Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

CÕI TẠM.

   Trời âm âm u u. Những đám mây bùng nhùng cuộn rối vào nhau, ì ạch dịch chuyển. Dưới gốc cây bàng già mốc thếch,nó nằm phơi cái thân thể thảm thương của mình trên mảnh chiếu đã rách bươm. Hai bàn chân co quắp không nhìn rõ ngón gắn vào hai cẳng chân tong teo với cái u nơi đầu gối nhô lên đến là tội nghiệp. Cánh tay phải cũng bị co gập lại, mấy ngón tay  xương xẩu  bấu vào bộ ngực lóp lép. Bên cạnh nó, người đàn bà lem luốc trong bộ đồ vá chằng vá đụp, khuôn mặt lấp dưới mớ tóc rối bù như tổ quạ. Mê nón rách đặt phía trước lèo tèo mấy nghìn bạc lẻ.
   Người  nườm nượp chảy vào cổng chùa. Hôm nay là đại lễ cầu an giải hạn đầu năm nên phật tử khắp nơi kéo nhau về đây, nhờ linh ứng của ngôi chùa thiêng để cầu bình, cầu an, cầu tài, cầu lộc, cầu danh, cầu vọng, cầu tử , cầu tôn, …cầu trăm ngàn thứ mà người ta muốn có được trong cõi tạm này.
  Gió bắt đầu xô nghiêng mấy ngọn bạch đàn. Mây vần vũ cuộn từng búi, hạ thấp dần xuống. Người đàn bà liếc nhìn từng tốp người tay xách nách mang những hương, những hoa, những bánh, những trái...lũ lượt kéo vào chùa. Ả nhẩm tính, khách đông thế này thì ngày hôm nay cầm chắc triệu bạc chứ chẳng ít. Trừ tiền thuê mướn đi, cũng còn bảy tám trăm ...
  Mưa đã lắc rắc. Nó cảm nhận cái lạnh của giọt lộc trời đang ngấm dần trên làn da đã bắt đầu xanh tái. Bụng nó sôi réo. Sáng nay, sau khi giao nó cho ả , mẹ Tuyết Mai dặn: “Pha cho nó gói cháo, nhớ chưa?”. “Nhớ rồi, em cho nó ăn ngay đây.” “ Cho nó ăn thêm vào, tối qua con Chắt cho nó ăn ít quá.” Khổ thế, ông trời cho nó nghe được nhưng không cho nó nói được. Nếu không, nó đã gào lên rằng, tối qua,  trước khi đem trả nó cho mẹ Tuyết Mai, cái kẻ tên Chắt kia mới cho nó húp mấy thìa nước mì tôm thừa thôi. Nó đói cả đêm rồi đấy. Nhưng rồi nó chỉ biết cựa quậy đôi chân, ưỡn cái bộ ngực xương xẩu ra mà không nói được gì. Nghe  mùi thơm thơm của  cháo, nó cố dướn người lên, há miệng ra. Nhưng vừa ghé thìa đến miệng nó, ả vội đặt xuống. “Thôi chết! Quên mất bộ tóc ở nhà trọ.” Thế là cuống cuồng chạy. Năm phút….mười phút…mười lăm phút…Mẹ Tuyết Mai cũng đã phóng xe đi đâu mất. Nó nằm đó, nhẫn nại cựa quậy cái thân thể chẳng giống con người cũng chẳng giống con vật. Và chờ… Ả đã quay lại, không cho nó ăn nữa, vội vàng cuộn nó trong manh chiếu bế đi.
   Mưa đã nặng hạt hơn, lộp độp rơi trên chiếc ô. Nó đạp đạp đôi chân khẳng khiu,  nghểnh mặt lên nhìn bóng người loang loáng qua lại. Những đồng tiền đã rơi nhiều hơn vào mê nón cạnh nó. Giọng người đàn bà ai oán khổ sở: “Xin các ông các bà các cô các chú rủ lòng thương mẹ con con. Con cảm ơn các ông các bà các cô các chú…” Hầu như  ai nhìn thấy sự thảm hại đang bày ra trước mắt kia cũng không nỡ bước qua. Những đồng tiền giấy, tiền polyme lổn nhổn. Một cụ già ngồi xuống, sờ sờ, xoa xoa, rồi cởi chiếc áo bông đang mặc trong người, đắp lên ngang bụng nó, giọng run run:
-         Đừng để con nó nằm thế này, lạnh lắm.
-         Dạ, con cảm ơn cụ, cảm ơn cụ thật nhiều…
Tiền tiếp tục rơi xuống.
Mưa bay xiên chéo. Từng đợt gió hun hút. Người đàn bà lôi tuột chiếc áo bông của bà cụ lúc nãy ra khỏi người nó. Việc của nó đơn giản chỉ là phơi mình ra trước thiên hạ để xin chút lộc thừa lộc vãi, đắp lại sao được?
   Nó đói kinh khủng. Cái bụng vốn đã kép lẹp của nó giờ như dính lấy xương sống làm nó thở khó khăn hơn. Và lạnh. Mưa tạt ướt cả mặt, ướt cả bụng, cả chân nó. Chiếc quần đùi cáu bẩn đã bắt đầu  thấm nước. Người đàn bà chăm chắm nhìn vào những đoàn người trước mặt, giọng  đều đều: “Xin các ông các bà các cô các chú rủ lòng thương mẹ con con. Con cảm ơn các ông các bà các cô các chú…” Mê nón lại ngả ra sau mỗi lần nghiêng miệng đổ tiền vào chiếc bị cói…
  Càng về trưa, người trong chùa đổ ra càng đông. Nào ô, nào áo mưa, nào mũ cói rộng vành…ướt lướt thướt dưới cơn mưa tầm tã. Người đàn bà giơ hẳn chiếc mê nón lên, dịch người về phía trước để hứng trọn những đồng tiền liên tiếp quẳng xuống vì  lòng trắc ẩn. Phía sau lưng ả,  nó tê dại đi, mắt nhắm nghiền lại. Chiếc ô đã bị gió xô lệch sang một bên. Mưa dội hẳn vào mặt nó. Chiếc quần đùi ướt nhễu nhão. Đôi chân tím tái của nó không còn đạp nữa mà cứng đơ như que củi khô. Chiếc chiếu nó nằm cũng sũng nước, đen kịt lại.Hình như chút sức lực ít ỏi cuối cùng trong cơ thể nó đang tan  dần ra, chảy luễnh loãng theo dòng nước đục ngầu từ đường xuống cống.
-         Trời ơi! Sao để con ra thế kia?-  Tiếng kêu hoảng hốt của một cô gái làm mọi người đứng lại, sửng sốt nhìn vào cái thân thể tã tượi của nó đang lên cơn co giật. Người đàn bà quay lại. Ả trố đôi mắt trắng dã nhìn nó. “Ôm con về ngay đi. Nó chết bây giờ!” Có ai đó lại hét lên. Ả như bừng tỉnh, hấp tấp bốc tiền trong mê nón rách bỏ vào bị, mang lên vai và ôm nó chạy. Gió thổi làm mớ tóc giả của ả rơi ra,  bay  xuống vũng nước bên đường, nổi lềnh bềnh như chiếc đầu lâu người chết đuối.
  
 Giờ thì linh hồn nó đã rời khỏi thân xác dị dạng đó, đang lửng lơ bay trên nóc nhà. Mẹ Tuyết Mai dẫm chân, dẫm cẳng, tru tréo:
-         Trời ơi là trời! Mày làm ăn thế hả? Tao mua nó mấy chục triệu, biết không?
Ả đàn bà quì xuống nền nhà lạnh ngắt, run run:
-         Em cũng không biết vì sao nó chết! Tự nhiên đang nằm, nó giật giật liên hồi, em hoảng quá ôm nó về đây.
-         Tao không biết! Khi tao giao nó cho mày, nó còn sống. Giờ mày đưa cái xác về trả tao là không xong đâu!
-         Chị cho em đền toàn bộ tiền xin được hôm nay, cả thảy một triệu một trăm mười lăm ngàn…
-         Hừ! Mày nói dễ nghe nhỉ? Tao mua nó bốn chục triệu đấy. Mỗi ngày cho bọn mày thuê có hai trăm ngàn, mỗi tháng sáu triệu bạc. Mới hơn ba tháng mà nó đã chết…Mày tính chừng đó đủ vốn cho tao chưa? Hả?
    Ôi trời! Mẹ Tuyết Mai mua nó bốn chục triệu ư? Thế ra nó đã bị mẹ bán đi ư? Người mẹ khốn khổ mà ngay đến bây giờ, khi linh hồn đã rời khỏi thể xác, nó vẫn đau đáu trông về với một tình yêu, một tình thương vô bờ bến đã cầm những đồng tiền bán con mà sống ư? Không! Những giọt nước mắt đầm đìa của mẹ rơi trên khuôn mặt nó, trên bộ ngực giơ xương của nó, trên đôi chân tàn tật của nó vẫn mặn chát đấy thôi? Lời mẹ nghèn nghẹn nói với mẹ Tuyết Mai hôm đó nó vẫn lưu nguyên vẹn trong trí óc non nớt của nó đấy thôi:" Vâng, trăm sự em nhờ chị...Trời bắt tội em phải xa con, đành vậy..."  Và hình ảnh đôi mắt mẹ đờ đẫn nhìn theo nó vẫn luôn ám ảnh nó mãi đấy thôi? Linh hồn nó hoảng loạn, chẳng biết trong cõi tạm này nên tin vào ai. Nhưng nó không biết rằng, cách đây ba tháng mười sáu ngày, người đàn bà giờ xưng với nó là mẹ Tuyết Mai ấy bỗng dưng xuất hiện ở nhà nó, cách đây đến hơn trăm cây số, tỉ tê với mẹ nó về kiếp luân hồi. “Em ơi, do kiếp trước em ăn ở bạc ác với người ta nên kiếp này em hiền lành mà chịu khổ. Con em bị quái thai, chồng em bỏ đi, em nghèo đói, bệnh tật. tất cả là do kiếp trước cả đó em. Giờ em phải tu đi, phải ăn chay niệm phật đi, để mà tạo cái nghiệp, để mà trả cái nợ. May ra kiếp sau em sung sướng, em hạnh phúc, em giàu có, em à. Thôi thì giờ chị sẽ giúp em, chị mang thằng bé về nuôi và chăm bẵm cho nó. Em không phải mang ơn huệ gì đâu, chị làm phúc đấy. Làm phúc ai lại để người khác phải mang ơn mình, nó mất phúc đi.” Rồi sau một buổi nghe giảng về Phật pháp, mẹ đẻ nó ngộ ra điều gì đó mới lắm, quan trọng lắm, quí lắm. Và đau đớn nhưng tự nguyện, mẹ giao đứa con năm tuổi với thân hình dị dạng  cho “mẹ Tuyết Mai” để từ đó chuyên tâm ăn chay niệm Phật. Và chẳng biết do mẹ niệm Phật nhiều hay ăn chay thường xuyên mà nó chỉ tồn tại trên cõi tạm này thêm có ba tháng mười sáu ngày đã được về chốn bồng lai!
  Giờ thì nó chẳng còn chút gì để lưu luyến cõi đời nơi trần thế. Nhìn lại thân thể lần cuối, rồi nó bay vút lên, tắm trong làn mưa trắng xóa để rửa sạch bụi trần. Nó bay mãi, bay mãi, khuất dần trong những đám mây đen. Phía trên những đám mây ấy là thiên đường đầy ánh sáng và hương thơm ngào ngạt…
                                                                            
                                             Tháng Giêng năm Ất Mùi.
                                                               NT




37 nhận xét:

  1. Sao mà xót xa thế NT ơi.... sao có những con người tàn ác hơn quỷ dữ thế chỉ nghĩ đến tiền thôi....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải nói là họ đã nghĩ ra đủ mọi cách kiềm tiền, kể cả dùng thân xác kẻ tàn tật.
      Cảm ơn Mưa đã ghé thăm.

      Xóa
  2. 1- Chuyện ngắn nhưng vấn đề trong chuyện khá dài, có thể làm thành một tác phẩm dung lượng lớn hơn.
    2- Tội ác tày trời lại diễn ra trước cửa chùa, mới thấy phần hồn của cõi tạm này đã băng hoại đến tột cùng rồi. Một báo động cho xã hội
    3- Nhân tiện nói thêm vài chi tiết Phật giáo
    - "các tăng ni phật tử khắp nơi kéo nhau về đây"
    Tăng (đàn ông) là vị tì kheo, hoặc vị sư trong đạo Phật. Quy y tam bảo tức là quy y Phật, Pháp, Tăng
    Ni (đàn bà): Bà vãi, cô vãi, người phụ nữ đã thọ giới xuất gia tu tại chùa, am
    Tăng và Ni tu trong chùa và am của họ chớ không nhập đoàn với Phật tử đi lễ ở chùa khác.
    Cái câu trên bỏ hai chữ Tăng Ni mới hợp lý
    - "để mà tạo cái nghiệp, để mà trả cái nợ"
    Hoạt động của Thân, Khẩu , Ý tạo ra nghiệp. Trong nghiệp có thiện nghiệp và ác nghiệp. Cho nên câu trên phải là "để mà tạo thiện nghiệp"
    Tuyết Mai phải nói như vậy để thấy con rắn độc này biết sơ sơ phật pháp, và làm tăng tội ác của nó lên

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NT đang cố để viết ngắn. Từ 4 trang, làm sao còn 2 trang là được.
      Thực ra thì tác giả rất mù mờ về vấn đề Phật giáo. Viết "tăng ni phật tử" là do nghe người ta nói thế, chứ chưa hiểu rõ ngọn ngành. Rất cảm ơn Bu đã cung cấp những kiến thức cần thiết.
      Còn câu " để mà tạo cái nghiệp" là cách nói về đạo phật của kẻ không theo đạo Phật (do dùng từ "cái"), còn thiện nghiệp thì mới tạo, còn ác nghiệp thì nói gieo, phải thế không Bu?

      Xóa
    2. Trong quyển sách của thầy Thích Chân Quang có tựa đề "NGHIỆP và KẾT QUẢ" (sách dày 300 trang) có một câu thế này: "Nghiệp được xem là nguyên nhân và sự báo ứng được xem là kết quả"
      Như vậy thì thiện nghiệp hay ác nghiệp gì cũng do con người GIEO hoặc TẠO ra cả. Vấn đề là phải thống nhất cách nói. Chẳng hạn tạo thiện nghiệp, tạo ác nghiệp, gieo thiện nghiệp gieo ác nghiệp, chớ không nói cái này GIEO cái kia TẠO

      Xóa
    3. Vâng, em hiểu rồi. Người ta bảo: "Gieo nhân nào thì gặp quả đó" có lẽ là vậy!

      Xóa
  3. Nơi cửa chùa - chốn linh thiêng mà tâm địa con người sao lại quá tàn ác vậy? Biết rằng kẻ "gieo gió sẽ gặp bão", nhưng vẫn xót xa cho những kiếp người sống trong cõi tạm này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế nên người nào rời được cõi tạm sớm thì người đó sướng, phải không lão? Sau này lên trên kia (thiên đường ấy), chúc lão vẫn đào hoa như ở hạ giới nhé.

      Xóa
  4. Đọc truyện này lão thấy thích vì đúng phong cách truyện ngắn. Dung lượng như thế và vừa cho câu chuyện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với lão, em không thích những nhận xét qua quýt như thế này đâu nhé.Nhưng mà thôi, nói ít mà không chê là mừng! He he...

      Xóa
  5. Thật tình mà nói thì anh cảm nhận đây là truyện ngắn hay, viết có lớp lang, nêu bật được vấn đề và tính cách, thủ đoạn mất nhân tính của những kẻ lợi dụng thân xác đứa trẻ tàn tật để kiếm tiền ngay trước cửa Phật.
    Nhưng anh cũng thấy truyện có chỗ chưa thật rung động vì những suy nghĩ và hồi tưởng của đứa trẻ là NÓ trong truyện có vẻ hơi lộ là của tác giả nói thay cho nhân vật...
    Đôi điều cảm nhận và chia sẻ rất chân thành chứ ko có ý khen chê. Mong được em hiểu và cảm thông nhé!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ khen chê thoải mái đi, gì mà phải rón rén thế hở nhà thơ?
      Em sẽ suy nghĩ thêm để xem có nên chỉnh sửa không nhé.

      Xóa
  6. một truyện hay, nói thay cho nhiều người. mình thăm và chúc bạn luôn viết hay nhé.

    Trả lờiXóa
  7. em đọc mà khóc, tim cứ nghèn nghnẹ nghèn nghẹn... Chẳng biết nói thế nào khi mỗi ngày, mỗi giờ, ở SG này, những cảnh tượng như thế d8ầy khắp cả ngã tư... Nhiều lắm chị ạ. Người ta kinh doanh lòng nhân đạo của con người một cahc1 độc ác và tàn nhẫn quá.
    Thôi thì mong nó đi thế cho trả sạch nợ trần ai. Kiếp sau có làm người đừng vận vào mình cái kiếp buồn này nữa.
    Truyện xót , xót quá chị ui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lúc đầu chị không biết người ta cho thuê đâu, cứ thắc mắc sao mà mẹ lại nỡ đày con ra thế. Nhưng tình cờ nghe họ cãi nhau trong nhà trọ mới hay rằng thằng bé chỉ là một phương tiện kiếm tiền của bọn họ. Có những kiếp người sao khổ thế!

      Xóa
  8. Hỏng biết cha mẹ của những con người tham vọng tiền tài ấy nghĩ gì ? Hỏng biết vì sao đã sản sinh ra cái cảnh đời như thế ?
    Viết hay lắm !

    Trả lờiXóa
  9. Mọi cái trong cõi tạm này đều có thể xẩy ra, đúng không MTH?

    Trả lờiXóa
  10. Tôi thích nhất là cách xếp đặt tình huống của chuyện. Nơi kiếm ăn và gây tội ác ngay trước cửa phật.
    Bạn rất thành công trong cốt chuyện. lột tả cuộc sống gọn ghẽ và chậm rãi , khi đọc chuyện này cảm thấy không vướng mắc gì mà cứ đọc một lèo, sau cùng mới đủ dữ liệu để khái quát.
    Chuyện hay lắm, cuộc đời thật dã man, mọi rợ. Sỏi thấy xúc động thật sự!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Sỏi đã ghé nhà và để lại những lời nhận xét làm chủ nhà sướng rung rinh!
      Nhưng mình thì khoái cách chọn chuyện của Sỏi. Những câu chuyện rất ngắn, rất đời thường mà ý nghĩa thật sâu sắc. Sẽ tiếp tục sang nhà Sỏi đọc bằng hết những bài cũ.

      Xóa
  11. Nhân đọcentry Cõi Tạm của bạn Mộc xin tặng bài thơ cùng tên

    Cõi Tạm

    Thọc bàn tay chiếc túi rỗng trăm năm
    Mua gói mì tôm dùng dằng đắt rẽ
    Nhưng vẫn sống suốt đời tôi, dâu bể
    Chỉ hơi buồn và chống chếnh chút thôi

    Giở mũ ra, hỏi tóc gió đâu rồi
    Sao lại thế, trên đầu toàn sợi bạc
    Bỗng giật mình loay hoay như trẻ lạc
    Đây là đâu, phải cõi tạm không nào ?


    Sài Gòn, 11.2013
    Bình Địa Mộc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc bài thơ này của anh Mộc.
      Nhìn hình của anh,
      Sỏi chắc chắn ai cũng xúc động vì cứ như đã gặp anh rồi, Anh tự họa sắc xảo lắm!

      ...Hihi!

      Xóa
    2. Ừ nhỉ, cõi tạm này loáng cái đã hết. Vậy thì băn khoăn làm gì nhiều chuyện cho mệt, phải khong anh Mộc?

      Xóa
    3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    4. Mộc ơi nhân loại vô minh lưu lạc trong luân hồi cho nên cõi nào rồi cũng tạm cả, chỉ có ông Thích Ca mặc định trên Niết Bàn là không tạm thôi.
      Túi rỗng trăm năm mà vẫn đủ tiền mua mì tôm Omachi là còn hơn chán vạn người rồi, cứ bằng lòng vậy thôi Mộc à

      Xóa
  12. Trả lời
    1. Chỉ biết thở dài xa xót, chị Phương Tâm nhỉ?

      Xóa
  13. trở lại để đọc một lần nửa, đọc lần hai mà tim cũng như thắt lại. thật hay, thật mười mươi trên cổng chùa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Mẫn cũng đã từng gặp những cảnh tượng như thế, phải không ạ?

      Xóa
  14. Cảnh tượng trẻ dị dạng nằm ở cửa chùa, trên đường lên các chùa khá nhiều. Đây là một mánh làm ăn của những kẻ bất lương.
    Tác giả viết hay lắm, sống động lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bao lần đi chùa Hương Tích, em thấy cảnh la liệt người tàn tật ngồi dọc bên đường xin tiền, và cả đoàn không ai là không chuẩn bị tiền lẻ để cho họ. Nhưng chuyện người ta thuê thân xác trẻ em tàn tật để kiềm tiền thì em mới biết đầu năm nay. Thật quá quắt!

      Xóa
  15. Mình đã đọc truyện ngắn này nhiều lần và ngộ ra rằng: Từ những hiện tượng có thật trong cõi tạm này, Nhật Thành đã thâu tóm, tưởng tượng, khái quát, cắt nghĩa, lý giải để đưa đến cho người đọc những cảm nhận rõ hơn, sâu sắc hơn về một cách kiếm tiền hết sức bất lương và vô nhân tính của những kẻ tàn ác trong cõi tạm này.
    Truyện ngắn gọn, có kết cấu ngược dòng rất tự nhiên và chặt chẽ, dung lượng vừa phải, cắt nghĩa hợp lý. Hay! Vẫn là con mắt nhìn tinh tường và cách khám phá về những "Góc khuất" trong cuộc đời nhưng truyện này đã có sự dồn nén chặt chẽ và cách lý giải sắc sảo hơn, có nghề hơn.
    Chúc mừng em

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạo này em bận, chị ạ. Thỉnh thoảng có vào blog và một số trang mạng tìm kiếm thông tin cho công việc, không có thời gian giao lưu với mọi người. Có đảo qua nhà chị, thấy cái xe mới tinh nhưng chưa đòi chị khao. He he...

      Xóa
  16. Khá lâu rồi hôm nay mới sang nhà thăm em được. Chúc em khỏe vui và có thêm bài viết mới thật hay nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ nhỉ, khi em ở ngoài vùng phủ sóng thì chịu thôi, đúng không? Hì...
      Em đã sửa lại phần sau để khắc phục cái làm anh băn khoăn rồi đó. Như thế đã tạm ổn chưa?

      Xóa
    2. Là máy tính của anh bị hỏng hơn một tuần và công việc bận nên nay mới vào mạng cũng như blog được. Em ko đọc lời anh trần tình bên nhà hay sao mà còn trêu? Hii...
      Anh ko nhớ chính xác nguyên bản phần cuối truyện ngắn này của em nữa, nhưng bây giờ đọc lại nghe tự nhiên, hài hòa hợp lý hơn trước Em ạ !

      Xóa