Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

NGƯỜI MIỀN NÚI 6

Trưởng bản Cà Na chạy lên trường chính, quần xắn cao, bao dao đeo bên hông như người đi rừng:
-         Thầy hiệu trưởng ơi,cô giáo bản ta bị cái sốt rét hắn không cho đứng vững được nữa rồi, mau cho người xuống dạy thay với!
Hóa ra cô Nga sốt mấy ngày, vẫn cố gắng dạy, chóng mặt ngã lăn quay trên bục giảng. Hai cô dạy 4 lớp, cứ ghép 2 lớp lại ngồi chung một phòng (lớp 1 ghép với lớp 2, lớp 3 ghép với lớp 4). Giờ một cô ốm, học sinh phải nghỉ học mất mấy ngày.
 Hôm đó là thứ 5, chị Lan được phân công xuống dạy thay. Thứ 6 tôi nghỉ chuyên môn, chị bảo: “Có đi cho biết Cà Na thì dạy xong rồi gần trưa đi, chiều mai về.” Tôi nghe bảo Cà Na cách trường chính 7 cây, cũng hơi ngán. Nhưng tôi tò mò muốn biết cảm giác đứng trên bè chèo qua sông Chu như thế nào nên háo hức cùng đi với chị.
  Trời âm âm u u nên trưa rồi mà đường trong rừng vẫn tối. Cứ men theo đường mòn ngoằn ngoèo, hai chị em vừa đi vừa trò chuyện. Thỉnh thoảng tôi lại dừng để gỡ con vắt vừa bật lên bắp chân. Đi càng vào sâu trong rừng, vắt càng nhiều. Trên  đám lá khô ẩm ướt, vắt từng đàn ngo ngoe giơ cái vòi lên như trêu ngươi. Ngửi thấy hơi người, chúng càng háo hức tợn. Thấy tôi bận rộn với việc gỡ vắt, chị Lan bảo: “Xắn quần cao lên, khi nào chúng bám nhiều thì thấp nước miếng mà xoa một lượt, cứ gỡ như thế thì đi lúc nào cho tới?”. Hì....mặc quần lụa ống rộng, xắn lên tận chỗ cao nhất của chân, thoáng chốc lũ vắt đã tập hợp từ gót lên gần bẹn. Có những con xoa mãi không ra, phải dứt mạnh, máu chảy dòng dòng xuống gót chân gọi lũ vắt khác phóng tới.
   Đi khoảng một tiếng thì đến bờ sông Chu. Sông rộng mênh mông nhưng nước không xiết lắm. Bên bờ sông đã có sẵn những bè nứa,có bè to kết vài chục cây nứa, bè nhỏ khoảng dăm sáu cây. Chị Lan mở dây, kéo ra và dùng sào chống khỏi bờ. Tôi cũng cầm một cây sào, nhọn đít  chống, bè xoay vòng, sắp lật. Hoảng quá định nhảy xuống thì chị Lan bảo: “Đứng im, để tau chèo cho, chưa quen lật bè như chơi đó.” Ngồi trên bè đi trên dòng sông cảm giác thư thới vô cùng. Rừng bạt ngàn xanh, bờ sông bạt ngàn xanh. Trời bàng bạc và nước cũng bàng bạc. Gió hiu hiu lành lạnh,  Tôi thấy thật thú vị, chợt nhớ bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” của Hồ Chí Minh. Chà, giá được nằm ngửa trên bè, theo dòng nước mà ngắm trời mây non nước, cứ thế bồng bềnh trôi sang Thanh Hóa nhỉ? Tôi nói suy nghĩ đó với chị Lan, chị gắt: “Mơ mộng vừa thôi, nhìn đằng kia kìa, chèo không khéo là trôi vào đó chết queo đấy!” Phía dưới, người dân đóng cọc, dùng lá rừng đắp thành cái bai lớn chắn ngang dòng sông, trừ ra một khoảng nhỏ rồi đặt một cái đó khổng lồ, nước chảy xối xả, cá bị cuốn theo, lọt vào trong đó không thể bơi ngược ra được. Cách bắt cá này khá phổ biến ở đây. Nghe bảo có lần một cô giáo đã sắp trở thành chú cá trong đó do luống cuống trong khi chèo bè, cũng may bè quay ngang, cô giáo bám trụ được mấy phút thì có người đến cứu.
  Đến trường lẻ Cà Na khi đã gần hai giờ chiều. Một căn lều nứa lợp lá cọ là kí túc của 2 cô. Buồn hoang vắng. Nga trùm kín chăn, rên khe khẽ. Hỏi Xuân đi đâu mà nằm một mình? Nó đi vào bản xin gạo tẻ về nấu cháo. Trán nóng hầm hập, tóc tai dính bết vì mồ hôi. Hỏi sao nóng mà đắp chăn? Rét lắm! Rét rung cả ruột! Thế mới hiểu hai câu thơ của Chính Hữu:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi!
   Chưa bị sốt rét, tôi chưa nếm trải cái cảm giác “ngoài nóng trong rét” như thế này. Sau này chăm chị Lan nhiều lần, tôi mới thấy những cơn sốt rét nó kinh khủng như thế nào. Đắp mấy cái chăn bông, nằm đè cả lên người mà vẫn run bần bật. Mỗi lần dứt cơn, da tái đi, môi nhợt nhạt, mắt như lồi to thêm.
  Xuân về. Một ít gạo gói trong mo cau, một nắm rau xanh, một vắt xôi đang nóng.” Ngồi chờ họ hông xôi xong xin một vắt về ăn khỏi nấu. Hai chị em xuống lâu chưa?” “Cũng vừa đến xong. Cho nó uống kí ninh chưa?” “Tí nữa ăn cháo xong đã. Bảo khỏi hẳn hãy dạy, không nghe, lo học sinh nghỉ lâu quá tội nghiệp, ốm lại nặng hơn ốm đi mà.” Xuân lúi húi nhóm lửa đun cháo rồi bảo: “Hay là ba chị em vào bản ăn cơm thăm?” Tôi không muốn đi. Cuối cùng vắt xôi là phần tôi, còn Xuân và chị Lan vào bản, ăn rồi còn tranh thủ tin cho học sinh đến học.
 Vào bản, khách đến dù là ai thì đồng bào cũng mời ở lại “ki khầu giám” (ăn cơm thăm). Mời thực lòng, ăn thực lòng, không khách sáo. Bữa cơm dù chỉ có ép xôi chấm muối ớt nhưng họ luôn miệng giục: “Ki tẻ nơ, khàu nhăng ề đé” (Ăn thật đi nha, cơm đang nhiều).
  Còn một tục lệ nữa là “non giám” (ngủ thăm). Khi có “xáo lạ” ( gái lạ) nơi khác đến, trai bản tập trung chật nhà, nói chuyện râm ran rồi ngủ lại.“Xáo lạ” nằm giữa, trai bản nằm vây quanh, chuyện trò rồi cười khúc khích cả đêm. Tôi tò mò: “Ngủ vậy họ có mần chi không?” “ Xáo lạ cho mần thì mần, không cho thì thôi, không ép.” Người miền núi chẳng quan trọng gì chuyện đó. Một phụ nữ có chồng con rồi, không may chồng chết (họ ít bỏ nhau) thì trai tân vẫn lấy đàng hoàng, vẫn dẫn trâu, bạc nén đến cưới, hơn chục tuổi cũng mặc. Đàn ông người Kinh vào bản buôn bán, làm trầm, nếu trọ lại trong nhà dân, thích thì con gái cho “non giám”, miễn phí hoàn toàn. Bây giờ cũng vậy, con gái mười sáu mười bảy ở vùng sâu đi kiếm tiền ở những điểm du lịch, bãi tắm mấy năm rồi về lấy chồng, chẳng sao cả.
Người miền núi sống thoáng hơn người miền xuôi là thế.
  Chiều thứ sáu tôi trở lại trường chính, nhờ một em học sinh đi cùng để chèo bè cho cô. Mệt và mỏi, nhưng được thấy, được nghe để hiểu thêm về đồng bào ở vùng đất biên cương này nên tôi vẫn khoái được chu du thêm nhiều điểm trường lẻ nữa.
  Về phòng, đập ngay vào mắt tôi là một bộ đồ lót đàn ông, một cái quần đùi và một chiếc áo ba lỗ. Hóa ra khi hai chị em đi vắng, kí túc có khách, một cán bộ lương thực. Và thế là phòng tôi có người “non giám”.
-         Anh ấy nhờ cất hộ bộ đồ vì lúc sáng chưa khô – một chị phòng bên nói vọng sang.
 Tối thứ bảy, chú đến. Hỏi chị Lan đi đâu mà chỉ có một mình? Đi dạy thay ở Cà Na ít ngày. Đi bao giờ? Hôm qua. Chợt nhìn thấy bộ đồ lót gấp gọn đầu giường. Đồ ai thế? Tôi cười, chẳng nói gì. Chị phòng bên  vọng sang léo nhéo: “ Chàng về gửi đồ lót lại đây/ Để đêm thiếp đắp, để ngày xông hương. Chắc giờ trở đi ngủ ngon rồi NT nhỉ?” “ Gối đầu thôi, không đắp đâu.” Tôi trả lời.
  Chú không nói gì. Tôi hỏi:
-         Hôm nay hiền thế? Chưa nghĩ ra chuyện để cãi nhau à?
-         Hừ…người ta nói đo được lòng sông lòng biển, ai đo được lòng người.
-         Lòng sông lòng biển có chỗ sâu chỗ cạn, có lúc đầy lúc vơi. Còn ruột người hình như các nhà khoa học đo được hơn ba mét thì phải – Tôi bắt đầu lí sự.
-         Đừng lợt chợt! Hôm nay không có tâm trạng đùa.
-         Ơ, đó là vấn đề hoàn toàn nghiêm túc, dựa trên cơ sở khoa học đấy.
 Im lặng. Thở dài…
  Ngồi một lúc,chú lại bàn, mân mê mấy cuốn vở soạn bài rồi lấy bút viết. Xong chào ra về.
 Vẫn là nét chữ nghiêng ngiêng đẹp mê hồn:
“ Tưởng nước giếng sâu anh nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn, anh tiếc hoài sợi dây!”
 Tôi mỉm cười, tắt đèn đi ngủ.
 Thế mà thứ bảy tuần sau vẫn đến. Bước vào phòng đã cười tươi như hoa:
-         Tay cán bộ lương thực lấy đồ rồi à?
 Mặt tôi lạnh tanh, lại bàn lục tờ giấy tuần trước, nghĩ một lát, chép tiếp hai câu:
“ Giếng có sâu đâu mà anh nối sợi gàu
 Thu dây về kẻo chạm đáy, nước sẽ đục ngầu người ơi!”
Trả lại tờ giấy cho chú, để chú ngồi với chị Lan, tôi sang phòng khác.




31 nhận xét:

  1. Truyện này với mình thì quá quen, đọc đến đâu tức đến đấy. Khỏi nói tức vì cái gì?
    Em tả làm anh chết khiếp, mấy chú vắt là chúa hay vượt biên ở vùng ba biên giới lắm đó.
    - Ngủ thăm như em kể thì chán phèo, thêm tức vào mình như bạn em chán đi chơi với mấy ông tượng ấy.
    "Trả lại tờ giấy cho chú, để chú ngồi với chị Lan, tôi sang phòng khác." Cũng là một tình tiết chán phèo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là người từng ở cùng đồng bào miền núi, những cảnh, những người, những phong tục này không lạ gì. Tức gì sao anh không nói ?
      Lũ vắt rất ưa chỗ ngã ba, đúng thế. Chúng ranh ma hơn người mà. Nếu đi vào rừng hái măng còn kinh khủng hơn.
      Còn xáo bản vẫn ưng cho trai Kinh non giám, hỏi vì sao thì chỉ che miệng cười khúc khích, không trả lời. Anh HT chắc biết?
      Hì...hồi trẻ thế đấy, bây giờ thì sẽ xử sự khác. "Giận thì giận mà thương lại càng thương".
      Thương thế, chân giường gãy mấy chiếc ai mà biết được.
      He he...

      Xóa
  2. Em đúng là rơi từ hành tinh khác xuống khi đọc những chuyện " người miền núi" của chị!:)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng có thể, cuộc sống người miền núi đối với người thành phố như là cuộc sống ở hành tinh khác, phải không em?

      Xóa
    2. :)
      Lâu rồi em mới lại thấy cái hồn nhiên , chân thật đến thế này!
      Khi em ngày ngày .. toàn xã giao:)
      " Thưa bà, tôi không làm phiền nếu có thể đề nghị bà...
      " bà không giận nếu tôi..."
      Thế đấy chị ạ!

      Xóa
    3. Phép lịch sự ấy rất cần thiết trong xã giao, đúng không em? Em sống ở phương Tây thì đã quá bình thường cách giao tiếp ấy.
      Nhưng có những việc thì...lịch sự quá mất hay! He ...

      Xóa
  3. Hừm...Đọc bài này xong , lão cứ tự trách mình , sao hồi đó dại khờ không đi...Bộ đội biên phòng! Món..." Non giám " thu phục tâm trí lão hết cả buổi ! hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu lão đi bộ đội biên phòng và lại ở trong ĐỒN ấy, chắc em có thêm một người để ...cãi nhau. Hì...
      À, mà chữ lão hồi trẻ và chữ chú sĩ quan ấy giống nhau lạ!

      Xóa
  4. Một cô giáo trẻ tâm hồn đầy mơ mộng và đang háo hức nhìn đời. Cô đã vượt qua những khó khăn thiếu thốn của cuộc sống miền sơn cước thật quá nhẹ nhàng. Ngày nay cô giáo ấy không còn trẻ nữa nhưng tâm hồn cô thì vẫn còn rất trẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải nói thế này anh ạ: Ngày nay cô giáo ấy cao tuổi rồi nên tâm hồn cũng...cứng đi.

      Xóa
    2. Ấy là nhận xét của anh về "cô giáo ấy". Còn "cô giáo ấy" tự nhân xét về mình như thế nào lại là chuyện khác.Nhưng theo chuẩn quốc tế thì tuổi cô ấy chưa cao và qua "ngôn, hạnh" của cô ấy thì tâm hồn cô ấy cũng chưa cứng.

      Xóa
  5. Anh mấy hôm bị mệt nên hôm nay mới vào blog của em và đọc bài mới. Chuyện NGƯỜI MIỀN NÚI nếu ngày nay ai tiếp xúc và tìm hiểu nhiều trên các phương tiện truyền thông thì ko đến nỗi bất ngờ. Bất ngờ và mới lạ của chuyện NGƯỜI MIỀN NÚI 6 là tác giả đã khéo dẫn ra nhiều chi tiết, tình huống sống động về phong tục, lao động, học tập, sinh hoạt, tình yêu, tình bạn riêng tư của từng con người cụ thể một cách đặc trưng nên ko lẫn vào bất cứ truyện nào của người khác. Bởi vậy độc giả thấy mình bị cuốn hút và hấp dẫn... Chúc mừng Nhật Thành nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh lại bị mệt à? Chắc nhớ cô nào đó nên đau đầu phải không?
      Đùa tí, cố gắng lên anh nhé.

      Xóa
  6. Chị ơi, cái "non giám" gì đó thú vị nhỉ? Thời đại bây giờ mà cứ "non giám" thế thì HIV chắc tha hồ vùng vẫy chị nhỉ. Chị viết thú vị quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị kể em nghe chuyện bây giờ:
      Có anh chồng nọ đi rẫy về, bắt gặp ngay vợ mình đang cho một tay cán bộ non giám, anh chồng quát ầm lên, chị vợ bảo:
      - Chưa biết gì mà cũng quát oan thế à? Hôm qua tao nghe lời hội phụ nữ đi đặt vòng tránh thai rồi, cho người ta non giám không việc chi nữa.
      Anh chồng hạ giọng:
      - Ừ, thì tao có sai khi không biết việc mày đặt vòng, nhưng tao sợ mày cho hắn non giám thì hôm sau cái ấy của mày nó quen đi. Thế thôi.

      Xóa
  7. Mình cũng ở miền núi của xứ Lục Ngạn Bắc Giang mấy chục năm trời nhưng quả là người miền núi của biên giới phía tây Tổ quốc có nhiều điều lạ quá. Đúng là đi một ngày đàng thêm một sàng hiểu biết em nhỉ. Chị thích đọc những trang truyện kí này của em không chỉ vì nó cho chị thêm nhiều điều lạ mà còn vì cách viết chân thật, giản dị mà vẫn cuốn hút của em nữa

    Trả lờiXóa
  8. Đang nhiều chuyện lắm chị ơi, nhưng đến thời gian em bận rồi, khi nào rảnh em kể chị nhé.

    Trả lờiXóa
  9. Đọc câu chuyện chị kể, em cười khùng khục luôn.

    Trả lờiXóa
  10. Chạy qua đây để biết thêm nhiều phong tục về miền núi, về những câu chuyện thật hấp dẫn...Nhật Thành là giáo viên Văn, phải hông?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, em dạy văn chị ạ.
      Chị viết tản văn quá tuyệt.

      Xóa
  11. Èo, chuyện mấy con vắt khiếp quá! Cả đời em ở thành phố nên những chuyện chị kể nghe vừa lạ vừa hấp dẫn!
    Đang tưởng tượng một cô gái bé nhỏ tầm 40 cân mà trải qua những chuyện như vậy... Kinh thật!

    Trả lờiXóa
  12. Haha. Em vừa hỏi chị bên nhà lão xương sườn về cái từ "non giám".:)
    Có hai việc em cũng từng trải qua rồi.
    Thứ nhất là tự kéo bè và dùng sào chống để bởi qua sông, vừa làm vừa nghĩ trong đầu là nếu bè lật thì mềnh sẽ nhảy xuống và lặn ra thật xa rồi mới ngoi lên.
    Thứ hai là bị vắt bám vào chân.Nhưng em chỉ bị vắt bám đến bắp chân thoai. May mà em không sợ nó vì ngày nhỏ ở nhà em cũng không sợ con đỉa. Hihi. Cơ chế bám vào da người và hút máu của vắt gần giống con đỉa chị nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con vắt nó nhanh hơn đỉa vì sức bật ghê lắm. Có hôm nó bật lên tận lưng đấy. Đi về đến nhà, sờ thấy mát mát, hóa ra một chú vắt no tròn!
      "Non giám" - món khoái khẩu của cán bộ miền xuôi đi công tác miền núi!

      Xóa
  13. Truyện ký của chị thật cuốn hút khiến em vui theo, Biết thêm nhiều điều mà hồi giờ em chưa biết...
    Chị có tâm hồn lãng mạn thật. Cái bọn vắt ấy giống đỉa mà nhanh hơn, thế mà vửa tả nghe kinh hồn chị lại có được tâm trạng "Ngồi trên bè đi trên dòng sông cảm giác thư thới vô cùng. Rừng bạt ngàn xanh, bờ sông bạt ngàn xanh. Trời bàng bạc và nước cũng bàng bạc. Gió hiu hiu lành lạnh, Tôi thấy thật thú vị, chợt nhớ bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” của Hồ Chí Minh. Chà, giá được nằm ngửa trên bè, theo dòng nước mà ngắm trời mây non nước, cứ thế bồng bềnh trôi sang Thanh Hóa nhỉ?" Em phục chị sát đất đấy....
    Thăm chị và chúc chị vui ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm xúc thay đổi theo từng chặng đường mà em. Người miền núi nó thế.Cuộc sống khổ nhưng khá thú vị. Nếu không có chút lãng mạn thì chị đã gục ngay từ buổi đầu rồi.

      Xóa
  14. Chị ơi, viết tiếp phần 7 đi chị. Em qua chầu chực để đọc tiếp đây chị à. Hay lắm, nhất là những phong tục tập quán của người miền núi, em thích lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...khi nào có điều kiện, chị em mình đi một chuyến nha. Chị làm hướng dẫn viên cho.

      Xóa
  15. Vậy ngần ấy thời gian thì Nhật thành đã đượcăn đặc sản mắm bồ hóc và nhái ôm măng chưa đấy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ăn nhiều thứ, trải nghiệm nhiều thứ hơn nữa kia, Mưa ạ.

      Xóa