Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

LẠI KHOE

    Hôm nay nhận được bài của học sinh cũ gửi về, vui quá! Vui vì lời đề tặng thì ít thôi, nhưng vui nhiều vì truyện của em làm tôi hình dung lại mồn một những gương mặt học sinh cũ ngày nào! Cảm ơn em Hải Anh, cảm ơn tất cả những học trò mến yêu của tôi!
 Tác phẩm này em viết  khi tham dự Trại viết dành cho học sinh  do Hội VHNT tỉnh tổ chức vào hè lớp 9. Em nhắn: "Cô ơi, em có sửa sang lại chút ít theo góp ý của các bạn rồi ạ." Thế là nội san lại có thêm một tác phẩm văn xuôi!


            
Lê Thị Hải Anh

                                               GIỜ TỰ CHỌN
                               Truyện ngắn
  (Kính tặng cô giáo Nhật Thành
         và tập thể lớp 9A năm học 2008 -2009).

   Bình thường, mỗi tuần chúng tôi có năm tiết văn. Năm tiết văn, năm lần lo ngay ngáy đối với ba mốt “ cư dân” chỉ thiên về các “miền đất khoa học tự nhiên” như lớp tôi. Thế mà, chẳng hiểu sao năm nay lại lù lù thêm một tiết văn thứ sáu với tên gọi “Tự chọn”. Cả lớp ồn như vỡ chợ. Kẻ phản đối, người thở dài. Dũng “ nghệ sỹ” giả giọng õng ẹo, ngâm  nga:
                    “ Trăm năm trong cõi người ta
                Chữ văn, chữ toán khéo là ghét nhau”
Thế “béo” ngày thường hay nhăn nhó:
 - Mỗi khi cần nói và viết văn là y như rằng vốn từ của tớ trốn biệt như thằn lằn mồng năm, sao trời sinh ra môn văn oái oăm này để hành hạ tớ thế không biết!
 Bây giờ nó hét toáng lên:
  - Trời đất ơi! Tự chọn là ai chọn chứ có phải tớ chọn đâu! Sao lại bắt tớ chọn cái khổ, cái sở về cho mình chứ?
   - Thôi đi ông tướng- Lan Anh vỗ thật mạnh vào vai Thế “béo”- trông sao sau này trời xui đất đẩy cho ông thành thầy dạy văn xem ông có cảm giác như thế nào khi nghe những lời ấy từ miệng học trò!
 - Này, dù bà có độc mồm cũng không trù ẻo tôi được đâu. Không đời nào cái tương lai xám xịt ấy lại đến với tui, nghe chưa?
 - Cả lớp nghiêm!
Tiếng hô dõng dạc của “xếp” Mai như một phép màu làm cho tất cả im bặt khi cô giáo dạy văn bước vào lớp.
  Sau câu nói quen thuộc “ Mời các em ngồi xuống”, cô mở cặp, lấy giáo án ra. Bỗng từ dưới lớp, Thế “ béo”- dường như chưa hết ấm ức - hỏi rõ to:
  - Thưa cô, tại sao lại có giờ tự chọn  nữa ạ? Bình thường dù không chọn thì cũng đã phải học văn rồi mà!
Cô giáo nhìn xuống Thế, cả lớp lo lắng nhìn cô, “chắc lại phải nghe một bài giáo huấn rồi đây”.
  Nhưng cô giáo  mỉm cười, rồi nhẹ nhàng:
   - Học văn thật khó, đúng không các em? Dạy văn cũng vất vả lắm. Nhưng cô trò ta sẽ cố gắng. Riêng giờ tự chọn, cô sẽ có phần thưởng cho những tiết học tốt.
  - Thưởng gì cô?- Cả lớp đồng thanh.
  - Bí mật!- Mặt cô làm ra vẻ quan trọng như đang cố dấu một bảo bối quốc gia vậy.
 Chỉ vì cái bí mật gây bao sự tò mò ấy mà đến giờ tự chọn ai nấy bảo nhau cố làm tốt các bài tập cô  ra.Đến như Thế “béo” mà cũng viết được những đoạn văn khá ra phết! Ánh mắt cô lộ rõ sự hài lòng.
 Còn 10 phút…
  - Nào, bây giờ chúng ta sẽ cùng giải một ô chữ vui về văn học. Các nhóm sẽ lần lượt giải các từ hàng ngang theo sự lựa chọn của nhóm mình.Sau khi tìm được từ chìa khoá, nhóm nào dành được nhiều điểm nhất sẽ nhận thưởng!
  Cũng là kiến thức văn học cả thôi mà sao ai nấy hào hứng đến thế!Nghe cô gợi ý, các nhóm thảo luận chớp nhoáng và  trả lời hầu hết chính xác. Ăn thua nhau chỉ có từ chìa khoá. Giải được từ chìa khóa, nhận một gói bim bim từ tay cô, chia nhau mỗi đứa một cái cuối giờ mà hãnh diện, tự hào với nhóm bạn lắm lắm!
    Giờ tự chọn trở thành những tiết học hào hứng vô cùng. Phần thưởng đối với chúng tôi là được giải ô chữ vào khoảng 10 phút cuối. Ô chữ có khi là kiến thức Tiếng Việt, có khi là tác giả, tác phẩm…Khoái hơn nữa, tháng một lần được cô tổ chức cho“ Rung chuông vàng” cả tiết.
-   Tớ cũng thấy khoái học văn rồi đấy- Thế “béo”cười tít mắt- Chẳng qua là hắn được cô khuyến khích cho 8 điểm làm bài tập trên bảng ấy mà!
  Trước một tuần, cô dặn:
  - Các em về cố gắng học thuộc lòng các bài thơ và trích đoạn trong sách giáo khoa. Ngoài ra, có thể sưu tầm thêm những bài thơ hay ngoài chương trình. Tuần sau, tiết tự chọn, cô sẽ có một bất ngờ dành cho cả lớp!
-   Bất ngờ gì ạ?- Lại nhao nhao như bồ chao bể ổ.
-   Bí mật!- Mặt cô lại ra vẻ quan trọng như đang dấu một bảo bối quốc gia.
Đoán già. Đoán non. Cãi cọ. Cuộc nhau. Nhưng ai cũng không quên làm theo lời cô dặn.
  Tiết tự chọn chờ mãi rồi cũng đến. Vừa giải bài tập, mọi người vừa sốt ruột xem đồng hồ.Ai cũng cố gắng vì sợ sẽ không được biết cái bất ngờ ấy.
    Còn 15 phút.
-   Các em đã chuẩn bị cả chưa?
-   Rồ…ồ…i… ạ! Nghe như tiếng đáp lại của đồng bào trong ngày Bác đọc tuyên ngôn độc lập.
 - Tốt! Chúng ta bắt đầu! Hai nhóm sẽ tạo thành cặp đối thủ của nhau.Lần lượt mỗi bên sẽ đọc một câu thơ có tên thành viên của đội bạn. Bạn nào được nhắc đến tên sẽ tìm ngay một câu thơ khác có tên của đội đối thủ. Bên nào thua sẽ phải múa cho cả lớp xem!
Chà, thú vị quá! Nhưng nếu thua thì…múa ư?  Không sao, chấp nhận!
Đội 1 và đội 2 bắt đầu:
  Đội trưởng Trần Hoài nổ súng ngay:
                             Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
                            Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lớp có đến 3 Hoa nhưng đội 1 chỉ có một Hoa “ nhỏ”. Hoa đáp trả sau 5 giây:
                          Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
                          Trần thế em nay chán nửa rồi.
Thế “béo” giật nẩy mình làm cả đội lo lắng, chờ đợi…Bình tĩnh lại, bằng cái giọng “vịt đực” cố hữu, hắn ngâm nga:
                            Hoa cười ngọc thốt đoan trang
                        Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Mặt vênh lên, hắn nhìn Trần Trang thách thức.
Trần Trang mỉm cười, hai cái lúm đồng tiền tròn xoe trên má:
                            -    Hiu hắt nhỉ, bồn phương vò võ
                          Lạnh lùng chăng, sầu một đỉnh chon von.
Mọi người lại đổ dồn mắt về phía Phương. Lạ thật, một lớp phó văn thể đàng hoàng mà lại gãi đầu,gãi tai xem chừng bí thế.
-   Thời gian bắt đầu tính! Cô giáo tuyên bố.
Cả mấy chục cái miệng đồng thanh: năm…bốn…ba…
-   Khoan đã nào!- Phương hết toáng lên- để tớ đọc.
-   Đọc nhanh lên, còn 2 giây! Khánh Huyền giục.
            -     “ Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên
                     Cây mơ ríu rít cặp chim chuyền
                     Để trời xanh ngọc qua muôn lá
                     Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”
Phương vừa dứt câu cuối, Khánh Huyền ngớ ra. Nhưng chưa đầy 5 giây, cô nàng lém lỉnh:
-   Ơ, đội ta có đến 3 Huyền mà. Bài thơ về mùa thu nên Thu Huyền đối đi thôi!
-   Làm gì có luật ấy, phải không cô? Thu Huyền quay lên cô cầu cứu.
Cô mỉm cười:
-   Huyền nào cũng được, nếu như không Huyền nào muốn đội mình thua.
Thanh Huyền tiến lên:
            -  Nàng Bân xưa may áo ấm cho chồng
              Áo may xong không còn mùa lạnh nữa
              Nàng bèn khóc, đất trời thương ứa lệ
              Cho rét về, đáp lại nỗi nhớ mong.
-   Thương “còi” kìa, đối nhanh lên! Đội 2 nhao nhao.
Tùng…tùng…tùng…
- Trời, sao nhanh hết giờ thế? Nhiều bạn kêu lên, tiếc rẻ.
Đấy, ai bảo lớp toán chúng tôi không thích học văn? Vớ vẩn!


                          


16 nhận xét:

  1. Tôi chưa bình hay nói gì về Entry dù đã đọc xong.
    Thấy người ta tặng thì tôi cũng tìm cách để được tặng. Đơn giản thế !

    Nhà em trăm sắc ngàn hương
    Anh sang thăm cứ vấn vương rối bời
    Lạ chưa đã quá nửa đời
    Mà không nói được một lời tái tê
    Hương rừng thơm ngát mải mê
    Thăm em phố núi bộn bề tương tư.

    Không lấy tem để lại cho Salam!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe thơ mà thấy lắc lư
      Con tim nhảy nhót y như chích chòe!
      Hè hè...
      Nếu muốn gọi Salam thì phải dùng ngay đoạn thơ có tên Sa anh Sỏi ạ. VD:
      Nay Sa cơ bị nhục nhằn tù hãm
      Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
      Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
      Với cặp báo chuồng bên vô tư lự!
      (Nhớ rừng - Thế Lữ)
      Thế là anh Salam phải ứng khẩu ngay thôi!

      Xóa
  2. Bạn Hòn Sỏi nên thay chữ "Hương rừng" trong bài trên bằng "Hương ngàn", hì hì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng thấy dường như nói "ngàn" nó rộng hơn "rừng", nhưng hương rừng có vẻ dân dã hơn, gần gũi hơn hương ngàn đấy!

      Xóa
  3. Cứ ý tứ vậy thôi anh ạ! Đúng ra thì rừng hay ngàn thì cũng là ''Nó"" cả mà! Há há! Cảm ơn Anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Sỏi ơi, người miền núi thích nói thật, nói rõ ra ấy. Cứ xa xôi là ...ta xích lại cho gần! He he...

      Xóa
    2. Ôi! Biết nói sao nhỉ? Vui quá, cảm động quá. Đúng là cứ học văn như thế này thì trò nào mà chẳng thích. Chúc mừng cô giáo dạy văn đã có sáng kiến cực hay trong giảng dạy. Dạy văn kiểu này nên có nhiều trò yêu môn văn, thích học văn và viết văn hay là điều đương nhiên rồi. Chị rất thích đọc truyện ngắn này Nhật Thành ạ. Nó thật làm sao mà cũng đáng yêu và lý thú làm sao.
      Tuy nhiên có một từ mà trò dùng chưa chính xác trong trích đoạn THƠ DUYÊN của Xuân Diệu: " Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá" chứ không phải là : Để trời....

      Xóa
    3. Cũng chỉ là tìm cách để giúp học sinh hứng thú thêm một chút chị ạ. Những kiến thức cần học thuộc thì tổ chức theo kiểu chơi mà học, còn vẫn phải dành thời gian cho các em luyện kĩ năng viết.
      Có mấy trích đoạn thơ thú thực là em cũng chưa đọc nên chẳng biết nó sai mà sửa. Em ấy viết như thế thì cô giáo cũng chỉ để thế thôi.
      Em thích cái giọng văn trong trẻo của các em qua những truyện như thế này, đọc nó làm mình như trẻ ra.

      Xóa
  4. Học văn tự chọn kiểu này đúng là hấp dẫn, học trò đỡ thấy chán môn văn.
    Thời buổi đổi mới, tính tự do của cá nhân được tôn trọng và cổ vũ.
    Hồi lớp 7 bu học văn với một ông thầy người Nam Đàn, đẹp trai, tài hoa, dạy giỏi, nhạc giỏi, vẽ giỏi...
    Một hôm thầy bảo, hôm nay các em về nhà kể mỗi mỗi em một chuyện cổ tích mà em thich nhất, ngày mai nộp thầy.
    Bu về dở sách chuyện cổ tích ra kể lại chuyện "Sự tích con muỗi" được thầy co 5 điểm và thêm vào bốn bên bốn cái dấu cộng. Thầy bảo em kể hay hơn sách.
    Sau này khi thầy vào tuổi 70, học trò nhắc lại chuyện cũ, thấy bảo hôm ấy thầy đi gặp người yêu nên mới cho các em tự chọn đề văn.
    hihi một lần trong đời được học văn tự chọn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thầy đi gặp người yêu nên cho trò tự chọn truyện để kể. Còn đi gặp người yêu về, trong trạng thái cực kì hưng phấn nên thầy chấm điểm 5 bốn + là đúng thôi! Nếu hôm đó thầy bị người yêu giận thì bài của bác Bu chắc điểm 2 quá!
      Hì...chấm văn luôn tùy thuộc tâm trạng mà!

      Xóa
  5. Thú vị quá chị ạ, em đọc mà hình dung ra cái khung cảnh sôi nổi lúc ấy, tất cả đều là những kỷ niệm đáng nhớ chị nhỉ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế em, những kỉ niệm học trò luôn đẹp trong mỗi chúng ta!

      Xóa
  6. Bài GIỜ TỰ CHỌN của Hải Anh trước đây anh đã đọc trên tạp chí Văn hóa Nghệ Thuật QH rồi. Bài viết gần như là văn tường thuật về một tiết sinh hoạt Văn ngoại khóa rất bổ ích hấp dẫn, khơi gợi cuốn hút học trò. Đây cũng là mô hình cần nên duy trì và phát triển sâu rộng trong nhà trường để học sinh yêu và trang bị, phát huy cho mình thêm kiến văn và kỹ năng giao tiếp văn học...
    Có điều là truyện này của Hải Anh hình như được sửa lại nhiều so với bản gốc. Đọc lại nghe trí tuệ và hàm súc hơn nhưng cũng bớt phần ngộ nghĩnh hồn nhiên của tuổi học trò hơn? Dẫu sao có sự gia công cũng là điều cần thiết cho một tác phẩm văn học.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. GIỜ TỰ CHỌN, em tìm mãi trong những số của VHVN QH nhưng số ấy em không còn cuốn nào. In cách đây đâu 5 năm rồi. Gọi hỏi em Hải Anh, may thay em còn có và như em nói, đã sửa lại theo góp ý của bạn bè. Em cũng thấy nó bớt ngộ nghĩnh, vì chắc chắn bây giờ, khi đã là cô sinh viên năm 4, không còn những từ ngữ ngô nghê như hồi lớp 9. Thôi, cứ theo ý tác giả vậy. Đang còn một truyện nữa của Hải Anh: KHO BÁU TÌNH BẠN, em viết năm lớp 10, có gửi đăng VHVN QH nhưng bị Thái Tâm loại ra, em đang muốn em ấy gửi lại.

      Xóa