theo em, nhứng tác phẩm đó họ viết dành cho những người bạn văn chương đọc với nhau, đọc rồi vỗ đùi tán thưởng đắc ý về sự sâu sắc, thâm thúy trong từng chi tiết, từng lời thoại. Còn người đọc bình dân thì ngơ ngác, chẳng hiểu gì. May ra có nhà bình luận, phân tích nào đó giải mã thì họ mới láng máng hiểu! Còn văn của em là văn dành cho tầng lớp bình dân, ngay trên blog "Tôi muốn giao lưu với mọi người trên thế gian này" thì có nghĩa là em không muốn viết cho 10 hay 100 người đọc mà cho tất cả mọi người cùng đọc. Em chọn ngôn ngữ dễ hiểu nhất, hạn chế dùng từ mượn (cả Hán Việt lần ngôn ngữ Tây), em xây dựng các nhân vật và diễn tả hành động nhân vật theo cách dễ tiếp nhận nhất với người đọc. Nếu dùng hình ảnh so sánh, có thể nói, văn của nhiều người khác là cao lương mĩ vị, nem công chả phượng, còn văn của em chỉ là củ khoai củ sắn, hạt lúa hạt ngô thôi. Nhưng khi cầm bút, em muốn thực hiện lời Phật dạy: "Đem ánh sáng vào nơi tối tăm", nói như nhà thơ Võ Ngọc Sơn khi giới thiệu GÓC KHUẤT: "Những mẩu chuyện của chị như ánh đèn vừa đủ sáng để người đọc tìm ra những góc khuất ấy trong cuộc sống". Chuyện trong truyện của em là sự góp nhặt, chắp vá những mảnh đời thực cả, con người ngoài đời bắt gặp mình trong nhân vật tác phẩm, bỗng nhận thấy sao mình ác thế, mình xấu thế.Người ta tự căm ghét cho sự nhãn tâm, ác độc của mình. Và em chỉ cần có thế.
      Em không biết trong thé giới blog những ai đã đọc
      HƯƠNG NGÀN, trong đó có ai là nhà văn, nhà biên tập, nhưng em biết trong đời thực nơi em sống và công tác, nhiều người hàng ngày vẫn vào google và gõ HƯƠNG NGÀN, chưa có bài mới là họ nhắc, đóng lại là họ giận. Thôi, thế cũng là niềm vui của HƯƠNG NGÀN vậy.
      Và cũng như thế, ở trang blog của TAN 262, khi giáo viên trường em vào đọc, họ cảm nhận thấy lão đã " Đem an ủi đến chốn u sầu" đấy thôi.
      Hì, hôm nay tranh thủ buổi sáng sớm, ông nhà mạng còn ngủ, chưa nhõng nhẽo nên nói hơi nhiều. Thông cảm lão nhé.

      Xóa
  5. Chưa đọc hết truyện (vì còn nữa), nhưng chiều hướng có vẻ chắc tay hơn. Hy vọng với truyện này NT tạo được một dấu ấn gì đó khác trước. Rất có thể thời gian NT quay lại làm mấy cái hồi ký đã làm cho ngòi bút đằm hơn chăng ? Truyện này có thể có nguyên mẫu cho nên những trang mà có người e là tàn khốc, rùng rợn, ...theo mình cũng không cần né tránh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ơ này, ông San trong truyện của em hì hục với cô Hương cháo lòng lúc 3 rưỡi sáng, còn anh Tuân của chị Thu thì 3 giờ 33 phút lại dậy mà mò mẫm trên blog thế sao?
      Rất cảm ơn anh đã động viên. NGƯỜI MIỀN NÚI hiện chỉ có 22 trang A4, khi nào được về hưu như anh mấy lị chị Thu, em sẽ viết thành tiểu thuyết khoảng 200 trang.
      Nhớ chăm chị Thu cho chóng hồi phục để lau chùi, quét dọn nha anh.

      Xóa
    2. Anh cũng ao ước ở chỗ anh có một cô bán cháo lòng để sang "mò mẫm", nhưng rất tiếc là không có.Nhưng cái chính là tại tính người:
      Tuổi cao giấc ngủ không dài
      Đêm thường trở dậy thức hoài với đêm
      Câu thơ thức với bóng đèn
      Bâng khuâng thức với nối niềm vu vơ...
      "Mò mẫm" trên các trang mạng cũng là một kiểu để "thức với nỗi niệm vu vơ" vậy.
      Anh sẽ gắng chờ để đọc tiểu thuyết NGƯỜI MIỀN NÚI của Nhật Thành.

      Xóa
    3. Mong rằng em sẽ mang NGƯỜI MIỀN NÚI đến tận Chí Linh làm quà cho anh nhân dịp sinh nhật lần thứ 80.

      Xóa
    4. Hơi lâu, nhưng chắc lúc ấy anh vẫn khỏe.

      Xóa
  6. Nó im lặng. Cô đâu biết rằng, nó chẳng nghĩ xa xôi như thế. ........ .....ĐẾN......... bọn bạn cứ là trố mắt trước sự hóa thân kì diệu của nó trong vai cô giáo vùng cao…
    XEM KỸ LẠI ĐẠON VĂN NÀY.......

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì Mưa cứ chỉ ra đi, NT mà biết sai thì đã không sai!

      Xóa
  7. Bạn Thành viết truyện ngắn như người phơi lúa, cứ trải hết ra nong ... hay lắm!

    Trả lờiXóa
  8. Em cũng rất muốn nhóm lại như cách viết của anh Mộc, nhưng...bút em bị toe ngòi! Hi...

    Trả lờiXóa