Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

MẸ CHỒNG!

(Tôi đã viết về CHA CHỒNG TÔI  bấm vào đây, giờ viết về mẹ chồng.)

Mùa vu lan đã tới, trong các nhà chùa, tiếng đọc kinh, lời sám hối, lễ cầu siêu …nghe lòng chộn rộn.
Ai còn mẹ, được cài lên ngực một bông hoa màu đỏ.
Ai  không còn mẹ, bông hoa trắng cài lên trái tim đau.

  Hồi ấy, thầy tôi dọa “ Mi xớ rớ tau bắt bỏ rọ bưng đến cho nhà người ta”. Thế là, ngày 29 tết, tôi đành miễn cưỡng lên xe để về ra mắt cha mẹ chồng tương lai.
Ừ thì làm cho người ta thích mình mới khó, còn để người ta chê mình, từ chối mình có khó gì đâu.
   Ăn cơm xong, tôi nhảy tót lên tấm phản đánh bài với mấy chú. Hò hét, thách thức, khua chân múa tay và cười ha hả. Mẹ lặng lẽ dọn mâm, rửa bát và rót nước mời cha.
   Sáng bảnh mắt tôi mới dậy,  đã thấy mẹ nấu xong nồi cơm to, mùi nhút xào thơm phức bốc hơi nghi ngút. Tôi lững thững xuống bếp, ngó vào. Khói cay xè cả mắt. “ Bếp chi mà nấu ăn như hun chuột rứa hề?” Mẹ cười:  “ Con dậy rồi à?  Ra đánh răng rửa mặt vô ăn cơm.”
   Ba ngày tết, mọi người bảo tôi đi chơi cho biết anh biết em ,biết họ biết hàng, tôi cười: “ Đường đất nhão nhoét, guốc cao gót không đi được. Mà mặt người nhìn chút quên ngay thì biết làm gì?” Tôi ngồi nhà, nói chuyện phét lác một tấc tới trời với cha, kể chuyện đi dân công hỏa tuyến hồi chống Pháp sang tận cánh đồng Chum. Cha nói chuyện trạng, tôi  không ngại nói tục theo cha và cười hô hố.
Mấy “giặc bên Ngô” đội mâm đến cúng, nhăn mặt khó chịu với “mự mới”. Mự cười vô tư: “ Tui nỏ biết nấu ăn, nỏ biết mần chi, vì trước đến dừ toàn ăn cơm tập thể” “Rứa lấy chồng rồi mần răng?”
 “ Nỏ biết, nỏ mần răng cả, muốn mần răng thì mần!” Tôi cười khì khì. Mẹ bảo: “Khó nhứt là học chữ mà con còn học được, ra đi dạy được, mấy việc vặt gia đình ni thì học mấy hồi!”

  Năm năm trời, vợ chồng chủng chà chủng chẳng. Tết năm về năm không. Mẹ nhắc: “Về với cha mẹ cho vui, ở chi trên nớ mà buồn mà chán!”  “ Con không về, sắp tới rồi hai đứa cũng đường ai nấy đi thôi mẹ.” Mẹ buồn buồn: “Răng nói rứa con!”
  Ừ thì cái nợ nó ràng buộc cái duyên. Ông tơ bà nguyệt có ngủ gật  xe nhầm thì cũng đã lò mò cột xong múi chỉ.
Phận làm dâu làm con, dù muốn dù không cũng phải tròn nghĩa vụ.
Nhưng không chỉ tôi mà các con của mẹ đều chưa phải nuôi hay chăm mẹ một ngày.

Và…
Năm nay mẹ chín mươi hai. Đi phải dắt, ăn phải đút, cái bô luôn là vật bất li thân.
Sau lần mẹ bị tai biến, vùng ngôn ngữ bị ảnh hưởng, ý nghĩ trong đầu không được diễn đạt chính xác. Tai nghễnh ngãng, mắt nhìn không rõ. Mẹ nói người ta không hiểu, người ta nói mẹ không nghe, mẹ dùng một cánh tay  trái đang cử động được thay cho lời nói mà cũng đành bất lực.
 Một năm rồi, mẹ ngồi trong ngôi nhà rộng thênh thang chờ mấy đứa con thay phiên nhau mang cơm đến. Cứ sáu ngày thì tới phiên. Bữa cơm trưa có khi sang chiều, bữa cơm tối có khi khuya lắc. Tắm cho mẹ đứa này đùn đẩy đứa kia. Ừ thì con mẹ ở gần nhưng đứa mô cũng bận. Việc đồng áng, việc con cái, việc lợn gà, việc chợ búa…Làm nông "nhất thì nhì thục", muốn làm kịp thời vụ thì kể chi giờ giấc. Rồi sáng không lo kịp cho con ăn thì nó đi học muộn giờ, trưa chưa cho lợn ăn thì chúng hét đinh tai nhức óc. Phục vụ mẹ cả năm chứ phải ngày một ngày hai chi mà lúc mô cũng chu tất vẹn toàn?
   Tôi về, con của mẹ bắt đầu hạch sách: “ Chăm bà đi cho biết cái cực nhọc, cái vất vả. Đưa tiền về rồi đi thì khỏe re!” Tôi bảo: “Tại xa xôi cách trở, việc nhà nước có phải ưng nghỉ khi mô cũng được mà về? Ở nhà còn sáu đứa con, tị nạnh chi với người xa ngái?” Cãi nhau loạn xạ, kể công kể lênh từng việc nhỏ việc to. Chưa ai phải góp tiền nuôi mẹ vì mẹ có con liệt sĩ, mới chỉ là chăm mẹ lúc đau ốm tuổi già. Thật đúng là: “Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày!” Và cha ông ta nói đâu có sai: "Một mẹ nuôi được mười con, mười con chắc chi đã nuôi được một mẹ!" Các con quên mất bao lần mẹ chắt chiu tiền trợ cấp liệt sĩ, dành dụm không dám tiêu, cho đứa này vay mua giống, cho đứa khác vay mua xe. Những lần vay không hoàn lại! Các con quên mất rằng, mỗi khi có đồng quà tấm bánh, mẹ không nỡ ăn, cất dành cho cháu nhỏ cháu to. Các con quên mất rằng, thịt một con gà, mẹ chỉ chan tí nước, ăn cái phao câu và miếng tiết, còn thì cất dành cho cháu."Mình ăn, cháu nhịn răng đành!"
  Mẹ không nghe rõ được, nhưng nhìn thái độ tức giận và mấy cái miệng cử động liên tục của các con, mẹ hiểu.
  Mẹ không nói rõ được, nhưng từng giọt lệ đục ngầu rịn ra lem nhem trên đôi má hóp.
 Tôi nhìn mẹ, nghĩ xót xa cho tuổi già cô đơn! Đưa mẹ lên ở cùng, tôi nghĩ đến tình người nhiều hơn nghĩa vụ. Tôi chăm chút mẹ từng bữa cơm giấc ngủ, tắm gội cho mẹ hàng ngày bằng sữa tắm và dầu gội đầu loại xịn. Rảnh thì ngồi bóp tay, bóp chân, trò chuyện cho mẹ đỡ buồn dù mẹ nghe tiếng được tiếng chăng. Mọi việc vẫn đâu vào đấy khi ta biết sắp xếp một cách khoa học. Ta sẽ nhẹ nhàng thanh thản hơn khi hiểu thấu đáo thế nào là "già cậy con". Nụ cười của mẹ đã tươi lại sau một năm suy nghĩ buồn phiền. Ừ, người ta nói “một đời người hai đời con nít”, mẹ cứ cười và ai đến thì khoe líu lô bằng những lời mà không phải ai cũng hiểu. Riêng câu này thì mẹ phát âm rõ ràng từng chữ: “ Cho mẹ ở với con, đừng bắt mẹ về quê nữa nha con."
Chín mươi hai tuổi rồi, quĩ thời gian của mẹ còn lại bao nhiêu?
Những đứa con của mẹ ở quê, ngày vu lan năm nay vẫn được cài lên ngực mình một bông hồng đỏ! Ai biết năm sau bông hồng có đổi màu?
Tôi sẽ chăm sóc mẹ chu đáo, trọn nghĩa vẹn tình. Một mai mẹ có về miền cực lạc, tôi không gào khóc quay cuồng, không ai oán những lời than trời trách đất! Chắc chắn thế!
                                    
                                                                NT

 




33 nhận xét:

  1. Em vụng về dốt nát...Ừ!
    Em chẳng biết mần chi cả, chỉ biết mỗi việc mần con dâu. Ừ ! Duyệt!
    Giá như các con đẻ của cụ khôn hơn chút nữa thì hay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đến bây giờ em vẫn thăc mắc là vì sao mẹ không chê con dâu khi nó vừa nhác nhớn, vừa vụng về, vừa vô tâm và vô tích sự đến như thế.Mọi cố gắng tỏ ra vô duyên đều trở thành công cốc!
      Em cũng không biết nói về những đứa con của mẹ thế nào, một chú phát biểu: "Chuyện chăm mẹ là của đàn bà, tui đàn ông không mần được. Đàn ông chẳng lẽ đi đổ bô?" Ngán ngẩm chưa?

      Xóa
  2. Nhật Thành nên đổi tên bài là "Nàng Dâu" thì hay hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng chuyện kể về mẹ chồng là chính, nàng dâu là phụ. Khi nàng dâu này đi lấy chồng thì "bàn giao " mẹ lại cho người khác thôi anh Tuân ạ! He he...

      Xóa
    2. Lão Tuân nói có lý. Nói về nàng dâu là làm nền cho Mẹ chồng , làm nền cho sự vất vả hy sinh và đức tính thiên bẩm của người mẹ . Nhưng bài viết thì vai phụ lại nổi hơn vai chính.
      Những nhà thâm nho chỉ cần nhắc khéo.

      Xóa
    3. Có thể do cách kể vụng về mà người kể không làm cho người đọc hiểu những điều mình định nói về mẹ chồng. Nhưng quả thực thì NT không có ý định làm nổi mình đâu.
      - Mẹ là người tin con trai, tôn trọng sự lựa chọn của con nên mẹ không hề một lời chê bai sự vô duyện của "tôi". Có lẽ mẹ nghĩ cô con dâu tương lai "trẻ người non dạ" nên tin rằng khi lấy chồng rồi sẽ không vô tư như thế?
      - Mẹ cố gắng níu kéo hạnh phúc cho hai con nên muốn con dâu tết về quê có cha có mẹ cho vui, không nên ở lại một mình.
      - Mẹ thương con, luôn cố gắng để không làm phiền đến con cháu nên chưa ai phải chăm mẹ một ngày.
      - Giờ mẹ tuổi già, bệnh tật, không tự lo cho mình được nữa, phải nhờ đến con cháu thì như thế, mẹ buồn phiền nhưng không thể làm được gì. Con tị nạnh nhau mẹ chỉ biết khóc.
      - Thường người già không ai muốn rời quê, rời ngôi nhà đã sống gần trọn đời người ở đó, nhưng mẹ khiếp sợ nỗi cô đơn nên không muốn về quê.
      Nếu người đọc hiểu sang khía cạnh khác thì là do lỗi của người kể vậy.

      Xóa
  3. Ông Tơ bà Nguyệt xe nhầm rồi sao? Nhầm thì bảo ông bà ấy xe lại.
    Nghĩ đến ngày nàng dâu bàn dâu bàn giao mẹ chồng cho các con đẻ của bà thì ái ngại cho bà quá.
    Nàng dâu nên cài thêm một bông hồng đỏ nữa mới xứng đáng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng đang tính để nói ông bà ấy xe lại, nhưng lựa lúc nào họ đừng ngủ gật đã bác Bu ơi, nếu không lại xe nhầm thì khốn!
      Bác Bu ái ngại cho bà mà không ái ngại cho con dâu của bà sao? Bất công rồi nhé.
      Mẹ đẻ của nàng dâu vẫn khỏe. Thôi thì chỉ cần một bông như tế là đủ mà.

      Xóa
  4. Bữa qua lão Tân viết một bài về Mẹ giờ ăn theo .
    Trẻ cậy cha già cậy con , nuôi cha mẹ già là bổn phận của con cái có chi mà " Kể nể " . Mẹ Salam bị ung thư cổ tử cung vào SG điều trị gần 2 năm .cũng chăm sóc tận tình mà không cứu được . Con trai hay con gái không quan trọng chỉ cần có tình thương cha thương mẹ là được . Trong cuộc sống có nhiều người khi cha mẹ còn sống thì đối sử chẳng ra gì , khi mất thì làm ma chay xây mộ hoành tráng .. chả ra làm sao cả
    Ủa con du tui có giống bà Sui không hè ? Nếu giống thì thật nhà tui có phước , chỉ mong sau này Ả không vứt vợ chồng tui ra ... sông Sài Gòn .. là OK con gà đen luôn ... hì hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra thì bài này viết trước khi bài của lão Tân đăng lên, định đăng thì thấy xuất hiện NGƯỜI THANH CHƯƠNG nên nán lại đăng sau vậy.
      Những đứa con của mẹ xét cho cùng thì cuộc sóng quá vất vả, nhà nông trăm công nghìn việc, họ kể chủ yếu cho con dâu cả nghe thôi chứ mẹ có nghe được mấy đâu! Còn con dâu cả cũng không có mục đích kể lể gì, chỉ thấy buồn thôi, nhất là nghĩ chuyện sau này mình cũng đau yếu, già cả, ngễnh ngãng... thì thế nào nhỉ?
      Có những người con, khi cha mẹ còn sống thì hắt hủi, nhưng trong tang lễ thì bò ra mà khóc, mà gào, mà kêu trời kêu đất sao bố (mẹ) lại bỏ con mà đi! Thật nực cười!
      Yên tâm đi ông sui, con du ông rất tuyệt vời!

      Xóa
    2. Mình chỉ mong con Gấy NT (Tức là du của Salam) sau này tính nóng như lửa , con bé ăn khỏe vạm vỡ , bắp chân bắp tay cuồn cuộn. Để làm gì các bạn biết không. Để dìm bố mẹ chồng nổi bong bóng trên sông SG...
      Thật đã há há!

      Xóa
    3. Bà Sui nghe Hòn Sỏi nói kìa , chịu nổi hông ?
      Thím Sỏi rất chi là dzô dziên ,con gái của bà Sui mới học lớp 10 tương lai còn ở phía trước , làm dâu nỏ quan trọng , nhưng Bà coi HS xui kìa : Con Bà ăn nhiều vào vạm vỡ giống như Sambo dzậy đó , thế thì thằng Cún " Lá ngọc cành đu đủ " dễ gì chấp nhận một cô zợ bé nhỏ xinh xinh giống như " Con voi còi Bản Đôn "
      Phù phù phù

      Xóa
    4. Ha ha...tự nhiên bà sui nghĩ đến câu:
      " Dạy con từ thuở còn thơ
      Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về"
      Và giờ phải "vận dụng" vào hoàn cảnh cụ thể cho hợp thời:
      Dạy con từ thuở còn thơ
      Dạy ông bà nội từ thuở lơ ngơ mới bước chân về!
      Phải bảo con gái trấn át, đe nẹt ông bà sui ngay từ ngày mới về làm dâu, không thì ...mất thế! Việc đầu tiên là dìm bố mẹ chồng xuống sông SG và hỏi:
      - Này, thế có định đối xử tốt với tôi không?
      Ha ha....

      Xóa
  5. Thế hệ chúng ta , người mẹ chịu nhiều thiệt thòi và hy sinh tất cả cho con . Nếu vùng miền khác , người mẹ vất vả lo toan cho gia đình một thì người mẹ xứ Nghệ chúng ta vất vả lo toan đến 2, 3 . Vì xứ Nghệ luôn đói nghèo, khó khăn khắc nghiệt hơn những nơi khác. Những người mẹ đáng được cài bông hồng vạn lần khi chúng ta lớn lên thành người .
    Người mẹ trong bài viết này cũng thế. Nhưng đáng tiếc là vùng nông thôn nhận thức của lớp trẻ quá kém , quá thất vọng. Qua đó ta lại thấy hình ảnh của mẹ cao đẹp hơn .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu lão nghe cuộc đấu khẩu nảy lửa của các con, dâu thì có lẽ cũng đau đớn rụng rời luôn! Có lẽ câu nói : Cha chung không ai khóc" quá đúng! Con đông quá sinh ra tị nạnh nhau.
      Nghĩ một ngày nào đó mình cũng già cả, bệnh tật, chắc buồn lắm!
      "Con bà có thương bà đâu/ Cho rể bắt chước cho dâu học đòi!", cái cốt yếu là con mẹ phải đủ tình thương và sự vững vàng mà "chỉ đạo" mọi việc phải không lão?

      Xóa
  6. Cái gì lớn lao nhất trong cuộc sống? Chắc chắn chỉ có tấm lòng của người MẸ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và nỗi đau nào lớn nhất đối với cha mẹ? Chắc chắn đó là con bất hiếu!

      Xóa
  7. "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy". Tình cảm yêu thương hiếu thuận của Nhật Thành đối với mẹ chồng không những làm cho mẹ được an vui mà mong rằng đây còn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em không nghĩ nhiều thế đâu anh. Nhìn thấy cảnh mẹ rất tội thì mình chăm thôi. Có lẽ so với những người khác, thời gian của mình cũng rảnh hơn.

      Xóa
    2. Mình lấy chồng khi cả bố và mẹ chồng đều đã về nơi chín suối rồi. Vì thế nỏ biết làm dâu, nỏ phải chăm sóc bố mẹ chồng. Bố đẻ mình cũng đã qua đời khi mình chưa tròn ba tuổi. Chỉ còn mẹ thôi. Nhưng vì mình lấy chồng xa, kinh tế lại kém nhất trong số 8 anh chị em. Vì thế mẹ nhỡ có ốm đau thì mọi người cũng chờ khỏe rồi mới thông báo với mình. Do vậy hầu như mình chưa được nâng giấc chăm sóc mẹ. Bây giờ, mẹ mình đã 90 tuổi rồi, cụ chỉ nặng tai và đi lại chậm chạp hơn thôi chứ vẫn tự phục vụ được. Rứa mà mỗi lần về thăm mẹ mình cũng cứ vội vội vàng vàng rồi đi ngay chứ có chăm sóc gì được mẹ đâu. Còn tâm sự thủ thỉ thì mẹ không nghe tiếng nên có về thăm cũng chỉ để nhìn thấy mẹ, nghe mẹ kể chuyện là chính. Đọc bài viết này, mình thấy NT quả là người con dâu có tâm thiệt đó. Chắc mẹ đã cảm được cái tâm của nàng dâu ngay từ lần đầu gặp nên thấu hiểu mọi sự cố tình làm ra vô duyên của nàng mà mở lòng đón nhận chăng?
      Nếu cụ được ở với NT đến trọn vẹn những ngày cuối đời thì tuyệt quá

      Xóa
    3. Chị Thu à, nhìn bà tội lắm. Bà biết hết, hiểu hết, chỉ phát âm nhiều khi không chuẩn (tức là nói nhiều tiếng bị nhịu do di chứng của tai biến). Và bà cũng không phải điếc mà là nghễnh ngãng. Khi chú ý thì bà nghe được hết. Lúc nào cũng chỉ sợ phiền con cháu.
      Em cũng không chắc nuôi bà được bao lâu, nhưng ngày nào bà còn ở với mình thì mình chăm thật chu đáo. 92 tuổi, lần đầu tiên được tắm bằng sữa tắm, bà cầm đám bọt cười và hỏi: "Xà phòng chi mà thơm rứa con? Có đắt không?" Thấy ngày nào cũng đổi món cơm thịt gà hặc thịt lợn, cá tươi...bà nóng ruột: "Mẹ chứ có phải khách khứa chi mô mà cứ phải đi chợ?" Khổ thế, ở quê thường chỉ rau cỏ trong vườn, cả tuần mua một bữa tươi là "hoang" lám rồi.
      Nếu lúc nào đó bà yếu quá thì dù sao cũng phải đưa bà về chị ơi. Mình là dâu, chồng không còn, bà đang có 4 con trai ở quê. Lỡ bà ngã sự thì không ổn vì từ nhà em về quê hơn 100 cây số.

      Xóa
  8. Em mong con trai em sau này lớn lên cưới đc 1 cô vợ có vụng 1 chút cũng k sao, có xấu một chút chút cũng k sao, có nghèo cũng k sao... miễn nó biết nghĩ như nàng dâu ấy là em mừng còn hơn trúng số.
    Chị làm em nhớ mẹ chồng em. Nhớ ngày bị ông xã ăn hiếp, buồn quá, k nói đc với nhà mình, toàn điện thoại khóc với ... chị chồng, mẹ chồng. Dù em và ông xã chẳng còn tình nghĩa gì, nhưng với mẹ chồng và cả gia đình chồng, em cảm thấy em may mắn vì từng đc là 1 thành viên trong gia đình đó.
    Nghĩ đến lúc già sao mà....thấy buồn quá chị. Nhất là vò võ như tụi mình. con cái mà k thương nữa thì ... Thui, k dám nghĩ lun á chị. hic hic

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cha mẹ chồng, các cô bên nhà chồng là những mối chỉ vá víu cuộc hôn nhân của chị đó em. Nhưng chị chưa bao giờ khóc, chưa bao giờ kể, họ tự biết được. Một chị nói: "Nó là em trai của chị, tính nó như thế nào thì chị biết mà!"
      Hí thương mẹ thì chắc sau này vợ nó cũng "nể tình" mà thương mẹ thôi, đừng lo!

      Xóa
    2. còn nhỏ nó thế, lớn lên không nói trước đc điều gì hết chị hén.
      Chị thật mạnh mẽ và bản lĩnh. chứ em thì... đụng chuyện chỉ có ước khóc, chả làm đc giống gì. hic hic

      Xóa
    3. Hì...người mít ướt như em thì phải nhanh chóng tìm một bờ vai để...lau nước mắt đi! Nhớ chưa?

      Xóa
    4. Tìm hơi khó đấy ế thật rồi!
      Hơi tý chảy cái nước mắt ra...
      Sốt ruột!

      Xóa
    5. Anh Sỏi sốt ruột thật không?
      Hãy tìm khăn ướt mà dâng cho nàng!
      Đừng nói suông!

      Xóa
  9. Em đọc bài này của chị mà cứ rưng rưng. Con nuôi cha mẹ kể ngày kể tháng, thật xót xa.
    Những gì chị làm với mẹ, thật đáng trân trọng, vì ở đời, không phải ai cũng có thể làm được như thế, cuộc sống quá xô bồ, khiến con người ta chai sạn đi tất cả kể cả tình yêu thương... Em chúc chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc bác luôn an lành, chị nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em, Tím nhé. Người ta nói nước mắt chảy xuôi mà em. Nhiều khi tất bật vì gia đình mnhf, con cái mình nên sao nhãng phận làm con vậy.

      Xóa
  10. sang thăm bạn, đọc bài và......cảm động quá. chúc bạn luôn an vui nhé

    Trả lờiXóa