Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

CHA CHỒNG TÔI

Tôi đã viết một bài cho thầy tôi ở đây, giờ tôi xin kể về cha chồng tôi các bạn nhé.

 Hồi ấy, tôi đã quyết định không lấy anh.
 Không phải tôi “có mới nới cũ” mà vì  càng ngày tôi càng nhận rõ anh là con người vô tư đến …vô tâm!
Phút cuối, tôi đã không lên xe. Xe khách ngày tết chật như nêm, ai hơi đâu nài nỉ một hành khách …trở chứng!
 Thầy tôi nổi nóng: “ Vừa thôi con, hai tám tuổi đầu, nó rước cho là phúc lắm rồi đó.” Tôi cãi: “ Cho ba mươi luôn thể.” Thầy tôi vứt tung gói bánh qui của kẻ đến sau: “ Tao không chấp nhận thằng mô nữa. Cút!”
Tuy nhiên, kẻ đến tết thầy mẹ tôi gói bánh với chai rượu đã về  rồi, chỉ tôi đang đứng trơ chịu trận.
  Hai chín tết, anh lò dò vào nhà tôi: “ Sao quay lại?” “ Cha anh bắt phải đưa được em về không cụ không cho ăn tết.” Thầy tôi mừng như nhặt được vàng: “ Xếp đồ mau. Xe chuyến hôm nay sắp xuống rồi!” Quay sang con rể tương lai: “ Nó không đi thì thầy bỏ rọ bưng lên xe.”
   Năm đó cha đã tám mươi. Thấy hai đứa dẫn xác về, cha ra đón từ ngoài cổng: “ Mệt không con? Chà, đi hai chặng xe ngày tết chắc lư tử luôn hè?” Cha xăng xái xách đồ, dắt tay tôi vào nhà: “Bà ơi, con du nầy, du cả này.”
Và cha cười. Nụ cười sảng khoái của người lao động với niềm vui chân chất, mộc mạc.
   Mấy ngày tết, cha vui lắm. Cha chẳng hỏi gì tôi nhiều, chỉ kể chuyện. Chuyện của cha là chuyện hồi xưa đi dân công hỏa tuyến, vui thế nào, khổ thế nào, hăng hái thế nào…Thường ngày, khi rảnh rỗi cha vẫn kể say sưa cho mọi người nghe, nhưng mới câu đầu: “ Hồi đó ấy à, chà chà…cả nước theo cụ Hồ một lòng một dạ…” thế là con trai, con gái, con dâu kiếm cớ lảng ra. Cuối cùng, cha chỉ còn gật gù với …cái điếu cày!  Tết này có tôi ngồi nghe chăm chú, thỉnh thoảng lại họa vào đôi ba chi tiết cho câu chuyện thêm phần…sôi động, cha vui lắm. Cha hỏi: “ Rứa con cũng biết à?” “Biết chứ, con còn biết cả cánh đồng Chum bên Lào nữa” “ Đúng, đúng! Cha cũng đã từng đến đó. Đá cả thôi con hè?” “ Dạ, những hòn đá to tướng, nhìn chẳng khác gì những chiếc chum.” Cha đi khoe với mọi người: “Con du tui nó cũng từng đi dân công hỏa tuyến thời chống Pháp đó.” “Ông nói nghe hay! Con du ông may ra năm nay hai mốt, hai hai là cùng (vì cái mặt dại dại ngơ ngơ của tôi nên họ đoán thế), chống Pháp từ đời mổ đời mô mà nó tham gia?” “Ừ hè, răng mà hấn biết rành rọt rứa.”. Tôi giải thích cho cha hiểu, những chuyện đó người ta ghi lại trong sách. Mắt cha sáng lên: “ Ô trời, chuyện cha làm mà họ cũng ghi lại à?”  
   Mồng bốn tết, trời vẫn mưa rả rích. Con đường đất từ xóm ra đến quốc lộ 7 lầy lội nhớp nháp và trơn trượt. Cha xách hết đồ đạc cho tôi và cùng anh bước phăm phăm phía trước. Tôi vất vả vật lộn với đôi gưốc nhót. Mỗi bước đi, đế guốc cắm sâu xuống bùn, lôi toát mồ hôi. Cha dừng lại chờ: “ Bữa sau về thì đi dép thấp con ạ.” “ Có bữa sau nữa sao?” Tôi thầm nghĩ. Trước khi tôi lên xe, cha nắm tay tôi  lắc lắc: “ Giữ gìn sức khỏe nha con.”  
 Năm cha vào tuổi tám lăm, vẫn đau đáu chờ đứa cháu đích tôn. Tết ấy, sau bao lần lữa, tôi nói với cha: “ Cha cho phép chúng con…chia tay nhau.” Cha cầm  tay tôi. Bàn tay tôi nhỏ bé trong đôi tay to bè thô mộc của cha. Lặng đi hồi lâu, cha nhìn tôi: “Con à, nếu tại nó, con hãy lặng lẽ kiếm một đứa, cha cho phép…” Tôi tròn mắt nhìn cha. Có một cái gì đó dâng từ lồng ngực lên cổ. Lòng tôi cay đắng hay lòng cha đắng chát? “ Con hãy lặng lẽ kiếm một đứa” Lời của một người cha từng nếm trải bao cay cực trong đời! Lời của một người đã từng đau đớn li hôn vì người vợ tranh thủ lúc chồng đi dân công đã có con với người đàn ông khác! Nhiều năm sau, cha mới tạm nguôi ngoai để kiếm một người cho đũa có đôi! “Con hãy lặng lẽ kiếm một đứa!” Xót xa thay! Nhưng ánh mắt cha nhìn tôi lúc đó là ánh mắt yêu thương! Tôi nghẹn ngào nói trong nước mắt: “ Con không thể, cha à. Làm sao một đứa cháu không cùng huyết thống lại có thể trở thành cháu đích tôn?” Hai giọt nước mắt chảy chầm chậm trên khuôn mặt nhăn nheo của cha. Cha buông tay tôi, cầm chiếc điếu cày. Lập cập mãi  cũng không châm được lửa.
  Sau này, khi tôi có con (tất nhiên là cháu ruột của cha), tôi kể lại chuyện ấy cho mẹ chồng nghe, mẹ cho tôi hay: cha khẳng định tôi không thể không có con, nhưng giờ vì con trai mình mà tình duyên dang dở, bỏ nhau thì con dâu cũng khó lấy được người khác, mà con trai mình dù lấy người khác cũng thế thôi, chi bằng để nó…còn mình vẫn có được con dâu quý. Thế đủ biết, trước khi tôi đòi li hôn, cha đã suy nghĩ nhiều lắm. Lời khuyên tôi đã được cha cân nhắc kĩ càng mọi lẽ.
  Cha ra đi ở tuổi tám mươi tám, khi chưa được nhìn thấy mặt đứa cháu trai mà cha hằng mong đợi. Lúc đó cháu gái Diệu Thùy của cha tròn ba tuổi.
    Nhận được tin cha ngã bệnh, tôi đang chấm thi tốt nghiệp. Còn một ngày nữa là xong, tôi cố nán lại để nhận tiền  thêm vào về chăm cha. Ai ngờ ngày hôm sau cha đi. Khi công đoàn, nhà trường và tôi thuê xe về đến nơi thì chỉ còn thấy một bàn thờ sơ sài, khói hương nghi ngút cuộn trong cái nắng đổ lửa tháng năm.
 Thầy cúng bảo được giờ tốt thì đưa cha ra đồng  kẻo muộn.
Người dân quê quan niệm ở tuổi đó thì con cháu hãy tổ chức đám ma vui, đừng khóc lóc mà người ra đi không thanh thản.
  Tối đó, trong gian nhà ngang chật chội, bên đống lúa cao ngất, tôi kê tập giấy học trò lên chiếc ghế nhỏ ngồi viết.
  Đó không phải là bài văn tế mà là những lời tôi khóc cha.
Tôi khóc cho một tuổi thơ bất hạnh. Bốn tuổi mồ côi cha, bốn mẹ con sống lầm lũi, heo hắt trong căn lều rách nát.Em trai chết vì đói, chị gái chết vì bệnh tật không có tiền thuốc men. Người mẹ héo hon dần và để lại đứa con trai côi cút khi mới hơn mười tuổi.
Tôi khóc về một cuộc đời đi ở không công. Anh Khoai ngày xưa trong truyện “Cây tre trăm đốt” còn nuôi hi vọng lấy người con gái phú ông làm vợ, còn cha nai lưng làm quần quật chỉ vì ngày hai bữa cơm và tối có chỗ ngủ khỏi phải gió sương.
  Tôi khóc về một con người chất phác, hiền lành mà gặp lắm đắng cay chua chát. Hơn ba mươi tuổi, nhà chủ hỏi cho cha một người vợ. Người đó đã phụ tình  khi cha đi phục vụ kháng chiến nơi xa.
  Tôi khóc về một cuộc đời lam lũ nắng mưa. Cha quần quật làm nuôi chín  người con vì vợ ốm yếu chỉ bận mang thai rồi nuôi con nhỏ. Cha nghĩ đời mình vất vả nên không muốn con phải  khổ như mình. Một tay cha đồng xa đồng gần, ruộng sâu ruộng cạn. (Mười tuổi tôi đã níu sau tay cày còn chồng tôi đến giờ  vẫn chưa  biết làm thế nào để thực hiện một đường cày trên ruộng.)
  Cả cuộc đời cha chưa cần đến một viên thuốc cảm. Thế mà lần đầu tiên ngã bệnh, chẳng có thuốc nào níu lại sự sống cho cha dù chỉ vài ngày để gặp đủ cháu con trước lúc đi xa.
   Tám mươi tám năm đời cha, tôi gói ghém trong 4 trang giấy nhỏ.
Lễ tam nhật, ông chú đọc những lời tôi đã khóc cha. Và lúc đó, những tiếng nấc nghẹn ngào của con cháu, anh em, làng xóm không ai kìm giữ được. Thế mà lúc đưa cha đi, chỉ có mấy tiếng khóc hờ cho  đúng lệ mà thôi.
Tôi ngồi lặng lẽ  ngước lên di ảnh của cha và nhận thấy ánh mắt cha nhìn tôi trìu mến.
 Tôi biết, cha  rất vui  vì lần đầu tiên câu chuyện đời cha được mọi người lắng nghe đầy xúc động chứ không lảng tránh như mỗi lần cha kể trước đây.
  Đứa em dâu hỏi: “Sao chị ít về mà biết nhiều chuyện về cha như thế?”
Tôi  chỉ cười lặng lẽ. 
    Mười hai năm đã trôi qua…Năm nay vừa tròn 100 năm ngày cha sinh ra trên đời.
  Viết bài này, tôi muốn nói với mọi người rằng: Hãy biết lắng nghe những tâm sự của người già, vì những lúc ấy họ rất cần có người để chia sẻ. Khi về cuối đời, người ta thường muốn nhớ  lại những tháng ngày quá khứ. Đừng để người già cô đơn vì sự vô tâm của những người thân.


31 nhận xét:

  1. Anh sang thăm em và được biết "chuyện bây giờ mới kể của em" để hiểu và chia sẻ thêm về nhiều nỗi đoạn trường...
    Chúc em luôn vui khỏe và an lành nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng ạ. Còn nhiều chuyện sau này sẽ kể. Nhưng khi nào vui mới kể, hoặc khi nào buồn cũng kể.
      Tem vàng gỡ xuống cho nhà thơ nha.

      Xóa
  2. "Sau này, khi tôi có con (tất nhiên là cháu ruột của cha)..."Câu này anh xin đính chính lại: Chắc gì là cháu ruột của cha? (Cháu ngoại thì chắc chắn rồi).Đến con du của Cha cũng chẳng biết con của ai thì làm sao Cha biết được?... Nhân ngày nói dối nên cLơ của em cũng bạo phổi dám uống mật gấu để nói vài lời như vậy!
    Nói tóm lại là em có người cha chồng yêu con, quý con hiếm gặp ở trên đời. Với cái tuổi cũ kỹ của cụ từng sống qua nhiều chế độ phong kiến và nửa phong kiến mà vẫn giữ được nét chân thật, gia phong nhưng không cổ hủ. Em thật may mắn có người cha thứ hai như vậy!
    Chúc em đêm nay không phải nhờ đến các thầy lang bắt mạch, kê đùi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ờ nhỉ, em quên là hôm nay ngày cá tháng tư. Biết thế sang chàng chọc chút cho vui.
      Ông cụ còn là người cực kì tâm lí đó anh.
      Giờ đêm nào không có thầy lang bắt mạch, giơ dùi là ốm ngay ấy mà.He...

      Xóa
  3. Đáng mặt con dâu lắm.
    Có điều sửa lại: Cánh đồng chum là có rất nhiều chum thật, cái mẻ cái lành, cái đứng cái nghiêng... không phải toàn đá cuội tảng đâu.
    Anh đã đến đấy và chụm anh cái chum to nhất, xem lại nếu còn anh sẽ gửi cho em xem.
    Bài viết rất tốt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khiếp, daooj chơi tạt vào thấy bài mới viết mấy dòng đưa lên mà đã đứng thứ ba. Cứ thế mà đưa ra bình chon thì blog HƯƠNG NGÀN được nhiều người hâm mộ nhất.
      Tự thú: Anh cũng hâm mộ HƯƠNG NGÀN.

      Xóa
    2. Em thì chắc chắn chưa đến rồi, còn cha thì lại nghe người ta kể khi đi dân công. Chẳng biết chum hay đá nhưng cha cứ bảo là ở đó toàn đá thôi. Em cũng "phét lác" cho cha vui ấy mà.

      Xóa
    3. Thôi khỏi phải tìm ảnh cho mệt.
      Em vào google đánh chữ cánh đồng chum - Lào - Enter là xem được canh đồng chum như thế nào ngay.
      Năm 1997 anh có chuến công tác gần hai tháng bên Lào và có đến Xiêng Khoảng vào thăm Cánh Đồng Chum nó đúng như trong ảnh đấy.

      Xóa
    4. Hồi đó em không biết, cha cũng nhiều khi hứng chí kể cho thêm phần ...hấp dẫn vậy mà. Nói về việc đi dân công, cha kể nhiều chuyện mình nghe được nhưng vẫn tự nhận là mình chứng kiến. Nhưng cũng chẳng sao, vì như thế cha mới vui.

      Xóa
  4. Hãy biết lắng nghe những tâm sự của người già, vì những lúc ấy họ rất cần có người để chia sẻ. Khi về cuối đời, người ta thường muốn nhớ lại những tháng ngày quá khứ. Đừng để người già cô đơn vì sự vô tâm của những người thân.
    =====================
    Em ơi.Những lời dặn dò của một cây bút nhân hậu rất chính xác.Chị bây giờ cũng đã bước vào tuổi già,chị thấm thía với câu chuyện cuả em lắm.cảm ơn em đã viết những dòng rất sâu sắc,chân thật

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn chị. Em cũng đã bắt đầu đến cái tuổi thích kể về quá khứ rồi chị à. Nhưng bất cứ ở tuổi nào, " nỗi buồn chia đôi thì còn một nửa- Niềm vui chia đôi thì ta sung sướng gấp đôi" Vậy nên biết lắng nghe cũng là một cách ứng xử văn hóa, phải không chị?

      Xóa
    2. Này bạn Nhật Thành ơi! Người già còn một nỗi khổ nữa là: CÔ ĐƠN NGAY CHÔ ĐÔNG NGƯỜI mà người trẻ chưa tưởng tượng ra đâu!

      Xóa
    3. "Cô đơn ngay chỗ đông người" Truyện ngắn của Hải Thăng. Bài ấy nó bị đẩy xuống rất...sâu nơi trang thơ hương sắc tình quê.

      Xóa
  5. Viết bài này, tôi muốn nói với mọi người rằng: Hãy biết lắng nghe những tâm sự của người già, vì những lúc ấy họ rất cần có người để chia sẻ. Khi về cuối đời, người ta thường muốn nhớ lại những tháng ngày quá khứ. Đừng để người già cô đơn vì sự vô tâm của những người thân.
    ----------------------------------
    Em tâm đắc với điều này chị à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó là những gì chị muốn nói trong câu chuyện rất thật của chị đó em.

      Xóa
  6. Em đã khóc khi đọc bài này...rồi về....lại sang đọc....rồi bây giờ lại khóc mà về chị ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em đã đồng cảm.
      Chị em mình sẽ tiếp tục chia sẻ vui buồn vời nhau và với mọi người em nhé.

      Xóa
  7. biết lắng nghe người già luôn thấu hiểu luôn là người sáng suốt phải không T-H....
    Bài viết rất lôi cuốn người đọc ... dần dần đã lối viết đã tốt hơn rồi đấy. cố gắng nhé....
    CHÚC T-H LUÔN VUI VẺ NHÉ!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là chuyện "nguyên chất 100%" của cuộc sống đó mưa à.

      Xóa
  8. thế chứ

    Đến đây thì ở lạ đây
    Cùng chàng blog tháng ngày an vui
    Quanh đi quẫn lại thế thôi
    Đó mà dứt được tình tôi với chàng .....hehehehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...khó dứt lắm thay, tình sâu nghĩa nặng rồi mà anh.

      Xóa
  9. Chị - người con du cả thật tuyệt vời....!!!!
    Vâng em sẽ học chị: "Hãy biết lắng nghe những tâm sự của người già, vì những lúc ấy họ rất cần có người để chia sẻ. Khi về cuối đời, người ta thường muốn nhớ lại những tháng ngày quá khứ. Đừng để người già cô đơn vì sự vô tâm của những người thân."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cha chồng chị mới tuyệt vời em ạ. Rồi đến ngày, mình cũng rất muốn con cháu nghe chuyện của đời mình, phải không em?

      Xóa
  10. Mình đã nghẹ họng và chảy nước mắt với bài của em/ Hồ Nhật Thành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh trai họ Hồ của em!
      Không phải anh nghẹn ngào vì bài viết mà vì cuộc đời của một người cha, phải không anh? Những gì anh kể về cha và ông của mình cũng đáng để đọc và suy nghĩ nhiều lắm!

      Xóa
  11. Bài viết của chị thật chi tiết về người cha chồng đáng kính. Andi đồng ý với chị về điều này: "Hãy biết lắng nghe những tâm sự của người già, vì những lúc ấy họ rất cần có người để chia sẻ. "
    Chị là người con dâu thật có hiếu, ở đời có rất ít những người như chị.
    Bận quá lâu nay em ko vào blog và thăm chị. Thân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và một ngày nào đó, Andi cũng kể....và vợ chồng Gia Bảo sẽ ngồi nghe, đúng không em?
      Chị cũng chỉ hiếu nghĩa được một phần thôi em ạ.Cảm ơn em sang chơi. Lâu nay chị cũng bận lắm.

      Xóa
  12. Anh sang thăm em, chúc em luôn khỏe vui và viết thêm được nhiều bài hay. Chúc em đêm ấm áp an lành và ngủ ngon nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh. Thời gian tới em sẽ rất bận, chẳng biết có viết được không nữa anh ạ.

      Xóa
  13. "Hãy biết lắng nghe những tâm sự của người già, vì những lúc ấy họ rất cần có người để chia sẻ."...Sẽ như thế, vì một ngày không xa mình cũng sẽ già...Nhật Thành hén!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế đó chị. Rồi lúc đó mình gật gù với cái...máy tính để trò chuyện, chị nhỉ?

      Xóa