Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

LẤY AI?

  Họp tổ góp ý giờ dạy, hoạt động chuyên môn thường kì. Tháng nào chả thế, cứ đem nhau ra xoay một trận, bắt bẻ một hồi rồi đâu vẫn vào đấy. Lâu dần thành chán, làm hình thức là chủ yếu để có ghi trong sổ mà kiểm tra, mà nhận xét: “Có tinh thần học hỏi, trau dồi chuyên môn.”
  Thế nhưng hôm nay  ngồi dự giờ con bé dạy thể nghiệm bài “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, nghe nó cứ ca cải lương trên bục giảng, nào là tác giả cảm thương sâu sắc về thân phận chìm nổi, lênh đênh của người phụ nữ trong xã hội cũ, nào là câu thơ như trĩu nặng nỗi niềm, nào là đồng vọng  lời than thân của người phụ nữ trong ca dao” Thân em như tầm lụa đào…” “Thân em như hạt mưa sa…” “Thân em như trái bần trôi…” với sự lo lắng về cuộc đời, về số phận, bến trong bến đục, vân vân và vân vân…làm tôi điên cả đầu. Thế là giờ góp ý, tôi mắng nó te tua:
- Em nên nhớ: người phụ nữ trong bài thơ không mang tính bi kịch, mà tác giả lấy bi kịch để chứng minh cho sức sống tiềm tàng của người phụ nữ trong việc bảo vệ phẩm giá. Trong ca dao, dù thân em chịu như trái bần trôi hay được như tấm lụa đào đi chăng nữa thì cũng là biết tấp vào đâu hay biết vào tay ai, luôn nằm trong sự định đoạt số phận, không làm chủ nổi bản thân. Còn thân em trong Bánh trôi nước có chấp nhận một bề hay đang vùng vẫy?
- Dạ, thì...em nghĩ tác giả cũng nói về sự đối lập giữa cuộc đời và thân phận người phụ nữa đấy ạ. Vậy thì là bi kịch...
Tôi gắt:
- Dù chịu bi kịch, nhưng em đã quẫy đạp để vượt thoát ra ngoài bằng nghị lực bản thân cốt sao giữ tấm lòng son. Như thế, bi kịch đối với em đã trở nên vô nghĩa. Quan hệ từ "Mặc dầu....mà" và phó từ "vẫn" đã khẳng định một cách cứng cỏi, rắn rỏi, quyết đoán thế cơ mà!
- Dạ, em hiểu rồi, nhưng mà...-con bé tinh quái nhìn tôi -chắc hôm nay có kẻ nào quấy rầy chị phải không?
 Đang bừng bừng khí thế vậy mà tôi phì cười: "Mày chỉ được cái đoán mò!"
-      
Cái Hương chớp ngay cơ hội:
       - Chị này, có một người hàng xóm của em nhờ em hỏi ý chị…Anh ta mới năm ba, vợ bỏ đi do ôm đề, nợ hơn một tỉ. Anh ta bảo chỉ cần người có cái sổ hưu, không quan tâm nhiều đến các thứ khác.
    -  Eo ơi, vợ mới bỏ đi chứ đã li hôn đâu, Nga tiếp lời, chị ưng cậu em không,mự em mất năm năm rồi, con cái câu giờ cũng đã có công ăn việc làm, cậu cần một người làm bạn già…
        - Thôi, thôi! – Huyền cắt ngang – cậu nhà Nga già khú đế rồi còn gì. Bên thông gia nhà chồng em đang nhờ em kiếm cho một người giáo viên, con chú ấy đang đi học, chú ấy cũng còn trẻ, tầm ngoài năm mươi, ý chị thế nào?
      - Ôi dào, “ Chồng con là cái nợ nần/Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm”- Tổ trưởng im lặng lúc nãy đến giờ mới lên tiếng.
Nghe vậy, mấy mụ xồn xồn có con đã trưởng thành  hưởng ứng ngay:
    -   Đúng ,đúng! Tao thấy trong nhà có thêm một ông chồng thật là rắc rối. Lúc nào cũng cơm bưng nước rót, món nọ món kia. Mỗi khi lão nhà tao đi công tác một tuần hay mươi ngày gì là tao khỏe cả người. Dạy xong buôn dưa lê chán, về cắm cơm, luộc đĩa rau, bỏ quả trứng vào luôn, thế là nhẹ nhàng. Không nữa thì pha gói mì tôm. Sướng!
      - Tao cũng thấy chán lão nhà tao lắm. Hễ vợ đi chợ là y như bấm đồng hồ. Vừa về đến nhà là cằn nhằn: “Đi tận siêu thị ở Vinh mua à?” Khổ, đàn bà đi chợ chứ có phải đi bầu cử đâu mà nhắm mắt gạch toẹt một cái, bỏ tọt vào thùng phiếu là xong?
       -  Còn lão nhà tao ấy à, đi làm về, tao lụi hụi vào bếp nấu nướng, lão chơi một quần đùi, nằm khểnh xem ti vi, biết tính tao chậm thì xuống bếp mà giúp một tay, đằng này lão chửi: “ Làm gì cũng lờ rờ như ma rờ l… ốm! Chưa nấu được món nào thì rót nước mắm ra mà ăn. Định không cho người ta nghỉ trưa à?” Nhiều khi muốn lão đi cho khuất mắt.Cả hai vợ chồng cùng đi làm chứ có phải mình lão đi làm đâu!
      -  Còn lão nhà tao thì  không chỉ vô tâm trong công việc nhà đâu. Lão chẳng bao giờ quan tâm đến vợ hết. Ai đời tao đi làm tóc hết hơn triệu bạc, hai ngày rồi lão cũng không biết, tao xoay trước mặt lão, hỏi: “Thấy em có gì mới không?” Lão nhìn một lượt từ trên xuống dưới rồi bảo: “Mới mua áo à?” Thật hết thuốc chữa!
       - Ối dào, với vợ mình thì thế đấy, còn với vợ người khác thì quan tâm lắm, nhẹ nhàng lắm, dịu dàng lắm. Lão nhà tao đấy, khi  chuyền bóng qua tao không đỡ được, thế là nhăn mặt:
-          “ Đánh bóng phải chú ý chứ, không tập trung thì ra đi.” Thế mà người khác để mất bóng thì cười: “Khó quá hả em? Được, để anh chuyền nhẹ hơn cho nhé.” Nghe mà tức lộn ruột!
Khiếp, các mụ cứ là tranh nhau tố chồng như hồi cải cách ruộng đất  người ta đấu tố địa chủ. Cuộc đấu tố có thể đang kéo dài dài nếu tổ trưởng không gõ thước và bảo:
     - Này,  các đồng chí  dừng lại để hỏi ý của đồng chí NT thế nào đã chứ? Cứ toàn lạc đề!
Câu hỏi thứ nhất: Đồng chí có định lấy chồng nữa không?
    -   Có chứ! – Tôi trả lời dứt khoát.
Câu hỏi thứ hai: Vậy đồng chí có chọn ai trong số những người được giới thiệu?
   -   Không chọn ai cả.
    -  Vì sao?
      -  Phải yêu rồi mới lấy được chứ!
      -   Yêu chưa?
     -   Đang chờ!
       - Chờ ai?
     -  Chờ một trong số các lão  vừa bị chê kia.
Mấy mụ xồn xồn ngơ ngác nhìn nhau. Tôi tiếp:
      -  Thấy ai cũng bảo chán, mà chán thì chắc chắn sẽ bỏ. Ai có ý định sắp tới sẽ bỏ chồng thì giơ tay.

Ai nấy ngồi im, không nhúc nhích. Thế đấy!

27 nhận xét:

  1. ui trùi, từ cuộc họp gì gì á, chuyển một cái sang... bàn chồng ... Mà coi bộ chủ đề sau hấp dẫn hơn á chị iu.
    Thú thiệt nghích lý ở chỗ nói ghét thế thui, chứ... vẫn iu như thường hà chị ui. hì hì
    Em cũng đang chờ ... coi ai bỏ em lụm. há há

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, họp chuyên môn thì im như thóc, chẳng ai muốn góp ý hay bày tỏ quan điểm. Vậy mà chuyển sang chuyện chồng con thì cứ là râm ran, tranh nhau nói.
      Trêu các bà cho vui chứ các bà ấy cũng chiều chồng lắm em à.

      Xóa
    2. phụ nữ mà, ai chả thế chị hén. nói vậy thui, chứ làm sao mà ghét, hay bỏ gì chồng iu của mình chớ. hỡ ra mất tiêu bít đền ai nè ? hì hì

      Xóa
    3. Ờ, thì nói vậy để ai đừng tơ tưởng, nhòm ngó chi chồng minh mà.Cứ khen chồnglắm có ngày mất tiêu!He he...

      Xóa
  2. NT viết chuyện rất chuyên nghiệp. Sỏi không dám khen, bởi vốn nó đã hay mà còn khen hay thì hóa ra nịnh nhau. Đọc thích nhất là nửa cuối của entry, Cái cách viết đoạn kết của bạn nhẹ, gọn nhưng lại đậm đà chứ không nhạt. Chẳng biết mọi người nghĩ sao chứ Sỏi thấy thích.
    À nhưng kết như vậy về nhân vật chính trong chuyện vẫn ế chỏng vó ra, gay go đấy ! Hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với phụ nữ, nịnh một chút có mất chi, Sỏi nhỉ? Phụ nữ vốn thích nịnh mà.
      Nhưng chuyện này NT chỉ việc thuật lại thôi, có mất công tưởng tượng hư cấu dàn xếp gì đâu. Việc của người kể là "dịch" từ tiếng Nghệ ra từ ngữ phổ thông để mọi người hiểu thôi, vì những nhân vật trong chuyện nói tiếng Nghệ hết.
      Còn người kể thì không phải ế mà là thừa, chưa sắp vào cặp. Cũng hơi gay go đấy, cứ "chòng chành như nón không quai" He ..he...

      Xóa
    2. Lần sau NT thử đừng dịch từ tiếng Nghệ ra tiếng phổ thông nữa, tiếng Nghệ dùng trong văn cũng rất hay, phương ngữ cũng là niềm tự hào chứ! Mí lại Sỏi cũng đã ở Nghệ những năm xưa, Đọc hoặc nghe âm sắc ấy Sỏi thấy như thiêng liêng của ký ức lại tràn về.

      Xóa
    3. Sỏi có thể kiểm tra trình độ Nghệ ngữ của mình khi bấm vào clip ở bài này:
      http://nhatthanhho.blogspot.com/2014/10/tuongan-ong-so-vo-le.html

      Xóa
  3. Nghe nói phụ nữ bây giờ thường chọn mốt đàn ông 3G ( Già, Giàu, Giỏi ) để yêu và lấy làm chồng. Nếu NT trọng nghĩa hơn tiền và hạ tiêu chuẩn thì có thể dễ dàng chọn mốt 2G: Già, Giỏi để yêu. Có khối anh xin được chết vì người đẹp. Hiii...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế nào là Già? Người chồng già là người mà so với vợ tuổi tác vượt ngưỡng cho phép. Theo người Trung Quốc, tuổi cân xứng của hai vợ chồng được tính theo công thức sau: Tuổi chồng chia đôi cộng 7 thành tuổi vợ. Thế nên lâu nay NT tìm mấy đối tượng 85,86 tuổi, độc thân để hỏi làm chồng, nhưng hiện chưa ai đồng ý.Thế thì lấy đâu ra khối anh chết nhỉ? Ha ha...

      Xóa
  4. đúng là nhà văn. chúc bạn luôn thành công nhé/.

    Trả lờiXóa
  5. Phụ nữ gặp nhau thì luôn tố chồng mình & mơ chồng mình được như chồng bạn mình, còn bạn của mình thì ước ông ấy được như chồng của bạn.... đây là đề tài muôn thuở của chị em PN mà... hiiiiiii.......
    người xưa có câu 3 NGƯỜI PHỤ NỮ VỚI 1 CON VỊT THÀNH CÁI CHỢ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế sao người ta chỉ nói "Văn mình vợ người" chứ không ai nói "thơ mình chồng người" Mưa nhỉ?
      Hì....nếu không có mấy cái chợ ấy thì cũng chết buồn đấy nhé.
      Chúc Mưa luôn vui!

      Xóa
  6. Với tiêu chí " 3G" như lão Trương đề xuất , lão thấy mình vui vẻ có thể nộp hồ sơ thi tuyển ! - Gìa - Gân !
    Phần kết của bài viết hay đến độ xuất thần , vì vừa bất ngờ vừa chuyển hướng thức tỉnh cái mụ mị của các...mụ vợ nhà ta.
    Những chuyện " 88888" thế này hóa ra đọc lại vui .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...em thì chỉ thấy lão được một G thôi: Gàn. Và em biếu không cho một G nữa: Ghét!

      Xóa
  7. Theo mình thì cô giáo dậy thể nghiệm là người thông minh nhất trong số các cô giáo tham gia "phiên chợ tình" của tổ chuyên môn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là nó ma mãnh thật đấy anh HT nhỉ? Vừa tránh được vấn đề chuyên môn lại khơi mào cho đề tài thường là sôi nổi nhất của phụ nữ!

      Xóa
    2. Tránh được vấn đề chuyên môn - Chuyện nhỏ
      Khơi mào cho một đề tài sôi nổi - Chuyện chưa to
      Tài của cô giáo dậy thể nghiệm là: Đánh trúng cơn bão lòng của người kể chuyện.
      Thôi biến đây.

      Xóa
    3. Nếu thế thì cô bé kia không hiểu gì về chị NT cả. Nếu có kẻ quấy rối NT thì hắn sẽ bị ê mặt, vì NT là kẻ đầy bản lĩnh, lại mồm năm miệng mười nữa. NT chưa bao giờ phải nổi khùng vì những kẻ như thế vì chỉ một chiêu thôi là kẻ đó thất bại thảm hại rồi! He he...

      Xóa
    4. Có lẽ đúng, cô bé kia chưa biết chị NT thật, cả làng còn sợ chị hỏi còn ai giám trêu chị nữa mà hỏi vậy hè!

      Xóa
  8. 1- "Người phụ nữ trong bài thơ không mang tính bi kịch" vậy thì tác giả lấy đâu ra "tính bi kịch để chứng minh cho sức sống tiềm tàng của người phụ nữ trong việc bảo vệ phẩm giá"
    2- Đoạn mấy bà huyên thuyên tố các đức ông chồng rất sinh động, hấp dẫn. Một bà học giả Mỹ viết sách chứng minh đã là vợ thì không bao giờ hiểu được chồng. Các bà mua máy móc nhà bếp về đều có bảng hướng dẫn sử dụng, nhưng đưa một ông chồng về dùng cật lực thì không có bảng biểu hướng dẫn gì cả, cho nên dùng tùm lum, sinh ra đoản mạch, cháy, hỏng hóc....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. " người phụ nữ trong bài thơ không mang tính bi kịch, mà tác giả lấy bi kịch để chứng minh cho sức sống tiềm tàng của người phụ nữ trong việc bảo vệ phẩm giá." Tức là bi kịch ở đây chỉ như là một điều kiện, một thử thách đưa ra để người phụ nữ thể hiện sức sống tiềm tàng của mình. Phải thế không Bu?
      Nếu NT có điều kiện viết sách thì sẽ làm một cuốn chứng minh các đức ông chồng không bao giờ hiểu nổi vợ của mình! he he...

      Xóa
  9. 1- Bu lại nghĩ "bày nổi ba chìm với nước non" "rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn" là nói đến bi kịch của phụ nữ. Và tác giả đã lấy bi kịch đó " để chứng minh cho sức sống tiềm tàng của người phụ nữ trong việc bảo vệ phẩm giá".
    2- Quyển sách của bạn sẽ là định lý đảo của lập luận người Mỹ nọ

    Trả lờiXóa
  10. Thì điều Bu nghĩ cũng là điều NT nói đấy thôi, chỉ có diến đạt hơi khác.
    Những tố cáo của các mụ vợ trên cũng chính là điều NT muốn nói với các đức ông chồng đấy.He he...

    Trả lờiXóa