Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

ĐÓN?

   Lâu nay mê bác Hiệp ( nói cho rõ là mê trang blog nhà bác Phạm Ngọc Hiệp ấy) vì bác bàn nhiều vấn đề về chữ nghĩa rất bổ ích. Cũng là chuyện chữ nghĩa, tôi xin kể một lần "gặp hụt" nhà thơ Trương Quang Thứ như sau:
  Chuyện liên quan đến một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở xứ Nghệ: Đền Cờn. 
Người Nghệ có câu: "Nhất Cờn nhì Quả". Đền Cờn ở Quỳnh Lưu, theo truyền thuyết thì đền thờ ba mẹ con hoàng hậu là Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, hai công chúa Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương bị lâm nạn, trôi dạt đến đây. Đền Quả ở Đô Lương, thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Lý Công Uẩn. Hai ngôi đền đều nổi tiếng là thiêng nhưng đền Cờn xô bồ, lộn xộn và hỗn tạp. Nó khác xa với vẻ tĩnh lặng, yên ả, thanh bình của đền Quả.
   Lần ấy mấy chị em trong trường rủ nhau đi đền Cờn cho biết. Ngoài ra, các cô còn có một háo hức nữa là nhân dịp này đến gia đình nhà thơ Quang Thứ chơi. Mấy cô bảo, đến xem con người nổi tiếng về những bài thơ tình làm bao trái tim người đẹp tan nát tả tơi bầm dập ấy mặt ngang mũi dọc thế nào. Gọi điện báo cho nhà thơ, nhà thơ  bảo: "Anh rất vui được đón các em!"
    Dọc đường, tôi liên tiếp nhận được tin nhắn của nhà thơ hỏi xem đã đến đâu. Vào lễ, chúng tôi tắt điện thoại. Khi xong xuôi mọi việc thì đã khoảng mười một giờ trưa. Cô Nhâm bảo:" Chắc nhà thơ đứng loanh quanh đâu đây, người đông không thấy bọn mình cũng nên!" Cô Hải thắc mắc: "Đi đón thì phải đứng chỗ nào dễ thấy nhất chứ?" Gọi điện thoại không được. Chúng tôi vào quán, ăn bánh mướt với cá trích nướng (một kiểu ăn rất lạ ở đây). Ngóng thêm một lát nữa, nắng vàng mắt, nắng hoa cả mắt. Thôi, thì lên xe về vậy. Đi được một quãng khá xa, tôi gọi điện tiếp, chưa nói gì nhà thơ đã hỏi: 
- Lễ xong chưa, anh đang chờ các em đây!
- Anh chờ ở đâu? Sao không thấy?
- Anh chờ ở nhà. 
Trời ạ, thế mà bảo là : "Anh rất vui được đón các em!". Chúng tôi thì hiểu là nhà thơ ra đến nơi để "đón" chúng tôi vào nhà, còn nhà thơ thì chuẩn bị mọi thứ ở nhà để "đón" chúng tôi! Vậy mọi người hiểu như thế nào về từ "đón"?
 Cũng nhân sự việc này mà sau đó tôi có làm bài thơ:

ĐẾN ĐỀN CỜN
Ngày xuân em đến đền Cờn
Người chen chúc đứng, khói hương mịt mù
Tìm anh, anh ở nơi mô?
Chỉ nghe thánh thót, thiết tha mời chào.
Hoa tươi, vàng mã, trầu cau
Sớ bày la liệt lối vào ngõ ra.
Chen chỗ này, lách chỗ kia
Kẻ sì sụp lạy, người chìa nón mê.
Người xin phúc lộc mang về
Kẻ mong bố thí dăm ba trăm đồng.
Hàng cá, hàng ghẹ, hàng tôm
Níu chân du khách, khó lòng bước đi.
Anh còn đứng ở nơi mô
Sao không dẫn lối em vô lễ đền?
Để em xin quẻ thánh nương
Cho mình duyên nợ đền Cờn hàng năm?


21 nhận xét:

  1. Nói cho rõ làm gì, làm mừng hụt, haha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ nói về từ "đón" giữa cô giáo NT cùng nhà thơ Quang Thứ. cái này khá khó. Không rõ NT đã biết và đến nhà nhà thơ QT chưa? Xem trong bài thì ý có vẻ là chưa? Theo tôi có 2 cách hiểu:

      1- Nếu đã biết nhà, thì "đón" có thể hiểu là chờ ở nhà.

      2- Còn nếu chưa biết nhà, thì "đón" sẽ mang nhiều phần hiểu là "đi đón", tức là đến một chỗ nào đó để đón, như bạn NT nghĩ.

      Nhưng có lẽ cái này là "tại eng, tại ả", không chịu bàn rõ, mà thời buổi này có cái a lô mà, có gì "phôn" một cú là biết liền, mần răng mà phải chờ đến vàng cả mắt như bị mắc sốt rét thế? :-)))

      Xóa
    2. Chỉ có "gặp hụt" thôi nha, bác Hiệp. Theo ngôn ngữ học thì "hụt" có nghĩa là chưa đến nơi, đúng không bác? Giống như kiểu: "hụt đầu hụt đuôi " ấy.
      Đúng là NT chưa biết nhà của nhà thơ Quang Thứ, chỉ nghe bảo ở thị xã Hoàng Mai, mà đền Cờn cũng ở thị xã Hoàng Mai. Vì chưa biết nhà nên nghe nhà thơ nói thé, tưởng có người ra đón ( nhà thơ không đi được, có thể cho con trai ra đón các cô chẳng hạn vì nó là đồng nghiệp). Hơn nữa cứ nghĩ nhà chắc loanh quanh đầu đó mấy trăm mét, ai ngờ hai chục km! Nếu mà đón ở nhà thì là đón tiếp (tiếp khách), còn các cô thì đinh ninh là nhà thơ "đi đón". Rồi chắc suốt buổi ngồi nhắn tin mà đt hết pin? Khi cần lại không gọi được. Nghe nhà thơ bảo hôm đó lo lau chùi dọn dẹp nhà cửa, mặc quần áo tề chỉnh ra ngắm vào vuốt, thế mà chờ mãi không thấy khách quí đến. Trong khi đó, "khách quí" thì về cả trưa, đúng là nắng vàng mắt!

      Xóa
    3. Ôi trời, thế này thì đích thị là nhà thơ dùng từ chưa chuẩn xác rồi. Nếu chỉ dùng từ đón thôi thì dứt khoát là đi đón chứ. Còn muốn ở nhà đón thì phải nói là anh sẵn sàng đón tiếp em, hoặc sẵn sàng chờ đón mới chuẩn không cần chỉnh.
      Nhưng suy đi tính lại thì cũng tại cả Nhật Thành nữa. Nếu đã hẹn người đi đón thì phải hẹn cụ thể cả thời gian và địa điểm chứ . Ai lại chỉ nói chung chung như thế ? Rút kinh nghiệm lần sau, nếu ra Chí Linh chắc sẽ không bị hụt như rứa. Nhân đây cũng xin bàn thêm về từ "gặp hụt" Thông thường thì hụt có nghĩa là thiếu. Ví dụ: hao hụt, hụt đầu hụt đuôi, hụt mất một ít...Nhưng trong trường hợp cụ thể gặp hụt thì lại có nghĩa là tưởng gặp đến nơi, hoặc đinh ninh là gặp rồi mà lại không gặp. Cho nên từ gặp hụt ở đây còn hàm một ý là hụt hẫn trong tâm trạng nữa. Nó giống như mừng hụt vậy.
      Cũng cứ mạo muội trình bày ý kiến như vầy. Nếu có gì chưa ổn mong NT và các bạn blog, nhất là nhà ngôn ngữ học Ngọc Hiệp Phạm bỏ qua cho

      Xóa
    4. Song Thu gõ nhầm một từ: hụt hẫng thành hụt hẫn. Xin lỗi bạn đọc blog

      Xóa
    5. Dạ, thì như bác Hiệp nói đó chị, "tại eng tại ả". Bọn em thì nghĩ chắc nhà của eng QT ở gần đâu đó, và chắc là bà xã cũng bán cả vàng hương ở đền Cờn ( vì chị vẫn bán vàng hương và hàng mã mà) nên chắc đến đó là gặp. Thế mới nên chuyện.
      Còn từ "hụt" thì đúng là tâm trạng có chút hụt hẫng, nhưng "hụt" trong trường hợp này là "thiếu" như chị nói nhưng vận dụng vào chuyện cụ thể này thì là "chưa đến nơi" tức là còn ...15 km nữa! He he...

      Xóa
  2. Ô thế không gặp à! Tiếc nhỉ, gặp nhau nói chuyện chắc hay và hào hứng lắm! Thôi thì hẹn lần sau vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng khó có lần sau anh Sỏi ạ. Một lần đến đền Cờn thấy cái xô bồ ở đó đã khiếp! Còn nói chuyện với nhà thơ thì cũng mấy lần rồi. Trước nhà thơ, NT không tìm được ngôn từ để diễn đạt nên thường là im như thóc! He he...

      Xóa
  3. Sao em không đi lễ đền Bạc thì anh đón em ngay từ trong đền ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đền Bạc là đền nào ạ? Có phải là đền Kiếp bạc ở Hải Dương không anh? Nếu thế thì em sẽ dành tiền di một chuyến Chí Linh nha.

      Xóa
  4. Chính là đền Kiếp Bạc ( hay Vạn Kiếp) đấy. Em ra đây đi lễ đi. Anh sẽ đón em ngay từ trong đền. Thậm chí nếu em muốn anh sẽ đón trước về nhà rồi đưa em đi lễ đền...Anh đang chờ em ngày em ra Chí Linh đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được lời như cởi tấm lòng. Anh Tuân hứa đấy nhé: "nếu em muốn". Tính em vốn tham lam, được voi đòi tiên đấy. Anh đón em về nhà, em lại muốn anh đón em vô phòng riêng của anh, rồi em muốn anh cho em sờ vào của quí của anh, em lại muốn mở nó ra mà xem, xem xong nếu em thích, em muốn anh tặng nó cho em. Chịu không? Nhưng trước khi chịu hay không thì anh thử nói xem, em đang nói đến cái gì? Khà khà....Đó là những cuốn sách Hán - Nôm của anh Tuân đấy!

      Xóa
    2. Thì em cứ đi lễ đền Bạc đi đã. Còn những khoản khác...dù em không yêu cầu cũng sẽ được đáp ứng hơn cả sự mong đợi...

      Xóa
    3. Vâng, chỉ có một khoản ...sách thôi ạ. Em không đòi hỏi gì nhiều đâu!

      Xóa
  5. Về chuyện ĐÓN này cho đến bây giờ thì QuangThứ vẫn còn tiếc, ân hận và quả là khó thanh minh. Nói như bác Hiệp là chỉ tại hai bên "không chịu bàn rõ" nên mới lệch pha như vậy. Nhân nhắc lại vụ này, QT xin nói rõ thêm cùng NT và bạn đọc hiểu và cảm thông.
    Quang Thứ còn nhớ đó là ngày 11/Giêng năm Nhâm Thìn 2012. Sáng ấy Nhật Thành có nói sẽ cùng chồng con và đoàn giáo viên trường THCS sẽ đi lễ đền Cờn và kết hợp đến thăm nhà QuangThứ. Nhà QT cùng huyện nhưng khác xã, cách đền Cờn hơn 15 km đường bộ. Thực tình mà nói rằng hôm ấy QT định nhờ con trai hoặc thuê xe ôm đi đền Cờn để làm hướng dẫn viên giới thiệu về đền Cờn và danh lam thắng cảnh quê mình với khách. Nhưng hôm đó con trai đi vắng, nhà khá bận và neo người nên ko sắp xếp đi đón NT được. Mặt khác, lại nghĩ rằng mình ở nhà lo công việc hậu cần cho chu đáo. Chắc đoàn NT nhiệt tình với mình sẽ chủ động tìm hỏi đường đến thăm mình thôi...
    Biết đoàn đến đền Cờn đã khá lâu. Và sau đó mình nt và đt để trao đổi liên lạc thống nhất phương án đón tiếp, giao lưu tại nhà mình, nhưng ko liên lạc đc. Mình đinh ninh rằng chắc mọi người đã hành lễ xong, đang trên đường đến nhà mình nên ko nghe máy. Dẫu sao mình cũng phải gọi tiếp để hướng dẫn đường và nhờ người ra trước để đón đoàn. Ai ngờ mãi quá trưa, mình mới gọi đc Nhật Thành. NT nghe máy và trả lời rằng đoàn đang trên đường về nhà rồi...
    Tại sao trước khi về, NT ko liên lạc, ko nói cho mình biết nhỉ? Rõ ràng trước khi đi đền Cờn, NT cùng các bạn đã có ý định đến thăm gia đình QT kia mà? Vậy, hóa ra mình ko đi đón mọi người được là mình sai, mình tệ, mình ko nhiệt tình, ko hiếu khách? Ý nghĩ đó cứ ám ảnh mãi làm mình day dứt mãi. Mặt khác, mình cũng hơi thất vọng về cuộc viếng thăm ko thành này và hơi bẽ bàng với người nhà. Bởi vì mình đã nói gđ chuẩn bị thực phẩm, cơm nước chu đáo đàng hoàng cả rồi. Khách là bạn mình đi xa hơn 120 km về chơi thăm nhà mình nhân dịp đầu Xuân là rất quý, thật lòng mình ko thể lơ là... Vậy mà, thật đáng buồn... Mình chỉ biết an ủi rằng thôi thì tại hai bên ko hiểu hết cho nhau chữ ĐÓN này nên đành chịu HỤT vậy.
    Sau khi đọc được bài thơ ĐẾN ĐỀN CỜN của Nhật Thành, QT nương theo cảm hứng đó cũng có viết bài CẦU DUYÊN sau:


    Hẹn hò đươc dịp tháng Giêng
    Ta cùng đi lễ cầu duyên đền Cờn
    Chọn ngày giờ tốt lên đường
    Lòng thành mong thánh thần thương độ trì.

    Người đông chen nghẽn lối đi
    Khói hương mờ mịt bốn bề mông lung
    Mải mê khấn vái lòng vòng
    Trở ra ta lội ngược dòng… lạc nhau.

    Vận may còn ở nơi đâu
    Niềm tin trước mắt bắt đầu lung lay
    Khói tan mắt vẫn còn cay
    Trách mình để tuột tình này cõi thiêng !...

    Bao giờ lại đến tháng Giêng
    Chúng mình đi lễ cầu duyên đền Cờn ?…

    Và từ đó đến nay đã hơn 3 mùa Xuân qua rồi. Rằm Tháng Giêng hàng năm đền Cờn vẫn vào mùa lễ hội tưng bừng đón du khách thập phương. Nhưng NT vẫn xa vắng, không thấy về cầu duyên?...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì nhiều nguyên nhân: vì không hiểu ý của từ "đón", vì điện thoại không liên lạc được khi cần liên lạc, nhưng cái quan trọng là thánh nương không cho NT và mọi người trong đoàn cái duyên để gặp nhà thơ vậy.
      Từ đó đến nay, NT chưa trở lại đền Cờn vì nghe bảo đền thiêng mà những thứ NT cầu đều không được. Chắc NT không có duyên với đền Cờn chăng?

      Xóa
    2. Anh đã "hộ giá" sếp anh đến đó một lần rồi. Vừa bước vào đền cụ từ đã đọc tên sếp anh vanh vách. hỏi: sao biết, đáp:thấy trên tivi luôn. Sếp anh cũng gieo quẻ và xin mọi điều tốt đẹp (tất nhiên là không cầu danh vì lúc ấy ngài đã 62 rồi), quẻ phán tốt lắm. Vậy mà sau đó sếp bị mổ tim và mổ đến 2 lần.
      "Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
      lợi thì có lợi mà răng nỏ còn"
      Em xin quẻ đền Cờn để Quang Thứ "đón" không được là phải

      Xóa
  6. Chuyện đón đưa thì khỏi phải nói chi thêm
    Chỉ lạ là đọc thơ Quang Thứ Trương tan nát trái tim rồi mà còn mê được bác Hiệp thì tài hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em bảo: "làm bao trái tim người đẹp tan nát tả tơi bầm dập" không có nghĩa là trong đó có tim NT!
      Tim NT chỉ thổn thức với kho sách của bác Bu,bác Hiệp, bác Tuân thôi. Mê lắm!

      Xóa