Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

HOA TRÊN ĐỈNH NÚI 8

  Chạm bản. 
  Na thích thú nhìn những ngôi nhà sàn san sát bám dọc con đường đất rộng và bằng phẳng. Chợt thấy vui vui, nẩy ra mấy câu thơ ngô nghê:
“Ở Vinh chỉ có mấy nhà tầng
Phải qua bao kĩ sư xây dựng
Ở đây nhà tầng chen chúc đứng
Chỉ qua bàn tay của nông dân”
 Dưới chân cầu thang, những đứa trẻ trai ở truồng nhồng nhỗng, những đứa trẻ gái cũng ở trần nhưng mặc váy. Chúng tròn xoe mắt nhìn, Na giơ tay vẫy, cả mấy đứa chạy lên từng bậc thang, cười khúc khích.
   Gió  thổi lồng lộng, nắng vàng rộm trên các mái nhà lợp lá cọ. Không khí thật trong lành. Mấy phụ nữ Thái đi ngược chiều, váy quấn ngang ngực, cánh tay trần, vai trần trắng nuột nà. Sau lưng mỗi người là một cái gùi to tướng. Gặp thầy hiệu trưởng, họ dừng lại, chắp tay:
- Cò dù bò? (Có khỏe không?)
Thầy hiệu trưởng giơ tay tay đáp lễ:
- Cò dù, hấng hến nhăng cò dù bò? (Khỏe, lâu ngày không thấy, có khỏe không?)
Sau này, Na hiểu rằng, đó là câu chào hỏi cửa miệng, như là một phong tục của người Thái, dù họ vẫn gặp nhau thường xuyên. Chào xong, họ lại cắm cúi đi theo một hàng dọc, người chúc về phía trước, váy xập xòe lấp lánh những mảnh gương nhỏ phản chiếu ánh nắng mặt trờì.


 Sân trường ngổn ngang tre nứa. Những đống tranh lá cọ cao chất ngất. Một dãy  lớp học tan hoang, phên vách rách nát tả tơi, chỉ trơ lại mấy cái cọc tre chôn xuống đất, hình như là dấu tích những cái chân bàn, chân ghế còn sót lại sau ba tháng hè làm chỗ nghỉ ngơi cho đàn trâu bò thả rông của bản.

Khu kí túc là một dãy nhà tranh, lá cọ còn tươi mới, phên vách  hăng hắc mùi tre nứa. Cỏ ngập sân, phân trâu phân bò choe choét lõng bõng nước. Cả dãy nhà vắng hoe. Lát sau, một chị thấp đậm chạy ra, thái độ chẳng  vui cũng chẳng buồn, hỏi cộc lốc:
- Vào trưa thế? Cơm trong bếp đó nha. Mọi người đi bản cả rồi.
Nói xong lại biến vào phòng, cánh cửa liếp ụp lại.
- Nghỉ một lát, Nga đưa các cô ra suối tắm rửa rồi ăn cơm. Thầy về nhà đã nhé.
Thầy hiệu trưởng nói xong, rảo bước ra cổng. Một nỗi buồn len vào lòng Na, nó cứ lớn dần lên, xâm chiếm và xua tan mọi cảm xúc tươi vui, trong trẻo vừa có được từ khi nhìn thấy cảnh nương rẫy, làng bản. Quạnh quẽ, hiu hắt đến thế này ư? Tẻ nhạt, chán chường đến thế này ư?Trước đây Na từng hình dung ngày đầu mình đến trường trong chiếc áo trắng tinh, chiếc quần lụa mềm mại đen nhức, đôi guốc cao, mái tóc mượt mà thả xuống ngang lưng... Na đi giữa sự quấn quýt ríu ran của các em học sinh. Rồi Na cười luôn miệng, trả lời luôn miệng những câu hỏi làm quen của các em, của đồng nghiệp.  Trên đường vào bù, Na vẫn nghĩ đến cảnh các em học sinh chạy ùa ra đón các cô giáo mới, rồi các anh chị trong kí túc cũng chạy ra tay bắt mặt mừng, hỏi han rối rít.Thế mà...Na không thể nén nổi tiếng thở dài. Có gì đó như là sự tủi hờn, là sự cay đắng đang tích tụ trong lồng ngực. Na cố hắt ra theo tiếng thở dài nhưng lại thấy nghẹn nơi cổ họng. Tóc Vểnh ngồi bệt xuống đất, chống hai tay ra phía sau, ngẩng mặt lên trời:
- Ôi chao ơi là đời!
Tóc Đầm ứa nước mắt:
- Đây mà là trường học ư?
Trong lúc đó, Nga xăng xái lôi mấy túi đồ trong góc phòng ra, liến thoắng:
- Này, của ai đến nhận mau, nguyên sơ-ri, không hề ướt nhé. Mấy anh dân quân này đi đường tắt nên chắc đến từ đầu giờ chiều qua. Họ đi thôi, mình mà đi, lơ ngơ lạc trong rừng thì có mà sống với khỉ. Hi hi..Thôi, soạn đồ mà đi tắm mấy nàng!
  Quay lại thấy ba đứa như kẻ thất trận, Nga cười khanh khách một tràng rồi bảo:
- Sao mà như mất sổ gạo cả thế? Buồn quái gì! Rồi quen cả thôi. Năm ngoái vào trường Nga cũng vậy đấy, giờ thì quen rồi. Thôi, dậy!
  Na uể oải soạn đồ, cả mấy đứa đi ra suối.
 Bữa cơm tối cũng chỉ có năm người. Thêm hai chị đi bản về nhưng Tóc Vểnh và Tóc Đầm lại xuống bản lẻ từ chiều. 
- Thế không chờ các thầy về ăn à? - Na hỏi.
- Ôi chà, về khi nào ăn khi đó, biết có về không mà chờ? - Chị Lục làu bàu.
- Không chờ thì ...
- Thì cái gì? - Nga cười - Mấy cha đi bản, gặp rượu cần thì sà vô, uống xong rồi ở lại ki khầu giám, say thì non giám. 
  Thấy Na tròn mắt, Nga tiếp:
- Ki khầu giám là ăn cơm thăm, tức là ăn với gia đình. Non giám là ngủ thăm, tức là ngủ với gia đình, ở Quỳ Hợp mà mấy tiếng đó cũng không biết!
- Thì mình ở gần người Thổ chứ có gần người Thái đâu! - Na nhìn ra ngoài sân, tiếp- Trường lớp thế này, khi nào mới vào học được?
- Còn lâu. Sang tháng mười mới học. Giáo viên cũng đã vào hết đâu mà dạy. Ở đây làm được kí túc rồi, chứ mấy cô bản lẻ còn phải ở nhờ trong nhà dân ấy.
- Thế vào làm gì cho sớm?
- Không vào thì ai đi vận động học sinh đến trường? Có khi còn phải vào tận trong nương rẫy gọi chúng về đấy nàng ạ. 
- Thôi, ăn đi kẻo tốn dầu - Chị Liên gắt - cứ vào đây là được rồi, đến tháng nhận lương, lắm chuyện.


 Na ngồi bó gối trên giường, không khóc mà nước mắt cứ giàn giụa. Na không thể kể với thầy, để thầy vẫn được tự hào nói với con gái, rằng con giỏi giang thế, con sẽ được trọng dụng, dù là làm việc gì, ở đâu chăng nữa. Na cũng không thể tâm sự với mẹ, chắc chắn mẹ sẽ rên rỉ một cách xót xa, rằng mẹ đã bảo rồi, học hành lắm chữ mà làm gì, có mài chữ ra mà ăn được đâu. Con Liên, con Việt đó, học 18 tháng trung cấp thương nghiệp, nay bán cửa hàng,  nào nước mắm, nào xà phòng, nào dầu hỏa...bố mẹ cứ là dùng thoải mái. Na cũng không thể kể với Yến, cô bạn ngoa ngoắt nhưng tốt bụng ấy, vì nó sẽ kéo dài giọng mà mỉa mai rằng, nàng cứ ôm mấy câu thơ của Tố Hữu mà sống nhé:
Hỡi những người trai, những cô gái yêu
Trên những đèo mây, những tầng núi đá
Hai bàn tay ta hãy làm tất cả!
Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai!
nàng cứ bươn qua đèo mây, núi đá rồi dùng trí óc mình để "hối hả" tìm tương lai đi, còn tớ "xin cứ chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành người ta"...ha ha...Na lấy hai tay bịt tai lại, không muốn nghĩ nữa, nhưng hình ảnh của Ninh với vẻ mặt đắc thắng hiện ra: " Anh nói với em rồi đó thôi, một kẻ có tiền như anh, ở thời đại này cưới tiên còn được, cô giáo như em là cái thá gì? Rồi em sẽ phải hối hận, chắc chắn thế!" Na trùm chăn lại, rấm rứt khóc.

  - Ê, lục mè, nọong xáo ời. (Ê, dậy đi, em gái ơi)
 Na nằm im, giả vờ ngủ. Chiếc chăn bông bị kéo tuột, Na hốt hoảng ngồi dậy. Hai ba bóng người mặc quân phục lố nhố:
- Dậy đi, sao ngủ trước gà thế?
Na ngạc nhiên khi nghe giọng Diễn Châu, vùng miền biển hơi nặng. Hóa ra hôm nay là tối thứ bảy, lính đồn biên phòng được tự do đi chơi. Na thoáng mừng vì nghĩ có người để nói chuyện, cô xịch sát vào góc giường, lí nhí:
- Mời...mọi người ngồi chơi.
Ba người lính cùng ngồi , tấm liếp giường oằn xuống. 
- Mới toe loe hả? 
- ...
- Thằng này nó hỏi mất lịch sự thế đó em. Anh hỏi này: Em mới ra trường à?
- Dạ.
- Tốt! Thế đã có người yêu chưa?
Cười ha ha, cười hô hố. Na bắt đầu thấy khó chịu.
- Chưa có thì yêu anh nhé, đừng yêu thằng này, nó vừa ghẻ, vừa hắc lào, khiếp lắm! Hế...hế...
 - Em đừng nghe nó, nó là thằng bị giang mai ấy mà. Hớ...hớ...hớ...
 Na nóng bừng mặt. Từ trước đến giờ, Na luôn giữ hình ảnh người lính trong những trang truyện, trong những bài thơ. Họ lung linh lắm, họ là hình ảnh đẹp nhất của thời đại, đến nỗi "cả năm châu chân lí đang nhìn theo " cơ mà? Chưa ai viết về người lính mà có kiểu ăn nói bỗ bã như thế bao giờ! 
 Lại một bóng nữa đứng chắn ngang trước cửa.
- Thằng kia, vào thì vào, ra thì ra, đứng nhìn gì thế?
- Cứt một bãi, chó cả bầy, vào làm gì! Nghe nói có ba cô mà sao không thấy. Vừa nói, anh ta vừa lững thững đi vòng ra phía trước.
- Hô...hô...hô..."Em như cục cứt trôi sông/ Anh như con chó đứng trông trên bờ". Thơ anh đấy, hay không em?
Đến nước này thì Na không thể chịu nổi nữa, cô hét lên:
- Mấy người ra khỏi phòng tôi ngay!
- Ơ hay, em đuổi bọn anh đấy à?
- Mấy người chẳng đáng làm anh, đi ra ngay!
- Hả? Sao hả? Nóng tính thế cô em búp bê?
 Môt người đứng dậy:
- Thôi, sang phòng em Nga vui hơn, kiêu bỏ mẹ...
  Na chẳng còn khóc được nữa. Cô rụng rời hết cả chân tay. Đầu óc  trống rỗng, không đủ sức để nghĩ gì. Phía dãy trước, phòng Nga lại ầm ĩ. Nói oang oang. Cười hô hố. Đấm lưng thùm thụp. Phát đùi đen đét...
- Này, đứa nào tán đổ con búp bê kia tao mất hai con vịt!
- Chắc không?
- Ngoắc tay.
Na cười cay đắng. "Giá của mi giờ là hai con vịt đấy, nhớ chưa?" Na tự nói với mình trong đêm trằn trọc đầu tiên chính thức sống cảnh ở bù.
(còn nữa)
Đây là ả Hoe trong phóng sự Ả HOE RA PHỐ của Tan 262, người mà anh Salam ôm thương ủ nhớ lâu nay. Hôm ở SG, anh Salam :
 Nghe tiếng cười em trong điện thoại
 Cầm lòng không đặng, đội mưa đi"
(vì HƯƠNG NGÀN không cài chức năng gắn ảnh vào lời còm nên NT phải đưa lên đây cho anh Salam và bà con nhìn nha)







42 nhận xét:

  1. Sáng thăm bạn được đọc câu chuyện bạn tả là câu chuyện rất thực của các cô giáo ở niềm sâu sa trên khắp đất nước ta .
    Đúng là Hoa trên đỉnh núi bạn lấy tựa đề câu chuyện rất chuẩn .
    Chúc bạn luôn vui khỏe hạnh phúc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn HA, mình chỉ ghi lại một cách chân thực những gì đã trải qua. Nhớ gì kể nấy ấy mà.
      HA chắc biết HOA TRÊN ĐỈNH NÚI là như thế nào rồi, đúng không?
      Chúc HA luôn có những bài thơ hay.

      Xóa
  2. Mình nghĩ "Hoa trên đỉnh núi" chưa chắc đã là tựa đề của chuyện dài này. Tuy nhiên phần đầu này thì cứ dùng tạm cái tựa ấy cái đã. Cái tựa đề và hình thức chính là phần đầu tiên giúp ta có ấn tượng tốt. Cũng giống như đi xem mặt vậy và các phần tiếp theo sẽ thu hút người đọc. Anh rất muốn nói một lời khen nhưng lại phải nói đến cách nói thế nào cho dễ nghe, đúng và không loãng. Cha ông ta vẫn thường nói:
    “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói cho vừa lòng nhau không phải để lấy lòng nhau hay lừa dối lòng mình. Nhưng là lựa lời để nói. Nói phải có tính xây dựng. Nói để giúp, để động viên thậm chí là chia sẻ. "Lời nói không mất tiền mua", không phải để chúng ta phung phí lời nói bừa bãi, những lời nói vô ích, hay những lời nói thô tục. Nhưng anh tin là anh biết quý trọng từng lời.
    Em có sức làm việc tốt, cách làm việc (viết) khá chuyên nghiệp. Tuy nhiên con đường trở thành một cây bút chuyên nghiệp thật sự rất chông gai và nhiều khó khăn. Thực ra phần 8, nhưng mới chỉ tạm thời là khúc dạo đầu. Còn những phần nữa ở đó em cố gắng gieo vãi nhân cách, trong hành trình cuộc sống của một cô giáo, để mỗi bước chân em đi luôn để lại dấu ấn của yêu thương và hy vọng cho những người sống bên cạnh em.
    Nhưng có thể đó lại chưa phải là ý tưởng của em, mà ý em là muốn lột tả cái quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của một trí thức. Hình ảnh người lính vô học và lỗ mãng là có thật, không xa lạ. Nhưng giá như Na thâm trầm hơn thì anh thích hơn.
    Ôi nay anh lại ba hoa rồi , Tóm lại là anh hài lòng với P8 này! Hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cóp lại một đoạn trong phần 5 nói về nhan đề anh nhé:
      Yến đứng bật dậy, đi lại đứng trước mặt Na:
      - Rồi cậu sẽ hối hận, Na ạ. Cậu sẽ hối hận khi cứ mơ màng với cái “mặt trời chân lí chói qua tim” mà cậu tôn thờ! Cậu có biết cái ông nhạc sĩ gì đó đã nói đểu những cô giáo miền xuôi lên dạy học ở những bản làng xa xôi như thế nào không?
      Yến quay lại giường, nằm bắc chân chữ ngũ và hát nheo nhéo:
      - “Ơi cô giáo của bản làng….Đời đẹp như bông hoa trên đỉnh núi…úi…úi…” Ha …ha…ha…
      - Cậu điên rồi, câu hát hay như thế mà cậu cũng cho là nói đểu?
      Yến vẫn cười, tiếng cười chua chát, nghe như đã ướt nhòe nước mắt. Và quả là miệng cười nhưng mắt Yến nhòe nhoẹt nước:
      - Đểu đấy, Na à. Hoa trong vườn dù đẹp hay xấu đều được chăm, được bón, được nâng niu, được tưới tắm. Tồi ra thì hoa ven rừng mọc hoang dại dù không được vun trồng tưới tắm nhưng nếu đẹp thì cũng có người hái về, trân trọng cắm vào lọ mà ngắm nghía. Hoa trên đỉnh núi ư? Hoa trên đỉnh núi thì nở cho ai nhìn? Đẹp cho ai nhìn? Kẻ nào đủ can đảm leo lên đỉnh núi mà ngắm hoa? Mà hái hoa?Hoa nở đó, khoe sắc một mình giữa đại ngàn hoang dại, nở hết mình rồi tàn, rồi lụi. Đấy, cô giáo miền xuôi lên với bản làng là như vậy đấy."
      Em theo dõi các lời com của anh từ trước đến giờ, thấy rất rõ cái "lựa lời" của anh, những lời com khong hề cẩu thả, bừa bãi, thể hiện sự chân thành, yêu mến của người đọc đối với người viết. Dù hay hoặc chưa hay, anh vẫn trân trọng cái sản phẩm được chiết xuất từ kho táng chữ nghĩa, kiến thức có trong đầu mỗi người. Chính vì thế mà blog luon níu giữ chúng ta lại với nhau, đúng không anh?
      Còn về chủ đề của truyện, em đã diễn giải ở trên rồi đó, nhưng những bông hoa trên đỉnh núi vẫn nở, vẫn tỏa hương, vẫn sống trọn đời hoa vớ ý nghĩa làm đẹp cho đời.
      Tâm lí Na đang rất buồn, tưởng gặp được người để nói chuyện, vui hơn khi đó lại là người lính, những con người Na yêu quí, ngưỡng mộ từ trang sách, nhưng rồi...
      Cách xử sự của Na thể hiện cô còn quá non nớt về kĩ năng sống, điều thường gặp ở những người mới bước vào đời.

      Xóa
  3. Thú thiệt với chị iu, đây là phần mà em đọc và thấy nó gần gũi, sát nhất , đọc mà có thể hình dung mồn một trước mặt. Em cảm thấy thú vị và lôi cuốn em đọc từ đầu tới cuối, không có cảm giác chán giữa chừng vì những lê thê dài dài ( rất xin lỗi chị iu là ở những phần trước, có những chỗ dài dòng quá nên em đọc lướt qua ). Cái hụt hẫng của Na khi từ hình dung trường lớp, đến cả người lính... bị sụp đổ hoàn toàn khi cô ấy tiếp xúc với thực tế... tậm trạng tiêu cực,khiến cô ấy cư xử với các anh lính có phần đúng y như câu anh lính nào đó nói :" qua phòng cái Nga vui hơn, kiêu bỏ mẹ ".. cũng là dễ hiểu và cảm thông được.
    Thực ra, chính những hình ảnh lỗ mãng, nói năng bỗ bã này của những người lính, em mới thấy chất đời vô cùng trong truyện. Đây mới là lính mà em thấy - em có quen sơ sơ vài người bạn trong môi trương quân đội, chả hiểu thế nào cả mấy người này, người nào cũng nói trây ( nói bậy ) hãi hùng luôn. hì hì
    Phần này, bắt đầu cuốn hút. Cả phần từ đầu đến cuối. Like nhá chị iu !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một nhân vật Na đặc sệt sách vở, bước vào đời không vấp ngã mới là lạ, phải không Đan Thùy? Các anh lính trẻ là thế, những người đi lính nghĩa vụ, họ là những chàng trai trẻ từ các miền quê ra đi, sự đùa cợt cứ thô mộc nghe thật khó chịu với những người như Na, nhưng đó mới là chất lính. Chị sẽ còn viết về họ ở trong nhiều phân đoạn khác.

      Xóa
    2. Em quay trở lại đọc lại ( thói quen này là hễ cái gì em thích là em đọc hoài . hì hì ). Mới phát hiện ra chị iu gắn chân dung người trong mộng của anh Salam. hí hí
      Sao hình chị iu đi chơi với đoàn, chị không khoe cho em coi với chị ui !

      Xóa
    3. Thôi, chị chỉ cất đi để ấp vào trong kỉ niệm ĐT à.

      Xóa
  4. Cảm giác hụt hẫng khi đọc chương 8 này . Cứ chờ mãi khi nào thì Na được các chú Bộ Đội cho " Ăn " lương khô ? Mà giờ gặp mấy chú Bộ Đội như thế thà đừng ăn thì hơn . Sang nhà Sỏi mà ăn " Mướp " đê " Dài " lắm
    Bài viết đã ngắn lại , câu chữ rõ ràng , tâm lý nhân vật cũng đã bị hụt hẫng khi đối diện với thực tế trần trụi , không đẹp như trong tưởng tượng .
    Những câu trêu đùa tục tĩu là có thật . Ai đã trải qua thời sinh viên chắc cũng biết là trêu đùa nhau nhiều khi còn tục gấp 10 lần . Nhất là khi biết một đôi nào thưng nhau thì chết với lũ " Quỷ " . Có cảm giác tác giả bê nguyên những đối thoại từ thời sinh viên vào miệng mấy chú bộ đội . Đọc đoạn này có cảm giác như mấy chú bộ đội đi tìm gái điếm , chứ không phải đi tìm tình yêu. ( ! ) . Vẫn biết rằng bỏ cày bỏ cuốc lên đường đi nghĩa vụ mà lại sống giữa rừng xanh núi thẳm , tình cảm khao khát phụ nữ là có thật ( Nhiều người còn quan hệ đồng giới với nhau nữa kìa ) . Nhưng khi gặp một cô gái trẻ mà sử sự nỏ ra làm răng cả .. Vì thế Salam nghi ngờ đoạn văn này ??
    Bài hát " Một đời nguời một rừng cây " hình như hồi đó chưa có , theo Salam thì hình như sau 1990 thì phải ?
    Tóc Vểnh có phải là cô gái người Vinh hôm nọ nói chuyện với Salam hay không ? Nhớ nhớ là
    P/ s : Đoạn ba người đẹp đi tắm suối sao không tả tỉ mỉ cái coi .. Tò mò quá đê ... Tả ngắn xịt à .. Chán chán là

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Salam nhầm! Đó không phải là lời tán tỉnh, mà chỉ là lời trêu chọc. Lính đồn thường chọc tức cô giáo thế đấy. Tại Na chưa quen nên nóng mặt đấy thôi. Lình biên phòng nghịch như quỉ ấy, nhưng họ không làm gì các cô cả. Họ không đến nỗi khao khát tình cảm hay khao khát phụ nữ đến đọ thấy là nhảy vào mà ăn tươi nuốt sống cô giáo đâu. Lính ở đồn chủ yếu là người trong tỉnh, họ vẫn thường được về nhà (ngoài thời gian nghỉ phép theo qui định thì họ còn được thưởng phép sau mỗi lần lập thành tích bắt được bọn buôn lậu qua biên giới hay những thành tích khác đại loại như thế.) Còn ra huyện chơi đối với họ cũng thường xuyên vì đàn ông đi hết chưa đầy 1 ngày. Có lẽ không chỉ anh Salam mà nhiều người vẫn hình dung người lính cũng như các cô giáo trong bù méo mó đi như thế. Viết đoạn nầy, NT muốn nói về Na, cô ấy cũng đã hiểu sai về người lính qua lần tiếp xúc ban đầu đó, cô chưa hiểu về họ, cô còn quá non nớt khi chạm mặt với đời, thế thôi. NT sẽ trở lại với hình ảnh lính biên phòng trong những phần tiếp theo.
      "Một đời người, một rừng cây " của Trần Long Ẩn nếu NT nhớ không lầm thì ra đời vào 1984, trước thời điểm Na ra trường 2 năm.
      Tiếc rằng HƯƠNG NGÀN không cài đặt được chức năng gắn hình vào lời com, để NT cho anh Salam ngắm chân dung người đẹp nói chuyện qua đt hôm ở SG. Để NT nghiên cứu sau nhé.
      Buổi đấu đi tắm suối trong nỗi buồn chán, có gì mà kể? Chỉ rón rén tắm cả đồ thôi, coi chi?

      Xóa
  5. Phần 8 viết khá chân thực, ngắn gọn nhưng dồn nén nhiều hơi thở của cuộc sống, về những suy nghĩ đối lập trong nội tâm của nhân vật Na khi đối diện với thực tế. Đoạn kết cũng khắc họa một phần hiện tượng tính cách rất rõ, rất đời của người lính khiến truyện càng thêm đa chiều đa sắc giúp người đọc có một cái nhìn khách quan tổng thể hơn về cuộc sống vùng cao nơi đây...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Buổi đầu tiếp xúc với cuộc sống trong bù, buổi đầu rời trang sách bước vào cuộc sống, Na có nhiều hụt hẫng lắm. Cảm ơn anh đã động viên.

      Xóa
  6. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  7. Mặc dù gián đoạn từng phần , nhưng người viết vẫn giữ được cảm xúc mạch truyện. Cái dễ nhận ra là có cuộc cách mạng trong cách hành văn của tác giả. Trước đây hành văn hơi dài thì giờ rút ngắn nhất có thể để tránh rông dài .
    Lão thấy đáng tiếc là khúc gặp gỡ với các anh bộ đội Biên phòng. Đoạn này có thể viết hay hơn nhiều so với những gì thể hiện. Cách thể hiện gần như bê nguyên sự thật vào trang viết nhưng kỳ thực lại là không thật sự thuyết phục.
    Viết truyện phải có sự chọn lọc và diễn biến tâm lý nhân vật sao cho phù hợp với câu chuyện .Ý kiến của Salam là có một phần đúng . Những câu thoại trong khúc này là có thật nhưng có lẽ nó không nắm ở hoàn cảnh này mà có thể tác giả đã nhớ lại đâu đó và gắn nó vào đây , không thuyết phục.
    Trong bản năng gốc của con người , có bản năng sinh tồn. Trong bản năng sinh tồn có bản chất của giới tính. Một cô gái keo kiệt, thô thiển trước các chàng trai bao giờ cũng tỏ ra là có duyên , vui vẻ . Các chàng trai cộc cằn , thô tục trước các người đẹp bao giờ cũng cất dấu tính cách trên để tỏ ra lịch sự, quan tâm... Đó là bản chất thật.
    Mặc dù họ là những người lính , văn hóa thấp , chưa tiếp xúc nhiều với xã hội thì đã lên miền biên cương cầm súng. Trong họ vẫn là những con người chân chất từ đồng quê hay phố thị xa nhà , xa những người thân quen , thiếu hơi ấm tình người. Họ vẫn mang bản chất thật của con người thiếu tình cảm và thèm khát tình cảm như bao người khác. Xây dựng họ thành nhân vật rừng rú , phát ngôn thô tục trong lần gặp đầu tiên với một cô giáo là không hề thuyết phục người đọc.
    Những người xa nhà thường tìm hơi ấm quê nhà qua những người từ miền xuôi lên với thứ tình cảm anh em . Khúc đoạn này có đất để viết hay hơn nhiều để lột tả tâm lý xa nhà của cả cô giáo và mấy chàng bộ đội. Những câu thoại trên nên dành cho khi đã có sự thân quen , khi có nhiều người tham gia của cả hai phía là các cô và các anh.
    Không vì mình là cô giáo , ở bậc trí thức , xem thường nhân cách người lính biên cương là vô văn hóa quá mức dù cho lời nói cữ chỉ có phần dung tục. Phải đưa họ về bản chất con người trong cái bản năng sinh tồn đã nói ở trên trong hoàn cảnh của những người xa nhà , thiếu tình cảm , giữa những người khác phái , hơi rụt rè , hơi vui đùa , hơi thô thiển với nhau vì thiếu kiến thức, thiếu sự khéo léo , thiếu vốn từ , thiếu vốn sống... Sự thô lỗ , cười hô hố , băm bổ... không phải là bản chất , không phải là tâm lý đúng của nhân vật. Một tướng cướp máu lạnh , trước người đẹp hắn luôn tỏ ra lịch lãm , lóng ngóng và hiền lành là thể hiện bản chất của đàn ông đích thực. Vì thế , mới gặp nhau lần đầu , lại trong hoàn cảnh một cô gái xa lạ, mới lên vùng núi họ phải thể hiện sao cho ít nhất cũng từng sống và học dưới mái trường được giáo dục ở quê, đã từng có bạn bè , đã từng trải những đêm xa nhà giữa rừng xanh núi thẳm...
    Có thể về sau này , càng ngày lòng tin vào các anh bộ đội thiếu lịch sự mới bị mất thì đúng . Còn khúc đoạn này chưa đúng với những gì lão đã trình bày.
    Văn chương là đưa cuộc sống và con người vào trang viết . Còn như đây là Nhật ký thì không bàn nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thấy Lão hơi nặng nề khi đọc đoạn nghịch ngợm tếu táo của lính. Những lời chọc giận cô giáo không nói lên bản chất của họ. Tuy rằng, lính cũng có người thế này người thế khác chứ không hoàn toàn đẹp đẽ cả. Khi nói đùa cũng có người làm ta khó chịu. Ba người lính trong phòng trêu cô giáo và trêu chọc lần nhau, ( trêu nhau ghẻ, hắc lào hay thậm chí là giang mai...là thường xuyên thế, cả người trêu và người bị trêu đều cười, nói trả đũa cho vui, chỉ có Na là sống sách vở nên mới thấy khó chịu. Cái anh lính tương một câu rồi đi ấy hơi vô duyên, nhưng anh lính trong phòng đã dùng câu ca dao để làm nhẹ đi sự vô duyên đó . Thái độ của Na làm một người trong số đó ( anh ta chưa nói câu gì, đúng không?) tự ái và bảo mọi người đi sang em Nga.
      Trái với Lão nghĩ, những phần tiếp theo em sẽ khắc họa hình ảnh họ đẹp dần lên, Na sẽ hiểu về người lính hơn trong cuộc sống đời thường.
      Thế nha, đừng giận.

      Xóa
  8. 1- Câu chuyện đã qua tám kì nhưng tính theo đề mục thì chỉ mới sáu: 1- Khởi cuộc hành trình, 2- Đêm chờ, 3- Chị Tạp vụ, (4-5) Quyết định, (6-7) Đi bù, 8 - ??? Sao tác giả không đặt cho nó cái tên để người đọc dễ theo dõi?? Cứ đà này tiếp tục thì càng về sau càng rối.
    2- Đọc mấy phần trước cứ thắc mắc hai anh dân công biến đi đâu, đến phần 8 mới hay họ đi tắt rừng. Tác giả có lý và chặt chẽ trong việc “đẻ” ra và nuôi sống nhân vật. Tính cách các nhân vật vẫn đâu vào đấy: Nga hồ hởi vui vẻ, Tóc Vểnh và Tóc Đầm ngán ngẫm nói ra lời: Ôi chao ơi là đời! Đây mà là trường học ư. Ngồi chưa nóng chỗ hai cô đã mò “xuống bản lẻ từ chiều” . Với bản chất “tiểu tư sản”, điệu chảy nước thì Tóc Vểnh và Tóc Đầm có hăng hái đi thực tế làng bản vậy không. ??Chắc chắn ở đây họ không có người quen thân ?? Hihi tác gỉa vốn chặt chẽ trong từng hành tung của nhân vật, chắc hồi sau sẽ rõ.
    3- Đoạn Na hét lên “Mấy người ra khỏi phòng tôi ngay!”, “Mấy người chẳng đáng làm anh, đi ra ngay!” là thỏa đáng. Con gái nhà lành, có chữ nghĩa, mặt mũi sáng sủa (chiều không sủa) mà gặp mấy anh chàng nói năng văn mạng, thô lỗ, thì chịu sao nỗi. Nhưng chính cái đoạn có thể gây sốc cho người đọc này là cao trào cho cả phần 8. Làm cho phần này có dáng dấp một chuyện ngắn gần như trọn vẹn. Đây là chủ định của tác giả chớ không phải tùy tiện mà sinh ra thế.
    4- Về người bộ đội cụ Hồ, Na vẫn nghĩ “Họ lung linh lắm, họ là hình ảnh đẹp nhất của thời đại, đến nỗi "cả năm châu chân lí đang nhìn theo" cơ mà? Chưa ai viết về người lính mà có kiểu ăn nói bỗ bã như thế bao giờ!”. Sác xuất gặp gỡ của Na với mấy anh này hoàn toàn chưa nói lên bản chất những chàng lính trẻ canh giữ biên giới nơi đây. Tác gỉa tạo ra một ngoại lệ để sau này có những chính lệ đẹp đẽ vè họ. Bu tui tin chắc như thế.
    5- Tính cách con người lạ lắm, mà có lẽ như thế mới là con người. “Chứng kiến” mấy chú bộ đội gặp Na bu tui thấy lạ, nhưng ở đời còn nhiều chuyện lạ hơn. Bu tui chép lại một đoạn trong Hồi kí của Giáo sư - nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đăng Mạnh (tập 2 trang 232). Tại khách sạn Traphaco Đà Nẳng nhà văn Tô Hoài kể với giáo sư Mạnh: “Hồi hoạt động văn hóa cứu quốc ở Hà Nội, bị lộ, nó bắt bốn người: Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang, Như Phong, và đưa về Nam Định xử. Vì Vũ Quốc Uy bị bắt ở Nam Định khai ra. Nguyễn Đình Thi, Như Phong gia đình có tiền chạy án nên được tha. Trước khi thả ra nó giam chúng tôi ở nhà lao Nam Định, bốn thằng giam chung một phòng. Ngồi buồn tình bốn thằng tụt quần ra thi cái ấy xem của thằng nào to. Của Thi dài đuỗn ra như quả chuối tiêu, được nhất, Nguyễn Hữu Đang nhì, nhưng Đang không chịu vì đang cho của mình ngắn nhưng to hơn , Tô Hoài và Như Phong bét”. Bốn nhân vật trên toàn là đỉnh cao văn chương nghệ thuật nước nhà thế kỉ 20. Muốn biết trích ngang họ thì mời vào Gúc gồ.
    6- Na đã “chạm bản” cũng tức là chạn phải những gai góc, nóng lạnh, của tình người tình đời trong cuộc sống và công việc. Tác gỉa không nhất thiết chạy theo sự kiện mà quan tâm đến những chi tiết thật đặc trưng, và lý giải tâm lý nhân vật cho thật kì cùng thấu đáo. Đã thấy Na đi vào nội tâm “lấy hai tay bịt tai lại, không muốn nghĩ nữa, nhưng hình ảnh của Ninh với vẻ mặt đắc thắng hiện ra: " Anh nói với em rồi …cô giáo như em là cái thá gì? Rồi em sẽ phải hối hận, chắc chắn thế!" Na trùm chăn lại, rấm rứt khóc”...Còn hai cô điệu chảy nước kia đi đâu? Đã xuất hiện chị Lục chị Liên thì đừng quên mất họ mà tội nghiệp….

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm có dịp trò chuyện với anh Bu ở Vũng Tàu, không chỉ em mà cô giáo đi cùng cũng hết sức thán phục về vốn hiểu biết phong phú của anh Bu. Điều làm em ấn tượng nữa là sự thận trong đọc bài của bạn blog. Anh Bu bỏ công ra để tra cứu, tìm hiểu trước khi đưa ra một nhận xét nào đó trong lời com. Ví dụ như hỏi ông gu gồ xem thời điểm đó đã có bài hát ấy chưa chẳng hạn. Riêng phần truyện của em, anh đã in ra đọc kĩ càng rồi mới ghi nhận xét. Em chịu thôi.
      Có 2 chi tiết em đang bỏ ngỏ để sẽ móc vào phần sau. Chi tiết Tóc Vểnh, Tóc Đầm xuống bản lẻ ngay từ chiều, chi tiết này có hé lộ một chút ở phần trước, khi ngủ tại Hiệp Cát, Tóc Vểnh có nói với Na là thầy hiệu trưởng bảo cô và Tóc Đầm phải đi bản lẻ. Dân Nghĩa Đàn của Nghệ An không chỉ là dân ăn chơi sành điệu mà còn rất khôn ranh. Nguyên nhân đi bản lẻ ngay chắc chắn không phải vì "nhiệt huyết tuổi trẻ", Anh nghi ngờ rất đúng.
      Chi tiết Na bị người lính đem ra thách thức ai tán đổ mất hai con vịt cũng là nguyên nhân cho những hiểu lầm rắc rối sau này. Và chị Liên, chị Lục hay cô giáo thấp đậm ấy sẽ được nói đến trong các phần tới với những mảng cuộc sống nhằm lắp ghép hoàn chỉnh bức tranh chung.
      Anh Bu đừng lo rối, mọi việc đang đi theo đúng ý định, chỉ có điều có đủ cảm hứng mà viết không thôi, anh Bu ạ.

      Xóa
  9. Đồng quan điểm với Lão Tân !
    Dù rằng những người lính có thể là ít học , nói năng có phần thô lỗ , tục tĩu nhưng ở đây ta sẽ đi vào phân tích tình cảnh như trong bài viết này .
    - Một cô giáo trẻ di đến một miền đất mới , điều đầu tiên là hồi hộp kèm theo nỗi lo sợ mơ hồ . Mong gặp được những người cùng cảnh để sẻ chia , đó là suy nghĩ có thật . Nhưng khi gặp phải mấy người lính như vậy thì cảm thấy hụt hẫng , hoang mang và kinh sợ . Đoạn văn này diễn đạt được điều đó
    - Về phía mấy người lính , họ là những người lính trẻ xa nhà , một tuần mới được xả trại một lần . Niềm vui của họ là đi tìm những người con gái để tâm sự , tìm hơi ấm của những người khác giới để sưởi ấm cõi lòng trong những đêm dài cô quạnh . Đó là tiếng gọi bản năng của giống đực đi tìm giống cái . Khi gặp một cô giáo trẻ như vây , bản chất của đàn ông là chở che , cưng chiều .. Nhiều khi còn ân cần săn sóc quá mức cần thiết . Nhất là khi rất nhiều đàn ông cùng quan tâm đến một người con gái , thì sự nâng niu lạ càng cao hơn , tại sao như vậy ? Đơn giản đó là tính cạnh tranh , ai cũng muốn chứng tỏ mình ga lăng hơn người kia .. Vì thế đoạn văn này theo Salam là không thuyết phục
    - Đoạn miêu tả ở phòng của Nga thì đúng , không phải nói là Nga dễ dãi mà vì họ đã quên mhau lâu rồi nên hiểu rõ nhau , bông phèng với nhau như thế là tạm chấp nhận được . Theo Salam đoạn văn này nên để khi Na làm quen được vài chú lính , rồi vào doanh trại chơi . Khi ấy mays ông tướng bông phèng ở xa chứ không phải trước mặt Na . Vì dù có thể ít học nhưng những người lính cũng biết cư xử thế nào trước một cô giáo có học .
    - Kể cả khi đi tìm gái làm tiền , những người đàn ông cũng phải cư sử đúng mực . Biết bao người no đòn hoặc mất mạng vì sự lỗ mãng đấy thây . Tả những người lính trẻ mà như tả môt bày thổ phỉ dzậy
    P/ s : Salam thâtj lòng nhận xét dzậy , không phải là không biết khen , nhưng lời khen phải đúng nơi đúng chỗ chứ không " Khen nhau như thế khác nào phụ nhau " . .. Salam kiệm lời khen cũng vì vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Salam đọc phần trả lời của em ở trên rồi chứ? Anh đừng nặng nề như thế. Thời đó, lính và cô giáo sống vô tư, trong sáng lắm, không nặng giống đực- giống cái như anh nghĩ đâu. Họ đâu phải là thổ phỉ bị nhốt trong rừng sâu hả anh? Lính đi nghĩa vụ 2 năm, cô giáo nghĩa vụ trong bù 3 năm. Tất cả trong độ tuổi từ 18 đến 23, nghịch ngợm như trẻ con, trêu chọc nhau, chửi nhau te tua rồi lại cười như nghé. Chẳng ai nghĩ đến chuyện yêu đương cả.

      Xóa
    2. Em đã đưa hình của chân dài trên rồi nha. Nói thêm: hôm đó anh mua 2 bát xúp gì đó nghe nóng giòn và thơm lắm nhưng em không được ăn đâu đấy. Lên đến phòng thì ả Hoe bảo: "anh ấy mua cho em, chị không được ăn". Còn một hộp nữa phải cho con của cô giáo trong phòng. Anh liệu đó, muốn có đt của chân dài không? Mua vài chục bát xúp nữa nha. He he...

      Xóa
    3. Hình ảnh giống mấy thằng Thổ phỉ như Salam nhận thấy cũng có trong lão khi đọc khúc này. Mấy thằng này quê ở Diễn châu nhưng sinh trong rừng , lớn trong rừng , ăn nói như người rừng và lớn lên thì...quê ở Diễn châu nhưng làm bộ đội biên phòng ! Có lẽ nên giải thích như thế thuyết phục người đọc hơn . Chán !

      Xóa
    4. Ui da ! Ui da
      Nhìn chân ngắn hoa hết cả mắt rùi ! Chu cha mệ nội ui , con cái nhà ai mà như " Thị Nở " rứa hè . Biết rứa thì ngày hôm sau đóng cửa hàng theo đi Mỹ Tho nhởi luôn . Kiểu ni phải 2 nồi xúp chứ không phải 2 hộp nữa mô
      Thôi cho Hòn Sỏi và Lão Tân dành nhau " Cặp Vịt " , cho Salam số điện thoại đồng hương Cơ khí Vinh đê

      Xóa
    5. NT ơi!
      Hôm qua nghe Em nói về bài " Học sử khó lắm " của Lão Hoà Thựng , Salam bực lắm , theo đường link Em cho Salam đã sang comemnt .. Đang chờ câu trả lời

      Xóa
  10. Vẫn biết rằng: trong cuộc sống điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng đọc đoạn văn kể về những người lính biên phòng tới chơi phòng Na mình cũng choáng thật sự NT ạ.
    Mình cũng có ý kiến như của lão Tan và chàng SALAM về phần này đó em. Bởi vì mình đã từng có người iu là lính, thậm chí ở gần đơn vị bộ đội thời học sinh, dạy trong trường Quân sự Quân khu 3 mười bảy năm nhưng mình chưa từng gặp cảnh ngộ nào tương tự như ri mô. Mình nghĩ những người lính có thể chọc ghẹo một cô gái gặp trên đường đi theo kiểu bỗ bã như trên chứ khi đến nhà người trẻ trung xinh xắn như búp bê lại còn là cô giáo nữa thì có vẻ khó thuyết phục em à

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người yêu chị là cán bộ giảng dạy, những người lính này là lính nghĩa vụ ở biên giới, so sao được chị ơi. Dù chị và mọi người không tin nhưng đó là hiện thực. Tuy nhiên, em không phải không có chủ ý khi đưa đoạn truyện này vào. Chị nên hiểu rằng, đó là họ đùa, họ chọc ghẹo nhau. Suy nghĩ của chị và của mọi người y chang suy nghĩ của Na lúc đó.

      Xóa
    2. Nên biết giật mình vì viết truyện mà cứ phải thanh minh giải thích cho người đọc hiểu . Truyện khó quá vậy sao ?

      Xóa
  11. Ngay từ đầu mình đã đọc rất kỹ phần kết nói về tính cách suồng sã của mấy người lính biên phòng và lời comment nhận xét trái chiều của bạn bè. Theo mình nghĩ đây là đoạn viết khá chân thật, sát với thực tế của tác giả. Đành rằng văn học ko nên bê nguyên xi cuộc sống vào trang viết như nhật ký mà phải chọn lọc, gọt giũa từng chi tiết. Cũng như viết chân thật khác với viết thật thà, nếu ko sẽ trở nên vụng về và phản cảm. Nhưng ở đây Nhật Thành muốn nói lên hiện tượng, tính cách, thời điểm của những người lính và tâm trạng, nhận thức của Na trong một hoàn cảnh nhất định là điều hoàn toàn phù hợp. Những điều bỗ bã trên của người lính hoặc phản ứng của Na ko phải là bản chất. Hẳn Nhật Thành đưa ra để làm phép so sánh sau này qua cọ xát với thực tế cuộc sống thì những phần tốt đẹp tiềm ẩn sâu trong mỗi con người mới dần ngời sáng dần ra và nổi bật lên.Qua đó cho ta thấy đánh giá con người ko nên chỉ vào lời nói và dáng vẻ bề ngoài... Nói cách khác, nhân vật trong truyện cần đc thể hiện nhiều cá tính, tâm trạng, mâu thuẫn, thống nhất, có mặt tốt, mặt xấu. Như vậy thì tác phẩm mới đa dạng, phong phú khiến người đọc trăn trở và có ấn tượng sâu sắc về nó. Chúng ta mong chờ và hy vọng NT sẽ thể hiện tốt mọi điều qua những trang viết tiếp theo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ( Lời khen cũng như nước hoa , chỉ để ngửi chứ không nên uống - Trương quang Thứ ) . Sau đây là lời comemnt đầu tên :
      ( Phần 8 viết khá chân thật , ngắn gọn nhưng dồn nén nhiều hơi thở của cuộc sống về những suy nghĩ đối lập trong nội tâm của nhân vật Na . Đoạn kết cũng khắc hoạ một phần hiện tượng tính cách rất rõ , rất đời của người lính khiến chuyện càng thêm đa chiều , đa sắc giúp người đọc có một cái nhìn khách quan tổng thể hơn về cuộc sống vùng cao nơi đáy )
      - Người cầm bút ban đầu lúc nào cũng vụng về , ngây ngô trong những bài vănhay những bài thơ , độc giả dễ dàng tìm thấy sự chân thật trong đó . Nhưng qua thời gian gọt giữa câu chữ theo lối hàn lâm , muốn quay lại sự chân thật vụng về đó còn khó hơn lên trời , bởi vì độc giả sẽ dễ dàng phát hiệ ra " Cưa sừng làm Nghé "
      - Sự thật khác với trần trụi . Salam kể câu chuyện này : Hồi xưa xem bộ phim Tiếng chim hót trong nụi mận gai ( Tác giả Colleen McCullough nói về chuyện tình của cô bé Meggie vói cha xứ Ralpli ) đến đoạn Cha Ralpil và cô bé Meggie làm tình trên bãi biển - hai người chỉ hôn nhau rồi nằm xuống , đạo diễn chuyển cảnh những con sóng ào ạt xô bờ . Người xem sẽ biết chuyện gì sẽ xảy ra , điều tinh tế của sự thật là đó . Nếu như cho mấy ông đạo diễn Việt thì đoạn đó sẽ khai thác : Thân thể loã lồ của hai người và tiếng thở hổn hển , đó là sự thạt trần trụi mà người xem tinh tế sẽ thấy khó chịu
      - Quay lại đoạn văn của NT lào comemnt của Salam , Lão Tân và Song Thu là đúng đó là : Đoạn văn trên chỉ là cảm giác hụt hẫng ban đầu của Na mà thôi
      - Còn đọc lời com của Quang Thứ theo Salam nên dành cho cả cuốn tiểu thuyết hay ít ra cũng 1/2 . Salam sẽ phân tich lời bình này
      ( Phần 8 viết khá chân thật , ngắn gọn nhưng dồn nén nhiều hơi thở cuộc sống về những suy nghĩ trong nội tâm của nhân vật Na ) - Đi bộ mấy ngày lại dầm mưa dãi nắng mệt bỏ xừ , không bị cảm là may , vào đến nơi chỉ trông nghỉ ngơi để lại sức mà bị mấy chú bộ đội phá đám , bực mình muốn chết . Na chỉ bị bất ngờ và hơi xốc vậy thôi , vì mệ mỏi rồi lại lăn ra ngủ tiếp , còn sức đêu mà suy ngẫm chân lý với chả chân giả . Mới vào 1/2 ngày chưa tiếp xúc , va chạm thì làm sao có " Hơi thở cuộc sống " tràn vào ?
      (. Đoạn kết cũng khắc hoạ một phần hiện tượng tính cách rất rõ , rất đời của người lính khiến chuyện càng thêm đâ chiều , đa sác giúp người đọc có một cái nhìn khách quan tổng thể hơn về cuộc sống vùng cao nơi đây )
      - Thật là buồn cười chỉ một đoạn văn trên mà đã lột tả được rất nhiều điều , thế thì cần gì Salam và mọi người theo dõi phần tiếp theo mà làm giề ( Lòi còm này đầy sạn Salam không muốn phân tích thêm )
      - Có một đoạn văn mà " Khen " quá cỡ thợ mộc như vậy , cũng không thể khen như vậy được .. Ngay Salam Lão Tân Hòn Sỏi , lão Hoà Thượng cũng đang tò mò theo dõi phần tiếp theo . Mà sao Quang Thứ giết trước phần kết ? Hay NT cho xem bản thảo trước
      Kết luận cuối cùng của Salam về đoạn văn trên : Đây là màn dạo đầu khi Na bắt đầu đặt chân vào Bù , mọi chuyện còn ở phía trước
      P/ s. : Hòn Sỏi không cho Salam soi thơ Quang Thứ giờ thì soi còm hè hè hè

      Xóa
    2. Salam à.
      Đoạn kết là mình muốn nói từ chỗ "Na ngồi bó gối trên giường, không khóc mà nước mắt cứ giàn giụa"... rồi bắt đầu những liên tưởng, giằng xé trong nội tâm của nhân vật Na với nhiều tình tiết và sự việc xảy ra tiếp theo đến khi gặp mấy chàng lính biên phòng. Lẽ nào đó không là thực tế mang đầy hơi thở cuộc sống hay sao? Nhận xét "Đoạn kết cũng khắc hoạ một phần hiện tượng tính cách rất rõ , rất đời" là nói và hiểu theo một khái niệm tương đối. Mình chỉ com đó là "một phần hiện tượng, tính cách" nhân vật, còn phải "mong chờ và hy vọng NT sẽ thể hiện tốt mọi điều qua những trang viết tiếp theo" cơ mà...
      Khen chê là dựa trên cơ sở cảm nhận của từng người, có thể đúng hoặc sai nhưng mình ko hướng cảm nhận theo số đông. Còn Nhật Thành đón nhận / hoặc chấp nhận và uống hay ngửi nước hoa từ lời khen đó hay ko thì do ý thức của tác giả nữa...
      Mà Salam soi NT kỹ quá còn quay sang soi mình phát khiếp. Hì hì...

      Xóa
    3. Chết cười với Quang Thứ thôi !
      Hãy để ý đến Lão Hoà Thượng , những làn trước khen rất nhiệt tình , nhưng lần này rất kiệm lời , nửa muốn nửa không . Salam chỉ ngán Mệ OM thôi , nhưng hôm nay có Mệ thì cũng khó đỡ . Bởi vì bài viết đã như thế như thế thì muốn bênh cũng không được . Cứ như Còm của Song Thu là chuẩn nhất
      Đây là trang nhà , toàn người nhà với nhau vì thế cũng không nên khách sáo mà làm gì . Cứ cởi mở lòng ra với nhau là được . Không cần phải giữ kẽ , bởi vì đây là những lời góp ý chân thành để tác giả hoàn thiện thêm . Còn mà vì lời khen hay , khen đẹp trong nhà này đầy người giỏi , đầy những lời có cánh , rát lung linh .
      P/ s : Không soi thì không phải Salam zồi hè hè hè ..

      Xóa
    4. Nay có ả áo đen, NT nhằm Salam mà tặng, thành thử lão ba hoa khủng khiếp. Hôm sau cũng gái xinh ấy mà ngồi tạo dáng kiểu (ngồi cầu cá tra) nhà Có khi Nào thì khéo Salam ngủ bên blog Hương ngàn mất thôi...!

      Xóa
    5. Anh Sỏi ! Có tin em lột mắt kiếng anh k hả? Bá đạo phát ớn lun !

      Xóa
    6. Có Khi Nào em nóng giận với anh đâu
      Lột mắt kính cho mù lun đó hả
      Đùa một tý bảo bá đạo là hơi quá
      Ôi người xinh sao tính lại ... cá cày.

      Há há bênh nhau tý

      Xóa
    7. Tính cá cày là tính sao thế anh Thăng ui ! em hổng hiểu. Hì hì. bá đạo là ...em trêu vậy thui á mà. hì hì

      Xóa
    8. Cá cày tức là đanh đá, bướng bỉnh đó em.

      Xóa
  12. HTĐN 6 và 7 nhiều người khen nhưng mình thấy còn nhiều tiểu tiết cần bàn - Qua rồi bỏ.
    Nhưng cái được của ĐI BÙ là tác giả đã phác họa nhân vật cô giáo trẻ Na thông minh, mơ mộng, ham hiểu biết và rất cá tính... Sang HTĐN 8 khi vừa "Chạm bản" ngắm những nhà sàn san sát, nhưng cô gái Thái đi làm về chào hỏi thầy hiệu trưởng tâm trạng của Na khá phấn chấn. Đến khi cô thấy ngôi trường quá hoang toàng, rồi cuộc giao tiếp với mấy anh biên phong thì Na thấy hụt hẫng, chán trường đến tuột cùng; cô đã đuổi họ ra khỏi phòng. Quá trình diễn biến tư tưởng là hoàn toàn phù hợp với tâm lý và tính cách của cô giáo Na. Mình có cảm giác nếu có người quay ra thị trấn ngay trong đêm, cô giáo Na cũng theo ra không ở lại ngôi trường này một giờ, một phút nào nữa. Nhưng Na không về một phần do không có người ra, phần vì tính hiếu thắng, tính ương ngạnh... và lòng tự ái trong cô trào lên đã ngăn cô lại. Tác giả đã sử dụng mấy anh biên phòng làm đòn bẩy đẩy mâu thuẫn lên cực điểm. Tác giả là một giáo viên ở miền núi lâu năm hẳn biết bộ đội biên phòng trình độ văn hóa không hề thấp. Họ còn làm tác dân vận, giúp dân để vận động họ phối hợp bảo vệ an ninh biên giới... Cùng với thái độ thơ ơ của cô giáo ở trường, thày hiệu trưởng bỏ về nhà, ngay buổi chiều hai cô giáo xuống bản... là những tình tiết chưa hợp lý, còn bỏ ngỏ... Chắc rằng tác giả có ý đồ gì chăng - Chúng ta cần chờ ở các phần tiếp theo.
    Hình như HTĐN 8 tác giả gợi mở cho độc giả về các vấn đề tiếp theo thì phải.
    Có một chính trị gia nói: Muốn bẻ cong chân lý bằng cách nâng nó lên quá sự thật. Trong văn học và cuộc sống không nên dùng phương pháp này kẻo có tác dụng ngược.
    Riêng đối với HTĐN 8 mình có góp ý thế này:
    - Sau hai từ "Chạm bản" chấm và cho xuống dòng ngay hoặc lấy đó làm tiêu đề như "Đi bù" vậy.
    - "Chào xong, họ lại cắm cúi đi theo một hàng dọc, " Cái từ "một hang dọc" mình đọc thấy hơi gờn gợn, gai gai thế nào ấy Nhật Thành ạ! đó là cảm giác thôi nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy chi tiết chưa hợp lí đó là những chi tiết còn phải nói rõ ở phần sau đó anh.
      Em sẽ nghĩ môt cái tiêu đề hợp lí. Còn "Chạm bản" xuống dòng là đúng rồi ạ. Em sẽ sửa lại.

      Xóa
  13. Áo đen, da trắng tặng Salam
    Hồng tím, nghĩ chi ngồi chống cằm
    Bài TƯỞNG vừa đăng sao đã gỡ
    Mình chưa kịp đọc đã mất tăm./.

    Chắc là có gì phạm húy chăng - Bạo miệng lắm cơ mà.

    Trả lờiXóa
  14. Tác giả Nhật Thành chắc là đang quá ngán khi phải trả lời những comt trái chiều của độc giả. Không phải ngán vì trái chiều, mà ngán vì cứ phải lặp dfi lặp lại ý tưởng của mình cho người đọc hiểu.
    OM thấy đây là một truyện dài. Các chi tiết không cần phải quá cô đọng như truyện ngắn. Hơn nữa, khi tách các chi tiết ra ròii phân tích nó chưa được ở chỗ này, chỗ kia... trong khi câu chuyện chưa kết thúc, có phải chúng ta hơi nóng vội quá không? Biết đâu, chính những chi tiết ấy sẽ là cái chốt để bật lên những câu chuyện khác thì sao?
    Mình thấy gì chưa được (theo ý mình) thì cứ góp ý cho tác giả, nhưng đừng "cứng" quá! Mình đâu phải bố mẹ của tác phẩm. Hãy để cho mẹ cháu nó tự quyết đi ạ! :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. " Salam chỉ ngán Mệ OM thôi , nhưng hôm nay có Mệ thì cũng khó đỡ"
      Salam ngán Om là đúng, và giờ thì để Sa "đỡ" cho NT lời còm của Om vậy.

      Xóa