Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

THAN

                               
   Thằng Cáng co người, kéo! Bì than cứ hết lăn bên này lại ngoặt sang bên kia như một con lợn đã bị trói mà còn cố gắng vật vã hòng thoát khỏi kiếp nạn.  Bàn tay lấm lem quệt lên trán, lên má, lên cổ những vệt than đen hắc. Da Cáng cũng đen hắc. Mái tóc cứng như rễ tre, lởm chởm dựng lên, phủ đầy bụi than. Trời nóng chi mà nóng lạ. Không biết đã mấy giờ, cái bóng của Cáng đã ngắn ngủn chỉ bằng nửa chiều cao của nó, cứ lũn cũn theo sát dưới chân . Khóm chuối rừng  sáng trắng lên, nghiêng tàu lá trút nắng xuống mấy bụi cây lúp xúp. Mồ hôi ướt nhẫy khuôn mặt loang loang than bụi. Mồ hôi chảy vào cả trong mắt cay xè. Mồ hôi đầm đìa lưng áo.  Cáng dừng lại, thở, nhìn quãng dốc, ước tính ba lần nghỉ nữa là tới chân núi. “ Bộ sách lớp bảy của Y Hồng gần như còn mới, con gái vốn cẩn thận nên sách học xong chưa hề quăn mép. Nó bảo muốn lấy thì ngày mai đưa tiền để nó còn mua bộ sách lớp tám của anh Cả nhà bác Viêng. Bộ sách Y Hồng để lại cho Cáng sáu chục ngàn, Y Hồng phải bỏ thêm mười ngàn nữa mới đủ mua bộ sách lớp tám của anh Cả.”  Vừa vần, lăn, kéo, Cáng vừa nghĩ.  “Con lợn” ngoan ngoãn truồi xuống một đoạn dốc khá thẳng rồi gặp hòn đá. Cáng không bưng nó qua được, phải dùng khúc cây bẩy , ghếch cái “mõm” của nó lên hòn đá rồi bẩy tiếp. Kinh nghiệm này Cáng học được từ pọ* khi theo pọ vào rừng chặt gỗ. Giờ pọ không đi rừng được nữa, chân pọ bị cây đè trong một lần chặt cây dổi ở rừng Khe Húa, gãy rồi. Cái chân ấy bây giờ chỉ đi nhúc nhắc trong nhà thôi. Mà nếu chân pọ còn khỏe như hồi trước thì cũng không đi rừng chặt gỗ nữa, cấm hết rồi. Cái lệnh cấm có con dấu đỏ chót ấy bà con trong bản đều được nhìn cả, đều được trưởng bản đọc cho nghe cả . Cấm hết. Không chặt gỗ, không đốn củi, không đốt than. Làm thế để bảo vệ rừng đấy. Chú cán bộ kiểm lâm bảo rừng của chúng ta bị thương rồi, nó bị thương nên nó quằn quại làm hại dân làng. Nạn lụt cũng do rừng bị tàn phá, nắng nóng thế này cũng  do phá rừng. Bao nhiêu lúa nương  mơn mởn như thế, nắng đốt cho cháy trắng, không đẻ ra bông lúa được, có phải do phá rừng không? Chú cán bộ kiểm lâm bảo là có, dân làng bảo không phải đâu, ngày xưa rừng còn nhiều mà lúa nương cũng nhiều năm bị cháy hết đó thôi? Ông trời không cho nước xuống thì lúa nó khát, lúa nó chết chứ . Dân làng đói thì phải vào rừng, xin của rừng mà làm no cái bụng. Ngày xưa dân làng vào rừng xin cây rau cái nấm về làm canh, xin cây gỗ làm nhà, xin que củi nấu cơm. Bây giờ những thứ đó bán được, có tiền mua nhiều thứ khác nên người ta rủ nhau vào rừng xin rừng nhiều hơn. Tuyên truyền không nghe thì phải cấm, cấm không được thì phạt. Giờ ai còn vào rừng chặt củi, chặt gỗ, đốt than là bị phạt nặng đấy nhé, là thu hết phương tiện làm ăn đấy nhé. Nhưng mế* bảo mình phải làm chui thôi, làm chui là làm không cho cán bộ biết, làm thế là sai, là vi phạm chủ trương nhà nước, nhưng không  làm thì không có tiền, không  no cái bụng. Cáng đi theo mế làm chui được mấy chuyến than thì bị bắt. Mế bị phạt tiền, còn Cáng  bị khiển trách trước toàn trường trong giờ chào cờ, Cáng bị cắt danh hiệu học sinh tiên tiến. Nhục lắm!
  Nhưng  Cáng quyết làm chui lần nữa. Bộ sách của Y Hồng nếu Cáng không đủ tiền vào ngày mai thì con La nhà pá* Xủng sẽ mua mất. Năm ngoái cũng vì chậm có tiền nên Cáng chỉ mua được một bộ lớp sáu của anh Sầm, đã rách nhiều tờ lại vẽ bậy vẽ bạ. Nhiều bài bị mất trang, Cáng phải mượn sách của bạn để chép bài tập. Mà Cáng chỉ đốt cái gốc cây bị chặt từ thời nảo thời nào rồi mà, gốc nó khô rồi, Cáng không đốt lấy than thì qua mấy mùa mưa nó cũng mục ra thôi. Ngày hôm qua Cáng đi từ gà gáy, hì hục đào từ khi con chim rừng chưa ngủ dậy, đến khi chân Cáng dẫm lên cái bóng của mình mới xong. Khi ngọn lửa liếm cho gốc cây đỏ rực thì Cáng xúc đất tấp lên. Mải làm, Cáng không biết là cái bóng mình đã lò đầu ra phía mặt trời mọc. Cả khu rừng chỉ có nắng và nắng. Cây cối đứng im lìm. Con ve cũng thôi không kêu rè rè điếc cả tai như lúc sáng. Khóm chuối  tàu lá nào cũng rũ xuống mỏi mệt. Sáng nay Cáng mang theo can và bì đi từ lúc con trăng mười sáu đang  rờ rỡ  trên đỉnh núi phía tây, leo lên đến chỗ gốc cây thì mặt trời cũng đã bằng con sào. Gạt lớp đất phía trên, than nhiều chỗ còn đượm. Thế là tốt! Cáng  đi múc nước dưới khe  tưới lên. Nước gặp than sôi xèo xèo. Bụi than bay loạn xạ, bám đầy quần áo, bám đầy tóc Cáng.

 Bì than  được bẩy qua hòn đá, truồi xuống một quãng  thì mắc kẹt vào bụi duối. Cáng lôi, xoay, lật. Mồ hôi nhỏ tong tong. Cáng dừng lại, thở. Dốc can tu một hơi, nước suối mát lạnh, khỏe cả người. Cố sức lật một lần nữa, Cáng đã đưa được cái bì ra khỏi bụi cây, lăn tiếp.
Cuối cùng thì “con lợn”  cũng hết vật vã,  nằm gọn ghẽ trên hai cái que cột sau gác-ba-ga.
 “ Này Y Hồng, đúng sáu mươi ngàn đây, soạn sách ra đi. Bì than Cáng bán được  tám mươi ngàn, giờ còn hai chục ngàn mua bút và mấy thứ đồ dùng đã. Hôm sau làm chui chuyến nữa sẽ đủ tiền mua vở” Cáng hình dung đôi mắt sáng  như  mắt chim Nộc Thua của Y Hồng sẽ mở to hết cỡ, bảo Cáng giỏi thật đấy, cáng  chịu khó thật đấy, mà lại gan nữa. Y Hồng chịu thôi, Y Hồng sợ các chú kiểm lâm bắt lắm. Cáng mỉm cười nghĩ vậy rồi đẩy xe đi ra khỏi bìa rừng.
 Nắng ngồn ngột táp vào mặt. Cảm giác như tóc trên đầu Cáng cháy khét lẹt. Cáng cố đạp nhanh…Thời điểm này chẳng có chú kiểm lâm nào ở trạm hết. Cáng chắc chắn thế. Bỗng chiếc xe trở quẻ, xích trật ra, đạp cứ nghe rột roạt. Bỏ được xích vào, đi một quãng lại trật ra. Hôm qua pọ nhắc, xích xe con chùng rồi đó, đem ra chú Tiến sửa lại cho. Nhưng Cáng tiếc tiền,Cáng lấy dầu luyn xe máy nhỏ vào.
Trì trà trì trật mãi, Cáng cũng đã tới được quán bà Béo. Giờ thì Cáng quên hết cả mệt, quên hết cả đói, bì than đưa được đến đây chẳng khác nào bài toán giải xong, chỉ còn ghi đáp số. Than lim chắc nên đượm, bà Béo sẽ không bao giờ mặc cả. Tám mươi ngàn là tám mươi ngàn, trả xong còn thưởng cho Cáng một cốc chè nữa không chừng.
Cáng dựng xe, vừa bước vào đã trố to mắt: Trong quán , hai chú kiểm lâm đang uống bia!
-         A, mày lại đi đốt trộm than hả?
-        
-         Mẹ con nhà mày lần trước bị phạt thế vẫn không chừa?
-         Dạ…có một mình cháu.
-         Than đâu?
-        
-         Thằng kia!
-         Cháu để ngoài kia…hai chú cho cháu xin…
Trên khuôn mặt  nháng bóng của Cáng, mồ hôi chảy thành dòng. Nhiều vệt đen ngang dọc, chẳng biết đâu là vệt than, đâu là vệt dầu luyn xe máy. Ánh mắt Cáng cầu khẩn.
-         Thôi, cho nó đi!
-         Không được! Bọn này không nghiêm với chúng thì loạn! Mày ra tịch thu bì than cho tao.
Cáng thất thểu đạp xe về. Từng quầng lửa lợn cợn dưới đường bốc lên. Hình ảnh bộ sách cũ nhưng còn nguyên vẹn của Y Hồng lấp lóa trong nắng. “ Y Hồng ơi, Y Hồng à, Y Hồng chờ Cáng thêm ít ngày nữa đi, đừng vội bán. Cáng sẽ tìm được một gốc cây khác. Cáng sẽ làm chui vào ban đêm. Mùa này trăng sáng mà, Y Hồng nhé.” 
  Trong lúc đó, chú cán bộ kiểm lâm hất hàm sang bì than nói với bà Béo vừa trong bếp bước ra:
- Trừ vào tiền bia và trứng vịt lộn hôm nay nha.  
                                                          
                                                   Quỳ Hợp, đầu tháng sáu Ất Mùi.
                                                                       Nhật Thành

* pọ: bố                     mế: mẹ                 pá: bác (tiếng Thái)



57 nhận xét:

  1. Mả mẹ mấy thằng Lâm Tặc dã man. Thằng bé càng nhẫn lại thì sự man tra trong cái gọi xã hội càng vươn ra. Hay, hay lắm!

    Trả lờiXóa
  2. Thương Cáng khi cu cậu hình dung gặp Y Hồng,
    NT ơi sao THAN chưa hòa nhập được với HOA TRÊN ĐỈNH NÚI...? Phải có khớp nối hợp lý chứ nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là truyện ngắn anh Sỏi à. Nó không phải là một phần trong HOA TRÊN ĐỈNH NÚI. Em muốn phản ánh một hiện trạng trớ trêu, đau lòng trong cuộc sống của người dân miền núi. Anh là người thành phố, có thể anh chưa cảm nhận hết nỗi khổ của họ đâu. Người miền biển dựa vào tài nguyên biển mà sinh sống, nói như nhà thơ Huy Cận: “Biển cho ta cá như lòng mẹ/Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”. Người miền núi dựa vào rừng. Họ xin của rừng để được no cái bụng, họ xin của rừng để được lành cái áo. Cây ngô, cây lúa trên nương được mất nhờ trời. Đói thì vào rừng. Đã bao đời nay như vậy. Thế rồi lâm tặc đến. Lâm tặc là người nơi khác, có tiền, có quyền, ào ạt làm rừng cạn kiệt. Hơn ai hết, người dân miền núi gánh chịu hậu quả. Em đã đề cập đến nỗi đau ấy trong một số truyện ngắn khác, CÂY ĐÀO QUÍ chẳng hạn. Khi rừng bị lâm tặc tấn công, nhà nước phải ra chủ trương bảo vệ rừng. Cơ quan kiểm lâm,cơ quan bảo tồn được quyền ngăn chặn những hoạt động được coi là phá rừng. Và việc của họ là phạt, là tịch thu, là rình mò săn đuổi những người khai thác lâm sản. Nhưng anh Sỏi biết không, chính kiểm lâm và bảo tồn lại câu kết với lâm tặc để phá rừng. Nếu anh theo dõi các thông tin thời sự 24h sẽ đọc được tin tức phó giám đốc bảo tồn câu kết với lâm tặc tạo thành một đường dây khai thác gỗ công khai, người dân trở thành kẻ làm thuê cho chúng, mỗi ngày chúng trả 100 ngàn. Khi xe bị lật, làm chết 11 người cửu vạn và một số bị thương, chúng không lo cứu người mà lo di tản gỗ. Chuyện um xum khắp các báo chí nhưng cuối cùng kẻ cầm đầu chỉ nhận 12 tháng tù treo vì nghe nói đằng sau ông ta là quan chủ chốt cấp tỉnh (đây là sự việc ở Quỳ Hợp bọn em) Giờ người dân vào rừng đốt than, chặt củi, chặt gỗ để kiếm kế sinh nhai đều bị bắt, bị phạt. Bỗng chốc người miền núi có rừng nhưng rừng không phải của mình nữa rồi. Rừng là của nhà nước. Những kẻ nhân danh nhà nước đương nhiên tịch thu những thứ lâm sản dân khai thác bỏ vào túi mình. Những người dân lành, họ là “con quốc giữa trời/Dẫu kêu ra máu có người nào nghe”.
      Chi tiết cuối: Cáng sẽ tiếp tục đốt than vào ban đêm. Vì sao? Ban ngày gặp cướp đấy. “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Giặc không còn nhưng cướp ngày thì nhan nhản!
      Trong phạm vi một truyện ngắn, em chưa p/á hết được. Xin chia sẻ với anh và mọi người.

      Xóa
  3. Cay đắng, xót xa, cảm phục, căm phẫn là những cảm xúc mà tôi nhận được trọn vẹn từ câu chuyện của bạn.
    Tình huống đời thường, quen mà không nhàm, câu chuyện được dẫn dắt tự nhiên với nhịp điệu hợp lí, phần đầu châm, nhanh dần lên và đóng lại rất nhanh. Tôi thích nhịp điệu này vì nó nhân đôi được khổ rộng và tô đậm hai lần bức tranh đời sống mà bạn trải ra trước mắt tôi: ước mong, hy vọng, lòng nhẫn nại (mượn chữ của anh Sỏi:)) ,ý chí đáng khâm phục của cậu bé nghèo và sự đê tiện của kẻ bất lương. Một như con suối nhỏ mát trong âm thầm bền bỉ đi qua địa hình cheo leo gồ ghề..một như cơn lũ hung tàn, phút chốc cuốn đi nghiền nát bao xanh mát, đẹp xinh, hiền lành của cuộc sống này...
    Tôi cũng thích cách bạn viết thoại. Chẳng hạn nếu lược đi câu "thôi tha cho nó" và câu sau đó thì chân dung kẻ bất lương, đểu giả sẽ mờ hơn. Khi nói những câu đó, rõ ràng chúng biết cậu bé kia lương thiện và đáng thương. Nhưng chỉ vì bia và hột vịt đã tự dưng đến trước miệng tục mà chúng đang tâm nuốt trọn công sức vất vả hơn ngày trời của cậu bé chỉ trong chớp mắt...
    Phần chi tiết và miêu tả của bạn tôi khá thích tuy đôi chỗ có vẻ hơi rậm rạp (dù là để phục vụ cho tạo nhịp điệu), một vài chỗ từ dùng tôi hơi băn khoăn.. Nhưng rốt ráo lại thì bạn đã tặng tôi một cuộc đi nhỏ mà tôi chưa bao giờ được trải nghiệm. Cám ơn bạn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NT đã chia sẻ những tâm tư của mình khi viết truyện ngắn này khi trả lời anh Sỏi, Cầu tre chịu khó đọc nhé. Hình ảnh đáng thương của thằng bé thì ai cũng thấy rõ vì nó hiển hiện một cách đầy đủ qua khuôn mặt, qua ánh mắt, qua mái tóc và qua cả bộ đồ đang mặc của nó. Riêng cái việc nó chở bì than giữa trưa nằng chang chang đã làm thặt lòng người có chút lương tâm rồi. Kẻ bảo "Thôi,cho nó đi" là cấp dưới, còn chút tình người, kẻ kiên quyết tịch thu là cấp trên, xa cấp thường dân hơn nên tình người đã hết.Tên cướp ngày!
      Cầu tre cứ góp ý thật vô tư đi nhé, mình rất thích được như thế. Ví dụ cách dùng từ chẳng hạn. Văn mình thường cố gắng dùng những từ bình dân nhất, dễ hiểu nhất, chỗ nào khó hiểu mình sẽ sửa.
      Rất cảm ơn bạn.

      Xóa
  4. Đọc từ tối qua, sáng tinh mơ lại qua lần nữa, nhưng máy của em bị kẹt gì đó, không gõ được bình luận. Giờ sang thì mất tem rồi!
    Em thích truyện ngắn này của chị. Tuổi thơ của em chẳng sung sướng hơn bạn bè gì đâu, nhưng nhìn vào câu chuyện này, thấy mình đã quá hạnh phúc rồi.
    Cái nỗi cực nhọc của thằng bé thực ra không làm cho nó khổ là mấy! Cái khổ là nó đã, đang và sẽ loanh quanh ở một nơi mà cái xấu xa, trơ trẽn cứ ngang nhiên tồn tại, thậm chí là tồn tại trên đầu những con người lương thiện. Khi còn nhỏ, điều ấy làm cho nó khổ ít, nhưng càng lớn, nhận thức càng rõ ràng thì cái nỗi khổ ấy càng lớn dần.
    Truyện này chị đã viết ngắn hơn, xúc tích hơn. Với một lượng con chữ vừa phải mà chuyển tải được một nội dung lớn, đem đến cho người đọc những cảm xúc rất thật, truyện của chị có lẽ không có gì để em chê nữa! :D

    Và nói thêm, hôm nay nhà chị sáng sủa, thích quá! Em nghiêng về sự đơn giản. Nhà nào nhấp nháy, chạy chữ, chạy hình, chim bay, hoa nở, nhạc véo von..., em thường ngại sang. Một phần vì nhức mắt, bị phân tán tư tưởng khi đọc bài, phần nữa là tải trang sẽ rất chậm. Xem trên di động nhiều khi đứng hình luôn. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. " không có gì để em chê nữa", nghe mà sướng rung rinh nha Om.
      Lâu nay em và lão Tan cứ chê...dài, chị hứa là sẽ cố luyện viết ngắn, lúc nào ngắn ngủn thì đừng chê...đọc mất sướng nha.
      Có một số hiện thực cuộc sống chị chưa lồng vào được, nhưng thôi, cứ để thế đã, hôm sau tính tiếp.
      Máy chị cũng không vào được nhà có chim bay, hoa nở. Nhiều khi chịu tệ với bạn bè thôi.

      Xóa
    2. Nhân nói về chữ trong nhà, CT nghĩ rằng Nhật thành nên sửa chữ bloger(người viết blog) thành blog (một dạng nhật kí, nhật kí mạng...) ở dòng chữ động đầu trang. Bạn thấy sao?

      Xóa
    3. Cầu tre ơi, NT không biết đến nửa chữ ngoại, ngày xưa học Nga văn nhưng chỉ có một năm lớp 10, còn các ngoại ngữ khác thì mù tịt! Phần chữ động và mấy cái trang trí xung quanh là do anh Hải Thăng thiết kế cho, NT không biết chi cả mô. Để khi nào NT gọi điện anh ấy sửa lại vậy.

      Xóa
    4. Cầu tre nói đúng đấy NT ạ. Câu ấy NT dùng sai nên xóa hoặc chữa ngay đi.
      Làm theo anh nhé:
      Em vào THIẾT KẾ góc trên bên phải
      Vào BỐ CỤC
      Vào chữ ''chỉnh sửa'' tiện ích ngay dưới tiêu đề Blog Hương Ngàn. Em có thể sửa hoặc xóa . Theo anh nên xóa. Cứ làm đi có gì hỏi anh .

      Xóa
    5. Em sẽ thử mò xem, mò không được thì kêu anh Sỏi nha.

      Xóa
  5. Salam nghĩ khác Hòn Sỏi , vì đây là một chuyện ngắn độc lập , chẳng liên qua gì đến " Hoa trên đỉnh núi " cả . Đi chết đê
    Chuyện đã viết ngắn gọn lại . Những vấn đề NT đưa ra không bao giờ xưa cũ . Nó vẫn hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày . Đây là một vấn đề nhức nhối của xã hội , giữa những ngườ khốn khó với những người " Đầy Tớ " của dân . Nó dai dẳng không biết đến khi nào mới có điểm dừng . Chuyện ngắn này miêu tả được hiện thực xã hội xưa và đương đại
    Nhưng theo Salam thì đưa những giải thích pháp luật ( Vấn đề cấm rừng ) vào đầu óc của một chú nhóc hơi có phần khiên cưỡng , không thật . Bởi vì đơn giản là ( Đói thì đầu gối phải bò ) . Mà người dân tộc họ sống mộc mạc , trọn đời sống với rừngthif muốn cấm gì thì cấm họ vẫn vào rừng ( Ví dụ tối qua Salam vẫn đi nhậu thịt thú rừng đấy thây )
    Đến chi tiết bộ sách của Y Hồng làm Salam lại nghĩ tới bộ phim ( Áo lụa Hà Đông ) của hãng phim Phước Sang . Mặc dù phim này được giải này giải nọ , nhưng Salam vẫn thấy không hay , không muốn nói là quá dở vì cách giải quyết của đạo diễn
    Những người làm nghệ thuật hay có những ý nghĩ rất nông cạn là : Tác phẩm họ làm ra sợ người đọc không hiểu nên phải giải thích dài dòng . Đó là điều tối kỵ trong sáng tác , độc giả thời nào cũng vậy , họ rất thông minh . Họ sẽ cảm nhận được điều mà tác giả muốn gửi gắm trong đứ con tinh thần của mình , theo cách cảm nhận của chính họ . Đơn giản là trong nghệ thuật thì không có một giới hạn nào
    Salam cũng không đồng ý với Cầu Tre là bỏ đi câu nói ( Thôi , cho nó đi ) . Theo Salam thì câu nói đó là câu hay nhất , và đắt giá nhất trong chuyện ngắn này , bởi vì đó là MẦM THIỆN . Dù cho xã hội có đảo điên , cái ác có tràn ngập thì lòng tốt , tính vị tha vẫn luôn hiện hữu . Đó là điều mà bất cứ xã hội nào muốn tồn tại đầu cần phải có
    Tối qua nhậu xỉn , đọc bài viết thấy có chữ THAN và thằng Cáng vần bao , làm Salam không ngủ được vì nhớ tói hình ảnh mẹ ngồi vắt than , nhớ lại cảnh giữa trưa hè mấy cha con đẩy xe than đi giao cho các bếp ăn của các cơ quan . Con mệ Nhật Thành thật là " Dã man "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Salam nhận định câu đó hay, đắt giá và là MẦM THIỆN, hoàn toàn đúng. Nhưng bạn Cầu Tre có bảo bỏ câu đó đi đâu! Bạn ấy đang phân tích "nếu như..." đấy chư!

      Xóa
    2. Bạn OM ạ, Salam tối qua nhậu thịt rừng ở nhà hàng Saìghênh chưa thấy đã, hôm nay anh ta lại muốn biến Hương Ngàn thành quán nhậu với lại vỉa hè Ô ăn quan đây mà! Khéo thật!
      Cám ơn bạn đã đọc lời còm của Cầu tre:)

      Xóa
    3. "Nhưng theo Salam thì đưa những giải thích pháp luật ( Vấn đề cấm rừng ) vào đầu óc của một chú nhóc hơi có phần khiên cưỡng , không thật"
      Anh Salam ơi, thằng nhóc đã học xong lớp 6 rồi đấy. Vấn đề bảo vệ rừng được đưa vào từ tiểu học cơ. Chưa nói là thỉnh thoảng, đội tuyên truyền của Khu bảo tồn rừng thiên nhiên Pù Mát còn đến tận từng trường học để thực hiện các buổi chuyên đề, ngoại khóa. Rồi trong từng bản làng, cán bộ nhà nước cũng có nhiệm vụ triển khai nội dung văn bản pháp luật đến người dân. Một chú nhóc như Cáng hiểu hơn nhóc thành phố về vấn đề cấm rừng.
      Còn chi tiết bộ sách thế nào, NT không hiểu lắm. HS vùng miền núi, vùng nông thôn nghèo, thường mua lại sách cũ của nhau để học. Chuyện này bình thường mà.

      Xóa
    4. Cầu Tre ơi ! Còn giận Salam à
      Salam không muốn biến nhà Nhật Thành , thành quán nhậu thịt rừng đâu , ai lại thế . Ai lại để cho một cô giáo lại dính dáng đến thịt thú rừng bao giờ . Như dzậy là phạm pháp . Bán thứ khác lành hơn

      CÔ HÀNG NƯỚC

      Nho nhỏ lánh xa chốn phố phường
      Quán tranh mơ mộng nép hàng dương
      Dáng kiều tha thiết vời tâm nến
      Mắt liễu mơ huyền dịu nét thương

      Trà nóng hương Lài thoang thoảng toả
      Tay ngà bông Bưởi dịu dàng vương
      Mặc tình ..." Bán nước " không ai trách
      Lữ khách thanh lòng, tiết nắng vương
      ( Cao boi gia )
      Salam kinh doanh nên có nhiều loại . Thịt , cá , mắm , ruốc , cam quýt , ..vvv . Càu Tre thích loại nào ? Salam cho em bán

      Xóa
  6. Thư giãn đê

    Dưới ánh trăng huyền diệu , kỳ ảo , đôi vợ chồng trẻ ngồi bên nhau tâm sự. Họ thật là hạnh phúc với những cử chỉ âu yếm đầy thương yêu. Trong hạnh phúc ngập tràn đó cô vợ trẻ thủ thỉ
    Anh yêu của em , anh biết không ? Trước khi yêu và lấy anh, mẹ em hay chửi em rằng : sau này chỉ có .....Chó mới lấy em thôi

    P/s Hỏi ? Trong nhà này mấy mệ có khi nào chửi con gái của mình như vậy không ????

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chàng trai ũng rất chân tình, thủ thỉ với nàng:
      - Em yêu biết không, hồi trước mẹ anh vẫn hay chửi anh thế này:
      - Tính khí như mày sau này chỉ có lấy....chó!

      Xóa
  7. Chuyện của anh làm Sỏi nhớ ngày trước. GS Sử học Trần Quốc Vượng khi hướng dẫn Sinh viên thực hành, ông mắng một học trò của ông "Em thì có chó nó lấy". Không đầy hai năm sau ông cưới cô học trò này. Năm ấy ông đã ngoài 60 còn cô học trò kia mới 20. Câu mà GS mắng cô học trò kia , bạn bè và những người thân của cả hai người đều biết. Khi hai người cưới nhau mới ngã ngửa chính GS là người tuổi tuất. GS Vượng cũng là người nổi tiếng "thâm nho nhọ đít" Hihi!

    Trả lờiXóa
  8. Sỏi ơi ! Đi chết đê . Nhật Thành và OM làm chứng cho Salam nghen . Là khi SL comemnt thì chưa có câu trả lời của NT nghe. Vì nóng quá nên Lão Sỏi lại nhầm là phần tiếp theo của ( Hoa trên đỉnh núi ) . Comemnt mà cũng hà tiện chỉ được mấy dòng cụt ngủn , đồ keo kiệt . Chắc là bị ghẻ rồi tắm biển nên ngứa quá rồi lo gãi không comemnt được dài hế hế hế

    Trả lờiXóa
  9. Mấy đứa con gái mỗi khi xem phim bộ thấy hay , thì chúng tải hai tập cuối xem trước rồi mồi mới quay lại từ đầu . Ở đây NT cũng vậy , sao không chờ Lã Tân và Quang Thứ nhận xét rồi hãy trả lời ? Mà lại trả lời ngay để cho Hòn Sỏi " Tẽn Tò "

    Cô giáo ra một đề bài cho học sinh
    Em hãy kể một việc làm thiết thực của em để giữ cho ngôi trường của em luôn sạch đẹp

    Sau đây là bài làm của ông Cún Con khi còn học lớp. 3. Hay 4 gì đó
    Trước cổng trường của em rất nhiều người bán đồ ăn và đồ chơi , toàn những thứ em rất thích . Bước vào cổng trường là một cột cờ rất đẹp , phòng học cũng rất đẹp . Sân trường và trong lớp rất sạch vì đẫ có mấy cô bảo mẫu quét dọn hàng ngày , nên chúng em không phải làm gì hết
    Giờ ra chơi có một vườn bông rất đẹp chúng em không dám phá vì mấy ông bảo vệ rất dữ . Nói tóm là trường em rất đẹp

    Hỏi ? Với bài văn trên thì Mệ Nhật Thành và mọi người trong nhà này cho mấy điểm ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NT chỉ chia sẻ thôi, khi nào vào blog thì trả lời luôn, nếu điện không bị trục trặc. Thực ra thì bài đăng lên để giao lưu, để tranh luận cho vui là chính, đúng sai không quan trọng lắm đâu anh Salam ạ.
      Bài văn cô giáo NT chấm 10 điểm vì sự chân thật trong bài viết. NT rất buồn và nản về nhận xét của của anh Sỏi, cho rằng những tay viết blog đều phét lác và say rượu. Thôi thế thì thôi...

      Xóa
    2. Bài văn này có thật của Cún Con của Salam . Cô giáo cho 5 điểm và lời phê ( Không bám sát chủ đề ) . Salam điên tiết lên tranh luận với cô giáo . Nhận xét của Nhật Thành rất đúng , đó là sự thành thực của trẻ con . Ở trong bài viết còn có chi tiết là không dám phá phách . Đó cũng là một hành động giữ gìn trường học sạch đẹp , sau đó cô giáo đx sửa lại điểm 7 . Chuyện xảy ra đã lâu vì năm nay Cún thi đại học
      Em không biết tính của Sỏi hay sao ? Không phải vậy đâu , không ! Chơi với nhau mà không hiểu nhau à

      Xóa
    3. Này NT đã nịnh anh Salam nha, Không công bằng nha!
      Một bài văn thì phải chấm văn, không phải chấm đạo đức của người viết. Cả hai người này đều chấm bài theo tình cảm cá nhân. Không theo yêu cầu đề, Chính người chấm ""Đậu phộng"" đề!

      Xóa
    4. Cảm ơn Alaykum Salam đã nhắc đến mình nhưng mình nỏ biết bình luận sắc sảo như Salam mô. Nhân chuyện bài văn của Cún Con kể trên, mình cũng xin kể về bài tập làm văn kiểm tra học kỳ lớp 4 "Tả về cô giáo của em" của cháu mình có đoạn: "Cô rất hay nạt mỗi khi chúng em chưa ngoan. Nhưng mỗi lần chúng em nộp tiền học thêm, cô nở nụ cười phấn khởi và ngợi khen, khiến em rất vui và yêu mến cô"... Bài văn này trước khi cho điểm 9 đã gây xôn xao cho giáo viên, học sinh trong trường và đến tai mình là "Cháu nhà thơ làm văn kỳ quá, làm cô chủ nhiệm cảm thấy mắc cỡ". Mình chỉ nghe, ko hề có ý kiến can thiệp nhưng hội đồng chấm thi đã đánh giá kết luận là bài văn viết rất chân thật, đúng với đặc điểm hoàn cảnh của cô giáo và các cháu hiện tại nên cho điểm cao. Hiii...

      Xóa
    5. Đúng là bài văn chấm văn, không chấm đạo đức người viết. Nhưng chính đạo đức người viết thể hiện trong văn vậy.
      Bài văn của cháu tuy không bám sát yêu cầu của đề là "kể" nhưng cháu đã viết được những gì theo suy nghĩ của cháu về trường mình. Nó sẽ đáng chấm hơn rất nhiều những bài viết theo văn mẫu, viết theo suy nghĩ của người lớn. Hãy khuyến khích trẻ suy nghĩ bằng cái đầu của mình, viết theo sự nhìn nhận của mình trước cuộc sống, dù đó là những cảm nhận hết sức ngây thơ. Nếu không, các cháu sẽ trở thành những con vẹt, sau này trở thành những kẻ phét lác hoặc chỉ nói những gì cấp trên muốn nói. Chình nguyên nhân đó mà bài văn của cháu được 10 điểm, bài văn của cháu nội nhà thơ dược 9 điểm.

      Xóa
  10. buồn đến mức đọc mà mắt cứ nhòe nhòe đi. Trong đầu chỉ có mỗi hình ảnh Cáng đen nhẻm đạp cái xe trầy trật xích. Đau gì mà... Hình như chị viết ngắn như vầy hấp dẫn hơn thì phải. Đọc mà cứ thôi thúc đọc đến chữ cuối cùng. Hết rùi mà còn ngồi thừ ngùi ngùi trong lòng.
    Thương lắm , thương lắm chị ơi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình ảnh chân thực của học sinh miền núi đó em. Thương lắm, nhưng biết làm sao?

      Xóa
  11. 1- Cái bao than quay trở trên vai Cáng như con lợn bi trói muốn thoát khỏi kiếp nạn. Và chính cậu bé Cáng lại gặp kiếp nạn do chính cái bao than ấy gây ra. Cả một ngày làm việc Cáng chỉ uống nước suối và hình dung ra bộ sách lớp 7 của Y Hồng để có sức bẩy bao than trườn qua các mô đá. Cách tính thời gian bằng con sào và chiều bóng đổ là đặc điểm của người miền núi. Ở đây cái bóng còn mang tính biểu trưng cho kiếp sống con người mà cụ thể là Cáng. Bông huệ trắng, và bức từng cũng trắng, nhưng bóng huệ trên tường lại đen. Bóng cáng cũng đen như than và bám riết tuổi thơ cậu. Cáng và mẹ Cáng đã bị kiểm lâm bẳt vì tội đốt than. Nay cậu lại bị bắt, đúng hơn bị cướp 80 ngàn mồ hôi nước mắt bởi một con thú mang hình người được mệnh danh cán bộ Kiểm Lâm.
    2- Cáng biết, thậm chí quá biết nhà nước cấm đốt than chặt gỗ. Cậu đã từng bị nhà trường cảnh cáo về tội “phá rừng”. Đây là nỗi nhục của cậu từ nay cho đến hết đời. Chi tiết Cáng chỉ đốt gốc cây khô chớ không chặt gỗ tươi chứng tỏ cậu quá biết luật, có ý thức bảo vệ rừng. Tác giả nhấn mạnh vào chi tiết bảo vệ rừng để thấy Cáng vô tội và tên cướp ngày kia thêm bội phần bỉ ổi. (nghĩ bụng Cáng kiện vụ cướp than, đưa kiểm lâm lên rừng để chứng minh mình không chặt cây mà chỉ đốt gốc cây khô thì Kiểm Lâm thua trắng hihi)


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em xin đính chính lại: cái bao than không quay trở trên vai Cáng, vì Cáng không vác nó mà chỉ lôi, kéo, bẩy, lật nó xuống dốc thôi.Một mình Cáng giữa rừng trưa, loay hoay đánh vật với bì than để hướng tời việc tìm kiếm con chưx. Nhọc nhắn lắm!
      Bọn kiểm lâm nó không dại gì vào rừng mà "mục sở thị" thế đâu anh. Việc của chúng là gác trạm, ai khai thác lâm sản bị cấm đi qua là chúng bắt. Thế thôi.
      Trong lời com, có phải anh đang nhắc đến ý của những câu thơ:
      "Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng
      Sao bóng hoa trên tường lại đen?
      Em nhìn đi đâu thế em?
      Ừ, anh biết chúng mình không có lỗi!"
      Em không nhớ tên tác giả, cũng không nhớ tên bài thơ, nhưng nhớ nội dung bài thơ nói đến sự hiểu lầm, giận dỗi trong tình yêu thì phải.

      Xóa
  12. bạn tô đậm nét hai nhân vật đối nghịch nhau một cách tài tình càng làm cho rỏ nét. chúc bạn buổi tối thật vui bạn nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đây không có sự đối nghịch tính cách nhân vật đâu anh Mẫn ạ.

      Xóa
    2. xin lổi bạn, vì mình dở quá nên không hiểu rỏ, mong bạn bỏ qua cho nhé.

      Xóa
  13. Mẫn ơi là Mẫn ơi ! Không phải dzậy chứ ! Thăm bạn cũ mà cho một comemnt ngắn ngủi như dzậy . Bạn ơi ! Đây là blog , không phải như PB .bên PB xô bồ náo nhiêt vì thế tình cảm cũng lướt nhanh . Còn ở đây là blog , zì thế tình cảm cũng lưu giữ được nhiều hơn . Salam buồn với comemnt của Mẫn ... Thân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với lời com này, Salam lộ rõ gốc gác người xứ Nghệ:
      "Đã thẳng, thẳng như ruột ngựa
      Đã nói là nói oang oang
      Ông trời nói sai cũng cãi
      Như rứa là dân Nghệ An"
      (Nguyễn Bùi Vợi)

      Xóa
    2. Như rứa là Alaykum Salam.

      Xóa
    3. Bây giờ lại gặp lão gàn
      Lão ấy OM gọi Sa Lam
      Thấy đâu gai mắt là phang
      Đích thị là dân Nghệ An
      Lại là dân Vinh mới gớm
      Khủng bố ở khắp mọi nơi
      Dưới biển hay ở trên trời
      Lão phang cũng rất đúng rồi
      Thì ra sống ở trên đời
      Cũng cần những chàng khủng bố!

      Mấy ông đi câu Views ấy nói làm gì anh!

      Xóa
    4. Sang bên này vui quá! Gặp cả anh Hòn Sỏi ở đây. Nghe danh đã lâu, cũng sang nhà đọc những bài viết đầy chất hóm hỉnh mà rất sâu, nhưng hôm nay nhờ có cái nhà đông vui này mới trò chuyện được. Hoá ra blog vẫn còn nhiều sức hấp dẫn.

      Xóa
    5. Có lẽ Blog hợp với Hòn sỏi OM ạ! Có bao nhiêu link FB mà Sỏi không thể hòa nhập nên cứ lập it ngày lại bỏ. Cảm ơn OM nhớ đến Sỏi!

      Xóa
  14. Đọc hết lời còm, đến đây lão phải dừng lại vì...hết.
    Ý kiến của Salam làm lão nhớ đến chuyện năm trước.
    Trong các lời còm hời hợt nhàm chán chỉ làm nghèo đi người nhận nó phải kể đến cái nik Minh Châu Trần . Hình như gã chẳng bao giờ còm một ý gì liên quan đến bài viết mà luôn luôn chỉ và chỉ một câu : ..." Ghé thăm em , cuối tuần an lành em nhé " đến độ lão phải "nện "thẳng chứ không mềm dẻo như Salam.
    Hôm ấy lão lang thang vào các blog có hiện bài mới trong danh sách ban bè của mình. Mẹ kiếp , vào đâu cũng thấy Minh Châu Trần rải một bông hoa và lời chúc giống nhau mà không cần biết chủ nhà viết gì cần chia sẻ. Ở Blog Thanh Dung cũng câu đó , bông hoa đó ; qua nhà" Ngựa mỏi chân rồi" cũng vẫn thế , đảo qua Nữ thần mặt trời cũng lời ấy bông hoa ấy. Lão này chạy " Sô " làm quái gì thế nhỉ?
    Lão về Nhật thành , bắt gặp cũng lời chúc bông hoa ấy hiện diện trong lời còm . Thế là lão "nện " luôn. Từ bấy đến giờ không thấy Minh châu Trần chạy sô lời còm " Nhất y nhất hài " nữa !
    Sau này chi tiết này lão có đưa vào bài : " Thư ngỏ gửi các bạn blog" của mình. Lời còm ngoài sự chia sẻ với chủ nhà , nó còn như món quà tặng . Có những món quà rất xúc động vì tâm huyết , nhưng cũng có những món quà làm nghèo thêm tình cảm giữa chúng ta. Cái nghèo nào trong đời sống cũng đáng sợ.
    Cả Mẫn lẫn Minh châu Trần đều thiên về đi...chúc . Thật vô duyên khi buổi trưa mỡ blog để đọc lại nhận lời chúc : Buổi tối thật vui bạn nhé " .Rõ chán !
    Xin bắt tay Salam một cái thật chặt !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Oài, các bác dân Nghệ An, văn chương chữ nghĩa đầy mình, là những còm sĩ chuyên nghiệp, các bác cũng nên thông cảm cho mọi người tí chứ! Bản thân OM, muốn còm một cái còm cho ra hòin cũng khó lắm, vì OM chỉ biết viết kieru sáng tác thôi, bảo bình một bài thơ, bài văn là cả một vấn đề (hòii xưa đi học OM ko thích môn Văn , khổ sở với nó lắm). Vậy nên có một số bạn blog cũng thích giao luu này nọ nên sang nhà người này người kia ko biết nói gì, đành chúc tụng chung chung thì cũng thông cảm cho họ đ, các bác ơi!
      Về phía các bạn ko có khả năng viết cảm nhận hay bình luận thì OM nghĩ các bạn cũng nên xem lại một chút. Thay vì chúc khơi khơi thì các bạn hãy chứng tỏ cho chủ nhà thấy là các bạn đã đọc bài viết. Người viết, viết được một bài, nhiều khi rất khổ cực, nên cần có sự chia sẻ của các bạn về bài viết để lấy dfos làm động lực mà viết tiếp.
      Cám ơn chị Nhạt Thành đã tạo một sân chơi thú vị để mọi người có thể vào đây bày tỏ quan điểm thoải mái như ở nhà mình. Có lạc đề tí thì chị cũng bỏ qua thôi, chị nhỉ! (Cười. Vì ko có icon ở đây)
      Gõ trên di động, sai chính tả quá chừng mà ko sửa được. Hihi

      Xóa
    2. OM ơi
      Qua nhà Sỏi phụ Salam bật thằng chả nghen zui lắm

      Xóa
    3. Mở trang blog để chúng ta cùng giao lưu mà Om, chủ đề có thể được đẩy đi các hướng, lạc từ Việt Nam sang Mĩ cũng chẳng sao, miễn là mọi người vui vẻ trong sự hòa đồng.
      Những người không biết nhận xét gì về bài viết có thể đóng góp những câu chuyện, những bài thơ...cũng được mà.

      Xóa
  15. Lão xin nhận khuyến điểm vì sự chậm chân.
    Lão hoàn toàn ủng hộ cách thay món ăn bằng một truyện ngắn khá cô đọng giữa mach chuyện " Hoa trên đỉnh núi" của tác giả. Con người ta nhiều lúc không chết vì chiến tranh mà chết mòn vì sự nhàm chán .
    Truyện ngắn trên đây với dung lượng vừa đủ để chuyễn tải câu chuyện về hoàn cảnh và diễn biến rất phù hợp. Một cái áo may rất vừa với khổ người làm nên vẻ đẹp.
    Lão vẫn thích truyện ngắn có tiết tấu như thế này.
    Là giáo viên văn , cần tìm tòi sự ma lực trong câu chữ sẽ làm nên những truyện ngắn hay !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NT đã định giận Lão hết cả mùa hè này vì không thấy lão có ý kiến gì.
      Nhưng nay thấy lão có lời khen nên hơi dịu cơn...ghen! He he...

      Xóa
  16. Truyện THAN viết khá chặt chẽ, dồn nén gấp gáp nêu được nỗi vất vả cực nhọc của em bé vùng cao mà vẫn nhóm lên hy vọng ước mơ cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình để mua bộ sách giáo khoa cũ cho ngày tựu trường. Với sự thương cảm sâu sắc, truyện càng làm ta day dứt hơn khi đoạn kết em bị kiểm lâm ăn chặn hết sức trắng trợn và bỉ ổi. Không phải là vơ đũa cả nhắm nhưng quả thật lâu nay nhiều hìện tượng của người công an, phòng thuế, kiểm lâm đã làm méo mó hình ảnh tươi đẹp của mình, của ngành và mất lòng tin nơi dân chúng. Vì thế dân gian mới có những câu vè ko mấy tốt đẹp về cán bộ nhân viên các ngành trên... Truyện có kết giống phần cuối truyện ngắn VÔ TƯ NHƯ CON NGAN của em trước đây. Cán bộ hóa giá con ngan của nguyên đơn và bị đơn tranh chấp nhau khiếu kiện và bữa ăn nhậu gần triệu đồng để viết hóa đơn hôm sau thanh toán chi vào hội họp... Đây là truyện ngắn có giá trị phản ánh hiện thực sâu sắc. Anh cảm thụ được nhưng ko viết cảm nhận đc một cách lớp lang, bài bản, chỉ chia sẻ với em được vậy thôi và chúc em viết ngày càng hay thêm!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh đã nhớ rất chính xác. Về phản ánh hiện tượng tiêu cực trong lợi dụng chức quyền để hà hiếp người dân thì VÔ TƯ NHƯ CON NGAN và THAN có nét giống nhau. Nhưng VÔ TƯ NHƯ CON NGAN cần có nhiều trò lắt léo hơn để "ăn" được con ngan. Và để cho cán bộ ăn là lỗi của người dân vậy. Nếu mỗi người biết nhường nhịn nhau, tin tưởng nhau thì "cán bộ" không có cơ hội đục nước béo cò. Giống như truyện ngụ ngôn HAI CHÚ GẤU THAM ĂN.

      Xóa
  17. Chào cả nhà
    Salam sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là người có học , hai ông bà rất giỏi tiếng Pháp . Điều Sam thừa hưởng từ cha , mẹ và cũng từ bản chất của xứ nghệ là tính trung thực , tính độc lập trong tư duy của mình . Trong nhà Salam bây giờ vẫn thế , không gò ép con cái vào một khuôn mẫu nào . Để chúng tự phát triển độc lập , nên vì thế chúng rất tự tin và rất thành đạt trong cuộc sống .
    Trong nhà Salam vẫn hay có các cuộc tranh luận về một chủ đề nào đó , dù không thống nhất nhưng ai cũng tôn trọng ý kiến của nhau . Đơn giản là mỗi người nhìn nhận sự việc theo cách của mình . Trong nhiều cuộc tranh luận Salam hay bị đuối lý trước sắp nhỏ , bởi vì đứa nào cũng học hai trường đại học cho nên nhận thức của chúng luôn cao hơn mình
    Salam gét nhất câu mà mọi người hay nói khi tranh luận đó là : Tranh luận để mà hiểu nhau hoặc tranh luận để tìm ra chân lý . Salam xin lỗi , nếu mà để hiểu nhau thì cần gì tranh luận ( !? ) . Còn chân lý ư , rất nực cười , bởi vì chân lý có thể đúng trong không gian này , nhưng lại có thể sai trong không gian và thời gian khác . Chân lý có thể đúng ở một quốc gia này nhưng lại không đúng ở các quốc gia khác , ví dụ như ở ta thì ( Mặt trời chân lý chói qua tim ) là đúng . Nhưng ở nhiều quốc gia khác thì họ đã vứt vào sọt rác từ lâu . Theo Salam thì chân lý chỉ có tính tương đối chỉ đúng vào một khoảng thời gian nào đó
    Tính Salam rats thẳng thắn và thành thực , vào một blog nào đó thays không hợp ý mình là bật luôn, không cần biết đó là tiến sĩ hay giáo sư . Mặc dù nhận xét của Salam dù nhiều khi còn ngây ngô , nhưng vẫn luôn tự hào vì đó tiếng thật của lòng mình , suy nghĩ của chính mình , không phải đi vay mượn . Có nhiều blogger sất cầu thị họ biết lắng nghe ý khiến trái với suy nghĩ của họ thì Salam sẽ dừng lại ở nhà họ . Còn mà cứ tự sướng một mình và cố chấp thì Salam không bao giờ thèm ghé , mặc dù bài viết của họ rất hay
    Còn một vấn đề nữa là Salam cũng không thích kiểu ( Con hát mẹ khen ) . Với Salam thì phải để lại nhận xét , hay thì hay ở đâu , dở thì dở ở đâu ? Salam rất thích câu nói của Quang Thứ ( Lời khen cũng như nước hoa , chỉ để ngửi chứ không nên uống ) . Vì thế theo Salam nếu khen nhiều quá thì ( Khen nhau như thế cũng bằng phụ nhau )
    Nếu như trên PB cuộc sống ào ào chạy , tình cảm cũng vì thế cũng bị cuốn theo . Có nhiều người đăng bài mà chả ai thèm đọc , chỉ Like là xong. Còn trong blog thì lại khác tình cảm lưu giũ lâu hơn , nên Salam rấ bực khi chủ nhà cần chia sẻ thì bạn bè lại cho một cái comemnt cụt ngủn , thà không comemnt thì thôi , nếu comement như thế sẽ làm chủ nhà tủi thân . Đó là điều Salam không muốn . Đồng cảm với nhận định của Lão Tân Thanks nhiều
    Quan điểm của Salam rất rõ ràng , nếu ai không thích thì sẽ ( lặn cho nước nó trong )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin đính chính cho anh Salam, chúng ta đang giao lưu là chính chứ chưa hẳn là tranh luận. Bởi trong blog này, ta không cần đi đến một thống nhất chung như cuộc họp đâu ạ.
      Và chắp tay xin anh Salam, Nghệ An mùa này nóng lắm, đừng bán nước hoa mà ế đấy. Có thì nhập ít phấn rôm bán tạm vậy nha. He he...

      Xóa
  18. À Salam biết một câu tiếng Anh rất hay
    You make people happy by doing what you love to do
    Anh làm cho mọi người vui vẻ , đó là hạnh phúc của anh
    Đó cũng là phương châm sống của Salam

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bấy lâu lão cứ thắc mắc là rải rác một vài Blog thấy Sa Lam gọi Lão Bu là Hòa thượng một cách trịnh trọng. Đành rằng lão Bu thiên về Phật học và cái kho tàng cho chúng ta hiểu về thế giới Đạo phật. Lão đem thắc mắc này hỏi Hòn Sỏi. Vì trong lão , ngoài cái áo tầm phào đang mặc , Hòn Sỏi có một kiến thức xã hội đáng nể.
      Sỏi đáp :
      - Hơn người bình thường thì gọi là Hòa thượng chứ sao .
      Và để minh chứng , Sỏi cao hứng kể cho lão nghe chuyện của Lão Bu và Sa lam .Chẳng biết thật đến đâu , lão chì là người ghi chép lại.
      Nghe nói một hôm lão Bu về Sài gòn thỉnh...sách , sau đó gặp Salam và hai người về lại Vũng tàu đàm đạo về văn học gì đó. Chuyến xe cuối tuần saigon - Vũng tàu hôm đó đông người chật cả lối đi. Cả hai ông nhà ta đều tìm được chỗ ngồi gần nhau. Trên chặng đường dài , có một cô gái đứng cạnh bám vào thành ghế ngã dúi dụi mỗi khi xe thay đổi tốc độ, rung lắc. Salam thấy thế mới mời cô nàng ngồi hẳn vào đùi mình vì quãng đường còn khá dài. Cô gái thấy ông này cũng lớn tuổi , tin tưởng được nên ghé mông ngồi xuống.Sa làm vui lắm vì....MẦM THIỆN .
      Xe chạy được một lúc , cô gái bỗng dưng bật nhỏm dậy bảo :
      - Hình như trong túi quần anh có cái gì cấn cứa đau mông em lắm.
      Sa lam à lên và nở nụ cười...nhão nhoẹt , thọc tay vào túi quần lôi cái tẩu thuốc ra :
      - Xin lỗi , cái tẩu thuốc.
      Cô gái đành phải đứng mà không dám ngồi nữa , cô sợ cái...tẩu thuốc của Salam. Lão Hòa thượng ngồi kế bên bèn bào :
      - Này cháu , đường còn dài , cháu ghé chút vào đây mà ngồi cho đỡ mỏi. Đường còn xa...
      Cũng không còn lựa chọn nào khác , cô gái bèn gật đầu chào xã giao lão Bu và ghé mông ngồi xuống.
      Lần này thì xe chạy được một lúc , cũng rung lắc dập dờn , cô gái cũng hốt hoảng bật nhỏm dậy.
      - Dạ , hình như trong túi quần của chú có cái...Điếu cày !
      Hehe...
      Hòa thượng phải hơn người bình thường chứ !

      Xóa
    2. Tò mò quá đi mất. Chẳng biết cái...hòa thượng ấy nó như thế nào nhỉ? Có lẽ phải xin...coi một cái. He he...

      Xóa
    3. Cái điếu cày mà còn giả vờ không biết à?

      Xóa
    4. Trời ạ, chỉ tò mò nó khác thường như thế nào thôi, còn bình thường như của anh Sỏi thì biết rồi!

      Xóa