Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

VÀ...HÀNH TRÌNH CHỮA BỆNH.

   Nghe sáu tiếng rùng rợn ấy, nàng gục xuống, ngất xỉu. Lão thầy mo cười khùng khục, khùng khục và nhìn nàng với ánh mắt đầy vẻ thương hại. Khoảng ba mươi phút sau, thấy nàng vẫn chưa tỉnh, lão lấy một chậu nước hắt đánh xoẹt vào mặt nàng rồi đứng dậy, phủi đít,bỏ đi.
  Hình như là tiếng chim hót hay tiếng côn trùng nỉ non? Hình như là tiếng con nai kêu lạc mẹ hay tiếng con hổ gầm gừ? Tai nàng lờ mờ cảm nhận…Rồi nàng mở mắt. Trời đã chạng vạng tối. Đưa mắt nhìn quanh, đâu đâu cũng một màu tím sẫm, nàng thấy tim mình như đông cứng lại, chân tay tê dại đi. “Không được! Mình phải thoát khỏi nơi này càng nhanh càng tốt!” Nàng lẩy bẩy đứng dậy, chệnh choạng bước. Gai làm bắp chân nõn nà của nàng rớm máu. Da mặt nàng thường ngày được đắp những loại trái cây như cà chua, dưa chuột, chanh…thì giờ đây, những chiếc lá quẹt vào làm nó ngứa ngáy đến bỏng rộp lên. Trời sập tối rất nhanh. Nàng không còn xác định được phương hướng, cứ mò mẫm bước liều…Bỗng nhiên, cả thân hình nàng như mất trọng lượng. Nàng chỉ kịp có cảm giác bay giữa không trung khoảng đâu vài phút, rồi tất cả chìm vào im lặng tuyệt đối!
  Nàng tỉnh dậy khi bình minh đã chan hòa khắp khu rừng xanh thẳm. Chim hót ca vang đón chào ngày mới. Gió nhẹ mơn man trên cành lá, gió phất phơ mấy khóm hoa rừng. “Đây là đâu?” Nàng đưa mắt dáo dác nhìn quanh…Một cô bé với thân hình gầy gò, ốm yếu, tiều tụy nhưng đôi mắt thật sáng! Đôi mắt ấy nhìn nàng ấm áp chứ không lạnh và sắc như mắt lão thầy mo.Em nói thật nhỏ nhưng rõ: “ Chắc cô đi tìm thuốc chữa bệnh?” “ Sao cháu biết?” “ Nơi này thỉnh thoảng mới có người, hầu hết đều vào tìm thuốc nam. Tối qua cháu đi tưới cây về thì thấy cô ngất xỉu ngay trước cửa hang”. Nàng bật dậy. Sao giữa đại ngàn hoang vu này lại xuất hiện một cô bé? Sao bé lại “đi tưới cây”? Thật hoang đường! Bé là người hay ma? Hình như đọc được ý nghĩ của nàng qua ánh mắt thảng thốt, cô bé cười thật hiền: “ Cháu đã nấu xong cháo, cô cố gắng ăn khi còn nóng cho lại sức rồi cháu sẽ cho cô biết cháu là ai.” Bát cháo thơm lừng mùi gạo tám, ăn vào có vị cay cay, nồng nồng như một vị thuốc nam nào đó mà nàng không nhớ ra nổi. Nàng thấy khỏe hẳn, từng mạch máu bỗng râm ran…râm ran…
  Nàng theo bé đến một mỏm đá. Giữa mênh mang đại ngàn cây lá, mỏm đá trơ trọi không hề có màu xanh dù là một cọng cỏ. Nơi đó chỉ có một gốc cây khô, phần dưới còn khá chắc nhưng phía trên đã có dấu hiệu mục rữa. Điều kì lạ là trên dọc gốc cây có những vết đánh dấu chi chít. Bé thủ thỉ:
- Bố cháu trước đây chạy xe đường dài, chở gỗ từ Lào về đó cô. Hồi đó nhà cháu khấm khá lắm, mẹ rất tự hào vì có bố vừa tháo vát lại siêng năng. Mỗi lần nghỉ tết, cả nhà đi chúc tết bà con, bố lại có dịp được hãnh diện vì ai cũng khen: “Nhất chú rồi, vợ đẹp, con khôn. Bé Hạnh vừa ngoan, vừa thông minh, học giỏi.” Bố cười thật tươi, nhìn mẹ đầy âu yếm.
Lời kể của bé phải dừng vì một cơn ho kéo dài. Dứt trận ho, người bé rũ xuống như tàu chuối bị đốt nóng, tấm thân vốn gầy gò càng như đét lại.
 Chiều, bé lại ì ạch xách nước từ dưới thung lũng, bước qua hàng trăm bậc đá lên đến tưới cho gốc cây. Nhìn bé mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nàng gần như gắt lên: “ Sao cháu lại làm cái việc ngớ ngẩn thế hả? Ngày mai theo cô về, nghe chưa?” Bé lại cười thật hiền:
 - Khi cả bố và mẹ cháu đi xét nghiệm và biết cả hai đều dương tính với HIV, cả nhà cháu đã trốn vào trong này ở. Một đêm nọ, cháu nằm mơ thấy ông tiên đến và bảo: “ Trên mỏm đá kia có một thân cây gần như đã chết nhưng gốc vẫn còn bám chặt vào đất, đó là cây “bất hạnh”, nếu cháu chịu khó lấy nước dưới khe “hi vọng” tưới cho nó đúng bảy trăm ba mươi lần, nó sẽ mọc ra một cái chồi gọi là chồi “niềm tin”. Có niềm tin thì con người ta sẽ vượt qua được mọi nỗi bất hạnh đó cháu.” Cô có thấy những vết đánh dấu chi chít trên thân cây không? Đó là số ngày cháu đã tưới cho cây. Cháu tưới được bốn trăm mười hai lần thì bố bỏ mẹ con cháu ra đi. Và cách đây đúng ba hôm, mẹ cháu lại về với bố.
    Nàng ôm lấy tấm thân gầy của bé mà khóc. “Khổ thân cháu tôi, giờ thì còn gì nữa mà tưới với tắm hả cháu?” “ Vẫn còn ba lần nữa mới đủ mà cô, cháu sẽ cố.” Sang ngày thứ ba, sau khi tưới xong xô nước cuối cùng, cô bé ho rũ rượi, ho không tài nào dứt được, tiếng ho dội vào vách núi vọng trở lại xát muối trong lòng nàng. Nàng ôm bé thật chặt, tiếng ho giật nẩy cả vòng tay nàng. Bé thều thào, đôi mắt đã bạc đi nhưng ánh mắt vẫn ấm áp: “ Hôm nay nhất định… chồi sẽ mọc, cô…hãy hái nó… cất vào túi áo… trước khi ra khỏi rừng nhé.” Hai tay em buông thõng, đôi mắt từ từ nhắm lại sau khi miệng nở một nụ cười mãn nguyện.
Nàng thẫn thờ bước đi giữa phố. Tự nhiên không nhớ nổi nhà mình ở đâu. Quanh co…quanh co…nàng đi vào một con hẻm nhỏ. Giật mình khi nhận ra mình đang đứng trước ngôi nhà của người đàn ông râu quai nón! Ngôi nhà khá lớn nhưng ẩm mốc, hoang lạnh.
-         Cô…đi đâu…lạc vào đây? – Vẫn cái điệu bộ lúng túng và cách nói như ngậm hột thị ấy. Nàng bước vào, nhìn đôi mắt hiền và buồn rười rượi :
-         Thế…anh sống có một mình à?
Rót nước mời nàng, người đàn ông nhìn vào một cõi xa xăm:
- Vợ chồng tôi lấy nhau đúng mười bảy năm mới có con. Lần cuối cùng đi lấy thuốc chữa vô sinh, nhà tôi bỏ sẵn một lọ thuốc sâu với sự quả quyết: “ Nếu lần này vẫn không có, em sẽ giải phóng cho anh, anh không có lí do gì để ngăn cản.” Có lẽ ông trời thương nên chúng tôi đã có tiếng trẻ gọi “cha, mẹ”. Hai năm sau, cô ấy lại mang thai. Vào mỗi chiều đánh xe về, hai đứa nó chạy ra tíu tít: “ Cha, cha về rồi!”. Tôi sẵn sàng đổi tất cả mọi thứ trên đời để được nghe mãi những tiếng reo vui trong trẻo ấy. Thế mà chiều hôm đó, sau khi trả hết khách, tôi trở về với tin sét đánh. Cả hai đứa, một lên năm, một lên ba vừa được vớt dưới ao lên trong tư thế trần truồng,ôm nhau thật chặt. Nhà tôi cũng bỏ tôi mà đi khi làm lễ trăm ngày cho hai con. Sáu năm rồi…
Từ khóe mắt của người đàn ông cô đơn, hai giọt nước đặc quánh, đùng đục từ từ chảy xuống. Nàng xót xa nhưng chỉ lặng yên.
Nàng lui tới thường xuyên hơn, kì cọ những chiếc nồi mốc meo, chùi rửa nền nhà xám xịt, cuốc mảnh vườn nhỏ trồng luống mồng tơi…
   Một hôm đã khá muộn nàng mới tất tả trở về ngôi nhà quen thuộc của mình. Ra đến cổng, nàng chạm ngay một gã, trông quen quen nhưng không nhớ ra là đã gặp ở đâu. Hôm sau, nàng hỏi, râu quai nón mỉm cười:
- Cố nhân đấy, không nhớ sao? Nghe bảo mất công “tút” lại hình thể mấy ngày,mới đến nói chuyện dăm ba câu thì người ta bảo ốm nghén!
Nàng cười rũ rượi. Râu quai nón lại tiếp:
- Năm năm trước, khi anh ta bị tai nạn giao thông nằm ở bệnh viện, cô vợ chăm sóc thế quái nào mà cuối cùng dính thằng cha bác sĩ không dứt ra được. Giờ lão bảo: “ Có làm tập hai thì phải xem tướng số, tuổi tác cho kĩ càng, tập một Ngọ và Tí xung nhau!”
  Giờ thì ba người cô đơn đã trở nên thân thiết. “ Không có duyên tình thì ta sống với nhau bằng nợ nghĩa, đúng không em?”. Nàng lấy từ trong túi áo búp chồi mà nàng cất kĩ từ dạo lạc trong rừng, chia cho mỗi người một tí, bảo cất thật cẩn thận. Thật lạ, búp chồi vừa ngắt bớt, nó lại mọc thêm những chiếc lá non xanh. Nàng bỏ một chiếc lá vào phong thư gửi cho đứa bạn học cũ. Mấy hôm sau, điện thoại nàng hiện lên những dòng tin nhắn: “minh cam on cau. Gio thi minh da hieu rang, cuoc song nay neu co niem tin thi luon thay doi tuoi dep. Cuoc song von khong bao gio toan bich, phai tran trong nhung gi minh dang co, phai khong ban hien?”

                                                  Mồng 9 tháng Giêng, Giáp Ngọ.

24 nhận xét:

  1. T-H viết chuyện hấp dẫn quá ... đọc mà nguồi cảm xúc luôn thay đổi buồn vui mình như hòa vào trong thế giới chuyện của bạn....
    Chúc T-H viết nhiều truyện hay như vậy nhé .... MÀ VIẾT TIỂU THUYẾT ĐI....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. MRC ơi, viết truyện mà đang phải nghĩ từng khúc thế này nói chi đến tiểu thuyết! Nhưng lời nhận xét của MRC làm NT nở từng khúc... bụng đấy. Cảm ơn nhều nha.

      Xóa
  2. Em gái chào chị Nhật Thành !
    Bài viết của chị thật nhiều cảm xúc. VÀ...HÀNH TRÌNH CHỮA BỆNH đã làm nước mắt em tuôn rơi một cách tự nhiên. Lòng em như quặng lại khi đứa bé buông tay, nhắm mắt. Một sinh linh nhỏ bé đã đặt hết niềm tin của mình vào "chồi niềm tin", để rồi cuối cùng phải ra đi ở một nơi hoang vắng, không người thân. Nhưng sự hy sinh này vô cùng ý nghĩa. Bé đã đem lại "niềm tin" cho 4 con người bất hạnh. Họ như được sống lại với chính mình.
    Cảm ơn bé. Cảm ơn thầy mo Nhật Thành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay mủi lòng thế là biểu hiện của con người dễ...khổ đó Hòa à. Nhân vật em bé đã cố nuôi dưỡng niềm tin đến hơi thở cuối cùng em nhỉ? Em mồ côi, cô đơn...vậy mà vẫn tin vào điều kì diệu sẽ xẩy ra, cớ gì ta phải buồn khổ, đúng không em?

      Xóa
    2. "Đa cảm, đa sầu" là biệt danh của em do nhà G đặt đấy chị NT a. Người như thế thì làm sao cho sướng đây ? Em đã cố nhưng không thay đổi được. Thôi đành vậy. Nhưng dù sao thì em vẫn có niềm tin vào tương lai của mình sẽ tốt đẹp hơn. Chính bé Hạnh đã giúp em tìm thấy niềm tin và hy vọng trong cuộc sống hiện nay và mai sau.
      Cảm ơn tác giả đã kết thúc nhân đạo " MÌNH VÌ MỌI NGƯỜI. MỌI NGƯỜI VÌ MÌNH."

      Xóa
  3. Phần này như là bức thông điệp nhắn nhủ: "Tất cả mọi người trong cuộc sống phải luôn có niềm tin! Có niềm tin là có tất cả". Chợt như lại văng vẳng câu nói của một lãnh tụ "Có tín tâm ắt sẽ có mùa xuân"!
    Vậy là bệnh của cô nàng đó sẽ khỏi. Thày mo HNT sẽ bị thất nghiệp...Nhưng căn bệnh trầm kha muôn thưở của em thì vẫn là nan y khó chữa...họa may anh vào tận Quỳ Hợp thì mói có khả quan. Anh cho em dùng tạm đơn thuốc này để cầm cự:

    Ra Giêng làm chuyến xuất hành
    Vào trong Quỳ hợp cho nhanh gặp nàng!
    Đèo bòng, ắt phải đa mang
    Khỏi bệnh ắt sẽ chuyển sang một nhà!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chàng mà không tỏ nỗi niềm của em nữa thì ai tỏ. Hi hi...
      Chờ chàng từ bấy đến giờ
      Khi mơ, khi tỉnh cổ cò vẫn vươn.
      Nếu như chàng sợ lạc đường
      Em về Vĩnh Phúc đón chàng lên đây!

      Xóa
  4. Vậy là bệnh ung thư niềm tin đã được chữa khỏi bằng phương thuốc hay và niềm tin của bệnh nhân đã làm nên điều kỳ diệu. Cảm ơn thầy thuốc, cảm ơn người bệnh, cảm ơn tác giả đã cho bạn đọc niềm lạc quan tin yêu vào cuộc sống vốn đầy trái ngang,bất hạnh nhưng cũng đầy tương lai tươi đẹp trong mọi hoàn cảnh!
    "Đừng than phận khó ai ơi
    Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây. (Ca dao)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế anh, mọi nỗi bất hạnh đều chẳng là gì nếu ta có niềm tin. Nhưng điều mà ai cũng phải nhớ: Cho đi là nhận lại!

      Xóa
  5. Truyện dành cho những người mất niềm tin và hy vọng vào những điều khó gặp. Vẫn cách dẫn truyện thiên về tự sự trong bút ký nhiều hơn là truyện ngắn. Văn phong trong sáng phần nào khỏa lấp kết cấu của câu truyện chưa thật vững về bố cục.
    Phần 1 viết thấy có dáng dấp truyện ngắn , vì nó đi sâu vào tâm lý và khai thác sự chuyển động của nhân vật. Phần tiếp theo lại sa đà vào nhiều vụ việc quá nên dàn trải và chân dung nhân vật chìm vào sự việc nhiều hơn , mang màu sắc ma mỵ nhiều hơn đời thật .
    Nguyễn Công Hoan khuyên người viết truyện ngắn nên biết dè xẻn chi tiết và sự việc. Vì những truyện ngắn hay của ông ấy luôn chỉ xoay quay một hoặc hai sự việc và đi sâu vào khai thác chủ thể. "Chiếc lược ngà"hay" Bông cẩm thạch " của Nguyễn Quang Sáng "Đôi mắt " Nam Cao, " Vợ nhặt " của Kim Lân ...đều viết trên nền xoay quanh một vài nhân vật.Những nhân vật trong truyện luôn sống động , làm người đọc thấy gần gũi với mình với đời thực. Những nhân vật ấy được khắc họa rõ nét về tính cách, cá tính tạo thành chân dung kiểu mẫu. Nhân vật càng cá tính , càng tính cách thì chân dung càng rõ nét.
    ... Có thể mọi người đọc câu chuyện trên theo sự tò mò về thầy Mo , về số phận của cô nàng và mấy anh chàng...vợ bỏ. Nhưng lão đọc truyện dưới góc độ của một người khó tính thì không mấy chú ý đến những mảng ấy mà chỉ chú ý nhiều đến nhân vật chính chuyển động với câu chuyện.
    Trong phạm vi blog , viết như thế này là quá hay và quá giỏi. Nhưng đòi hỏi của lão hơi cao khi kỳ vọng em viết về truyện ngắn. Những truyện ngắn có thể xuất hiện trên các trang báo ngoài phạm vi blog. Văn phong và cấu trúc các truyện trong em luôn mạch lạc và dành được nhiều chia sẻ , nhiều cảm xúc. Vì thế lão xin gõ đôi lời không phải để phê bình mà với kỳ vọng những truyện ngắn hay, mang dáng dấp rõ nét sắp tới.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước những lời nhận xét này, em chỉ biết vòng tay lại mà..."dạ" một tiếng lí nhí ( như cô học trò trả bài chưa hoàn chỉnh vậy).
      Ngoan thế là được chứ gì?

      Xóa
  6. Cuốn hút quá chị ạ.
    Đọc xong em thấy hình như em cũng tìm được thuốc chữa bệnh rồi.\
    Em like cái com của lão xương sườn nhé - lão viết hết ý em muốn viết rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và chị cũng chịu thua lão ấy thêm một lần nữa vậy.

      Xóa
  7. ngày xưa tôi bạn đồng hương
    nay dà tách tỉnh nhưng đường không xa
    nghệ an hà tĩnh quê choa...

    Trả lờiXóa
  8. Tác giả và độc giả khi đặt bút viết truyện và đọc truyện đều có tiêu chí và kỳ vọng là truyện phải hay - bất kể là nó được đăng tải ở phương tiện thông tin nào - không phân biệt ở cấp độ trung ương hay địa phương, không phân biệt Blog, báo mạng hay báo giấy, báo lề trái lề phải. Tác giả cũng đừng tự ti rằng mình là nhà văn địa phương nên không dám bứt phá và cho là mình không thể sánh vai được với các nhà văn Trung ương. Văn chương không phân biết đẳng cấp. Người viết văn dù ở đâu cũng phải cố gắng vươn lên để mong có những tác phẩm để đời.
    Tôi còn nhớ khoảng đầu thập kỷ 90, nhà thơ Hoàng Trung Thông từ Hà Nội về thăm quê và gặp gỡ anh em văn nghệ sỹ huyện nhà Quỳnh Lưu - Nghệ An. Tôi lúc đó mới chập chững vào nghề cùng với bạn bè nghe nhà thơ lớn nói chuyện rất thân tình. Cuối buổi, Bí thư Huyện ủy nói: "Mời các nhà thơ địa phương lên chụp ảnh chung với nhà thơ Trung ương". Hoàng Trung Thông vui vẻ ân cần nói: "Đã là nhà thơ thì không phân biệt thứ hạng Trung ương hay địa phương, chúng ta đều bình đẳng như nhau cả". Điều ông nói làm chúng tôi rất nể phục và như có hàm ý nhắc mọi người rằng phải cần cố gắng phấn đấu để có được sự bình đẳng đó. Mà đã là nhà thơ nhà văn, cái bình đẳng cần nhắc tới ở đây là tác phẩm.
    Quay trở lại truyện ngắn trên của Nhật Thành thì dẫu tôi vẫn muốn tác giả viết hay hơn nữa nhưng truyện này như vậy cũng đã xem là tâm đắc, bởi truyện nổi bật chất nhân văn. Tuy tính cách và nội tâm nhân vật chưa thật sự bộc lộ rõ nét nhưng truyện có nhiều chi tiết sinh động gộp lại, đan xen nhau làm nổi bật lên chân dung và chủ thể câu chuyện, khiến người đọc cuốn hút và hướng tới nhiều điều tốt đẹp. Nói cách khác: cốt truyện này không lớn, nhưng chính những chi tiết nhỏ làm nên da nên thịt giúp cho truyện có tầm vóc và vững chắc hơn. Đương nhiên, cách cảm thụ và đánh giá, nhận xét về văn chương thì mỗi người mỗi khác. Cũng như mỗi tác phẩm của tác giả đều có chất lượng và số phận khác nhau mà người sinh ra nó cũng chưa hiểu hết tâm tính đứa con tinh thần của mình. Và như phần đầu tôi đã nói: dù viết ở đâu cũng mong tác giả cố gắng thật nhiều để có những tác phẩm hay hơn nữa!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em viết để bán buồn mua vui là chính thôi nhà thơ ơi. Ông HTT nói thế để động viên đấy. Em chỉ biết rằng nếu học sinh giỏi quốc gia chắc chắn giỏi hơn học sinh giỏi huyện! Còn thế giới văn nghệ sĩ thì em chịu! Dây vào chỉ khổ người!

      Xóa
  9. AI có vợ mà tính trăng hoa thì chớ nằm viện, hi hi...Chúc chị năm mới có nhiều truyện mới

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều đó có nghĩa là em sẵn sàng đổi cả tính mạng mình để...giữ một người vợ trăng hoa!

      Xóa
  10. Đọc truyện này xong, em cứ tủm tỉm cười hoài. Em không cười truyện vì em hiểu ý nghĩa chị viết mà em cười mình. Phương thuốc của chị rất hay. Nhưng nếu em đem áp dụng cho em là em ...chết luôn. Em thì lại cần không tin ai cả để được tự do. Thế mới nghịch lý chứ chị nhỉ? Em đùa thôi chứ truyện sâu sắc lắm chị ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em lại vớ vẩn rồi. "Nàng" trong truyện vẫn tự do đấy chứ. Chỉ có điều, nếu đóng cửa phòng, nàng chỉ thấy cuộc sống mình quẫn bách, buồn khổ, chua chát...Còn mở cửa ra...

      Xóa
  11. - Cố nhân đấy, không nhớ sao? Nghe bảo mất công “tút” lại hình thể mấy ngày,mới đến nói chuyện dăm ba câu thì người ta bảo ốm nghén!
    Em không hiểu câu này lắm.

    Trả lờiXóa