Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

XỨ NGHỆ

Tôi hoàn toàn không có ý định bình hay cảm nhận bài thơ NGHỆ NGỮ của mình, bởi nó đơn giản chỉ là sự ghép vần để nói về tiếng Nghệ. Nhưng đăng bài lên, nhiều bà con ta kêu…nỏ hiểu. Vậy, xin được giải thích mấy lời thế này:
  Từ đầu đến cuối là lời của cô gái nói với người mình yêu dấu. Đây là lần đầu tiên cô mạnh dạn “Mời ênh về xứ Nghệ quê em.” Người xứ Nghệ tuy nghèo nhưng hiếu khách. Bữa cơm đầu tiên anh ăn với gia đình em có món cực kì quen thuộc với người xứ Nghệ: nhút! Nhút là từ địa phương không có từ toàn dân tương ứng vì nhút chỉ sinh ra ở xứ Nghệ. Nhút là món ăn được muối từ nguyên liệu chính là xơ mít. Nhút muốn để được lâu, ăn quanh năm thì phải thật mặn. Một chàng rể lần đầu tiên về ra mắt phụ huynh, trong mâm cơm có một đĩa thức ăn vàng ươm, được xắt thành từng miếng rất khéo. Chàng rể nhìn, thèm lắm nhưng chưa dám gắp vì phụ huynh chưa đụng đũa. Ăn xong một bát cơm với canh tập tàng ( canh có nhiều loại rau nấu lẫn với nhau như: rau dền, rau sam, rau khoai…, tiếng Nghệ còn gọi là canh rau vặt), anh rón rén gắp một miếng bỏ vào bát cho bố vợ tương lai: “Mới bác xơi trứng ạ!” Ông bố nhìn anh, hóm hỉnh: “ Ô, cháu cứ tự nhiên, món trứng này bác ăn suốt!” Rồi ông gắp cho con rể tương lai 2 miếng liền. Chỉ chờ có thế, chàng ta sung sướng cảm ơn và cắn một miếng. Mặn thôi rồi! Nhút đấy! Nhút vắt kiệt nước, dùng 2 cái đĩa ép chặt, mịn và vàng ươm như trứng rán!
   Hôm nay anh về, may mắn có con cá tràu( cá quả) cha em đi làm đồng bắt được, không mua bán gì đâu. Thế là mâm cơm ít ra có 2 món: cá tràu kho và canh dấm nhút nấu đầu cá. Đĩa cá tràu từng khúc đỏ au, thịt chắc nịch chứ không nhão nhoét như cá tràu nuôi, có vị ngọt của mật, vị đậm đà của nước mắm quê,vị béo ngậy của cá đồng, và mùi hành tăm thơm lừng. Tô canh cũng thơm phức, chua chua, ngọt ngọt, đậm đà như tình người xứ Nghệ! Cá ấy, canh ấy mà ăn với cơm gạo quê thơm, dẻo và trắng muốt như trấp vả con gấy ( cơm trắng như đùi con gái, đây là cách nói của dân quê tôi) thì còn gì ngon bằng!
  Trưa hè miền Trung nắng và nóng lắm. Ngồi trong nhà, càng quạt càng nóng. Bàn ghế, giường chiếu sờ vào đều nóng dẫy. Đi ra ngoài, cảm giác như chảo lửa hắt thẳng vào người. Thương anh lắm, nhưng nhà không có phòng kín, không lắp điều hòa đâu anh. Em dắt anh đến một nơi mát rượi: rừng cây! Dù không có cảnh như ở Côn Sơn trong thơ Nguyễn Trãi: “Trong ghềnh thông mọc như nêm” hay “Trong rừng có trúc bóng râm” để “ta lên ta nằm”, “ta ngâm thơ nhàn” nhưng thảm cỏ xanh, cây rừng rợp bóng cũng đủ để anh thưởng thức hơi mát của cái máy  điều hòa khổng lồ quê em. Không ngâm thơ, nhưng cảnh  trước mắt là một bài thơ đấy! Bài thơ của một cuộc sống yên bình có đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ “Béo mượt lông ngong rành ưng ênh ơi”. Ở xứ Nghệ, một số nơi thuộc huyện Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kì, Quì Châu,Quì Hợp, Nghĩa Đàn, Quế Phong…vẫn duy trì tập quán nuôi trâu bò chăn thả hàng đàn trong rừng cả năm như thế. Chúng cứ sinh con đẻ cháu, quây với nhau thành gia đình, tự do và thảnh thơi, không lo ai bắt trộm cả.
   Chiều dịu nắng, anh đi với em ra ruộng rau muống nhé. Mùa hè, bữa cơm có đĩa rau muống luộc, bát nước rau muống vắt chanh, ăn với cà muối xứ Nghệ “càng mặn lại càng giòn” thì tuyệt! Nhưng phải là rau muống mới hái dưới ruộng, dưới ao lên thì vị ngọt của nó mới làm nên nỗi nhớ “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Rau muống trồng ở ao, hồ hay ruộng trũng. “Có gan ăn muống, có gan lội hồ”. Không có gan thì đừng lội xuống. Đỉa nhiều lắm đấy! Lũ đỉa chỉ cần thấy động, nghe hơi người là từng đàn lao tới như máy bay phản lực! Mới nhìn thấy lũ đỉa đen đen vàng vàng uốn mình là làm ta sởn hết gai ốc rồi! Thế nên để em chiến đấu với bọn chúng. Anh – dân cày đường nhựa – cứ đứng trên bờ. Anh mà lội xuống, đỉa bám chặt vào chân, anh  hái rau, đỉa bám chặt vào tay, lớ ngớ như anh không gỡ ra được đâu, “bám dai như đỉa”  mà. Nhưng em dám chắc rằng, mới nhìn thấy chúng lượn tới, anh đã hoảng hồn nhảy choi choi giữa ruộng, dẫm nát cả rau, bùn văng tung tóe vào áo, vào mặt đấy, chàng công tử bột ạ. Còn em thì quen rồi, con nhà nông chính hãng, cả con trâu to đùng em chẳng sợ, còn điều khiển để cày bừa được, con đỉa bé tí thế nhằm nhò gì!Phụ nữ xứ Nghệ đi cày là chuyên thường.
    Cơm tối xong, trời đã mắt mẻ hẳn. Gió rì rào kể chuyện trên ngọn cau, gió nô giỡn ngoài nương ngô. Trăng sáng như ban ngày. Em dẫn anh đi chơi nhà hàng xóm nhé. Dân quê em ấy mà, khách một nhà, cả làng cùng vui. Một nhà có con cháu đi xa lâu ngày trở về, cả làng đến tíu tít hỏi thăm. Huống hồ anh là chàng rể tương lai. Ai cũng muốn xem mặt, ai cũng muốn hỏi chuyện, ai cũng muốn trêu vài câu. Dân xứ Nghệ quê em hay nói trạng, tức là nói khôi hài, nói đùa cho vui. Đùa mà cười. Cười sảng khoái, cười vang nhà. Cười cho tan đi mọi mệt nhọc vất vả của một ngày lao động.Câu đùa đôi khi hơi bậy bạ một chút, anh đừng ngượng, không sao đâu. Bản chất người dân lao động quê em vốn thật thà, chất phác và quí người, họ trêu cho vui chứ không hề ác ý. Anh sợ xấu hổ, không sang chơi hàng xóm là bị trách đấy. Mà đã đến nhà này thì không thể không đến nhà kia. Thế mới là tình làng nghĩa xóm anh nà.
   Vâng, thế là anh đã ở trọn mọt ngày nơi quê em, anh đã hiểu khá nhiều về con người và vùng đất “gió Lào thổi rạc bờ tre” này rồi đấy. Em, người con gái sinh ra và lớn lên trên vùng đất này không có được cái mướt mát tươi xinh như con gái nhiều vùng quê khác . Em cũng không có được sự dịu dàng, mềm mại, ngọt ngào trong lời nói đâu anh:
“Tiếng khu Ba vừa nhẹ vừa thanh
Nghe chồng gọi, “Dạ, thưa anh gọi gì?”
Tiếng khu Bốn thì nặng như chì
Nghe chồng gọi, bảo: “Chi chi rứa hề!”
Nhưng nếu anh không chê em gầy, em đen, không “chê quê em nghèo đói”, không “chê em vụng về câu nói” thì em xin được về làm dâu quê anh. Là con gái xứ Nghệ, em sẽ ăn ở có trước có sau, nghĩa tình bền chặt như gừng cay muối mặn.
“ Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm xong mới biết rằng em ngọt bùi!”
 Anh biết không, người xứ Nghệ sinh ra và lớn lên nơi miền quê đói nghèo lam lũ nên tảo tần, chịu khó, chịu khổ đã quen. Dù ở nơi nào, người xứ Nghệ cũng vươn lên mà sống, như cây xương rồng trụi trần góc cạnh mà sức sống bên trong bền bỉ, kiên cường.
  Đấy, bài thơ là lời của cô gái xứ Nghệ chưa đi xa đâu nhiều nên còn đặc giọng quê nhà. Tôi xin diễn giải cụ thể như thế để bà con ta dễ hiểu.

                                   Xứ Nghệ, bắt đầu mùa nắng nóng
                                             
                                                  Nhật Thành








39 nhận xét:

  1. Chẳng nhưng hiểu, mà còn như được đang nghe chị kể chuyện nữa á. Duyên gì đâu á. nhờ chị nói, em mới biết nhút nhó vừa mặn, vừa vàng ươm thế. chứ em có nghe từ này thật, nhưng em cứ hình dung đó là 1 loại rau ... ngâm chua. hì hì .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...kể chuyện như thế mới rõ nội dung lời nói của cô gái em nà. Hôm nào có điều kiện vào SG, chị mang biếu em một ít nhút, ăn cho biết cái đậm đà của tình người xứ Nghệ em nhé.

      Xóa
  2. Bài viết rất hay, khẩu khí rặt Nghệ. Không phải dân Nghệ thì có tặng huân chương cũng không viết được. Bạn đưa vào nhiều ca dao thành ngữ rất đúng chỗ và đúng lúc nên bài viết sinh động mềm mại thêm ra. Cơm trắng chộ khu đọi đã ghê rồi, nay được nâng cấp lên như trấp vả con gấy thì tuyệt. Cơm trắng này ngon nhất thế giới đây. hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Bu này, cách nói của người xứ Nghệ mà dùng quáng cáo thì chắc quá ấn tượng đấy nhỉ? Khi nào gạo Việt Nam mình bị ế, hãy làm một quảng cáo thế này: Gạo Việt đơi...thơm ngon đặc biệt đơi, trắng như trấp vả vợ tui đơi....mua đi! He he...

      Xóa
  3. Bài viết rất dễ đọc, thoát ý và thích nhất cái sự vận hóm hỉnh của ca dao. Bàn sâu về tiếng nghệ thì như múa rìu qua mắt thợ, vậy nên thích, thấy hay thì khen đã bàn sau!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã nói về lời ăn tiếng nói của nhân dân thì không thể không vận ca dao, tục ngữ, thành ngữ, phải không Sỏi?

      Xóa
  4. Sang đọc lại có cảm giác ra ri
    Tui sang nghe O nói trạng. Mần răng O tài ra ri. Nhưng O diễn thì tui thấy còn hay hơn cả thơ, Tui nỏ nịnh O mô. Tui đã ăm cơm quê xứ Nghệ nhưng thiệt cho tui bấy chừ nỏ hiểu đó là Trấp vả con gấy. Ngày ấy tui còn chan nước chè tươi và ăn với cà pháo muối, cũng mặn chết cha, nỏ kém nhút. Cái mặn và giòn tan của cà pháo và nhút 40 năm vẫn còn làm tui khát nác! Cảm ơn O nhiều!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được âm mi sang chơi, ưng rồi. Được âm mi khen, rành ưng nựa. Nhưng nha rành cảm động trước tình cảm yêu mến âm mi dành cho xứ Nghệ thông qua việc hiểu về ngôn ngữ nhà nha. Mà yêu mến xứ Nghệ thì chắc chắn trong đó có nha, vì nha là ngài xứ Nghệ.
      Mà nói cho âm mi học thêm, nước chè tươi, quê nha kêu là " nác chè xenh", còn cà muối thì nói là "cà mói". Có chàng rể chưa cưới đến nhà cha mẹ vợ nhởi, vì rầy, không dám gắp thức ăn, ngồi ăn cà mói cả bữa cơm. Tối đó ngủ lại, đêm mò vô buồng con gấy người ta, tưởng mần ăn chi, hóa ra thì thầm:
      Giếng đâu thì dắt anh ra
      Không anh chết khát với vại cà nhà em
      Có lẽ hối nớ, âm mi không mò được ...giếng nên mới khát đến dừ. He he...
      ( nha: mình, âm mi: bạn - đây là đại từ xưng hô thường dùng ở huyện Yên Thành, Nghệ An)

      Xóa
    2. Yên Thành ư!
      Sỏi ở T31 (Ngay ga Si), hậu cứ của Sư đoàn 324, Cầu Bùng, cầu Cụt, vẫn còn nguyên trong tâm khảm của chàng thanh niên Sỏi, Nhớ quá Yên Thành ơi!

      Xóa
    3. Ga Si, Cầu Bùng là ở Diễn Châu, Còn Yên Thành thì có chợ Bộng. Sỏi nhớ chỗ nọ xọ chỗ kia rồi.

      Xóa
    4. Yên Thành và Diễn Châu là hai huyện sát liền nhau trên tuyến quốc lộ 7 đi Lào, bạn Sỏi ạ. Vì thế có thể bạn nhớ lộn tên địa danh chăng? Cầu Bùng thì bắc qua sông Bùng trên quốc lộ 1 A ở xã Diễn Kỷ, Diễn Châu - tuyến Bắc Nam nhưng thượng nguồn cũng ở Yên Thành. Còn cầu Cụt nếu mình nhớ ko nhầm thì nó là cầu nông giang nối qua hai làng Kẻ Sụm và Trung Phường của xã Diễn Minh, Diễn Châu (cách Yên Thành không xa). Tương truyền rằng 2 làng này ngày xưa mâu thuẫn thù ghét nhau nên cấm kỵ ko cho trai gái hai bên kết hôn. Dân làng Trung Phường còn vào lèn Trống khắc lên đá lời nguyền đó. Vì thế có đôi trai gái của 2 làng yêu nhau ko lấy đc nhau đã tuyệt vọng nhảy xuống sông ngăn cách 2 làng để tự tử. Sau cái chết đó một ông tú tài và một thày đồ trong hai làng đã họp bàn cùng dân hai làng xóa bỏ thù oán cũ và đi lại giao lưu thân thiết. Con sông đôi trai gái quyên sinh đc bắc một cây cầu nối hai làng gọi là cầu Cụt...

      Xóa
  5. Ừa mình cũng hoàn toàn có cảm nhận giống như " Hòn sỏi" vậy nè. Đúng là bài diễn giải ra nghe hay hơn thơ thiệt. Nói như thế không có nghĩa là chê thơ nỏ hay mô mà chỉ muốn khẳng định rằng người gảy thơ giỏi quá ta. Còn mình thì nỏ rành tiếng Nghệ nên đọc thơ ứ hiểu ra răng cứ ù ù cạc cạc chỉ thấy ngồ ngộ kì kì thui hè.
    Cám ơn NT vì bài viết đã cho mình hiểu thêm về ngôn ngữ xứ Nghệ, con người xứ Nghệ và cả phong cảnh cũng như món ăn xứ Nghệ nữa nè. Chừng nào vô thăm, NT cũng đãi mình những món này nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhất trí với chị, khi nào chị vô thăm xứ Nghệ, em sẽ đãi chị cà mói, nhút, rau muống chấm nước cáy...Nhưng nhớ đưa anh Tuân đi theo để em dắt lên rừng ngắm ...bò nha chị. He he...

      Xóa
  6. Tình xứ nghệ không mau
    Nhưng bén rồi sâu lắng
    Quen xứ nghệ quen lâu
    Càng tình sâu nghĩa nặng

    Nghe câu hò ví dặm
    Càng lắng lại càng sâu
    Như sông Lam chảy chậm
    Đọng bao thủa vui sầu
    Huy Cận
    Các Ênh các Ả mô rồi , có Ngài nói xấu quê choa tề . Choa nỏ rứa mô , người quê choa hiền lắm , chỉ lâu lâu đập chắc trợt trốc cúi thôi , nỏ can chi cả bây hè ,
    Kể các Ênh các Ả nghe : Bữa nớ đi tập trung ở xã , cờ nhiều quá nỏ biết chào cờ mô , tau mới hô " Chào cờ xã ta ! Chào " rứa là tụi tau chỉ chào cờ xã choa thôi , không chào cờ xã khác . Còn khi thi đi đều tụi choa có cách , một chân buộc lạt một chân không buộc lạt . Khi tau hô " dậm chân có lạt ! Dậm , dậm chân không có lạt ! Dậm " cứ nói là đều tắp tắp , mấy xã khác cứ gọi là nhìn trợt mắt rứa là tụi choa được giải . Mấy Eng mấy Ả muốn coi bữa mô bầy tui mần cho mà coi , bữa ni mắc đi nhởi rồi
    Chào Nhật Thành ! Thấy mời bác Bu sang xem nói xấu gái Đô Lương tò mò sang xem vì quê ngoại tôi ở đó , vào đây thấy rất zui
    Chúc một chiều an lành

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Alay kum Sa lam!
      Hóa ra có một đồng hương ngoại, vui quá! Nhưng ngài Đô Lương họ gọi huyện họ là Đô Lơng đấy,
      Trước khi chào cờ, phải hô: Tất cả, nghêm! Thấy chưa cân hàng đẹp đội ngũ, hô tiếp: Lấy bại cứt tru làm chuẩn, nhìn phải....thẳng. Rối khi dậm đều, mọi người phải nhẩm: cò lạt, không cò lạt...cò lạt, không cò lạt...cò chứ không phải có.
      Rứa nha, bựa sau rảnh sang nhởi ta nói tiếp chuyện xứ Nghệ. Cảm ơn âm mi!

      Xóa
    2. Cứ toang toác lên nhận là Nghệ với chả gừng; câu chuyện đáng tự hào rứa mà nhớ nhầm: Chân mo - Chân chạc chứ đâu phải chân có lạt chân không lạt.
      Cứ như ri mần răng chả bảo mất gốc NT hè!
      Nghệ ngữ khó phết các bác nhỉ? Xin góp vui tý!
      Thông cảm nhé!

      Xóa
    3. Không phải đâu anh Hải Thăng ơi, cái nhịp điệu "cò lạt, không cò lạt, cò lạt, không cò lạt cứ như là nhịp trống đi đều vậy đó. Dân quê choa còn có mẹo: khi tập quay phải, quay trái còn bỏ sỏi vào túi quần, phía bên phải, chỉ huy hô: bên phải....quay, thì người ở dưới phải nhẩm: "bên sỏi...quay!", thế là đều tăm tắp. He he..

      Xóa
  7. Nỏ phải thăm dò chi nữa , tui nỏ là blogger , tui hay lang thang vào đọc mấy blog . Mấy lâu nay cũng muốn kiếm tìm một blog quê xứ Nghệ , Nay vào đọc blog mệ thấy rất zui . Tui quê Nghệ an , Phường Hà huy Tập thành phố Vinh ( Quán Bàu ) gần nhà "Chín Lé "
    Gặp mệ tui rất zui , gặp lại những từ ngữ hồi thơ ấu , một thời đã qua không bao giờ gặp lại . Tui bây giờ ( 36 ) xa quê rồi , chắc gần mất gốc rồi . Nhưng tôi vẫn nhớ đến quê hương khi nghe một tiếng lạ là tiếng " Xứ Nghệ "
    Rồi một chiều chợt nhớ quê hương
    Nghe em hát dân ca xứ Nghệ
    Câu hát ru như một thời thủa bé
    Đưa ta về bến bãi thủa thơ ngây
    Điệu ví quê hương , giữa bốn bề bận rộn
    Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi
    Sao điệu ví cứ nặng tình đến thế
    Nao , nao lòng đứa con ở nơi xa ...
    Nói zậy để mệ hiểu : Nỗi lòng của những con xứ Nghệ , dù đi xa vẫn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn của mình . Nỏ khi mô quên

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân Vinh như Salam mà cũng biết khá rành tiếng Nghệ , lại dẫn bài thơ giàu cảm xúc nữa thì làm lão cũng thấy ngứa ngáy trong ngài nên ngồi gõ.
      Bài viết của tác giả không chỉ dừng lại ở chỗ giải thích thêm cho bài thơ mà còn thổi hồn quê vào theo cách rất riêng làm người đọc cảm nhận trong trạng thái càng yêu thêm mảnh đất , con người xứ Nghệ.
      Salam nhắc đến nhân vật Chín lé . Nghe nói lão này nổi tiếng về độ giàu và ngông ở thành Vinh . Nhưng với lão , hình ảnh bà Bu - Mẹ chín Lé - có khuôn mặt phúc hậu với cái quán liêu xiêu bán kẹo và nước chè xanh ven đường thưở thiếu thời thì lão không quên được.
      Xin chào Salam - cái tên nghe rất ...Ảrập .

      Xóa
    2. Sa lam nói mình sắp mất gốc là chưa đúng đâu nhé. Có người sống xa quê gần cả cuộc đời cũng không mất gốc, có người sống ngay trên quê mình, đất nước mình mà lại bị mất gốc đấy. Khi trong lòng ta vẫn trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa nguồn cội thì làm sao mất gốc được cơ chứ. Tiếng mẹ đẻ được coi là thứ thiêng liêng nhất, quý giá nhất để khẳng định quê hương còn trong ta. Dù Salam sống ở đâu, bao nhiêu năm, mà vẫn không quên giọng nói quê mình, vẫn bồi hồi xúc động khi nghe một giọng nói của người xứ Nghệ, thì tình quê trong bạn vẫn còn nguyên vẹn, thì dù có cả đời không về quê, bạn vẫn không thể là người mất gốc.
      Bài thơ của Hạ Tri Chương (Trung Quốc) khẳng định tình yêu quê hương đơn giản mà sâu sắc thế này:
      " Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
      Hương âm vô cải, mấn mao tồi"
      (Xa nhà khi còn nhỏ, già lắm rồi mới trở về
      Giọng quê không đổi, tóc mai đã rụng)
      Gần 50 năm xa quê, làm quan to ở triều đình, nhưng giọng quê không đổi!
      NT nghĩ, Salam cũng là người giữ vẹn tình quê như thế.

      Xóa
  8. Qua đây gặp lại bạn cũ. Cho Mộc gởi lời thăm hết các anh, các chị Thành nhé. Thấy mọi người vẫn còn chơi blog là mừng lắm rồi, Mộc lu bu quá nên chỉ theo đuổi một fb thôi nên cũng có phần hạn chế giao lưu nhưng vẫn rất nhớ mọi người, nhớ những thăng trầm của thời blog. Chúc all hạnh phúc Thành nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em vẫn thấy anh bận rộn tíu tít bên fb đó. Em thấy blog mới là nơi để đọc, để chia sẻ, còn fb chỉ là nới để dạo chơi thôi. Blog như một thôn xóm bình yên, giú ta có những giây phút lắng sâu trong cảm xúc, còn fb là cái chợ trời ốn ào, náo nhiệt, hỗn tạp. Cách chia sẻ bên đó nhiều khi ngộ lắm. Bên này mỗi khi bạn bè có ý đóng cửa thì mọi người vào chia sẻ, mời ở lại, ít ra thì cũng có những lời thể hiện sự lưu luyến, còn bên fb, nếu ai đó đăng dòng tin là sẽ nghỉ, chia tay fb, mọi người vào và nhấp vào "thích". Ngộ hơn là ai đó thông báo gặp chuyện buồn, hay gặp hoạn nạn, người ta cũng "thích".
      Chúc anh Mộc luôn cười vui như thế.

      Xóa
  9. Tiếng Nghệ tui đạ thục làu
    Rứa mà cụng mắc ối câu mù mờ
    Ai muốn mần rể mần ru
    Cần nên "học đạo, tầm sư" nhiều nì
    Lanh trí ứng dụng "tư duy"
    Tùy từng hoàn cảnh không thì... dốt lâu
    Ví như: TRẦU, TRÂU, DÂU
    Gọi TRÙ, TRU, DU ( lấy U thay ÂU ) nà
    Nhưng nếu "Thi ĐẬU" gọi là:
    "Thi ĐU" -Thêm dấu nặng (.) - rứa là... nguy ngay!
    "Liệu mà cao chạy xa bay"
    Kẻo mà ăn tát mặt nay cảy vù (sưng phù)
    He he !...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà thơ xứ Nghệ mà nỏ hiểu hết về tiếng Nghệ rồi. Tiếng Nghệ ngoài hiện tượng biến vần, biến âm, còn có hiện tượng biến thanh điệu. Thường thanh ngã biến sang thanh nặng: thi đỗ - thi độ, quả đỗ - quả độ, Xã hội chủ nghĩa - xạ hội chủ nghịa.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    3. Nhức đầu quá sang đọc blog (Quang Thứ + Hương Ngàn) thấy hay hay - Chen ngang tý:
      Nhà Thơ cùng với Nhà Văn
      Tranh hùng bằng chữ - Rất Anh Anh hùng(Nói lắp)
      Người nghe thấy rất lung tung
      Tôi xin góp cùng một truyện cỏn con.
      .
      DẤU NẶNG(,) dấu ngã(~)
      Một anh học sinh nghèo xứ Nghệ ra Hà Nội học. Vốn tiết kiệm khi đi cắt tóc anh ta chọn mốt cái quán tàng tàng vắng khách của một ông thợ già. Hy vong cụ lấy giả rẻ và cắt lại cẩn thận.
      Choàng khăn cho khách xong ông thợ hỏi anh khách cắt thế nào đây. Anh khách trả lời:
      - Cắt như CỤ.
      Cụ thợ cầm lược chải bốn xung quanh từ đỉnh đầu xuống bốn phía. Rồi cụ đưa một đường tông đờ từ gáy lên tận đỉnh đầu. Anh khách thì mải nghĩ đâu đâu, đến khi cụ thợ đưa ba bốn đường anh ta mới nhận ra. Anh nháo nhào đẩy tay tông đơ của cụ ra kêu toáng lên:
      - Ai bảo cụ cắt nhứ ri.
      Cụ thợ cãi lại:
      - Anh bảo tôi cắt thế còn gì?
      Anh khách vặc lại:
      - Tôi bảo cụ cắt như cụ cơ mà!
      Cụ thợ khẳng định:
      - Đấy nhé chính anh vừa nói là cắt như cụ nhé. nói rồi ông giơ đầu trọc lốc của mình ra đối chứng và nói:
      - Anh bảo cắt như cụ thì tóc tôi đây, anh xem có giống không?
      Anh khách mặt đỏ lựng, giẩy nảy lên, chân giẫm bành bạch rồi gào lên:
      - Choa bảo như cụ,, như cụ.. như cụ cơ mà;mãi mà không ra được chữ cũ.
      Cư vậy cho đến lúc cho đến khi HT đến nghe thủng câu chuyện mới phân giải được. Trong lời phân giải có đoạn thế này:
      - ..... Cụ ơi đến nhà văn, nhà thơ xứ Nghệ nói với nhau bằng "Nghệ ngữ" mà còn chưa hiểu hết nữa là Cụ với em đây.... Thôi hòa. Cụ cắt miễn phí nốt cho em đi; còn em tý nữa ra mua cái mũ đội tháng sau là lại như cũ ấy mà.
      Cụ thợ thì cười còn cậu em thì phụng phịu - Chả biết đến khi nào.
      Đúng là: Chửi cha không băng pha tiếng" hai vị cũng vui vẻ đi nhé.

      Xóa
    4. Câu chuyện nào cũng chỉ để góp vui, nhưng xin lỗi nhà thơ, từ dung tục quá không nên viết một cách thẳng thừng như thế ở trang blog của phụ nữ! Xóm mình toàn những người thông minh, chỉ cần bóng gió xa xôi là đủ để hiểu và đủ để vui, sao lại có thể tương thẳng ra như thế nhỉ? Người xứ Nghệ chỉ trừ khi quá bức xúc mới nói thế, còn trong câu chuyện, khi đề cập đến từ dung tục, người ta dùng cách nói lái, cách nói hình tượng hoặc nói trổng, gợi là chính. Nếu không thế, những câu thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm sao tồn tại được hàng mấy thế kỷ?
      " Chành ra ba góc, da còn thiếu
      Khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa"
      (Vịnh cái quạt)
      "Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không" (Chơi đu)
      " Quân tử có thương thì đóng cọc
      Xin đừng mân mó nhựa ra tay"
      (Vịnh quả mít)
      Anh Hải Thăng ạ, nếu chuyện trò như thế mà anh bảo " hai vị cũng vui vẻ đi nhé" được sao?

      Xóa
    5. Thế thì nói như thế nào?
      Đến nói giải hòa mà cũng không ưng
      Thôi thì kín miệng như bưng
      Về nhà làm giấc xem chừng lại hơn.
      .
      Từ nay chừa thói - NGỨA MỒM.

      Xóa
  10. Chuyện của Hải Thăng zui mà , đâu có dung tục đâu , ông thợ cắt tóc ông đưa cái đầu thật ( trọc lóc ) ra so sánh , chứ ổng đâu đưa " Ông trọc " ra so sánh đâu , mấy Mệ cứ suy diễn lung tung, tội chết à nghen . Chắc trong nhà này nhiều Mệ bị lừa hay sao á , cứ nhắc tới một " Nửa " là cứ la làng giống như trúng gió zậy . Tôi bỏ cho Hải Thăng một phiếu
    Qua NT Salam gủi lời chúc an lành tới " Lão ' Tân 262' " và Quang thứ Trưởng nghen
    Good night

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Slam ơi, Mệ không trách anh Hải Thăng đâu, chỉ là nhắc nhở cái lời com của Trương nhà thơ kìa, nhưng nhà thơ đã biết ý xóa rồi, thôi Mệ cũng xí xóa luôn. Anh Hải Thăng thấy cãi nhau thì xông vào can thôi, nhưng giờ giận rồi. He he...
      Còn lời chúc thì Mệ không nhận mang hộ đâu, Slam đến nhà họ mà chơi cho biết ngài quê ta.

      Xóa
  11. Mấy lần vào HƯƠNG NGÀN đọc bài học lối hành văn (Khâu yếu nhất của mình) để về tập viết truyện ngắn. Nhưng trong ấy khí hậu có phần nóng hơn ngoài này. Đọc được vài dòng đã thấy mướt mát mồ hôi, tâm thần hoảng loạn. Không cố được đành thoát ra, thôi thì có rau ăn rau, có cháo ăn cháo vậy chứ cố tình xơ múi (ý nói là học tập) của người khác e có ngày không chịu nổi sức nóng thành điên mất.
    Tuy nhiên mình vẫn giữ được thăng bằng trong cái khí hậu vừa nóng, vừa khô ở đó. Mình vưỡn đủ tỉnh táo để nhận ra câu: "nhưng giờ giận rồi. He he... ". Cám ơn NT hiểu mình và nay mình cũng nói là: "nhưng giờ giận rồi. He he... " sau khi nghe câu này:
    - Mình rất buồn khi nghe một nhà văn, một bạn văn và nhất là một cô giáo nói với bạn văn chương truyền thống của mình như vậy.
    Cũng lại he he rồi biến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nóng là bởi tại ông trời
      Nếu chịu nóng tốt, thành người Nghệ An!
      Buồn cũng nỏ biết mần răng
      Tui buồn tui mới ...cãi hăng rứa nà.
      Hi hi...

      Xóa
    2. Nghệ An có tý gió Lào
      Mà ối người sợ không vào Nghệ An
      Mình lại không sợ món đó đâu nhá!
      Đã gửi Email rồi và cho thêm địa chỉ nữa nhé:
      http://thotruonghd.blogspot.com/2015/04/50-meo-cach-chua-benh-tu-dan-gian.html
      (Nếu không thì: Vào thư mục sức khỏe, nó ngay ở trên đầu)

      Xóa
  12. Chưa vào Quỳ Hợp thăm em
    Còn mê Nghệ ngữ còn thèm Thùng Mây...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rứa thì anh hãy vô đây
      Nhệ ngữ em dạy, Thung Mây em mời

      Xóa
    2. Vào rồi mới thấy ngất ngây
      Nghe ra không hiểu, mê say nỗi gì?
      Thở dài đánh sượt, thôi thì...
      Thung Mây cháo nhé, anh về Chí Linh!
      Hơ hơ...

      Xóa
  13. sang thăm bạn mới hiểu ra, lúc lâu lắm rồi, lúc phong trào "những việc cần làm ngay" mà mình nghe một quan chức xứ nghệ nói như là "những việc cần làm ngơ", bây giờ nghĩ lại mới biết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó không phải là sự biến âm mà người ta muốn mỉa mai giữa lời nói và việc làm đấy anh Mẫn.

      Xóa