Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

KHOE TIẾP!

  Nhân dịp kỉ niệm 40 năm thành lập trường, tôi được giao trách nhiệm biên tập Nội san. Rất vui là sau khi thông báo trên PB, các em học sinh cũ đã gửi bài về cho tôi và mong được góp mặt trong nội san của trường. Đây là tác phẩm của em Nguyễn Thị Hoa Lý học sinh trường THCS Thị trấn Quỳ Hợp khóa 2004 -2009. Nay em đang học tại khoa Toán, trường ĐHSP Vinh.

EM GHÉT HỌC VĂN!

    Đi học là hạnh phúc!!!... Mà được nghỉ học lại là hạnh phúc lớn hơn!!!...
    Đó là châm ngôn đến trường của tôi, và có lẽ cũng là châm ngôn của phần đa học sinh trên thế giới. Còn gì khổ hơn việc mỗi sáng phải thức dậy thật sớm để vác cả một bị sách tới trường. Nghe được thầy cô nói bao nhiêu chữ lại buồn ngủ bấy nhiêu. Khổ ơi là khổ! Tính ra, mỗi tiết học tôi mất 45 phút, mỗi ngày tôi mất 225 phút, mỗi tuần là 1350 phút, thế là mỗi năm tôi mất hẳn 48600 phút chỉ để... chùi sạch nhẵn chiếc ghế nhà trường. Nói tới học thôi tôi đã thấy đủ ngán rồi, mà nhắc đến học văn thì lại càng ngao ngán trầm trọng. Những lời giảng say sưa, và giọng nói ngọt ngào của cô kéo cả tâm hồn tôi bay bổng … lên tận ngọn cây. Vậy mà mỗi lần thấy tôi ngơ ngẩn, ngẩn ngơ thì các cô lại gọi tôi đứng dậy trả lời câu hỏi, hại tôi mặt đỏ bừng bừng. Từ ngọn cây cao tít, tôi trèo một lèo xuống tận gốc, hận không có cái cuốc cái xẻng nào để đào cả gốc cây ấy lên cho thân tôi có cái lỗ mà chui…
     Tôi ghét học văn cũng có, mà sợ cũng có. Bởi thế khi cái Thảo lớp trưởng hớt hải chạy từ văn phòng về báo cho cả lớp một câu xanh rờn:
    - Cô dạy văn mới nghiêm hơn cô Huê nhiều!!!
 tôi giật mình thon thót. Chỉ mới cô Huê thôi tôi đã  sống dở chết dở rồi, nay lại thêm một cô khác nghiêm hơn thì chắc tôi không sống nổi nữa…
   - Cả lớp nghiêm!
 Hiệu lệnh của nhỏ Thảo được cả lớp thực hiện răm rắp. Tôi khép nép đứng sau lưng cái Nga, lòng không khỏi hồi hộp dõi theo từng bước chân cô. Bắt gặp một nụ cười tươi thật tươi tôi mới thở phào nhẹ nhõm, bụng thầm trách nhỏ Thảo, cô hiền thế mà nó hù tôi hết hồn. Cái tướng cô hiền là vậy nên mới ngay buổi đầu tiên tôi đã yên tâm giải quyết các bài tập tối qua bỏ dở. Say sưa cũng với mấy con số, tôi không biết cô đã đứng đầu bàn nhìn tôi chằm chằm từ lúc nào. Chỉ khi nhỏ Hương bên cạnh thúc một cái, mặt tôi mới giật mình… Cô lăng lẽ đi lên bục giảng, còn tôi thì thậm thụt nhét lại mớ bài tập vào ngăn bàn. Chắc cô buồn lắm. Tôi thấy được điều đó trong đôi mắt của cô. Tự nhiên tôi thấy có lỗi vô cùng… Trong đời học sinh, tôi đã không ít lần bị thầy cô cho ngồi sổ đầu bài vì cái tội không tập trung hay học môn này trong giờ môn nọ. Bị lỗi nhiều rồi cũng chai, việc ngồi sổ đầu bài như là một lẽ tự nhiên mà với tôi ai chưa từng trải qua thì không phải là học sinh. Vậy mà bây giờ tôi lại ăn năn đến vậy. Có lẽ do ánh mắt ấy. Ánh mắt buồn thăm thẳm mà tôi nhớ mãi…
     Cô nhìn quanh lớp, dừng lại ở tôi thật lâu:
     - Cô biết các em học thiên về khối A nên chán ghét môn văn của cô, có khi cũng ghét cô nữa. Nhưng ghét hay thích cũng chỉ là do suy nghĩ của các em thôi, nếu thay đổi suy nghĩ mà hoàn thiện thì có lẽ những học sinh khối A như các em còn có thể viết văn hay hơn học sinh khối C  đấy, bởi các em có một tư duy khoa học, rõ ràng và chính xác. Các em nên biết, thay đổi suy nghĩ sẽ thay đổi được cả một con người.
    Tôi vẫn cúi gằm xuống bàn suy nghĩ những lời cô vừa nói. Phải công nhận là tôi rất ghét môn văn, ác cảm luôn với các cô dạy văn. Cứ mỗi lần tới giờ văn là lại ngửa mặt lên kêu trời. Tôi cũng không học được một tiết văn nào cho tử tế. Khi thì tôi ngồi làm bài tập toán, khi thì ghi lại vở sử, còn không có bài tập gì để mà làm thì tôi lại chống cằm, nhìn bộ chăm chú nhưng tôi chẳng nghe gì, chẳng nghĩ gì hết! Dẫu thế nhưng điểm văn của tôi các năm trước cũng không đến nỗi tệ. Văn mẫu đầy rẫy ra đấy, hơi sức đâu để cô đọc cho hết mà nhận ra mình chép ở cuốn nào? Thường thì điểm 8 kèm theo lời phê cũng rất...vô cảm: “Em có hiểu đề, bài làm được.” Mà cần gì lời phê? Tôi chỉ cần về nhà, giơ con điểm 8 ra với “hai cụ”, thấy khuôn mặt họ giãn nở, thế là ổn. Trong đầu tôi có gì chỉ có trời mới biết, nhưng trời lại ở tít trên cao!
 Nghe mấy khóa trước kháo nhau, cô này tinh lắm, chép quyển nào, trang nào là cô đọc ra vanh vách. Nhưng tôi không ngán! Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, lo gì! Bài viết  số 1 là bài đầu tiên tôi chăm chút từng tí. Từng câu văn, đoạn văn  được tôi chọn lựa tỉ mẩn từ quyển văn mẫu này sang quyển văn mẫu khác. Thỉnh thoảng lại chép thêm ít lời giảng của cô vào. Thế là ngon lành. Tôi đọc đi đọc lại kiệt tác của mình, đầu gật gù hài lòng về tài gom góp nhặt nhạnh những tinh hoa văn hoá của mọi người để biến nó thành của mình, lòng chắc mẩm bài này sẽ được đánh giá cao. Cô sẽ trầm trồ khen ngợi, sẽ đọc bài tôi trước lớp, sẽ đưa bài của tôi cho các giáo viên khác cùng xem. Rồi, biết đâu đấy, một nhà báo nào đó sẽ được thưởng thức tác phẩm của tôi, cũng trầm trồ khen ngợi và ảnh tôi sẽ hơn hớn trên mặt báo bên cạnh cái tít gây sửng sốt: “ Một thiên tài văn học mới xuất hiện”. Vì tôi nghe nói cô có bạn là nhà báo, kiểu gì cô chẳng đem ra mà khoe! Có trò giỏi thì cô hãnh diện lăm lắm! Hì...lấy thành tích của trò để đánh bóng tên tuổi của cô, tại sao không? Tôi trông mong tới ngày trả bài, cái viễn cảnh rực rỡ mà tôi đã vẽ lên ấy ngày càng gần mà tôi vẫn cảm thấy lâu thật lâu...
    Cuối cùng thì cái ngày huy hoàng mà tôi mong đợi cũng đã đến. Dõi theo từng bước chân cô đang đến thật gần mà tim tôi như muốn vỡ tung ra. Nhưng khi nhận được bài từ tay cô, cả thế giới trước mắt tôi như sụp đổ. Một con 3 rõ to… Tôi không thể tin được bao công sức tôi bỏ ra lại thành ra thế này. Tôi hậm hực vò nát bài, úp mặt xuống bàn nức nở. Trái tim nhàu nát đau thắt. Những giọt nước mắt trào ra. Tôi đã nghĩ đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi chăm chút cho môn văn. Trong lúc đầu óc tôi u mê và tối tăm nhất, tôi nắm chặt bàn tay: Cô thù mình nên cho điểm kém. Nghĩ đến đây… không hiểu sao đôi mắt đen tròn của cô lại hiện ra, nụ cười rất hiền, rất đẹp… Nụ cười ấy, đôi mắt ấy ? Sao có thể. Không, không. Con người ấy sẽ không dùng việc công trả thù riêng đâu. Không lẽ có hiểu nhầm gì chăng ? Tôi bình tâm lại, tôi lấy tờ kiểm tra nát bét trong ngăn bàn ra để xem lại lời phê:  “ Bài văn đậm chất… chép tài liệu. Viết văn là phải có cái hồn của mình em ạ.” Cái dấu ba chấm đầy mỉa mai, như một nụ cười chế giễu! Nhưng câu thứ hai trong lời phê làm tôi tỉnh ngộ. Hoá ra viết văn không chỉ đơn thuần là nhặt góp tinh hoa của người khác để thành của riêng mình. Vậy mà tôi cứ tưởng...Ôi, điểm 3 tội tình!
    Giờ trả bài văn số 2…
 “Bài viết có nhiều tiến bộ. Dù còn vụng về và đôi chỗ ngớ ngẩn nhưng em đã bắt đầu đưa được cái hồn của mình vào bài viết rồi đấy”
   Tôi run run cầm con 7 trên tay, mắt nhoè đi. Chưa bao giờ tôi thấy hạnh phúc như thế này. Dù rằng cái viễn cảnh huy hoàng mà tôi vẽ ra chưa trở thành hiện thực, dù rằng tôi chưa trở thành thiên tài văn học, dù rằng chúng không mĩ mãn như trước đây, và con điểm 7 cũng không phải là cao nhất nhưng tôi cũng thấy sung sướng vô cùng. Chỉ mong cô hiểu được tấm lòng em gửi qua mỗi bài văn.
 Từ đó, tôi đã thay đổi thái độ và phương pháp học của mình. Không chỉ riêng môn văn mà cả những môn học khác. Nhỏ Thảo liếc xéo: “Mày thay đổi thực sự rồi Lý ạ” Tôi chỉ cười. Cô nói đúng, thay đổi suy nghĩ sẽ thay đổi được cả một con người.
 Oái ăm thay cho cuộc đời học sinh, em lại gặp cô, người đã làm em không thể ghét nổi môn văn nữa. Lần đầu tiên trong đời em thốt lên rằng: “Em yêu văn như yêu chính cô vậy…”
                                                Hoa Lý – ĐHSP Vinh
 

     

28 nhận xét:

  1. Chính xác là lời văn đang rất non nớt của học sinh. Đừng nên chỉnh sửa , biên tập vì nó hay ở chỗ non nớt ấy nhé...Tổng biên tập .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý quên , có dám đăng Ả HOE RA PHỐ vào tập san ni không Tổng biên tập - có khi cả nước biết về ...các ả hoe đấy ! Lão nhận chỉnh sửa và viết thêm khúc cuối đấy .

      Xóa
    2. Tôi "chấm" bài này, không hề non chút nào. Đây là một cây bút có nội lực, cô này viết như thở, như ăn, như ngủ, không hề lên gân cốt, hoặc đao to búa lớn, "sáo", và "xạo"...

      Xóa
    3. Với Lão:
      Em khoe bài này đã được đưa vào tập san của trường ĐHSP khi em học năm thứ nhất. Cô không sửa, cứ để thế cho nó mang đúng giọng văn học trò. Em là một học sinh giỏi toán, học văn rất phất phơ nhưng khi viết bài thì khá khoa học và chặt chẽ, nhất là văn nghị luận.
      Đợt này em gửi 3 tác phẩm văn xuôi nhưng truyện này khá hơn cả, hai truyện kia viết theo ngôn ngữ mạng nên cô bảo sửa lại.
      Sao lão lại bảo "có dám không" nhỉ? Rất vui được đăng bài của lão. Hiện tại phần văn còn nghèo, bài các cô thầy rặt thơ là thơ, sao họ giỏi làm thơ thế. Nội san 50 năm của Bệnh viện huyện, 40 năm của trường THPT cũng chỉ có thơ và ảnh. Nếu rảnh, lão có thể sửa lại một số chỗ trong Ả HOE cho mô phạm một chút, chắc mọi người rất khoái khi đọc bài này. (mảng đề tài hoạt động công đoàn). Cảm ơn lão trước.
      Với bác Hiệp:
      NT sẽ chuyển lời khen này đến tác giả nha bác. Chắc cô bé sướng run lên như khi nhận điểm 7 tập làm văn.

      Xóa
    4. NT cứ chuyển lời nhận xét này của tôi đến tác giả bài viết. Bây giờ tôi rất ít đọc văn, thơ, ngoại trừ khi vào trang của bạn bè quen, đọc để còn còm.
      Người ta nói trong mỗi người Việt Nam có một nhà thơ mà. Hì hì!

      Xóa
  2. Salam cũng có nhận xét bài văn này còn yếu lắm , cốt chuyện bình thường , quen quen như ta đã đọc ở đâu đó , nếu như đây là dân Toán viết Văn thì còn tàm tạm . Chứ dân Văn mà viết như ri thì nỏ được . Đọc lên có cảm tưởng như đọc một bài tập làm văn của học sinh phổ thông vậy
    Nếu biên tập thì bở câu cuối " Oái ăm ... " bởi vì câu này đọc lên nghe rất sáo rỗng , có cảm giác như " Nâng Bi " rất lộ liễu
    Gioám khoả Salam chấm 6 điểm thoai .. Còn chấm bà Sui 7 điểm , tại sao vậy ? Vì chưa dịch được bài thơ bằng tiếng Lào của Quốc Thái. hè hè hè

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra thì nó cũng không yếu đâu anh Salam. Cô bé đã thể hiện rõ năng lực tổ chức, sắp xếp chi tiết, bố cục đấy. Rất nhiều thầy giáo dạy toán đã thành nhà văn, nhà thơ đấy thôi? Bà tổng biên tập tạp chí Sông Lam, chủ tịch Hội VHNT Nghệ An nguyên là một giáo viên toán.
      Em có ý định để nguyên thế. Các bài khác cũng vậy, chỉ yêu cầu tác giả sửa chỗ nào dùng từ chưa chính xác, diễn đạt tối nghĩa mà thôi. Cây nhà lá vườn mà anh, tỉa tót quá nhiều khi mất hương sắc.

      Xóa
    2. Mưa quá ! Rảnh rỗi 888 cái coi !
      Hồi học phổ thông , Salam cũng rất ghét môn văn chỉ thích những môn tự nhiên không hà ( Giống như mấy đứa con bi giờ ) nhưng đến khi học lớp 6 ( Hệ 10 năm ) thì gặp được thầy Kháng ( Ở trong nhóm TLV Đ) thì tư tưởng thay đổi hẳn , Thầy đã truyền cảm hứng cho Salam hoà nhập hồn mình khi đọc một cuốn tiểu thuyết hay một bài thơ (. Còn bị cấm , cầu mong cho linh hồn thầy được siêu thoát )
      Điểm số môn văn của Salam không bao giờ vượt qua ngưỡng 7 , nhưng có một hôm nhà trường tổ chúc cho học sinh đi xem bộ phim " Em Phước " ( xem bãi ) sau đó nhà trường ra một đề bài " Em hãy kể lại cảm xúc và suy nghĩ của em khi xem bộ phim " Em Phước " ?
      Salam làm ngay một bài văn miêu tả lần xem phim đó ( Đại khái nội dung là thằng Phước ở trong ấp chiến lược , làm giao liên cho cách mạng , rồi thỉnh thoảng lại đi giết vài tên địch .. đại loại thế )
      Câu kết của bài văn như vầy : Em ước mơ cũng giống như bạn Phước sẽ cầm súng giết hết quân xâm lược hè hè hè .. thế mà được điểm 10 . Lại trở thành bài văn để cho mấy ông thầy giáo cho học sinh đọc và viết theo .
      Khi nghe tin bài văn của Salam được điểm 10 , mẹ Salam có đọc , tất nhiên là Mẹ mừng có thằng con không dốt văn , nhưng Mẹ nói : Con viết vậy nỏ được , trẻ con thì lo học hành chứ không phải ước mơ lớn lên đi giết người , con viết khác đi , nếu có gì khó khăn thì Mẹ giúp
      Tính Salam ương bướng , không nghe lời Mẹ vì thế những bài văn sau lúc nào cũng có khí thế " Cách mạng " ngút trời mây luôn .. lúc nào cũng được điểm cao , không bao giờ dưới 8 ... một thời thơ dại
      Salam thẩm thấu tất tật những gì về nghệ thuật cũng vì nhờ Cha Mẹ , chứ không phải nhờ nhà trường .. Thanks

      Xóa
  3. Hoa Lý là học sinh của cô giáo Na trong HOA TRÊN ĐỈNH NÚI ấy mà... há há.
    Bài viết có hồn cốt, có lý, có tình.
    Một cây bút đầy triển vọng nếu em theo nghiệp văn chương.
    Chúc mừng tác giả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Hải Thăng hạ sơn rồi đấy à?
      Để một học sinh trưởng thành, mỗi thầy cô đều góp một chút công sức anh nhỉ? Nhưng quan trọng hơn cả là tố chất của trò chứ không phải là công của thầy.
      Em chỉ thích toán, ham mê toán, còn văn thì ...chán. Thế mà tự dưng khi không phải học văn nữa lại mê viết!

      Xóa
    2. Khoe tý mình học khá giỏi về tự nhiên, thi đai học cũng thi khối A. Mình rút ra một điều: Những người học giỏi tự nhiên sẽ không dốt văn và cũng không chán học văn mà chỉ không chú trọng đến thôi. Nếu vì bối cảnh nào đó kích thích họ để họ yêu văn học, tập viết văn thì khả năng thành công khá cao. Văn phong cốt cách của họ gọn gàng, hơi khô và khi bia thì cũng bịa như thật...
      Trường hợp cháu Hoa Lý thành công là điều dễ hiểu (Nhưng cô giáo Na chữa cho cháu hơi nhiều).

      Xóa
    3. Rất đồng ý với nhận xét của anh HT ở phần trên văn phong của người học các môn tự nhiên gọn gàng, lối tư duy khoa học. Tuy nhiên, nói cô chữa cho cháu hơi nhiều là oan cho cháu đấy anh. Hoa Lý bây giờ là sinh viên năm 3 ĐHSP. Cô tôn trọng cháu, nếu chưa đồng ý chỗ nào cũng chỉ là: "Theo cô thì..." chứ không thể đem áp đặt suy nghĩ hay giọng văn của mình cho cháu được.

      Xóa
  4. Bài đăng nội san của trường nếu có được vài bài như bài này chắc chắn chất lượng Nội san là rất cao. Sỏi cũng vài lần làm biên tập tập san của trường những bài văn của học trò không nhiều và lại chủ yếu cóp nhặt còn nếu viết thì chẳng mấy bài có chất lượng.
    Ngay cả các cô các thày cũng thế thôi không có những bài hồn cốt được thế này đâu.
    Chúc mừng cô giáo NT! Trò cũng yêu mà blogerr cũng yêu ! Hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để ra được Nội san cho dịp kỉ niệm 40 năm thành lập trường, em đã phải gom bài trong nhiều năm anh ạ. Sợ nhất là mình chọn nhầm bài sưu tầm. Có một điều không thể chối cãi là bài của trò hay hơn bài của thầy cô.

      Xóa
    2. Rung rinh , rung rinh , đong đưa , đong đưa
      Đừng nghe lời Hòn Sỏi nịnh , chu choa mệ nội ui ! Răng mà có Ngài nhẹ dạ ra ri hè , Nghỉ đang cưa cẩm Em đọ , cẩn thận nghe Mệ , không thì tránh vỏ dưa gặp Salam đọ .. hè hè hè

      Xóa
    3. Anh Salam lo bò trắng răng!

      Xóa
  5. Cá nhân em, em ấy học sinh mà viết thế thì tuyệt rùi. hồi em đi học, em viết thấy ghê hà. K đc như cô bé này đâu.
    Chị làm em nhớ cái thời đi học làm báo tường quá. Lúc đó em k đc giao nhiệm vụ viết đâu, mà là vẽ. Thích ghê chị ạ. giờ đọc bài chị, dù chi tiết nội san trường k phải là chính, nhưng k hiểu sao em nhớ hồi đó ghê luôn chị ui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi cô bé viết bài này thì đã là sinh viên trường sư phạm năm nhất em ạ.
      Viết bài báo tường, nhiều người nghĩ chỉ là viết thơ thôi nên bao nhiêu vè tuôn ra hết. He he...

      Xóa
  6. Có được học trò như em Lý này thiệt thích Nhật Thành nhỉ?
    Chúc mừng em. Chắc nội san kỉ niệm 40 năm thành lập trường em sẽ thật là phong phú và thú vị. Dẫu có thể còn có những bài chất nghệ thuật văn thơ chưa cao nhưng những kỉ niệm thân thương thì ăm ắp đúng không? Rứa cô NT góp nhiều bài không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như chị nói, nội san chủ yếu là những kỉ niệm, những tình cảm yêu mến dành cho trường của các thế hệ học sinh, các thầy cô đã và đang công tác tại trường. Có một số bài là của những người có tình cảm với trường...
      Cô NT chỉ là "lấp chỗ trống" thôi. Nếu thiếu bài thì mới in bài mình, còn ưu tiên cho mọi người chị ạ.

      Xóa
  7. tiếng nói thật lòng luôn hay , chúc bạn luôn thành công nhé.

    Trả lờiXóa
  8. Tính chân thực là một tiêu chuẩn làm nên cay hay của một tác phẩm.
    Bài này rất xứng đáng được chọn vào Nội san.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, em sẽ chọn tiếp mấy bài kiểu như thế này nữa ạ. Cô đọc của trò mình, bố mẹ đọc của con mình thấy nó vui lắm đó anh.

      Xóa
  9. Bài này của Hoa Lý viết rất khá, giọng văn hôn nhiên sinh động của tuổi Hoa Học Trò, đồng thời cũng biểu hiện rõ đặc điểm tâm lý nhân vật.Từ tấm lòng nhiệt thành và bao dung,có sự định hướng rõ rệt của cô giáo dạy văn cho trò nên cô đã truyền cảm hứng cho trò thích học văn, viết văn hay, cũng như em đã thay đổi cách nhìn người nhìn đời của mình: “Em yêu văn như yêu chính cô vậy…”

    Trả lờiXóa