Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

HOA TRÊN ĐỈNH NÚI -1

       Phần I: KHỞI CUỘC HÀNH TRÌNH
Na trở mình, bỗng giật thột khi thấy trời đã lờ mờ sáng. Bật dậy, ngó xuống bếp, ánh lửa bập bùng biết thầy đã dậy nấu cơm.
-         Sáng rồi hả thầy?
Thầy đang hơ tàu lá chuối trên ngọn lửa, không quay lại, giọng trầm ấm:
-         Gà mới gáy lần hai đó con. Ngủ được thì ngủ thêm chút nữa đi, lát thầy thức dậy.
Na ngồi xuống chiếc ghế con cạnh thầy:
-         Thôi, con ngồi với thầy cho vui, giờ ngủ lại cũng khó.
Thầy rọc tàu lá chuối, đặt ngay ngắn  từng mảnh chồng nhau trên chiếc mâm đồng rồi xới ba bát cơm, loại bát men Trung Quốc, úp tròn trịa trên lá. Mùi cơm thơm lan tỏa trong căn bếp ấm cúng.Tay thầy khéo léo ép, xoay, rồi gói lại thật vuông vức như chiếc bánh chưng. Lấy lạt cột lại, thầy bảo:
-         Cơm nắm càng chặt càng ngon. Đến tối ăn vẫn dẻo đó con.
Na nhìn thầy, lòng tự nhiên trào lên một niềm kính yêu và biết ơn vô hạn. Từ khi nhận biết được cuộc sống đến nay, đã bao lần Na thấy thầy dậy sớm, lụm cụm làm những nắm cơm như thế. Nắm cơm của thầy theo chị em Na đến trường vào những ngày học hai buổi hay sớm học  chiều  lao động. Nắm cơm của thầy theo chị em Na vào rừng chặt nứa hay cắt tranh. Nắm cơm của thầy theo chị em Na vào thung cày bừa, làm cỏ hay bẻ ngô, đào sắn. Nắm cơm theo thầy xuống ủy ban xã vào mùa tính công điểm cho xã viên hay những lần thầy họp ban quản trị hợp tác xã cả ngày bàn chuyện mùa vụ. Và cách đây ba năm, đùm cơm nắm của thầy cùng Na đi đến nhập học ở trường Cao đẳng sư phạm Nghệ Tĩnh. Khi đó, Na gắt thầy, bảo thầy làm thế chúng bạn cười cho, ai đời đi xuống thành phố mà cứ kè kè cái gói cơm như thế, xấu hổ chết. Thầy bảo xấu thầy chịu, đi đâu cũng phải lo cái ăn trước con ạ. Tiền mình không có nhiều, lỡ chưa có cơm tập đoàn thì sao. Thầy đèo Na bằng chiếc xe đạp thống nhất từ Quỳ Hợp xuống Nghĩa Đàn, cách nhà ba mươi cây số để bắt xe đi Vinh. Hai cha con xuống xe tại ngã tư ga, đạp xe sáu cây số mới đến trường. Đã quá trưa, chưa nhập được giấy tờ, hai cha con mở cơm nắm ngồi ăn dưới gốc phi lao. Bụi cát bay cuốn theo những cơn lốc xoáy, hất thẳng vào gói cơm, miếng cơm nhai lạo xạo những cát.
  Ba năm rồi, hôm nay thầy lại nắm cơm cho Na. Gói cơm nắm sẽ theo Na đi lên ngược vùng Quế Phong để bước vào cuộc đời dạy học, làm cô giáo ở  tuổi hai mươi. Bao nhiêu năm rồi, trán thầy  những nếp nhăn ngày càng sâu, má thầy càng ngày càng hóp lại, nhưng đùm cơm nắm cho con vẫn mịn màng, vẫn dẻo thơm, vẫn vuông vức như thế.
 Mẹ  cũng đã dậy. Bà với tay lấy chiếc lược dắt trên mái tranh, hỏi:
-         Xe chạy mấy giờ?
-         Thường xuất bến từ Vinh bảy giờ thì qua ngã ba săng lẻ cũng độ chín, mười giờ đó mẹ.
-         Thế mà thầy nó lùm cùm lạc cạc dậy từ ba giờ sáng.
-         Tính tôi hay lo, mà đã lo là không ngủ được, thôi thì dậy nấu cơm chuẩn bị  chu đáo cho con.
Cơm nước xong, thầy đã chằng buộc chắc chắn túi đồ vào một bên cái đèo hàng. Trước khi chị lai Na đi, thầy cứ nhắc đi nhắc lại:
-         Đi bên đường nha con,đi từ từ thôi, coi khéo xe chở gỗ nó chạy ẩu lắm đó.
  Con đường từ nhà  xuống ngã ba săng lẻ mười hai cây số thì gặp quốc lộ 48, đây là đường lâm nghiệp, xe chở gỗ ầm ì suốt ngày đêm. Con đường rải đá với dày đặc những ổ gà ổ vịt, ổ trâu ổ voi này Na đã quá quen thuộc suốt bảy năm học từ vỡ lòng đến hết cấp hai. Ba năm cấp ba rồi ba năm sư phạm, trở về con đường của tuổi ấu thơ  vẫn thế. Có khác chăng là những lồi lõm nhiều hơn, sâu hơn. Nắng thì bụi mù trời, mưa thì nước đọng từng vũng mấy ngày chưa khô hết. Ngồi sau lưng chị, Na lặng lẽ nhìn ngắm những cảnh vật vốn đã quá đỗi quen thuộc từ  ngày xưa. Chỗ khúc quanh này là những bụi mậm tẩm mà Na và các bạn thường chí chóe dành nhau  cây non, bóc vỏ ăn ngọt mát cả đầu lưỡi. Chỗ con dốc kia là những bụi lau xum xuê. Mùa lau chuẩn bị ra bông, Na cùng lũ bạn bóc những bông lau non chưa kịp trổ, nhai ngấu nghiến ngon lành. Quà của tuổi thơ đấy! Những món quà từ cây cỏ thiên nhiên ngọt mát tới bây giờ. Từng mùa quả mậm tẩm đỏ tươi qua đi, từng mùa lau trổ bông trắng xóa qua đi. Những vết sẹo do gai mậm tẩm cào, do lá cây lau cứa dần biến mất trên bắp tay, cổ tay con gái. Tuổi thơ Nacũng đã trôi về miền kỉ niệm. “Tạm biệt tất cả nhé, giờ mình đã thành cô giáo rồi đấy, cô giáo đang chuẩn bị cõng cái chữ về với bản làng xa xôi!” Na thầm thì với mọi vật, lòng bỗng thấy háo hức lạ thường.
  Lai Na đến ngã ba, chị vội trở về. Na chờ đúng hai tiếng đồng hồ, hết đứng lại ngồi, hết ngồi rồi dạo qua dạo lại nơi ngã ba lèo tèo vài quán bán nước chè, kẹo lạc . Mười giờ, chuyến xe duy nhất trong ngày chạy tuyến Vinh – Quế Phong mới xuất hiện.
  Yến đập sầm sầm nơi thành xe, báo xin  đón người. Na ì ạch xách túi đồ to tướng chạy theo. Một đám người nữa cũng tay xách nách mang chạy lúp xúp. Lơ xe, một tay xô những người đang cố sức bám cửa  leo lên, một tay xách chiếc túi của Na chuyển vào trong cho Yến rồi quát:
-         Bám mà leo lên đi, nhanh cho xe chạy.
 Na không tài nào tìm được cách bám vào cửa xe, vì chỗ lên xuống  đã đông đặc người. Na giơ tay, một bàn tay đàn ông nắm lấy, giật mạnh. Na gần như văng lên xe, đổ xô vào đám người chen chúc nơi cửa. Xe tăng tốc, bỏ lại gần chục người thất vọng quay về chờ chuyến ngày mai. Nếu không có Yến mua vé cho từ Vinh, Na cũng không có cái may mắn được đặt một bàn chân chỗ cửa lên xuống, tay bám vào thanh sắt phía trên, trong tư thế treo lơ lửng như con dơi suốt gần trăm cây số đường rừng để đến bến xe Quế Phong.
  Trong xe chật như nêm, nơi cửa xe cũng chỉ đủ chỗ cho mỗi người đặt được một bàn chân. Phía trên mui xe, hàng chục người bám vào dây buộc xe đạp, ngồi chồm hổm, lắc lư.  Chiếc xe năm mươi chỗ  chở khoảng một trăm sinh mạng con người nặng nề, ì ạch bò theo con đường 48, phả ra phía sau làn khói đen sì lẫn trong bụi đường cuộn lên từng cục.
   Nhưng đứng tim nhất là mỗi khi xe qua cầu. Những chiếc cầu gỗ bắc qua khe đã xộc xệch, gần như nát rữa.Người ta lấy dây chằng buộc, níu giữ bằng mọi cách để nó không sập xuống dưới cái lũng đen ngòm lởm chởm đá và nước. Xe nhích từng tí một, rón rén, cẩn thận, chính xác từng mi-li- mét như người làm xiếc đang đi trên dây. Hàng trăm con tim thon thót. Mọi người nín thở. Na nhắm mắt, khấn cầu trời đất phù hộ độ trì…Khi bánh sau của xe bám được vào mặt đường, ai nấy thở phào nhẹ nhõm!
 Xe đến bến vào lúc ba  giờ chiều. Chân tay Na tê dại, không thể bước đi được nữa. Na ngồi bệt xuống thảm cỏ nơi sân bến xe, mặc những đống phân trâu phân  bò lổm chổm quanh đó. Yến cũng đã lôi được hai cái túi du lịch ra. Đầu tóc xõa xượi, rối bù, nhưng cái giọng Diễn Châu của nó vẫn liến thoắng:
-         Từ ba giờ sáng anh Liêm đã dậy đạp xe từ Diễn Châu vào Vinh chồng giấy mua vé. May có thẻ thương binh nên mới mua được đấy. Mình đón ở ngã ba Diễn Châu chưa đông lắm.Xe đi một quãng lại dừng đón khách, chật như nêm cối! Đến ngã ba săng lẻ, mình cứ lo họ không dừng cho cậu lên nữa. Khiếp, mỗi lần xe lắc đảo, cứ như cả tấn thịt đè lên người. Cảm giác nếu là quả chuối chín, chắc mình đã bấy nhừ đi rồi ấy.
-         Còn mình đứng ngoài cửa, mỗi lần xe xóc nổi lên, cứ nghĩ  “người ơi ở lại xe đi nhé”, đi vài lần thế này về tuyển vào đoàn xiếc, hi hi...
-         Có mang cơm đi không? Đói rã ra rồi đây này – Yến giục.
 Khách trên bến đã tản đi hết,  chỉ còn lại chiếc xe ca xộc xệch hoen rỉ nằm mỏi mệt như gã cửu vạn sau một ngày làm việc quá sức.
 Nắng đầu thu đã nhạt hẳn, ngọn gió chiều phe phẩy mấy mái lều xơ xác.        

                                                                 (Còn nữa)




-          
-          

40 nhận xét:

  1. Chuyện khởi đầu cho một chuyện dài hoặc tiểu thuyết đây . Không hề có bóng dáng của truyện ngắn trong này. Dù cho có nhắm mắt....để đọc , lão vẫn nhận biết cách viết nghiêng về thể ký quen thuộc của tác giả.
    Có thể seri " Người Miền núi " trước đây được phác thảo cho một tiểu thuyết hay chuyện dài mà giờ đây truyện này đang khởi sự .
    Lão vẫn thấy có sự lan man nhiều khúc đoạn không cần thiết . Viết văn cần tránh rườm rà và tìm mọi cách rút gọn tình tiết . Khi viết là xem như phượt trên nền cảm xúc nên dễ theo dòng chảy lan man này mà nhiều người mắc phải.
    Nhưng mà hình như , mọi phụ nữ đều thích....dài (!) - Khổ thế. Nhận xét này có lần lão đã từng nhận xét đâu đó và nhận được sự...gật đầu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còm chuẩn thế này thì em chỉ dám hóng mỏ chờ đọc tiếp thui.
      Người viết rất cần những ý kiến xây dựng như thế này để viết tốt hơn chị hén ? ( dù có thể mai mốt mình....cũng viết y như thế. hì hì ).

      Xóa
    2. Với Lão:
      Nhắm mắt lại, lão chỉ có thể...mò! Mò mà chính xác được như thế thì một là lão đã quá quen đường đi lối lại, hai là lão có kĩ năng ...mò. He he...
      Đúng là em đang khởi sự viết một tiểu thuyết hoặc truyện dài mà "phôi" của nó là 8 bài viết trước đây không lâu. Tác phẩm sẽ phản ánh lịch sử về nền giáo dục một thời ở miến núi. Thời đó đã lùi vào dĩ vãng và sẽ đến lúc người ta không còn biết đến nữa. Hiện giờ đây, thế hệ trẻ nghe như nghe chuyện cổ tích, chúng không thể tin được cuộc sống mà một thời thế hệ trước đã trải qua. NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN của Ai-ma -tốp là một truyện dài rất có giá trị. Thông qua lời kể của bà viện sĩ An-tư-nai,những mảng màu của cuộc sống xưa (đầu thế kỉ XX) hiện lên sinh động và hấp dẫn, nhưng điều đáng nói là qua đó, người thời sau hiểu rõ về một thời gian khó của việc đưa con chữ đến những vùng hẻo lánh của đất nước, làm cuộc cách mạng văn hóa trong khi nhận thức về trường học của người dân là con số không.Em không có tài để viết được như Ai-ma -tốp, nhưng sẽ cố gắng viết được một cái gì đó vừa là sự tri ân đồng bào, vừa là để lớp trẻ sau này hiểu thêm quá khứ. Giờ đây, con đường vào trường em dạy ngày xưa đã rải nhựa phẳng lì, xe ô tô chạy hơn một tiếng là đến, cửa khẩu Lào - Việt nhộn nhịp, đông vui. Nhưng ngày ấy, bọn em đi bộ hết một ngày rưỡi, leo trên đá mà đi. Nhận thức về chuyện học hành của người dân cũng đã khác xưa nhiều lắm, khong còn cảnh cô giáo đến dỗ dành từng em, rồi bị phụ huynh chửi mắng. Giờ họ gửi con em ra học cấp 3, mong cho con thi đậu đại học...
      Về nhan đề tác phẩm, em chọn HOA TRÊN ĐỈNH NÚI là nói về các cô giáo miền xuôi lên dạy học. Hoa cứ nở thế thôi, cứ khoe sắc thế thôi, có ai nhọc công leo lên đỉnh núi hái hoa làm gì.
      Em chọn ngôi kể thứ nhất, ngoài mục đích tăng thêm độ tin cậy của người đọc đối với câu chuyện còn để dễ thể hiện cảm xúc, hồi tưởng, liên tưởng mở rộng theo chiều không gian, thời gian. Vì vậy mà lão sẽ còn chê ...dài ở nhiều phần sau nữa. Chuyện cơm nắm cũng là cách để kể về một thời "mo cơm quả cà" mà giờ dần biến mất, được lồng vào suy nghĩ của nhân vật "tôi" cho đỡ dài, dù như lão nói, phụ nữ ai cũng thích dài. Dòng cảm xúc trên đường đi xuống ngã ba cũng vậy, tác giả lan man cố ý ấy mà.
      Là đoạn truyện đầu tiên, hơi dài dòng với lão vậy. Sắp tới vào mùa kiểm tra và chẩm bài, dẹp mọi cảm hứng văn chương để lo chuyên môn. Khi nào rảnh viết tiếp. Kế hoạch 5 năm mà. He ...he...

      Xóa
    3. Với em Đan Thùy:
      Lão chỉ thích chê, và lão ghét nhất là...dài. Lão chê nhiều thì em sẽ mê cho coi. He he...

      Xóa
  2. Đọc đoạn văn thấy cả một miền ký ức tràn về . Một thời khốn khó , hồi xưa bà Già cũng hay nắm cơm cho mấy anh em mang đi làm . Nhưng nào được cơm không , mà còn độn biết bao nhiêu thứ . Bây giờ cuộc sống đủ đầy lại càng thương Mẹ ( Ông , Bà mất đã lâu )
    NT tả cảnh đi xe đò rất đúng vào thời đó , vì tôi cũng đã từng đi rất nhiều lần tuyến Vinh - Hợp , hồi đó ( 1977 - 1979 ) đường 48 cực kỳ xấu , mà xe đò thì thôi rồi , giờ bán ve chai chắc cũng chẳng ai mua . Mua được vé rất khó , mà ngồi thì toàn ngồi trên hàng hoá thôi . Hồi đó vùng đất Nghĩa Đàn - Quỳ Hợp còn hoang vắng lắm dân cũng rất khổ , ăn chủ yếu là khoai , sắn thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NT cố gắng tái tạo một cách chân thực nhất hiện thực của một thời Salam ạ. Đúng là thời đó, cơm nắm nhiều kh sắn nhiều hơn cơm. NT đã viết về điều đó rồi nhưng sau bỏ đi, do nó rườm rà cũng có, mà do thấy nó không cần thiết để phục vụ chủ đề. NT sẽ chỉ chọn những chi tiết để làm nền cho cảm xúc ở phần đầu này thôi. Khi nào rảnh, NT viết tiếp. Salam nhớ đến đọc nhé.

      Xóa
  3. NT chắc khởi sự trường thiên tiểu thuyết chăng?
    Em viết rất giàu cảm xúc, mạch lạc, dễ đọc và dễ hiểu. Tình người tình mẹ nghĩa cha, sâu sắc mà xúc động.
    Em thử cố chọn, chau chuốt ngôn từ hơn chút nữa, câu văn càng gọn, đắt thì càng tốt. Đừng sợ diễn đạt thiếu.
    Xin lỗi nếu làm phật ý NT!
    Thấy sao nói vậy, mà thực ra Sỏi đã làm việc ''múa rìu qua mắt thợ rồi''. Hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là khởi sự cho một tiểu thuyết đó anh. Nhưng chưa biết có thành công không.
      Hãy góp ý thoải mái và chân thành cho em, em chỉ là một người thợ học việc thôi! Sỏi là một thanh kiếm sắc đấy, không phải rìu đâu.

      Xóa
  4. Đại ý: nói về chuyến hành trình thú vị và đầy ấn tượng của tác già.... hiiiiiii.........
    CHÚC TH KỲ NGHỈ HÈ CÓ NHIỀU ĐIỀU MỚI NHÉ!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cọn tiểu ý thì còn những điều thú vị khác, phải không Mưa? "Tôi" là nhâ vật kể chuyện, chưa hẳn là tác giả Mưa à.

      Xóa
  5. cái mà mình cảm nhận là món cơm nắm mà ngày xưa mẹ mình hay làm cho mình mang theo mỗi khi đi làm công tác. đọc mà như còn xa lắm vậy. chúc bạn thành công nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời cơm nắm đã lùi xa rồi, anh Mẫn nhỉ? Nhớ lại chỉ bùi ngùi thương mẹ cha thôi.

      Xóa
  6. Văn viết chân thực và có cảm xúc. Món cơm nắm của bố em ngon quá. Ngon cả về cơm và về tình. Nhưng ngon nhất là món "đòng đòng lau". Bọn anh (Tuân Thu) chưa được ăn món này bao giờ. Nếu trong Quỳ Hợp còn thì kiếm giúp bọn anh một ít.Xin cám ơn trước..
    Văn tiểu thuyết mà diễn tiến thế là khá nhanh.Nhưng ở nhịp độ này dễ đọc và cuốn hút hơn. Nếu dềnh dàng quá người đọc dễ nản và đọc lướt. Hoa trên đỉnh núi đã là tên chính thức chưa ? Có vẻ chưa lạ và đặn sắc mấy. Chúc Nhật Thành bền giữ được nguồn cảm hứng viết đều tay, trôi chảy và thành công.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi ấy bọn em gọi là đọt lau. Đọt càng non càng ngọt, càng mềm. Nếu khong có đọt non thì đọt sắp trổ bông cũng ăn tuốt, cứ nhai như bò nhai rơm. Hối ấy đói, gì cũng thấy ngon. Giờ thì hai bên đường toàn nhà thôi, không có chỗ cho bụi lau nữa. Quà của tuổi thơ bây giờ trong quán!
      Em cũng mời đặt thở tê vậy thôi, viết xong rồi suy nghĩ thêm. Thường truyện ngắn thì viết xong em cũng mới tìm tên cho nó.
      Để ít lâu nữa rảnh, em viết tiếp anh ạ.

      Xóa
  7. 1- Những gì đáng nói thì LÃO nói rồi, chỉ có khác là bu tui đeo kính 3.75 độ để đọc chớ không “nhắm mắt” mà đọc được.
    Văn chương neo được vào lòng người nhờ chi tiết. Đoạn thầy hơ lá chuối cho mềm ra, đặt từng lớp trên mâm đồng, úp vào đó ba bát men Trung Quốc cơm nóng thơm lừng rồi khéo léo ép xoay cho vuông vức như cái bánh chưng tạo ra không khí gia đình thân thương mà ấm cúng lắm. Cô con gái tuổi 20 sắp làm cô giáo, mắt nhắm mắt mở ngồi xem thầy gói cơm, “lòng tự nhiên trào lên một niềm kính yêu và biết ơn vô hạn”. Nhưng nếu cô ngồi xuống phụ với thầy một tay để gói cơm thì tính hồn nhiên, vô tư lự, cái gì cũng thầy mẹ yêu chiều làm cho không còn nữa.
    2- Bu tui rất tâm đắc khi “Với Lão” bạn nhắc đến “Người thầy đầu tiên” của Aimatôp. Một thời bui tui phải đọc chui tác giả này vì ông GS Hoàng Xuân Nhị khởi sự viết một loạt bài đánh tơi bời trên báo chí. Những Người thầy đầu tiên, Cây phong non trùm khăn đỏ, Gia mi li a làm bu tui bàng hoàng. Lên lớp nghe thầy giảng kết cấu thép, cơ học lý thuyết, cứ lục bục như tiếng nổ ngô rang. Mà cũng lạ, nhà văn kì tài này viết một loạt tiểu thuyết như Đoạn đầu đài, Con tàu trắng, Một ngày dài hơn thế kỉ, không để lại cảm xúc gì nhiều vơi bu như chuyện ngắn của ông. Có thể ông mạnh chỗ này mà không mạnh chỗ khác, có thể người đọc là bu tui dốt văn chương.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với em thì lão chỉ chê thôi, chẳng mấy khi khen. Em cũng quen thế rồi.
      Anh nói rất đúng, thầy cứ làm mọi việc cho ta, chăm chút cho ta, còn ta thì xem như đó là đương nhiên được hưởng.
      Hồi trước em chẳng có nhiều sách để đọc. Thỉnh thoảng mượn được cuốn nào thì đọc đi đọc lại cho thuộc làu, mà ở miền núi hồi đó cũng chẳng mấy ai quan tâm đến sách vở, chỉ chủ yếu là lo đi...làm cỏ thôi! He he...
      Anh Bu đọc được nhiều quá, hay đọc thế mà bảo dốt văn thì cũng lạ!

      Xóa
  8. 1- Phải nhận là LÃO viết rất sắc sảo, Võ Đan Thùy khen còm chuẩn là đúng. Không thấý Lão chê chỗ nào ngoài câu hình như phụ nữ thích viết dài...nhưng vẫn được ai đó gật đầu. Lão không khẳng định mà chỉ hình như thôi. Có một ông bạn ảo như vậy thật hay.
    2- Nói đến đọc thì bạn bấm đúng huyệt bu tui rồi. Hiện nay bu chuyên đọc hai thứ Phật giáo và lịch sử. Nếu trung tuần tháng 6 tới bạn đến nhà bu thì chủ nhà không có gì để khoe ngoài sách. Trong số khoảng 2000 quyển thi 1/10 là Phật giáo, 1/10 khác là lịch sử, còn lại thù đủ thứ trên đời...Nhà không còn chỗ để sách phải cho vào thùng các tông nhét xuống gầm phản... huhu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một lần nữa lão lại phải chen ngang vỗ tay vì lời còm của anh .
      - Nguyên văn của lão là...Mọi phụ nữ đều thích...dài - không hề có động từ viết nhé anh!
      - Lão rất khâm phục một lượng sách nhà anh. Phải là .."Mọt " sách giống lai mới có đủ sức và đam mê mới gặm nhấm hết ngần ấy quyển. Đọc nhiều không mấy tốt cho đôi mắt đâu anh. Tốt hơn hết anh nên cho bớt đi , ví như cho lão vài chục cuốn và Nhật Thành , Hòn sỏi mỗi người vài chục cuốn chằng han....Hehe .
      - Trên blog này , ít ai viết tặng cho nhau. Với bài : Cầu Siêu " là anh viết riêng tặng Nhật Thành . Với lão , lão củng từng viết tặng Nhật Thành một bài về thơ. Xem ra , hai ta chắc phải....đấu súng mới xong anh à! Hahaha
      - Bài viết tặng Nhật Thành đây http://tan262.blogspot.com/2014/09/nha-khong-co-bo.html#more

      Xóa
    2. Lão ơi
      1- Bu tui chưa được ai gọi là Lão nhưng kì thực đã “lão lai tài tận” rồi cho nên lẩn thẩn thêm vào chữ “viết” khi trích dẫn Lão. Mong Lão đại xá cho. Bu tui được nhiều chị em hỏi việc nọ việc kia mà chủ yêu là đạo Phật. Hỏi thì trả lời theo phương châm “biết thưa thốt không biết dựa cột nghe”. Trả lời em Nhật Thành cũng không có gì đặc biệt hơn, mà có ưu ái hơn chút xíu cũng phải, vì em ấy là người Nghệ đang dạy học và làm văn chương. Nhỡ ra khi trước tác mà liên quan đến cầu siêu thì em ấy có chỗ để tham khảo.
      2- Bu tui cũng giống Lão là thích người đẹp, thích theo kiểu xem triển lãm “không sờ hiện vật”, cho nên được chị em khen có văn hóa. Những năm Mỹ đánh ác liệt vào xóm Cộn nơi sơ tán của dân thị xã Đồng Hới, quê hương Hai Bọ. Bu tui ngoài công việc chỉ còn niềm vui nằm hầm đọc sách. Gần chỗ bu có nhà sách ngầm dưới đất, người bán sách là một phụ nữ tuyệt vốn là nghệ sĩ múa Ba Lê, đã có hai con, chồng chiến đấu trong Nam. Cậu bu mua sách nhiều quá đâm thân thiết với người bán. Và ngoài niềm vui đọc sách bu tui có thêm nguồn vui ngắm người đẹp mà mình vẫn lễ phép gọi là chị. Sau ngày Hòa bình chồng chị về không được bao lâu thì qua đời do ung thư, Hiện chị ở Sài Gòn, bu đang tìm địa chỉ để đến thăm.
      3- Nàng Nhật Thành nghe đâu sắp vào thành phố biển Vũng Tàu. Nếu nàng đến nhà bu thì chủ nhà sẽ tặng khách đặc sản sách, gồm hai quyển: Một quyển sách phô tô khổ A4 rất hay bu đã đọc đến lần thứ 2. Một quyển khác do khách tự chọn trong số: truyện, tiểu thuyết, thơ (chớ không phải sách công cụ dùng để tra cứu). Bu tui có thể gả em vợ tuyệt đẹp cho Lão, nhưng không sách Lão để “phạt” tội thường chê Nhật Thành như cô ấy nói… hihi

      Xóa
    3. Đ/C: xin đọc là
      ...người bán sách là một phụ nữ tuyệt đẹp vốn là nghệ sĩ múa Ba Lê..

      Xóa
    4. Em cũng có ý giồng Lão, anh Bu à, cả 2000 cuốn sách, không có chỗ để, mà dự định khách đến nhà chỉ cho có 2 cuốn thì...tốn tiền vé máy bay quá! Thôi thì anh cứ soạn ra khoảng 100 cuốn đủ các loại, nếu Lão hay Hòn Sỏi mà bưng không hết thì để em thuê...máy bay chở về Quỳ Hợp, nha anh.
      Còn việc đấu súng thì anh Bu cứ mạnh dạn nhận lời đi, đừng sợ. Nếu lão giương nòng, anh Bu cứ đẩy cô em vợ ra là...ổn! He he...

      Xóa
    5. Ôi hay quá! Cầu mong cuộc đấu súng xảy ra sớm hơn. và cả hai cùng trúng đạn. Người chưa viết cho ai bài nào sẽ làm trọng tài...
      Hehe! Sỏi sẽ có cơ hội lớn! Các cụ để lại câu ca dao ""cốc mò cò xơi"" thật hay hè hè!

      Xóa
    6. Sỏi khoan mừng, bu tui đưa cô em vợ ra thì Lão thần hồn nát thần tính bắn đạn lên trời. Cô em vợ tui giật ngay súng của tui để Lão bình anh vô sự. Thé là hai kì phùng đich thủ vẫn sông nhăn răng....hihi

      Xóa
    7. Anh Bu ơi, chi tiết đầy gay cấn này phải hình dung như sau:
      Bu và Tan đứng đối mặt nhau trên một khoảng đất trống. Ánh mắt Bu tỏ rõ sự hoang mang, vì trước mặt là người đồng hương vợ. Súng của Bu cứ nhấp nhổm không giương lên được. Trong lúc đó, nòng súng của Tan cứ nâng lên, nâng lên...Bống cô em vợ của Bu xuất hiện! Tan thảng thốt trước đôi mắt tuyệt đẹp của nàng, người nóng ran trước những đường cong mềm mại của nàng trong tà áo dài duyên dáng...Nòng súng vụt dựng thẳng tưng như...cột cờ Hà Nội. Tan bóp cò! Đạn thối!
      Nàng thở dài, chán nản bỏ đi!
      He ... he...

      Xóa
    8. Viết như NT đây thì súng mà ứ phải súng... Nó là cái gì ý!

      HIHI!

      Xóa
    9. Viết cái gì là của người viết, còn hiểu cái gì là quyền người đọc mà. Trong đầu Sỏi nghĩ cái gì thì nó là cái ấy. He he...
      Hôm nay chấm văn cho học trò, cảm nhận bài ca dao "Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng...", có đứa viết: "Em đã từng nhìn thấy cánh đồng rộng mênh mông ở quê em, nhưng đó là khi lúa đã chín. Mọi người ra đồng đều mang theo một cái gì cong cong như quả chuối, em không biết đó là cái gì nhưng không dám hỏi..." Em phải phê bên lề cho nó: Theo cô nghĩ, đó là cái liềm.
      Đấy, phải dựa vào sự miêu tả mà đoán cho đúng chứ!

      Xóa
  9. Nói NT nghe ! Hồi trước các bậc Hôn Quân mất nước cũng vì nghe những lời khen nịnh của những kẻ nịnh thần . Cha ông mình đã đúc kết rồi " Kẻ chê ta chính là Thầy ta "
    Tôi mới vào blog này , nhưng tôi cảm nhận tất cả những người tham gia comment đều tuyệt vời , đó là điều tôi vẫn hằng tìm kiếm bấy lâu nay . NT có được những người như Hòn Sỏi , Lão Tân , bác Bu vvv. tham gia góp ý đó là điều đáng mừng . Khoan vội xù lông khi người góp ý với mình dù điều đó có hơi làm mình khó chịu . NT biết hôn tôi đọc hết comment Bạn trả lời bác Bu về " Thị Mầu ) đó là điều không nên ( Tôi bị vạ lây , tôi biết trước điều đó khi cổ suý cho bạn )
    Vẫn biết Bạn là Bạn , Tôi là Tôi , phải nghe những lời góp ý của những người chân thành , nếu vì một niềm hãnh diện , một tự ái cá nhân , thì xin mời Bạn cứ múa gậy vườn hoang một mình
    Cuốn tiểu thuyết mà bạn ấp ủ bao lâu nay , nếu viết trên blog đọc chơi thì không sao , còn nếu in xuất bản ra ngoài xã hội liệu có thành công ? Có bao nhiêu độc giả tìm đọc ?
    Salam chưa bình luận gì , vì tiểu thuyết của Bạn mới sơ lược mấy dòng , còn sau này khi đi vào chi tiết , hay tự sự , hay sự kiện , lúc ấy sẽ nhận xét , còn bây giờ tếu táo cho vui thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão xin chen ngang, mời người anh em đọc thêm bài này của lão để hiểu và biết nhau thêm .
      http://tan262.blogspot.com/2014/09/nha-khong-co-bo.html#more

      Xóa
    2. Salam ơi, NT đã bái Lão làm sư phụ lâu rồi, Salam có thể xem ở đây:
      http://nhatthanhho.blogspot.com/2014/09/nhan-truyen-ga-hang-xom.html
      Ở trang HƯƠNG NGÀN, cả chủ và khách đều thoải mái tranh luận, đừng ngại mang vạ gì cả Salam nhé.

      Xóa
  10. Mình thích cách viết này của Nhật Thành và mình nghĩ rằng phần khởi đầu cho một tiểu thuyết viết rứa là hay. Tự nhiên, chân thực, giàu cảm xúc và vừa phải chứ không lan man dàn trải chi mô.Mình nghĩ truyện khác thơ chính là ở chỗ cần cụ thể, chi tiết đó.
    Còn lão Tan lão nói là phụ nữ "ai cũng thích dài "thì trúng phóc rồi. Không dài ngán thấy mồ luôn Nhật Thành nhỉ?
    Mong Nhật Thành giữ mãi được nguồn cảm hứng tự nhiên chân thực và dào dạt này trong suốt quá trình viết nha em. Mình luôn chờ đọc và cổ vũ em. Cố nhiên nếu thấy chỗ mô không ổn mình cũng sẽ góp ý ra trò chứ không nương nhẹ mô.
    ( Song Thu. Máy mình bị hỏng chuột mà bận quá chưa thay được, mượn máy của chàng nhưng lười đăng xuất, đăng nhập lại. Đành chú thích vậy)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không cần chị Thu chú giải, nghe qua giọng là em biết chị rồi. Chị cứ "cho roi cho vọt" thoải mái đi, em rất cần điều đó mà.
      Đúng là ngắn thì...chán quá chị nhỉ? He he...

      Xóa
    2. Nếu phải cho roi cho vọt chị cũng cho luôn đó nha. Nhưng ở phần mở đầu tiểu thuyết này chị chưa tìm ra chỗ đáng cho roi. Chị mới tìm ra hai điểm nhấn là hình ảnh người cha và chuyến xe khách trong hành trình vào đời của NT. Mình thấy hai hình ảnh đó em đều chọn được những chi tiết cụ thể, đắt giá và có cách viết rất sinh động, tự nhiên để qua đó người đọc không chỉ nhận ra cuộc sống khốn khó của một thời mà còn thấy tình cha con, tình bầu bạn thật tuyệt nữa( Cô bạn mua vé và đón NT tuy xuất hiện rất ít nhưng vẫn cho mình cảm giác đó) Ngoài ra đan cài vào hai hình ảnh chủ đạo trên còn có những kí ức tuổi thơ thật ngọt ngào của NT nữa. Mình nghĩ viết được như rứa là rất khá NT ạ

      Xóa
    3. Em sẽ cố gắng, chị nhé. Nhưng tuần này tập trung thi và chấm bài học kì chị ơi. Đi cả ngày, mệt bã người ra. Bình thường cũng dạy cả ngày, có khi chiều 2 ca, nhưng thấy bình thường. Giờ chỉ ngồi coi các cháu thi mà mệt!
      Tiếp theo, trong dự kiến em vẫn dông dài một chút để phản ánh cả cuộc sống sinh viên thời đó nữa chị ạ. Tính em vốn tham lam, cái gì cũng muốn khuôn vào, lão Tan bảo lan man, con cà con kê, nhưng quen rồi. Thế nên em mới thử chọn thể loại tiểu thuyết xem sao.

      Xóa
  11. NT Ơi!
    Lao Tan, Anh Bu, Salam... Đều có lý cả tuy nhiên không ai nói rõ ra cả, anh thích nhất câu comments của Lao Tan : ''Khi viết là xem như phượt trên nền cảm xúc nên dễ theo dòng chảy lan man này mà nhiều người mắc phải.'' Viết thì phải có cảm xúc nhưng truyện dài (ngay cả chuyện ngắn) nhiều khi viết theo đề cương đã hoạch định, chủ yếu là kỹ thuật và xử lý tình huống sao cho không bị ""Phô"" . Kỵ nhất là người đọc cảm thấy nhàn nhạt. Bây giờ có cả ngàn đầu sách một năm, nhưng có được mấy cuốn đáng đọc. Phải bình tĩnh và cân nhắc kỹ, có lẽ phải hoạch định đề cương cụ thể em ạ! Mong em thành công.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tất nhiên là có đề cương chứ anh. Nhưng từ đề cương mà viết cho ra chuyện cũng khá công phu anh ạ. Thì cứ viết, có gì nhờ các sư phụ chỉ giáo. Từ bản thảo này cho đến khi in (nếu có tiền), đang sửa sang, thêm bớt nhiều. Phần sửa cũng tốn công lắm, phải không anh?

      Xóa
    2. NT ơi ! Bạn ấp ủ cuốn tiểu thuyêt đầu tay của Bạn , điều đó thật đáng mừng . Những tiểu tiết hay những tự sự của Bạn sau này tôi và những người Bạn trong Blog này sẽ góp ý chỉnh sửa cho Bạn
      Tôi là người kinh doanh ( Kinh doanh ĐŨA ) . Tôi biết khi một sản phẩm , nhất là sản phẩm văn học . NT biết không biết bao nhiêu cây đa cây đề trong làng văn mà tác phẩm của họ khi xuất bản chỉ để biếu anh em bạn bè , nếu có ký gửi ở nhà sách thì cũng để phủ bụi mà thôi . Tôi cũng thỉnh thoảng đưa con đi nhà sách , nhìn những tác phẩm văn học của những tên tuổi trong nền văn học nước nhà nằm đìu hiu trên kệ sách , lòng cảm thấy rất chạnh lòng
      NT là cô giáo , tôi khuyên Bạn gần gũi học sinh của mình , hỏi xem tâm tư tình cảm chúng nghĩ gì , thích đọc sách gì , và quan trọng chúng cảm nhận được gì trong tác phẩm của Bạn . Salam nói như vậy để NT biết tác phẩm của Bạn không phải cho những thế hệ cũ hồi tưởng những quá khứ ( còn bao nhiêu người ? ) hay cho những lớp trẻ hiện tại ( Bạn có hiểu chúng suy nghĩ như thế nào về văn học đương đại ? ) . Tác phẩm của Bạn còn dành cho những thế hệ sau ( Ví dụ như cháu ngoại của Ban đọc ? )
      Nói thật vói NT một cuốn tiểu thuyết khi xuất bản ra công chúng là cả một trần ai . Qua được khâu kiểm duyệt , đén khi ra mắt công chúng liệu có ai là người mua để đọc ( Bạn bè trên Blog và bằng hữu chỉ ủng hộ tôi đa vài trăm cuốn )
      Salam muốn nói với Bạn ( Không phải dìm hàng ) không phải vì bạn tin tưởng là đề cương có sẵn giờ chỉ triển khai là được . Hỏi NT một câu ! Tại sao tiểu thuyết ( Sợi xích của Lê huyền Như ) nếu cho tôi hay cho Bạn , tôi và Bạn sẵn sàng vứt vào thùng rác , tại sao tụ nhỏ say mê và lùng mua để đọc ? Phải biết tâm lý của lớp trẻ hiện tại , Bạn có thể hỏi con Bạn
      Đam mê của Bạn bạn hãy cố gìn giữ , không phải vì những lời góp ý của Salam mà từ bỏ, tui nỏ ưng rứa mô mọi nơi mọi chộ , khi mô choa vận ụng hộ mệ mi , choa rứa tề , bây cười hợ mười hàm răng

      Xóa
    3. Trời ạ, răng âm mi lo những chuyện to như ông trời rứa?
      Nha chỉ viết vì thích viết thế thôi, in hay không chưa bàn đến. Dạo trước, khi kết nạp vào Hội VHNT, nha bảo: "Với tôi, dạy học là nồi cơm, còn sáng tác văn chương chỉ là lọ hoa để bàn." Nó chỉ làm đẹp thêm một chút cho đời thế thôi âm mi ơi, nghĩ chi nhiều như một nghề kinh doanh cho nó nhoọc cái trôốc.

      Xóa
  12. Viết cho bạn bè đọc để coi như giao lưu trên mạng vậy. Lúc rảnh lôi ra nhâm nhi. Văn mình thường là hay mà. Người ta nói đúng em ạ, bởi chỉ mình mới hiểu mình thôi. Em viết đi, anh đọc cho, Anh nhớ Quỳ Hợp vì mùa mưa toàn bj mất giày. Đất giữ mất mà. Anh đã ở đó từ tháng Năm 1975 đến sau Tết 1976, từ đó chưa trở lại lần nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quỳ Hợp đất mến người anh à. Hồi đó anh học phổ thông ở Quỳ Hợp à?
      Lúc nào rảnh, mời anh lên QH nhởi nha anh.

      Xóa