Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

HOA TRÊN ĐỈNH NÚI 6

ĐI BÙ

Chiếc xe ca ì ạch chuyển bánh, lăn từ từ xuống dốc rồi mất hút sau khúc quanh. Na đứng lặng giữa sân, nỗi buồn  cứ loang dần, loang dần và ngấm vào từng lỗ chân lông trên cơ thể, lan theo từng mạch máu li ti làm Na cảm thấy chống chếnh, chênh chao. Trước khi xe chạy, từ ô cửa thứ tư, Yến thò tay ra, tay nắm tay thật chặt: "Mình đợi Na, nhớ đấy." Tay buông rồi, chơi vơi...
 Bỗng Na giật mình vì một cú đấm vào lưng đau điếng:
- Trời ơi! Tưởng ai, hóa ra là mày. Nghe bảo xin về Hưng Nguyên dạy rồi, sao lại lơ ngơ ở đây?
 Nga "Dân" cười toe toét, hàm răng trên vẩu ra, khoe hết cả lợi. Thấy mắt Na đỏ hoe, nó bỗng khựng lại:
- Khóc à? Sao mà khóc?
Na cúi mặt, không nói gì. Nga là đứa bạn học cùng lớp hồi cấp ba. Lớp có ba Nga nên bạn bè cứ lôi cả tên bố mẹ ra mà gọi. Nó con bác Dân nên gọi Nga Dân. Gọi lâu thành quen. Giờ thành cô giáo rồi vẫn réo Nga Dân, Nga Luận, Nga Kiêm như thời đi học.
Nga cầm tay Na, lôi xềnh xệch:
- Thôi, về xếp dọn  đồ đi, thầy hiệu trưởng với hai anh dân quân ra đón từ chiều qua rồi.  Ai ngờ Na mà cũng lên đây đi bù như tụi này.
- Đi bù là đi đâu?- Vừa hỏi, Na vừa bước theo đà kéo của Nga.
- Trời ạ, đi bù là đi bù, là vào trường đấy, hiểu chưa?
Thấy Na nhíu trán, nó lại cười rổn rảng như địa chủ được mùa ngô:
- Ăn gì mà ngốc thế? Đi bù là  đi vào các trường vùng sâu, hiểu chưa? Đi vùng sâu thì nhiều dốc, mà dốc thì gọi là bù.
- Thì cứ nói đi vùng sâu có dễ hiểu hơn không?
- Dễ hiểu cái con khỉ! Trên này họ nói thế nào thì mình nói thế ấy chứ.
. Thế Nga vào trong đó chưa?
- Dạy một năm trong đó rồi. Vui lắm, người Quỳ Hợp cũng nhiều. Toàn dân học Tân Kì cả. Mình ra đây mấy ngày rồi, ra mua ít bát đĩa cho kí túc, mình ở đầu nhà chị Hương. Chị Hương con bác Trợ xóm Mẳm ấy, nhớ không? Chị ấy lấy chồng dạy cấp ba ở đây. Lúc sáng lên phòng nghe chị Thu nói, mình cứ ngờ ngợ.
Nga vừa nói liến thoắng, vừa bước nhanh thoăn thoắt. Na cũng hào hứng hẳn lên:
- Đi luôn sáng nay à?
-  Ừ, đi luôn. Thầy hiệu trưởng và hai anh dân quân đang  mua thuốc lào ngoài chợ. Na về chuẩn bị đồ đạc, gói ghém cẩn thận để mà gánh.
- Gánh a?- Na tròn mắt.
Nga lại cười một tràng dài, tiếng cười giòn tan nghe vô tư đến lạ:
- Gánh chứ chẳng lẽ xách? Đi hơn một ngày đấy, nàng ạ.
- Nhưng...
- Nhưng cái con khỉ!Đi nhanh lên. Về phòng xếp bỏ tất thảy vào túi, dân quân họ gánh cho. Hôm nay có cả hai lính mới ở Nghĩa Đàn nữa. Thế là bốn tên. Thầy hiệu trưởng là năm. Đi đông thì vui, nhưng chờ nhau nên thường chậm, có khi vào Đồng Mới ăn cơm cũng tầm một giờ chiều.
Chân cứ bước, miệng cứ nói cứ cười rổn rảng, Nga  khua động cả quãng đường từ bến xe về phòng giáo dục. Tia nắng sớm nhảy nhót trong những giọt sương với màu vàng ươm mùa thu.

Na và Nga về đến phòng, thấy mọi người đã đợi sẵn.Nếu không có Nga giới thiệu, chắc Na không  nghĩ đó là thầy hiệu trưởng. Nhìn cách ăn mặc, trông thầy chẳng khác gì một già làng. Cái áo thổ cẩm sọc xanh sọc đỏ trông cứng queo, thô ráp, chiếc quần đen rộng thùng thình. Bao dao được cột chặt vào sợi dây đen, thắt ngang hông."Già làng" có đôi mắt thật vui và cái miệng cười thật duyên:
- Hai em về rồi à? Xếp dọn nhanh để mình đi thôi.
- Dạ.
 Hai đứa quê Nghĩa Đàn không xinh, nhưng nom  điệu chảy nước. Một đứa cao gầy, buộc hai nhúm tóc vểnh lên như tai thỏ.Đứa kia tròn như cái nấm, cắt tóc đầm, môi tô son đỏ choét. "Người ta bảo dân Nghĩa Đàn là dân ăn chơi sành điệu. Nhưng hai cô nàng này điệu chứ chẳng sành" - Na nghĩ và chợt mỉm cười kín đáo.  Đứa cao nhìn Na đang dọn đồ, khinh khỉnh:
- Đi đường rừng mà chơi đôi guốc mộc bảy phân, hay đấy.
 Na  ngẩng lên, nguýt một cái rách da mặt:
- Ốc không lo thân ốc, lo cọc bám rêu!
"Già làng" cười, nói chậm rãi nhưng giọng thật ấm:
- Thôi thôi, để cái sức mà đi đường!
Rồi vừa giúp Na kéo xéc túi, thầy nói tiếp:
- Các em lên đây là giỏi rồi. Các em vào bù dạy học là tốt rồi.Nhưng cuộc sống trong bù sẽ nhiều khó khăn đấy. Muốn vượt qua khó khăn mà sống cho vui vẻ, các em phải học cách sống của người miền núi thôi. Thương nhau cho thật cái bụng, giúp nhau cho thật cái lòng. Cái đầu ta nghĩ chuyện xấu, chuyện buồn nhưng cái miệng ta đừng nói ra. Cái miệng ta nói, cái tai bạn nghe, làm cái xấu, cái buồn chui vào bụng bạn, không tốt đâu.
Nga loáng cái biến đâu mất, giờ mới quay lại:
- Xong chưa? Đi thôi nào! Na đi đôi dép này này, dép chị Hương đấy, chị bảo lấy mà dùng. Hôm trước anh Lãm đi Vinh về mua cho chị đôi mới rồi.
 Hai thanh niên bản với hai gánh đồ khá nặng, im lặng cất bước rồi bỏ xa dần mọi người. Thầy hiệu trưởng đi trước, Nga theo sát chân thầy, Na bước theo Nga và sau Na là hai tiểu thư điệu đàng. Hồi ở nhà, thấy người Thái đi theo một hàng dọc như thế, Na cứ thắc mắc: "Sao họ không đi ngang hàng với nhau mà nói chuyện?""Thì do họ  đi rẫy chỉ một lối nhỏ, quen rồi"- Chị gái Na ra vẻ hiểu biết, giải thích. Giờ thì Na cũng đang theo hàng dọc, thẳng tiến vào bù." Chân em đi, rừng nhiều đường lắm lối....Này này ơ..., nhưng em chọn lối này,  em đây chọn lối này thôi...." Câu hát trong bài "Em chọn lối này" của nhạc sĩ An Thuyên mà Na cùng các bạn trình diễn trong đêm văn nghệ kết thúc khóa học  bất chợt vang lên trong tâm trí. Na mỉm cười một mình, nhìn những vòm cây xanh thẫm đầu thu đang tắm mình trong nắng sớm.
Qua khỏi trung tâm huyện, đường cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Hai bên đường  cây rừng rậm rạp. Tiếng chim hót, tiếng con gì kêu chéc chéc, tiếng con sóc, con chồn chạy đuổi nhau rột roạt. Gió rì rào  miên man giữa  rừng núi mênh mông. Đoàn người cứ lầm lũi bước...Phía trước cũng chỉ rừng nối rừng, nhấp nhô điệp trùng một màu xanh bất tận.
 Leo xong một con dốc khá dài và quanh co, thầy hiệu trưởng đứng lại:
- Ta nghỉ ở đây.
- Sắp đến chưa thầy?-  Tóc đầm hỏi.
- Chưa đâu, ta mới đi được một phần mười quãng đường thôi.
- Ngoài này đất mênh mông không ở, chui vào trong hang hóc chi cho xa thế không biết!- Tóc vểnh càu nhàu.
- Ờ, thì ngày xưa con của Lạc Long Quân và Âu Cơ chia nhau cai quản các phương, nên vùng biên nào cũng có người cả. - Thầy hiệu trưởng lại cười - Em nào khát nước thì lại vòi đằng kia mà uống nhé.
 À, hóa ra cạnh đường có những cái vòi nước nhỏ là để giải khát. Người ta lấy ống tre, nứa làm thành máng, hứng nước chảy trên núi xuống. Nước trong văn vắt, mát lạnh đến tê người.
 Thầy rẽ vào rừng, một lát sau ôm ra mấy cái lá cọ:
- Đây, "rải lá cây làm chiếu" nha.
 Tóc đầm và Tóc vểnh trải hai lá to nhất, ngồi xõa xượi. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại dính bết những sợi tóc vào trán, vào má. 
 Thầy nhìn Na đang lấy tay bóp bóp mấy ngón chân phồng rộp:
- Khi nào những chỗ phồng ấy chai đi thì em sẽ hiểu về người miền núi.
- Em cũng ở miền núi mà thầy. Hồi ở nhà cũng leo rừng leo núi chặt củi, kiếm rau. Nhưng lâu ngày đi đường dài nên bỏng chân.
- Em dạy văn à? Thầy cũng học Văn Sử đấy. Bảy cộng ba Tân Kì.
- Dạ.
- Trường thiếu giáo viên các môn tự nhiên mấy năm rồi, nên giáo viên môn  xã hội phải dạy cả  lí, hóa, sinh, địa ...
-  Không học làm sao mà dạy được hả thầy?
- Người Kinh có câu " Không có trâu bắt bò tắm nước" ấy mà. Cứ có chữ nào trong sách thì đọc cho chúng nó nghe. Bài nào có nhiều kí hiệu không đọc được thì bỏ qua, học sinh trong này chủ yếu dạy chúng biết nói và viết tiếng Việt là được. Giá mà có môt giáo viên tự nhiên thì cái bụng thầy cũng đỡ áy náy. Nhiều khi chuyện thì vui mà cười chảy nước mắt.
- Chuyện gì hả thầy?
- Thì chuyện dạy học đó. Trong lớp nhiều em dốt, nhưng cũng có những em ham học lắm. Như thằng Cả con ông chủ tịch xã ấy. Hôm thầy dạy bài địa lí, bảo vùng ấy có nhiều kim loại quí như vàng, bạc, đồng, vonfam...Nó hỏi: " Vonfam là cái gì? Tại sao lại quí?" Thầy chỉ biết cười mà nói với nó: "Thì sách ghi là quí thì chắc chắn nó quí thôi." Nó bảo: "Thầy hiệu trưởng mà cái đầu không giỏi rồi. Để em đi hỏi các chú bộ đội trên đồn"
Na cười:
- Thì thầy phải đọc trước bài đi rồi xem chỗ nào không hiểu thì đọc tài liệu chứ.
- Ôi trời ơi! Tài liệu đâu mà đọc? Trường chỉ có mấy cuốn giáo khoa thôi. Mà cái thằng Cả ấy thì hay hỏi lắm. Có hôm nó còn hỏi một cô giáo: "Nước có cách điện được không?" Cô bảo: "Điện thì cũng như lửa. Nước cách lửa được thì cũng cách điện được chứ sao!"
Na chợt buồn, nghĩ đến Yến và những lời nó nói hôm qua. Giá mà Yến đừng quay về...
 Nga lủi vào rừng từ lúc nào, giờ mới trở ra:
- Ê! Giải khát đặc biệt đê!
 Vừa nói, Nga vừa cười toe toét, giơ hai quả to tướng:
- Mạc xàn đây. Quả này chua chua, ăn đỡ khát nước. Đi đường đừng uống nước nhiều, ra mồ hôi chóng mệt.
 Na nhìn bạn, thèm cái vẻ hồn nhiên vô tư của nó. Thầy lấy dao, tách ra từng múi. Múi mạc xàn là từng cái vỏ khá cứng úp vào nhau, nếu không có dao cũng khó mà tách ra được. Bốn đứa ăn hết hai quả mạc xàn rồi tiếp tục lên đường.
  Càng đi, đường càng lắm dốc. Mệt. Và đói! Mồ hôi thi nhau túa ra, chảy vào mắt cay xè, chảy xuống cổ lau đến đau rát. Thở. Và thở. Mũi thở. Miệng thở. Tai thở.Vừa leo hết dốc, qua khúc quanh, con dốc khác đã hiện ra, cao hơn, dài hơn. Con đường ngoằn ngoèo như dẫn ta lên đến tận trời! Tóc đầm mếu máo:
- Cứ đi mãi thế này hả thầy?
- Cố đi, khoảng tiếng nữa thôi là đến Đồng Mới, mình nghỉ ăn cơm.
Đồng Mới là một bản khá đông người. Hai bên đường, nhà sàn san sát. Giữa bản là một ngôi trường nhỏ. Cổng chào tre, phía trên là tấm ván gỗ có dòng chữ TRƯỜNG CẤP I ĐỒNG MỚI viết bằng vôi. Hai cô giáo chạy ra, đon đả:
- Em chào thầy! Thầy và các bạn đi mấy giờ mà vào rồi ạ?
- Ừ, còn cơm nữa không? Đói sắp chết đây- Thầy vừa cười vừa nói.
- Lo gì cơm, mời thầy và các bạn vào uống nước ạ.
  Một lát đã thấy thập thò mấy cái đầu tóc hoe vàng cháy nắng. 
- Mí nọi, mưa a khàu hơ cô mè. (Mấy nhỏ, về lấy cơm cho cô nào)
- Ề bọ? (nhiều không?)
- Khoảng xoóng, xám ép nơ. (khoảng hai ba ép nha)
Chúng chạy đi. Mấy phút sau ba đứa ôm ba cái ép đến (Ép là đồ dùng đựng xôi của người Thái)
Xôi chấm muối trắng trộn ớt. Ăn xong đã hơn một giờ chiều. Thầy bảo:
- Ta tranh thủ đi tiếp thôi. Trời này khéo mưa chiều đấy.
 Nắng gắt. Trên trời từng đụn mây chuyển động chầm chậm, khi giống hình con ngựa  đang phi, khi lại trở thành hình con thỏ hiền lành đang dỏng tai nghe ngóng. Gió thổi nhẹ. Mùi phân trâu bò dưới các nhà sàn bốc lên làm không khí như đặc quánh lại. Phía trước, rừng núi vẫn điệp trùng một màu xanh bất tận. 
(còn nữa)

   

  Kết quả hình ảnh cho ép đựng xôi của người thái

Kết quả hình ảnh cho ép đựng xôi của người thái
(Đây là cái ép đựng xôi của người Thái)






















49 nhận xét:

  1. Phần này đi vào lòng người đọc rất ngọt vì nó thật. Nó gây nên sự hào hứng cho người đọc.
    - Rõ ràng là không hề có bóng dáng của sự dàn dựng nên thấy sống động và đời thường hẳn lên. Người đọc đang dõi theo những hình ảnh trung thực với cách viết tả thực có phần hấp dẫn vì sự mới lạ của núi rừng và con người vùng cao. Hình như bắt đầu khởi nguồn cho những cảm xúc đích thực khi đọc truyện này.
    - Mong rằng tác giả vẫn giữ được mạch truyện hồn nhiên như thế này cho những phần kế tiếp .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc lời com này thấy y như lời phê của thầy (cô) giáo trong bài tập làm văn. He he...
      Em sẽ cố gắng, thưa thầy!

      Xóa
  2. Câu chuyện đang đà diễn tiến, tác giả đang dẫn người đọc đi vào một miền đất đậm đặc những bản sắc riêng đầy thú vị. Thú vị với lời dặn dò của thầy hiệu trưởng, mộc mạc, giản dị, dễ nhớ, dễ hiểu, không một chút lên gân. Thú vị với những chi tiết nho nhỏ trên đường đi, mà phải chính người trong cuộc mới có thể kể lại được...
    Em chỉ hơi thắc mắc, cô bé Na này thấy có vẻ nặng lòng nhớ cô bạn Yến mà chưa lần nào thấy nhớ về gia đình. Ở tuổi ấ đi đâu xa nhà là nhớ mẹ lắm! Hihi. Tại hồi xưa, năm 18 tuổi, em đi học xa nhà, mấy ngày đầu nhớ mẹ ghê luôn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị rất vui vì em thấy thích thú những chi tiết nho nhỏ làm nên cuộc sống, bản sắc người miền núi.
      Om à, ba năm học xa nhà quen rồi.Nỗi nhớ gia đình nhiều nhất là những ngày đầu xa nhà đi học, còn lúc này theo diễn biến của sự việc, nỗi nhớ gia đình tạm lui đã. Tâm lí chung là thế. Với cô bạn Yến, một người bạn thân đã vì mình mà lên miền núi, phút chia tay thật buồn. Nhưng sau đó thì chỉ thoáng nghĩ đến Yến khi thầy hiệu trưởng kể chuyện dạy học trong trường thôi.
      Sau này, khi đối mặt với cuộc sống trong bù, sẽ có những đêm dài thao thức nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ lại mối tình đầu...

      Xóa

  3. Đến phần này thì hay rồi, trôi chảy rồi. Anh rất ngại góp ý kiểu khen chê, có khen cũng chừng mực động viên người viết. Anh vốn thế xưa nay nhưng nay anh có vài lời theo ý hiểu của anh nha:
    1 - Em sửa một vài lỗi đánh máy ''xa'' thành ''xe''... . Hoặc: Yến thò tay ra, tay nắm tay thật chặt; ''Phảy'' chứ không phải ''chấm"... Các dấu chấm phảy em nên cẩn thận hơn đánh sát vào chữ đứng trước của dấu.
    2 - Về các tiếng dân tộc (Thái)
    Âm khi phát của tiếng Thái không rõ ràng người nghe có cảm giác chữ không có dấu.
    VD: - Mí nọi, mưa a khàu hơ cô mè. Chữ Mí là lại là phương ngữ Thái, chính thức nó là ''chắc", còn chữ khàu nghe phải thành khấu, còn từ lấy là ''au'' chứ không phải ''a''. Theo anh thì câu ấy là ''Chắc nọi mưa au khấu hơ cô xa'' (Mấy nhỏ về lấy cơm cho cô nào). Khi nghe tiếng Thái tất cả các thanh hầu như không có, nhưng phiên nó sang tiếng việt phải bỏ dấu nên rất khó.
    Cho nên hai chữ Ề bọ, phải viết Ề bò (chứ không phải bọ)
    - Khoảng xoóng, xám ép nơ, câu này thì đúng rồi nhưng khi nói lại gần như không có dấu sắc, và số đếm nên viết Nưng, Xoong, Xam Xi, Ha, Hôôc...
    Các nhà văn rất ngại phiên tiếng Thái kể cả cái ông Tô Hoài.
    Không phải em viết sai mà cái cách phiên âm của em nặng theo âm ''Nghệ"rất nặng. Anh không dám khuyên em nên thế này nên thế kia, nhưng có lẽ đưa tiếng thái vào văn bản ít thôi...
    3 - Câu ''không có trâu bắt bò tắm nước'' dùng câu này rất gượng. Ngay ở Nghệ Tĩnh vẫn thường nói '' Không có chó bắt mèo ăn cứt'' Câu ấy dùng hay hơn nhiều chứ sao lại kiêng.
    Anh Sỏi mạo muôi góp ý vài câu, vì nghĩ em hướng đến một tác phẩm nên góp ý. Chứ viết mua vui như anh, cứ bông phèng sai cũng chả sao...Hihi...!
    nếu em không vui anh xin lỗi nha!

    Trả lờiXóa
  4. Phần này thích nhất phong cách của thày hiêu trưởng, NT khắc họa thành công đấy!

    Trả lờiXóa
  5. 1.Nếu thầy Tan nghiêm khắc trong việc xây dựng chi tiết,nhân vật, cốt truyện thì thầy Sỏi lại cực kì nghiêm khắc trong bắt lỗi chính tả!
    Thưa thầy, em đã sửa rồi ạ.
    2. Nhưng:
    - Tiếng Thái cũng như tiếng Kinh, nó không thống nhất cách phát âm, nghĩa là nó tùy thuộc vào vùng miền.
    - Thái có 2 loại, gọi là Tày Thanh và Tày Mường, nôm na họ gọi là Thanh và Thái.
    Tiếng Thanh nhẹ và phát âm nhanh, có nhiều biến âm so với tiếng Thái: mưa -> ma ( tức là về), Ê lơ lè -> Ê la le ( làm gì đó)
    bọ -> bò -> bo ( không) v.v...
    - Khi đếm, tiếng thái đếm "một" vẫn là "môt", chỉ khi dùng số từ "một" chỉ số lương, đứng trước danh từ mới gọi là "nừng". VD: lồ nừng (một cân), ép nừng (một ép)
    Có khi người ta không dùng từ chỉ số lượng khi số từ là "một". VD có chuyện như thế này:
    Thầy giáo: Nhân ngày 20/11, các em nhớ mang quà đến cho thầy cô nhé.
    Trò: Mang cái gì đến được thầy ơi? Nhà chỉ có khàu thôi.
    Thầy:Khàu cũng được.
    Trò: A tọ lơ lè? (Lấy bao nhiêu?)
    Thầy: CÔN LỒ ( mỗi người một cân)
    3. Hai câu thành ngữ đồng nghĩa, thầy hiệu trưởng phải dùng câu nào lịch sự hơn chứ. Hỏi thầy Sỏi này, nếu trước mặt thầy là một cô giáo trẻ xinh như búp bê thì thầy có nỡ dùng câu "Không có chó bắt mèo ăn cứt" không?

    Trả lờiXóa
  6. Salam thích cách khắc hoạ nhân vật Thầy hiệu trưởng , nhưng chi tiết mặc đồ thổ cẩm là hơi bị gò ép . Chắc tác giả bị ám ảnh là cứ dân tộc là phải mặc đồ đó . Không có đâu , hồi năm 1978-- 1980 mỗi dịp nghỉ hè lại theo Mẹ lên Nghĩa Đàn , Quỳ Hợp để thu gom cà phê về bán cho dân Huế . Có một lần xe lật ở dốc Lụi có bốn ngừoi chết trong đó có một thằng bạn học của Salam , may hôm đó hai mẹ con không đi chuyến xe đó . Salam đã ăn dầm nằm dề trong các bản người Dân tộc Thanh . Không hề thấy ai mặc đồ dân tộc cả . Ngay như sau này công tác ở Táy Nguyên cũng vậy. Những hình ảnh mà chúng ta hay thấy trên ti vi là dàn dựng , nhiều khi các đạo diễn chạy đi mượn đồ trối chết
    1- Salam cũng thích hình ảnh hai cô bé người Nghĩa Đàn , tuy là nhân vật phụ nhưng rất hay ( SL iêu mất gồi ) tác giả chưa khai thác sâu vào hai người này mà chỉ có mấy dòng hời hợt
    2 - Còn hai anh dân tộc : nếu như chỗ nghỉ cho mấy cô tiểu yêu trêu chọc họ thì rất vui , bởi vì người kinh hay lấy hình ảnh đân tộc để chòng gẹo nhau
    3 - Hồi ở nhà có câu chuyện vui về Bọ " Mậy chụ bộ đội không tột , cho con Bọ ăn lương khô rồi ngựi mồm con gại Bọ " mà đi bộ chậm thế này , thì khi nào Na và Yến mới được các chú bộ đội biên phòng cho ăn lương khô ? Nóng ruột quá đê
    4 - đôi guốc 7 phân của Na sao không cho Hòn Sỏi xách ???

    CHO TÔI TĂM LẠI DÒNG SÔNG

    Con sông nhánh nhỏ, thửa dại khờ
    Ngày ngày ngụp lặn , tối nằm mơ
    Xuôi theo con nước dòng SÔNG HIẾU
    Nhánh với sông chung một bến bờ

    Thời gian trôi lặng , bao nỗi nhớ
    Ký ức xưa kia chẳng xoá mờ
    Bốn mươi năm tron nay đã lẻ
    Ước lại , một lần tuổi trẻ thơ

    Vẫy vùng dòng nước con sông nhỏ
    Luyến nhớ ,ắm thay, đến thẫn thờ
    Như là trên đỉnh nguồn thương nhớ
    Đợi chờ mãi đến , tóc bạc phơ

    ( Bùi đức Thu )
    P/s : Tương này là tương xịn đó nghe Mệ , không phải ớt như Sỏi mô

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NT nhận thấy anh Sa lam là một người cực kì thú vị đó nha. VỆT MÀU của Om có nét đậm nét nhạt, có nét rõ của hiện tại, nét bóng mờ của quá khứ. Mọi người thì ngắm tranh theo lẽ thông thường, anh Salam không chỉ ngắm mà còn lấy bút xóa nét này, thêm nét kia, làm cho bức tranh có bố cục mới, thể hiện ý tưởng mới. Thật là cá tính!
      Giờ anh Salam yêu 2 cô giáo Nghĩa Đàn nên cứ bắt NT phải ...vẽ cho rõ để anh nhìn kĩ cái mặt, nghe rõ tiếng nói, cảm nhận rõ hơi thở người anh yêu. Hay đấy. Nhưng anh cứ để thế mà hình dung đi thì sự yêu nó lãng mạn hơn, nha anh.
      Ở Nghĩa Đàn nó khác Quế Phong, dân Quế Phong vùng ngoài khác dân Quế Phong vùng giáp biên. NT không phải bị ám ảnh mà đã sống chung với họ suốt 4 năm trời, anh Salam ạ.(và anh nhớ lại đi, Nghĩa Đàn thì Thổ là chủ yếu, mà người Thổ thì ăn mặc gần giống như người Kinh, bản săc văn hóa người Thổ mờ nhạt chứ không rõ như người Thái)
      Rồi hai anh dân quân, họ không hơi đâu mà chờ và đi cùng mấy cô giáo mới lần đầu leo bù đâu. Trên vai họ gánh đồ khá nặng, họ phải đi nhanh, họ leo bù giỏi, tính họ ít nói. Các cô cũng chẳng đủ sức mà đong đưa với họ đâu. Đi mệt muốn chết, khóc tấm tức cả đường đấy.
      Cuối cùng, anh Sỏi không chịu xách đôi guốc mộc của NT đâu, anh ấy đang lăm le xách đôi bốt của Om đấy. He he...
      Bài thơ không chỉ ngọt mà còn rất đằm. Cảm ơn anh Salam!

      Xóa
    2. Há há, 2 anh chị nhấm nhẳn, lườm nguýt nhau rõ là... yêu! Thì chị Nhật Thành đã quăng tác phẩm ra chợ, anh Salam có muốn vẽ gì thì cứ vẽ thoải mái đi, còn yêu cầu chị ấy phải vẽ theo ý anh thì hong được đâu!
      À, còn cái vụ sưu tầm thơ, sao anh không copy rồi paste có phải chính xác không. Ngồi gõ lại, vừa mất công, vừa sai tùm lum rồi!

      Xóa
  7. Thư giãn đê

    Trên một chuyến xe khách , trong số hành khách có một anh chàng dân tộc . Xe chạy được khá xa , anh dân tộc cảm thấy đau bụng liền nói với lái xe
    Cán bộ ơi tao đau cái bụng lắm , mày dừng xe cho tao đi ...
    Gần tới nơi rồi , cố nhịn một tí đi , lái xe trả lời
    Không được đâu cán bộ ơi , tao không chịu được nữa rồi
    Ở đây đang ở trong thị trấn không dừng xe được đâu , lái xe nói
    Một khoảng im lặng kéo dài , bỗng nhiên có tiếng kêu
    Cán bộ ơi tao .. .. Tao ị thật rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời nhắn của anh chàng dân tộc:
      "Anh Salam lại kể sai cái chuyện của tao rồi. Không phải thế đâu, tao không ưng cái bụng. Tao kể lại cho anh nghe này:
      Hôm đó tao đi trên xe ca, tao muốn xuống mà xe thì chạy nhanh quá. Dù xấu hổ nhưng tao vẫn liều để kêu lên:
      - Bác tài ơi, tao muốn lái!
      - Không được, anh không lái được đâu! Bác tài trả lời.
      - Thì dừng xe lại cho tao lái.
      - Không, anh không lái được.
      - Tại sao không lái được? Tao muốn lắm mà! Dừng lại đi!
      - Không.
      - Không dừng cho tao lái, tao lái ở đây này.
      - Anh thích lái đâu thì cứ việc, nhưng tôi không dừng.
      Thế là tao ngồi ngay trên ghế, tao lái ướt hết cả quần tao, ướt cả quần người ngồi bên cạnh.
      (Tại bác tài không biết là dân tộc tao phát âm Đ thành L đấy, khổ không?)"

      Xóa
    2. May quá, anh dân tộc này không kể chuyện "tao bị công an bắt nhốt vào đồn, cái đồn nó đông ơi là đông..."

      Xóa
    3. Mệ OM ơi !
      Salam dốt it lắm , Mệ nói đúng lắm , chắc phải nhờ Cún cưng chỉ cho . Salam bận lắm ( có Lão Tân biết ) . Rảnh được tí nào thì lên mạng chơi . Salam nói thật cả nhà đừng cười nghen . Salam gõ bàn phím cứ như gà mổ thóc nhọc nhọc là , mấy đứa con cứ cười miết , thông cảm cho Salam là đang xoá mù tin học . Vì thế Salam vẫn thích đi học nếu thời gian cho phép . Salam sẽ học vi tính và bổ sung thêm cho vốn kiến thức tiếng Anh còn ít ỏi của mình
      Còn Mệ OM còn giận Salam vì đã sẻ thịt thơ của Mệ , thì tính cách của Salam vốn vậy , không thay đổi được đâu . Khi đọc một tác phẩm hay xem một bức tranh nghệ thuật , thì hầu như mọi người đều nhìn mặt trước hoặc hai bên , nhưng Salam lại thích nhìn phía sau bức tranh xem tác giả còn giấu gì trong đó nữa . Bài thơ của OM rất hay ( giờ mới khen ) vừa có ma mị vừa có triết lý , vừa có quá khứ , hiện tại và tương lai . Salam sợ rằng sau này thơ của OM không vượt qua được bài thơ này .
      OM đừng có nghĩ rằng bài thơ ngắn dễ thuộc là những bài thơ nhần nhạt , hoặc đã nghe thấy một nơi nào đó . Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm . Bởi vì một khi bài thơ đã lưu giữ được trong lòng độc giả thì đời sống của nó sẽ bền láu hơn . Tính Salam vẫn vậy sẽ cho tác phẩm của OM sau này bung ra bốn phương tám hướng , chịu hôn ?
      Còn tiểu thuyết của Mệ Nhật thành còn lề mề lắm , sắm một cái công nông đàu ngang đi cho nó lẹ . Salam còn nôn nóng khi nào thì Na sẽ được các chú bộ đội cho ăn lương khô .

      Xóa
    4. Chuyện cần nói bên nhà OM thì đem sang nhà Nhật Thành. Thiệt cái tình! Ông Salam này!...
      Nói ngay nhé, có dở hơi thì OM mới giận Salam! Người ta nhiệt tình với mình mà mình giận là sao!
      Còn OM bảo bài Có một ngày của Salam hay hay, nhàn nhạt và như đã dfojc ở đâu đó rồi là vì OM thấy nó như vậy chứ không phải tại nó NGẮN, dễ thuộc.

      Xóa
    5. Om thông cảm, vì mỗi lần muốn qua nhà Om, Salam phải đi tắt từ nhà chị. Đi ngang qua, thấy Om là vào nói chuyện luôn, khỏi sang bên nhà. Hà hà...

      Xóa
  8. Thích nhìn phía sau hử? Nhìn em mà nhìn phía sau thì thấy cái mẹ gì, sao dại thía chứ!
    Bài thơ của OM hay thật khi Sỏi khen thì OM cho là Sỏi nịnh, mà Sỏi có xảo ngôn bao giờ, Còn Nhà thơ nào đó họ chê là ý họ, Nhà thơ bây giờ thiếu gì hàng tàu...!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhìn phía sau cũng hay đấy, anh Sỏi! Dù ko thấy cái mịa gì, nhưng người được/ bị nhìn họ biết hết và thường họ sẽ có cảm tình với anh nhìn phía sau hơn anh nhìn chòng chọc phía trước. Hehe. Tăjng các anh bài học miễn phí về tâm ly phụ nữ rồi nhé!
      Giờ lại đính chính: được khen, OM sướng gần chết! Đứa nào bảo anh Sỏi nịnh, OM vả vào mồm! (Vả xong, OM chạy mất dép vì tính mình hèn lắm. Hihi)

      Xóa
  9. CÓ MỘT NGÀY

    Cà phê chiều vắng khách
    Giọt giọt vệt nâu buồn
    Và anh chiều uể oải
    Thả khói vào chùng buông

    Em đến sau nhè nhẹ
    Mang chút nắng xế vàng
    Thả vào ly cam vắt
    Khuấy thời gian mênh mang

    Cà phê chiều sóng sánh
    Anh nén giọt thời gian
    Ly cam tan lành lạnh
    Em cố giữ khỏi tràn

    Chợt nắng chiều vụt tắt
    Ta tỉnh giấc bàng hoàng
    Có vệt màu sám hối
    Vừa vẽ vào thời gian

    ( ST: MỆ OM )

    Đọc câu trả lời của OM với Lão BU , đây là câu trả lời của Salam hộ cho Lão . Salam sẽ bình nhanh bài thơ này , OM sẽ thắc mắc sao không Comemnt ở nhà OM mà lại ở nhà Mệ Nhật Thành . Có lý do của nó cả , vì đây là trang nhà nên không có ( Người cõi trên ) phá đám
    Người làm ra bài thơ này dù muốn dù không thì cũng là người biết thưởng lãm hội hoạ , bài thơ cô đọng đẹp như một bức tranh .
    Một buổi chiều như bao buổi chiều khác , có một người nam / nữ ngồi lặng lẽ trầm ngâm bên ly cà phê mặc cho cuộc sống xô bồ náo nhiệt diễn ra xung quanh mình . Tác giả đã ngồi một góc âm thầm quan sát ( Vì quán quá ế , không biết kinh doanh ) . Anh / em trong bài thơ này chỉ là một người duy nhất , đang thả hồn mình vào một thời đã qua . Một thời đáng nhớ và cũng một thờ cố quên . Nhưng làm sao mà quên được quá khứ , dù muốn dù không thì nó đã xảy ra . Nếu như cho ta sống lại thời gian ấy thì nó vẫn xảy ra như thế . Hạnh phúc vốn mong manh , ta đã một phút sai làm nào đó mà để vụt mất
    Trong bài thơ ( Có một ngày ) ta cảm nhận được nét cọ tài hoa của người hoạ sĩ . Hoạ sĩ đã pha trộn màu sắc một cách tinh tế . Màu nâu đen là màu của quá khứ một thời , màu vàng cam là màu hiện tại và tương lại . Sự tinh tế còn được thể hiện ở chỗ tác giả đã thả một tia nắng chiều vào ly cam vắt lạnh lẽo , thả thêm một chút hơi nóng còn sót lại của một chiều thu ( Đưng thắc mắc sao lại chiều Thu . Vì Salam thích tranh Van Goc , mà màu vàng là màu chủ đạo trong tranh của ông ) . Nếu như màu đen là màu của chết chóc và sui rủi thì tác giả đã cho thêm màu nâu ( Cà phê sữa ) để cho quá khứ bớt nặng nề hơn ( Dù sao cũng quá tệ )
    Ai cũng có một thời vụng dại , một thời nông nổi :
    Cái thửa ban đầu lưu luyến ấy
    Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên
    Thường thường các tác giả thường dồn mọi ý tưởng cho khổ thơ cuối . Nhưng trong bài thơ ( Có Một Ngày ) thì Salam thích khổ 3 hơn , hãy đọc hai câu thơ sau:
    Cà phê chiều sóng sánh
    Anh nén giọt thời gian
    Ly cam tan lành lạnh
    Em cố giữ khỏi tràn
    Tràn ở đây không phải tràn nước ở trong ly cam vắt , mà tràn ở đây là tràn cảm xúc đang dâng trào trong sâu thẳm tâm hồn . Thời gian là một thực thể vô hình không ai có thể cầm , nắm được . Ở đây tác giả đã nén được thời gian , thể hiện tâm trạng của người nam / nữ đang cố kìm nén cảm xúc khi gặp lại nơi chốn cũ . Nơi đã tùng in dấu kỷ niệm của một thời đã qua
    Chợt nắng chiều vụt tắt
    Ta tỉnh giấc bàng hoàng
    Có vệt màu sám hối
    Vừa vẽ vào thời gian
    Trong bài thơ ( Có một ngày ) lại cho ta một bất ngờ khác ở khổ thơ cuối này . Dù quá khứ có như thế nào đi chăng nữa , thì con người ta không phải cứ mãi đắm chìm trong tiếc nuối . Đói diện với cuộc sống hiện tại là điều đáng bàn ở đáy ( Có vệt màu sám hối ) là lời cảnh tỉnh cho những người đang và gần yêu : Hãy trân trọng và gìn giữ những gì mình đang và sáp có .
    Kết luận : Bài thơ ( Có một ngày ) tuy ngắn gọn , nhưng là sự cô đọng mọi cảm xúc của tác giả . Những người đọc hời hợt ( Như Hòn Sỏi ) sẽ không lĩnh hội được những nét cọ tinh tế mà tác giả muốn truyền tải . Bài thơ này chỉ dành cho Salam và Lão BU
    P/ s: Salam thích nhìn vòng 3 của phụ nữ từ phía sau , không phải như Hòn Sỏi gặp gái cứ nhìn chòng chọc từ trên xuống dưới , từ dưới lên trên làm cho người con gái đó kinh sợ vì đã gặp phải. " 35 "
    Bỏ cho Lão Bu một phiếu nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước khi Om kịp có ý kiến,, chị nói thêm cho Om hay, Salam đã viết những lời bình này sau khi uống hai lon bia nhắm với cái mỏ vịt cùng lão Tan. Còn cái cổ vịt để dành, âu yếm trao cho ...Om!

      Xóa
    2. Anh Salam có thể sang nhà Lộc vừng (trong danh bạ HƯƠNG NGÀN) để đọc thêm một cách cảm nhân VỆT MÀU nha.

      Xóa
    3. Anh Salam ơi! OM sẽ không tranh luận với anh ở nhà chị Nhật Thành đâu. Người ta vào đây để chiêm ngưỡng "Hoa trên đỉnh núi" mà mình lại đem một thứ khác vào đây bàn luận, coi sao được!
      OM sẽ bê nguyên cái còm này về nhà mình, vừa để lưu trữ, vừa để tiện trao đổi với anh. Anh đừng sợ "Người cõi trên". Mình có tư cách của mình, mắc gì mà sợ! (Nè, mà có chắc mình là "người cõi trần" không, hay cũng là một dạng "người cõi trên" đấy?)
      OM không thích nhà mình là một bãi chiến trường cãi vã nhau. Vì vậy, nếu ai quá khích như kiểu cái nick NHN còm bên nhà Ái Nữ, OM sẽ nhắc nhở. Nếu vẫn quá khích, OM sẽ xoá còm. Dù là sân chơi công cộng, nhưng chủ nhà có quyền hướng blog cá nhân theo ý mình, anh Salam ạ!
      (Em xin lỗi chị Nhật Thành nhé! Hihi )

      Xóa
    4. OM ơi
      Salam không sợ tranh luận ! Nhưng OM hiểu cho một điều rằng , Salam sống ở trong Nam mà người Nam rất tôn trọng phụ nữ . Ở ben nhà Ái Nữ vì một phút sai lầm mà Salam đã làm nhiều người buồn . Đó là điều luôn dằn vặt bản thân . Salam chỉ nói thật lòng mình thôi ,, ai muốn hiểu sao thì tuỳ ý . Mấy coment cuối cùng của Salam ở nhà Ái Nữ là thay lời xin lỗi . Vừa rồi đọc " Phượng Hoàng " nhưng Salam không comemnt là vì Ái nữ lôi tên Salam ra để mạ lị . Điều đó Salam không sợ vì đã chơi blog thì phải chấp nhận điều đó . Điều muốn nói ở đây là muốn chửi bới hay mạt sát Salam thì dành riêng một bài mà chửi , đằng này lại xếp chung Salam với Ông Thiệp , ông khoa , ông Thanh Sơn vvv . Salam dù có ngu dốt gì đi chăng nữa thì vẫn là mình , không thể xếp ngồi chung mâm với mấy thằng chả được .
      Còn như nếu như tranh luận ở nhà OM Salam sợ nhiều khi không kiềm chế được sẽ làm OM bị tổn thương , đó là điều mà Salam không muốn ( Salam đã xem cuộc tranh luận của Ái Nữ và Phiêu Vân 08 ở nhà Vòm trời Riêng ) vì thế Salam cố tránh ... Thân !

      Xóa
  10. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hòn Sỏi ơi ! Sao lại xoá còm hử ? Sợ Salam chưa ? Sang nhà lão Bu mà làm anh hùng đê

      Xóa
    2. Cái còm này là Sỏi bẹo Salam nhưng hơi quá tay sợ salam tự ái nên xóa luôn. Sợ là sợ dzậy chớ! Salam ghẻ ạ!

      Xóa
  11. Phần này Nhật Thành viết rất tự nhiên vầ đầy chất liệu sống của cô giáo trẻ lần đầu trên đường về vùng cao vùng sâu dạy học. Bức tranh miền núi và những câu chuyện dọc đường cũng như diễn biến tâm lý nhân vật đc tác giả khắc họa rõ nét và sinh động cuốn hút người đọc. Hầu hết bạn blog đến thăm đã dành nhiều cảm tình cho chương viết này. Anh ko khen "phò mã tốt áo" thêm nữa. mà muốn nói băn khoăn của mình ở đoạn Nga "Dân" gặp Na ở bến xe. Xét về mặt tâm lý thì biết rằng Na đang buồn vì xa Yến và nhiều vấn đề khác nhưng lẽ ra nơi đất khách quê người rừng thiêng nước độc này được gặp Nga Dân là bạn học và "ma cũ" ở vùng này thì Na phải vui mới phải. Đằng này Nga Dân chủ động chào hỏi, thăm dò sao Na lại lơ ngơ ở đây, sao mà khóc? thì Na cúi mặt ko nói gì... Tiếp theo đoạn Nga giải thích cho Na đi "bù" là đi vùng sâu. "Thấy Na nhíu trán, nó lại cười rổn rảng như địa chủ được mùa ngô". Theo anh nghĩ, dù tá điền, địa chủ hay nông dân bình thường khi đc mùa ngô lúa thì ai cũng vui sướng cười rổn rảng hay sảng khoái chứ ko riêng gì địa chủ. Câu ví hoặc so sánh này nghe ko được phù hợp lắm...
    Dù Lão Tan chúa ghét những người com ngắn và hay chúc tụng sau lời com, nhưng đối với em ở bài này anh chỉ viết đc có vậy và vẫn chúc em luôn vui khỏe an lành và viết hay nhé. Hi hi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh thì thấy "lẽ ra" thế, nhưng tâm lí con người không lẽ ra được đâu anh. Na đang rất buồn, đang rất chống chếnh:"nỗi buồn cứ loang dần, loang dần và ngấm vào từng lỗ chân lông trên cơ thể, lan theo từng mạch máu li ti làm Na cảm thấy chống chếnh, chênh chao", Nga xuất hiện bất ngờ, lại lô bô lốc bốc hỏi: " Khóc à? Sao mà khóc?" Chẳng lẽ Na vui ngay? Na sống thiên về nội tâm, Nga thì sôi nổi, lắm lời. Nhưng cũng nhờ cô bạn hồn nhiên, vô tư ấy mà Na đã vơi bớt nỗi buồn, không chỉ chân bước theo đà kéo của Nga mà tâm trạng cũng đã bị cuốn theo sự háo hứng của Nga. Ta cũng cảm nhận thấy Na đã bắt đầu vui lên khi nhìn " Tia nắng sớm nhảy nhót trong những giọt sương với màu vàng ươm mùa thu."
      "Cười như địa chủ được mùa ngô" hay "cười như xe ben đổ đá" là thành ngữ đấy chứ anh, cách so sánh này là em vận dụng của dân gian đấy chứ.
      Mà này, nhà này có phải lão Tan làm chủ đâu nhỉ? Sao anh lại vì Lão ghét com ngắn mà sợ không com được dài?

      Xóa
  12. Nhật Thành ơi Sỏi có ảnh về trang đầu Ngục trung nhật ký đang treo bên entry ngứa mồm nhà Sỏi đấy Em sang xem có ai tài đến mức viết Nhật kí trước 10 năm không chứ! Chuyện này nhạy cảm và quá phức tạp...

    Trả lờiXóa
  13. Phần này CT đọc thấy hay quá Nhật Thành. Một cái gì cứ trong văn vắt, hồn nhiên thật thích. Càng về cuối càng rõ.. Do lối kể chuyện và miêu tả chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Cầu tre đã thích. NT cũng chỉ muốn đem lại tí chút niềm vui cho mọi người thế thôi, chưa ra môn ra khoai gì cả Cầu tre ạ.

      Xóa
  14. Nhật Thành giận anh Sỏi à? Giận anh mà anh không giận lại thì giận làm gì. Nó phí đi. Chẳng có lý nào cả để mà giận nhau hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ô trời ơi, anh Sỏi à.
      Xuân Diệu thì viết:
      "Yêu là chết ở trong lòng một ít
      Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu"
      Còn NT thì thấy:
      Giận là yêu ở trong lòng một ít
      Vì không yêu thì ai giận mà chi?
      Ha ha....
      Cả ngày nay NT bận chuẩn bị các thứ để ngày mai đi du lịch phía Nam, sáng có dạo qua một lượt hàng xóm nhưng chỉ com ở nhà Om thôi. Hôm nay tha cho anh Sỏi, chưa giận, để góp cục tức lại hôm sau giận luôn thể, nhé.

      Xóa
  15. Chị sang thăm em, chúc em luôn an yên! Chị đọc bài và hổng dám có ý kiến gì cả hi...hi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi, chị cứ góp ý thoải mái đi mà, em cần nghe ý kiến của mọi người.
      Chúc chị luôn bình yên như nắng hồng mỗi sáng!

      Xóa
  16. Em sang 3 lần rùi, chỉ đọc thui, chứ ý kiến thì nhìn mấy cao thủ soi chị iu ác liệt quá mà rút kinh nghiệm thui. hì hì
    Hồi nãy đọc cụm từ " điệu chảy nước " của chị trong bài mà em bật cười khì khì. Trong Nam em dạo này hay đùa, trêu nhau cụm từ này nè. Chị iu cập nhật thời sự nhanh thiệt luôn á. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...mấy cao thủ ấy có ý kiến của họ, mình có ý kiến riêng của mình chứ em. Từ "điệu chảy nước" ở chị dùng lâu rồi, có khi đùa trêu, nhưng có khi còn kèm theo cái nguýt dài đầy...ghen tị nữa đó em.

      Xóa
  17. 1- Mở đầu đoạn này có nước mắt của Na khi từ giả Yến ở bến xe , sau đó Tóc Đầm mếu máo vì đi đường mệt quá. Mệt là phải, con đường tít tắp, lên dốc, xuống dốc, lại lên dốc. Tác giả mô tả con đường bằng tiết tấu dồn dập của nhịp thở: “Thở. Và thở. Mũi thở. Miệng thở. Tai thở”. Mệt nhưng mà vui, khúc hòa tấu của nhạc rừng sao mà quyến rũ, nào là “tiếng chim hót, tiếng con gì kêu chéc chéc, tiếng con sóc, con chồn chạy đuổi nhau rột roạt. Gió rì rào miên man”. Bên cái đẹp của thiên nhiên còn có cái đẹp của tình bạn. Cô giáo Nga lo cho Na từ đôi dép nhựa thay guốc, lại vào rừng hái quả Mạc xàn cho bạn giải khát…
    2- Cái cốt yếu của tiểu thuyết là mô tả, phanh phui tâm lý nhân vật. Đoạn 6 này tâm trạng Na khi rời Yến được tác giả đề cập đến khá kỹ. Na quyết định lên Thông Thụ nhưng vẫn còn mơ hồ nghĩ đến Yến sẽ thành công trong việc xin cho Na về Tần Kỳ. Một người ngược núi một người về xuôi tâm trạng Na ngổn ngang là Phải,
    3- Khi đọc bất cứ đoạn nào trong câu chuyện tác giả đang viết, bu tui luôn luôn hình dung câu chuyện chung cuộc sẽ ra sao. Có thể đoạn này hay, đoạn kia được, nhưng ghép chúng lại trong một tổng thể thì lại không như mình muốn. Rất mong tác giả Hoa trên đỉnh núi đặc biệt quan tâm mổ xẻ tâm lý nhân vật chớ không nhất thiết móc nối vào quá nhiều sự kiện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cảm ơn anh xã đã đọc rất kĩ, nhận xét thấu đáo mọi điều. Em sẽ cố gắng bám theo lộ trình của "Hoa trên đỉnh núi" nhắm phản ánh được phần nào hiện thự cuộc sống một thời, có cả mảng sáng, mảng tối, có nụ cười, có nước mắt, có tình yêu thương nhưng cũng có cả những ghen ghét hận thù...Tất cả đang ở phía trước.

      Xóa
  18. 1 - Đọc lại cả truyện và còm thì thấy mọi góp ý(kể cả Sỏi) đều có một vài chi tiết vô duyên. Sỏi sẽ tự hiểu mình cần làm gì. Truyện viết không tuyệt hay nhưng cũng được. cứ thế mà viết cho liền mạch . đã định hình lối đi rồi. không nên đẽo cày giữa đường...!
    2 - Chẳng biết có lo lắng hộ ai hay là''lo bò không có hàm trên'' Cả tuần qua O NT ra ngoài xã hội '' có lành lăn mà về không hay, đi đâu trêu chọc đấy rồi người ta đánh cho nát đít. Nghĩ đến đấy là Sỏi thấy mông mình đau rùi Hic...hic!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1.Không cần băn khoăn nhiều quá đâu anh. Mình giao lưu, không đặt tiêu chí đúng/sai, hay/dở lên hàng đầu anh ạ.
      2. Yên tâm nha, NT không bị đánh nát đít. Anh xã Bu và chị Hà đến tận khách sạn đón về nhà chơi,nói chuyện vui lắm, lại được chiêm ngưỡng những tủ sách hiếm có trong mỗi gia đình hiện nay. Khi về còn có quà. Anh Salam đội mưa đem quà đến tận khách sạn khi trời đã khuya. Cảm động lắm. Tình bạn ảo mà thật thế đấy anh Sỏi à.

      Xóa
  19. Theo dấu chân anh Sỏi tìm đến nhà bạn mới hay nhà bạn cũng hoành văn tráng chuyên chủ chuyện khách đọc mệt mỏi chưa hết .Mình vốn văn dốt mình không viết được truyện ngắn chửa biết nói sao chỉ biết chúc nhà bạn ngày thêm đông vui bè bạn giao lưu chủ nhà thêm tươi trẻ trẻ trung và hạnh phúc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khe khe...thấy lão Tôn đến nhà là vui lắm rồi. Nhà mình toàn thợ cãi thôi, cãi đến khi nào ...giáp nhau mới chịu!

      Xóa
  20. sang thăm bạn, chỉ đọc và chờ đọc thôi chứ mình có biết văn chương gì đâu. chúc bạn buổi chiều vui vẻ nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Mẫn nói thế là quá khiên tốn đó nha. Một nhà xã hội học mà không biết đến văn chương kể cũng hơi lạ.
      Chúc anh Mẫn buổi tối an lành.

      Xóa
  21. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa