Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

QUẾT TRẦU THẮM MÃI

(Đôi lời cảm nhận về bài thơ NHỚ MẸ của nhà thơ Trương Quang Thứ)

Hòn tảng kê chân cột nhà
Xưa là chiếc cối mẹ ta giã trầu
Người về tiên cảnh từ lâu
Quết trầu thắm sẫm in màu thời gian.

Nhà giờ xây mới đàng hoàng
Hòn đá tảng cũng tân trang lên đời
Còn đâu nữa quết trầu vôi
Con nghe trống vắng chơi vơi lòng mình…

Đề tài về Mẹ xưa nay đã xuất hiện nhiều trong thơ. Từ những hình ảnh dân dã, mộc mạc qua phép so sánh để thấy cái ngọt ngào, cái đằm sâu tình mẹ:
                                    Mẹ già như chuối ba hương
                                   Như xôi nếp một, như đường mía lau.
đến cách so sánh để thấy được sự dạt dào vô tận, sự trong mát đến khôn cùng :
                                    Công cha như núi Thái Sơn
                         Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. 
Chính vì mỗi một chúng ta đều cảm nhận được nghĩa tình của mẹ dành cho con là sâu sắc, là vĩnh cửu, là bất biến nên mạch nguồn cảm xúc về mẹ của những người con không bao giờ vơi cạn và trong vắt như nước trong nguồn chảy ra! Nhiều nhà thơ viết về mẹ đã chọn những hình ảnh rất gợi, rất quen thuộc làm rưng rưng lòng người:
Có khi là hình ảnh mẹ đẹp trong vẻ tần tảo, mộc mạc mà yêu thương đến nao lòng:
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
                    (Nguyễn Duy)
Có khi mẹ chợt đến trong lời ru ngọt ngào sâu lắng:
Xa nhà chốc mấy mươi niên. 
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con.
(Hồ Chí Minh)
Hay nhớ về  dáng mẹ  như một dấu hỏi giữa đồng khô nắng cháy:
Gió đồng nội trưa hè nắng nóng
Mẹ ngồi khom nhổ cỏ một mình
(Hoàng Long)
 Rồi người mẹ miền Trung thương quá là thương:
Gió Lào hất ngược nón cời
Nắng mưa một mảnh áo tơi phập phồng
Đồng xa, gánh nặng, lưng còng
Mẹ như một mảnh liềm cong cuối ngày.
(Phạm Xuân Cần)

 Tất cả những hình ảnh ấy đã chảy vào lòng ta như muôn ngàn mạch máu chảy về tim, để ta cất lên những lời yêu thương nhất khi nói về Mẹ, để lòng ta trong sáng hơn khi nghĩ về Mẹ, để ta sống đẹp hơn khi nhớ đến Mẹ.
  Nhà thơ Quang Thứ bất ngờ chạm vào nỗi nhớ mẹ bằng một hình ảnh rất khác mà xưa nay tôi chưa từng gặp:
Hòn tảng kê chân cột nhà
Xưa là chiếc cối mẹ ta giã trầu.
Những ngôi nhà gỗ ngày xưa, dưới chân cột thường kê những hòn đã tảng rất to, vừa để tăng thêm sự vững chãi của chân cột, chống lún, vừa để mối khỏi bắt vào vì nền nhà đâu lát xi măng hay gạch như bây giờ, chỉ là nền đất thôi. Mẹ đã chọn một hòn đá kê dưới chân cột làm…cối giã trầu! Tôi đã từng thấy những người mẹ, người bà giã trầu trong cối: cái cối nhỏ, cầm gọn nơi tay, dùng một que bằng kim loại (đồng hoặc sắt),cũng nhỏ, có ba cái “răng” rồi ngoáy cho dập, cho nát miếng trầu trước khi đưa vào miệng để nhai bỏm bẻm. Nhưng Mẹ không có cái cối ấy, mẹ kê miếng trầu lên hòn đá tảng, đập dập ra, thế là “giã” đấy. Thương mẹ quặn lòng, mẹ ơi! Răng mẹ đã yếu, đôi tay mẹ  đâu còn khỏe nữa, đập dập miếng trầu tay mẹ có run ?
  Hình ảnh mẹ ngồi giã trầu như thế in vào lòng con: dáng mẹ gầy, khuôn mặt hằn bao lo toan vất vả của một đời người phụ nữ nơi “Gió Lào thổi rạc bờ tre” , nhưng đôi mắt mẹ ấm áp lắm, đôi mắt ánh lên niềm vui vì những đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo. Cả cuộc đời hi sinh cho chồng, cho con, cho cháu, giờ là lúc mẹ có thể “thong thả miếng trầu cay ấm nồng.” Mẹ có được những giờ phút thanh thản nhai trầu như thế kể cũng làm lòng con đỡ ray rứt phần nào. Nhưng:
“Cây khô chưa dễ mọc chồi
Bác mẹ đâu dễ ở đời với ta”
Biết là qui luật mà sao tim con vẫn nhói đau:
Mẹ về tiên cảnh từ lâu
Quết trầu thắm sẫm in màu thời gian”
Mẹ đã về cùng tiên tổ, để lại quết trầu lưu giữ hình bóng mẹ khi xưa.  Thời gian trôi, quết trầu từ “thắm” đã chuyển sang “sẫm”. Quết trầu sẫm lại nhưng trong tim con vẫn thắm mãi mẹ à. Vẫn còn đó quết trầu, nghĩa là con vẫn thấy mẹ còn đâu đó nơi góc vườn, nơi mảnh sân. Mẹ vẫn cười hiền và bảo: “Ừ, các con biết bảo ban nhau làm ăn , biết đoàn kết yêu thương nhau, thế là mẹ vui lắm.”
 Cuộc sống ngày một đi lên, các con cũng đã qua thời khốn khó. Ngôi nhà xưa ngày càng cũ kĩ,  trở nên chật chội. Chúng con đã làm được ngôi nhà mới to hơn, đàng hoàng hơn, mát mẻ hơn:
Nhà giờ xây mới đàng hoàng
Hòn đá tảng cũng tân trang lên đời.
Tác giả dùng liên tiếp các từ: “mới”, “đàng hoàng”, “tân trang” “lên đời” diễn tả sự đổi mới đi lên của cuộc sống, sự thay đổi của đời sống vật chất ngày càng no ấm, đó cũng là qui luật của xã hội, đó cũng là mong mỏi của tất cả chúng ta.Ta mừng vui vì điều đó.
 Ngày khánh thành nhà mới vui lắm mẹ ơi! Anh em đến chia vui, bà con lối xóm đến chúc mừng. Con sắm mâm cỗ, lòng thành kính báo với cha mẹ. Trong làn khói hương, nụ cười của mẹ rạng ngời làm lòng con ngập tràn hạnh phúc. Nhưng, khi quay lại ngắm ngôi nhà mới, thành quả vợ chồng con cái bao năm cố gắng chắt chiu dành dụm mới có được, lòng con bỗng thảng thốt:
Còn đâu nữa quết trầu vôi
                         Con nghe trống vắng chơi vơi lòng mình.    
 Với một con người luôn sống nặng  tình, nặng nghĩa, tôi hiểu cái trống vắng, cái chơi vơi của nhà thơ. Nhưng cuộc đời vốn thế, phải không anh? Ta không thể cứ khư khư giữ những thứ thuộc về vật chất của quá khứ đã lỗi thời, đã hư hỏng vì mưa nắng. Cuộc sống đi lên, mọi cái luôn thay đổi.
  Quết trầu vôi dù không còn nơi “ hòn tảng kê chân cột nhà” nhưng nó vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim nhà thơ. Quết trầu ấy không sẫm màu theo thời gian, nó tươi rói mãi trong bài thơ dung dị, mộc mạc mà thấm đẫm nghĩa tình này. Cùng với bao hình ảnh về mẹ, hình ảnh quết trầu trong thơ anh đã lan tỏa đến mọi người, góp thêm một mạch máu nhỏ chảy về trái tim  của TÌNH MẪU TỬ.
 Tôi tin nhà thơ Quang Thứ, “người có một bản lĩnh siêu phàm” như lời nhận xét của các nhà báo, “người có trái tim trẻ mãi” như lời bạn bè văn chương xứ Nghệ tặng cho anh, sẽ còn tiếp tục góp thêm cho đời những thi phẩm hay. Và mỗi người đọc chúng ta hãy tin điều đó, vì trong  trái tim nhà thơ có bao sợi dây đàn, nó dễ rung ngân trước mọi vẻ đẹp của cuộc sống để tạo nên những nốt nhạc đời trong trẻo và tha thiết!
                                                                        Nhật Thành

36 nhận xét:

  1. Bài cảm hay quá chị.
    Em không sinh ra trong một ngôi nhà như thế, mẹ em thì cũng... chưa già. Cho nên bài thơ và lời bình mở ra một điều mới lạ, ít nhất cho một bà mẹ hiện đại như em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính vì bây giờ phần đa không sinh ra trong một ngôi nhà như thế, không có nhiều những cối giã trầu như thế nên chị mới phân giải cho rõ ràng ấy mà.
      Chúc em vui!

      Xóa
  2. Tôi tin nhà thơ Quang Thứ, “người có một bản lĩnh siêu phàm” như lời nhận xét của các nhà báo, “người có trái tim trẻ mãi” như lời bạn bè văn chương xứ Nghệ tặng cho anh, sẽ còn tiếp tục góp thêm cho đời những thi phẩm hay. Và mỗi người đọc chúng ta hãy tin điều đó, vì trong trái tim nhà thơ có bao sợi dây đàn, nó dễ rung ngân trước mọi vẻ đẹp của cuộc sống để tạo nên những nốt nhạc đời trong trẻo và tha thiết!
    -----------------------------------------------
    Em cũng thấy như vậy chị à. Thơ anh ấy hay lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và em vẫn thắc mắc: sao mà nhà thơ yêu kinh khủng vậy?
      Xin bật mí: Mụ Phù Thủy làm nhà thơ nghiêng ngả nhưng vì bản tính nhút nhát nên chỉ...rón rén ngày đến ngắm hình em mươi lần, không dám sang nhiều hơn. He he...bảo chị đừng tiết lộ nhưng chẳng có gì hối lộ thì chị nói cho cả làng biết!

      Xóa
  3. Quết trầu in dấu thời gian
    Hương trầu phảng phất muôn vàn nhớ thương

    Bài thơ đã giàu cảm xúc. Bài bình nối tiếp cảm xúc ấy nhưng thêm cái khúc chiết của việc lí giải hình ảnh quết trầu nên làm cho người đọc hiểu kĩ và hiểu sâu ý nghĩa của nó chị ạ.

    Bà nội em ăn trầu. Từ hồi em còn nhỏ tới lúc lớn lên, em ngủ với bà là chính. Vì thế nên bây giờ mỗi lúc nhớ bà, em nhớ nhất mùi trầu cay cay, nồng nồng,hăng hắc ấy chị ạ, nhất là vào buổi sáng sớm, khi bà vừa ăn vừa ngâm nga một vài câu ca dao...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giờ ít người ăn trầu, mâm trầu cau trong lễ cưới hỏi bỗng trở nên kém duyên. ( vì sau đó hầu như để héo) Nghĩ vẫn có cái gì đó buồn buồn, em nhỉ?

      Xóa
    2. Rồi dần dần những người ăn trầu sẽ chỉ còn là quá khứ. Khi ấy, em không biết tục lễ cưới hỏi còn trầu nữa không?

      Xóa
    3. Chị chắc là có nhưng chỉ một ít tượng trưng thôi.Văn hóa trầu cau đã mai một dần như thế.

      Xóa
  4. Cảm xúc dâng tràn trên cảm xúc thành một sóng cảm xúc nối nhau trong biển tình về Mẹ và một thời nghèo khó...
    Chị cho em mượn bài này nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui khi em thích nó. Cảm ơn em.

      Xóa
    2. http://tho.com.vn/bai-viet/nhat-thanh-voi-loi-binh-bai-tho-nho-me-cua-nha-tho-truong-quang-thu/43625
      Đừng la em nha...em viết xong thì chị Ngân đăng rồi ..vẫn chưa bỏ, vừa định đăng lên thi đàn lén anh TQT thì chị lại đăng vậy là em dee...
      Em có dẫn line về đây chị ạ

      Xóa
    3. Cảm ơn em đã đưa bài cảm nhận của chị đăng lên một nơi trang trọng như thế.
      Thú thực, hôm trước thấy em có ý định viết lời bình cho bài thơ, chị định không viết nữa, nhưng chờ mãi không thấy. Giờ chị vẫn chờ đấy nhé. Em không được de. Chị luôn thích những bài thơ viết về mẹ.

      Xóa
  5. Nhật Thành thân mến!
    Khi viết bài thơ này anh đã khóc vì thương nhớ mẹ và ân hận mình không còn lưu giữ được dấu quết trầu thân thương của mẹ theo cùng năm tháng!... Bài thơ của anh ko nói được nhiều về tâm trạng, nhưng tâm trạng của mình luôn trăn trở và muốn bung ra trong nỗi thương nhớ mẹ nghẹn lòng! Đăng bài thơ này trên Blog cũng là một cách làm an ủi và làm dịu lòng mình. Bất ngờ anh được nhiều bạn bè đồng cảm, sẻ chia và hưởng ứng về mạch nguồn thương nhớ mẹ... Và đặc biệt, cùng với Thúy Ngân, em đã có bài cảm nhận sâu sắc về bài thơ NHỚ MẸ của anh. Từ những ý thơ chưa triển khai hết của anh, em đã thấu cảm, phân tích và mở rộng ra thêm trường liên tưởng. Nói như Lộc Vừng " Bài bình nối tiếp cảm xúc ấy nhưng thêm cái khúc chiết của việc lí giải hình ảnh quết trầu nên làm cho người đọc hiểu kĩ và hiểu sâu ý nghĩa của nó.". Và không ai khác, chính anh đã được em nói thay những điều anh chưa nói hết trong bài thơ. Vì thế khi dọc bài bình của em, anh đã rưng rưng nước mắt vì cảm động, nhưng đây là những dòng nước mắt cảm động ngọt ngào bởi có người cảm thông,chia sẻ...
    Với tư cách tác giả bài thơ, anh chỉ biết chân thành cảm ơn em đã hiểu sâu sắc, làm cho bài thơ thêm sinh động và cất cánh - cũng như em đã dành những lời tốt đẹp cho anh!
    Anh chúc em luôn vui khỏe, hạnh phúc, có thêm nhiều tác phẩm văn học thật hay em nhé!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. He he...chào nhà thơ!
      Thúy Ngân viết bằng tình cảm trào dâng của trái tim người phụ nữ rung động trước trái tim nhà thơ. Nhật Thành viết bằng lí trí của người dạy văn trước tác phẩm văn chương. Cách đến với tác phẩm khác nhau đấy nhé.

      Xóa
    2. Luôn mong mỏi đọc bài mới của NT. Thế mà mấy hôm nay con trai và con dâu nghỉ hè về chơi cứ bận tíu tít lên thành ra bây giờ mới vào đọc bài của em được. Đúng là một cô giáo dạy văn giỏi đây rồi. Lời giảng cặn kẽ, khúc chiết, thấu đáo và sâu sắc vừa bám vào lời thơ lại vừa bám vào hiện thực cuộc sống để mở rộng ý thơ (giảng hình ảnh hòn đá tảng làm cối giã trầu của mẹ). Lời bình ngắn gọn, tinh tế và giàu cảm xúc nên có sức lay động tâm trí người đọc ( Quết trầu vôi dù không còn nơi “ Hòn tảng kê chân cột nhà” nhưng nó vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim nhà thơ. Quết trầu ấy không sẫm màu theo thời gian, nó tươi rói mãi trong bài thơ dung dị, mộc mạc mà thấm đẫm nghĩa tình này. Cùng với bao hình ảnh về mẹ, hình ảnh quết trầu trong thơ anh đã lan tỏa đến mọi người, góp thêm một mạch máu nhỏ chảy về trái tim của TÌNH MẪU TỬ.
      Tôi tin nhà thơ Quang Thứ, “người có một bản lĩnh siêu phàm” như lời nhận xét của các nhà báo, “người có trái tim trẻ mãi” như lời bạn bè văn chương xứ Nghệ tặng cho anh, sẽ còn tiếp tục góp thêm cho đời những thi phẩm hay. Và mỗi người đọc chúng ta hãy tin điều đó, vì trong trái tim nhà thơ có bao sợi dây đàn, nó dễ rung ngân trước mọi vẻ đẹp của cuộc sống để tạo nên những nốt nhạc đời trong trẻo và tha thiết!).
      Chắc chắn là đọc xong bài bình này, người đọc sẽ thêm yêu bài thơ " Nhớ mẹ" của Quang Thứ cũng như thêm quý yêu, trân trọng hơn tác giả thơ và tác giả bình thơ. Tôi nghĩ đó là một phần thưởng vô giá cho những người sáng tác vậy.
      Tuy nhiên theo thiển ý của riêng ST thì hình như cái phần dẫn những câu thơ về mẹ trong bài của NT có vẻ hơi nhiều một chút chăng? Cố nhiên, ST biết rằng NT dẫn ra như thế với dụng ý khẳng định hai ý: Một là nhiều người viết về mẹ rất thành công; hai là QT cũng viết về mẹ nhưng anh không lặp lại những cách viết đó vì thế, bài thơ của anh rất riêng, rất độc đáo và rất thành công.
      Đến thăm NT hơi muộn,viết đôi lời chia sẻ, nếu có điều gì mong em thông cảm. Chúc em khỏe vui và viết nhiều bài hay để mọi người đọc thêm phần thích thú rung rinh nhé.

      Xóa
    3. Hì...lời nhận xét của chị làm em sướng rung rinh! Chị nói đúng cả dụng ý của em khi dẫn ra khá nhiều những câu thơ hay viết về mẹ. Lúc đầu, do sợ dài, em chỉ dẫn cụm từ nói về hình ảnh, nhưng trích dẫn như thế e không "đẹp" cho thơ, phải không chị?
      Nhưng nhà thơ QT này tệ lắm chị ơi. Hồi em viết "TÌNH YÊU KHÔNG CÓ TUỔI", tác giả Tú Tâm rủ thêm 4 người bạn văn chương nữa phi xe từ Quỳnh Lưu lên Quỳ Hợp (gần 100 km) để mời người bình một cốc cafe, thế thì ít ra nhà thơ QT cũng phải mời NT một cốc nước mía cho phải phép chứ nhỉ? He he...

      Xóa
    4. Nhật Thành cũng hay "Bõ giỗ mắng đầu họ" lắm đấy Song Thu ạ. Đợt Nhật Thành viết bài cảm nhận này anh chưa kịp mời cảm ơn (định hôm nào mời đi khách sạn). Hihiii. Chứ mấy lần Nhật Thành về Quỳnh Lưu trước đây anh mời đến nhà nhưng NT có chịu đến đâu.
      Vậy hôm nào anh mời riêng Nhật Thành để cảm ơn, NT đừng từ chối đấy nhé. Hiii...

      Xóa
    5. Nhà thơ cũng khôn đáo để! Có mới thì mời đi nhà hàng chứ vào khách sạn có mà chiêu đãi...ngủ à? Thế ra người bình thơ phải trả công cho tác giả bài thơ?
      Nhưng NT cũng giống thằng Bờm, rất biết giá trị của thứ mình có và sẽ xứng đáng đổi cái gì, không ảo tưởng. Thằng Bờm đổi quạt mo lấy nắm xôi, NT chỉ đổi bài bình lấy cốc nước mía là được. Nhà thơ chưa có thì cho nợ vậy.

      Xóa
    6. Nhà thơ thì khôn, nhà phê bình thì tỉnh táo để nhận ra cái khôn "róc đời" của nhà thơ. Nhưng NT ơi nếu chỉ đòi chiêu đãi cốc nước mía thì không ổn, nói theo kiểu bỗ bã là rẻ quá.
      Chí ít cũng phải là một bữa túy lúy ở nhà hàng cao cấp cho tác giả và những người chứng kiến nữa chứ( trong số những người chứng kiến đó có cả ST nữa nha)






      (

      Xóa
    7. Coi khéo nhà thơ chạy làng đó chị.

      Xóa
  6. Bài bình hay vì viết trên nền cảm xúc của tác giả và gửi cả tấm lòng vào những câu chữ đầy ắp hình bóng mẹ trong ấy .
    Cặp này ( Tác giả và người bình thơ ) nay mai về hưu , cứ một người sáng tác và một người phụ họa bình , đi đó đây xem ra...hốt bạc (!)
    Thơm cay một miếng trầu xưa
    Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
    Bây giờ đã hết gieo neo
    Lại không còn mẹ mà chiều khổ không
    Từ ngày đưa mẹ ra đồng
    Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn .
    Nguyễn Thị Mai
    Mặc dù lão còn mẹ , nhưng những vần thơ viết về hình bóng mẹ với " thơm cay một miếng trầu " như các tác giả luôn làm lão xúc động. Hình ảnh miếng trầu với người mẹ như không thể tách rời và phôi pha theo năm tháng .
    Mỗi lần về quê , quà cho mẹ vẫn là 100 cau ( Một chục cau của người Nam bộ là 14 trái > 100 cau = 140 trái ) . Đúng là sau này , khi mẹ trăm tuổi , qua hàng trầu con không dám nhìn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy hôm thấy vắng lão trên blog, em lại nghĩ nhiều về mẹ lão. Tại hôm trước nghe bảo mẹ không khỏe. Quê mình nắng nóng có hôm đến gần 40 độ lão à.Người trẻ còn cảm thấy bải hoải nữa là.
      Cau miền nam mềm, mẹ nhai trầu cũng sướng. Quà của lão mẹ nhấm nháp được cả mấy tháng.Nếu có thêm bạn ăn trầu để mẹ khoe quà của con trai thì miếng trầu càng thơm hơn.

      Xóa
  7. ... Hòn tảng kê chân cột nhà
    Xưa là chiếc cối mẹ ta giã trầu
    Người về tiên cảnh từ lâu
    Quết trầu thắm sẫm in màu thời gian.

    Nhà giờ xây mới đàng hoàng
    Hòn đá tảng cũng tân trang lên đời
    Còn đâu nữa quết trầu vôi
    Con nghe trống vắng chơi vơi lòng mình…
    Cảm ơn anh Quang Thứ ,bài viết như nói hộ tui nỗi nhớ và sự chơi vơi khi về nhà mẹ...

    http://seablogs.zenfs.com/u/ktiIOKGGGAKvhSDtnnjTeeUr.iHvF4uO2w--/photo/ap_20111115085725518.jpg

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đã thấy ảnh cụ bên nhà chị rồi, cụ trông thật phúc hậu chị nhỉ?

      Xóa
  8. Khi viết bài thơ này anh đã khóc vì thương nhớ mẹ và ân hận mình không còn lưu giữ được dấu quết trầu thân thương của mẹ theo cùng năm tháng!... Bài thơ của anh ko nói được nhiều về tâm trạng, nhưng tâm trạng của mình luôn trăn trở và muốn bung ra trong nỗi thương nhớ mẹ nghẹn lòng! Đăng bài thơ này trên Blog cũng là một cách làm an ủi và làm dịu lòng mình. Bất ngờ anh được nhiều bạn bè đồng cảm, sẻ chia và hưởng ứng về mạch nguồn thương nhớ mẹ... Và đặc biệt, cùng với Thúy Ngân, em đã có bài cảm nhận sâu sắc về bài thơ NHỚ MẸ của anh. Từ những ý thơ chưa triển khai hết của anh, em đã thấu cảm, phân tích và mở rộng ra thêm trường liên tưởng. Nói như Lộc Vừng " Bài bình nối tiếp cảm xúc ấy nhưng thêm cái khúc chiết của việc lí giải hình ảnh quết trầu nên làm cho người đọc hiểu kĩ và hiểu sâu ý nghĩa của nó.". Và không ai khác, chính anh đã được em nói thay những điều anh chưa nói hết trong bài thơ. Vì thế khi dọc bài bình của em, anh đã rưng rưng nước mắt vì cảm động, nhưng đây là những dòng nước mắt cảm động ngọt ngào bởi có người cảm thông,chia sẻ...
    Rất cảm ơn tác giả Quang Thứ đã viết những câu thơ và lời tâm sự thật cảm động,chân thực

    Trả lờiXóa
  9. Đọc xong mình chỉ biết lặng người đi vì cảm xúc đang dâng tràn, nhớ mẹ ai cũng nhớ mà nói lên như vậy có mấy ai làm được. rất hay, vì đã đánh động tâm hồn người đọc. chúc bạn vui vẻ an lành bạn nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ ngắn, nói ít gợi nhiều, phải không anh Mẫn? Mỗi người tùy theo cách cảm của mình mà liên tưởng đến những hình ảnh có thể khác nhau về mẹ.
      Cảm ơn anh sang chơi.

      Xóa
  10. Mẹ đi để lại dấu này
    Để còn thắm mãi cầu cay trên trần!
    Dẫu cho thương mẹ ngàn lần
    Lòng con cay đắng muôn phần Mẹ ơi!
    Chẳng còn nhìn thấy mẹ tôi
    Miếng trầu cau với chút vôi bạc màu...

    Trả lờiXóa
  11. Mẹ đi để lại quết trầu
    Như hình bóng mẹ ngày nào bên con.
    Chúc anh luôn khỏe và lạc quan nhé.

    Trả lờiXóa
  12. Bài thơ Nhớ Mẹ của QT ai đọc cũng rung động ,bởi vì ngoài tình thương nhớ mệ của QTcũng như bao người ,nhưng ở bài thơ này QT đã chọn đc hình ảnh độc đáo tưởng chừng qua nhỏ ko ai nghĩ đến . Đó là thành công duy nhất đưa ta đến những cảm xúc bất ngờ
    Cảm ơn HNT đã khàm phá và đưa ra những nhận xét vô cùng thấu đáo nội dung của bài thơ Chúc tác giả và cả người bình thơ có nhiều sk để có nhiều thi phẩm hay để bạn bè thưởng thức nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh đã đọc và có những lời động viên. Chúc anh khỏe và luôn vui nhé.

      Xóa
  13. Kể cho NT nghe nè. Hồi học PT, mình chán môn Văn lắm, chả mấy khi được đến 7 điểm. Cho nên bây giờ vào blog của ai mà thấy bài cảm nhận thơ là mình im thin thít. Im vì không biết nói gì. Im vì đọc mà hình như không vào.
    Nhưng mà mình đã đọc hết bài này rồi đó. Phục mình quá đi! :D
    Giá mà hồi xưa bạn làm cô giáo dạy mình môn văn thì có khi mình đã không chán văn.
    Bài thơ của anh QT thật xúc động. Nếu không có một tình yêu lớn dành cho mẹ thì chắc không thể viết được như vậy. Tuy nhiên, mình hơi tiếc câu cuối. Cả bài thơ, nhà thơ đã dùng những từ ngữ và hình ảnh rất đắt, từng từ một đọc mà như thấm vào tận đáy lòng, duy đến câu cuối thì - tuy vẫn đúng ngữ cảnh, vẫn đúng về tình cảm - nhưng câu từ thì ta đã nghe ở rất nhiều nơi khác, nên nó trở nên bình thường, khiến người đọc cảm thấy hơi hụt hẫng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quý mến gửi Om!
      Mình chỉ là người làm thơ bình thường. Trong những bài thơ mình làm chỉ có được số ít bài hay. Còn lại là nhiều bài bình thường hoặc có thể tầm thường. Trong bài hay cũng chỉ có một số câu hay chứ không phải là toàn bích. Được bạn đọc thích và nhớ cho một vài câu thơ của mình, tác giả cũng thấy hạnh phúc rồi, và tất nhiên luôn tâm niệm làm sao để viết tốt hơn chứ không tự mãn "Văn mình, vợ người".
      Quay trở lại bài thơ NHỚ MẸ của mình. Bài thơ quý ở cái tình, vì mình viết trên cảm xúc, hoàn cảnh rất cụ thể nên chân thực và sâu sắc, không phải tìm tòi ý thơ hay câu chữ.gì nhiều. Được Nhật Thành viết bài cảm nhận và bạn bè đón nhận hưởng ứng, mình rất vui. Mình nghĩ đó là sự ưu ái của mọi người dành cho mình... Vả với Om, Om cũng có lời khen chê (nhận xét) thật công bằng. Điều này làm cho mình trân trọng. Đúng như Om nói câu thơ cuối:"tuy vẫn đúng ngữ cảnh, vẫn đúng về tình cảm", thiết tha nhưng không mới, nên chưa tạo nét riêng trong lòng người đọc chăng?
      Mình thích có những nhận xét khách quan chân thành như của Om. Nếu khen chê đúng sẽ có ích cho không những tác giả mà có ích cho cả bạn đọc. Xin cảm ơn Om và chúc bạn vui khỏe, hạnh phúc nhé!...

      Xóa
    2. Hì...thầy cô nào dạy văn bạn mà đánh giá thấp kiến thức văn học của bạn thế? Riêng lời nhận xét này thôi (chưa kể bao lời nhận xét có giá trị của bạn ở những chỗ khác trên các blog) đã chứng tỏ năng lực cảm thụ tác phẩm của bạn rất tinh ( chẳng thèm nịnh đâu nha, vì nếu bạn là học sinh của mình thì "cô" còn nịnh để...dạy thêm! he he...).
      Mình cũng có suy nghĩ ấy nên trong bài cảm nhận, mình lướt qua câu cuối, mặc dù biết đó là tâm trạng rất thật của nhà thơ, nhưng với những điểm "mới" ở phần trên trong việc thể hiện tình mẫu tử thì cách dùng từ ở câu cuối hơi cũ.
      Còn như mình thì khi xem tranh triển lãm, thấy người ta khen đẹp, khen ý nghĩa, mình gặc gặc theo kiểu: à, biết rồi! Nhưng thực ra mình chẳng hiểu quái gì cả. Thấy bức nào vẽ giống ngoài đời thì khen họa sĩ giỏi, bức nào thấy vuông vuông, tròn tròn, khối này khối kia thì nghĩ họa sĩ này chắc...không biết vẽ! Hi...

      Xóa
  14. Lâu rồi không ghé thăm O
    Nghỉ hè nhớ Nghệ khi mô thì về?
    Dạo ni sức khỏe răng hề
    Vẫn say thơ phú vẫn mê chuyện trò?
    Vài lời anh gửi thăm O
    Nôm na, mộc mạc gọi là. Vậy thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ đi khắp bốn phương trời
      Bựa ni bỗng ghé đến chơi đây hè?
      Thấy cụ, o cười khè khè:
      Rằng o vẫn khỏe, nghỉ hè rất vui.
      Vui vì nỏ phải ra ngoài
      Nên quần áo nỏ phải thay cụ nà.

      Xóa