Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

MỌI NGƯỜI CHẤM GIÙM TÔI!

   Tôi có ý định đưa một số bài của học sinh đang học tại trường vào nội san. Em Nguyễn Châu Anh là đối tượng tôi tìm đến đầu tiên. Thi học sinh giỏi lớp 6 cấp huyện, em tham gia 2 môn. Toán đạt giải nhất với số điểm 19/20, còn Văn đạt 18/20 sau nhiều tranh cãi của Ban giám khảo. Thi học sinh giỏi cấp huyện lớp 7, toán của em là 20/20, còn văn đạt 18/20 cũng qua tranh cãi, cân nhắc, thêm bớt, bắt lỗi đủ thứ (vì có giám khảo cho 20/20, có giám khảo cho 16/20 nên cuối cùng phải "cưa đôi"). Năm lớp 8 em bỏ  Văn để thi Toán, Lý và Hóa (nhà trường chỉ cho mỗi em dự thi nhiều nhất 3 môn). Bài văn sau đây em làm năm lớp 6 với đề ra: "Hãy kể về một lần em mắc lỗi với thầy cô". Cô giáo của em cho 7/10 điểm với lời nhận xét: " Cách kể chuyện tốt nhưng  đây chưa phải là một lần mắc lỗi!"
Tôi xin đăng lên đây và nhờ mọi người chấm xem, liệu em viết thế này có "lạc đề" không?



NỢ THẦY MỘT LỜI XIN LỖI
     
- Châu Anh, tối nay con cùng mẹ đến nhà thầy Hưng nhé!
          Đang loay hoay với bài toán khó, tôi không định trả lời mẹ. Tính tôi vốn thế, khi đang mò mẫm với từng nốt rối trong bài toán hóc búa, tôi thường ít để ý đến xung quanh. Nhưng khi nghe nhắc đến tên “thầy Hưng”, tôi không thể không ngẩng đầu lên. Ngạc nhiên, tôi hỏi mẹ:
- Mẹ nói gì ạ? Mẹ con mình đến thầy Hưng xin học thêm phải không mẹ?
- Ừ, ý con thế nào?
- Sao lại không hả mẹ? –Tôi nói như reo lên.
Mừng quá! Được học với một thầy giáo giỏi như thầy thì có lí do gì để không mừng, không vui cơ chứ? Tôi đã được nghe bao nhiêu điều về thầy: Nào là người đầu tiên của huyện được UBND Tỉnh tặng bằng Sáng tạo về sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học, nào là thầy chuyên bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi dự thi cấp Tỉnh đạt giải cao, nào là thầy rất nghiêm khắc mà cũng rất dễ gần, nào là thầy nghiêm túc nhưng rất tình cảm, có thể đùa vui với thầy thoải mái nhưng thầy cũng yêu cầu rất cao trong học tập… Bao nhiêu điều mà các anh chị khóa trên nói về thầy khiến tôi thấy thật ấn tượng và luôn ao ước được gặp thầy, được học với thầy.
Gác lại bài toán khó, tôi tưởng tượng cảnh gặp thầy tối nay. Háo hức lạ thường!
17 giờ 45 phút. Tôi cùng mẹ đến nhà thầy. Tự nhiên tôi thấy lo lo. Chẳng biết thầy có nhận tôi không? Lỡ tôi học không được thì sao? Lỡ mà thầy mắng?..Bất giác, tôi nắm chặt bàn tay mẹ. Hồi hộp. Nhịp tim cứ thình thình như gõ trống vậy.
Đón mẹ con tôi là một người thầy ăn mặc rất giản dị với nụ cười đến là thân thiện. Khuôn mặt thầy tròn, nước da ngăm ngăm, giọng nói thật ấm áp. Dễ gần thật! Chẳng giống như hình ảnh mà tôi đã tưởng tượng về thầy: Dáng người  thanh mảnh, một vầng trán cao, một cặp kính lão trễ xuống tận mũi trông rất nghiêm nghị, già nua và nghiêm khắc…
Từ trong nhà, thầy bước ra, chủ động bắt tay mẹ.
Tôi ngước đôi mắt tròn xoe nhìn thầy, cảm giác sợ sệt ban đầu biến đâu mất, chỉ còn sự tò mò, thích thú. Thầy lại chìa tay:
                  - Nào, con gái, mình làm quen nhé?
           Tôi bối rối đưa cả hai bàn tay ra nắm lấy bàn tay thầy, hồn nhiên:
                 -Dạ, con chào thầy…
***
                Buổi đầu tiên đi học, thầy đố chúng tôi một bài toán cổ: “Vừa gà vừa chó, bó lại cho tròn, ba mươi sáu con…” Thầy mới đọc đến đấy, Vân Anh đã hấp tấp giơ tay đòi giải. Thầy cho phép nó nói. Cô bạn hớn hở:
 - Thưa thầy, giả sử… con… có… bốn chân…
Thầy nghiêm mặt nhưng rồi tủm tỉm:
-         Sao thế con? Con giơ chân thầy xem nào? Con xinh gái thế này, thầy có thấy con làm sao đâu?
Ngơ ngác, Vân Anh không hiểu gì trong khi cả lớp thì bắt đầu cười. Nó càng lúng túng:
-         Sao ạ? Bài toán của thầy con đang làm mà. Xin thầy và các bạn yên lặng cho con giải tiếp.
-         Làm sao con giải được? Cả lớp hãy cho thầy biết lí do vì sao nào?
Chưa hiểu thầy lắm, chúng tôi đều ngại, không dám nói. Thầy ôn tồn bảo:
- Thế này các con nhé, bạn Vân Anh không thể giải được vì hai lí do: Trước hết, thầy chưa đọc đề xong, làm sao con hiểu các dữ kiện tiếp theo của bài toán. Biết đâu thầy đã thay đổi một vài số liệu của bài toán cổ? Như vậy, bài học  cho con là không nên quá vội vàng, hấp tấp. Thứ hai, con đâu có bốn chân để đưa ra mà tính? –Thầy vừa nói vừa cười- Bài học cho con là phải trình bày lưu loát, gãy gọn, suy nghĩ thật chín chắn trước khi nói, đúng chưa nào?
          Vân Anh đỏ mặt,  nhưng vẫn không nhịn được cười. Chúng tôi thấy thầy thật thú vị. Thầy gần gũi quá!
***
Hôm sinh nhật tôi, lúc ra chơi, tôi nhõng nhẽo:
- Thầy ơi, con giận thầy luôn đấy. Tại thầy dạy nên con mới không tổ chức sinh nhật đúng ngày. Không chơi với thầy nữa!
Chẳng hề có một chút thay đổi nét mặt, thầy đáp lại tôi rằng:
- Thầy cũng giận con luôn, hôm trước sinh nhật thầy mà con vẫn bắt thầy dạy, làm thầy không tổ chức sinh nhật được . “Cạch phe!” – Thầy giơ hai ngón tay ra, mặt làm ra vẻ phụng phịu của con nít, nom đến ngộ! – Không chơi với con nữa!
   Thế là cả lớp cười ầm ĩ. Thật đúng là…, ai có thể giận thầy được cơ chứ?
***
Dần dần, tình cảm thầy trò chúng tôi càng gắn bó, thân thiết hơn. Tôi kính trọng và yêu mến thầy như cha vậy. Thầy cũng thương tôi, âu yếm gọi tôi là “con gái”, thỉnh thoảng, thầy lại cõng tôi đùa vui rất thoải mái. Có lần tôi hỏi họ tên đầy đủ của thầy. Thầy trả lời tỉnh queo:
- Tên tôi là Nguyễn Châu Hưng.
Tôi cười, nụ cười hồn nhiên của một cô học trò mười tuổi. Thật ấm lòng biết bao, thầy đổi tên mình theo tên tôi cơ đấy! (vì tôi là Nguyễn Châu Anh mà!)
Tôi vốn là đưa học trò cá tính, học rất tài tử. Chỉ khi nào đặt vào một tình huống cấp bách mới chịu làm bài. Lại còn có thêm  cái bệnh cẩu thả, trình bày bài toán mà dài dòng như kiểu làm văn, và cả cái bệnh quá tự tin nữa. Tôi biết. Cô giáo chủ nhiệm tôi vẫn nhắc nhở luôn mà! Nhưng tôi không biết cách sửa. Nhiều lúc còn tặc lưỡi: “Thôi kệ!” Thế mới là cá tính chứ!
Thầy phân tích, lí giải tác hại của những điều đó. Tôi không thích nghe lí luận dài dòng.  Thầy quyết định chữa bệnh cho tôi. Thầy không ra bài tập về nhà cho tôi như các bạn. Thầy bảo:
- Châu Anh sẽ làm bài tập tại lớp.
          Bao nhiêu buổi học, thầy xoay tôi nhừ tử. Có lúc làm được bài khó trong thời gian ngắn, tôi nhìn thầy như ngầm bảo: “Thầy thấy chưa, em làm được mà, cần gì phải lúc nào cũng cặm cụi đâu?”. Thầy không nói gì.
           Một bữa, thầy giao cho tôi bài toán cực khó và bảo:
- Bài toán này có thể làm nhiều cách, nếu con làm được  gọn gàng, nhanh chóng, thầy sẽ thưởng, một phần thưởng cực kì hấp dẫn.
          Đối mặt với thách thức  với tôi là một điều thú vị. Tôi cảm thấy phấn khích thật sự. Cắm cúi, tôi làm bài. Một cách. Dài quá! Cách thứ hai, dài hơn. Tôi bắt đầu nản chí. Cuối buổi, tôi đầu hàng.Tiếc và giận mình quá. Thầy cười. Rồi thầy giải bài toán đó. Cách làm của tôi, thầy rút gọn lại, đơn giản và dễ hiểu bao nhiêu. Tôi bắt đầu nhận ra phản ứng của liều thuốc mà thầy ngầm  kê đơn. Thầy giải tiếp nhiều cách khác, cách nào cũng hay, cũng thú vị. Ánh mắt thầy lấp lánh niềm vui. Tôi cúi đầu suy ngẫm. Bài học cho sự tài tử, sự tự tin quá mức của mình. Buồn. Nhưng không thể không phục. Thầy là thầy thuốc tâm lí của tôi.
           Với các bạn khác, mỗi người mỗi cá tính, mỗi người một trình độ, thầy chẳng bao giờ quát mắng mà bày vẽ tận tình, tỉ mỉ cho từng bạn. Vì thế, nhóm chúng tôi chẳng ai là không yêu thầy. Nhưng chẳng ai dám lười biếng, quay cóp hoặc dựa dẫm trong học tập đâu. Có lần, thầy bảo quyết định cho một bạn nghỉ vì thái độ học không tốt, hay chép bài bạn mà không chịu làm bài. Chúng tôi thương bạn, xin thầy cho một cơ hội. Thầy khen chúng tôi đoàn kết, biết yêu thương và giúp đỡ bạn. Nhưng xin cho bạn ở lại học là quí, giúp bạn sửa khuyết điểm lại càng quí hơn. Chúng tôi thật may mắn vì được gặp thầy.
                                                        ***
         
          Tôi vinh dự được đi dự thi “Olimpic toán tuổi thơ” cấp tỉnh ở Diễn Châu.
May thay có thầy đi cùng. Tôi vui lắm. Lên xe, tôi lại ngồi bên thầy, véo von bao nhiêu là chuyện, mở cho thầy nghe những bài hát mà tôi yêu thích. Thầy ôm tôi vào lòng, động viên tôi cố gắng giữ được vị trí của mình như đã đạt được ở cấp huyện. Tôi  thầm hứa không phụ lòng thầy.
          Đêm đó, trăng vành vạnh tròn, lửng lơ giữa bầu trời thăm thẳm. Gió biển thổi vào lồng lộng, không khí thật mát mẻ, dễ chịu. Mọi người dạo chơi, đi siêu thị, còn tôi và Trần Trang vẫn mải miết ôn tập. Chúng tôi ôm sách sang thầy. Thầy vẫn thế, ân cần giảng bài cho chúng tôi. Mỗi lần giải xong bài, thầy lại hất mái tóc lên, vuốt nhẹ về phía sau- thói quen mà- thật sành điệu! Còn một bài nữa thầy trò chúng tôi loay hoay mãi chưa xong.Cho đến khi thầy Tú trưởng đoàn giục về nghỉ chúng tôi mới về. Thầy bảo, nếu nghĩ được, sớm mai thầy sẽ giảng cho.
          Đang sửa soạn đi ngủ, điện thoại reo. Thầy gọi chúng tôi. Bài toán đã giải xong. Khó, phức tạp quá! Thầy không nản, giảng đi giảng lại cho chúng tôi hiểu mới thôi. Tôi phục trí tuệ và nhân cách của thầy. Giấc ngủ đêm ấy, tôi mơ về thầy, về các bài toán, một giấc mơ êm đềm…
          Sáng hôm sau, tôi bước vào phòng thi với một tâm trạng hồi hộp. Tôi lo. Ba mươi phút, mười sáu bài toán, tôi chỉ giải được mười bài. Bài toán giải đơn giản mà lại không làm được. Bài học thấm thía, đau đớn cho cái thói tự tin quá mức của mình. Tôi cắm mặt lê bước về phòng nằm thõng thượt, nước mắt không chảy được.
          Cộc…cộc…cộc. Trần Trang ra mở cửa.Thầy! Mặt thầy phờ phạc, tóc bù lên, đôi mắt buồn không giấu nổi nỗi thất vọng nhưng thầy vẫn cười. Nụ cười ấy trước đây khiến tôi ấm lòng bao nhiêu thì bây giờ lại khiến tôi xót xa bấy nhiêu. Tôi lặng im, không nói vì không thể cất thành lời. Cổ họng tôi nghẹn đắng lại. Câu: “Thầy ơi, em xin lỗi.” tôi đành phải nợ lại.
          Thầy nói với mẹ:
- Mình buồn một, nó còn buồn mười, buồn trăm, thôi đừng trách cháu.
Mẹ trả lời thầy:
- Cháu nó buồn, muốn xin lỗi thầy mà không dám, mong thầy thông cảm. Em nghĩ, đây cũng là một bài học cần thiết cho cháu sau này. Với em, chuyện đó không nghiêm trọng, em chỉ nghĩ cháu nó phụ công và lòng tin tưởng của các thầy các cô…
          Mẹ hiểu tôi đã đành, thầy cũng thông cảm cho tôi. Nỗi buồn lại dâng lên.
          Chiều. Nắng  trên 400.Mồ hôi mồ kê ai nấy mướt như tắm. Tôi bước vào phòng dự phần thi đồng đội. Không còn sự tự tin nữa. Năm phút cho một bài toán. Hai phút, tôi nộp bài, nhẹ nhõm, nhường chỗ cho Khánh Ly. Mọi người tíu tít hỏi. Tôi tự tin minh làm đúng. Bỗng, tất cả chao đảo, nhòe nhoẹt cả đi. Tôi nhận ra mình điền sai kết quả. Cách giải đúng mà điền kết quả sai thì cũng bằng thừa.
Mẹ trách tôi sai ngớ ngẩn. Bực mình, tôi gắt:
- Mẹ cứ mắng đi, mắng cho hết cái cuộc thi này đi!
          Mẹ im lặng rồi nhắc tôi phải gặp để nói chuyện với thầy. Tôi vẫn nín thinh.
          Chiều, phụ huynh tổ chức cho cả đoàn đi tắm biển. Thầy Tú đã nhận kết quả. Tôi được năm mươi điểm. Giải ba. Con số không hề chờ đợi. Tệ hơn nữa, từ vị trí số một của đoàn, tôi tụt xuống thứ tư.
          Gió biển cứ lồng lộng thổi, làn nước mặn mà của biển  làm cho tôi nhẹ nhõm đi phần nào. Tôi chẳng dám nhìn thầy và thầy Tú. Thầy không trách nhưng thầy Tú thì bảo:
- Tưởng là được vào đội tuyển của tỉnh đi thi ở Cà Mau, không thì cũng được giải nhất, giải nhì chứ thế này thì buồn thật.
 Nước biển mặn nhưng không thể chát bằng nước mắt tôi!
Đến bây giờ con vẫn còn nợ thầy một lời xin lỗi, thầy ơi!...

43 nhận xét:

  1. Tôi có hai ý:

    1/- Đây là một bài văn của một em học sinh lớp 6, với một em học sinh lớp 6 mà viết được một bài văn súc tích như thế này là quá giỏi. Đấy là về tổng thể bài văn.
    2/- Khi cô giáo cho điểm 7/10 với nhận xét: "" Cách kể chuyện tốt nhưng đây chưa phải là một lần mắc lỗi!", thì tôi cảm thấy hoàn toàn thất vọng, không phải thất vọng về điểm 7, mà thất vọng về lời phê "chưa phải là một lần mắc lỗi!". Một học sinh giỏi lớp 6, đi thi không đạt yêu cầu (chính em ấy nhận thấy thế), vì bài làm không tốt, và cũng chính em ấy nhận thấy lý do bài làm không tốt, là tại cái tự tin (cái tôi) của em ấy lớn quá, không nghe những gì thầy dạy, để đến nỗi không đạt yêu cầu, đã làm cho thày buồn, và em học sinh nhận thấy đấy là lỗi của mình với thày. Thêm một cái "lỗi phụ" ở đây nữa, là em ấy nhận ra lỗi nhưng lại không biết xin thày tha lỗi lúc ấy.

    Tôi không hiểu cô giáo nghĩ thế nào mới là mắc lỗi? Có lẽ cô cho mắc lỗi với thày cô phải là một hành động "thật cụ thể"?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghĩ, một em học sinh lớp 6 đã ý thức được như thế, em này lớn lên chắc chắn sẽ là một công dân tốt.

      Xóa
    2. Khi em trao đổi với cô giáo dạy văn của Châu Anh, cô bảo như thế này không phải mắc lỗi. Theo suy nghĩ rất "truyền thống" của cô, hành động mắc lỗi cụ thể như: không học bài, làm bài, chậm học, nói chuyện riếng, vô lễ với thầy cô, không chấp hành nội qui của lớp...Một thực tế hiện nay, nhiều thầy cô chưa đủ tầm để nhận xét, đánh giá bài làm của học sinh bác Hiệp ạ. Cũng đúng thôi, đồng nghiệp của em có người ngày xưa học văn chưa bao giờ đủ điểm tổng kết ở mức trung bình. Học sinh theo học khối C (Văn, Sử, Địa) có 2 loại: một là dốt quá, không theo được khối A,B, hai là có chút năng khiếu và yêu thích môn văn (số này ít). Hiện thực thứ hai: một thời không thi được trường nào thì thi vào sư phạm. Có câu chuyện bi hài thế này:
      Phụ huynh:
      - Thế cháu nó học yếu lắm hả thầy?
      Thầy:
      - Vâng, quả thực là cháu rất yếu.
      Phụ huynh:
      - Chừng có thể phụ đạo để nâng lên chút nào không?
      Thầy:
      - Vắn đề là cháu nó đã học yếu lại lười bác ạ, vậy nên rất khó.
      Phụ huynh (thở dài):
      - Thôi thì đành để nó thi vào sư phạm chứ biết làm sao!

      Xóa
    3. Châu Anh là một đứa trẻ thông minh và có nhiều suy nghĩ già trước tuổi. Hồi nó mới đi học mẫu giáo, học xong tuần đầu tiên, ngày thứ 7 nghỉ, nó tụ tập bạn trong xóm chơi trò lớp học. Nó trong vai cô giáo, tổ chức lớp học rất bài bản, nhắc lại đầy đủ những lời cô giáo nói từ việc đón trẻ, dạy trẻ, cho trẻ ăn đến những cử chỉ, thái độ của cô...Năm lên lớp 1, học giỏi nhưng người bé tẹo, cô giáo không cử làm lớp trưởng mà cử một bạn khác cao to hơn. Về nhà nó nói với mẹ: "Rồi con sẽ chứng tỏ cho cô giáo biết, làm lớp trưởng không cần đến sức, con sẽ khiến cô giáo phải thay lớp trưởng." Và đúng là chỉ sau 1 tháng, cô giáo buộc phải thay, chuyển cho nó làm vì uy tín của nó với các bạn. Nó nuôi ước mơ từ khi học tiểu học là sau này sẽ làm chủ tịch nước.
      Chuyện Châu Anh kể là cuộc thi Toán học tuổi thơ hồi lớp 5, bài văn viết khi lên lớp 6. Châu Anh mê đọc từ hồi lớp 1 (vào lớp 1 đã viết nhật kí mỗi ngày 2 trang), và có trí nhớ rất tốt.

      Xóa
    4. Khi học tiểu học mà Châu Anh đã mơ làm chủ tịch nước thì đúng là một cô bé đặc biệt (đặc biệt chứ "không phải dạng vừa", cái "dạng vừa" này bây giờ nhan nhản, với một suy nghĩ cùng cố).
      Đáng sợ, hay đúng hơn là "rất đáng sợ", chính là những suy nghĩ như của cô giáo dạy văn Châu Anh, một cái suy nghĩ "có định hướng", một chiều. Giáo dục của chúng ta nói riêng, hoặc tất cả mọi ngành, mọi thứ nói chung, đang bị cái "định hướng" kiểu này ngăn cản. Thày cô, học trò, được đào tạo theo "truyền thống định hướng" thế này, cho nên càng ngày nền giáo dục càng bê bết. Đổi mới chính là đổi mới trước tiên cái "định hướng" như thế này đây, thì mới mong giáo dục tốt đẹp, xã hội ổn định...

      Xóa
    5. Những bài văn của Châu Anh trong kì thi học sinh giỏi luôn gây sự tranh cãi vì nó "lệch" ra ngoài đáp án của đề ra. Em có một cách tư duy rất khác, từ ngữ dùng nhiều khi quá già so với tuổi của em. Có giám khảo đã đánh giá có lẽ em cóp từ một bài mẫu nào đó. Và cuối cùng, bài của em được pho to ra và cho các giáo viên khác đem về đọc. Dạy văn đã khó, đánh giá một bài văn của trò cho chính xác lại càng khó, phải không bác Hiệp? Nếu các gv cứ theo một lối mòn của tư duy thì còn nhiều em chán học văn.

      Xóa
  2. Bài văn quá hay!
    Nếu tôi là giáo viên chấm bài, tôi sẽ cho điểm tuyệt đối 10/10 ( hoặc thêm 1 điểm đặc cách nữa) đối với bài văn này của em Nguyễn Châu Anh. Bài văn này hấp dẫn, nêu bật được nhiều vấn đề để minh chứng về công lao của thầy giáo và sự chủ quan, tự phụ của em để sau này em phải ân hận đã đành. Nó còn vượt ra ngoài đáp án khuôn mẫu thông thường mà lâu nay ta thường cho rằng như ở bài văn trên thì phải nêu rõ mắc một lỗi lầm hoặc khuyết điểm gì trầm trọng cụ thể thì người ta mới công nhận là mắc lỗi? Ở đây học sinh Nguyễn Châu Anh ko viết vậy. Là một học sinh giỏi nhưng vì chủ quan, và cũng là một học sinh có nhân cách và lòng tự trọng lớn, thấm thía công lao của thầy giáo hết lòng dạy dỗ mình nên khi thi bị điểm kém, em cho rằng đó là một lỗi lầm to lớn của mình với thầy, với cha mẹ và nhà trường mà khó có thể thông cảm và bỏ qua được. Bài văn của em nhắc về lần mắc lỗi này rất thấm thía mà tin rằng sẽ được đông đảo người nghe rưng rưng cảm động...
    Nhận xét của cô giáo dạy văn trên có phiến diện và bàng quan quá ko?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em rất đồng ý với suy nghĩ của anh. Câu chuyện một lần phạm lỗi còn vượt trên cả đáp án, vì em đã xây dựng thành công hính ảnh người thầy đúng nghĩa, Câu chuyện của em hoàn toàn dựa trên sự thật, kể cả lời thoại nhân vật. Nhưng em đã có cảm nhận rất tinh tế trong từng sự việc, từng hình ảnh và biết chọn chi tiết để kể trong nhiều chuyện em biết về người thầy mà nó rất yêu quí, trân trọng.

      Xóa
  3. CT đồng ý với bác Hiệp, cô bé học lớp 6 mà viết được thế này thì quả là đáng khâm phục. Sau này có lẽ sẽ thành nhà văn lớn hơn mẹ! ( Đoán mò tí, hì hì)
    Đọc câu chuyện của cô bé, CT thấy băn khoăn. Rõ ràng cô bé đã có rất nhiều cố gắng để thay đổi mình, cô yêu quý thầy, thấm thía lời thầy dạy và mong muốn mang lại cho thầy niềm vui bằng kết quả kì thi. Ý thức, tình cảm ấy thật đáng trân trọng! Nhưng kết quả không như ý tất cả, cô tự nhận là do cô quá tự tin. Nhưng 2 lần thi, cô bé vẫn hồi hộp, lo, rồi mất hết tự tin đấy chứ! Những cảm xúc ấy làm sao của một hs quá tự tin được. Rồi mặc cảm, cô bé đã không thể thốt lời xin lỗi để rồi lại tự giày vò..
    Cô bé lớp 5 này sao mà lớn sớm quá vậy. Không phải 9 mà 18 tuổi! :)
    Túm lại, với CT thì, lỗi mà không phải lỗi vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin nói với CT, Châu Anh là con của một đồng nghiệp thôi, mẹ nó cũng là gv dạy văn, sống cùng khối xóm với NT.
      Khi cô bé viết bài văn này là vào học kì 1 lớp 6, bài viết TLV số 1.
      Nhưng hồi học lớp 1, bé đã ngồi viết nhật kí về những ngày mẹ đi vắng, NT đọc thấy bé viết câu: "Con biết mẹ rất kì vọng vào con", mới hỏi: "Vậy Châu Anh hiểu thế nào là kì vọng?" Nó trả lời: "Là cháu nghe mẹ nói chuyện với bà, cháu hiểu đó là những ước mong tốt đẹp". Câu trả lời của một cô bé 7 tuổi như thế làm NT sửng sốt.
      Giờ em đang học lớp 9, vừa là lớp trưởng, vừa là liên đội trưởng. Em không chỉ học giỏi mà hoạt động xã hội cũng rất có năng khiếu.

      Xóa
    2. CT biết cô bé làm bài năm lớp 6. Nhưng chuyện xảy ra vào lớp 5, khicô bé 10 tuổi( chỗ này thì CTđã tính nhầm).
      Và CT thì muốn nghĩ là khi làm bài, cô bé đã ghi lại không chỉ sự việc mà cả cảm xúc, suy nghĩ của mình ngày ấy...
      Cô bé thật là một bảo vật khó tìm!

      Xóa
  4. Nhiều khi sự bất công lại do chính những người cầm cân nảy mực.
    Nếu là HS lớp 6 viết được thế này thì bé là một thần đồng . sỏi cho điểm 10 cho dù một đời dạy văn có thể chưa dùng đến điểm 9Sỏi nói thật có nhiều thày cô chỉ là thợ dốt đi cầm phấn. Lịch sử để lại thế phải chịu thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như thế anh Sỏi ạ. Những "kĩ sư tâm hồn" nhưng chính kĩ sư lại thiếu hiểu biết về tâm hồn thì thiết kế sao nổi?
      Đi vào thế giới của các GV dạy môn xã hội mới thấy hết cái nguy hại của những người thầy dốt. Đã dốt thì không muốn đọc, vì đọc không hiểu. Nhiều gv văn dạy học cả đời người mà chưa bao giờ đọc hết Truyện Kiều, chỉ biết mấy đoạn trích giảng trong SGK. Có gv dạy trích đoạn "Hai cây phong" trong "Người thầy đầu tiên" của Ai-ma-tốp, thấy nhân vật kể chuyện xưng "tôi" lại bảo đó là An-tư-nai. Khổ thế!

      Xóa
  5. Cô giáo nọ quan niệm học trò có lỗi với thầy rất cổ điển, dẫn tới cổ hủ. Ở đây cô bé quan niệm lỗi ở mức cao hơn, nhân văn hơn, nó đi vào chiều sâu, vào phẩm chất của người học trò.
    Về năng lực cô bé có thể đạt kết quả khá hơn, nhưng do quá tự tin, do thiếu thận trọng cô bé đã tự hạ thấp mình, gây thất vọng cho thầy, cho mẹ, cho bạn bè. Phụ lòng ngần ấy con người, cô bé thấy mình có lỗi là quá đúng. Bu tui rất khâm phục.
    Nói đến phẩm chất người đi học, bu tui xin luận vài dòng về cái chữ sĩ là học trò để thấy người xưa thâm trầm lắm.
    * Sĩ 士 gồm chữ thập 十 là mười, đi với chữ nhất 一 là một. Ý rằng, đã là học trò 士 thì học một 一 phải biết mười 十. Và sau này dạy người thì biết mười十 chỉ dạy một 一 mà thôi.
    * Cát 吉 là tốt đẹp gồm chữ sĩ 士 (học trò) và chữ khẩu口(là miệng). Ý rằng, miệng người học trò nói ra toàn lời tốt đẹp.
    Cô bé kia chưa hiểu thấu những điều bu nói, nhưng phẩm chất học trò trong cô hối thúc cô viết lời nhận lỗi với thầy rất hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất hay! Cảm ơn anh Bu nhiều về chữ sĩ và chữ cát! Một cái com rất đáng gìn giữ, em sẽ cóp lại.
      Hôm cô bé đến nhà anh Bu ở Vũng Tàu (cô bé bò ra nhà để quay bằng hết những đầu sách của nhà anh Bu và sau đó có ý xin 2 cuốn ấy), nó cứ tấm tắc mãi về kho sách của gia đình. Mẹ nó mách là lúc nãy cô NT có khoe với bác ấy việc con được đi dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ, được bắt tay phó chủ tịch nước, nó bảo: "Con không thích cô khoe như thế!" Mẹ nó hỏi vì sao, nó bảo: " Con muốn mọi người hiểu con từ chính con chứ không phải qua quảng cáo!" Nó là đứa cá tính như thế đấy.
      Có thể khi nó viết bài văn ấy là xuất phát từ tấm lòng đối với thầy giáo, nhưng giờ là học sinh lớp 9, nó đủ trình độ để hiểu những điều này đấy ạ.

      Xóa
  6. Đọc bài văn này cảm giác như đang đọc một bài viết của một người 20 tuổi , còn già giặn hơn bài viết truóc của Hoa Lý
    Hồi xưa chưa có những bài văn mẫu , những đáp án mẫu , thì bài văn này sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người với một cây viết chỉ học lớp 6 . Còn bây giờ văn mẫu đầy ra nên Salam có một chút nghi ngờ là trình độ cóp bết hơi cao .
    Trong bài văn chẳng tìm thấy sự hồn nhiên trong trẻo của một lứa tuổi như vậy , thay vào đó là sự từng trải , già giặn quá mức . Lứa tuổi nào thì có suy nghĩ của lứa tuổi đó , vì thế người ta mới đưa ra nhiều chương trình để phù hợp với tùng lứa tuổi đó . Làm sao mà một đứa trẻ mới học lớp 6 lai đưa ra một bài học luân lý đến như vậy ? Đó là hậu quả của những bài văn mẫu , học sinh chỉ việc đọc như vẹt và viết ra như rô bốt , không có được sự sáng tạo bay bổng mà một người học văn cần có . Mọi cái đều được định hướng , đều được sắp đặt sẵn , nên nhớ không có giới hạn nào trong văn học
    Chỉ có là thần kinh ( Neuropathy ) mới vó lời phê " Cách kể chuyện tốt nhưng đây chưa phải là một lần mắc lỗi " tại sao vậy ? Chuyện nào ra chuyện nấy , chỉ nên tập trung vào bài làm của học sinh đạt hay không đạt . Ở đây lại lôi những lần phạm lỗi trước đó vào ( !? ) lỗi lầm học sinh mắc phải có thể lưu vào sổ học tập gửi về cho Cha Mẹ
    Salam chỉ chấm bài văn này ở ngưỡng 6 - 7 điểm thôi , để nhắc nhở thói kiêu ngạo ( không phải tự tin ) của cô bé này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin thưa với anh Salam, câu chuyện được kể về người thầy là hoàn toàn có thực, không hề bị hư cấu một chi tiết nào. Vậy thì cóp ở đâu?
      Chắc anh Salam không đọc đề bài? Cô giáo đang đánh giá bài làm của học sinh đấy chứ!
      Salam đang chấm văn hay chấm người vậy?

      Xóa
    2. Trong nhà này ai cũng nể Mệ hết , chỉ có Salam là dám " Bẹo " thôi
      Salam chấm cả văn lẫn Ngài : Có cái nắng , có cái gió , có nỗi nhớ không mang tên , không mang tên .. Người ơi . Ánh mắt ấy , tiếng nói ấy , bóng dáng ấy sao không quên , sao không quên ... Người ơi .... hè hè hè

      Xóa
    3. Chời ơi là chời! Muốn bẹo thì cũng nhe nhắm mà bẹo cho trúng chớ. Bẹo lung tung răng được!
      Bẹo nỏ trúng, nỏ đau, rứa mà lại đòi xoa răng hè?

      Xóa
  7. Anh Hải Thăng ơi, em bấm xóa vĩnh viến phần com anh xóa, vậy mà bay luôn cả com của anh và trả lời của em rồi! Hu hu....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lại xử như Thọ Trường thôi!

      Xóa
    2. Thôi thì em chịu phạt gắp đôi vậy. Nhưng em nghĩ tại mạng sao ấy, mọi hôm xóa có mất thế đâu!

      Xóa
    3. Đây là ". Văn hoá đổ thừa " cho mạng mẽo
      Hải Thăng ơi ! Phạt cho nặng vào , ai biểu Comemnt của HT hay như vậy mà Mệ nỡ lòng nào xoá mất . Một khi người ta comemnt hay hoạ thơ theo cảm xúc nhất thời lúc ấy , khó làm lại lắm vì không còn cảm hứng . Salam bày cho HT nè ... bắt Mệ viết lại lời comemnt của HT đê .. Cho chết hì hì hì
      P / s : Salam biết rồi , hôm nọ bên nhà Hải Thăng Mệ bị xoá mất còm một bài thơ , nên bi giờ trả thù lại. ... He he he

      Xóa
    4. Hừ, giá mà được trả thù như...bên nhà Hòn Sỏi nhỉ?

      Xóa
  8. Rất khó để tin rằng một cô bé lớp 6 đã viết bài văn này em nhỉ! Đúng là "tài không đợi tuổi"....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nó quá già trước tuổi trong suy nghĩ chị ạ. Hiện nó vẫn viết khá đều, dù không theo môn văn.

      Xóa
  9. Dậy toán, học văn, ăn thể dục" Mình biến thể là: Học toán, dậy văn, không đường làm ăn là anh Sử, Địa (Có thể thêm: GDCD, thể dục, ngành nghề... cũng được) NT thấy có được không?
    Trức khi viết các dòng dưới đây tôi xin lỗi các bạn giao viên, những nhận xét sau chỉ là một số, không phải là tất cả:
    Nhiều năm trước đây thường học dốt mới thi vào sư phạm; khi phân khoa thì: Điểm cao vào khoa văn, thấp vào khoa Sử, khoa Địa... Vì thế mà có những giáo viên phổ thông THCS mà không biết tính phần trăm(%) như NT nói và mình bổ xung có sinh viên đại học không biết quy đồng mẫu số. Số giáo viên này đến kiến thức cơ bản còn chả nắm được chứ nói gì đến những kiến thức mở rộng, trình độ sư phạm.
    Trở lại bài NỢ THẦY MỘT LỜI XIN LỖI của cháu Châu Anh. Lỗi mà cháu nêu ra (Không biết nói thế nào cho phải) ở một tầm cao rất nhiều so với các lỗi mà cô giáo đưa ra (Nghỉ học, không làm bài, không thực hiện nội quy....). Mà lỗi của cháu nêu ra bao chùm lên tất các các lỗi khác của đời học sinh. Sửa được cái lỗi này là sửa được tất cả các lỗi khác. Tình tiết cháu còn nợ thày là do tâm lý, xúc động, hối hận... quá mà không thốt lên được mà thôi.
    Có một điều Cháu Châu Anh ngay từ khi học mẫu giáo đã biết tổ chức lớp học, chó chí sẽ làm lớp trưởng, có chí sẽ làm Chủ tịch nước. Nếu không có sự khêu gợi của người lớn thì mình lại không thích. Cháu quá già dặn sơ với tuổi đời.
    Cái lỗi này có phải do phương pháp giáo dục của ta gây nên hay không. Mình rất dị ứng với việc học hè, học thêm của các cháu tiểu học, phổ thông THCS. Như thế có phải ngành giáo dục đã CƯỚP đi tuổi thơ của các cháu hay không?
    Nếu được cho điểm bài văn này mình cho cháu 9/10 điểm hay 19/20 điểm; số điểm còn lại trừ vào các câu văn có những từ thừa.
    Tôi thừa nhận trong khuôn khổ một bài kiểm tra, giới hạn về thời gian mà cháu Châu Anh viết được như vậy là quá tuyệt vời.
    Về lời phê của giáo viên thì thoải mái khen cháu các kiểu.
    Ngoại đạo tham gia tý cho vui thôi rất mong cư dân blog là giáo viên thông cảm!
    Mạo phạm - Mạo phạm - Mạo phạm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh Hải Thăng đã "đền" cho em lời com này. Em tìm trong phần nhận xét mà chịu không lục lại được.
      Các môn tự nhiên như Toán, Lỳ, Hóa và thêm ngoại ngữ mới là môn học thời thượng hiện nay anh ạ.
      Anh không phải xin lỗi gì cả. Là những người trong ngành, ai cũng hiểu và chấp nhận sự thật hiển nhiên: giáo viên môn xã hội thường yếu hơn nhiều so với các môn tự nhiên. Điều ngược đời là khi sáng tác thơ văn, giáo viên các môn tự nhiên cũng có nhiều bài viết chất lượng hơn. Trong các cuộc thi mang tính vui chơi có thưởng thì giáo viên tổ tự nhiên cũng nhanh nhạy hơn. Nguyên nhân như em đã trả lời bác Ngọc Hiệp Phạm ở trên đấy.
      Còn điều nữa là kĩ năng tính toán, hiện có nhiều người không có khả năng tính nhẩm, phép cộng số có một chữ số cũng phải dùng máy, nói chi đến qui đồng mẫu số! Giáo viên tổ em có nhiều người hướng dẫn cho cách tính phần trăm cũng không tính nổi, khổ thế.
      Bài văn của trò Châu Anh bị "lệch" ra ngoài suy nghĩ của cô giáo về "phạm lỗi" vì em đã qua đó xây dựng nhân cách người thầy, thể hiện được điều sâu sắc: những vấp ngã của người học trò và thái độ của mọi người trước những vấp ngã đó.
      Mọi người vẫn đánh giá Châu Anh là đứa trẻ không có tuổi thơ. Tuy nhiên không phải ai cướp đi cả, vì nhiều đứa trẻ khác vẫn hồn nhiên, ngây thơ dù suốt ngày chúng cũng chỉ ...đi học. Hiện ngành GD cấm dạy thêm với bậc tiểu học, còn bậc trung học cơ sở và THPT thì cấp giấy phép cho những GV đủ điều kiện dạy thêm (năng lực chuyên môn và cơ sở vật chất lớp học).
      Nếu cho 9/10 thì nó tương ứng với 18/20 điểm. Bài này là bài viết ở lớp, với thời gian 90 phút. Châu Anh là một phần nguyên mẫu của nhân vật Sương trong truyện ngắn CHUYỆN TỪ MỘT BÀI VĂN, nhưng nó là con một cô giáo và không có hoàn cảnh như Sương trong truyện ngắn đó.

      Xóa
    2. Tôi vẫn rất thích Châu Anh, đây là một cô bé đặc biệt hơn hẳn các bạn cùng lứa tuổi. Qua bài văn ta thấy cô bé này có những suy nghĩ "già dặn" hơn các bạn cùng lứa tuổi, thậm chí hơn tuổi. Nhưng không phải em là loại "trái cây chín giú" (bị ép chín), mà do tố chất, trời sinh ra em như thế, tôi nghĩ ngàn em có khi chỉ có một.
      Ngoài việc học giỏi nhiều môn, em còn có khiếu về hoạt động xã hội, điều này khá thiếu ở tuổi trẻ bây giờ. nếu em được sống trong một môi trường khác, ở những nước tiên tiến, chắc chắn em sẽ thành một người giỏi, thành đạt theo đúng nghĩa của thành đạt, và rất có ích cho xã hội. Em có thể trở thành một chính khách, đúng nghĩa của chính khách, chứ không phải những quan chức ồ ề cầm giấy đọc diễn văn, hoặc nhà khoa học, hay nhà hoạt động xã hội...
      Tôi hoàn toàn thích mẫu người như Châu Anh, không có gì phải băn khoăn về bản thân, tính cách của em. Điều duy nhất tôi băn khoăn là với tính cách ấy, em không thích hợp với xã hội bây giờ...

      Xóa
    3. Mọi cái đang ở phía trước, chúng ta hãy chờ xem những đổi thay, bác Hiệp nhỉ?
      Nhưng thường thì những người giỏi chuyên môn thì làm nhân viên, những người giỏi ngoại giao mới làm xếp.

      Xóa
    4. Người làm lãnh đạo không nhất thiết phải là người có chuyên môn giỏi nhất. Họ chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn đủ để suy xét ĐÚNG - SAI về những đề xuất của cấp dưới. Cái quan trọng nhất ở người lãnh đạo là đầu óc tổ chức, khả năng giao tiếp, sử dụng người một cách khoa học... Tố chất này chỉ được hình thành sau khi đã tham gia công tác chuyên môn nói riêng và công tác xã hội nói chung. Nhiều người có chuyên môn giỏi khi ở cương vị nhân viên thì hoàn thành nhiệm vụ rất tốt; nhưng khi được đề bạt làm lãnh đạo một có quan nào đó lại không hoàn thành nhiệm vụ thậm chí còn mang tội.
      Thực tình tôi không phải không thích cháu Châu Anh, cháu rất giỏi, giỏi vượt bậc. Qua bài: NỢ THẦY MỘT LỜI XIN LỖI và bài: MỌI NGƯỜI NÓI GÌ VỀ BÀI VIẾT NÀY? của cháu tôi phát hoảng; thành thật tôi không viết nổi như cháu (Nhất là trong 90 hay 180 phút). Lời com trên tôi nói không thích là không thích cháu bị mất đi giai đoạn tuổi thơ, một giai đoạn vô tư, trong sáng nhất của một đời người. Cháu đã đi vào thế giới của người lớn, từng trải quá sớm. Lớn lên cháu sẽ thành danh trên đường đời, có thể cháu sẽ đươc nắm giữ cương vị cao trong xã hội. Tôi lại không sợ cháu không thích hợp với xã hội bây giờ (Hiện nay khối người biết sai mà vẫn làm theo cái sai để thăng tiến). Mà lo rằng với khả năng nổi trội của mình cháu nhìn đời, nhìn người... Đúng là "lo bò trắng răng" Há há.
      Tôi đã được chứng kiến nhiều tài năng tương tự bị thui chột như thế nào khi gia đình quá tự mãn về tố chất nổi trội của con cái mình.
      Xin khẳng định lại là tôi rất yêu mên và cảm phục cháu Châu Anh.

      Xóa
    5. Anh Hải Thăng nói rất đúng ở chỗ này: "Người làm lãnh đạo không nhất thiết phải là người có chuyên môn giỏi nhất. Họ chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn đủ để suy xét ĐÚNG - SAI về những đề xuất của cấp dưới. Cái quan trọng nhất ở người lãnh đạo là đầu óc tổ chức, khả năng giao tiếp, sử dụng người một cách khoa học.." Nhưng thực tế trong ngành giáo dục, có những ông (bà) hiệu trưởng quả là quá non về chuyên môn, chỉ giỏi đi họp rồi về triển khai công văn, chỉ thị. Mà trong hội đồng nhà trường thì các giáo viên có bằng cấp ngang hoặc hơn lãnh đạo, nhiều người chuyên môn giỏi, thế là "tâm không phục, khẩu không phục", cãi nhau cứ là như mổ bò. Hi hi...
      Để khẳng định nỗi sợ của anh Hải Thăng là có cơ sở, em sẽ đăng lại bài nghị luận của Châu Anh nhé.

      Xóa
  10. Em bái bé này làm sư lun. Em k thể nào viết ra thế này đc , với lứa tuổi của em ấy.
    Hồi em học cấp 2, và cho đến tận cấp 3, một bài tập làm văn luôn với 1 mô típ quen thuộc. Nên bây giờ em đọc bài tập làm văn này, em ngạc nhiên chị ạ. Nó khác xa cái mô típ cũ kỹ ngày ấy em đc học.
    Em vviết k đc như bé. Nên kêu em chấm bài cho bé, em ...chả biết chấm thế nào nữa. Nhưng cố giáo bé ...có vẻ hơi khuôn mẫu rùi. Hic hic

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Motip quen thuộc cho bài văn kể về một lần phạm lỗi: Em quên không làm bài tập, nói dối cô giáo, cô buồn, em nhận ra lỗi lầm và hứa sửa chữa. Đọc văn của một em, sang em khác vẫn na ná thế. Chấm nhàn nhưng cảm giác mệt mỏi!
      Chấm những bài thế này cũng mệt nhưng mà thích, em ạ.

      Xóa
  11. Cô bé Châu Anh thật đặc biệt,ngưỡng mộ,ngưỡng mộ. Hiện tại: một số người lớn định hướng cho con, học những môn để sau này làm ra tiền và quản lý đồng tiền. Lại xem nhẹ những môn học làm người và quản lý con người...ây dzaaa
    Xin chào Nhật Thành Hồ rất thích mấy bài thơ viết cho thiếu nhi của chị

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Huân!
      Mệt mỏi rồi nên chơi với trẻ con cho vui em ạ. Con người ta có 3 giai đoạn:học: làm người, học nghề và lập nghiệp. Thời học sinh phổ thông chủ yếu đang học làm người, nhưng phụ huynh vì nóng lòng nên đốt cháy giai đoạn, cho học để cốt lập nghiệp. Giờ đạo đức xuống cấp lại đổ vấy cho giáo dục.

      Xóa
  12. Không thể vào bài mới của NT được
    Nó bảo trang này không tồn tại....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...đúng ra thì nó đã tồn tại, nhưng chủ nhà thấy không thích nữa nên cho nó không tồn tại.
      Đó là một bài nghị luận về gian lận trong thi cử, em thấy nặng nề nên xóa đi anh ạ.

      Xóa
  13. Trong đời giáo viên, nhất là giáo viên văn, gặp được một trò như Châu Anh thiệt là sung sướng đến rung rinh. Không phải chỉ sung sướng vì được đọc những bài làm văn rất độc đáo ( không theo một khuôn mẫu định sẵn nào) lại khá sâu sắc và tinh tế, chân thành trong cảm xúc cũng như trong nhận thức của trò. Mà còn tìm thấy một nhân cách rất đáng trân trọng của trò nữa.
    Rất tiếc là cô giáo dạy em không hiểu do đọc qua loa hay do non nớt về kiến thức mà lại hạ lời phê: " Cách kể chuyện tốt nhưng đây chưa phải là một lần mắc lỗi!"
    Nếu mình chấm bài mình sẽ ghi điểm tuyệt đối cho bài viết này của Châu Anh, Nhật Thành ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu chị được đọc cuốn hồi kí CHUYỆN CHƯA KỂ HẾT của Nguyễn Thị Dư Khánh ( em được bác Bu tặng hôm đi Vũng Tàu) trong đó có phần phụ lục: "Xin đừng để thí sinh môn văn bị rớt oan" thì chị em mình sẽ cùng đồng cảm với tác giả lắm lắm.
      Cảm ơn chị.

      Xóa
  14. Email của tôi: phamngochiep01@gmail.com
    NT có thể cho biết email của NT được không?

    Trả lờiXóa