Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

CÁI GIÁ CỦA THẬT THÀ

   Chợ phiên họp vào sáng chủ nhật. Người mua kẻ bán tấp nập rộn ràng. Người bán phần nhiều là dân từ các bản làng xa xôi đem sản phẩm tự nuôi trồng hoặc kiếm được từ rừng ra chợ. Đủ thứ hàng:  rổ ốc khe lạo xạo bám đầy rêu, gùi rau dún non tơ còn vướng vài chiếc lá mục, bầy gà con lúc nhúc trong lồng, mấy con "lợn nít" thò cái mõm dài xọc qua lỗ rọ. Rồi ngô, rồi lạc, rồi nếp rẫy đặt bên cạnh bó mây, gùi giang, rổ mướp rừng... Tiếng Thái, tiếng Thổ, tiếng Kinh cứ chen lẫn thành một mớ âm thanh hỗn tạp.
  Nơi góc chợ, một lão dân bản mặc bộ đồ đen rộng thùng thình, quần dính đầy hoa cỏ may. Trên đầu lão là chiếc khăn thổ cẩm cáu bẩn. Chiếc túi dết thổ cẩm nhàu nhĩ quàng qua vai thõng xuống quá bụng.
  - Mua con lận cho tui ti. - Lão nói rất chậm  bằng tiếng Kinh trọ trẹ, phát âm không chuẩn. 
- Sao lợn sây sát hết thế kia?- Một người dừng lại hỏi.
- Chi mà khôông xay xát! Tui cho hắn ti chợ ba bốn phiên rồi, khôông bán tược mà!
Thấy hay hay, vài người nữa dừng lại trêu:
- Lợn còi cọc thế ai mua?  
- Ôi tời ơi, hắn có chịu ăn mô mà khôông còi? Đổ cám vô là hắn húc tổ hết cả máng, có rứa mới mang ti bán chớ!
  Giọng nói ngô ngô ngọng ngọng với câu nói thật thà đến ngớ ngẩn của lão làm mọi người đi qua dừng lại nhiều hơn.
- Này, bán thì phải khen lợn của mình, lão chê thế ai dám mua?
Lão cười hềnh hệch:
- Có răng nói rứa, khôông dám nói xai mô!
 Rồi lão cúi xuống, xịch lợn sang một bên, xách cái gùi đựng khoảng hơn chục chai mật ong ra phía trước:
- Khôông mua lận thì mua mợt oong cho tui ti. Hai tăm ngàn một chai tó.
- Một trăm rưỡi được không?
- Khôông tược mô, vợ tui hắn dặn hai tăm.
- Có phải mật ong rừng thật không?
Cái mặt ngô nghê ngước nhìn mọi người:
- Ôi tời ơi! Thợt hay khôông thì hỏi con oong, tui khôông biết mà!
Nói rồi lão cười, nụ cười thật hồn nhiên. Mọi người cũng cười, lắc đầu trước sự thật thà đến vụng dại của lão.
 Một người...hai người...rồi ba bốn người...lần lượt cúi xuống cầm chai mật ong và móc ví. Thoáng cái chỉ còn cái gùi không. 
 Khi mọi người hớn hở vì mua được mật ong rừng chính hiệu thì lão xách lợn bỏ vào gùi, biến vào đám đông đang ra vào nơi cổng chợ.
  Không ai biết rằng, mấy phút sau đó, lão "dân bản" đã hóa thân thành một gã trung niên mặc quần bò, áo phông, cưỡi trên chiếc xe máy vù một mạch về Nghĩa Đàn, nơi có hàng trăm cơ sở nuôi ong mà giá chỉ có 25 ngàn đồng một chai.
  

Phát âm của người Thái khi nói tiếng Kinh:
* vần:  ơn -> ân, ât -> ơt, ong -> oong, ông -> ôông, ây -> ay
*phụ âm: đ -> t, tr -> t, s -> x


        


Đây chỉ là ảnh chưng lên để khoe cây nhãn nhà tôi!


30 nhận xét:

  1. Nhãn sai rứa NT ơi...Thèm quá!
    Cách đây khoảng trên dưới chục năm mình đã đọc một truyện vui trên báo có nhan đề: CON MÈO PHÁT MỘT VÀ NHỮNG CHAI MẬT ONG cũng có kết cấu gần giống truyện ni của em nè.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Năm nay nhãn được mùa chị ạ.
      Câu chuyện vui lưu truyền trong dân gian là CON MÈO PHÁT MỘT VÀ LẠNG CAO HỔ CỐT, em được biết từ hồi đang đi học cơ chị ơi. Mẩu chuyện ấy là mọi người bịa ra mà cười thôi. Và nhân vật là một ông già người miền núi thật sự. Nếu cách đây trên dưới chục năm mà chị đọc được câu chuyện với nhan đề CON MÈO PHÁT MỘT VÀ NHỮNG CHAI MẬT ONG thì chắc chưa phản ánh đúng hiện thực. Vì ngược 10 năm về trước, mật ong rừng còn nhiều, và giá rất rẻ, đi vào bản mua thoải mái cả can 10 lít cơ.
      Bây giờ rừng cạn kiệt rồi, kiếm được mật ong rừng rất khó, thế là những chiêu trò đóng giả người dân bản lừa bán mật ong nuôi rất nhiều: đóng giả người đi lấy mật ong rừng về, quần áo còn bê bết bùn đất, trong xô mật còn có cả sáp ong chưa vắt hết; đem mật ong nuôi lên tận vùng sâu xa, nhờ gác trên chái bếp của đồng bào, người đi công tác vào thấy là mua vì tin là mật ong rừng; đựng mật ong vào ống bương, ra chợ ai mua thì rót ra chai v.v...
      Chiêu trò lừa phổ biến hiện nay ở chợ miền núi: gạo xuôi (tức gạo đóng bì) rắc vào ít cám, xát qua cho nóng lừa bán theo giá gạo ngược (tức gạo dân miền núi,đắt hơn), trứng gà nuôi trang trại chia nhỏ ra từng chục một, bỏ vào trong rá nhỏ có trấu rồi lừa là trứng gà sạch, cám gạo được tạo ra từ vỏ trấu đập bột trộn với cám sắn...Người bán là những phụ nữ mặc váy Thái trông nghèo khổ "bớt ra bán mua thuốc cho con", Nhưng dễ lừa hơn cả là mượn các em nhỏ tầm 7, 8 tuổi hoặc đóng vai người đàn ông già cả, nói chưa thạo tiếng Kinh, có vẻ ngờ nghệch, vì vợ ốm hoặc bận gì đó mà bất đắc dĩ phải bỏ buổi đi rẫy bán mấy thứ của nhà để lấy tiền mua thuốc, nạp thuế...
      Các chiêu trò này đánh vào tâm lí số đông: tin vào sự thật thà của người miền núi và động lòng trắc ẩn trước cảnh nghèo.
      Thế đấy, xin chị và mọi người hãy cảnh giác khi đến miền núi!

      Xóa
    2. Chị chưa được nghe hoặc đọc truyện về CON MÈO PHÁT MỘT VÀ LẠNG CAO HỔ CỐT. Nhưng chắc chắn là có đọc truyện vui trên báo về CON MÈO PHÁT MỘT VÀ NHỮNG CHAI MẬT ONG. Có điều do sơ ý hoặc do lâu quá rồi nên chị không nhớ rõ là báo nào và ai sáng tác hay sưu tầm nữa. Nhưng nội dung thì chị chẳng thể nào quên. Bởi nó nói về cách bán hàng của một người miền núi( ( chắc là người dân tộc thiểu số nào đó cho những khách tham quan du lịch dưới xuôi) . Anh ta đã mang bộ mặt thật thà đến ngờ nghệch cùng với những lời có thể là giả vờ ngờ nghệch đến như thật khi nói về con mèo rất đẹp mà mình mang theo; đại để là khi người ta khen con mèo đẹp quá! Và hỏi: Có bán không? Có hay bắt chuột không? thì anh ta nói. Có bán mới mang đi chứ. Không biết nó có bắt chuột không nhưng gà con thì có đấy. Nó vồ mỗi phát một con à. Không nuôi nữa phải mang bán thôi.Mua cho mình đi. Với cách đó, anh ta đã bán hết những chai mật ong mà chắc chắn là không phải mật ong rừng với cái giá mật ong rừng chính hiệu còn con mèo rất đẹp kia thì lại cùng anh ta trở về nhà. Câu truyện kết thúc ở đó nó gợi cho mình nghĩ đến việc chắc chắn là anh ta sẽ còn dùng chiêu đó để lừa ở nhiều phiên chợ khác nữa. Và mình cứ miên man nghĩ rằng cái giả trá, xấu xa, thậm chí là đểu cáng, bịp bợm càng được bao phủ bởi cái thật thà, tốt đẹp mĩ miều bao nhiêu càng dễ lừa gạt bấy nhiêu. Ở tầm vi mô đã vậy và ở tầm vĩ mô càng như vậy. Vì suy nghĩ đó mà chị nhớ mãi mẩu truyện vui rất ngắn này. Chỉ tiếc là không nhớ rõ do ai viết và ở báo nào thôi.
      Một vấn đề khác mà NT nêu ra là cách đây khoảng trên dưới một chục năm thì mật ong rừng không thiếu, có thể mua được hàng chục lít. Đó chỉ là với những người ở khu vực miền núi mà em biết thôi chứ với người vùng đồng bằng Bắc bộ thì từ lâu lẩu lầu lâu rồi, mật ong rừng vẫn là thứ quý giá và hiếm hoi lắm. Có điều trước kia họ ít được đi du lịch và phần đông cũng chẳng có tiền mua. Nhưng khoảng trên dưới chục năm trở lại đây thì du lịch nhiều hơn và sức mua những thứ đó cũng tăng hơn mà thôi.
      Vài lời trao đổi cùng em như vậy nha, Chị lại bị chàng giục đi nhổ cỏ vườn rồi !

      Xóa
    3. Câu chuyện CON MÈO PHÁT MỘT VÀ LẠNG CAO HỔ CỐT được lưu truyền trong dân gian, nội dung thế này: Một ông già miền núi đi bán mèo, người ta hỏi nó đã biết bắt chuột chưa, ông bảo: "Chuột thì không biết nhưng gà con thì phát một!" Không ai mua cả. Hôm sau người ta gặp ông đi bán cao, hỏi cao gì? Ông bảo : "Cái này nấu từ đố bỏ đi của con hổ." " Cái đồ bỏ đi của con hổ là cái gì?" "Là xương nó đó, tui đi săn về được con hổ, cả làng ăn hết thịt, chỉ còn xương. Có một người Kinh tốt bụng xin cái xương ấy hầm lên cho mềm thế này, cho tui một ít bảo tốt lắm nhưng tui ăn thấy không ngon. Ăn không ngon thì tui bán." Thế là người ta tranh nhau mua. Hóa ra đó là cao giả.
      Chuyện chỉ bịa ra mà cười và nhắc nhau nên cảnh giác, vì người miền núi không phải ai cũng thật thà.
      Câu chuyện chị đọc được có thể người viết sử dụng một phần "nguyên liệu" của chuyện này. Chuyện của em lại "chế biến" từ câu chuyện kể về người miền núi đi bán lợn. (cúng là chuyện bịa để kể cho vui) rồi thêm phần hiện thực cuộc sống là các chiêu lừa bán mật ong phổ biến hiện nay của dân nuôi ong huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An (nơi có cô người yêu là nhà văn của nhà thơ họ Trương. Hi hi...).
      Em chưa được đọc câu chuyện trên báo kia, nhưng cách kể như vậy là na ná nhau, chỉ khác là nhân vật của em thì "dân bản" giả. Việc giả vờ "đóng vai" người miền núi còn nguy hiểm nữa đấy chị ạ. Nhiều vụ hiềm khích rồi đánh nhau cũng từ những chiêu trò này.

      Xóa
  2. Em Tem bạc.
    Dân mình dễ bị đánh lừa bởi sự thật thà " như đếm" nên càng dễ bị lợi dụng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy LV, Có hàng giả, bằng giả, nghèo giả và có cả...thật thà giả. Dân Việt mình quá khôn!

      Xóa
  3. Mới nhà Lộc Vừng chạy qua đây
    Cua đồng đã... nhậu mới sáng này
    Heo 25 kí, chơi ngày Tết
    Cả chúng bạn bè, vui sắp... say,
    hihi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Lá Bàng đã qua đây
      Hương Ngàn sung sướng cả sáng này
      Chè ngon, rượu ngọt vui như Tết
      Cùng bạn cùng bầu mặc sức say!

      Xóa
  4. Mục đích anh này là bán mật ong với gía cắt cổ . Cái con lợn trời ơi kia là để chứng minh sự thật thà ngô nghê của Lão mà thôi.
    Đã có anh dân tộc mắng anh người Kinh "người kinh mày sao mà ngu thế"
    Thời buổi thấy cái gì cũng lộn ngược
    Chỉ có vải nhà cô giáo quả nằm xuôi như ngày xưa,
    Mà nhãn phải ngọt mới thật sự xuôi cô giáo ơi
    Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu chuyện là sự chắp nhặt những mẩu chuyện trong đời thường anh xã ạ. Có điều, người Kinh lại giả sự ngô nghê của người Thái để lừa nhau. Cái giá của thật thà dành cho người mua hàng không thông thái!
      Nhãn nhà cô giáo là thật trái thật hạt đó nha. Ngọt và giòn. Khổ nỗi không mượn được ông hàng xóm trèo cho nên chỉ ngước mắt nhìn thôi. He he...

      Xóa
  5. Cách đây khoảng vài chục năm anh cũng bị người miền xuôi giả làm người dân tộc thiểu số ở Ngọc Lạc (Thanh Hóa), Quế Phong (Nghệ An) bán cao khỉ, cao trăn và mật ong giả cho mình rồi. Giá tuy ko đắt nhưng của rởm nên ko dùng được, thậm chí còn có hại cho sức khỏe nữa...
    Cây nhãn cổ thụ nhà em đã chặt rồi. Cây nhãn tơ mùa này mà sây quả trĩu trịt vậy à? Trông thích mắt quá!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cách đây vài chục năm nhà thơ chỉ có thể bị mua cao lừa thôi, còn cách đây 2 năm mới bị lừa mật ong, nhưng người lừa lại là một nhà văn nữ trẻ trung xinh xắn. He he...Mật của nàng ngọt nhưng không chết ruồi mà làm nhà thơ "chết ở trong lòng một ít" đúng không?
      Nhà em có 2 cây nhãn cổ thụ, chặt một cây, còn một cây. Nó cao quá nóc nhà nên chỉ để ngắm thôi.

      Xóa
  6. Ôi giời đọc câu chuyện hay quá, nhẹ cả người. Thích nhiều câu, trong đó có câu rất bác học: ""- Ôi tời ơi! Thợt hay khôông thì hỏi con oong, tui khôông biết mà!""

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế đấy, người bán không chịu trách nhiệm về chất lượng hàng, chỉ có kẻ sản xuất mới phải chịu. Đó là con ong!
      Người miền núi có những câu rất hay, rất thông minh. Ví dụ: Một anh nọ "ấy ấy " với một người phụ nữ làm chị ta có bầu. Tòa triệu tập anh ta sau khi có đơn kiện của người phụ nữ kia, anh ta bảo mình không có tội. Tòa hỏi tại sao, anh ta bảo: "Kẻ giết người có tội thì kẻ sản xuất ra người phải có công chứ.Giết người có tội, làm ra người cũng có tội thì biết sống sao cho đúng pháp luật đây?" He he...

      Xóa
  7. Chu choa mệ nội ơi !
    Chuyện chi mà hay rứa tề , hay chi chi mà hay loạ , rứa mệ có bị lừa lần mô không rứa hè ? Anh dân tọc có đẹp trai không , mà lừa được mấy Mệ rứa . Răng dân Quỳ Hợp dễ bị lừa hè , toộc lại lừa toộc , bữa mô rảnh về Đó ta lừa mấy mệ cái coi hè hè hè ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Riêng khoản bị lừa thì NT luôn đứng đầu bảng! Bất cứ ai cũng có thể lừa được vì NT tin hết thảy mọi người! Khổ thế!
      Vậy nên anh Salam mà lừa thì NT vô tròng ngay.

      Xóa
    2. Nỏ ! Nỏ , choa nỏ lừa Mệ mi mô !
      Chừ nỏ biết lừa cấy chi cả , mật oong thì có ngài lừa rồi , Lợn toộc thì có ngài lừa rồi , Ga rù thì cũng có ngài lừa rồi , khó chi mà khó rứa hè .. À nhớ ra rồi .. có cái " Ca tút " cụ rồi có lừa được là đồ xịn , đồ mới không hè ? He he he

      Xóa
    3. Cụ ngài mới ta, lo chi hề? Nhưng nếu rỉ rồi thì sợ nhiễm trùng lắm! Ha ha.a...a....a...a

      Xóa
  8. Trả lời
    1. Thì chuyện thật mà, sao không tin? Về miền núi, những chuyện đại loại như thế này được kể nhiều lắm anh HT ạ. Biết thế nhưng vẫn không thể cảnh giác được!

      Xóa
    2. Vị trí khảo sát xa nơi nghỉ nên phải xuất phát tật sớm mới mong hoàn thành nhiệm vụ trước khi trời tối. Khi đến cửa rừng thấy một người đàn ông quần áo ướt đẫm sương đêm, mặt có nhiều nốt ong đốt đỏ tấy. Trên tay ông ta xách lưng xô mật ong còn vương nhiều mảng sáp, con non, nhộng ong lẫn lộn. Một người trong đoàn khảo sát hỏi:
      - Mày đi đâu về sớm vậy.
      - Tao đi rừng, bắt ong từ sớm mà! Người đàn ông nói.
      - Xem nào có nhiều không? Anh cán bộ hỏi.
      - Bán cho tao một lít.
      - Không! Có ít tao mang về cho con cháu tao dùng thôi.
      Mọi người xúm vào gạ gẫm cuối cúng người đàn ông dân tộc đông ý bán cho một người, rồi hai người, ba người và cuối cùng anh ta bán tất cả số mật ong đó cho đoàn khảo sát.
      Đoàn khảo sát mừng quýnh vì mua được mật ong chính hiệu tính ra chỉ 200.000 đồng/lít.
      Ngờ đâu đó là mật ong giả các bác ạ!

      Xóa
    3. Và đoàn khảo sát không biết rằng, nơi ở, giờ xuất phát đến nơi làm việc của đoàn "tao" đã nắm rất rõ. Cái bẫy được làm mọt cách hoàn hảo và đặt đúng chỗ "con mồi" sẽ đi qua!

      Xóa
  9. Đọc mà... Cái giá của thật thà hóa ra lại chẳng hơn dối trá là mấy. đểu thế là cùng. Em đọc đoạn đầu, vẫn hy vọng lòng tốt còn đâu đó. để rồi... Sự thật trần trụi. Hic hic
    Em thích những mẫu chuyện ngắn nho nhỏ này của chị nè. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái giá phải trả cho sự thật thà tin người của người mua đó em.

      Xóa
  10. Người ta nói "bỏ con tép bắt con tôm", chứ cái anh bán "lận" (hoặc "gian lận") này chơi nước cờ cao là "bỏ con tôm để bắt những con tép". Cao thủ đáng khâm phục chứ chẳng phải chơi. "Chiên da" về tâm lý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều con tép sẽ hơn một con tôm, đúng không bác Hiệp?

      Xóa
    2. Nhiều con tép (chẳng hạn một lon, hay một rổ), sẽ hơn một con tôm chứ. Bỏ qua cái gian lận thì tôi khoái anh chàng này, trước khi có được "độc chiêu" này anh ta phải bỏ công nghiên cứu về tâm lý con người dữ lắm. nếu chuyển sang... viết chắc chắn sẽ thành nhà văn giỏi, hì hì!

      Xóa
    3. Cái anh này học từ kinh nghiệm của cha ông ta để lại thôi, bác Hiệp ạ. Mà nhà văn giỏi cũng là nhà văn học từ nhân dân về mọi lĩnh vực, phải không bác?

      Xóa