Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

HOA TRÊN ĐỈNH NÚI (Phần II)

KI ĐOÓNG.

  Đã sang tháng  mười một âm lịch. Cái rét ba bề bốn bên túm lại, đổ xuống các làng bản. Sáng thức dậy, sương mù dày đặc vây quanh ký túc tưởng chừng như  ngôi trường đang ở nơi tiên giới với những bồng bềnh mây, lãng đãng khói. Nhưng các “nàng tiên” vẫn còn nằm im trong các “tổ kén” của mình – đó là  những chiếc chăn bông dày, chế độ nhà nước cấp cho giáo viên đi bù. Na rón rén men theo mép sân, những hạt sương đọng trên cỏ bắn vào chân buốt giá. Không có gió, không có mưa, thế mà cái rét cứ như luồng khí cứ tạt vào  làm Na cảm giác đôi má mình cũng đông cứng lại. Từ sân kí túc đến dãy lớp học chỉ độ hơn ba chục mét, khi quay trở lại, đôi chân Na dường như mất cảm giác, nó cứng đơ ra tưởng chừng không phải chân mình nữa. Trong bản lọt qua màn sương dày đặc, những âm thanh đều đặn trầm bổng vang vang: Cúp …cụm…cùm…cúp…cụm …cùm…
-         Chị Lan! Dậy đi thôi!
 “Tổ kén” cựa quậy:
-         Hâm! Dậy làm gì sớm?
-         Đi suối rửa mặt đánh răng, vác nước về nấu cơm cho mọi người ăn để lên lớp, hôm nay hai chị em mình làm trực nhật mà.
 Chị Lan ló cái đầu bù xù ra khỏi chăn:
-         Mày không nghe tiếng gì à?
-         Tiếng gì? À, tiếng côồng , đúng không?
-         Đúng rồi. Hôm nay trong bản có đám cưới đấy.- Cái đầu bù xù lại lút tăm trong chăn.
-         Thì kệ họ chứ.
-        
 Na xuống bếp. Chậu bát tối qua vẫn chưa rửa. Bực mình thật đấy, hôm qua là phiên trực nhật của Tuyết “éo” và anh Bình “hụ” đây mà. Theo qui định của kí túc, ai làm trực nhật ngày nào thì phải dứt điểm công việc ngày ấy, nhất là sau khi ăn, bát đũa phải rửa ngay để kịp khô trước bữa tiếp theo. Cả kí túc hai mươi hai người, chỉ có mười lăm cái bát, đến bữa ăn, các thầy phải  ăn vào vỏ quả đu đủ ( quả đu đủ bổ đôi, sau khi dùng nạo nạo phần ruột để làm nộm hoặc nấu canh thì dùng vỏ làm bát). Làm trực nhật với anh Bình, Tuyết  chỉ việc nhõng nhẽo, uốn éo, còn anh Bình làm tất tần tật: vác nước, nấu cơm, rửa bát, dọn nồi… Mà hình như anh ấy rất vui khi được làm thay cho cả cô nàng. “ Ở nhà anh chưa hề mó tay vào việc bếp núc  cho vợ một ngày nào đâu đấy!” – Anh cười và nhìn Tuyết với ánh mắt tình tứ.
 Na lắc lắc mấy ống bương đựng nước. Ống bương không. Chả trách chưa rửa bát!
-         Chị Lan! Dậy đi suối thôi, hơn bảy giờ rồi đấy! Dậy vác nước nào!
-         Hôm nay có dạy đâu mà cuống lên thế?
-         Sao không dạy?
-         Học sinh đến đâu mà dạy! Lát dậy đánh răng rửa mặt rồi đi ăn cưới luôn.
  Mọi người trong kí túc cũng đã lục tục dậy. Từ phòng bên, Nga gọi với sang:
- Na ơi, bữa nay đi “ki đoóng”  thôi.
    Thì ra, theo tục lệ, cứ trong bản có nhà đám ma hoặc đám cưới là cả bản già trẻ lớn bé đều tập trung đến ăn. Có khi kéo đến hai ba ngày. Những ngày đó trường phải nghỉ học vì bọn trẻ tập trung chơi ở nhà có đám hết.
-         Tí nữa đi cho biết đám cưới ở đây - chị Lan lại rủ rỉ.
-         Nhưng họ có mời không?
-         Cần gì , đến rồi người ta mời vào mâm thôi.
                                                   *     *
  Đúng là đông như nhà có đám. Đàn ông tất bật với việc nấu nướng: hông xôi, luộc thịt, cắt thịt, bày mâm. Đàn bà chỉ đi vác nước rồi làm những việc vặt, còn nữa ngồi nhai trầu. Những người khác nữa không làm gì thì uống rượu cần, đánh côồng, nhảy múa. Bọn trẻ con chạy từ trong nhà ra ngoài ngõ, đứa nào đứa ấy má đỏ như gấc chín. Rét thế nhưng chúng chỉ mặc phong phanh độc manh áo thổ cẩm ngắn cũn và hàng khuy đã rơi gần hết. Cứ chân đất, đầu trần, chúng hét inh ỏi trong trò chơi đuổi bắt.
   Thấy thầy cô đến, nhiều người đứng dậy chắp hai tay:
-         Còi dù bò các xày các cô ơi!
-         Còi, nhăng còi dù bò các bác ời? – Mấy thầy cô cũng chắp tay đáp lễ. Rất nhanh, các thầy cô được mời lên sàn, sắp xếp vào ngồi quanh chum rượu cần to tướng đặt giữa gian ngoài. Những cần rượu vít cong. Na luống cuống cầm khi anh thanh niên vít cần xuống đưa tận mặt.
-         Ki lầu chàm mơi!
-         Mơi! – Tất cả đồng thanh.
 Ông cham cất ngón tay cái đang bịt cái lỗ trên chiếc sừng trâu, nước chảy xuống miệng chum reo réo. Một tay cầm sừng, một tay cầm gáo tre đựng nước, cham sẵn sàng đổ thêm vào sừng trâu nếu nước trong chum tràn ra ngoài. Bởi thế, ai nấy hút lấy hút để cho kịp với tốc độ của dòng nước đang chảy kia. Na cũng hút cật lực. Rượu cần thơm dịu, ngọt và êm. Lần đầu tiên Na thấy cách chế biến rượu kì lạ như thế. Nước lạnh đổ vào chum, khi  hút ra theo cần trúc đã trở thành rượu ngọt!
-         Nhom!
Đang mải nghĩ, Na giật mình vì tiếng hô của ông cham. Tất cả cất cần ra khỏi miệng. Na đang ngơ ngác thì thầy Kỳ hét to:
-         Nhả cần ra đi không bị phạt bây giờ!
 Na vội vàng cất cần ra. Luật rượu cần là thế, khi ông cham đã hô “nhom” (có nghĩa là “thôi”) mà người uống không dừng là bị phạt. Dù người uống là cán bộ cấp cao hay dân thường, dù là người giàu sang hay kẻ nghèo hèn đều bình đẳng!
  Sau tiệc rượu, thầy cô được xếp vào ngồi mâm. Mỗi mâm năm người. Thức ăn bày trên lá chuối, chỉ có món thịt luộc, lòng luộc,  rồi có năm bát con cháo lòng, một ép xôi ( ép là đồ dùng đựng xôi, đan bằng mây, rất đẹp). Ngồi vào mâm, Na bưng bát cháo húp, rất ngọt, rất thơm. Nga cười phá lên:
-         Ngốc! Húp hết cháo lấy gì mà chấm?
  Hóa ra cháo là để chấm thịt, chấm xôi. Thấy thế, một thanh niên bưng tiếp cho Na một bát nữa, cười bảo:
-         Cô giáo thích thì ăn đi, còn nhiều trong nồi ấy.

                                         ( Còn nữa)

2 nhận xét: