Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

TRỜI MƯA BONG BÓNG PHẬP PHỒNG (tiếp theo và hết)

Ngày đầu tiên ở bệnh viện, cô Hương luôn ngồi bên cạnh nó, động viên nó ăn, vắt nước cam cho nó uống. Ngày thứ hai,  cô để nó ở lại một mình, đến bữa  mang cháo vào, giục nó ăn nhanh cho khỏe về còn lo việc quán xá. Tối ấy, đưa cho nó bốn mươi lăm ngàn, cô dặn: “ Sáng ăn năm ngàn bánh mướt hoặc xôi;  trưa, tối đến nhà ăn bệnh viện mà mua cơm, hai mươi ngàn một suất, nhớ chưa? Mày cũng phải chịu khó đi, quán bỏ bễ vài hôm là mất khách ngay.” Cô quày quả ra về, cái bóng quần quật quấn theo từng bước chân vội vã của cô  dọc hành lang bệnh viện.
   Đêm ồn ào hỗn độn mọi thứ âm thanh. Tiếng rên rỉ đau đớn. Tiếng nói chuyện rì rầm. Tiếng bước chân chạy rầm rập theo sau chiếc cáng. Tiếng rao khoan thai, nhỏ nhẹ của bà bán đồ ăn đêm: “Ai khoai nướng nào!” Tiếng khóc nghẹn ứ của người đàn bà tiễn biệt một hài nhi xấu số.  Tiếng   cười sảng khoái của người đàn ông đang gọi điện: “ Mẹ tròn con vuông rồi nhé, con trai, nặng ba kí rưỡi.”…
   Nó bật dậy, đi ra . Loáng cái, nó đã ở ngoài cổng bệnh viện. Đi đâu? Nó ngần ngừ một lát rồi co cẳng  chạy. Gió thốc vào mặt lành lạnh . Mặc! Nó cứ cúi cổ chạy. Chẳng biết phía trước là đâu. Cả miệng, cả mũi và cả tai đều thở. Nó chao đảo, suýt ngã . Không chạy nữa, nó rảo bước. Mắt hoa lên, chân run rẩy. Nó gượng thêm mấy bước rồi ngồi bệt xuống bên đường. Một ánh đèn xe máy  như mũi khoan xoáy vào mặt nó. Nó lấy tay che, nhắm mắt lại. Không đươc! Nó phải đi. Đi càng xa càng tốt! Nó lại đứng lên, bước. Đêm không trăng, không sao, chỉ có gió lùa hun hút. Tự nhiên, nó chẳng còn sợ bóng đêm nữa. Bóng đêm từng làm nó ớn lạnh khi nghĩ có con ma đang nấp đâu đó sẽ nhào ra, giờ cho nó cảm giác an tâm hơn. Bóng đêm đang che chở cho nó. Bởi trong bóng đêm thường ít gặp người.  Con người mới đáng sợ! Con người mới đủ sức làm hại nó. Ma chưa bao giờ gây đau khổ cho ai, con người mới hay gây đau khổ cho nhau. Ma chỉ tn tại trong ảo giác, còn con người thì có thật. Con người hiện hữu với trăm mưu ngàn kế hãm hại nhau. Nếu nó không trốn đi, ngày mai hay ngày kia, lại trở về quán cô Hương, cuộc sống nó sẽ thế nào? Nó rùng mình nhớ đến sự vật vã suốt đêm của cô Hương. Nó nổi gai ốc khi nghĩ đến khuôn mặt dữ tợn và tiếng thét đinh tai nhức óc của bà Nhung trong từng động tác lắc giật khi nó ngập dưới hố phân. Tự nhiên, tiếng thét ấy lại vang lên nghe u u như tiếng còi tàu. Tiếng u u mỗi lúc một lớn dần, dài ra. Nó lấy hai tay ôm lấy tai. Vẫn nghe. Đất xoay nghiêng. Trời  chao xuống. Màn đêm đen kịt chụp lấy nó. Nó không còn cảm nhận được gì nữa! 
   Nó cố mở mắt, lờ mờ nhận ra một người đàn ông đang cúi xuống thật gần. Một bàn tay thô ráp đặt lên trán nó. Ánh sáng từ một bóng đèn nhỏ loang ra trước mắt, chập chờn hư ảo.
 “Đây là đâu? Thiên đường hay địa ngục? Nó đã thoát khỏi kiếp người? Nó đã về với bà?” Bóng người đàn ông loáng thoáng mất đi rồi lại hiện ra, nhàn nhạt mơ hồ như ảo ảnh. Nhưng mùi cháo hành thơm phức thì thật rõ. Mùi cháo hành đánh thức kí ức xa xăm, mỗi lần nó bị cảm, một tay bà bưng bát cháo bốc hơi nghi ngút, một tay cầm thìa ghé sát miệng nó mà giục: “ Ngoan nào, ăn xong bát cháo, đắp chăn lại, mồ hôi vã ra là cái thằng cúm nó tự cuốn xéo thôi.” Rồi bà cười thật hiền, thật hiền... Thìa cháo đã ghé đến, nó ngoan ngoãn há miệng ra, ngoan ngoãn nuốt. Một thìa..hai thìa... bụng nó ấm dần lên. Đút xong  thìa cháo cuối cùng, người đàn ông đứng dậy. Nó gần như đã nhìn rõ mọi vật: một cái tủ nhỏ, một cái quạt treo tường, một bếp ga đặt trên chiếc bàn cũ kĩ, trong cái chậu chỏng chơ mấy chiếc bát tô, chiếc đĩa chưa rửa...
                          *     *
                             *

  Nó nhìn lên, bắt gặp ánh mắt thật lạ của người đàn bà. Trong đáy mắt hình  như có giọt nắng đọng lại. Chạm ánh mắt nó, hai giọt nắng xôn xao chao nhẹ rồi dịu lại rất nhanh. Nó lại nhìn xuống nền nhà. Im lặng.
 Nó bị đánh ghen lần thứ  hai bởi người vợ của ân nhân. Ai bảo nó ngủ trong buồng của  vợ chồng người ta. Ai bảo nó mặc quần áo của vợ người ta. Ai bảo nó quét tước dọn dẹp như là chủ nhà như thế. Ai bảo nó nấu cơm và ăn cùng chồng người ta như thế?
  Cả ngày, nó chỉ biết làm những việc lặt vặt  để trả ơn người ta cứu sống mình, trả ơn người ta cho nó có chỗ ngủ, trả ơn người ta cho nó ăn. Còn ân nhân của nó thì cứ lầm lì, chẳng nói gì. Nghe nó kể về hoàn cảnh, muốn xin ở nhờ ít lâu để tìm việc làm, anh ta chỉ nhìn nó và “ừ” một tiếng. Anh ta đi suốt ngày, tối về ăn quáng quàng vài bát cơm, lại đi tiếp. Nửa đêm về. Hai ba giờ sáng về. Có khi gần sáng mới về. Anh ta ngủ trong phòng bếp, nhường cho nó ngủ buồng  hai vợ chồng, đưa cho nó mấy bộ quần áo cũ của vợ. Hỏi vợ chú đi đâu? Đừng tò mò! Anh ta gắt, hình như có một đám mây đen kéo ngang làm cho gương mặt sầm tối lại. Nhưng cần gì anh ta nói. Ở cái xóm này, cái kim của nhà kia lòi trôn sang nhà nọ là thường! Cô vợ anh ta khá xinh, chỉ tội hay nhõng nhẽo, chỉ tội lười. Đi ra ngoài quần là áo lượt, son son phấn phấn, nhưng có khi nhà mấy ngày không quét. Ừ thì chồng siêng vợ phải nhác chứ. Được cả đôi có mà thiên lôi đánh chết! Nhưng thế mà Thiên Lôi vẫn đánh! Thiên Lôi đánh một tiếng sét ái tình vào vợ anh ta. Tại Thiên Lôi, hay tại  bên hàng xóm xây cái nhà  to tổ bố như thế? Hay tại thị chưa có đứa con mà bồng bế nựng nịu, mà bận rộn chăm sóc để khỏi lân la sang đó hóng hớt, trêu  đùa? Hay tại gã quản lí tốp thợ xây ăn nói mềm và dẻo như bánh nếp? Gã nheo mắt cười cười nhìn thị mà ngân nga: “ Em xinh, em đẹp, em giòn / Nghĩ em ôm gã thông bồn mà thương”. Để rồi thị thổn thổn thức thức. Để rồi thị mơ mơ mòng mòng. Thị nhấm nhẳng với chồng. Thị giận dỗi gắt gỏng. Thị khó chịu  bứt rứt. Người ta com- lê, cà vạt phẳng phiu, giày da đen láng bóng, chồng thị suốt ngày đồ bảo hộ lấm lem, giày ba ta rách mũi, Người ta  nói như mật rót vào tai, chồng  thị cứ như  dùi đục chấm mắm cáy. Người ta là trợ lí giám đốc, đi đứng toát lên vẻ phong lưu, chồng thị chỉ biết thông tắc bồn cầu, hút hầm vệ sinh, bẩn thỉu và hôi hám! Và rồi, một buổi sáng, anh chồng thông tắc bồn cầu thức dậy thấy một nửa giường trống lạnh. Cô vợ trẻ biến mất cùng mười lăm triệu đồng anh gom góp lâu nay…
 Chẳng biết anh ta đi những đâu để tìm vợ trong những đêm tối trời như thế, còn cô vợ vào một buổi sáng đẹp trời bỗng đột ngột trở về. Xơ xác xạc xờ như cây chuối sau bão, thị cúi mặt bước vào nhà, đụng ngay nó ở cửa buồng. Mắt thị mở to hết cỡ, miệng thị há ra, cơ mặt giật giật như người động kinh. “ A! Con ranh! Mày mọc ở đâu ra đó hả? Mày thế chỗ tao nhanh thế hả?” Mặt nó tái xanh, nó lắp bắp: “ Dạ…dạ…em…em…” “ Tao giết! Tao giết!” Thị chạy xuống nhà bếp cầm con dao, nó hoảng hồn co cẳng chạy ra cổng. “Đứng lại ngay, con đĩ! Mày chạy đằng trời!” Mọi người túa ra. Thị đã đuổi kịp . Tóc nó xõa tung. Thị giơ dao, chém ! Nó ngã sấp mặt xuống đường. Thị chồm lên, chém tiếp. Người ta la ó. Người ta vây lại. Một người giằng con dao trong tay thị vứt ra. Một người ôm lấy thị. Huyên náo cả một góc xóm. Nó lồm cồm ngồi dậy, đau ê ẩm sau gáy. Mái tóc dày và dài đã giúp nó thoát khỏi tay thần Chết! Thị lăn ra đường khóc tu tu. Thị đấm tay vào ngực thùm thụp.  Thị gào tưởng như đến rách cả họng:“Trời ơi là trời! Sao số tôi khổ thế này hả trời! Đàn ông, toàn một lũ đểu cáng, một lũ bội tình bạc nghĩa! Thằng com lê cà vạt ngốn hết mười lăm triệu  rồi lặn mất, thằng quần áo bảo hộ thì đã vội rước đĩ về nhà! Chúng mày chết hết đi! Chết hết đi!”
Người đến mỗi lúc một đông, y như xem một gánh hát lâu ngày qua xóm.
  Nó vẫy tay, nhảy đại lên một chiếc xe khách. Thế là nó đến đây, một vùng bạt ngàn mía, bạt ngàn cam. Người đàn ông ấy gặp nó đang ngơ ngác như con nai lạc khỏi rừng. Anh ta hỏi han nó, lo cho nó chỗ ở, đưa tiền cho nó ăn, hứa sẽ tìm việc cho nó…
   Nó bỗng quì xuống, ngước đôi mắt cầu khẩn  nhìn người đàn bà:
-         Xin dì tha cho cháu! Cháu biết lỗi rồi dì ơi!
Người đàn bà ngồi hẳn xuống nền nhà, ôm lấy nó, thảng thốt:
-         Cháu con mẹ Ánh, xóm 5, Thịnh Lộc, đúng không? Đúng không?
Nó mở to mắt ngạc nhiên. Lâu lắm rồi có người gọi  tên mẹ nó. Mà lại là một người ở tận chốn xa xăm này!
-         Sao dì biết mẹ con?
-         Trời ơi! Ánh ơi! Mày đi Trung Quốc lấy chồng để con đến nông nỗi này sao? Con ơi, con mới mười lăm tuổi thôi, đâu phải là mười bảy? Mẹ con là bạn thân nhất của dì hồi xưa đấy!
 Nước mắt người đàn bà nhỏ xuống dính bết tóc nó. Những giọt nước mắt nóng ấm làm  tim nó bỗng nhiên mềm lại, đập rộn ràng.
*  *
  *
         Đêm. Ngôi nhà ba gian bừng ánh điện. Thằng Lộc ríu ran:
-         Chị Tuyết này, em cho chị năm cuốn vở, chị Thịnh cho chị năm cuốn, thế là gần đủ vở ghi rồi đấy nhé.
Thịnh cốc nhẹ vào trán em:
-         Mẹ bảo sách vở, đồ dùng của chị Tuyết có bố mẹ lo, đừng lanh chanh!
 Rồi quay sang Tuyết:
-         Từ nay có chị, đêm ngủ em có người để gác chân rồi, hi hi...
Tuyết cười thật nhẹ, nghĩ đến ngày được cõng chiếc ba lô mới tinh trên lưng cùng Thịnh, Lộc  đến trường, thấy vừa háo hức, vừa ngường ngượng.
Phòng trong, hai vợ chồng ngồi lặng, chìm trong kí ức. Người chồng cất giọng buồn buồn phá tan bầu không khí đang đóng băng:
-         Em này, tự anh, anh cũng không bao giờ tha thứ cho tội lỗi mà anh gây ra nên anh không dám xin em tha thứ. Nhưng anh xin hứa với em, thầm hứa cả với Ánh, sẽ coi con cô ấy như con của chúng ta. Hãy tin anh, em nhé?
Người vợ quay sang, úp mặt vào ngực chồng thổn thức.


               Những ngày giá lạnh Giáp Ngọ. 
                                          NT

15 nhận xét:

  1. Đêm khuya lọ mọ , cũng mò được cái vàng của em !
    Về truyện , lão xin châm cứu sau bằng một bài viết .

    Trả lờiXóa
  2. Viết xong vài ngày trước nhưng ông nhà mạng không cho vô. Hôm qua đăng xong là ông ấy cũng ngăn luôn, không kết nối, không chỉnh sửa được. Chán!
    Xin chờ!

    Trả lờiXóa
  3. Hoan hô TH ... riêng MRC thì có lẽ đây là 1 tác phẩm hoàn hảo nhất trong những chuyện mà Mưa đọc được của Thành Hồ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được Mưa khích lệ, chắc chắn NT còn muốn viết nữa! Hôm sau viết về Mưa nhé? Chịu không?

      Xóa
    2. NT không có 1 thông tin gì về MRC thì viết kiểu gì đây... hiiiiiiii.......

      Xóa
    3. NT biết về Mưa nhiều hơn Mưa tưởng đấy. Hãy đợi đấy!

      Xóa
    4. NT biết về Mưa qua qua nguồn nào đấy qua những bài viết à... hay xem bói đấy... thơ & người thường khác nhau đấy nhé!.....

      Xóa
  4. Anh thì không biết châm cứu như Lão Tan nhưng đọc toàn truyện thì thấy hay và thích. Riêng cái kết có hậu chắc mình và mọi người đều thỏa mãn vì nó thật đẹp. Nhưng dẫu sao cũng thấy hơi rõ bàn tay sắp xếp của tác giả một cách thiếu tự nhiên?...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà thơ nói hay! Cái gì mà thiếu tự nhiên thì chắc chẳng thích tẹo nào. Có thích chăng cũng gượng mà thích thôi.

      Xóa
  5. Lối viết truyện theo phong cách cổ điển, truyền thống: Có cốt truyện,có thắt mở, ngôn ngữ giản dị,bố cục rõ ràng mạch lạc không rối rắm mông lung và nhiều khi cả cái kết có hậu vốn là phong cách viết quen thuộc của NT. Chị cũng như nhiều người thường thích lối viết này. Vì đọc thấy nó nhẹ nhàng, không căng thẳng mà vẫn cảm nhận được muôn mặt của cuộc sống, nhất là những"Góc khuất" của nó nữa.
    Trong truyện ngắn này chị thấy NT đã chú ý nhiều hơn đến việc khắc họa tâm lý nhân vật: một người bà từng trải, giàu tình yêu thương con, cháu. Dẫu con bỏ đi, khi về vác theo cái bụng mà vẫn mừng vui:"con về là tốt rồi... chửa thì để..." luôn lo cho đứa cháu côi, dặn cháu "giữ mồm giữ miệng"...; Một đứa cháu ngây thơ tội nghiệp và nhiều khao khát (đoạn văn miêu tả cái tâm lý khao khát đến lớp của con bé hay cái đoạn suy nghĩ giờ nó không sợ bóng đêm, không sợ ma nữa mà chỉ sợ con người là những đoạn văn chị thích lắm. Hay hình ảnh vệt nắng xuyên suốt trong phần đầu truyện cũng khá thú vị.
    Tuy nhiên chị vốn nhát nên cũng chưa thích đoạn tả tỷ mỷ quá về việc đánh ghen. Nó kinh khủng quá. Chị cũng thấy cái kết của truyện giống như anh Quang Thứ đấy. Trong cả ba phần thì chị thích phần hai nhất(dẫu nó có đoạn đánh ghen) sau đó đến phần một. Còn phần ba thì chị chưa thích lắm em ạ.
    Vài nhận xét như vậy, có chi chưa ổn mong em thông cảm nha. Chờ nhà NT học "châm cứu" chắc sẽ có nhiều thú vị đây. Lão ta vốn sắc sảo, hóm hỉnh và thông thái mà

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hừ...Lão Tan lão ấy bóc cái tem một phát, hẹn một câu, không phải hẹn hò, làm cả chủ và một số khách cứ nơm nớp chờ, chưa dám nói gì. Có người nóng ruột còn hỏi: Lão Tan sắp châm cứu chưa, sao không thấy?
      Ngay cả chị Thu với khả năng cảm nhận tinh tường về văn chương mà em thấy hình như lần này cũng rón rén, thiếu tự tin?
      Xin thưa với chị và mọi người: lão Tan châm cứu rồi, châm cứu tại nhà. Và NT nói như thế này để chị và mọi người hình dung:
      Người ta châm cứu thì dùng cái kim nhỏ và dài, khi châm người ta xoay xoay nhè nhẹ, bệnh nhân thấy dễ chịu và giảm đau dần. Còn lão Tan dùng những cái kim khủng bố, châm thì ít, chọc thì nhiều. Lão chọc cho bệnh nhân toát mồ hôi, rơi nước mắt vì đau. Bệnh nhân kêu đau thì lão cười, lão hỏi hôm sau có bệnh nữa không, người bệnh chắp tay vái xin, hôm sau không dám bệnh nữa, có bệnh cũng không đòi lão điều trị, châm cứu gì nữa cả, Thế là lão xách đồ nghề mà chị Thu cho là " sắc sảo, hóm hỉnh và thông thái" ấy về. Giờ chắc lão đang bận châm cứu chỗ khác!

      Xóa
    2. Lão đây. Đọc những dòng trả lời như ngoáy vào mũi lão nên không thể không ...hắt xì !
      - Lão rất tâm đắc cái nhận xét của chủ nhà là mấy lời còm có vẻ hơi rón rén lần này khi mà lão mở hàng để lại ngỏ . Tuy nhiên đây cũng chỉ là một lý do nhỏ trong cái lý do lớn là phần kết được viết thiếu cảm xúc hơn so với 2 phần kia. Có cảm giác như tác giả viết trong tâm trạng cho xong việc . Văn phong NT vốn có truyền cảm nhưng phần này thì rớt đâu hết ! Khi có cảm xúc , cái chữ nó dẻo như cơm nếp. Khi ta buồn bực, không chú tâm câu chữ nó rời rạc như cơm tẻ thiếu nước. Nhận xét của chị ST là trùng hợp ý của lão về phần viết cả 3 phần .
      - Tựa đề truyện mượn ý và nguyên văn của câu ca dao nói về sự trôi nổi phập phồng của phận người phụ nữ giữa đôi bờ con và chồng. Câu chuyện này đáng ra phải chọn cái kết mở chứ không phải kết đóng theo chủ đề. Giỏi như cụ Tố , kết truyện cũng kết mở theo lo gich chứ đâu dám kết đóng khi chủ đề truyện là..." Tắt Đèn" ! Có thể tâm thức làm mẹ đã trỗi dậy làm tác giả tìm đến một kết truyện như mong ước cho nhẹ lòng mình và mọi người với nhân vật. Nó lên xe khách và đi đúng đến nơi người bạn và người tình của mẹ nó ở và gặp anh kia từ trên trời rơi xuống , ngang bằng với trúng số độc đắc !
      - Lão rất tâm đắc ý kiến của anh Quang Thứ và chị Song Thu phần này trùng với ý kiến của lão đã gửi cho tác giả qua thư mail. Đó là những đoạn viết hay về đi trong bóng đêm khi chạy khỏi bệnh viện của nhân vật . Là lộ rõ có bàn tay sắp xếp thiếu tự nhiên của người viết trong truyện...
      - Dù ở đâu thì bản chất trong lão vẫn là người xứ Nghệ - đã nói là nói thẳng và nói thật , ông trời sai cũng cãi . Vì thế lão chọn cách nói riêng bằng thư mail gửi tác giả tránh sự hiểu lầm va ồn ào của những người khác. Tuy đao lớn búa to xoay quanh truyện , nhưng giữa người nghe và người góp ý cũng dễ hòa đồng vì có ngôn ngữ chung và trên hết là quán triệt tinh thần nghị quyết trung ương 7, 8 gì đó về phê bình và tự phê bình...
      Vì thế , lời hứa châm cứu bằng một bài viết đã đi theo một ngả khác , xin được...tường trình cùng người đọc blog !

      Xóa
    3. "Có cảm giác như tác giả viết trong tâm trạng cho xong việc" Câu này lão chọc đúng vào giữa tim NT đấy! Khi đọc lời nhận xét của lão ở phần 2, NT nghĩ sẽ buông bút, không viết nữa. Đúng ra thì mất hết cả hứng! Nhưng nghĩ để nó như thế cũng vô duyên nên cố viết cho xong. Viết rồi, vừà mạng chập chờn, vừa thấy chán ...đời, nên định không đăng nữa. Đăng rồi, thấy lão bảo châm cứu, NT đã biết lão sẽ nói gì.
      Thôi, xin lĩnh ý tất cả, ra giêng ngày rộng tháng dài, nếu cảm xúc trở lại thì NT sẽ chỉnh sửa sau nhé.

      Xóa
    4. À quên, xin nói thêm chỗ này, cái cuộc gặp gỡ định mệnh giữa đứa con gái và người yêu mẹ nó thời xưa là có thật. Chỉ khác một điều: người vợ đánh ghen, thuê người xé quần áo con bé te tua giữa chợ, cắt tóc, đánh cho bầm dập phải cấp cứu trong bệnh viện. Khi làm hồ sơ mới ngã ngửa ra là con gái người yêu cũ của chồng. Thực tế cuộc đời nó bi đát thế!

      Xóa