Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

HOA TRÊN ĐỈNH NÚI 4

  QUYẾT ĐỊNH...

  



                                         (Na tôi ngày ấy - Bây giờ)

  Na ngồi bó gối nhìn ra màn mưa trắng xóa. Những giọt mưa xiên chéo rơi rào rào trên sân. Nước ngập mấy bồn hoa trước thềm. Những đóa loa kèn rũ rượi, bầm dập tơi tả. Yến ngồi quay lưng, hí húi thêu. Bàn tay mềm mại của Yến lích, luồn, tỉ mẩn, công phu từng đường kim mũi chỉ trên chiếc gối đôi. Vừa thêu, Yến vừa  khe khẽ hát “ nhìn ngôi sao lấp lánh suốt canh thâu…như mắt ai lấp lánh…đang nhìn nhau. Làn gió mát thoang thoáng hương đưa, nhặt cành hoa trước thềm…” Cũng như Yến, Na cũng đã  gửi những giấc mơ về tình yêu, hạnh phúc lên chiếc gối đôi mà cô đã kì công thêu trong những ngày ở trường. Giờ thì chiếc gối trắng có bông hoa hồng đỏ thắm, đôi chim bồ câu xanh ngậm dải lụa hồng có hai chữ  “Hạnh phúc”  ấy đang nằm yên dưới đáy túi du lịch. Na ngoảnh sang Yến, dài giọng:
    - Thôi đi, trời thì mưa dầm mưa dề, sao với chả trăng.
Yến quay lại, nhe chiếc răng khểnh:
 -  Hì hì…người ta bảo, trong mắt của những người đang yêu bao giờ cũng có một khoảng trời xanh, cho dù trời đang đổ mưa  đấy thôi?
-       Biết ngay mà, nhớ chàng nên lôi gối ra thêu.
-        Chứ sao, còn hơn có kẻ thêu gối xong rồi nên không có cơ hội mà nhớ nữa!
-         Thèm vào mà nhớ!
-          Không thèm vào chả lẽ lại thèm ra? Hi hi…
Na thụi một cái vào lưng Yến:
-         Đừng có mà thánh tướng!
  Yến vứt cả khuôn thêu và gối xuống giường, lấy hai tay thọc lét vào sườn Na, Na cười sằng sặc, “thôi, thôi, không chơi trò thọc lét đâu” “ai bảo đấm người ta đau thế”. Na ngã lăn quay từ trên giường xuống đất. Tiếng cười hai đứa át cả tiếng mưa rơi.
-         À, Na này, cậu có nhớ lần mình gặp “ma” ở khu nhà bếp ấy không?
-        Nhớ chứ sao không. Giá mà đêm đó mình có chiếc đèn pin nhỉ?
-         Làm gì?
-          Thì khi thấy hai đứa nó hôn nhau, mình rọi một phát. Chắc chúng tưởng bảo vệ mà hoảng hồn buông nhau chạy.
-          Chúng nó hôn nhau chứ có đi chọc lò đâu mà sợ bảo vệ? Nhưng mà theo Na thì đôi ấy có lấy nhau không?
-         Cái đó có trời biết. Nhưng theo mình, con trai yêu  mà cứ thề thốt  trơn như bánh mướt quét mỡ thế thì khó tin lắm.
-          Nhưng cũng phải thề mới tin được chứ.
-          Chẳng cần thiết!
-         Vậy Na và anh Ninh chưa bao giờ thề à?
-         Chưa.
-        Trách gì mà cậu “phăng teo” dễ dàng thế.
-       Nếu là Yến, Yến có chấp nhận lấy một người như anh ấy không?
-         - Chẳng biết nữa, nhưng nếu lấy, ít ra thì hôm nay Yến và Na không có mặt ở xứ khỉ ho cò gáy này. Mà này, Yến đang muốn bàn với Na một việc…
  -   Việc gì?
Yến chợt im lặng, mắt trầm tư nhìn ra ngoài trời đang trắng xóa một màu mưa.
Na cũng thả mình trong âm âm tiếng mưa rơi, trong tâm tưởng ngân lên lời bài hát nhạc vàng buồn não nuột: “giá như ngày ấy mình đừng quen nhau…thì giờ đây có đau khổ đâu…” Thực tình thì Na không đau khổ,không luyến tiếc mà  chỉ buồn thôi. Người ta bảo mối tình đầu lãng mạn lắm, đẹp lắm. Nó như một loài hoa kì lạ, năm tháng qua đi, dù hoa tàn cánh rã nhưng hương thơm của nó vẫn phảng phất, quyến rũ hồn ta suốt cả cuộc đời. Na chẳng thấy lãng mạn, Na cũng không thấy có gì đẹp đẽ cả. Mối tình đầu đến và đi, xẹt qua tuổi mười chín như tia chớp giữa trời, không để lại chút thổn thức lúc nhớ về kỉ niệm, không có chút xao xuyến khi nghĩ lại những ánh mắt, nụ cười, không đọng chút vấn vương mỗi lần nhắc đến.  Na đang ở tuổi đi tìm kiếm thế giới tình yêu lấp lánh ánh sao bạc, dịu dàng vầng trăng vàng, bồng bềnh làn mây trắng. Còn anh là người đàn ông lớn tuổi vội vàng, gấp gáp đi tìm một đối tác cho cuộc hôn nhân của mình. Chỉ thế thôi. 
-    Na này…
-  Yến nói đi.
  -    Hay đợi trời tạnh mưa mình vào nhà thầy trưởng phòng xem. Chứ vào Thông Thụ xa như thế…
-   Nhưng chúng mình cầm quyết định rồi.
 - Mặc, cứ  vào nhà gặp thầy trình bày thử, nếu không được thì tính tiếp.

Thầy trưởng phòng tiếp hai đứa ngay ở gian hoòng nọc ( gian ngoài cùng, chỗ bắc cầu thang của nhà sàn người Thái). Cầm chiếc ấm nhôm, thầy rót ra ba bát nước xanh lè:
- Hai cô uống nước đi.
Thấy mắt hai cô giáo trẻ tròn xoe nhìn vào bát nước, thầy cười:
- Chè đâm đấy, uống rất tốt cho sức khỏe.
- Là nước thuốc hả thầy? Yến hỏi.
- Không, là nước chè, nhưng không nấu hoặc om như người xuôi mà giã lá chè nhuyễn ra, đổ nước suổi vào lọc để uống.
- Uống thế không đau bụng hả thầy? - Na thắc mắc.
- Người Thái uống quanh năm, chẳng những không đau bụng mà còn lợi tiểu, giúp ngủ ngon. Uống nó vào còn chống được say rượu mà.
Nói rồi thầy bưng bát nước chè, uống một ngụm lớn. Đặt bát xuống, thầy nhìn hai cô giáo trẻ một cách trìu mến:
- Người giáo viên  dạy học ở miền núi cần phải hiểu về cuộc sống của đồng bào thì việc mang cái chữ đến  cho con em họ mới thành công được. Các cô phải hiểu từ cách ăn, cách mặc, tiếng nói... tóm lại là phong tục, văn hóa của họ để làm tốt việc giáo dục của mình.
- Thưa thầy, bọn em vào đây muốn...
Yến đang ngập ngừng thì thầy cười và nói tiếp:
- Muốn đổi quyết định chứ gì?
- Ơ, sao thầy biết ạ? - Na ngơ ngác.
Thầy cười thật to, tràng cười thoải mái mang cái âm thanh mộc mạc khỏe khoắn của người miền núi rồi bảo:
-  Xưa nay chẳng có cô giáo trẻ nào đi bộ ba cây số chỉ để vào thăm hỏi sức khỏe lão già này đâu. Hơ hơ hơ...
Dứt tiếng cười, thầy cầm lấy điếu thuốc lào, thong thả tra thuốc vào nỏ, bật lửa, châm đóm, thầy lại nói chậm rãi:
- Tuổi trẻ đừng ngại khó, ngại khổ. Khi ra trường, các cô chẳng phải đã viết trong đơn: "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần" đó sao? Hôm trước thầy Thuận có nói với tôi là đã phân hai cô đi Thông Thụ ...
Đóm tắt, thầy dụi tàn, lại bật lửa châm tiếp. Rít một hơi giòn tan, thầy ngả mặt, chậm rãi nhả khói.
- Nhưng  chúng em con gái, thầy có thể ưu tiên, với lại... Yến  ngập ngừng.
Thầy đặt điếu xuống, bưng bát nước uống một hơi hết nhẵn:
- Kìa, hai cô uống nước đi.
Na nhấp một ngụm nhỏ. Nước thơm, hơi chát nhưng uống xong có vị ngọt mát thật dễ chịu.
- Đấy, cứ uống đi, uống quen rồi nghiện phải biết! Nó cũng như người miền núi vậy, lúc đầu chưa quen thì ngại, thì sợ, thậm chí còn có người khinh thường, nhưng sống lâu mới thấy hết cái tình người chân chất, cái ân nghĩa nặng sâu của đồng bào. Còn nói ưu tiên cho con gái ư? Thế các cô thử tính xem, trong ngành giáo dục bậc học cấp 1, cấp 2 thì có bao nhiêu đàn ông con trai? 
Rồi thầy hạ giọng, nói như tâm sự:
- Giáo viên toàn ngành thiếu, giáo viên cho vùng sâu lại trầm trọng thiếu. Hiện trường cấp 1,2  Thông Thụ có bốn lớp cấp 2 nhưng mới có hai giáo viên 10 +3, có người chủ nhiệm 2 lớp,  hiệu trưởng cũng phải kiêm chủ nhiệm một lớp. Hôm trước hiệu trưởng trong đó ra họp phát biểu: "Tôi là hiệu trưởng giỏi nhất Đông Nam Á này đấy. Vừa làm hiệu trưởng, vừa làm chủ nhiệm, học trung cấp sư phạm toán lý mà dạy cả văn, cả sử, cả địa!" Mọi người cười ồ, nhưng tôi thì buồn lắm! 
 Thầy lại cầm lấy điếu:
- Hai cô trưa nay ở lại ăn cơm với gia đình nhé?
- Dạ thôi thầy ạ - Na vội chối - Giờ chúng em phải về để mua thêm mấy thứ vào trường.
- Ừ, thế thì hôm sau vậy, có lẽ ngày mai trời tạnh hẳn, trong xã có người ra đón đấy.
 Ngừng một lát, thầy bảo:
- Vào trong đó các cô nên biết, đồng bào dân tộc vốn hiền lành, thật thà nhưng cũng rất hay tự ái. Các cô nhớ cư xử mềm mỏng, tế nhị với họ, đừng để họ phật ý. Vì như thế, việc duy trì sĩ số sẽ rất khó khăn.
- Dạ - Na đáp nhỏ, trong lòng cảm thấy thật chênh vênh.
Suốt dọc đường về, hai đứa cứ đi lặng lẽ. Đến phòng, Yến thả mình xuống giường, buông một câu chắc nịch:
- Mình về bảo anh Liêm xin cho hai đứa đi Tân Kì, đảm bảo có xa lắm cũng chỉ cách trung tâm huyện năm đến bảy cây số là cùng!
- Lỡ ra anh Liêm không xin được thì sao?
Yến bật dậy, quả quyết:
- Na coi thường anh mình thế ? Đường đường là một phó hiệu trưởng trường sư phạm, lại là thương binh, không xin được cho em gái một chỗ dạy học thuận lợi ư? Na có đi với Yến không thì bảo? 
Na nhìn Yến, khẳng định chắc chắn:
- Nếu Yến đã quyết như thế thì Na cũng chẳng dám can. Nhưng Na không đi Tân Kì đâu. Na sẽ hoàn thành bốn năm nghĩa vụ miền núi Quế Phong rồi về Quỳ Hợp.

Trời đã ngớt mưa. Bầu trời gần như xanh trong trở lại. Nhưng trong mắt Na và Yến vẫn nặng nề u ám những đám mây đen.
                               (Còn nữa)



   
     








   

40 nhận xét:

  1. Cô bé Na thật đáng yêu khi từ chối lời mời hấp dẫn....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mưa ơi,ý Mưa là lời mời nào ? Mời ăn cơm hay mời về Tân Kì?
      Cảm ơn Mưa đã đọc.

      Xóa
  2. Thú thiệt đọc phần này em lại thấy thích hơn mấy phần trước nè chị. Chắc tại cái gối thêu vẫn còn nằm sâu dưới đáy giỏ quá. Tự dưng đọc đoạn ấy, cả câu đùa bâng quơ của Yến, mà sao em ...chạnh lòng ghê , dù rằng sau đó Na có lan man nghĩ rằng tình đầu chỉ thoáng qua... gì gì đó. Dưng chi tiết này cứ làm em ... nhơ nhớ hoài dù đã đọc xong, đi một vòng, mới quay vô đọc lại để com cảm nhận của em nè. hì hì
    cuối tuần vui nghen chị ui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chi tiết áo gối thêu xong nằm im dưới đáy túi du lich của các cô giáo đi lên vùng cao dạy học phần nào làm người đọc cảm thấy áy náy ray rứt , xúc động . Cuộc sống với bao bộn bề khó khăn thiếu thốn , mất mát ,nhưng hình ảnh này đi vào trang viết tuy nhe nhàng nhưng đọng lại trong lòng người đọc.
      Lão có chung cảm xúc với CKN về phần viết này . Qủa thực đọc xong vẫn còn lắng đọng hình ảnh hai cô giáo buổi đầu lóng ngóng lên vùng cao - nơi chỉ có núi rừng trùng điệp , đi cả ngày đường không hề gặp một nóc nhà hay tiếng người . Mưa trắng xóa bạt ngàn làm bạn với những đêm dài vô tận....
      Với những người ở miền xuôi , thị thành , những chi tiết sinh hoạt của người vùng cao luôn xa lạ hấp dẫn họ. Đoạn cuộc gặp ở nhà sàn ( Thầy trưởng phòng )lôi cuốn lão vì tính cách của người miền núi rất rõ nét - Chất phác , chân tình và thẳng thắn. Thầy nhận xét rất đúng về người dân tộc. ban đầu thì thấy sợ, thấy ngại và có chút coi thường nhưng dần dần rồi thấy mến họ vô cùng vì tấm lòng chân thành, sâu lắng đậm chất tình người. Một cô giáo bị sốt rét đến rụng cả tóc , người dân chẳng nề hà mang võng cáng ra bệnh viện hết một ngày rưởi đường ( có nghĩa là họ quay về cũng bằng quảng thời gian ấy ) với sự chu đáo như con em họ...
      Hy vọng những phần tới , ngoài nhân vật trung tâm cho cuộc hành trình làm cô giáo vùng cao , tác giả mang đến cho người đọc cuộc sống và tính cách của người dân tộc Thái vùng cao....

      Xóa
    2. Đi vùng cao đối với các cô giáo đồng nghĩa với việc gác lại hạnh phúc riêng đó em. Rồi đây, các cô còn chịu nhiều thiệt thòi khác nữa.
      Luôn vui nha em!

      Xóa
    3. Với Lão:
      Em cảm ơn lão về nhưng gợi ý nội dung. Ý của em cũng đang định p/á một phần về con người, cuộc sống, phong tục nguười Thái đấy ạ.

      Xóa
  3. Phần này gọn nhẹ, và liền mạch cảm xúc. hay đấy NT ạ Đang ghép từng phần lại để hoàn thiện và thành công.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rồi các mảng hiện thực cuộc sống sẽ đươc chắp nối dần. Cảm ơn anh.

      Xóa
  4. Phần này viết đã liền mạch hơn , bố cục chặt chẽ . Nhưng Salam vẫn thấy nhàn nhạt , câu chuyện cứ đều đều như vốn dĩ vẫn xảy ra trong cuộc sống . Điều độc giả cần là những gai góc , những góc khuất mà người viết phải khai thác , đó là điều một cuốn tiểu thuyết phải làm được . Salam đọc xong có cảm nhận như là đọc một hồi ký .
    Câu nói ( Đi bất cứ nơi đâu khi tổ quốc cần ) , nghe rất chối . Đành rằng thời ấy là như vậy , cũng không vì thế mà bê nguyên xi vào . Một thời tuổi trẻ , một thời sống trong những tuyên truyền , thời ấy đã và đang qua . Câu chuyện đang hay , gặp phải câu nói đó có cảm giác như nuốt phải cục sạn , nên thay bằng lý giải khác .
    Mới đọc sơ qua , còn thêm nhiều nhận xét sau

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NT đang dựng lại hiện thực cuộc sống một thời đã qua bằng cách nhìn nhận ' hiền lành" của nguười trong cuộc. Chủ yếu là thể hiện lòng tri ân anh Salam à.

      Xóa
  5. Thư giãn đê , thư giãn đê

    Trong một hội thao quân đội , chỉ huy gọi một người lính trẻ lên khiển trách
    Tại sao đang diễn tập phục kích mà đồng chí lại chửi và đòi đánh người dân ?
    Thưa chỉ huy : tôi nguỵ trang thành một gốc cây . Bỗng nhiên có một đôi tình nhân đến ngồi bên cạnh . Đầu tiên chúng nói về chim xa bầy , cây lìa cành rồi thề thốt thuỷ chung này nọ , em biết đó là những điều dối trá và lừa đảo ..nhưng em vẫn đứng yên . Sau đó là những mà hôn hít và đòi hỏi này kia nọ . Mặc dù em cũng rất bị phấn khích và kích động ..nhưng em vẫn cố nhịn . Nhưng đén lúc tay thanh niên lấy một con dao nhíp và khắc tên người yêu của hắn vào ...Mông em , thì em điên tiết lên và không nhịn được nữa ạ

    Trả lờiXóa
  6. Thì em vẫn...để thế xem sao chứ?

    Trả lờiXóa
  7. Chúc em chủ nhật tươi hồng...

    Trả lờiXóa
  8. Ước gì cái mông ấy đích thị là mông Salam nhỉ nhỉ! Cho Cu cậu khắc nát mông anh ta ra ...Hè hè!

    Trả lờiXóa
  9. May quá là Salam không đi bộ đội . Chắc có lẽ là Lão Bu , NT cứ thử hỏi Lão xem sao ? . Vì hồi trước đến giờ Lão hay viết về thanh niên xung phong .
    Cũng có thể là Hòn Sỏi hay Lão Tân cũng không biết chùng , Lão nào mà đi bộ đội thì khắc vào mông là cái chắc

    Trả lờiXóa
  10. Ảnh "Na tôi ngày ấy bây giờ" mờ quá.
    Truyện viết về những trăn trở, khó khăn của các cô giáo trẻ đi miền núi, anh đã từng chứng kiến và khi đọc em viết thật cảm động. Thập niên 80 của thế kỷ 20 đi miền núi Tân Kỳ để dạy học đã là thử thách ghê gớm lắm đối với giáo viên, huống gì đi Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương còn xa xôi hẻo lánh đến bội phần. Chẳng thế mà hồi đó cực kỳ thiếu giáo viên đi miền núi Tân Kỳ nên Trưởng Ty Giáo dục Nghệ An là Nguyễn tài Đại (anh trai nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ) người rất giỏi câu đối đã ra một vế đối vui với những giáo viên chuẩn bị phải điều đi miền núi rằng: TY CẦN THÌ ĐI TÂN KỲ và hứa nếu ai đối được sẽ bố trí cho một nơi khác gần hơn. Nghe xong, một cô giáo trẻ không tin lời Trưởng Ty lắm nhưng cũng liều đối là: AI ĐỘNG GÌ ĐẾN ÔNG ĐẠI.. Vế đối rất hay và chuẩn nhưng phạm thượng. Tuy nhiên, Ông Đại trọng vì sự thẳng thắn và tài giỏi của cô giáo nên đã nghe cô trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, hơn nữa giữ đúng lời hứa dù là hứa đùa nên ông đã cho cô giáo trẻ được ở lại miền xuôi.
    Nếu hồi đó Na và Yến gặp thầy Nguyễn tài Đại và thầy cũng ra câu đối về Quế Phong thì hẳn các cô sẽ đối được chuẩn để về Tân Kỳ , Quỳ Hợp. Hi hiii...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ảnh chụp bằng đt, trời nắng nên mờ, đỡ thấy nếp nhăn. He...
      Câu đối ấy em nghe rồi. Trả lời trên đt nên kg viết đc nhiều.

      Xóa
    2. Còn một câu nữa khi Trưởng ty giáo dục Nguyễn Tài Đại về hưu :
      - ĐẠI VỀ HƯU , ĐẠI TRỒNG BÙ.
      - AI HỎI BÙ AI - BÙ ĐẠI !

      Xóa
    3. Điều Salam muốn nói ở đây là , Quang Thứ nói đúng , hồi ấy chỉ có trưởng ty thôi , nếu một người đứng đầu một công ty thì gọi là Chủ Nhiệm . Ở đây NT muốn viết một hồi ký để tri ân những người mà mình mến trọng , cũng nên tham khảo những người đã từng sống qua thời ấy với mình , đó mới chân thật và sống động hơn ...Thân

      Xóa
    4. Nhưng anh Salam ơi, thời của em kg ti nữa, quyết dịnh của em do sở kí!
      Và ông Dại cũng đã về trồng đc mấy lứa bù rồi.

      Xóa
    5. Hii... Loanh quanh nói chuyện về thầy giáo được phong là "Nhà câu đối" Nguyễn Tài Đại, nguyên trưởng Ty Giáo dục Nghệ Tĩnh (ông là anh trai của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ) chúng mình lại quay về chuyện Nghệ ngữ rồi. Vì vế đối của thầy Đại: ĐẠI VỀ HƯU , ĐẠI TRỒNG BÙ. AI HỎI BÙ AI - BÙ ĐẠI, thì ta phải giải mã cho bạn đọc vùng khác hiểu BÙ đây tiếng Nghệ là chỉ cây BẦU, quả BẦU mà trong ca dao VN nhắc đến : "Râu tôm nấu với ruột bầu/ chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon". Nhưng ca dao xứ Nghệ lại biến đổi là: "Râu tôm nấu với ruột BÙ / chồng chan vợ húp gật GÙ khen ngon". Cái "gật gù khen ngon" là tấm tắc, tâm đắc khen hơn là "gật đầu" khen như một sự lấy ý kiến trưng cầu "biểu quyết". Ngoài ra, vế đối trên, bạn đọc vùng miền khác cần vận dụng cách nói lái của tiếng Nghệ mới thấy hết sự thâm thúy của nó...
      Liên quan đến tiếng Nghệ và câu đối của Nguyễn Tài Đại thì nhiều nhưng xin dẫn một chuyện này: "Năm 1989, báo Lao Động có đăng một vế thách đối " Sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy". Mấy năm mà không ai đối được, mãi đến năm 1997 ông Nguyễn Tài Đại đưa ra câu đối đáp lại rất thuyết phục: " Lấy thu bù chi, lấy chi bù thu, bù thu lấy chi". Cái hay của vế đối là vận dụng tiếng Nghệ,"Chi" tiếng phổ thông có nghĩa là chi tiêu nhưng tiếng Nghệ, "chi" còn có nghĩa là "gì" như là một câu hỏi...
      Mình nói chuyện hơi lan man và lạc chủ đề nhưng cũng là góp vui một chút và cung cấp thêm tí Nghệ ngữ cho chàng nào muốn làm rể xứ Nghệ tham khảo để dễ dàng tiếp cận hơn. Hì hì...

      Xóa
    6. Cho răng được rứa, cho rứa nỏ răng, được răng hay rứa!
      (he...đây là câu trả lời đầy tính bảo thủ của tác giả khi tiếp nhận những ý kiến của các bậc thầy về văn học nha.
      Vui thôi, biết mọi người góp ý rứa thì hôm sau nghiên cứu khắc phục vậy.)

      Xóa
    7. Nói răng hay rứa! nói rứa hay răng? Răng hay nói rứa?

      Xóa
    8. Rứa hay nói răng? Nói răng nỏ rứa, nói rứa là răng?
      Xin cháo anh trai!

      Xóa
  11. Hôm qua, em in cả 4 phần của chị ra giấy. Tối, chồng con đi ăn đám giỗ, em có một khoảng không gian yên tĩnh và đọc một lèo hết cả 4 phần của chị. Người viết viết được 4 phần như thế này chắc khổ công và tốn thời gian lắm, còn người đọc chỉ mất có 1 tiếng là xong hết. (Ông Giời thật bất công! Hihi!)
    Em là đứa sinh sau, lại suốt đời chỉ ở thành phố, nên đọc chị giống như được ăn một món lạ miệng. Cái gì cũng lạ lẫm, cái gì cũng khiến mình giống một con ngố trước cái khẩu vị đậm đặc chất vùng miền và phủ một gam màu cũ của thời gian.

    Chị viết theo lối tả thực rất sống động. Câu chuyện của chị không chỉ có con người với các mối quan hệ mà còn kèm theo cả một "hệ thống" âm thanh, ánh sáng, background... làm nền đầy thuyết phục.
    Em cũng đọc hết các comt bên dưới mỗi bài, thấy chị quả thực chiếm được tình cảm của nhiều người. Các anh tham gia bình luận toàn những cây đa cây đề, trình độ hiểu biết về văn học rất sâu. Các bình luận này làm cho sự hiểu biết của em được sáng hơn và cuộc tranh luận (nếu có) giữa tác giả và bạn đọc khiến cho blog của chị tăng thêm phần thú vị.

    Chỉ có một nhược điểm (cho những người như em, chứ không phải là nhược điểm của chị). Mạng xã hội bây giờ thông tin nhanh. Người ta đến với mạng xã hội, đa số là đọc lướt hoặc tìm đọc những tác phẩm ngắn. Truyện này của chị là truyện dài - kể cả những truyện ngắn của chị thì cách viết cũng vẫn dài - nên sẽ kén người đọc. Em không dám khuyên chị thay đổi cách viết, nhưng cũng mong muốn sẽ được đọc những tác phẩm mà độ dài không tính bằng số lượng chữ, chỉ tính bằng những thông điệp được chuyển tải trong đó.

    Với lại, chị có thể thay đổi cách thiết kế trang blog được không? Kéo cho phần bài viết rộng ra 2 bên, các phần râu ria đầy lúi ra 2 bên mép để khi đọc trên các thiết bị di động, người đọc không phải kéo xuống quá nhiều.

    Với phần 4 này, có 1 tí ti nhỏ xíu chị cần sửa. Có 2 bài hát được trích dẫn trong bài chưa đúng phần lời. (Tại em hay hát nên bài nào không đúng lời, em dễ phát hiện ra lắm :D )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị chưa trả lời được, nhưng đã sửa thiết kế trang rồi. Cá nhân em thấy hợp mắt, chỉ sợ mọi người lại thấy không hợp thì khổ chị! :D

      Xóa
    2. OM góp ý rất hay và Nhật Thành đã thực hiện theo là thiết kế trang "Kéo cho phần bài viết rộng ra 2 bên" để người đọc dễ theo giõi, ko phải di chuyển lên xuống nhiều. Màu nền đen cũng nổi bật chữ trắng theo thuyết tương phản. Nhưng anh thấy phông nền tối như vậy ko đẹp và ko gợi như màu nền nâu hồng mang nữ tính trước đây. Em có thể để màu nền như trước đây hoặc nếu ko thì làm nền trắng chữ đen có hợp hơn chăng?

      Xóa
    3. Ọm à, Nguyễn Du viết Truyện Kiều với hơn 2000 câu lục bát, chẳng biết ông đã bỏ ra bao nhiêu thời gian, vậy mà chỉ hi vọng "Mua vui cũng được một vài trống canh". Chị em mình viết blog, cốt để giao lưu với bạn bè là chính, vui một chút thôi để bớt đi những cay cực đời thường. Biết em in ra để đọc, chị cảm động quá. Hối trước, khi còn yahoo, nhà văn Thái Tâm cũng bảo: "Anh phải in bài em ra, đọc đi đọc lại nhiều lần để cảm nhận cái da cái thịt của truyện một cách chu đáo". Có em, có mọi người nhiệt tình đọc như thế sẽ tạo nên cảm hứng cho người viết.
      Đọc tác phẩm trên blog thú vị hơn tác phẩm trong sách báo là ở chỗ có những giao lưu trao đổi của người viết và người đọc. Nhiều khi ý kiến người đọc đọc thú vị hơn cả bài viết. Chị thấy thật may mắn khi có các anh như Salam, Hòn Sỏi, Bulukhin, Trương Quang Thứ, chị Song Thu, anh Tuân, em Đan Thùy...và tất nhiên là cả lão xương sườn nhà ta nữa, luôn nhận xét thấu tình đạt lí, làm cho người viết vỡ lẽ ra nhiều điều. Giờ em đã khởi động lại blog, ít hôm nữa có Lộc Vừng trở về (chị tin là thế), chắc chắn sân chơi của chúng ta sẽ ý nghĩa hơn nhiều.
      Chị đang cố gắng khắc phục lối viết dài, nhưng chưa được. Thôi thì cứ luyện dần vậy.
      Còn chi tiết về lời bài hát, những câu hát học lỏm của thời sinh viên, bị tam sao thất bản đi nhiều, cứ hát vu vơ thế, nhiều khi bịa lời ra mà hát, nhiều khi thuộc lời mà chẳng nhớ tên bài... đó là chi tiết làm nên " sinh viên tính". Chị không nói tên tác giả bài hát là vậy.
      Hôm qua mới bấm chỉnh sửa bố cục, thấy tự nhiên nó đổi cả màu nền, chưa kịp tìm nguyên nhân thì máy tắt vì yếu điện. một lúc sau, vừa mới khởi động lại, trả lời em chưa xong thì lại tắt. Chỗ chị nó khổ thế.

      Xóa
  12. 1- Sang đến phần thứ tư hai cô giáo vẫn đang ở chỗ “Đêm chờ”, được hưởng một trận mưa rừng xối xả. Mưa hay gợi chuyện tâm tình, chả thế mà Yến bày ra thêu gối đôi tặng người yêu, còn na thì xếp chiếc gối đôi “có bông hoa hồng đỏ thắm, đôi chim bồ câu xanh ngậm dải lụa hồng” xuống đáy túi du lịch. Nàng hạ màn mối tình tuổi 19 mà không chút vướng bận chi. Mới hay cô gái này quyết liệt và dữ dội lắm. Cái anh xã nào đó hãy liệu thần hồn, hihi
    Hôm qua nghe chị Thu mắng khan ông chồng, mở ra trước mắt hai cô tiền đồ nghề giáo, nay lại được thầy trưởng phòng dạy dỗ cho cách xử sự với người dân tộc để được họ thương yêu đùm bọc. Hai cô chưa lên Thông Thụ, nhưng người đọc đã ngửi thấy “mùi dân tộcThái” với những nhà sàn, gian ngoài gọi là hoòng nọc, với nước chè đâm… Khi biết hai cô ngại lên Thông Thụ thầy nói như đọc sách “Tuổi trẻ đừng ngại khó, ngại khổ. Khi ra trường, các cô chẳng phải đã viết trong đơn: "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần" đó sao?”. Bây giờ nói lại câu này nghe nó cổ xưa, sáo rỗng, khó chịu, nhưng lại là câu cửa miệng của một thời. Thiếu câu này thì không thành ra nền hành chính tổ chức xã hội Việt Nam những năm 80 trở về trước nữa.
    2- Bu vẫn tin tác gỉa bám sát lộ trình đã vạch ra: Toàn bộ tác phẩm có mấy phần, mỗi phần có mấy chương, mỗi chương có mấy mục nhỏ. Có mấy tuyến nhân vật, mỗi tuyến gồm những ai, ai là nhân vật trung tâm, ai là nhân vật phụ. Tính cách mỗi nhân vật, và sự phát riển tính cách đó từ đầu sách đến cuối sách... Sự giao, thoa đan xen giữa các tuyến nhân vật sẽ làm bật lên những mâu thuẩn, gữa đồng nghiệp với nhau, giữa đồng nghiệp với lãnh đạo trường, lãnh đạo phòng giáo dục, lãnh đạo ty giáo dục…Làm hiện hình cái khuyết tật nghiêm trọng của hệ thống giáo dục nước nhà là thiếu vắng một triết lý giáo dục vì con người cho con người. Nhà trường từ thấp đến cao đào tạo ra con người què quặt về tri thức khoa học (bác sĩ kỹ sư ra nước ngoài xí xóa, học lại từ đầu) lùn tịt bản lĩnh tự chủ sáng tạo, mà chỉ biết lăm lăm phục tùng cấp trên…
    3- Biết là hai cô giáo đang có sự phân hóa về quyết định cho bước đi tiếp. Yến sẽ nhờ anh xin cho về Tân Kì, còn Na nhất định đi Quế Phong bốn năm sau đó về Quỳ Hợp. Mẫu đối thoại giữa Yến Na như là nốt lấy đà để đi vào nhịp phách chính thức của bản nhạc HOA TRÊN ĐINH NÚI. Rất mong tác giả nhạc trưởng NT chuyển từ gam thứ sang gam trưởng cho nó hùng hồn lên, tiết tấu dồn dập hơn lên. Bám thật sát tính chất thể tài tiêu thuyết, để xóa đi cái ấn tượng của nhà phê bình rất đáng yêu Alaykum Salam rằng “Ở đây NT muốn viết một hồi ký để tri ân những người mà mình mến trọng”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết là không được lịch sự lắm, nhưng vì còm hay quá nên em liều mình vào đây vỗ tay.

      Xóa
    2. Hì...Om vỗ tay là phải thôi, anh Bu không chỉ "bói" rất đúng ý đồ của tác giả về phần đã viết mà còn dự báo mang tính định hướng phần sắp viết. Cũng đang mất khoảng mấy trang hơi rề rà nữa, khi lên đến "đỉnh núi "rồi thì tiết tấu mới nhanh lên được. (Nhưng nói trước là lúc nhanh lúc chậm chứ nhanh quá nhiều khi...mất sướng! He he...)

      Xóa
    3. Bạn OM

      1- Blogspot là những ngôi nhà bỏ ngõ, ai vào ra và nhận xét gì về chủ nhà, nhận xét gì về nhau cũng được, miễn là nhận xét đó có thiện chí với tinh thần xây dựng, có văn hóa. Không đạt các yêu cầu trên thì chủ nhà cấm cửa… hihi.
      2- Với tinh thần trên bu thấy bạn không thiếu lịch sự khi đọc bài viết của bu ở nhà NT, cũng như bu không thiếu lịch sự khi vào đọc “Cây cơm nguội …” và bạn blog bên nhà bạn. Đọc rồi ra về thấy không đành nên có ghi mấy dòng “ chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp là cơm nguội để khi đói lòng” ở dưới lời bình của LÃO Tan…Bu không viết được gì nhiều hơn vì chưa đọc hết, tự hẹn mình sẽ vào đọc lại.
      3- Nói thiệt, cái chữ OM gợi bu nghĩ đến chân ngôn “OM MANI PADME HUM” của Chú đại bi trong Phật giáo Tây Tạng. Đọc theo âm Hán Việt: “Án ma ni bát mê hồng”, nghĩa là: Viên ngọc quí nằm trong hoa sen, cầu chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ trợ… Đây là sự suy diễn của bu, vì bạn có thể không quan tâm gì đến đạo Phật.
      4- Cảm ơn lời nhận xét của bạn về bài viết của bu. Nghĩ gì viết nấy chớ bu tui không bói như bà chủ nhà nghĩ, cho dù bà ấy bỏ chữ bói trong ngoặc kép… hihi

      Xóa
    4. Chào anh Bu. OM có vào nhà anh nhiều lần rồi (từ nhà của Ái Nữ) và vào cả Facebook của anh nữa. Anh bàn nhiều về đạo Phật và những vấn đề nhiều chất Triết, OM không hiểu mấy nên không dám tham gia, chỉ biết đọc và học hỏi (được bao nhiêu thì bao...!)
      Trái đất thì tròn mà Sài Gòn thì bé, biết đâu một ngày lại gặp anh trên xe Mai Linh đi Vũng Tàu nhỉ, có khi OM sẽ mở Whitney Houston cho anh nghe cũng nên!

      Xóa
  13. Phông nền tối quá không đẹp , nhìn tối tăm như tiền đồ của chị Dậu . Theo phong thuỷ thì màu đen không tốt , rất khó kén người hợp tuổi . Thay màu khác đê , không lại ế sưng ế xỉa ra thì chết ! Thử hỏi Lão Tân hay Lão Bu đê . Ở quê vừa nóng lại bị gió Lào chắc nhiều rôm sảy lắm . Salam có bán phấn rôm và thuốc DEP chữa ghẻ nữa đấy , mua không ? Không biết Lão Tân có đi bộ đội không? Chứ Hòn Sỏi và Lão Bu có đi bộ đội . Để hôm nào có dịp Salam sẽ kiểm tra trong người mấy Lão có tên Nhật Thành hay không . ... Hế Hế Hế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Salam này. Lần trước nghe Salam nói có Bà chi nuôi con một mình ở đâu miệt Sóng thần ( Nơi giáp ranh Bình dương với Thủ đức ). Lão xin hỏi thế có...có cô em nào nuôi con một mình không hỉ?hehehe
      Hôm nào có đi lên miệt này , nếu rảnh ta gặp nhau làm vài ống nhận đồng hương nhé. 0908 901769. Mến chờ.

      Xóa
    2. Theo phong thủy thì màu đen không tốt, nhưng nếu xét theo MỆNH của chủ nhà thì hợp lắm nha.
      Hì...đùa thôi, em chỉnh sửa độ rộng hẹp theo góp ý của em Om, bỗng dưng nền cũ nó chạy đâu mất. Giờ em thử mò xem đã nhé.

      Xóa
  14. Có vậy chứ ! Mới lôi được Lão Tân ra ! Salam bận lắm , mấy đứa con đi công tác nước ngoài , còn bà xã đang đi chơi ở Châu Âu , hai ngày nữa sẽ về . Một mình Salam vừa kinh doanh , vừa lo bao việc , đến bữa ăn còn phải gọi điện thoại cho nhà hàng đưa cơm vào . Vì vậy không thể. Đón tiếp Lão chu đáo được , tha lỗi cho Salam nghen ! Salam sẽ đón Lão vào một ngày gần đây , trong tháng 6 này . OK nghen ! SaLam sẽ hẹn Lão trong nhà Nhật Thành này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi nào bà xã về thì đến tiếp Lão, còn khi nào bà xã đi vắng, nhớ tiếp em nha anh Salam! Ha ha...

      Xóa