Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

BÁO HIẾU MẸ.



                            Mẹ già như chuối chín cây…(ca dao)

-         Chà, cô giáo  nuôi được lắm gà hề ?
Đang cho gà ăn,tôi giật mình, ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt lấp lánh của cụ.
-         Dạ, con chào cụ. Cụ mới ở quê lên chơi ạ?
-         Vâng, tui vừa  lên sáng ni. Chà chà! Tháng chạp mà nóng nực quá!
-         Dạ, tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi mà cụ.
Cụ  cười:
-         Có ai cãi được ông trời mô cô hề. Vừa lạnh đó, ông bảo nắng nóng là nắng nóng liền được.
Tôi lại trêu cụ:
-         Không phải do ông trời, mà do cô gái xinh đẹp trên ti vi kia kìa cụ ơi, cô ấy bảo nóng là nóng, bảo rét là rét cụ ạ.
-         Đúng thế  – Cụ gật gật đầu – bọn trẻ bây dừ rành tài ! Lại còn đoán được thời tiết trước cả mấy ngày nữa mới khiếp!  
Nói rồi cụ chìa ra một túi bóng:
-         Lâu ngày lên chơi, quà quê nỏ có chi, có mấy quả hồng xiêm. Cô ủ  cho cháu ăn dần. Hồng xiêm vườn nhà , không lo phun thuốc phun thiếc chi mô cô ạ.
-         Dạ, con cảm ơn cụ. À, có mấy quả cau thắp hương hôm rằm con đang để dành cho cụ đây. Chả là hôm trước nghe  bác bên nhà bảo chuẩn bị đón cụ lên tổ chức sinh nhật lần thứ  tám mươi. -  Tôi chạy vào, lấy mấy quả cau đưa cho cụ. Cụ chép miệng:
-         Ừ, bọn nó cứ bày vẽ ra  cho tốn kém. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến dừ, tui nỏ biết sinh nhật sinh nhiếc chi, mà cũng có biết ngày sinh tháng đẻ mô. Vợ chồng hấn cho xe về đón, bảo mẹ phải lên để chúng con được báo hiếu… Thôi thì nguyện vọng nó thế, làm mẹ chỉ mong con được vui.
   Con trai cụ, bác Bảy “loe”- mọi người gọi thế vì cái miệng rộng quá cỡ của bác- là hàng xóm của tôi. Người ta bảo đàn ông rộng miệng thì tài. Mà đúng thật, bác tài ăn nói, tài ngoại giao, tài đoán việc như thần. Ở huyện này, người ta bảo Bảy “loe” ho ra bạc, khạc ra tiền. Cũng phải thôi, với chức trưởng phòng tài chính ở một huyện miền núi giàu tài nguyên khoáng sản, các dự án thì cứ tươm tướp như mướp ba mươi , tiền không  ào vào nhà trưởng phòng tài chính như nước lũ mới là lạ! Cụ gọi bác Bảy  là thằng Cu Anh. Cụ khoe Cu Anh ngày xưa  học giỏi nhất làng đấy, nó là người đầu tiên của làng thi đậu đại học đấy. Vợ chồng cụ về ở với nhau tận mười hai năm mới có thằng Cu Anh, nhưng khi  Cu Anh  một tuổi rưỡi, còn Cu Em đang trong bụng mẹ, thì ông trời đã gọi cha nó về, cụ ở vậy  nuôi hai anh em nó. Thằng Cu Em học trì trà trì trật hai năm một lớp rồi cuối cùng nghỉ dở lớp năm. Nó bảo anh học giỏi thì ưu tiên cho anh, nó ở nhà đỡ đần thêm cho mẹ. Mỗi lần  lên thăm“ nhà thằng Cu Anh”, cụ lại sang  tôi chơi, lại kể chuyện thời xửa thời xưa khổ thế nào, lạc hậu thế nào, một nách hai con nhỏ  vất vả thế nào... Rồi cụ rơm rớm nước mắt thương gia đình thằng Cu Em. Nó ít chữ nghĩa nhưng hiểu thảo, chăm lo cho mẹ từng li từng tí. Vậy mà vợ chồng  xung tuổi nhau, siêng năng cần cù mà vẫn cứ nghèo, cứ khổ. Con của  thằng Cu Em ra đời bươn chải kiếm tiền khi mười sáu tuổi, không  được như hai đứa nhà thằng Cu Anh,  hai mấy tuổi rồi vẫn du học bên Úc.
Tôi an ủi cụ:
-          Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, phải không cụ? Bác Bảy nhà ta thì sự nghiệp lại như diều gặp gió đấy thôi. Anh em như chân với tay, chú khó khăn thì có bác đỡ đần, cụ lo gì.
Cụ dùng ngón  trỏ và ngón cái vuốt hai bên mép cho sạch nước trầu, “ừ thì bàn tay có ngón dài ngón ngắn…” Cụ thở dài. Nghe mùi trầu nồng nồng, thơm thơm phả ra từ miệng cụ, tự nhiên tôi nghĩ, chắc sau này mình cũng sẽ tập ăn trầu.
-         Cụ lần này lên ở ăn tết luôn chứ?
-         Không, tui phải về. Tết nhất với tui dừ quan trọng  là ở cái bàn thờ tổ tiên. Nỏ biết răng, cứ nghe mùi hương  là tui như thấy ông bà cha mẹ và cha hai đứa đang  mô  đó thật gần. Gần tưởng như mình nói thì thầm, hoặc mới nghĩ thôi  là họ đã nghe  thấy, cảm nhận thấy  rồi  cô nà. Vả lại, nghe bảo vài bữa nữa có rét đậm. Tôi cứ là phải có bếp lửa. Ở đây củi đuốc không có, mà có cũng nỏ biết nhen ở mô.
Cô bé giúp việc ló mặt lên khỏi bờ tường, nheo nheo mắt,  khoát khoát tay ra hiệu. Cụ vội chào về. Bóng cụ đổ dài giữa con đường nhạt nắng. Nhìn theo bóng dáng thoăn thoắt của cụ, tôi thấy lòng mình ấm áp, vui vui.


  Hơn mười giờ sáng. Tôi mặc bộ váy mới, xoay qua xoay lại trước gương ngắm nghía. Cũng tàm tạm.  Thở dài dán chiếc phong bì thứ mười trong tháng. Bảy đám cưới, hai đám mừng nhà mới, và giờ là đám mừng sinh nhật! Mất đứt hai triệu tiền lương!  Trên bàn còn hai thiệp hồng chưa đến ngày. Cứ bảo mỗi gia đình chỉ có hai con, sao mà đám cưới nhiều đến vậy. Nhiều hơn ngày xưa, khi mỗi gia đình có đến bảy tám con! Ngày xưa làm gì có cảnh chạy sô đám cưới thế này?  Tiền  cạn, tết  sầm sập sau lưng. Giá như cứ hai ba năm mới tết một lần thì có phải đỡ khổ hơn không!
   Lễ mừng sinh nhật cụ được tổ chức tại một nhà hàng sang trọng. Khi tôi đến, đã thấy cụ ngồi thật “oai” chỗ dành cho cô dâu chú rể  mỗi khi nhà hàng tổ chức đám cưới. Quần áo đỏ, khăn xếp đỏ, đôi hài đỏ, trông cụ thật quí phái, thật đài các, khác hẳn hình ảnh cụ khi sang nhà tôi. Tôi chợt mỉm cười, hình ảnh bà tiên trong truyện cổ tích tôi đọc ngày xưa chắc cũng chỉ đẹp như thế!
Khách đến nườm nượp. Ô tô, xe máy xếp hàng dãy dài. Quả tim đỏ khổng lồ nuốt vào trong bụng nó bao nhiêu là phong bì. Nếu những chiếc phong bì biết nói, chắc trong bụng quả tim sẽ  vang lên đủ thứ giọng: giọng giao kèo, giọng nịnh bợ, giọng biết ơn, giọng nhờ vả và có cả những giọng dấm dẳng, bực bội... Nhưng chúng không biết nói. Chúng chỉ im lặng mà nghe những chủ nhân của chúng  hết lời khen  sếp thật hiếu nghĩa, khen vợ sếp vừa xinh đẹp, giỏi giang lại xứng đáng là dâu hiền. Vợ chồng bác Bảy đứng cạnh cụ cùng đáp lễ, mặt tươi rói chẳng khác nào cô dâu chú rể trong ngày cưới!Chao ôi, con như thế, dâu như thế, mẹ không mát lòng mát dạ sao được? Tôi ấn chiếc phong bì vào miệng tim, nháy mắt chào cụ.
“ Mẹ cứ phải cười luôn miệng, rồi chìa tay ra bắt, rồi cảm ơn,  rồi “vâng ạ”,  con dâu  dặn thế, “ phải làm đúng như thế, đừng lộ cái giọng người nhà quê ra mà họ cười bọn con.”  Ừ thì ngày xưa đồng sâu ruộng cạn, lội bùn lội nước bắt cua bắt cáy nuôi con ăn học mẹ  còn làm được, giờ chỉ chịu khó đóng bộ,  cười luôn miệng, hân hoan phấn khởi trong lễ sinh nhật  của mình cho con đẹp mặt với bạn bè anh em, việc đó chẳng lẽ  mẹ lại không làm được?
  Khách khứa đã kín hết một trăm hai mươi mâm. Nhạc rập rình. Hát như đuổi bắt cướp. Tiếng chạm li. Tiếng cười nói. Tiếng chúc tụng. Nỗi lo trăm bề của  những ngày cuối năm tạm che dấu trong những khuôn mặt tươi cười hoan hỉ.

  Khá khuya, cô bé giúp việc loẹt quẹt đôi dép lê vào nhà.
-         Cháu thấy nhà còn sáng đèn, có nghĩa là cô còn thức.
-          Ừ, cô vẫn thường ngủ muộn mà. Hôm nay chắc mệt lắm phải không?
-         Cháu làm gì đâu mà mệt? Nhưng cụ thì lư tử cô ạ.
Tôi lo lắng:
-         Sao? Cụ mệt lắm à?
-         Cô  tính xem, một trăm hai mươi mâm. Hơn bảy trăm khách. Hơn bảy trăm lần bắt tay, hơn bảy trăm lần “cảm ơn” hơn bảy trăm lần “vâng ạ”. Rồi tiếng ầm ào cười nói, nhạc nhẽo, hát hỏng … trẻ còn bã người ra, huống gì cụ đã tám mươi!  Khi khách đã yên vị, cô chú  cho người đưa cụ về trước, bảo cháu lấy các thứ cho cụ ăn, nhưng cụ bảo mệt lắm, không ăn được. Hơn nữa, đồ xào, đồ nấu ở nhà hàng không hợp với cụ. Cụ bảo cháu nấu cho  bát cháo hoa, loãng thôi. Húp được mấy thìa là cụ nằm mê mệt.
-         Thế giờ cụ vẫn chưa dậy được?
-         Không, cụ dậy chứ. Cụ bảo phải dậy, nằm thế con nó lo lắng, tội, nó cũng đã bận bịu khách khứa cả ngày rồi. Cụ bảo mai về quê.
-         Sao vội về nhanh thế? Cũng đang gần nửa tháng nữa mới đến tết mà?
-         Cô không biết đấy thôi, tối nay  cụ buồn lắm, cụ còn khóc với cháu đấy. Cụ bảo, chỉ vì đôi lợn của thằng Cu Em mà nên cơ sự này.
-         Cơ sự gì? Mày nói chẳng đầu chẳng cuối gì thế ai mà hiểu được?
Cô bé giúp việc cười hích hích, bảo cô đừng mách với ai nhé, rồi rủ rỉ  kể…
-         Cụ có ý xin một triệu cho thằng Cu Em. Cụ bảo vợ chồng nó năm nay chăn nuôi không thuận, lợn gà dịch hết. Tháng trước nợ đôi lợn giống giờ gần tết vẫn chưa có trả, con mẹ hàng lợn hỏi hai lần rồi, nó bảo không trả thì mồng một tết nó đòi tiếp. Cô Thùy Chi bảo cho cũng được, nhưng lại nói: “ Thù lao tiếp khách một buổi của mẹ hơi bị cao đấy.” Chú Bảy bảo, cô ăn với  nói thế à? Cô Thùy Chi vênh mặt lên,em nói thế không đúng sao? Thế anh nghĩ người ta mừng cho mẹ chắc? Hay bảo chú tổ chức sinh nhật cho mẹ ở quê đi mà thu tiền! Chú Bảy giang tay tát đánh bốp vào má  cô Thùy Chi. Cụ chắp tay, mẹ xin các con, mẹ lạy các con. Các con làm thế mẹ đau lòng lắm. Thôi, mẹ không xin nữa. Các con cũng cho mẹ nhiều rồi. Chú Bảy mặt đỏ phừng phừng, mẹ để con dạy cô ta, cái loại chỉ coi đồng tiền là trên hết. Cô Thùy Chi lu loa khóc, ai trên đời này sống mà không vì tiền! Anh không vì tiền chắc? Mẹ anh không vì tiền chắc? Hay là anh  và  mẹ ôm hết số tiền mừng về quê đi. Về mà bù trì cho đứa em nghèo kiết xác của anh đi. Chú nắm chặt tay lại,  nhưng rồi  đùng đùng vơ chiếc áo khoác, ra lấy xe nổ máy đi. Cô Thùy Chi thôi khóc, thôi nói, vào buồng đá xủng xoảng mấy lon bia rồi tắt điện. Cụ ngồi rũ ra trên giường. Cụ bảo ngày mai cụ về. Ở đây thêm ngày nào thì vợ chồng nó căng thẳng ngày đó.  Cháu đừng kể chuyện ni ra ngoài, xấu con xấu cháu thì cụ đau lòng lắm…
Cô bé đứng dậy:
-         Thôi, cháu về nha cô. Về xem cụ đã ngủ được chưa.
Tôi ra khóa cổng. Trăng mười tám chơi vơi giữa trời. Ánh trăng thật lạnh. Ánh điện đường cũng lạnh. Hình như đợt rét cuối năm đã về trong xào xạc vườn cây. Tôi lặng người trong đêm. Thấp thoáng trong tâm tưởng  hình ảnh  một bếp lửa  bập bùng. Bên bếp lửa, bà cụ ngồi bỏm bẻm nhai trầu, giọng đều đều kể cho các cháu nghe chuyện ngày xưa…

                         Cuối năm Giáp Ngọ
                                       NT

25 nhận xét:

  1. Chuyện lợi dụng tổ chức sinh nhật hay phô phang mừng thọ của các sếp và đại gia, tỏ ra mình là người hiếu nghĩa để trục lợi kiếm tiền ngày nay xảy ra không ít. Từ đề tài trên, truyện của Nhật Thành viết tuần tự, tự nhiên một cách thật sinh động và chân thực như đời thường rất hấp dẫn, lôi cuốn người xem...
    Thật đáng buồn biết bao đằng sau tấm màn nhung báo hiếu kia là những mưu mô toan tính của chủ nhân và bi kịch xảy ra một cách bất hiếu mà người tưởng được báo hiếu phải xót xa lãnh đủ như một sự báo oán... Nhưng cái hay của truyện ngắn này làm lòng ta được an ủi, được ấm áp đôi phần như một lẽ tự nhiên là tình mẫu tử trong người Mẹ vẫn luôn tỏa sáng, luôn nhẫn nhịn hy sinh, vẫn yêu tin về những đứa con của mình và mong cho nó được hạnh phúc!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều NT cảm nhận được từ lời com của anh Quang Thứ là một sự ưu ái. Luôn dùng những lời thật ngọt ngào, ấm áp để động viên. Giá như nhà thơ là trưởng ban biên tập phần văn xuôi thì chắc NT được nhờ to? He he...
      Rất cảm ơn nhà thơ về những sự khích lệ ấy. Nhưng " thương cho roi vọt" đấy nhé.Em tự biết mình đang phải cố gắng nhiều.

      Xóa
  2. Hồng xiêm ở dưới quê lên
    Đổi quả cau héo cúng trên bàn thờ (vì để lâu)...
    Nghĩ chuyện "báo hiếu" bây giờ
    Mà như cổ tích xa xưa vọng về!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Quả cau héo cúng trên bàn thờ"
      Cảm ơn anh. Em đã sửa lại thời gian cho hợp lí rồi đấy ạ. Chắc sau 3 ngày, cau chưa kịp héo. He he...

      Xóa
  3. Một truyện ngắn viết dưới thể chuyện kể rất phù hợp với nội dung câu chuyện . Câu chuyện đã mang lại cảm xúc cho lão và có thể cho nhiều người. Một cái kết truyện mở tuy chưa thật hoàn hảo nhưng đã gợi cho người đọc cái nhìn về lòng nhân ái bao dung và cả cái ray rứt trong đối nhân xử thế.
    Tuy nhiên , lễ mừng sinh nhật trên 700 khách mời có phồng lên quá không vì trong tình hình hiện tại là vi phạm những điều Đảng viên đảm nhận chức vụ không được làm. Những kẽ khôn ngoan có chức vị, chẳng ai đem cái ghế của mình giỡn mặt với cửa tử ! Càng dính dáng đến kinh tế người ta càng ranh ma , biết ẩn mình bắt mồi chứ không phải ồn ào tung hô như thế... Lễ mừng trên có thể xảy ra với các ông thầu , nhà giàu , đại gia thì không có gì phải bàn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin thưa với lão, ở cái "khu tự trị" này thì họ chẳng cần phải theo phép vua đâu ạ.Không chỉ tổ chức rình rang sinh nhật, mừng thọ, đám cưới với số người lên đến gần nghìn (vì có đám cưới con sếp đặt tận 150 mâm) mà họ còn đua nhau xây nhà lầu, tậu xe tiền tỉ. Dân tình coi đó là chuyện đương nhiên. Nếu họ cứ thực hiện theo đúng công văn, chỉ thị, nghị quyết chi chi đó thì chắc mọi người đỡ phải chạy sô đi ăn cơm giá cao! Có 2 câu tuyên bố của sếp to mà mọi người vẫn nhắc với nhau: một vị chủ tịch thông cảm với khách khứa trong ngày mừng thọ mẹ: " Vì cụ bị ốm đột xuất, khong lên được nên đành tổ chức mừng thọ vắng mặt vậy, vì mâm bàn, giấy mời phát hết rồi!" Còn một vị (cũng lãnh đạo chóp bu) xây nhà ba tỉ, nói "khiêm tốn": Thôi thì xây một cái ở tạm, sau này về hưu định cư ở Vinh hay Hà Nội thì mới làm cho đàng hoàng luôn!
      Nơi đây chẳng cần ẩn mình đâu lão, dân hiền như đất ấy mà. Không tin, lão cứ mua vé máy bay đáp thẳng lên đây, em sẽ chứng minh cho lão thấy.

      Xóa
  4. Phải đáng ngợi khen Nhật Thành là nhà văn hiện thực phê phán thời @.... những bài viết như những mảnh ghép mặt sau của cuộc sống....
    RẤT HAY!....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế nên viết xong, đăng lên thì ngồi chờ Mưa sang khen một tiếng cho sướng rung rinh cả tuần!
      Cảm ơn Mưa thật nhiều.

      Xóa
  5. Cái cô Thùy Chi này cũng quá đáng thật, nói thế thì ai mà không buồn, nhất là cụ tuổi đã cao. thiệt tình là ... Báo hiếu mà mừng thọ to thế này thì thui, chi bằng bữa cơm đơn giản đầm ấm mà thật sự hiếu kính trong lòng vẫn tốt hơn chị hén.
    Em nghe chị kể đoạn mừng cưới của chị mà em choáng. Em mà cầm chừng ấy thiệp trên tay trong một tháng chắc tháng đó em treo mỏ khỏi ăn uống gì luôn quá. Sài Gòn đi đám quen bình thường thui đã 300, thân tí là tiền triệu rùi. Nghèo chết lun á chị. May mà cả năm em mới đi ăn đám cưới 1, 2 lần thui. hì hì
    Chị iu viết thì chỉ có đọc và cảm nhận...giống như xem phim chầm chậm diễn ra trước mặt.
    Ngày mới vui vẻ nghen chị ui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mục đích của họ đâu phải để báo hiếu mẹ, phải không em?
      Chỗ chị,phong bì bình dân chỉ 200 ngàn thôi. Nhưng họ mời rộng quá, thành thử hơi quen biết cũng có giấy. Có hôm ở trường nhận 2 giấy rồi, về nhà lại thấy người thập thò đưa thêm giấy nữa. Ôi chao, bọn chị gọi là "khiếp mời" chứ không phải thiếp mời!
      Cảm ơn em ghé đọc và có sự chia sẻ thật vui.

      Xóa
  6. Nhật Thành quả là một cây bút truyện ngắn giản dị, tự nhiên mà trong sáng cuốn hút đó nha. Mình đặc biệt thích cách em khắc họa về hình ảnh người mẹ trong truyện ngắn này. Rất sống động, từ ánh mắt lấp lánh,cử chỉ vuốt tay cho bớt quết trầu, hay bỏm bẻm nhai trầu đến những câu nói về cô dự báo thời tiết, về con cháu, nhất là những câu:
    " Không, tui phải về. Tết nhất với tui dừ quan trọng là ở cái bàn thờ tổ tiên. Nỏ biết răng, cứ nghe mùi hương là tui như thấy ông bà cha mẹ và cha hai đứa đang mô đó thật gần. Gần tưởng như mình nói thì thầm, hoặc mới nghĩ thôi là họ đã nghe thấy, cảm nhận thấy rồi cô nà. Vả lại, nghe bảo vài bữa nữa có rét đậm. Tôi cứ là phải có bếp lửa. Ở đây củi đuốc không có, mà có cũng nỏ biết nhen ở mô".
    Những câu văn này đã khắc họa khá ấn tượng một bà mẹ chân chất mà sâu đậm nghĩa tình. Nếu không phải một cây bút tài năng, một cách quan sát tinh tế không thể sáng tạo được những đoạn văn như thế.
    Tuy nhiên chị cũng giống lão Tan là khá băn khoăn về cách tổ chức một cuộc sinh nhật như rứa liệu có sức thuyết phục chăng?
    Một điều đáng kể nữa trong truyện ngắn này là em đã lồng vào đây cả những tập tục hiếu hỉ đang trở thành gánh nặng cho nhiều người trong xã hội thời nay.
    Mong em ngày càng sáng tác nhiều truyện hay nữa nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Song Thu xin lỗi Nhật Thành và bạn đọc trang Hương Ngàn vì đã đánh nhầm từ tiềm năng trong nhận xét trên thành tài năng đó ạ

      Xóa
    2. Lời com của chị bao giờ cũng chu đáo, cẩn thận. Đó là lí do em luôn đợi chị mỗi khi đăng bài.
      Sự băn khoăn của chị em đã trả lời phía trên, chỗ lão Tan nha chị. Lại thêm: mời chị và anh Tuân có điều kiện ghé thăm vùng miền núi tí cho biết, em dẫn chị dạo quanh hồ Thung Mây thơ mộng mà làm thơ.

      Xóa
  7. Chị ơi, trong trái tim hồng còn có cả tiếng thở dài nữa ạ.Đó là tiếng thở dài của chủ nhân cái phong bì thứ mười trong tháng. Hihi.

    Câu chuyện đậm chất nhân văn.Em cũng thích hình ảnh người mẹ giàu yêu thương,sự chịu đựng và hi sinh. Thương những cảnh đời nghèo khó, trân trọng những tấm lòng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là còn có cả những tiếng thở dài. Nhưng tiếng thở dài nén lại nên rất nhỏ LV ạ.
      Sự hi sinh, lòng vị tha của mẹ thể hiện ở từng việc làm nhỏ nhất, phải không em?

      Xóa
  8. Hello I'am Chris !
    this is not a "spam"
    The "directory" is 17 million visits, 193 Country in the World! and more than 18,000 blogs. Come join us, registration is free, we only ask that you follow our blog
    You Have A Wonderful Blog Which I Consider To Be Registered In International Blog Dictionary. You Will Represent Your Country
    Please Visit The Following Link And Comment Your Blog Name
    Blog Url
    Location Of Your Country Operating In Comment Session Which Will Be Added In Your Country List
    On the right side, in the "green list", you will find all the countries and if you click them, you will find the names of blogs from that Country.
    Imperative to follow our blog to validate your registration.Thank you for your understanding
    http://world-directory-sweetmelody.blogspot.fr/
    Happy Blogging
    ****************
    i followed your blog, please follow back
    +++++++++++++++++
    Xin chào I'am Chris!
    đây không phải là một "thư rác"
    Các "thư mục" là 17 triệu lượt người, 193 quốc gia trong thế giới! và hơn 18.000 blog. Hãy tham gia với chúng tôi, đăng ký là miễn phí, chúng tôi chỉ yêu cầu mà bạn theo dõi blog của chúng tôi
    Bạn có một Blog tuyệt vời Mà tôi xem xét để được đăng ký trong từ điển quốc tế Blog. Bạn sẽ Đại diện cho quốc gia của bạn
    Vui lòng truy cập liên kết sau và Làm thế nào Blog của bạn Tên
    Blog url
    Đến từ đất nước của bạn hoạt động như thế nào Trong phiên nào sẽ được thêm vào Danh sách quốc gia của bạn
    Ở bên phải, trong "danh sách xanh", bạn sẽ tìm thấy tất cả các nước và nếu bạn nhấp vào em, Bạn sẽ thấy tên của blog từ đó Country.
    Bắt buộc để theo dõi blog của chúng tôi để xác nhận registration.Thank của bạn, bạn cho sự hiểu biết của bạn
    http://world-directory-sweetmelody.blogspot.fr/
    Chúc mừng blog
    ****************
    i Tiếp blog của bạn, hãy làm theo trở lại

    Trả lờiXóa
  9. Anh thích nhất tình tiết: "Chú Bảy giang tay tát đánh bốp vào má cô Thùy Chi.". Chú bẩy giỏi và hiếm không như phần lớn các quan to sợ một phép các mệnh phụ phu nhân.
    Cách dẫn truyện của em cuốn hút độc giả lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phần lớn các quan vẫn hay sợ phu nhân. Đúng như thế, nên các mệnh phụ phu nhân cứ nắm lấy cái "gót chân A-sin" ấy mà trị các ông.
      Cảm ơn anh đã có lời động viên.

      Xóa
  10. Dù ít thời gian nhưng câu chuyện của chị cuốn hút em phải đọc hai lần và tất cả những lời bàn để "mở mắt" đấy chị ạ!
    Em lo ông Bẩy lấy xe đi mà tới sáng mới về thì bà cụ còn bị nghe đá không chỉ loon mà còn đá cái gì kia nữa kìa...
    Mà sao cố to thế mà không mời vợ chồng anh Cu Em người em duy nhất hả chị?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui vì em đã đọc. Trên thế giới blog, người đọc và thích thơ thì nhiều, người đọc truyện ít hơn, vả lại đọc truyện mất thời gian lắm.
      Chắc ông Bảy cũng không dám đi đến sáng đâu em. Cu Anh còn sợ mẹ lo nữa chứ.
      Mời mẹ, nhân vật chính của bữa tiệc, mà cô con dâu còn lo nữa là mời" đứa em nghèo kiết xác " đến nơi khách khứa sang trọng như vậy, phải không em?

      Xóa
    2. Em lại thích đọc truyện hơn. Vì thấy có đời trong đó. còn thơ thì mơ mộng chút thui, em đọc thấy thích chớ k nghĩ nhiều về bài thơ đó sau khi đọc. Nhưng truyện thì khác, đọc xong, có lúc chợt nhớ, nghĩ tới câu chuyện, tới các nhân vật trong chuyện kể... thích lâu hơn chị ui !

      Xóa
    3. Chị cũng thích đọc truyện hơn thơ. Truyện dài mấy cũng được, nhưng thơ thì ngăn ngắn thôi. Chị thích những bài thơ trong đó có cả yếu tố tự sự.
      Mấy người bạn lớn tuổi của chị thì bảo, họ chỉ thích đọc thơ, trong báo chí hay tạp chí, cũng chỉ tìm thơ để đọc. Truyện thì khi nào rảnh mới đọc.
      Đan Thùy hãy viết truyện thật nhiều vào nhé, chị đọc hết.Thơ em câu nào cũng hay, nhưng dài quá chị nhớ không nổi! Đọc xong tắt máy là quên luôn! He he ...

      Xóa
  11. Chị sang thăm em, đọc entry cuối năm...Ôi! tội cho mẹ già...
    Cuộc sống đôi khi tàn nhẫn ...mà đâu đó là những câu chuyện có thật...Tối Chủ nhật an vui em nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cảm ơn chị đã ghé nhà.
      Chuyện của em là những nhặt nhạnh từ cuộc sống quanh nơi em ở chị à.
      Chúc chị chuẩn bị một cái tết thật nhiều ...linh tinh nhé.

      Xóa