Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

NGƯỜI MIỀN NÚI 5

Một ngày của tháng mười một âm, làng bản, núi rừng vẫn chìm trong sương mãi đến tám giờ sáng, nhưng trời không mưa. Ánh nắng đủ sưởi ấm những luống thuốc phiện trồng quanh nhà dân để  không bị cháy quắt vì sương muối. Thế nhưng học sinh mãi vẫn chưa thấy em nào đến trường. Chị Lan bảo, trong bản có đám cưới, chúng ở nhà ăn cưới cả, không đến trường đâu. Ra thế. Cứ có đám ma, đám cưới là cả bản già trẻ lớn bé đều tập trung đến ăn. Có khi kéo đến hai ba ngày, nhất là đám ma. Tí nữa đi cho biết đám cưới ở đây, chị Lan lại rủ rỉ. Tôi hỏi, nhưng họ có mời không? Cần gì mời, đến rồi người ta mời vào thôi. Đúng là đông như nhà có đám. Đàn ông tất bật với việc nấu nướng: hông xôi, luộc thịt, cắt thịt, bày mâm. Đàn bà chỉ đi vác nước rồi làm những việc vặt, còn nữa ngồi nhai trầu. Những người khác nữa không làm gì thì uống rượu cần, hô hét inh ỏi. Bọn trẻ con chạy nhảy, reo hò.
   Thấy thầy cô đến, họ kéo vào uống rượu cần. Xong hiệp rượu thì ngồi mâm. Mỗi mâm 5 người. Thức ăn bày trên lá chuối, chỉ có món thịt luộc, rồi có 5 bát con cháo lòng, một ép xôi ( ép là đồ dùng đựng xôi, đan bằng mây, rất đẹp. Người miền núi hông xôi xong, quạt cho nguội rồi bỏ vào ép, đậy lại thật chặt. Xôi để cả ngày vẫn dẻo). Ngồi vào mâm, tôi bưng bát cháo húp, rất ngọt. Mọi người cười, húp hết cháo lấy gì mà chấm? Hóa ra cháo để chấm thịt, chấm xôi. Thấy thế, một thanh niên bưng tiếp cho tôi một tô nữa, bảo cô giáo thích thì ăn đi, còn nhiều trong nồi ấy.
  Đi ăn cưới về thấy một người đàn ông lạ đang đứng ở sân. Hỏi anh có việc gì mà vào trường? Mình vào thay thầy Mạnh. Hóa ra thay hiệu trưởng à?
  Thầy Mạnh nguyên là giáo viên dạy Vật Lí ở trường nội trú, đang yên đang lành bỗng tham gia vào vụ trộm trâu của dân. Họp lên họp xuống, kỉ luật đuổi khỏi ngành thì nặng quá nên cuối cùng đẩy vào đây làm hiệu trưởng. Hôm tôi mới vào trường, thấy hiệu trưởng trong bộ dạng khô quắt, mặc chiếc áo sọc đen đỏ cũ sờn và chiếc quần nâu vải pha ni lông nhăn như lò xo, tôi cười: “ Anh nên đeo một tấm biển “Đây là hiệu trưởng” trước ngực ấy.” Giọng Quỳnh Lưu: “Mình có ham chi cái chức hiệu trưởng mô.” “ Không phải, nhưng treo thế để người ta khỏi lầm tưởng là thằng cha chăn bò.” Anh ta cười đau khổ: “ Vào đến đây rồi, hiệu trưởng hay chăn bò thì khác chi nhau?” Làm hiệu trưởng nhưng suốt ngày chỉ biết vào bản kiếm rượu uống, say ngất ngư thì loạng choạng về kí túc ngủ. Không ngủ thì biết làm gì? Giáo viên đi dạy, hiệu trưởng không dạy thì ngủ. Nghe bảo có phương án thay hiệu trưởng từ đầu năm học nhưng mãi gần hết học kì 1 mới tìm ra người.
  Thầy Nhân mới vào thay là một hiệu trưởng có kinh nghiệm, đã làm nhiều năm ở trường ngoài. Thầy bảo phải ổn định lại mọi thứ, nhất là phần chuyên môn. Ở đâu cũng phải dạy cho ra dạy, học cho ra học. Ở vùng biên càng phải chăm chút con em hơn vì liên quan đến cả an ninh, chính trị… Giáo viên lục tủ lấy giấy đóng vở soạn bài, hiệu phó lo làm thời khóa biểu…
  Thầy đi từng phòng, tìm hiểu, hỏi han tình hình. Dừng lại ở phòng chị em tôi khá lâu, tôi bảo: Lớp 9 có 7 em toàn là nam nhưng không bao giờ đi đủ. vì mỗi tháng chúng phải nghỉ ít nhất là 3 ngày để đi làm rể. Đứa nào cũng có vợ cả rồi. Hỏi sao có vợ còn đi học, chúng bảo: “Học để làm cái cán bộ, lấy vợ cho hắn làm việc nhà để ta còn học chứ.” Việc đào tạo cán bộ địa phương phải như thế. Các em nữ chủ yếu chỉ học xong cấp 1 là nghỉ để lấy chồng. Còn số giáo viên địa phương, trình độ chuyên môn 7+ hè (học xong lớp 7 ngày xưa rồi học thêm 3 tháng hè kĩ năng sư phạm về dạy cấp 2)  hoặc 4+1 (học lớp 4 rồi thêm 1 năm sư phạm về dạy cấp 1), gọi là đào tạo cấp tốc, năng lực yếu, thầy nên cho giáo viên miền xuôi kèm cặp cho họ.
   Tổ chức dự giờ để khảo sát chất lượng giáo viên. Việc chưa có xưa nay.
 Giờ Học vần của thầy Hình, học bài “Nh” “Th”. Trong sách giáo khoa vẽ 2 bức tranh, bức bên trái là cái nhà, dưới ghi chữ “Nhà” có in màu chữ “nh”, bức bên phải vẽ con thỏ, dưới viết chữ”Thỏ” in màu chữ “th”. Đáng ra thầy cho học sinh quan sát tranh rồi hỏi tên sự vật, học sinh gọi đúng tên “nhà” “thỏ” thì thầy giới thiệu chữ, và từ đó nhận mặt phụ âm nh, th. Nhưng thầy giơ sách lên:
-         Đây là “nhà”, đây là “thỏ”, ghép lại ta có từ “nhà thỏ”. Nhà thỏ hay còn gọi là chuồng con thỏ. Ở miền núi thì chuồng thỏ làm bằng gỗ, nhỏ thôi, nhưng có lẽ đây là chuồng thỏ ở thành phố nên xây bằng xi măng, to lớn như nhà con người…
Rồi thầy kể về các loại thỏ, nuôi nó ăn như thế nào, thịt ra sao…Những người dự cười khúc khích, hiệu trưởng đứng dậy: “Thôi, cả lớp nghỉ, thầy giáo vào phòng họp”
Họp rút kinh nghiệm. Giáo viên phải lấy cuốn “ Sách giáo viên” có hướng dẫn cách triển khai bài dạy mà làm theo, đừng dạy “bo” như thế.
Ngày hôm sau, thầy Páo dạy toán, bài: Số 10. Hỏi đã đọc hướng dẫn dạy chưa? Đọc kĩ rồi, thuộc rồi.
 Thầy vẽ 10 vòng tròn nhỏ trên bảng rồi tô phấn vào, hỏi: “ Trên bảng có bao nhiêu chấm đen?” Học trò ngơ ngác. “Đếm đi!”, thầy giục. Học trò vẫn nhìn lên bảng nhưng không em nào giơ tay. Thầy chỉ định một em. Nó rụt rè: “Thưa thày, không có cái chấm đen nào.” Thầy khùng lên: “ Không có, không có thì cái cục c…đây à? Dốt vừa thôi chứ! “ Ơ, em tưởng cái màu ấy là màu trắng?”
 Bị phê bình, thầy cãi: “Bảo theo cái sách hướng dẫn, tôi theo đúng như thế mà!” Khổ, trong sách người ta tô mực thì đen, trên bảng thầy tô phấn thì làm sao mà đen được cơ chứ!
Dự tiếp một tiết của cấp 2, bài “Nghĩa của từ” học ở lớp 6. Thầy Nguyệt có vẻ ăn nói rành rọt hơn. Phần đầu dạy trôi chảy vì hầu như đọc khái niệm trong sách giáo khoa. Đến phần nêu ví dụ về sự phân nghĩa của từ, đáng ra phải hỏi: Nghĩa của từ “giáo viên nam” “giáo viên nữ” cụ thể hơn nghĩa của từ “giáo viên” như thế nào? Thầy lại hỏi:
-         Em nào biết, giáo viên nam khác giáo viên nữ chỗ nào?
Cả lớp im lặng.
-         Em nào biết, giơ tay lên!
Vẫn im lặng.
Thấy thầy hiệu trưởng nhíu mày, thầy đâm hoảng.
-         Hỏi thế mà không ai biết à? Không hiểu tiếng Kinh à? – mặt và tai thầy đỏ lựng lên – biết thế nào thì nói thế đó chứ!
Thấy thầy nổi khùng, một em rụt rè giơ tay:
-         Thưa thày, nói tiếng Kinh thì xấu hổ với các thày cô lắm. Em nói tiếng Thái được không?
-         Nói đi, tiếng gì cũng được!
-         Thầy giáo thì mi qui còn cô giáo thì mi hí…
Cả lớp cười, thầy cô cũng không nín được cười.
Thầy hỏi khó thế thì trò phải đưa bộ phận sinh dục ra mà phân biệt chứ sao.
Tối thứ bảy, tôi kể chuyện với “chú”, “chú” không cười, im lặng một hồi rồi bảo:
-         Xong nghĩa vụ, chuyển về Hưng Nguyên dạy nhé?
-         Nhưng “cháu” ở Quỳ Hợp mà.
-         Cây mất gốc có sống được không?
-         Được chứ, rau khoai đó, cắt ra từng đoạn trồng vẫn sống.
-         Đó là dây.
-         Cây sắn này, câu dầu trẩu này, cây xương rồng này…đầy cây chặt gốc trồng nơi khác vẫn sống.
-         Toàn lí sự cùn!
-         Cùn mà sắc chặt không đứt!
Nói vui thế thôi, tôi biết chuyển về Hưng Nguyên là điều không thể. Xong nghĩa vụ, phòng GD Quế Phong sẽ chuyển tôi về phòng GD Quỳ Hợp, bởi tôi là người Quỳ Hợp. Muốn về Hưng Nguyên phải có ô dù, có tiền. Cả hai tôi đều không.
Tôi đã từng từ chối về quê mình vì thói gia trưởng quá mức của người ấy, qua cầu ván rút rồi còn đâu?


  

56 nhận xét:

  1. Nhận tem vàng cái đã. Còm tiếp sau hè!

    Trả lờiXóa
  2. Qua thăm nhà giáo nhà văn, biết thêm được nhiều điều về miền núi....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cảm ơn chị nha. Vào năm học bận chị nhỉ? Em viết vơ vẩn kể lại một thời ấy mà
      Luôn vui nha chị.

      Xóa
  3. Có phải thứ cháo mà Nhật Thành kể đó giống món canh ko? nó đc chế biến từ nõn cây chuối rừng thái mỏng rồi băm nhỏ, nấu sền sệt với gạo tẻ giã nhuyễn và lòng lợn. Đây là món canh người Thái, Thổ ở miền núi Nghệ An hay dùng. Hình như họ gọi là canh nhọoc hoặc canh ột thì phải? Mấy lần lên Tương Dương, Quế Phong, bọn anh đều rất thích món này và cá mát nướng, thịt lợn chua, thịt lợn xông khói của họ ăn với cơm lam, cơm nếp nại. Thịt lợn xông khói có màu đỏ như chưa chín, mới đầu trông ghê ghê nhưng sau ăn thử thấy ngọt ngon...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà thơ ơi, canh là canh mà cháo là cháo chứ. Món mà nhà thơ được đồng bào chiêu đãi văn nghệ sĩ ấy là canh ột. Hồi trước, khi em ở vùng cao, em đã được ăn khá nhiều. Trên bếp của mỗi nhà thừng có sắn một nồi nước sôi, khi đi làm nương làm rẫy về, họ bắt được con ốc, con nhái, cá con...qua suối làm sạch, rồi về thả vào nồi nước đó. Người ta tìm thêm măng, nõn chuối, rau...cũng rửa sạch, thái nhỏ, bỏ vào. Gạo ngâm mềm, giã bột quấy vào cuối cùng. Đó là món canh Ột. Câu thơ "Bắt con ốc khe chặt nõn chuối rừng" viết về cuộc sống của Bác và cán bộ cách mạng khi ở Việt Bắc chắc cũng nói về món này.
      Còn bây giờ, món canh Ột trở thành đặc sản. Gà hoặc xương lợn hầm lên, măng đắng luộc rồi bỏ vào, đâm bột gạo bỏ vào. Nhà hàng tính một tô là 100 ngàn, còn mình tự nấu thì hết khoảng 50 ngàn nguyên liệu/tô, trong đó tiền măng đắng là 20 ngàn. Thịt lợn chua, thịt lợn xông khói tính gía thành cũng khoảng 300 ngàn một đĩa. Đồng bào chỉ dọn món đó khi có khách quí thôi. Văn nghệ sĩ luôn là khách quí của đồng bào miền núi đấy.
      Cơm lam, chè đâm, canh Ột, thịt chua, thịt trâu khô, thịt xông khói, măng đắng...nay đều là đặc sản ở nhà hàng.
      Món cháo em kể là cháo lòng, không phải canh.

      Xóa
    2. Kinh, hai anh em, một nhà văn, một nhà thơ sướng thế được chiêu đãi bao nhiêu là món vừa lạ vừa ngon.
      Thèm quá cơ!

      Xóa
  4. Em đã đọc hết các phần.
    Mọi người đều nói hết những điều em nghĩ rồi. Nên em thôi nhé.
    Chị có sự trải nghiệm nên viết về cuộc sống và sinh hoạt cũng như những câu chuyện nhỏ về người miền núi thật sinh động.
    Nói thật là em đi qua miền Trung chỉ là đi trên đường 1 hoặc đường HCM,có dừng lại thì cũng chỉ dừng ở những tụ điểm du lịch. Đọc những gì chị viết mới hiểu thêm nhiều hơn về vùng đất này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà báo Lộc Vừng mà tiện thể rẽ vào vùng sâu hơn một chút chắc thú vị hơn nhiều ở những tụ điểm du lịch.
      Lâu nay em bận à?

      Xóa
    2. Em bận chút, nhưng giờ sẽ quay lại blog thường xuyên hơn chị à.
      Bọn em cũng có nhiều NB thực tế trong vùng sâu vùng xa. Nhưng phụ nữ thường được ưu tiên, thường ở miền đồng bằng nhiều hơn.

      Xóa
    3. Ừ, em có gắng đừng đứng tựa cửa mài như thế nhé.
      Sắp tới chị bận, sẽ chỉ đi đọc ké thôi.

      Xóa
  5. Ô trời! Chị không bao giờ nghĩ rằng lại có một vài giáo viên xấu đến mức đi trộm trâu hay đi mua đổi lọc lừa ngay nơi mình công tác như ông hiệu trưởng bất đắc dĩ kia và ông công đoàn nọ của trường em mô. Lại càng không thể ngờ rằng có những giáo viên dốt và ấu trĩ đến như một vài người nọ nữa. Buồn nhỉ? Đúng là điều gì cũng có thể sảy ra mà.
    Tuy chương này không giàu kịch tính nhưng cách em mô tả chân thực, cụ thể, chi tiết và sống động cũng cuốn hút người đọc em ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi, nơi sơn cùng thủy tận này làm con người ta nhiều khi đánh mất mình đó chị.Còn có những thầy trộm cả nồi niêu kí túc bán đi để lấy tiền sang Lào. Nồi dân dụng to, chảo to...bán cho hội nấu cao lấy mấy chục ngàn.
      Còn giáo viên đào tạo cấp tốc ở địa phương thì chị biết đấy, khi học phổ thông thì đọc chưa thông, viết chưa thạo. Hồi đó gv miền núi thiếu trầm trọng vì gv miền xuôi lên bỏ về hết. Sốt rét rụng hết tóc thì bỏ nghề chạy lấy người thôi. Kể chuyện dạy của họ thì còn nhiều chuyện cười ra nước mắt nữa kia. Em bỏ phí mấy năm ở đó, xót lắm.

      Xóa
    2. Những mảng màu cuộc sống người miền núi thật sự xa lạ và hấp dẫn nhiều người đang hiện dần lên từng trang viết . Cuộc sống của họ còn bộn bề khó khăn và nhọc nhằn , nhưng tình người thì sáng trong như nước suối.
      Khi cuộc sống ồn ào phố thị đua chen , kèn cựa thì cuộc sống của người miền núi thật an bình đến phát thèm. Họ sống thật đến là cảm động.
      Một thời khó khăn gian khổ , các thầy cô đã gửi tuổi xuân của mình vào rừng thẳm núi cao để đổi chữ cho người miền núi. Nhiều cô giáo sau thời gian nghĩa vụ vùng sâu vùng xa , về lại quê hương chỉ còn da bọc xương vì sốt rét...
      Còn nhiều , rất nhiều những hệ lụy đầy nước mắt tử việc mang chữ cho người vùng cao trong cuộc đời các cô giáo...

      Xóa
    3. Còn nhiều hệ lụy, đúng như thế đó lão. Em may mắn không bị sốt rét, nhưng 8 năm vùng sâu đã lấy trọn tuổi xuân. Quãng thời gian đẹp nhất để yêu thì không dám, cố kìm lòng vì sợ...Khi những rung động của tuổi trẻ đi qua, hôn nhân chỉ còn là nghĩa vụ và trách nhiệm.
      Chàng sĩ quan ngày xưa có lẽ giống lão ở sự thông minh, hài hước nhưng giàu tình cảm của trai xứ Nghệ.
      Hì...thế nên em nghĩ chắc hồi trước lão cũng tán gái siêu lắm. Đang chờ bài viết của lão kể về mối tình với các giáo sinh Tân Kì đấy.

      Xóa
  6. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  7. Có thể là hơi "hoài" hơi "uổng" một tí chứ chẳng phí một chút nào đâu. Nếu không có "mấy năm ở đó" thì làm sao em dám đem tuổi thanh xuân trinh trắng của mình đi "mưng xì cu, cu xì mưng" ? Làm sao em có thể nghĩ ra và viết được một bài thơ "trả đũa tay sĩ quan" cao thủ đến thế ? Làm sao em có điều kiện chứng kiến "nhiều chuyện cười ra nước mắt", và những nhân vật "nhà giáo méo mó" một thời ? Không có những năm tháng đó, em có thể có một cuộc sống ổn định hơn và trở thành một nhà giáo mẫu mực hoặc một cán bộ quản lý giáo dục. Nhưng em không thể trở thành nhà văn được. Mà đã là nhà văn thì anh nghĩ cái hạnh phúc của họ là ở chỗ: Không một mẩu đời nào của bản thân bị bỏ phí cả. Em có nghĩ giống anh không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người ta thường nói: phí hoài, uổng phí mà anh.
      Trong truyện em viết có hình ảnh người miền núi nhưng rất ít, và lại viết về vùng miền núi Quỳ Hợp, nơi cuộc sống đang xơ xác đi vì quá nhiều tài nguyên.
      Em muốn viết về mảng những phận người bất hạnh, nghèo khổ hơn. Thời gian này em có những chuyện không hay nên chưa thể viết truyện được. May chăng thì tranh thủ gọt lại những truyện đã viết...
      Vâng, em sẽ tận dụng những mẩu đời của mình để viết ra cái gì đó có ích anh ạ.

      Xóa
    2. Anh chỉ thấy việc em mang tuổi trẻ của mình đi "gạ gẫm" là hơi "hoài" hơi "uổng" một tí thôi. Nhưng em đã "đòi lại" được rồi còn gì ? Còn mấy năm em sống ở cái xứ "sơn cùng thủy tận" ấy thì không phí. Cố nhiên là không phí với một nhà văn thôi.Những vấp váp, những khốn khó trên đường đời sẽ giúp nhà văn tích lũy thêm nhiều vốn sống. Đến một lúc nào đó những vốn sống ấy sẽ trở thành nguồn nguyên liệu cho nhà văn xây dựng tác phẩm. Anh nói nó không "phí" là như thế. Anh chúc và mong em thành công.

      Xóa
    3. Giờ mà em gạ gẫm ai
      Chắc là người đó phí hoài vì em.
      He he...

      Xóa
    4. Thì em thử gạ gẫm xem
      Người về Quỳ Hợp như nêm chật đường
      Hô ten chật hết các giường
      Hàng trăm lều bạt rợp đường Thung Mây...

      Xóa
    5. Nghe anh tả thật là hay
      Giống như trẩy hội vào ngày thanh minh
      Người đông chen lối rập rình
      Làm sao tìm thấy được anh bây giờ?
      Lẽ nào lại phải: "A lô
      Chị Thu ơi, anh Tuân mô rứa hề?"

      Xóa
    6. Bao giờ họ rút cả đi
      Thì anh "ăn mảnh" anh về với em.

      Xóa
    7. Chờ cho họ rút hết trơn
      Thì anh lúc đó hỏi mần được chi?
      Hay là mệt ngủ li bì
      Mất công em gánh trả về Chí Linh!

      Xóa
    8. Li bì anh ngủ kệ anh
      Hết cơn buồn ngủ lại thành trẻ trai
      Chớ đem gánh trả mà hoài
      Phải đâu một sớm một mai anh vào.

      Xóa
    9. Chưa ngủ hung hăng như gà chọi
      Muốn đá liền chân chẳng nghỉ ngơi
      Ngủ dậy lờ đờ như gà dịch
      Chẳng nhấc nổi tay để đuổi ruồi!

      Xóa
    10. Tập trung mà "gọt truyện" đi
      Anh là "gà chọi"...gà gì cũng xong
      Miễn là em viết thành công
      Miễn là anh ở trong lòng cuả em
      Ngoài ra cần có gì thêm...?

      Xóa
  8. Chị ơi, sang nhà chị, muốn đọc bao nhiêu là bài mà máy tính của em chậm quá cơ ạ! Chị vừa nhận được sách của em gửi tặng chị rồi ạ! HÔm nay ngày lễ bưu điện cũng làm việc hả chị? Vui quá chị nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, họ đưa đến tận nhà em ạ. Chắc ngày mai em đi làm sẽ nhận được sách chị gửi đấy.

      Xóa
    2. Chị ơi, em vừa nhận được quà của chị rồi ạ! Em vui quá! Em cảm ơn chị nhiều nhé! (Em vừa gọi điện cho chị nhưng có lẽ chị đang bận ạ!)

      Xóa
    3. Hì...người di động, đt cố định mà em.
      Luôn vui nhiều em nhé. Chị đọc hết tản văn của em rồi. Trong veo như bầu trời tuổi 20!

      Xóa
  9. Đọc người miền
    Núi rất hay
    Nhưng anh ngoại
    Đạo nói làm
    Sao bây giờ
    Nghe mấy cô
    Giáo bình thơ
    Mình cũng rất
    Thích chỉ cười
    Trừ rồi đi...
    Xin hỏi thăm
    Chàng linh biên
    Phòng láu lỉnh
    Kia em hì!
    Anh bận quá Nhật Thành ạ!
    Có lẽ phải tháng nữa mới giải phóng được cái công việc ngớ ngẩn, để rồi rảnh rỗi đi lang thang cho vui.
    Chào em, chúc em vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh à, việc đó ấy mà....càng làm càng thấy nhiều cái thật ngớ ngẩn.He...

      Xóa
    2. Chỉ được cái nghĩ lung tung là tài!

      Xóa
    3. Ờ nhỉ, tại anh bảo cái việc ngớ ngẩn, nghĩa là làm xong chẳng được tích sự gì, chỉ tổ mệt người. Em cứ tưởng...

      Xóa
  10. Em lại được sống với cái nghề của mình, qua những truyện ngắn của chị. Em phải đọc kĩ đã rồi hãy tìm những điều mà em tâm đắc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thủy ơi, đây chưa phải là truyện ngắn. Nó chỉ là những hồi kí chắp vá vậy thôi. Nghĩa là nhớ gì kể nấy, khi nào rảnh chị mới viết một cái gì đó như là sự tri ân người miền núi.

      Xóa
  11. Truyện này NT viết hay hơn tất cả mấy bài gần đây về văn & diển đạt rất đúng chất của 1 nhà văn thực thụ MRC ít khen mà khen là thật đấy.....
    tuy nhiên 5 phần viết vẫn chưa có tìm thấy hình ảnh mình giống anh nào ở trong hiiiiiiiiiii........

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mưa đọc lại nhé, chắc sẽ có anh nào hao hao Mưa trong đó. Nhưng đây là chuyện, những chuyện mà người viết đã tham gia, đã chứng kiến chứ nó chưa được gọi là truyện đâu.
      Mưa khen khúc nào thì NT sướng âm ỉ khúc đó.

      Xóa
  12. Phải nói người miền xuôi, lại sinh sau đẻ muộn như em, nếu không may mắn đọc đưcợ những dòng ... em thấy giống hồi ức, kể lại sống động như thế này, cũng không tài nào hình dung nỗi có một thời đất nước mình có những nơi như thế. Mà em nghĩ cho đến tận bây giờ, du đời sống có khá hơn, nhưng chắc chắn cái chữ đến với đồng bao con em vùng biên, vùng núi chắc cũng còn khó khăn chị hén !
    Tự dưng em thấy em hên ghê. Nhờ chị đi lạc vô nhà em, mà em mới được đọc những trang viết tuyệt vời này. Vừa gần gũi, dễ hiểu, dễ hình dung, không cầy kỳ cảm xúc hay ngôn từ, nhưng đcọ cuốn hút quá đi chị ơi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị đang kể hoàn toàn chân thực những điều mắt thấy tai nghe thôi Thùy à, chưa có thời gian ngồi trau chuốt ngôn từ.
      Đính chính lại nha: chị hoàn toàn không "lạc" vô nhà em mà thường xuyên đến, lối mòn chị vào nhà em là từ thông báo của ông gu gồ. Cứ mở ra, có bài mới của em là ông ấy mau miệng mách ngay.

      Xóa
  13. Không ngờ bạn có những kỷ niệm vùng cao vui đến thế. chúc bạn buổi tối thật vui bạn nhé,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giờ kể lại thì vui nhưng lúc đó buồn nhiều anh à.
      Cảm ơn anh đến thăm em.

      Xóa
  14. "- Em nào biết, giáo viên nam khác giáo viên nữ chỗ nào?"
    Câu này rất đơn giản bởi:
    - Giáo viên nam thì đái bằng "ống" bương...
    - Giáo viên nữ thì đái bằng "bàn chải" làm bằng tóc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và điều tệ hại hơn là: có kẻ không dùng ống bương nên ướt giày!

      Xóa
  15. Em đọc một loạt 5 bài hồi kí của Chị. Nhờ vậy mà hiểu thêm cuộc sống của "người miền núi". Em thích bài thơ về "đồn" quá. Đúng là:
    "Làm thơ không có vần "ồn",
    Như cây không lá, như...chồn không lông".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải tìm cách mà "lách" đó Thủy. Nếu bị qui tội nói xấu lính...ồn là đi tù như chơi!

      Xóa
  16. Không chịu cho cá ăn nó chết hết đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng được thảnh thơi mà ngắm cá
      Vào chút rồi ra để ...soạn bài.

      Xóa
    2. DẬY TOÁN - HỌC VĂN - ĂN THỂ DỤC.
      Sướng trước khổ sau đau hơn dậy ở vùng sâu, vùng xa nhiều năm.
      Thôi cố gắng Nhật Thành ạ! Bây giờ cái gì cũng muộn rồi mà.

      Xóa
    3. Bây giờ vùng sâu đang là nơi hot đí anh. Muốn có khoản thu hút mỗi năm bốn năm chục triệu thì phải...chạy!

      Xóa
  17. Sang đọc truyện & thăm người con gái thung Mây đây.... hiiiiiiii........

    Trả lờiXóa
  18. Cảm ơn Mưa luôn quan tâm đến Thung Mây nha.

    Trả lờiXóa
  19. bạn viết hay quá, chúc bạn trung thu vui vẻ nhé.

    Trả lờiXóa
  20. Có vẻ mọi người rất hưởng ứng loạt ký "Người miền núi" này của chị nhỉ! Cái này giống như mình được ăn một món lạ miệng, vừa ăn vừa tìm hiểu, vừa gật gù "hay đấy, gon đấy!". Em cũng thế!

    Trong phần 4, có cái đoạn người miền núi phát âm "Đ: thành "L", đọc chết cười! Nhưng giá chị kể về bài thơ và cháu học sinh đọc thơ trước, sau đó mới kể đến cách phát âm thì hiệu quả sẽ cao hơn.
    Phần 5 kể về trường học và thầy hiệu trưởng làm em nhớ đến phim "Thung lũng hoang vắng", không biết chị đã xem chưa? Chuyện dạy học ở miền núi cười ra nước mắt. Chị có một quãng thời gian tuổi trẻ ở đó, chắc chắn những trải nghiệm, vốn sống sẽ được tích lại chờ đến ngày thành trái chín.

    Trả lờiXóa
  21. Chiều chủ nhật vui chị đồng nghiệp nhé

    Trả lờiXóa